TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 297/2022/HS-PT NGÀY 12/05/2022 VỀ TỘI MUA BÁN TRÁI PHÉP HÓA ĐƠN
Ngày 12 tháng 5 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 77/2022/TLPT- HS ngày 10 tháng 02 năm 2022. Do có kháng cáo của bị cáo Nguyễn Thị Kim C đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 06/2022/HS-ST ngày 06/01/2022 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Bị cáo: Nguyễn Thị Kim C, tên gọi khác: Không, giới tính: Nữ; sinh: 26/5/1960; nơi sinh tại Tp. Hồ Chí Minh; thường trú: Quận 8, Tp. Hồ Chí Minh; cư trú: xã B, huyện B, Tp. Hồ Chí Minh; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Chăm; tôn giáo:
Hồi giáo; trình độ văn hóa: 10/12; nghề nghiệp: Không; con ông Nguyễn Văn K (chết) và bà T (chết); chồng, con: Chưa có; tiền án, tiền sự: Không. Bị cáo bị tạm giam từ ngày 25/5/2021 đến ngày 31/5/2021 được thay thế biện pháp ngăn chặn bằng Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú (có mặt).
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo bản án sơ thẩm, các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Tháng 02/2002, Nguyễn Văn Thanh T và Nguyễn Thị Ngọc H cùng nhau thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn T (sau đây gọi là Công ty T), thuê Nguyễn Thị Kim C đứng tên làm Giám đốc. Quá trình đăng ký thuế và mua bán hóa đơn tài Chính tại Chi cục thuế Quận 8 không thuận lợi nên Công ty không thể đi vào hoạt động. Tháng 10/2002, Nguyễn Văn Thanh T được Đỗ Hùng C2 - nhân viên Chi cục thuế Quận 4, hướng dẫn và giúp đỡ việc chuyển trụ sở Công ty T về Quận 4 để hoạt động. Khi thực hiện thủ tục chuyển trụ sở Công ty T, Nguyễn Thị Kim C không đồng ý đứng tên giám đốc nên T nói với C1 ký hồ sơ để làm thủ tục thay đổi người đại diện theo pháp luật và nộp Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh. Do tin tưởng, C1 đã ký trên các tài liệu, hồ sở do T đưa mà không đọc nội dung, thực tế các tài liệu này là để T nộp hồ sơ làm thủ tục đổi tên Công ty T thành Công ty trách nhiệm hữu hạn Đ (sau đây gọi là công ty Đ) và thay đổi địa chỉ đăng ký kinh doanh từ Quận 8 về Quận 4.
Từ tháng 12/2002 đến tháng 9/2003, theo chỉ đạo của T1 (không rõ lai lịch), Nguyễn Văn Thanh T và Đỗ Hùng C2 đã xuất bán tổng cộng 341 tờ hóa đơn giá trị gia tăng (sau đây gọi là GTGT) ghi khống nội dung cho 156 cá nhân, đơn vị trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Tổng giá trị trên các hóa đơn là 96.659.763.240 đồng, tiền thuế GTGT là 7.204.336.840 đồng. Để hợp thức hóa số hóa đơn trên, T và C2 đã sử dụng 65 tờ hóa đơn GTGT của 10 công ty trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Phước với doanh số trên hóa đơn là 98.126.376.631 đồng và đã khấu trừ 7.228.598.792 đồng tiền thuế để tạo đầu vào cho Công ty Đ. Qua xác minh, các Công ty mà T và C2 mua hóa đơn GTGT đã không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh.
Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã thu giữ 97 hóa đơn GTGT ghi khống nội dung do Công ty Đ đã xuất bán cho nhiều cá nhân, đơn vị trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Ngày 15/6/2005, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Quận 4 ra Quyết định trưng cầu giám định chữ ký của Nguyễn Thị Kim C trên số hóa đơn GTGT, phiếu thu, hợp đồng kinh tế của Công ty Đ. Ngày 08/8/2005, Tổ chức giám định kỹ thuật hình sự, Công an Thành phố Hồ Chí Minh, kết luận chữ ký trên 40 hóa đơn, phiếu thu, hợp đồng kinh tế của Công ty Đ so với chữ ký thu thập của Nguyễn Thị Kim C là do cùng một người ký ra.
Ngày 08/6/2010, Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an Tp. Hồ Chí Minh ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với Nguyễn Thị Kim C. Ngày 09/7/2010, Viện kiểm sát nhân dân Tp. Hồ Chí Minh phê chuẩn các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với Nguyễn Thị Kim C của Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an Tp. Hồ Chí Minh.
