Bản án về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm số 368/2022/HS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 368/2022/HS-PT NGÀY 25/05/2022 VỀ TỘI SẢN XUẤT, BUÔN BÁN HÀNG GIẢ LÀ PHỤ GIA THỰC PHẨM

Ngày 25 tháng 5 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 724/2020/HS-PT ngày 15 tháng 12 năm 2020. Do có kháng cáo của các bị cáo Trần Thị L, Nguyễn Thị H và Nguyễn Thị Thu H đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 53/2020/HS-ST ngày 30/10/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Đ.

Các bị cáo có kháng cáo:

1. Trần Thị L, sinh năm 1976 tại tỉnh Nghệ An; nơi cư trú: Tổ 4, khu phố 3, thị trấn T, huyện H, tỉnh B; nghề nghiệp: Buôn bán; trình độ học vấn:

7/12; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; giới tính: nữ; tôn giáo: không; con ông Trần Đức N và bà Hồ Thị K; có chồng là Hồ Sỹ Lợi và 04 con; tại ngoại - vắng mặt.

2. Nguyễn Thị H, sinh năm 1980 tại tỉnh Nam Định; nơi cư trú: Tổ 4, khu phố 3, thị trấn T, huyện H, tỉnh B; nghề nghiệp: Buôn bán; trình độ học vấn: 02/12; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; giới tính: nữ; tôn giáo: không; con ông Nguyễn Văn Đ và bà Ngô Thị T (đều đã chết); có chồng là Lê Văn Hoàng và 02 con; bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 23-5-2020 đến ngày 16-9- 2020, tại ngoại - có mặt.

3. Nguyễn Thị Thu H, sinh năm 1983 tại tỉnh Đ; nơi cư trú: Thôn Đ, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Đ; nghề nghiệp: Buôn bán; trình độ học vấn: 12/12; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; giới tính: nữ; tôn giáo: Thiên chúa giáo; con ông Nguyễn Đình M (đã chết) và bà Hoàng Thị L; có chồng là Nguyễn Thái C và 02 con; tại ngoại - vắng mặt.

(Trong vụ án còn có bị cáo Nguyễn Thái C không kháng cáo, không L quan đến kháng cáo nên Tòa án không triệu tập đến phiên tòa phúc thẩm).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên toà, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

1. Hộ kinh doanh Nguyễn Thị Thu H, địa chỉ: Thôn Đ, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Đ, được cấp Giấy phép kinh doanh ngày 27 tháng 3 năm 2018; ngành nghề kinh doanh: Mua bán tạp hóa. Khoảng 20 giờ ngày 31-12-2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đ tiến hành kiểm tra cửa hàng tạp hóa của Nguyễn Thị Thu H, thu giữ 456 gói bột ngọt Ajinomoto giả (gồm: 250 gói loại 140g; 150 gói loại 400g; 56 gói loại 01kg) với tổng khối lượng là 151 kg. Ngoài ra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đ còn thu giữ nhiều loại bánh kẹo, mứt, hạt điều, 943 bao thuốc lá điếu ngoại không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn. Kết quả điều tra: Khoảng cuối năm 2018, Trần Thị L liên hệ, chào bán bột ngọt Ajinomoto cho vợ chồng Hà và C với giá thấp hơn các nhà phân phối chính hãng. Lúc này, H và C không biết là bột ngọt giả mà nghĩ là bột ngọt loại 2 nên đồng ý mua để bán lại cho người tiêu dùng. Quá trình kinh doanh, Hà được một số bạn hàng chỉ cách thức phân biệt giữa bột ngọt chính hãng và bột ngọt giả. Đối chiếu với những thông tin cần phân biệt Hà và C biết được số bột ngọt L bán là bột ngọt Ajinomoto giả. H và C nói lại thì L thừa nhận và thỏa thuận giảm giá bán (loại 01kg giảm từ 55.000 đồng/gói xuống 45.000 đồng/gói, loại 400g giảm từ 23.000 đồng/gói xuống 19.000 đồng/gói, loại 140g giảm từ 9.000 đồng/gói xuống 8.000 đồng/gói). Từ cuối năm 2018 đến tháng 12 năm 2019, trung bình mỗi tháng H, C mua của L 03 thùng bột ngọt Ajinomoto giả các loại để bán lại cho các cửa hàng tạp hóa trên địa bàn huyện Đ và bán tại cửa hàng tạp hóa của mình. Do việc mua bán giữa Hà, C với L và các cửa hàng tạp hóa khác không ghi lại sổ sách nên không xác định được số lượng cụ thể. Qua kiểm tra, các tiệm tạp hóa trên đã tự nguyện giao nộp cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đ 37 gói bột ngọt Ajinomoto giả mua từ H và C (gồm 11 gói loại 01kg, 16 gói loại 400g, 10 gói loại 140g), H và C thu lợi 2.000 đồng/gói.

