Bản án về tội mua bán trái phép hóa đơn số 27/2022/HS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI

BẢN ÁN 27/2022/HS-PT NGÀY 19/01/2022 VỀ TỘI MUA BÁN TRÁI PHÉP HÓA ĐƠN

Ngày 19 tháng 01 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 902/TLPT-HS ngày 14 tháng 10 năm 2021 đối với Trần Văn P, Đào Thị Thu H phạm tội “Mua bán trái phép hóa đơn” do có kháng cáo của các bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 117/2021/HSST ngày 05/8/2021 của Tòa án nhân dân thành phố H1.

* Các bị cáo có kháng cáo:

1. Trần Văn P, sinh ngày 31 tháng 8 năm 1972 tại H1; nơi ĐKHKTT: Thôn Đ, xã H2, huyện A, thành phố H1; nơi cư trú: Số 20/545 đường T, phường V, quận L, thành phố H1; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ văn hóa: 7/10; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; giới tính: Nam; quốc tịch: Việt Nam; con ông Trần Văn M và bà Nguyễn Thị P1; có vợ là Nguyễn Thị N và 02 con; tiền án, tiền sự: Không; bị áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 28 tháng 9 năm 2020. Có mặt.

2. Đào Thị Thu H, sinh ngày 17 tháng 02 năm 1982 tại H1; nơi cư trú: Đội 4, thôn K, xã Đ1, huyện A, thành phố H1; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ văn hóa: 12/12; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; giới tính: Nữ; quốc tịch: Việt Nam; con ông Đào Xuân C và bà Nguyễn Bích T1; có chồng là Phạm Ngọc D và 02 con; tiền án: Tại Bản án số 11/2020/HS-ST ngày 27 tháng 4 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện A, thành phố H1 xử phạt Đào Thị Thu H 200.000.000 đồng về tội “Mua bán trái phép hóa đơn” (chưa được xóa án tích);

tiền sự: Không; bị tạm giữ từ ngày 19 tháng 5 năm 2020, đến ngày 28 tháng 5 năm 2020 chuyển tạm giam, đến ngày 12 tháng 10 năm 2020 thay thế bằng biện pháp ngăn chặn bảo lĩnh. Có mặt.

* Người bào chữa cho bị cáo Đào Thị Thu H, Trần Văn P (do bị cáo mời): Luật sư Phạm Văn H3 và Luật sư Vũ Văn N1 - Công ty Luật TNHH H5 - Chi nhánh H1 thuộc Đoàn luật sư thành phố H1; địa chỉ: BH 06- 09 Boutique, Khu đô thị V1, phường T2, quận H4, thành phố H1. Có mặt

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và Bản án sơ thẩm, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Hồi 09 giờ 30 phút ngày 19 tháng 5 năm 2020, tại nhà riêng của Đào Thị Thu H ở đội 4, thôn K, xã Đ1, huyện A, thành phố H1, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an thành phố H1 đã phát hiện, bắt quả tang H đang bán trái phép 04 số hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) cho Nguyễn Văn H6, sinh năm 1983, nơi cư trú: Thôn D1, xã T3, huyện A, thành phố H1, thu lợi bất chính 17.000.000 đồng.

Thời điểm bắt quả tang, Cơ quan điều tra thu giữ: 17.000.000 đồng, 04 hóa đơn GTGT H bán cho anh H6 gồm 03 hóa đơn của Công ty TNHH Thương mại xây dựng Vận tải M1 (Công ty M1), giám đốc là Phạm Duy M2; 01 hóa đơn của Công ty TNHH T4, giám đốc là Nguyễn Thị Đ3; 01 quyển hóa đơn của Công ty TNHH dịch vụ thương mại xây dựng và vận tải P2 (Công ty P2) do Trần Văn P làm giám đốc; 01 quyển hóa đơn của Công ty M1 và cùng một số giấy tờ, tài liệu.

