Bản án về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm số 483/2022/HS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 483/2022/HS-PT NGÀY 24/11/2022 VỀ TỘI SẢN XUẤT, BUÔN BÁN HÀNG GIẢ LÀ PHỤ GIA THỰC PHẨM

Ngày 24 tháng 11 năm 2022, tại trụ sở Tòa án Nhân dân Thành phố H, xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 397/HSPT ngày 11 tháng 10 năm 2022 đối với bị cáo Trần Văn P1 và Trần Tấn P do có kháng cáo của hai bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 63/2022/HS-ST ngày 14 tháng 7 năm 2022 của phố Tòa án Nhân dân Quận X, Thành H.

Các bị cáo có kháng cáo:

1. Trần Văn P1, sinh năm 1973 tại Thành phố H; nơi thường trú: Phường B, Quận S, Thành phố H; nơi cư trú: Đường K, Phường M, Quận N, Thành phố H; nghề nghiệp: làm thuê; trình độ học vấn: không biết chữ; dân tộc: Hoa; giới tính: nam; tôn giáo: Phật; quốc tịch: Việt Nam; con ông Trần và bà Trương Xuân N; có vợ (đã ly hôn) và 02 con; tiền án: không; tiền sự: không; tại ngoại có mặt.

2. Trần Tấn P, sinh năm 1967 tại Thành phố H; nơi thường trú: Phường B, Quận S, Thành phố H; nơi cư trú: ĐƯờng K, Phường M, Quận N, Thành phố H; nghề nghiệp: buôn bán; trình độ học vấn: 02/12; dân tộc: Hoa; giới tính: nam; tôn giáo: Phật; quốc tịch: Việt Nam; con ông Trần D và bà Trương Xuân N; có vợ và 02 con; tiền án: không; tiền sự: không; tại ngoại có mặt.

Ngoài ra còn có 02 bị cáo không có kháng cáo và không bị kháng nghị.

Ngưi bào chữa: Ông Nguyễn Văn G, Luật sư của Văn phòng Luật sư G thuộc Đoàn Luật sư Thành phố H bào chữa cho hai bị cáo Trần Văn P1 và Trần Tấn P, có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào khoảng 15 giờ 30 phút ngày 26 tháng 01 năm 2021, Tổ tuần tra Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ Công an Quận X kết hợp cùng Công an Phường 13, Quận X, Thành phố H phát hiện Trần Tấn P là chủ hộ kinh doanh tạp phẩm (đường, đậu, bột năng…) tại địa chỉ số Đường K, Phường M, Quận N, Thành phố H đang mang vác 03 bao bột ngọt in nhãn hiệu VEYU từ bên trong nhà để lên xe mô tô nhãn hiệu Honda Wave màu đỏ, biển số 51M5-xxxxx, có dấu hiệu nghi vấn là hàng giả nên tiến hành kiểm tra có sự chứng kiến của những người làm chứng Nguyễn Văn S và Tạ Quốc H. Cùng thời điểm này, tại địa chỉ Đường K, Phường M, Quận N, Thành phố H có những người làm công phụ giúp cho P gồm: Trần Văn P1, Trần N2 và Thạch B. Tổ tuần tra Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ Công an Quận X mời P, P1, N2 và B về trụ sở để làm rõ sự việc.