2. Ngày 04-01-2020, Trần Thị L cùng Đỗ Văn T (là lái xe do L thuê) điều khiển xe ô tô biển kiểm soát 54Z-2328, chở bột ngọt giả và các mặt hàng tạp hóa đến bán trên địa bàn huyện Đ thì bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đ kiểm tra, thu giữ 320 gói bột ngọt Ajinomoto giả. Kết quả điều tra: Nguồn gốc số bột ngọt giả bán cho Hà, C là do L mua các bao bột ngọt (thường gọi là bột xá, xuất xứ từ T), vỏ bao bì các loại loại 01kg, 400g, 140g; thùng giấy in nhãn hiệu Ajinomoto của Nguyễn Thị H rồi sang chiết vào các bao tương ứng, dùng máy ép nhiệt đóng gói để bán ra thị trường. Các bao bột xá, vỏ bao in nhãn hiệu Ajinomoto được H mua của một số người bán hàng tại Thành phố H (chưa xác định được nhân thân lai lịch) bán lại cho L và nhiều người khác tại tỉnh B, thu lợi 10.000 đồng/bao bột xá; các thùng giấy được H mua của những người bán phế liệu. Từ ngày 12-02-2019 đến ngày 03-01-2020 H đã bán cho L 213 bao bột xá, vỏ bao, thùng giấy in nhãn hiệu Ajinomoto các loại. Khi bán các mặt hàng trên cho L, H biết mục đích của L là để đóng gói thành bột ngọt nhãn hiệu Ajinomoto giả rồi bán cho người khác (do trước đây H cũng đã thực hiện hành vi này). Trần Thị L đã sản xuất để bán ra thị trường 813 gói bột ngọt Ajinomoto giả (gồm 145 gói loại 01kg; 408 gói loại 400g; 260 gói loại 140g), trị giá 23.682.000 đồng; trong đó, bán cho Nguyễn Thị Thu H và Nguyễn Thái C 493 gói (gồm 67 gói loại 01kg, thu lợi 12.060đ/gói; 166 gói loại 400g, thu lợi 5.323đ/gói; 260 gói loại 140g, thu lợi 3.084đ/gói), trị giá 11.828.000 đồng, thu lợi trái pháp luật tổng số tiền 2.493.458 đồng. Hà, C đã bán ra thị trường 37 gói, thu lợi trái pháp luật số tiền 74.000 đồng. Nguyễn Thị H đã bán cho L 213 bao bột xá, thu lợi số tiền 2.130.000 đồng.

3. Thông báo số: 005/N3.20/TĐ ngày 18-01-2020 của Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng III, kết luận: 08 mẫu bột ngọt Ajinomoto đã thu giữ có kết quả kiểm tra bao bì, ghi nhãn và kết quả thử nghiệm các chỉ tiêu (nhãn bao bì, ngoại quan, độ ẩm…) khác với kết quả kiểm tra và thử nghiệm tương ứng của mẫu của Công ty Ajinomoto Việt Nam cung cấp. Các chỉ tiêu an toàn phù hợp với quy định QCVN4-1:2010/BYT- Quy chuẩn kỹ thuât quốc gia về phụ gia thực phẩm - Chất điều vị.

Kết luận định giá tài sản số: 97/KL-HĐĐG ngày 26-5-2020 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự tỉnh Đ kết luận: giá trị 813 gói bột ngọt Ajinomoto giả (gồm 408 gói loại 400g, 145 gói loại 1kg, 260 gói loại 140g) theo Biên bản phạm pháp quả tang ngày 31-12-2019, các Biên bản làm việc ngày 02-01-2020, Biên bản khám phương tiện vận tải, đồ vật theo thủ tục hành chính số 64 ngày 04-01-2020 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đ có tổng giá trị là 23.682.000 đồng. Văn bản số: 58/CV-AJI-2020 ngày 10-01-2020 của Công ty Ajinomoto Việt Nam xác định: thành phẩm bột ngọt nhãn hiệu Ajinomoto trên không phải do Công ty Ajinomoto sản xuất.

Cáo trạng số: 62/CTr-VKS-P1 ngày 29-9-2020 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đ đã truy tố các bị cáo: Trần Thị L và Nguyễn Thị H về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm”; Nguyễn Thái C và Nguyễn Thị Thu H về tội “Buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm” theo quy định tại khoản 1 Điều 193 của Bộ luật Hình sự.