Khám xét chỗ ở của Đào Thị Thu H thu giữ: 01 quyển hóa đơn GTGT của Công ty TNHH Đầu tư thương mại xây dựng và vận tải N4 (Công ty N4) chưa ghi nội dung, đã có chữ ký và đóng dấu; 01 quyển hóa đơn GTGT của Công ty M1 chưa ghi nội dung, đã có chữ ký và đóng dấu; 01 CPU máy tính để bàn, 01 máy in đã qua sử dụng và một số tài liệu.

Cùng ngày, vào hồi 10 giờ 30 phút tại nhà của Phạm Văn D2 ở số 32 khu dân cư 203 đường 203, thôn C1, xã A1, huyện A, thành phố H1, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an thành phố H1 phát hiện và bắt quả tang Phạm Văn D2 và vợ là Phạm Thị H7 đang bán trái phép 05 số hóa đơn GTGT cho chị Quách Thị Thu H8, sinh năm 1994, địa chỉ: Thôn D1, xã T3, huyện A, thành phố H1, D2 thu lợi bất chính 18.000.000 đồng. Cơ quan Cảnh sát điều tra thu giữ:

18.000.000 đồng và 05 hóa đơn GTGT, gồm 01 hóa đơn của Công ty TNHH Xây dựng Thương mại H8 (Công ty H8), 01 hóa đơn GTGT của Công ty TNHH Đầu tư thương mại T5 (Công ty T5), 01 hóa đơn GTGT của Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh Thương mại dịch vụ B1 (Công ty B1), và 02 hóa đơn của Công ty TNHH Vận tải Xây dựng Thương Mại S (Công ty S).

Khám xét khẩn cấp nơi ở của Phạm Văn D2 thu giữ: 01 quyển hóa đơn GTGT của Công ty H8, gồm 123 tờ hóa đơn GTGT, trong đó có 87 tờ đã viết nội dung hoặc ký tên giám đốc, đóng dấu; 01 quyển hóa đơn GTGT của Công ty S, gồm 117 tờ hóa đơn GTGT, trong đó có 77 tờ đã viết nội dung hoặc ký tên giám đốc, đóng dấu; 01 quyển hóa đơn GTGT của Công ty T5, gồm 143 tờ hóa đơn GTGT, trong đó có 40 tờ đã viết nội dung hoặc ký tên giám đốc, đóng dấu;

02 quyển hóa đơn GTGT của Công ty B1, gồm 262 tờ hóa đơn GTGT, trong đó có 129 tờ đã viết nội dung hoặc ký tên giám đốc, đóng dấu; 01 con dấu pháp nhân của Công ty H9, 01 con dấu pháp nhân của Công ty B1, 02 con dấu chức danh Giám đốc mang tên Phạm Văn D2, 01 con dấu chức danh mang tên Nguyễn Văn V2.

Phạm Văn D2 khai nhận các quyển hóa đơn của Công ty H8, Công ty T5, Công ty S là do Phạm Thế C2 cung cấp cho D2 để bán trái phép.

Tiến hành khám xét khẩn cấp nơi ở của Phạm Thế C2 thu giữ: 01 dấu tròn, 01 dấu chức danh giám đốc Phạm Đông D2 của Công ty T5; 01 dấu tròn, 01 dấu chức danh giám đốc Phạm Thị H2 của Công ty H8; 01 dấu tròn, 01 dấu chức danh giám đốc Phạm Thế C2 của Công ty S; 12 quyển hóa đơn của 03 Công ty trên; 03 CPU máy tính để bàn và một số tài liệu liên quan.

