Bản án về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm số 122/2020/HS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 122/2020/HS-PT NGÀY 02/03/2020 VỀ TỘI SẢN XUẤT, BUÔN BÁN HÀNG GIẢ LÀ PHỤ GIA THỰC PHẨM

Ngày 02 tháng 3 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 62/2020/HSPT ngày 09 tháng 01 năm 2020 đối với bị cáo Đặng Thị T và Quách Tấn T1 do có kháng cáo của các bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 139/2019/HS-ST ngày 29 tháng 11 năm 2019 của Tòa án nhân dân Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh.

- Bị cáo có kháng cáo:

1. Đặng Thị T (tên gọi khác: B4); giới tính: nữ; sinh năm 1972 tại Bình Định; thường trú: đã cắt hộ khẩu thường trú tại địa chỉ số A phường B, thành phố C, tỉnh Bình Định; chỗ ở: số A1 đường BS, Phường B1, Quận C1, Thành phố Hồ Chí Minh; nghề nghiệp: buôn bán; trình độ văn hóa: 9/12; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: không; con ông: DVT (chết) và bà: VTT (chết); hoàn cảnh gia đình: bị cáo có chồng và 01 con (sinh năm 2007); tiền án: không;

Tiền sự: ngày 19/10/2016, bị Ủy ban nhân dân Quận 6 xử phạt hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm với số tiền 62.750.000 đồng, bị cáo chưa thi hành xong.

Bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú (trước đó, bị bắt quả tang vào ngày 25/12/2018, cùng ngày, bị cáo được trả tự do) (có mặt).

2. Quách Tấn T1; giới tính: nam; sinh năm 1984 tại Thành phố Hồ Chí Minh; thường trú: không có nơi đăng ký hộ khẩu thường trú; chỗ ở: không nơi ở nhất định; nghề nghiệp: làm công; trình độ văn hóa: 02/12; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: không; con ông: (không rõ) và bà: QTKT; hoàn cảnh gia đình: bị cáo có vợ, (không rõ về con); tiền án: không; tiền sự: không; bị bắt, tạm giam từ ngày: 20/5/2019 (có mặt).

Ngoài ra, vụ án còn có Võ Văn P không kháng cáo, không bị kháng cáo, kháng nghị.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng 11 giờ 45 phút ngày 25/12/2018, tổ tuần tra Đội Cảnh sát kinh tế - Công an Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh kết hợp cùng Công an Phường 13, Quận 5 phát hiện Lê Nguyên Thạch đang dựng xe máy biển số 51M5-1640 chở theo 02 (hai) bao hàng hóa đựng nhiều gói bột ngọt (mì chính) nhãn hiệu AJI- NO-MOTO chuẩn bị đi giao cho khách trước cửa hàng số 34B Phan Văn Khỏe, Phường 13, Quận 5 do Đặng Thị T và Võ Văn P làm chủ có dấu hiệu nghi vấn nên tiến hành kiểm tra, ghi nhận bên trong bao hàng trên có 24 gói bột ngọt nhãn hiệu AJI-NO-MOTO loại 01kg/gói và 40 gói bột ngọt nhãn hiệu AJI-NO- MOTO loại 454g/gói, tất cả số hàng trên đều là hàng giả nhãn hiệu. Cơ quan công an lập biên bản bắt người phạm tội quả tang đối với Đặng Thị T, Võ Văn P (BL 113-114). Cùng ngày, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Quận 5 có Quyết định trả tự do số 01/QĐ-CSĐT (KT) (BL 55). Ngày 26/4/2019, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh có Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú số 15/L-CSĐT (KT) đối với bị cáo T (BL 9).