- Tại bản án hình sự sơ thẩm số 53/2020/HS-ST ngày 30/10/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Đ đã tuyên xử:

1. Tuyên bố: Các bị cáo Trần Thị L và Nguyễn Thị H phạm tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm”; Nguyễn Thái C và Nguyễn Thị Thu H phạm tội “Buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm”.

1.1. Áp dụng khoản 1 Điều 193; điểm s khoản 1 khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự, xử phạt:

1.1.1. Bị cáo Trần Thị L 02 (Hai) năm 03 (Ba) tháng tù, tính từ ngày bị bắt đi thi hành án.

1.1.2. Bị cáo Nguyễn Thị Thu H 02 (Hai) năm tù, tính từ ngày bị bắt đi thi hành án.

1.2. Áp dụng khoản 1 Điều 193; khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự, xử phạt: Bị cáo Nguyễn Thị H 02 (Hai) năm 03 (Ba) tháng tù, tính từ ngày bị bắt đi thi hành án, được trừ thời gian đã bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 23-5- 2020 đến ngày 16-9-2020.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm đã tuyên bị cáo Nguyễn Thái C 02 (Hai) năm tù, cho hưởng án treo 04 (Bốn) năm thử thách tính từ ngày tuyên án về tội “Buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm”; tuyên về xử lý vật chứng, biện pháp tư pháp, án phí và quyền kháng cáo.

- Ngày 06/11/2020, bị cáo Trần Thị L kháng cáo xin hưởng án treo.

- Ngày 09/11/2020, bị cáo Nguyễn Thị H kháng cáo xin hưởng án treo.

- Ngày 10/11/2020, bị cáo Nguyễn Thị Thu H kháng cáo xin hưởng án treo.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Các bị cáo Trần Thị L, Nguyễn Thị Thu H được Tòa án triệu tập hợp lệ nhưng vắng mặt không có lý do, không có đơn xin xét xử vắng mặt.

Đại diện Viện kiểm sát tham gia phiên tòa nêu quan điểm: Tại phiên tòa, Đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt đối với bị cáo Trần Thị L và Nguyễn Thị Thu H vì đã được triệu tập hợp lệ nhưng không đến phiên tòa.

Hội đồng xét xử căn cứ vào điểm c khoản 1 Điều 351 của Bộ luật tố tụng Hình sự xét xử vắng mặt bị cáo L và bị cáo H.

Bị cáo Nguyễn Thị H đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội đúng như bản án sơ thẩm đã xét xử và đề nghị cấp phúc thẩm xem xét cho bị cáo được hưởng án treo.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến như sau: Sau khi phân tích, đánh giá tính chất, mức độ của hành vi phạm tội của các bị cáo L, H, Hà, đại diện Viện kiểm sát kết luận Tòa án cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo Trần Thị L và Nguyễn Thị H về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm”; bị cáo Nguyễn Thị Thu H về tội “Buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm” có căn cứ. Hành vi phạm tội của các bị cáo đã xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế của nhà nước, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất và buôn bán các mặt hàng kể trên, xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng được pháp luật bảo vệ. Các bị cáo kháng cáo xin hưởng án treo nhưng không có tài liệu chứng cứ gì mới để xem xét. Do vậy, không có căn cứ để xem xét kháng cáo của các bị cáo. Đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm a khoản 1 Điều 355 của Bộ luật tố tụng hình sự không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Trần Thị L, Nguyễn Thị H, Nguyễn Thị Thu H và giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1]. Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đ, Điều tra viên, Viện kiểm sát, Toà án nhân dân tỉnh Đ, Kiểm sát viên và Thẩm phán trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên toà, các bị cáo không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng và của người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng và của người tiến hành tố tụng đã được thực hiện đều hợp pháp đối với cấp sơ thẩm.

[2]. Bị cáo Trần Thị L mua 213 bao bột xá và các vỏ bao bì in nhãn hiệu bột ngọt bột ngọt Ajinomoto của Nguyễn Thị H sau đó sang chiết và đóng gói thành 813 gói bột ngọt mang nhãn hiệu Ajinomoto để bán ra thị trường để hưởng lợi. Bên cạnh đó, L đã vận chuyển 813 gói bột ngọt Ajinomoto giả đến Đ để bán cho bị cáo Nguyễn Thị Thu H và bị cáo Nguyễn Thái C.