Quá trình điều tra xác định được như sau:

- Tại Cơ quan điều tra Phạm Văn D2 khai nhận: Năm 2015, Phạm Văn D2 thành lập và làm giám đốc Công ty TNHH Đầu tư xây dựng vận tải H9 để kinh doanh hoạt động vận tải. Đến tháng 04 năm 2017, do làm ăn thua lỗ, nợ nần nhiều nên D2 ngừng hoạt động Công ty H9. Tháng 12 năm 2017, D2 nảy sinh ý định thành lập Công ty để bán trái phép hóa đơn kiếm lời. D2 đã thành lập Công ty B1, người đại diện theo pháp luật của Công ty ban đầu D2 thuê ông Vũ Văn T6, sinh năm 1966, trú tại: xã H10, huyện T7, thành phố H1. Đến ngày 24 tháng 5 năm 2018, D2 làm thủ tục thay đổi chủ sở hữu thành ông Nguyễn Văn V2, sinh năm 1973, trú tại thôn T8, xã A3, huyện A, thành phố H1. D2 thuê đăng ký trụ sở Công ty tại số 2, tổ dân phố P2, phường A4, quận D4, thành phố H1 với giá 2.000.000 đồng. D2 không bàn bạc, thỏa thuận việc mua bán trái phép hóa đơn với Vũ Văn T6 và Nguyễn Văn V2. D2 nói với T6, V2 chỉ cần đứng tên giám đốc Công ty không phải làm gì cả cũng được tiền nên T6, V2 đồng ý. Công ty B1 không hoạt động sản xuất, kinh doanh, chỉ hoạt động bán trái phép hóa đơn. D2 đã trả lương giám đốc cho T6 là 5.000.000 đồng, đã trả lương giám đốc cho V2 2.000.000 đồng/tháng, tổng cộng đã trả V2 48.000.000 đồng.

Từ năm 2018, D2 thuê Đào Thị Thu H làm kế toán giúp sức cho D2 trong việc mua bán trái phép hóa đơn với mức lương 1.000.000 đồng/01 tháng. Nhiệm vụ của H là viết khống các nội dung trên hóa đơn, đi chuyển tiền ngân hàng, kê khai báo cáo thuế hàng tháng của Công ty B1 theo chỉ đạo của D2. Ngoài ra, H còn mua lại hóa đơn khống của nhiều đối tượng để bán thu lợi bất chính.

Ngoài việc sử dụng Công ty B1 để bán trái phép hóa đơn, D2 còn thỏa thuận với Phạm Thế C2 về việc dùng hóa đơn của các Công ty do C2 thành lập gồm: Công ty S; Công ty H8; Công ty T5 để bán trái phép cho khách của D2 với giá trung bình 02%, trong đó D2 được hưởng 01% và C2 được hưởng 01%. Sau đó, C2 đưa 03 quyển hóa đơn (mỗi Công ty 01 quyển) cho D2 bán. Tuy nhiên, Phạm Văn D2 chưa bán được số hóa đơn nào của 03 Công ty trên thì ngày 19 tháng 5 năm 2020 đã bị bắt.

Thông qua các mối quan hệ xã hội (thường là do người quen của D2 hoặc do H giới thiệu) những người có nhu cầu mua hóa đơn GTGT trái phép sẽ trực tiếp gặp gỡ D2, H hoặc gửi thông tin cho D2, H để thỏa thuận giá mua hóa đơn, thống nhất cách thức giao nhận hóa đơn, cách thức chuyển khoản. Khi hai bên thỏa thuận xong thì khách hàng gửi thông tin cần viết vào hóa đơn (bao gồm tên hàng hóa, doanh số, tên Công ty mua…) cho D2 trực tiếp hoặc qua tin nhắn điện thoại, phần mềm zalo. Sau đó, D2 chỉ đạo cho H viết các thông tin do khách hàng cung cấp vào hóa đơn GTGT, đóng dấu chức danh, dấu tròn Công ty vào hóa đơn GTGT khống, sau đó D2 đem giao hóa đơn GTGT cho khách để thu lợi bất chính.