Khi khám xét tại địa điểm nơi sản xuất (phòng trọ không số đối diện số 142 đường số 44, Phường 16, Quận 8), Công an Quận 5 tiếp tục thu giữ và niêm phong số hàng hóa gồm: 01 cái máy ép nylon hiệu Tân Tân đã qua sử dụng, 01 cái thau nhựa màu xanh, 01 cái vá xúc bằng kim loại và 03 cái cân hiệu Nhơn Hòa, bột ngọt AJI-NO-MOTO thành phẩm (gồm: 90 gói loại 01kg/gói, 224 gói loại 454g/gói và 150 gói loại 400g/gói), 10 kg bao bì nylon bột ngọt hiệu AJI- NO-MOTO các loại, 04 thùng giấy cacton hiệu AJI-NO-MOTO – 400g, 30 cái vỏ bao dùng đựng bột ngọt xá đã sử dụng hết.

 Tại Văn bản số 65/CV-AJI-2019 ngày 17/01/2019 của Công ty AJINOMOTO Việt Nam (BL 147): Công ty Ajinomoto Việt Nam đã kiểm tra mẫu của số hàng tại buổi làm việc với Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Quận 5 và kết quả kiểm tra như sau:

1. Đối với bao bì bột ngọt nhãn hiệu AJI-NO-MOTO®:

Công ty Ajinomoto Việt Nam khẳng định số lượng bao bì trên đều là bao bì giả mạo nhãn hiệu AJI-NO-MOTO® 2. Đối với thành phần bột ngọt nhãn hiệu AJI-NO-MOTO®:

Công ty Ajinomoto Việt Nam khẳng định tất cả số bột ngọt thành phẩm trên loại bột ngọt giả mạo nhãn hiệu (theo Đăng bạ Quốc gia nhãn hiệu số 168, 169, 170 được Cục Sở hữu trí tuệ cấp và gia hạn đến ngày 01/4/2025). Số bột ngọt trên không phải do Công ty Ajinomoto Việt Nam sản xuất do có những đặc điểm sau:

- Mép hàn bên trên nhăn nheo, có bọt khí bên trong.

- Ngày tháng sản xuất ở đáy bao không in theo quy cách của Công ty Ajinomoto Việt Nam.

- Hình huy chương vàng không sắc nét, dòng chữ bên trong khó đọc.

Công ty Ajinomoto Việt Nam khẳng định không thực hiện gia công sản xuất bột ngọt nhãn hiệu AJI-NO-MOTO® với tổ chức hoặc cá nhân nào. Đặng Thị T, Võ Văn P, Lê Nguyên Thạch và Quách Tấn T1 không phải là nhân viên của Công ty Ajinomoto Việt Nam.

 Tại Kết luận giám định số 1165/1/C09B ngày 04/3/2019 của Phân viên Khoa học hình sự tại Thành phố Hồ Chí Minh (BL 186) thể hiện:

Tinh thể màu trắng đựng trong các gói bột ngọt nhãn hiệu “AJINOMOTO” loại 400g/ gói, 454g/ gói, 1Kg/ gói của mẫu giám định và tinh thể màu trắng đựng trong các gói bột ngọt nhãn hiệu “AJINOMOTO” của mẫu so sánh cùng loại tương ứng được niêm phong gửi giám định có hình dạng, kích thước, màu sắc và một số thành phần hóa học khác nhau.

 Tại Kết luận giám định số 1165/C09B ngày 04/3/2019 của Phân viên Khoa học hình sự tại Thành phố Hồ Chí Minh (BL 187-188) thể hiện:

1. Các lớp in trên 06 (sáu) bao bì của mẫu cần giám định (ký hiệu từ A1 đến A4, A11, A12) so với các lớp in tương ứng trên 04 (bốn) bao bì của mẫu so sánh (ký hiệu từ M1, M4, M5, M10) là không phải được in ra từ cùng một bản in.

2. Các lớp in trên 06 (sáu) bao bì của mẫu cần giám định (ký hiệu từ A5 đến A8, A13, A14) so với các lớp in tương ứng trên 04 (bốn) bao bì của mẫu so sánh (ký hiệu từ M2, M6, M7, M11) là không phải được in ra từ cùng một bản in.