Ban đầu, bị cáo H và C không biết là bột ngọt giả mà nghĩ là loại 2 nên đồng ý mua. Sau đó, Hà và C phát hiện bột ngọt giả nên L thỏa thuận giảm giá bán (loại 01kg giảm từ 55.000 đồng/gói xuống 45.000 đồng/gói, loại 400g giảm từ 23.000 đồng/gói xuống 19.000 đồng/gói, loại 140g giảm từ 9.000 đồng/gói xuống 8.000 đồng/gói).

Trần Thị L đã sản xuất để bán ra thị trường 813 gói bột ngọt Ajinomoto giả (gồm 145 gói loại 01kg; 408 gói loại 400g; 260 gói loại 140g), trị giá 23.682.000 đồng; trong đó, bán cho Nguyễn Thị Thu H và Nguyễn Thái C 493 gói (gồm 67 gói loại 01kg, thu lợi 12.060đ/gói; 166 gói loại 400g, thu lợi 5.323đ/gói; 260 gói loại 140g, thu lợi 3.084đ/gói), trị giá 11.828.000 đồng, thu lợi trái pháp luật tổng số tiền 2.493.458 đồng. Hà, C đã bán ra thị trường 37 gói, thu lợi trái pháp luật số tiền 74.000 đồng. Nguyễn Thị H đã bán cho L 213 bao bột xá, thu lợi số tiền 2.130.000 đồng.

Theo Kết luận định giá tài sản số: 97/KL-HĐĐG ngày 26-5-2020 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự tỉnh Đ kết luận: giá trị 813 gói bột ngọt Ajinomoto giả (gồm 408 gói loại 400g, 145 gói loại 1kg, 260 gói loại 140g) theo Biên bản phạm pháp quả tang ngày 31-12-2019, các Biên bản làm việc ngày 02-01-2020, Biên bản khám phương tiện vận tải, đồ vật theo thủ tục hành chính số 64 ngày 04-01-2020 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đ có tổng giá trị là 23.682.000 đồng. Văn bản số: 58/CV-AJI-2020 ngày 10-01- 2020 của Công ty Ajinomoto Việt Nam xác định: thành phẩm bột ngọt nhãn hiệu Ajinomoto trên không phải do Công ty Ajinomoto sản xuất.

Với hành vi nêu trên, Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử các bị cáo Trần Thị L và Nguyễn Thị H về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm”; Nguyễn Thái C và Nguyễn Thị Thu H về tội “Buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm” theo quy định tại khoản 1 Điều 193 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 là có căn cứ đúng người, đúng tội.

[3] Xét thấy, hành vi phạm tội của các bị cáo đã xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế của nhà nước, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất và buôn bán các mặt hàng kể trên, xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng được pháp luật bảo vệ.

[4]. Xét đơn kháng cáo của các bị cáo Trần Thị L, Nguyễn Thị H và Nguyễn Thị Thu H làm trong hạn luật định là hợp lệ nên được chấp nhận.

[5]. Xét vai trò, tính chất, mức độ phạm tội của các bị cáo, Hội đồng xét xử nhận thấy:

- Đối với bị cáo Trần Thị L: Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng cho bị cáo tình tiết giảm nhẹ như bị cáo thành khẩn khai báo, tỏ ra ăn năn hối cải và đã nộp số tiền thu lợi bất chính được quy định tại điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự. Bị cáo có vai trò chính trong vụ án này. Từ đó xử phạt bị cáo mức hình phạt 02 năm 03 tháng tù là thỏa đáng, thể hiện sự khoan hồng của pháp luật.

- Đối với bị cáo Nguyễn Thị Thu H: cấp sơ thẩm đã áp dụng cho bị cáo tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, tỏ ra ăn năn hối cải, được Cơ quan điều tra đã đánh giá và kết luận đã tích cực phối hợp trong quá trình điều tra và đã nộp số tiền thu lợi bất chính được quy định tại điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, bị cáo từng bị xử phạt hành chính 85.000.000 đồng về hành vi “Buôn bán hàng cấm là thuốc lá lậu”. Từ đó xử phạt bị cáo mức hình phạt 02 năm tù là thỏa đáng, thể hiện sự khoan hồng của pháp luật. Chồng bị cáo là Nguyễn Thái C (bị cáo trong vụ án này) được Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo đã thể hiện tính nhân đạo của pháp luật.