Theo quy định, các hóa đơn có doanh số trên 20.000.000 đồng phải thanh toán bằng hình thức chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng. Vì vậy, để hợp thức hóa việc mua bán trái phép hóa đơn GTGT không có hàng hóa kèm theo, Phạm Văn D2 thỏa thuận với khách hàng về việc chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng. Nếu khách mua hóa đơn GTGT tự chuyển khoản thì D2 sẽ chỉ đạo H viết, đóng dấu khống Séc rút tiền trước rồi đưa lại cho khách mua hóa đơn thực hiện chuyển khoản. Nếu khách mua hóa đơn yêu cầu thì D2 trực tiếp hoặc chỉ đạo H rút tiền rồi đem giao lại cho khách mua hóa đơn. Nếu phải tự chuyển khoản thì D2 trực tiếp hoặc chỉ đạo H ra ngân hàng nộp tiền vào tài khoản của khách hàng, sau đó H dùng Ủy nhiệm chi của khách mua hóa đơn (đã ký, đóng dấu khống) để chuyển số tiền vừa nộp từ tài khoản của khách hàng về tài khoản của Công ty B1 rồi dùng Séc rút tiền về, nộp lại cho D2.

Khách mua trái phép hóa đơn của D2 thường là những người môi giới, trung gian mua hóa đơn để bán lại hưởng tiền chênh lệch như ông H11 (không rõ làm gì, ở đâu), Nguyễn Văn H6, Quách Thị Thu H8 (khách mua bị bắt quả tang), ông T6 (không rõ làm gì, ở đâu), Đào Thị Thu H (kế toán của D2). D2 khai không bán hóa đơn trái phép trực tiếp cho doanh nghiệp, tổ chức nào.

Ngoài ra, D2 khai nhận có một số lần nhờ vợ Phạm Thị H7 viết hộ hóa đơn nhưng không nói cho H2 biết và không cho H2 tham gia hoạt động mua bán trái phép hóa đơn.

Từ tháng 01 năm 2018 đến hết ngày 19 tháng 5 năm 2020, D2 đã bán trái phép tổng số 382 số hóa đơn GTGT với giá trung bình 01% doanh số hàng hóa, dịch vụ khống ghi trên hóa đơn (chưa tính thuế VAT 10%). Tổng doanh số hàng hóa, dịch vụ bán ra khống là: 214.640.439.000 đồng, như vậy số tiền Phạm Văn D2 thu được từ việc bán trái phép hóa đơn là 2.146.404.390 đồng. D2 đã chi 22.000.000 đồng trả lương cho Đào Thị Thu H; chi tiền thuế nộp cho Nhà nước là 374.158.000 đồng; chi tiền in hóa đơn là 2.090.000 đồng; chi tiền thuê hai giám đốc là 53.000.000 đồng. Sau khi đã trừ các khoản thuế, chi phí, Phạm Văn D2 thu lợi bất chính số tiền 1.695.156.390 đồng.

- Tại Cơ quan điều tra, Phạm Thế C2 khai nhận: Tháng 03 năm 2018, C2 thành lập và làm giám đốc Công ty S với mục đích kinh doanh vật liệu xây dựng, do không kinh doanh được nên từ tháng 5 năm 2018, C2 bắt đầu bán trái phép hóa đơn GTGT. Tháng 7 năm 2018, Phạm Thế C2 nhờ con gái là Phạm Thị H5 đứng tên giám đốc Công ty H8. C2 thuê nhà bà Phạm Thị Thúy tại địa chỉ tổ dân phố số 1, khu V3, phường H12, quận D4, thành phố H1 với giá 1.500.000 đồng/01 tháng để treo biển đăng ký trụ sở Công ty, còn thực tế Công ty H8 không có hoạt động sản xuất, kinh doanh. C2 nhờ H2 viết nội dung hóa đơn GTGT nhưng không nói cho H2 biết việc C2 sử dụng Công ty để bán trái phép hóa đơn GTGT, không cho H2 tham gia mua bán trái phép hóa đơn GTGT.