3. Các lớp in trên 04 (bốn) bao bì của mẫu cần giám định (ký hiệu A9, A10, A15, A16) so với các lớp in tương ứng trên 04 (bốn) bao bì của mẫu so sánh (ký hiệu từ M3, M8, M9, M12) là không phải được in ra từ cùng một bản in.

 Tại Kết quả định giá tài sản trong tố tụng hình sự số 30/HĐ ĐG ngày 28/02/2019 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự (BL 192) thể hiện: Tổng trị giá tài sản định giá là 18.546.000 đồng.

 Quá trình điều tra thể hiện:

- Đặng Thị T khai nhận: Khoảng 09 giờ 30 phút ngày 25/12/2018, bà Trần Bích Nga (chủ tiệm tạp hóa tại địa chỉ E10 Phạm Thế Hiển, Phường 3, Quận 8) sử dụng số điện thoại 02838512284 để liên lạc với Đặng Thị T đặt mua bột ngọt giả nhãn hiệu AJI-NO-MOTO gồm 24 gói loại 01kg/gói với giá 37.000 đồng/gói và 40 gói loại 454g/gói với giá 17.000 đồng/gói. Bị cáo T kêu nhân viên là Lê Nguyên Thạch lấy số hàng trên định mang giao cho bà Nga nhưng chưa kịp giao thì bị bắt giữ. Toàn bộ số hàng hóa bột ngọt bị phát hiện thu giữ đều là hàng giả nhãn hiệu AJI-NO-MOTO. Từ tháng 5/2018, bị cáo là người trực tiếp điều hành quản lý việc tìm khách hàng mua bột ngọt giả, thỏa thuận giá cả và nhận đơn hàng giao dịch với khách, Võ Văn P cùng Quách Tấn T1 thực hiện việc sang chiết bột ngọt xá Trung Quốc, đóng gói bằng máy ép bao bì thành các gói bột ngọt mang nhãn hiệu AJI-NO-MOTO thành phẩm rồi chở đến cửa hàng 34B Phan Văn Khỏe, Phường 13, Quận 5 đợi bị cáo T phân đơn hàng đem giao cho khách. Võ Văn P và bị cáo T mua bột ngọt xá loại 25kg/bao (giá 800.000 đồng/bao) hoặc 50kg/bao (giá 1.600.000 đồng) để bán lẻ kiếm lời, các nhãn hiệu AJI-NO-MOTO có in sẵn là do P mua của đối tượng tên Tuấn Cao (không rõ lai lịch). Các hành vi sang chiết, cân đong, đóng gói sản xuất bột ngọt giả nhãn hiệu AJI-NO-MOTO như trên được Võ Văn P, Quách Tấn T1 thực hiện tại phòng trọ không số (thứ 02 bên trái từ ngoài vào trong), thuộc hẻm không số đối diện căn nhà số 142 đường số 44, Phường 16, Quận 8. Thành phẩm được xếp thành từng cây, mỗi cây là 12 gói loại 01kg hoặc 40 gói loại 454g hoặc 30 gói loại 400g. Giá bán mỗi gói từ 37.000 đồng đến 38.000 đồng/gói (loại 01kg), từ 16.000 đồng đến 17.000 đồng/gói (loại 454g). Trung bình mỗi gói bán ra lời 2.000 đồng. Mỗi tháng các bị cáo lời từ 5.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng. Toàn bộ việc điều hành quản lý, phân công, tìm khách hàng, thỏa thuận giao dịch thu tiền hàng là do bị cáo T tự thực hiện, những người khác không tham gia.