Quá trình điều tra được biết, Trần Tấn P thuê nhà Đường K, Phường M, Quận N, Thành phố H để kinh doanh buôn bán các loại tạp phẩm như: bột, đường, đậu, bột ngọt (cả chính hãng và bột ngọt xá của Trung Quốc) từ năm 2004 đến khi bị bắt. Trong quá trình kinh doanh buôn bán, P có thuê em ruột là Trần Văn P1, Trần N2 và Thạch B đến tiệm để phụ buôn bán. Do thường đi vắng nên P có giao việc trông coi cửa tiệm cho Trần Văn P1 chịu trách nhiệm quản lý. Vào khoảng cuối năm 2019, đầu năm 2020 (không rõ ngày cụ thể), khi P1 đang ở tiệm một mình thì có một người đàn ông (khoảng 40 tuổi, nói giọng miền Bắc, không rõ lai lịch) chào bán 04 bao bột ngọt nhãn hiệu VEYU và 03 bao bột ngọt nhãn hiệu Saji (loại 25kg/bao) với giả rẻ, không có hóa đơn. P1 biết là bột ngọt giả nhưng vẫn đồng ý mua với số tiền là 840.000 đồng/bao nhãn hiệu VEYU và 900.000 đồng/bao nhãn hiệu Saji với mục đích sẽ bán lại cho khách vãng lai để kiếm lời từ 850.000 đồng/bao nhãn hiệu VEYU và 930.000 đồng/bao nhãn hiệu Saji. P1 gọi điện thoại báo cho P biết đã nhập 07 bao bột ngọt nhưng không nói là nhập bột ngọt giả thì P đồng ý nói P1 trả tiền. P1 trực tiếp trả 6.000.000 (Sáu triệu đồng) cho người đàn ông (giảm 60.000 đồng). Sau đó, P1 bán được 02 bao bột ngọt hiệu VEYU và Saji cho khách thu được 1.780.000 đồng. Khi P về có hỏi P1 hóa đơn thì P1 thừa nhận số bột ngọt trên là giả nhưng P vẫn đồng ý để lại cửa hàng để bán cho khách. Nhận thấy việc bán bột ngọt giả khó phát hiện và có lời nhiều nên P1 nảy sinh ý định mua bao bì cũ để tráo đổi vỏ bao bì các loại bột ngọt xá Trung Quốc giả làm bột ngọt thành phẩm chính hãng do Công ty VEDAN sản xuất nên đến các cửa hàng buôn bán bao bì cũ tại khu vực đường P, Phường B, Quận N, Thành phố H để tìm mua các loại bao bì bột ngọt đã qua sử dụng (loại bao tải 25kg) có mang nhãn hiệu VEYU và Saji mang về tiệm, sau đó dùng các bao bì này để thay thế cho lớp vỏ bao bì của các loại bột ngọt xá (do Trung Quốc sản xuất, giá từ 770.000 đồng - 785.000 đồng/bao), giữ nguyên lớp bao bì nylon bên trong, rồi dùng máy may mép trên miệng bao lại giả thành các bao bột ngọt chính hãng thành phẩm. Với cách thức này, P1 chỉ dẫn cho , B và N2 cùng thực hiện rồi bán cho khách vãng lai nhiều lần (không nhớ rõ số lần cụ thể) với giá chính hãng từ 850.000 đồng đến 930.000 đồng/bao và không bị ai phát hiện. Việc mua bao bì cũ, thay thế vỏ bao, sang chiết bột ngọt, may miệng bao và giao cho khách hàng không có sự phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng người mà người nào rảnh thì làm vì đều là người trong gia đình. Các công đoạn đều được thực hiện tại phòng phía sau cửa hàng Đường K, Phường M, Quận N, Thành phố H. Đối với máy may và máy ép được trang bị trong tiệm từ trước để sang chiết các loại bột, đường, đậu.. thành gói nhỏ bản lẻ cũng được P1, P, N2 và B sử dụng trong quá trình làm bột ngọt giả.

Cơ quan điều tra đã xác định trong số những khách mua hàng bột ngọt nhãn hiệu VEYU tại địa chỉ số ĐƯờng K, Phường M, Quận N do Trần Tấn P làm chủ gồm có: bà Lý Thị Hoài H1 thường gọi là “Cô B” đã mua của P được 05 lần (không rõ số lượng cụ thể) để bán lại cho người tiêu dùng và đã bán hết. Ngoài ra, còn có bà Lê Thị Ánh T4 đã mua của P được 07 lần, mỗi lần 05 bao để sử dụng và làm từ thiện hết. Bà H1 và bà T4 không biết số bột ngọt mua là giả và đã tiêu thụ hết, do không thu giữ được vật chứng nên không có căn cứ để xử lý.