Tháng 9 năm 2019, Phạm Thế C2 tiếp tục thành lập Công ty T5 để bán trái phép hóa đơn GTGT, C2 thuê cháu họ là Phạm Đông D2 đứng tên giám đốc và trả công cho D2 2.000.000 đồng/01 tháng. Phạm Đông D2 không biết việc C2 thành lập Công ty để bán hóa đơn. Trụ sở Công ty, C2 đăng ký tại nhà bà Phạm Thị H14 ở thôn Hà Đỗ, xã H2, huyện A, thành phố H1.

Phạm Thế C2 thuê Nguyễn Thị V5, sinh năm 1978, trú tại tổ dân phố Đ5, phường Đ6, quận K4, thành phố H1 làm kế toán viết hóa đơn, kê khai báo cáo thuế với giá 2.000.000 đồng/01 tháng và thưởng cho Vân 500.000 đồng/01 quý. Hàng tháng, V5 đến nhà C2 lấy hóa đơn, chứng từ về viết, kê khai theo chỉ đạo của Chí, C2 không nói, không cho V5 biết và không cho V5 tham gia hoạt động mua bán trái phép hóa đơn của C2 vì sợ lộ.

Khách mua trái phép hóa đơn của C2 thường là những người môi giới, trung gian mua hóa đơn để bán lại hưởng tiền chênh lệch như ông H6, ông C5 (không rõ làm gì, ở đâu). C2 không bán hóa đơn trái phép trực tiếp cho doanh nghiệp, tổ chức nào. Ngoài ra, do ít khách mua hóa đơn nên C2 thống nhất với D2 về việc dùng hóa đơn của Công ty S, Công ty H8, Công ty T5 để mua bán trái phép hóa đơn với giá trung bình 2%, trong đó D2 được hưởng 01% và C2 được hưởng 01%. Tuy nhiên, Phạm Thế C2 không biết chính xác D2 đã bán trái phép bao nhiêu số hóa đơn, thu lợi bất chính bao nhiêu và C2 đã chia bao nhiêu tiền bán hóa đơn cho D2.

Để thực hiện việc bán trái phép hóa đơn GTGT, Phạm Thế C2 thỏa thuận với khách hàng về việc khách mua hóa đơn GTGT tự chuyển khoản qua tài khoản Ngân hàng để hợp thức hóa việc mua bán trái phép hóa đơn GTGT, C2 sẽ viết, đóng dấu khống Séc rút tiền trước rồi đưa lại cho khách mua hóa đơn GTGT thực hiện chuyển khoản. Về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ mua vào của Công ty S, Công ty H8, Công ty T5 kê khai với cơ quan thuế. Cả 3 Công ty trên không mua bán hàng hóa, dịch vụ gì, Phạm Thế C2 tự nghĩ ra doanh số mua vào để cân đối với doanh số bán ra sao cho số thuế GTGT phải nộp hợp lý.

Từ tháng 05 năm 2018 đến ngày 19 tháng 5 năm 2020, C2 đã bán trái phép tổng cộng 386 số hóa đơn GTGT của cả 03 Công ty với giá trung bình 01% doanh số hàng hóa, dịch vụ khống ghi trên hóa đơn (chưa tính thuế VAT 10%). Tổng doanh số hàng hóa, dịch vụ bán ra khống là: 95.479.652.853 đồng. Như vậy, số tiền Phạm Thế C2 thu được từ việc bán trái phép hóa đơn là 954.796.529 đồng. C2 đã chi 47.500.000 đồng trả lương cho Nguyễn Thị V5 (từ tháng 7 năm 2018 đến hết tháng 4 năm 2020), trả lương giám đốc cho Phạm Đông D2 là 16.000.000 đồng (từ tháng 9 năm 2019 đến hết tháng 4 năm 2020); nộp tiền thuế cho Nhà nước là 178.748.000 đồng; chi phí in hóa đơn là 9.350.000 đồng. Sau khi trừ thuế, chi phí, Phạm Thế C2 thu lợi bất chính số tiền 703.198.529 đồng.