Xác minh địa chỉ thường trú của C1 tại địa chỉ 86/1 Bình Đông, Phường 11, Quận 8, Tp. Hồ Chí Minh, được biết nhà của C1 thuộc diện giải tỏa, C1 chuyển về sinh sống tại B4.4B Chung cư Bình Đông, Phường 6, Quận 8, Tp. Hồ Chí Minh. Xác minh tại Công an Phường 6, Quận 8, được biết gia đình C1 đã bán nhà, chuyển đi nơi khác không khai báo, không rõ C1 ở đâu, làm gì. Do đó, ngày 23/7/2010, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Tp. Hồ Chí Minh ra Quyết định truy nã đối với C1. Hết thời hạn điều tra, ngày 28/7/2010, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Tp. Hồ Chí Minh ra Quyết định tạm đình chỉ điều tra đối với C1.
Ngày 25/5/2021, Công an Phường 11, Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh bắt được C1 và bàn giao cho Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Thành phố Hồ Chí Minh. Cùng ngày, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Thành phố Hồ Chí Minh ra Quyết định đình nã đối với C1. Ngày 31/5/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Tp. Hồ Chí Minh ra Quyết định phục hồi điều tra vụ án hình sự và Quyết định phục hồi điều tra bị can, Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với C1 để tiếp tục giải quyết vụ án theo quy định.
Trong vụ án “Lưu hành các giấy tờ có giá giả khác” các bị cáo Đỗ Hùng C2, Nguyễn Văn Thanh T, Nguyễn Thị Ngọc H, Đỗ Hùng T2 đã bị xét xử tại Bản án hình sự sơ thẩm số 338/2010/HSST ngày 26/11/2010 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, Đỗ Hùng C2 bị tuyên phạt 04 năm tù, Nguyễn Văn Thanh T bị tuyên phạt 03 năm tù nhưng cho hưởng án treo, Nguyễn Thị Ngọc H bị xử 02 năm tù nhưng cho hưởng án treo và Đỗ Hùng T2 bị phạt 01 năm 06 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Quá trình phục hồi giải quyết vụ án, Cơ quan điều tra đã xác minh, ghi lời khai của các đối tượng nêu trên, cụ thể:
- Đỗ Hùng C2 khai: Khoảng năm 2002, thông qua các mối quan hệ xã hội, C2 biết Nguyễn Văn Thanh T. T là người thành lập, quản lý, điều hành Công ty Đ và Công ty Đức Nghĩa, phụ trách kinh doanh mua bán hóa đơn khống. C2 là người tìm, tuyển nhân viên, hướng dẫn mua bán hóa đơn đầu vào cho Công ty Đ và Công ty Đức Nghĩa, báo cáo thuế cho Chi cục thuế Quận 4.
Nguyễn Thị Kim C là người được C2 thuê đứng tên Giám đốc Công ty Đ. Nhiệm vụ của C1 là ký khống vào mục giám đốc Công ty Đ trên các hóa đơn GTGT, phiếu thu tiền, Hợp đồng kinh tế theo yêu cầu của C2 và T. Khi C1 vào làm tại Công ty Đ, C2 nói với C1 đây là Công ty của T và C2, C2 là cán bộ thuế sẽ làm ăn đàng hoàng nên C1 an T ký lên mục Giám đốc của các hóa đơn khống. Quá trình hoạt động, Công ty Đ và Công ty Đức Nghĩa không có kho bãi chứa hàng hóa, dịch vụ, chỉ hoạt động mua bán hóa đơn GTGT khống để thu lợi.
Do vụ án diễn ra đã lâu, C2 không nhớ đã yêu cầu C1 ký vào bao nhiêu hóa đơn GTGT của Công ty Đ. Trong thời gian làm việc tại Công ty Đ từ tháng 5/2003 đến tháng 9/2003, C1 được C2 trả lương 05 lần, với số tiền là 5.000.000 đồng.