Tại Cơ quan Cảnh sát điều tra, Trần Văn P1, Trần Tấn P, Trần N2 và Thạch B khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội như trên. Cơ quan điều tra tiến hành cho Trần Văn P1, Trần Tấn P, Trần N2 và Thạch B đối chất với nhau đều thừa nhận phù hợp.

Vật chứng thu giữ: theo biên bản giao nhận vật chứng ngày 15/7/2021 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận X, Thành phố H.

Tại Công văn số 0120/21CV-VDN ngày 04/02/2021 của Công ty Cổ phần hữu hạn Vedan Việt Nam xác nhận: nhãn hiệu bột ngọt VEYU và Saji là nhãn hiệu độc quyền của Công ty Cổ phần hữu hạn Vedan Việt Nam, đã được Cục sở hữu trí tuệ thuộc Bộ khoa học và công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, có địa chỉ: Quốc lộ 51, ấp 1A, xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Các đương sự Trần Tấn P, Trần Văn P1, Trần N2 và Thạch B không phải là nhân viên hoặc đại lý của Công ty Vedan và không được ủy quyền cho phép sản xuất, gia công bột ngọt (mì chính) mang nhãn hiệu VEYU và Saji. Đại diện Công ty Cổ phần hữu hạn Vedan Việt Nam đã trực tiếp thẩm định toàn bộ lô hàng bột ngọt do Công an Quận X thu giữ được đều là hàng giả nhãn hiệu.

Tại Kết luận định giá tài sản số 28/KL-HĐĐGTS ngày 02/3/2021 của Hội đồng định giá tài sản thường xuyên trong tố tụng hình sự Ủy ban nhân dân Quận X kết luận: 21 bao bột ngọt thành phẩm hiệu Saji, loại 25kg/bao, chưa qua sử dụng, tỷ lệ mới 100%, tại thời điểm định giá tháng 01 năm 2021 có giá trị là 23.562.000 đồng (Hai mươi ba triệu năm trăm sáu mươi hai nghìn đồng); 43 bao bột ngọt thành phẩm hiệu VEYU, loại 25kg/bao, chưa qua sử dụng, tỷ lệ mới 100 %, tại thời điểm định giá tháng 01 năm 2021 có giá trị là 43.043.000 đồng (Bốn mươi ba triệu không trăm bốn mươi ba nghìn đồng). Tổng giá trị số bột ngọt trên là 66.605.000 đồng (Sáu mươi sáu triệu sáu trăm lẻ năm nghìn đồng).

Tại Kết luận giám định số 1201/C09B ngày 18/3/2021 của Phân viện Khoa học hình sự tại Thành phố H kết luận:

- Trên bao bì của 02 bao bột ngọt hiệu VEYU thành phẩm và 02 bao bột ngọt hiệu Saji thành phẩm, tất cả đều là loại 25kg/bao (ký hiệu mẫu M1) ngoài dấu vết may bao hiện tại, không phát hiện thấy dấu vết đường may khác.

- Trên bao bì 03 bao bột ngọt hiệu VEYU thành phẩm, đều là loại 25kg/bao, trên mỗi bao bì có ký hiệu “quả tang” (ký hiệu mẫu M2) ngoài dấu vết may bao hiện tại, phát hiện dấu vết lỗ kim đường may đã cũ mép trên 03 vỏ bao bì.

- Trên 02 vỏ bao bì bột ngọt hiệu VEYU và 02 vỏ bao bì bột ngọt hiệu Saji (ký hiệu mẫu M4) phát hiện dấu vết lỗ kim đường may đã cũ mép trên 02 vỏ bao bì bột ngọt hiệu Saji.