- Tại Cơ quan điều tra, Trần Văn P khai nhận: Tháng 10 năm 2019, P thành lập Công ty P2 và đứng tên giám đốc nhằm mục đích bán trái phép hóa đơn GTGT. P thuê nhà bà Bùi Thị H2 tại địa chỉ số 121A/292 đường Lạch Tray, phường K6, quận L, thành phố H1 với giá 1.500.000 đồng/01 tháng làm trụ sở Công ty (tuy nhiên P mới trả 1.000.000 đồng cho bà H6). P treo biển Công ty P2, đặt máy tính, bàn ghế tại đây khoảng 10 ngày để làm thủ tục kiểm tra, đăng ký thành lập Công ty P2. Sau đó, P gỡ biển hiệu, lấy lại máy tính, bàn ghế và không hoạt động gì tại địa chỉ trụ sở này. Việc mở tài khoản ngân hàng Công ty P2, P nhờ vợ là Nguyễn Thị N thực hiện. Nền không biết, không tham gia hoạt động mua bán trái phép hóa đơn GTGT của P. P trực tiếp đặt in 15 quyển tương đương 750 số hóa đơn tại Công ty Cổ phần Công nghệ số & in Đồ họa.

Từ tháng 11 năm 2019 đến đầu tháng 12 năm 2019, P là người trực tiếp viết hóa đơn GTGT của Công ty P2, bán trái phép hóa đơn GTGT, thu lợi bất chính. Từ tháng 12 năm 2019 đến tháng 5 năm 2020, qua giới thiệu của Phạm Văn D2, P thuê Đào Thị Thu H làm kế toán viết hóa đơn, tìm kiếm khách mua hóa đơn cho P và P mới trả lương 1.000.000 đồng cho H. Việc chuyển tiền qua tài khoản Ngân hàng để hợp thức hóa việc mua bán trái phép hóa đơn, Trần Văn P chuyển Séc rút tiền để khách mua hóa đơn GTGT tự chuyển khoản.

Do Công ty P2 không có hoạt động mua bán hàng hóa, dịch vụ nên P tự cân đối số liệu đầu vào sao cho hợp lý với doanh thu bán ra khống để số tiền thuế phải nộp không quá thấp cũng không quá cao. Tổng doanh số hàng hóa, dịch vụ mua vào do P tự nghĩ ra để kê khai là: 48.235.988.000 đồng. Từ tháng 11 năm 2019 đến ngày 19 tháng 5 năm 2020, P đã bán trái phép 106 số hóa đơn, tổng tiền hàng hóa khống ghi trên hóa đơn là 48.612.652.000 đồng.

Khách mua trái phép hóa đơn GTGT của P thường là những người môi giới, trung gian mua hóa đơn để bán lại hưởng tiền chênh lệch như Đào Thị Thu H, anh H15 (không rõ làm gì, ở đâu). Ngoài ra, từ cuối năm 2019 đến tháng 3 năm 2020, P đã bán trái phép 07 số hóa đơn của Công ty P2 cho Bùi Thị H2, sinh năm 1987, địa chỉ: Số 66/649 đường T, phường V, quận L, thành phố H1 (kế toán Công ty T3) với giá 04% tiền hàng hóa khống, tổng tiền hàng ghi trên 07 số hóa đơn là 1.816.049.500 đồng, thu lợi bất chính 72.641.980 đồng; bán trái phép 04 số hóa đơn của Công ty P2 cho Phan Chí C8 (giám đốc Công ty C7) với giá 04% tiền hàng hóa khống, tổng tiền hàng ghi trên 04 số hóa đơn là 2.111.729.545 đồng, thu lợi bất chính 84.469.182 đồng. Đối với các khách hàng khác, P chỉ bán hóa đơn với giá trung bình 1,4% tương đương với số tiền thu được là 625.588.221 đồng. Như vậy, tổng số tiền bán trái phép hóa đơn P thu được là 782.699.383 đồng. P đã chi 1.000.000 đồng trả lương cho Đào Thị Thu H; chi tiền thuế nộp cho Nhà nước là 63.242.000 đồng; chi tiền in hóa đơn là 3.135.000 đồng. Như vậy, Trần Văn P thu lợi bất chính số tiền là 715.322.383 đồng.