- Nguyễn Thị Ngọc H khai: Hạnh quen biết Nguyễn Văn Thanh T từ 2001, năm 2002, T thành lập Công ty TNHH Thương mại Quảng cáo Thiên Lạc và có rủ Hạnh vào làm nhưng Công ty không hoạt động. Công ty Đ và Công ty Đức Nghĩa đều do C2 và T thành lập, điều hành, hoạt động Chính là mua bán hóa đơn khống. Hạnh là người giới thiệu Nguyễn Thị Kim C để T và C2 thuê đứng tên Giám đốc Công ty Đ. Quá trình làm việc tại 02 Công ty, Hạnh thấy 02 Công ty không có kho chứa hàng hóa, không có cơ sở và công nhân sản xuất, không kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, chỉ hoạt động mua bán hóa đơn GTGT khống để thu lợi. Tháng 12/2002, theo chỉ đạo của T, Hạnh chở C1 đến Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh để làm thủ tục chuyển nhượng vốn cho người khác, nội dung C1 ký trên hồ sơ và trao đổi với T như thế nào Hạnh không rõ. Đến năm 2004, Hạnh mới được biết đó là hồ sơ thay đổi tên từ Công ty T sang Công ty Đ, nên Công ty Đ vẫn do C1 đứng tên làm Giám đốc.
- Đối với Nguyễn Văn Thanh T và Đỗ Hùng T2, qua xác minh được biết các đối tượng không còn cư trú tại địa phương, chuyển đi đâu, làm gì không rõ, không lấy được lời khai. Tuy nhiên, căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu, lời khai của T và Thịnh mà cơ quan điều tra đã thu thập trước đó và đã được Tòa án xét xử thì lời khai của T và Thịnh phù hợp với lời khai của C2 và Hạnh như đã nêu trên.
Quá trình điều tra, Nguyễn Thị Kim C bị khởi tố về “Tội Lưu hành các giấy tờ có giá giả khác” quy định tại Điều 181 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009. Tuy nhiên, căn cứ Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội về hiệu lực của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 về việc áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội đối với những hành vi phạm tội thực hiện trước khi Bộ luật hình sự có hiệu lực thi hành; ngày 24/9/2021, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Tp. Hồ Chí Minh ra Quyết định thay đổi Quyết định khởi tố bị can đối với C1 về “Tội mua bán trái phép hóa đơn” và ngày 28/9/2021 Viện kiểm sát nhân dân Tp. Hồ Chí Minh ra Quyết định phê chuẩn Quyết định thay đổi Quyết định khởi tố bị can nêu trên.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 06/2022/HS-ST ngày 06/01/2022 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên xử:
1- Căn cứ điểm d khoản 2 Điều 203, điểm s khoản 1 và khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017:
Xử phạt bị cáo Nguyễn Thị Kim C 01 (một) năm tù về “Tội mua bán trái phép hóa đơn”, thời hạn tù tính từ ngày bị cáo chấp hành án nhưng được trừ thời gian tạm giữ từ ngày 25/5/2021 đến ngày 31/5/2021.
2- Căn cứ Điều 47 Bộ luật Hình sự:
Buộc bị cáo Nguyễn Thị Kim C phải nộp sung công quỹ Nhà nước số tiền thu lợi bất Chính 5.000.000 đồng.
Ngoài ra, bản án còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 10/01/2022 bị cáo Nguyễn Thị Kim C kháng cáo xin được hưởng án treo.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Thị Kim C giữ nguyên kháng cáo. C1 khai nhận: Năm 2002, thông qua Nguyễn Thị Ngọc H, C1 quen biết Nguyễn Văn Thanh T và được T nhờ đứng tên làm Giám đốc Công ty T do T thành lập ở Quận 8, nhưng Công ty không đi vào hoạt động được. Tháng 5/2003, H chở C1 đến gặp Đỗ Hùng C2 để C2 nhận C1 vào làm tại Công ty Đ. C2 nói Công ty Đ là của C2 và T, C2 là cán bộ nhà nước, làm ăn đàng hoàng không vi phạm pháp luật, muốn nhờ C1 đứng tên làm Giám đốc, vì vậy C1 đồng ý. Nhiệm vụ của C1 là ký khống lên mục Giám đốc Công ty Đ trên các hóa đơn GTGT, phiếu thu tiền, hợp đồng kinh tế theo yêu cầu của T, mặc dù biết rõ Công ty Đ không thực hiện sản xuất, dịch vụ, mua bán hàng hóa gì nhưng vẫn xuất bán hóa đơn GTGT. Theo chỉ đạo của C2 và T, C1 ký lên các hóa đơn, phiếu thu, báo cáo thuế, hợp đồng kinh tế của Công ty Đ từ tháng 5/2003 đến tháng 9/2003. Trong thời gian này, C1 được T trả lương 1.000.000 đồng/tháng, tổng cộng là 5.000.000 đồng. Từ tháng 5/2003 đến tháng 9/2003, theo chỉ đạo của T và C2, C1 đã ký tổng cộng 40 hóa đơn GTGT và nhiều hợp đồng kinh tế, chứng từ khác của Công ty Đ.