- Dấu vết đường may cũ trên bao bì của 03 bao bột ngọt hiệu VEYU (ký hiệu M2) và 02 vỏ bao bì bột ngọt hiệu Saji (ký hiệu M4) có đặc điểm về hình dạng và khoảng cách lỗ may giống với 02 bao bột ngọt hiệu VEYU thành phẩm do Công ty VEDAN Việt Nam cung cấp. Đặc điểm dấu vết trên đường may không đủ cơ sở xác định có phải do cùng một máy may tạo ra.

- Dấu vết đường may, chỉ may hiện có trên bao bì của 02 bao bột ngọt hiệu VEYU thành phẩm và 02 bao bột ngọt hiệu Saji thành phẩm (ký hiệu mẫu M1)có đặc điểm về hình dạng và khoảng cách lỗ may giống với mẫu may thực nghiệm từ máy may bao hiệu MEGATEX-model: N602H (trong mẫu ký hiệu M5), đặc điểm riêng không đủ cơ sở truy nguyên máy may cụ thể.

- Dấu vết đường may, chỉ may hiện có trên bao bì của 03 bao bột ngọt hiệu VEYU thành phẩm (ký hiệu mẫu M2) có đặc điểm về hình dạng và khoảng cách lỗ may giống với mẫu may thực nghiệm từ máy may bao hiệu NENLONG – model: NP-7A, đặc điểm riêng không đủ cơ sở truy nguyên máy may cụ thể.

- Dấu vết đường may trên 02 vỏ bao bì bột ngọt hiệu VEYU và 02 vỏ bao bì bột ngọt hiệu Saji (ký hiệu mẫu M4) có hình dạng và khoảng cách lỗ may không trùng khớp với mẫu tạo ra từ máy may bao hiệu MEGATEX-model: N602H và hiệu NENLONG-model: NP-7A (ký hiệu mẫu M5).

Tại Kết luận giám định số 1201/2/C09B ngày 08/4/2021 của Phân viện Khoa học hình sự tại Thành phố H kết luận:

- Các hạt tinh thể đựng trong 02 bao bột ngọt hiệu VEYU (ký hiệu M1.1, M1.2) và trong 03 bao bột ngọt hiệu VEYU (ký hiệu M2.1, M2.2, M2.3) đều có thành phần hóa học khác với mẫu so sánh cùng loại tương ứng do Công ty Cổ phần hữu hạn VEDAN Việt Nam cung cấp và sản xuất.

- Các hạt tinh thể đựng trong các 02 bao bột ngọt hiệu Saji (ký hiệu M1.3, M1.4) đều có thành phần hóa học khác với mẫu so sánh cùng loại tương ứng do Công ty Cổ phần hữu hạn VEDAN Việt Nam cung cấp và sản xuất.

- Các hạt tinh thể đựng trong 02 bao bột ngọt hiệu Saji (ký hiệu M1.3, M1.4) có thành phần hóa học giống với các hạt tinh thể của 01 bao bột ngọt (Trung Quốc) hiệu MSG (ký hiệu M3.2) và khác với các hạt tinh thể của bao bột ngọt in chữ nước ngoài (Trung Quốc ) có hình 02 con tôm (ký hiệu M3.1);

- Các hạt tinh thể đựng trong 02 bao bột ngọt hiệu VEYU (ký hiệu M1.1, M1.2), 03 bao bột ngọt hiệu VEYU loại 25kg (ký hiệu M2.1, M2.2, M2.3) đều có thành phẩn hóa học khác với các hạt tinh thể của các bao bột ngọt xá in chữ nước ngoài (Trung Quốc) hiệu MSG (ký hiệu M3.2) và các hạt tinh thể của các bao bột ngọt xá in chữ nước ngoài (Trung Quốc ) có hình 02 con tôm (ký hiệu M3.1).

Tại Kết luận giám định số 1201/1/C09B ngày 27/4/2021 của Phân viện Khoa học hình sự tại Thành phố H kết luận:

- Các lớp in trên bao bì bột ngọt mang nhãn hiệu VEYU mẫu cần giám định ký hiệu A1, A2, từ A5 đến A9 so với các lớp in tương ứng trên bao bì bột ngọt cùng nhãn hiệu VEYU mẫu so sánh ký hiệu M1, M2, M5, M6 là không được in ra từ cùng một bản in.