- Võ Văn P khai nhận: Là chồng của bị cáo Đặng Thị T, khoảng tháng 5/2018, Võ Văn P trực tiếp buôn bán tại cửa hàng cùng bị cáo T và sang chiết bột ngọt giả nhãn hiệu AJI-NO-MOTO theo yêu cầu của bị cáo để bán lại kiếm lời. Cửa hàng Đặng Thị T có 04 người gồm bị cáo T, Võ Văn P và Lê Nguyên Thạch làm nhiệm vụ giao hàng và bị cáo Quách Tấn T1 có nhiệm vụ cùng P sang chiết bột ngọt xá từ bao lớn sang các gói nhỏ giả nhãn hiệu AJI-NO- MOTO.

- Quách Tấn T1 khai nhận: Là người làm công cho vợ chồng Đặng Thị T từ tháng 6/2018, bị cáo T1 có nhiệm vụ cùng P sang chiết bột ngọt xá từ bao lớn sang các gói nhỏ giả nhãn hiệu AJI-NO-MOTO, được trả công 250.000 đồng/ ngày.

- Võ Văn P và Quách Tấn T1 cùng khai nhận: P lo việc sản xuất, đóng gói bột ngọt, cụ thể: P mua bán bột ngọt xá loại 25kg/bao hình 02 con tôm tại địa chỉ 429 Gia Phú, Quận 6 rồi mang về phòng trọ không số (thứ 02 từ ngoài vào) thuộc hẻm không số đối diện nhà số 142 đường số 44, Phường 16, Quận 8 để thực hiện việc sang chiết. Khi sang chiết, T1 đổ bột ngọt xá từ bao bì lớn sang 01 cái chậu rồi dùng vá xúc bột ngọt xá vào bao bì nhãn hiệu AJI-NO-MOTO đã chuẩn bị sẵn theo khối lượng in trên bao bì. Sau đó, T1 chuyển cho P dùng máy ép nhiệt ép kín đầu bao bì. Sau khi có hàng thành phẩm, P để sẵn ở phòng trọ chờ giao hàng khi có yêu cầu của T. T1 được T trả tiền công 250.000 đồng/ ngày, việc sang chiết được thực hiện từ 13 đến 19 giờ hàng ngày, mỗi ngày sang chiết được khoảng 150kg bột ngọt xá vào bao bì. Thành phẩm được xếp thành từng cây, mỗi cây là 12 gói (loại 01kg) hoặc 40 gói (loại 454g) hoặc 30 gói (loại 400g). Giá bán mỗi gói từ 37.000 đồng đến 38.000 đồng/gói (loại 01kg) và từ 16.000 đồng đến 17.000 đồng/gói (loại 454g).

- Ông Lê Nguyên Thạch khai nhận: Là người làm công phụ việc vận chuyển hàng hóa tại cửa hàng kinh doanh của Đặng Thị T, Lê Nguyên Thạch có trách nhiệm giao hàng cho khách, nếu bị cáo T cần giao bột ngọt giả cho khách mua nào thì yêu cầu Thạch chở đi giao. Lê Nguyên Thạch không biết số hàng hóa mà bị cáo T kêu Thạch đi giao là hàng giả.

Từ đó, Cơ quan công an nhận thấy ông Thạch không biết số hàng hóa mà bị cáo T kêu đi giao là hàng giả và cũng không biết, không tham gia vào việc sản xuất, sang chiết bột ngọt xá thành bột ngọt mang nhãn hiệu AJI-NO-MOTO nên không có cơ sở xử lý.

- Bà Trần Bích Nga (chủ tiệm tạp hóa tại địa chỉ E10 Phạm Thế Hiển Phường 3, Quận 8) khai nhận bà đã liên lạc với bị cáo T đặt mua bột ngọt giả nhưng khi bị cáo kêu nhân viên là ông Thạch lấy số hàng trên định mang giao cho bà Nga thì bị Công an Quận 5 bắt quả tang.

Nhận thấy bà Nga có đặt mua số hàng bột ngọt giả nhưng chưa được nhận hàng, việc thỏa thuận đặt hàng giao dịch qua điện thoại, không có sổ sách chứng từ chứng minh về số lượng hàng hóa cụ thể, bị cáo T khai không nói cho bà Nga biết số hàng trên là bột ngọt giả và bà Nga cũng không biết nên Viện kiểm sát nhân dân Quận 5 không xem xét xử lý (bản Cáo trạng số 114/CT-VKS ngày 10/9/2019).