Về việc bị truy nã, C1 khai nhận có đăng ký hộ khẩu thường trú tại địa chỉ 86/1 Bình Đông, Phường 11, Quận 8, Tp. Hồ Chí Minh. Năm 2004, do nhà thuộc diện giải tỏa nên gia đình C1 chuyển đến ở tại căn hộ B4.4B Chung cư Bình Đăng, Phường 6, Quận 8, Tp. Hồ Chí Minh. Năm 2010, do cha mẹ bị bệnh nặng, gia đình khó khăn về tài chính nên phải bán nhà, chuyển đến cư trú tại A35/29AC, Ấp 3B, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, Tp. Hồ Chí Minh cho đến nay, tuy nhiên quá trình thay đổi nơi cư trú không khai báo cho chính quyền địa phương nơi đi và nơi đến. Do bị mất Sổ hộ khẩu và Giấy chứng minh nhân dân, ngày 25/5/2021, C1 đến Công an phường 11, Quận 8, Tp. Hồ Chí Minh để hỏi về thủ tục xin cấp lại Giấy chứng minh nhân dân và sổ Hộ khẩu thì bị bắt giữ. Bị cáo là người dân tộc Chăm, có hoàn cảnh gia đình khó khăn, bị cáo còn chị và một cháu gái bị bệnh về nhận thức, nếu không có bị cáo thì không có ai chăm sóc. Bị cáo xin Hội đồng xét xử xem xét hoàn cảnh của bị cáo để giảm nhẹ hình phạt, nếu trường hợp không cho bị cáo hưởng án treo thì cho bị cáo tại ngoại như thời gian qua.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên tòa phát biểu: Về thủ tục tố tụng: kháng cáo trong hạn luật định. Về nội dung vụ án, quyết định của bản án sơ thẩm đúng như chủ tọa phiên tòa tóm tắt. Về nội dung vụ án: Quá trình điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội. Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo. Mặc dù tại phiên tòa hôm nay bị cáo có tình tiết mới là đã khắc phục số tiền 5.000.000 đồng nhưng mức án sơ thẩm đã xử bị cáo là mức thấp nhất của khung hình phạt. Theo hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì người phạm tội bị truy nã không được hưởng án treo. Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Bị cáo nói lời sau cùng: Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị cáo để bị cáo được ở ngoài chăm sóc gia đình.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về thủ tục tố tụng: Đơn kháng cáo của bị cáo trong hạn luật định, hợp lệ nên được xem xét, giải quyết theo thủ tục phúc thẩm.
[2] Xét kháng cáo của bị cáo:
[2.1] Tại phiên tòa bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội mà bị cáo đã thực hiện. Lời khai nhận tội của bị cáo phù hợp với các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án, có đủ cơ sở chứng minh: Trong quá trình làm việc tại Công ty Đ, bị cáo là người đứng tên giám đốc Công ty, nhưng chỉ làm thuê và hưởng lương; người thực tế quản lý, điều hành nhân sự và các hoạt động của Công ty là Đỗ Hùng C2 và Nguyễn Văn Thanh T, bị cáo đã ký vào các giấy tờ, hóa đơn GTGT và báo cáo thuế theo chỉ đạo của C2 và T. Từ tháng 5/2003 đến tháng 9/2003, mặc dù biết Công ty không có hoạt động sản xuất, dịch vụ, kinh doanh mua bán hàng hóa, nhưng vẫn xuất hóa đơn giá trị gia tăng và theo yêu cầu của C2 và T, bị cáo đã ký 40 hóa đơn GTGT với doanh số 19.013.621.294 đồng, thuế giá trị gia tăng 1.658.424.842 đồng để giúp C2 và T bán số hóa đơn này cho nhiều cá nhân và đơn vị tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh nhằm thu lợi bất chính.
Với hành vi nêu trên, bị cáo phạm vào “Tội lưu hành các giấy tờ có giá giả khác” được quy định tại Điều 181 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009. Tòa án cấp sơ thẩm đã căn cứ Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội và khoản 3 Điều 7 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, áp dụng nguyên tắc có lợi đối với những hành vi phạm tội được thực hiện trước ngày Bộ luật hình sự có hiệu lực mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử nên xét xử bị cáo về “Tội mua bán trái phép hóa đơn” theo điểm d khoản 2 Điều 203 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 là có căn cứ, đúng pháp luật, không oan, không sai.