- Các lớp in trên bao bì bột ngọt mang nhãn hiệu Saji mẫu cần giám định ký hiệu A3, A4, A10, A11 so với các lớp in tương ứng trên bao bì bột ngọt cùng nhãn hiệu Saji mẫu so sánh ký hiệu M3, M4, M7, M8 là không được in ra từ cùng một bản in.

Tại bản Cáo trạng số: 98/CTr-VKSQ5 ngày 01/11/2021 của Viện kiểm sát nhân dân Quận X, Thành phố H đã truy tố bị cáo Trần Văn P1, Trần Tấn P, Trần N2 và Thạch B về tội: “Sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm” theo khoản 1 Điều 193 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 63/2022/HS-ST ngày 14/7/2022 của Tòa án Nhân dân Quận X, Thành phố H, đã quyết định:

Căn cứ khoản 1, khoản 5 (áp dụng đối với bị cáo Trần Tấn Phương) Điều 193; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38; Điều 17; Điều 50; Điều 58 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Xử phạt bị cáo Trần Tấn P 02 (hai) năm 06 (sáu) tháng tù về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm”. Thời hạn tù tính từ ngày bắt bị cáo chấp hành án.

Buộc bị cáo Trần Tấn P nộp phạt bổ sung số tiền 20.000.000 đồng để sung ngân sách nhà nước.

Xử phạt bị cáo Trần Văn P1 02 (hai) năm 03 (ba) tháng tù về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm”. Thời hạn tù tính từ ngày bắt bị cáo chấp hành án.

Và căn cứ Điều 65 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Xử phạt mỗi bị cáo Trần N2 và Thạch B 02 (hai) năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm”. Thời gian thử thách là 04 (bốn) năm, tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Và tuyên các quy định tại khoản 2 khoản 5 Điều 65 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 đối với hai bị cáo cho hưởng án treo.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn tuyên về xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo luật định.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 27/7/2022, hai bị cáo Trần Văn P1 và Trần Tấn P kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giảm nhẹ hình phạt, cho hưởng án treo.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Bị cáo P1 và P khai nhận hành vi phạm tội phù hợp với các tài liệu thu thập có trong hồ sơ vụ án, nội dung bản án sơ thẩm đã nêu và giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố H sau khi phân tích tính chất mức độ hành vi phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nhận định án sơ thẩm đã xét xử đối với bị cáo P1 và P là thỏa đáng, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Do đó, không chấp nhận kháng cáo của P1 và P.

Luật sư bào chữa cho hai bị cáo trình bày: thống nhất với tội danh và điều khoản xét xử của án sơ thẩm nhưng đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho hai bị cáo là người dân tộc thiểu số, thiếu hiểu biết pháp luật, có hoàn cảnh khó khăn, lao động chính trong gia đình. Các bị cáo đều thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; phạm tội lần đầu, nhân thân chưa có tiền án, tiền sự. Và do tập quán là người Hoa nên khi bị cáo giao cho bị cáo P1 quản lý hộ kinh doanh thì bị cáo P1 là người quyết định mọi vấn đề về việc làm giả nhãn hiệu bột ngọt hiệu VEYU và hiệu Saji. Chấp nhận cho hai bị cáo được hưởng án treo.

Hai bị cáo đồng ý với luận cứ bào chữa của luật sư, không bổ sung. Kiểm sát viên bảo lưu quan điểm giải quyết vụ án đã trình bày.