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 139/2019/HS-ST ngày 29 tháng 11 năm 2019 của Tòa án nhân dân Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:

Căn cứ khoản 1 Điều 193; điểm s khoản 1 Điều 51; Điều 38; Điều 17; Điều 50; Điều 58 của Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (đối với bị cáo T, T1);

Xử phạt:

1. Đặng Thị T (B4) 03 (ba) năm 06 (sáu) tháng tù về “Tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm”. Thời hạn tù tính từ ngày bắt bị cáo chấp hành án.

2. Quách Tấn T1 02 (hai) năm tù về “Tội Sản xuất hàng giả là phụ gia thực phẩm”. Thời hạn tù tính từ ngày 20/5/2019.

Ngoài ra, bản án còn xử phạt Võ Văn P 03 (ba) năm tù nhưng cho hưởng án treo về “Tội Sản xuất hàng giả là phụ gia thực phẩm”, buộc Đặng Thị T nộp phạt bổ sung số tiền 20.000.000 (hai mươi triệu) đồng sung vào ngân sách Nhà nước; tuyên xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo luật định.

Sau khi xử sơ thẩm, ngày 02/12/2019, bị cáo Quách Tấn T1 có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt; ngày 06/12/2019, bị cáo Đặng Thị T có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo Đặng Thị T, Quách Tấn T1 khai nhận hành vi phạm tội như nội dung Bản án sơ thẩm ghi nhận và giữ nguyên yêu cầu kháng cáo do cho rằng mức hình phạt 03 năm 06 tháng tù (đối với bị cáo T) và 02 năm tù (đối với bị cáo T1) mà Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên là quá nặng.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sau khi phân tích tính chất của vụ án, những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, nhận định: Đặng Thị T tuy có tình tiết mới là có mẹ từng tham gia kháng chiến chống Mỹ nhưng xét thấy bị cáo có 01 tiền sự về trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, chưa thi hành khoản phạt tiền này lại thực hiện hành vi phạm tội, thể hiện ý thức không tôn trọng pháp luật; Quách Tấn T1 đã được áp dụng mức hình phạt thấp nhất của khung hình phạt, hiện không có tình tiết mới để xem xét cho yêu cầu kháng cáo. Do đó, Kiểm sát viên đề nghị không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Khoảng 11 giờ 45 phút ngày 25/12/2018, tại trước cửa hàng số 34B Phan Văn Khỏe, Phường 13, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh (do Đặng Thị T và Võ Văn P làm chủ hộ kinh doanh; Quách Tấn T1 là người làm công), Cơ quan công an tiến hành kiểm tra các gói bột ngọt (mì chính) nhãn hiệu AJI-NO- MOTO có trong 02 bao hàng hóa (được chuẩn bị để giao cho khách), nghi vấn là hàng giả. Tiến hành khám xét địa điểm nơi sản xuất (phòng trọ không số thuộc Phường 16, Quận 8), Công an Quận 5 tiếp tục thu giữ và niêm phong số hàng hóa nghi vấn là hàng giả. Các Kết luận giám định, văn bản phản hồi của Công ty AJINOMOTO Việt Nam và các tài liệu, chứng cứ khác xác định tinh thể màu trắng đựng trong các gói bột ngọt nhãn hiệu “AJINOMOTO” loại 400g/ gói, 454g/ gói, 1Kg/ gói có hình dạng, kích thước, màu sắc và một số thành phần hóa học khác nhau khi so với mẫu so sánh cùng loại tương ứng của Công ty AJINOMOTO Việt Nam; các lớp in trên những bao bì của mẫu cần giám định so với các lớp in tương ứng trên bao bì của mẫu so sánh là không phải được in ra cùng một bản án.