- Đối với bị cáo Nguyễn Thị H: Hội đồng xét xử xét thấy, bị cáo H giữ vai trò là đồng phạm giúp sức cho bị cáo L. Cấp sơ thẩm áp dụng tình tiết giảm nhẹ: đã nộp số tiền thu lợi bất chính theo khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự là có cơ sở. Tuy nhiên mức hình phạt cấp sơ thẩm áp dụng cho bị cáo H là có phần nghiêm khắc. Hội đồng xét xử nhận thấy: bị cáo H có vai trò rất hạn chế chỉ bán bột xá, bao bột xá và thùng giấy cho bị cáo L tự sang chiết đóng gói rồi đưa đi tiêu thụ, phân phối nhiều nơi, trình độ học vấn thấp (2/12), thành khẩn khai báo, tỏ ra ăn năn hối cải, hành vi phạm tội của bị cáo H thuộc trường hợp phạm tội có tính chất đồng phạm với vai trò là người giúp sức cho bị cáo L. Bị cáo đã bị tạm giam gần 04 tháng và từ khi được tại ngoại đến nay bị cáo chấp hành tốt các chính sách pháp luật của địa phương. Ngoài ra, xét về nhân thân, tuy bị cáo từng bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng có đủ các điều kiện khác theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 1 của Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐTP ngày 15/4/2022 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao. Do vậy, Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo mức hình phạt 02 năm 03 tháng tù giam là có phần nghiêm khắc.

[6] Tại phiên tòa, bị cáo L và bị cáo H mặc dù được Tòa án cấp phúc thẩm triệu tập hợp lệ đến lần thứ tư nhưng vẫn cố tình vắng mặt, không chấp hành quyết định, yêu cầu của Tòa án. Đồng thời, bị cáo L và bị cáo H cũng không cung cấp được tài liệu, chứng cứ gì mới so với cấp sơ thẩm để Hội đồng xét xử xem xét. Do vậy, không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bị cáo L và bị cáo H. Riêng bị cáo H trình bày được tình tiết giảm nhẹ mới: có đơn do gia đình xin bảo lĩnh cho bị cáo được hưởng án treo, có xác nhận của chính quyền địa phương, chồng bị cáo bị bệnh, không có khả năng lao động, bị cáo là người lao động chính trong gia đình, bị cáo nuôi 02 con nhỏ còn đang đi học. Ngoài ra, bị cáo H có nơi cư trú rõ ràng, việc làm ổn định. Do vậy, cần chấp nhận kháng cáo của bị cáo, không cần thiết phải cách ly bị cáo ra khỏi xã hội, khi lượng hình cần áp dụng hình phạt tù có thời hạn nhưng cho bị cáo hưởng án treo cũng đủ tác dụng giáo dục, răn đe bị cáo, và phòng ngừa chung cho xã hội, thể hiện tính nhân đạo của pháp luật. Mặt khác cũng để tạo điều kiện cho bị cáo được tiếp tục nuôi hai con nhỏ còn đang đi học.

[7]. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

- Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 của Bộ Luật Tố Tụng Hình sự 2015:

1. Không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Trần Thị L, Nguyễn Thị Thu H.

Giữ nguyên bản án sơ thẩm đối với các bị cáo Trần Thị L, Nguyễn Thị Thu H.

- Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355, điểm e khoản 1 Điều 357 của Bộ Luật Tố Tụng Hình sự 2015:

2. Chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Thị H. Sửa bản án sơ thẩm.

* Tuyên bố:

Các bị cáo Trần Thị L và Nguyễn Thị H phạm tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm”; bị cáo Nguyễn Thị Thu H phạm tội “Buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm”.

Căn cứ vào khoản 1 Điều 193; điểm s khoản 1 khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017:

Xử phạt: Bị cáo Trần Thị L 02 (Hai) năm 03 (Ba) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bị bắt đi thi hành án.

Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Thị Thu H 02 (Hai) năm tù, thời hạn tù tính từ ngày bị bắt đi thi hành án.

Căn cứ vào khoản 1 Điều 193; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 65 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017:

Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Thị H 02 (Hai) năm 03 (Ba) tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 04 (bốn) năm 06 (sáu) tháng, tính từ ngày tuyên án phúc thẩm (ngày 25/5/2022).

Giao bị cáo Nguyễn Thị H cho Ủy ban nhân dân thị trấn T, huyện H, tỉnh B giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.

- Trường hợp bị cáo Nguyễn Thị H thay đổi nơi cư trú, thì thực hiện theo Điều 92 của Luật Thi hành án hình sự năm 2019.

Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật này.

Đã giải thích chế định án treo đối với bị cáo Nguyễn Thị H.

Các bị cáo Trần Thị L và Nguyễn Thị Thu H, mỗi bị cáo phải chịu 200.000 (hai trăm nghìn) đồng án phí hình sự phúc thẩm. Bị cáo Nguyễn Thị H không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

51
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm số 368/2022/HS-PT

Số hiệu:368/2022/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:25/05/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về