Bị cáo nói lời sau cùng xin được hưởng án treo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Các bị cáo Trần Văn P1, Trần Tấn P, Trần N2 và Thạch B có hành vi làm giả bột ngọt nhãn hiệu VEYU và Saji bằng cách mua bột ngọt xá do Trung Quốc sản xuất được mua bán trên thị trường cho vào bao bì mang nhãn hiệu VEYU và Saji do Công ty cổ phần hữu hạn VEDAN Việt Nam sản xuất rồi may bao đóng gói thành phẩm nhằm bán lại cho người khác để hưởng lợi. Nên vào khoảng 15 giờ 30 phút ngày 26/01/2021, tại địa chỉ Đường K, Phường M, Quận N, Thành phố H. Tổ tuần tra Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ Công an Quận X kết hợp cùng Công an Phường 13, Quận X kiểm tra phát hiện 03 bao bột ngọt in nhãn hiệu VEYU từ bên trong nhà để lên xe mô tô nhãn hiệu Honda Wave màu đỏ, biển số 51M5-xxxxx nghi giả đang chuẩn bị đi giao hàng. Qua khám xét thu giữ tổng cộng tang vật qua giám định là: 21 bao bột ngọt thành phẩm giả hiệu Saji, loại 25kg/bao, chưa qua sử dụng, tỷ lệ mới 100%, tại thời điểm định giá tháng 01/2021 có giá trị là 23.562.000 đồng; 43 bao bột ngọt thành phẩm giả hiệu VEYU, loại 25kg/bao, chưa qua sử dụng, tỷ lệ mới 100 %, tại thời điểm định giá tháng 01/2021 có giá trị là 43.043.000 đồng. Tổng trị giá số bột ngọt trên là 66.605.000 đồng dưới 150.000.000 đồng, là hàng giả nhãn hiệu. Hành vi khách quan của các bị cáo đã cấu thành tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm” tội phạm và hình phạt được quy định tại khoản 1 Điều 193 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Đây là vụ án có đồng phạm, thuộc trường hợp đồng phạm giản đơn trong đó bị cáo Trần Tấn P là chủ hộ kinh doanh tạp phẩm (đường, đậu, bột năng…) nhưng giao cho bị cáo Trần Văn P1 quản lý. Khi được giao quản lý, bị cáo P1 tự ý nhập bột ngọt giả hiệu Saji và giả hiệu VEYU về bán thấy lời nên đã khởi xướng, trực tiếp đi mua các bột ngọt xá do Trung Quốc sản xuất và thu mua các vỏ bao bì mang nhãn hiệu VEYU và Saji, đồng thời hướng dẫn cho các bị cáo Trần Tấn P, Trần N2 và Thạch B cách làm giả bột ngọt giả mang nhãn hiệu VEYU và Saji do Công ty cổ phần hữu hạn VEDAN Việt Nam sản xuất, hai bị cáo Trần N2 và Thạch B là người làm công giúp, giúp sức để bán thu lợi từ 30.000 đồng/bao đến 40.000 đồng/bao; thấy lợi bị cáo P đồng ý để bị cáo P1 làm chia thu lợi cho các bị cáo. Do đó, cần phân hóa vai trò đồng phạm của từng bị cáo trong vụ án này. Cụ thể, bị cáo P1 là người chủ mưu, cầm đầu; sau đó đến bị cáo P trực tiếp hưởng lợi phân chia cho các bị cáo còn lại; còn hai bị cáo Trần N2 và Thạch B hạn chế hơn là người giúp sức, làm công theo quy định tại Điều 58 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Ngoài ra, Công ty Cổ phần hữu hạn Vedan Việt Nam bị thiệt hại do tội phạm gây ra nhưng không có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại nên Tòa án không triệu tập tham gia tố tụng với tư cách là nguyên đơn dân sự theo quy định tại Điều 63 Bộ luật tố tụng hình sự.

[2] Với hành vi nêu trên, Tòa án cấp sơ thẩm tuyên xử bị cáo Trần Văn P1, Trần Tấn P và đồng phạm về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm” theo quy định tại khoản 1 khoản 5 (khoản 5 chỉ áp dụng cho bị cáo P) Điều 193 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm) là đúng người, đúng tội, không oan sai.