Với hành vi trên, Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng Điều 193 của Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 để xét xử bị cáo Đặng Thị T về “Tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm” và bị cáo Quách Tấn T1 về “Tội Sản xuất hàng giả là phụ gia thực phẩm” là đúng người, đúng tội.

[2] Đơn kháng cáo của các bị cáo trong hạn luật định là hợp lệ.

[3] Xét kháng cáo, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm xét thấy:

Trong vụ án, bị cáo Đặng Thị T là người chỉ đạo Võ Văn P thu mua bột ngọt xá mang nhãn hiệu 02 con tôm và các bao bì nhãn hiệu AJI-NO-MOTO đem về phòng trọ để Võ Văn P, Quách Tấn T1 sang chiết bột ngọt xá từ bao lớn sang các gói nhỏ mang nhãn hiệu AJI-NO-MOTO theo khối lượng sẵn có rồi ép kín đầu bao bì. Khi có khách hàng cần mua thì khách sẽ liên hệ bị cáo T, bị cáo sẽ chỉ đạo nhân viên đi giao. Bị cáo T1 là người làm công cho bị cáo T và Võ Văn P, tham gia vụ án với vai trò tương đối hạn chế.

Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt Đặng Thị T 03 (ba) năm 06 (sáu) tháng tù về “Tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm” và Quách Tấn T1 02 (hai) năm tù về “Tội Sản xuất hàng giả là phụ gia thực phẩm” là đã xem xét đến vai trò của các bị cáo trong vụ án; tình trạng cư trú của từng bị cáo; mối quan hệ vợ chồng giữa bị cáo T và Võ Văn P trong việc nuôi nấng, chăm sóc con nhỏ cùng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khác.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Quách Tấn T1 không có tình tiết mới trong việc xem xét yêu cầu kháng cáo; bị cáo Đặng Thị T nộp Bản sao y Xác nhận thành tích ngày 16/10/2019, thể hiện mẹ bị cáo là bà Võ Thị Tuyết từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, tuy nhiên, do mức hình phạt đã tuyên đối với các bị cáo là phù hợp nên Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

[4] Về các nội dung ghi nhận tại phần đầu bản án: [4.1] Đối với bị cáo Đặng Thị T:

Hồ sơ vụ án thể hiện ngày 25/12/2018, Đặng Thị T bị bắt quả tang theo Biên bản bắt người phạm tội quả tang (BL 113-114); cùng ngày, bị cáo được trả tự do theo Quyết định trả tự do số 01/QĐ-CSĐT (KT) (BL 55). Trên cơ sở đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo và đảm bảo sự phù hợp với diễn biến thực tế vụ án, Hội đồng xét xử ghi nhận vào phần đầu và quyết định của bản án.

Bên cạnh đó, về lý lịch của bị cáo Đặng Thị T, hồ sơ vụ án thể hiện:

- Tình trạng cư trú:

Đối với địa chỉ số A phường B, thành phố C, tỉnh Bình Định: Tại Lý lịch bị can (BL 89), Công an phường Ngô Mây, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định có xác nhận đối với bị cáo T “trước 4/2014 nhập khẩu theo chồng ở số A phường B, TP. C, Bình Định; tháng 10/2014 gia đình chồng bán nhà; tháng 9/2017 cắt khẩu chuyển đến số A2 đường LHP, Phường B2, Quận C2, TP. Hồ Chí Minh (đã nhập khẩu chưa thì không rõ)” Đối với địa chỉ số A2 đường LHP, Phường B2, Quận C2, Thành phố Hồ Chí Minh: Tại Lý lịch bị can (BL 98): Công an Phường 15, Quận 8 xác nhận bị cáo T “đăng ký tạm trú từ 03/2015 tại số A2 đường LHP, PB2, QC2 đến tháng 02/2018 bán nhà đi khỏi địa phương, đi đâu không rõ. Chưa đăng ký thường trú tại địa chỉ trên”.