[2.2] Trong khi lượng hình, Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, gây mất trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước trong lĩnh vực thuế, gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nghiêm T1c chấp hành quy định của pháp luật. Hội đồng xét xử xét thấy vai trò của bị cáo phải được xem xét trong vụ án “Lưu hành các giấy tờ có giá giả khác” đối với các bị cáo Đỗ Hùng C2, Nguyễn Văn Thanh T, Nguyễn Thị Ngọc H, Đỗ Hùng T2 đã bị xét xử tại Bản án hình sự sơ thẩm số 338/2010/HSST ngày 26/11/2010 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Theo diễn biến vụ án và các lời khai của C2, T, H, T2 thì các bị cáo này mới có vai trò chủ yếu trong vụ án, C1 chỉ có vai trò hạn chế, bị cáo C1 không phải là mắt xích quan trọng và có ảnh hưởng đến toàn bộ hành vi phạm tội của các bị cáo khác. Trong vụ án nêu trên, C2, T, H, T2 có mức án cao hơn bị cáo C1 nhưng hầu hết các bị cáo này đều được hưởng án treo.
Bị cáo không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa, bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, phạm tội lần đầu là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 và tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự. Mặt khác, bị cáo là người dân tộc Chăm, số tiền thu lợi bất chính chỉ có 5 triệu đồng, bị cáo đã tự nguyện nộp lại toàn bộ số tiền thu lợi bất chính là 5.000.000 đồng và tiền án phí hình sự sơ thẩm, thể hiện thái độ ăn năn hối cải và bị cáo có thể tự cải tạo tốt. Vì vậy cần được xem xét là tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự. Cho nên Hội đồng xét xử xét thấy bị cáo đủ điều kiện để áp dụng khoản 1 Điều 54 Bộ luật hình sự để áp dụng một mức hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng (khoản 2 Điều 203) trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn (khoản 1 Điều 203) mới thể hiện được sự tính khoan hồng của pháp luật, cho bị cáo một cơ hội được rút ngắn thời gian cải tạo là tạo điều kiện cho bị cáo chăm sóc những người sống lệ thuộc vào bị cáo.
Tuy nhiên, trong quá trình điều tra vụ án bị cáo thay đổi nơi cư trú không khai báo với chính quyền địa phương và đã bị cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh ra Quyết định truy nã, nên thuộc trường hợp không được hưởng án treo theo quy định tại Điều 3 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Do vậy cấp sơ thẩm đã áp dụng hình phạt tù đối với bị cáo là có căn cứ và đúng pháp luật. Vì vậy, Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu kháng cáo xin được hưởng án treo của bị cáo.
Bởi các nhận định trên, Hội đồng xét xử chấp nhận một phần kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo. Quan điểm của Viện kiểm sát là không phù hợp nên Hội đồng xét xử không chấp nhận.
[3] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm về các biện pháp tư pháp, án phí không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị. Bị cáo đã thi hành xong các quyết định này.
[4] Về án phí: Do kháng cáo được chấp nhận một phần nên bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ điểm b, khoản 1 Điều 355, điểm c, khoản 1 Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015; áp dụng Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
- Chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Nguyễn Thị Kim C. Sửa một phần Bản án hình sự sơ thẩm số 06/2022/HS-ST ngày 06/01/2022 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về phần hình phạt.
Tuyên xử:
1/ Tuyên bố bị cáo Nguyễn Thị Kim C phạm tội “Tội mua bán trái phép hóa đơn”.
Căn cứ điểm d, khoản 2 Điều 203, điểm b, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51, khoản 1 Điều 54, Điều 38 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Thị Kim C 06 (sáu) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo chấp hành án nhưng được trừ thời gian tạm giữ từ ngày 25/5/2021 đến ngày 31/5/2021.
2/ Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết hạn kháng cáo, kháng nghị. Bị cáo đã nộp xong số tiền thu lợi bất Chính sung công quỹ Nhà nước là 5.000.000 đồng và đã nộp xong số tiền 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm.
3/ Án phí: Bị cáo Nguyễn Thị Kim C không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.
Bản án về tội mua bán trái phép hóa đơn số 297/2022/HS-PT
Số hiệu: | 297/2022/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 12/05/2022 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về