Và khi lượng hình Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo là thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; phạm tội lần đầu; nhân thân chưa có tiền án, tiền sự; là người dân tộc thiểu số, có trình độ học vấn thấp và có hoàn cảnh gia đình khó khăn quy định tại điểm s khoản 1 khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, xử phạt bị cáo P1 02 (hai) năm 03 (ba) tháng tù, xử phạt 02 (hai) năm tù nhưng cho hưởng án treo đối với bị cáo N2 và B; chỉ phạt bổ sung bị cáo P 20.000.000 đồng là có căn cứ nhưng xử phạt bị cáo P 02 (hai) năm 06 (sáu) tháng tù là có phần nghiêm khắc. Bởi lẽ, với nhận định tại đoạn [1] và án sơ thẩm có nhận định đặc biệt trong vụ án này các bị cáo P, P1 và N2 là anh em ruột, nếu bắt cả bị cáo P, P1 và N2 phải chấp hành hình phạt tù thì sẽ gây khó khăn cho cuộc sống của các trẻ là những người con của các bị cáo P, P1 và N2, bởi vì cả ba bị cáo là những người lao động có thu nhập chính hàng ngày.

Do đó, Hội đồng xét xử áp dụng Điều 3 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, khoan hồng cho bị cáo P do phạm tội lần đầu, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; chỉ nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu là bị cáo Phát.

[3] Theo lập luận tại đoạn [1] và [2], thì:

- Bị cáo Trần Văn P1 là người chủ mưu, cầm đầu thuộc trường hợp không cho hưởng án treo theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao nên Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị cáo P1 và đề nghị của luật sư; chấp nhận quan điểm của Kiểm sát viên theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 355 Bộ luật Tố tụng hình sự;

- Bị cáo Trần Tấn P, đối chiếu với quy định tại Điều 2 và Điều 3 của Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 và Điều 1 của Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐTP ngày 15/4/2022 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao, bị cáo đủ điều kiện quy định tại Điều 2 và không thuộc trường hợp không cho hưởng án treo tại Điều 3 của Nghị quyết 02 và Điều 1 của Nghị quyết 01 đều hướng dẫn Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo. Do đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị cáo P, đề nghị của luật sư, không chấp nhận quan điểm của Kiểm sát viên và sửa bản án sơ thẩm theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 355 và Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự.

[4] Xét về án phí hình sự phúc thẩm: bị cáo P1 phải chịu, bị cáo P không phải chịu thẩm theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án có hiệu lực ngày 01/01/2017.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm a điểm b khoản 1 Điều 355 và Điều 357 của Bộ luật Tố tụng hình sự;

Căn cứ khoản 1 Điều 193, điểm s khoản 1 khoản 2 Điều 51 và Điều 58 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (áp dụng đối với bị cáo Trần Văn Phát);

Căn cứ khoản 1 khoản 5 Điều 193, điểm s khoản 1 khoản 2 Điều 51, Điều 58 và Điều 65 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (áp dụng đối với bị cáo Trần Tấn Phương);

Căn cứ khoản 2 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án có hiệu lực ngày 01/01/2017.

Sửa bản án sơ thẩm.

Xử phạt bị cáo Trần Văn P1 02 (hai) năm 03 (ba) tháng tù về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị bắt đi thi hành án.

Xử phạt bị cáo Trần Tấn P 02 (hai) năm 03 (ba) tháng tù về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm”. Nhưng cho hưởng án treo thời gian thử thách là 04 (bốn) năm 06 (sáu) tháng tính từ ngày tuyên án phúc thẩm.

Phạt bổ sung bị cáo P 20.000.000 đồng để nộp ngân sách nhà nước.

Giao bị cáo Trần Tấn Phương cho Ủy ban nhân dân Phường 13, Quận X, Thành phố H giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Trong trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự.

“Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo”.

Án phí hình sự phúc thẩm: bị cáo Phát phải chịu 200.000 đồng, bị cáo P không phải chịu.

Các quyết định khác của bản án hình sự sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

49
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm số 483/2022/HS-PT

Số hiệu:483/2022/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:24/11/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về