Đối với địa chỉ số A1 đường BS, Phường B1, Quận C1, Thành phố Hồ Chí Minh: Tại Đơn xin xác nhận tạm trú ngày 14/11/2019 (BL 292), Công an Phường 4, Quận 6 xác nhận bị cáo T “hiện đang tạm trú từ ngày 05/8/2019 tại số A1 BS PB1 QC1”.

- Họ tên cha bị cáo: Tại Lý lịch bị can (do Công an phường Ngô Mây, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định xác nhận) thể hiện bị cáo có cha là ông DVT nhưng Danh bản, Trích lục tiền án, tiền sự ghi nhận cha bị cáo là ông DVK.

Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Đặng Thị T khai nhận hiện đang tạm trú tại địa chỉ số A1 đường BS, Phường B1, Quận C1, Thành phố Hồ Chí Minh, có cha là ông DVT.

Trên cơ sở các tài liệu nêu trên và lời khai của bị cáo T tại phiên tòa phúc thẩm trong sự tương quan với phần lý lịch bị cáo tại bản án sơ thẩm, Hội đồng xét xử ghi nhận tình trạng cư trú và họ tên cha bị cáo Đặng Thị T như phần đầu bản án đã thể hiện.

[4.2] Đối với bị cáo Quách Tấn T1:

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Quách Tấn T1 khai thường trú tại địa chỉ số A3 đường PTH, Phường B3, Quận C2, Thành phố Hồ Chí Minh, có vợ chưa đăng ký kết hôn và 02 con (lớn nhất sinh năm 2015, nhỏ nhất sinh năm 2018).

Tại Lý lịch bị can (BL 72) ghi nhận bị cáo có 01 vợ sinh năm 1986 nhưng không ghi nhận tình tiết “chưa đăng ký kết hôn” và không ghi nhận thông tin về các con của bị cáo. Cũng ở văn bản này, Công an Phường 6, Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh xác nhận “hiện tại trên địa bàn không có địa chỉ số A3 đường PTH, PB3, QC2”.

Tại Lý lịch cá nhân (BL 73, có Công an Phường 6, Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh xác nhận) thể hiện bị cáo có 01 vợ sinh năm 1986 nhưng ghi nhận bị cáo có 04 người con (02 người con sinh năm 2002, 2006 và 02 người con không nhớ năm sinh).

Danh bản, Trích lục tiền án, tiền sự và Chỉ bản đều thể hiện bị cáo “không nơi ở nhất định”.

Do đó, trên cơ sở các tài liệu lưu tại hồ sơ vụ án, Hội đồng xét xử ghi nhận lý lịch Quách Tấn T1 như phần đầu bản án thể hiện.

[5] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào điểm a khoản 1, khoản 2 Điều 355; Điều 356 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Đặng Thị T, Quách Tấn T1. Giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Căn cứ khoản 1 Điều 193; điểm s khoản 1 Điều 51; Điều 38; Điều 17; Điều 50; Điều 58 của Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (đối với bị cáo T, T1);

Xử phạt:

1. Đặng Thị T (4) 03 (ba) năm 06 (sáu) tháng tù về “Tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm”. Thời hạn tù tính từ ngày bắt bị cáo chấp hành án (được trừ đi thời gian tạm giữ 01 ngày theo Biên bản bắt người phạm tội quả tang và Quyết định trả tự do số 01/QĐ-CSĐT (KT) cùng ngày ngày 25/12/2018 - BL 113-114, 55).

2. Quách Tấn T1 02 (hai) năm tù về “Tội Sản xuất hàng giả là phụ gia thực phẩm”. Thời hạn tù tính từ ngày 20/5/2019.

Mỗi bị cáo phải nộp 200.000 (hai trăm nghìn) đồng án phí hình sự phúc thẩm.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

125
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm số 122/2020/HS-PT

Số hiệu:122/2020/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 02/03/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về