- Tại Cơ quan điều tra, Đào Thị Thu H khai nhận: Từ tháng 6 năm 2018 đến khi bị bắt, H làm kế toán giúp sức cho Phạm Văn D2 trong việc mua bán trái phép hóa đơn GTGT với mức lương 1.000.000 đồng/01 tháng. Nhiệm vụ của H là viết khống các nội dung trên hóa đơn, đi chuyển tiền ngân hàng, kê khai báo cáo thuế hàng tháng của Công ty B1 theo chỉ đạo của D2. Ngoài ra, từ tháng 12 năm 2019, thông qua sự giới thiệu của D2, H làm kế toán cho Trần Văn P với nhiệm vụ viết khống các nội dung trên hóa đơn GTGT, tìm khách để bán hóa đơn GTGT của Công ty P2. P thỏa thuận chia cho H 01% doanh thu khống hàng tháng của Công ty P2, tuy nhiên H mới nhận được 1.000.000 đồng của P thì bị bắt.

Ngoài Công ty B1 và Công ty P2, H còn mua lại hóa đơn khống của nhiều đối tượng như anh K5 khoảng 50 tuổi, ở khu vực H2, huyện A, thành phố H1 (không lai lịch cụ thể) và chị L3, sinh năm 1981, trú tại xã Lê Thiện, huyện A, thành phố H1 để bán thu lợi bất chính. Ngày 19 tháng 5 năm 2020, H đã viết, bán trái phép 04 số hóa đơn GTGT của Công ty T7; Công ty M1 với giá 2,5% tiền hàng hóa khống ghi trên hóa đơn, thu lợi bất chính 17.000.000 đồng. H khai Công ty T7 của anh K5; Công ty M1 nêu trên và Công ty N4, Công ty D6 là của chị L3.

Đối với các khách mua hóa đơn của H, hiện nay H không nhớ chính xác đã bán hóa đơn cho những Công ty, tổ chức nào vì H chỉ bán qua những người trung gian như anh H6, chị H6. Tổng cộng, H đã giúp sức cho P bán trái phép trên 78 số hóa đơn, giúp sức cho D2 bán trái phép trên 300 số hóa đơn. H không nhớ đã thu lợi bất chính được bao nhiêu tiền từ việc bán trái phép hóa đơn các Công ty của D2, P, L3, K5.

Số tiền thu lợi bất chính Đào Thị Thu H nhận được là 40.000.000 đồng, trong đó có 22.000.000 đồng tiền lương làm kế toán cho Phạm Văn D2;

1.000.000 đồng tiền lương làm kế toán cho Trần Văn P; 17.000.000 đồng tiền bán trái phép hóa đơn bị bắt quả tang.

Tại Bản kết luận giám định số 58/KLGĐ ngày 26 tháng 5 năm 2020 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an thành phố H1 về chữ viết trên 48 tờ hóa đơn GTGT thu giữ trong quá trình bắt quả tang, khám xét khẩn cấp, kết luận: Chữ viết nội dung của 34/48 tờ hóa đơn GTGT là của Đào Thị Thu H; chữ viết nội dung 14/48 tờ hóa đơn GTGT là của Phạm Thị H7.

Tại Bản Kết luận giám định số 123/KLGĐ ngày 14 tháng 9 năm 2020 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an thành phố H1 về chữ viết, chữ ký trên 11 số hóa đơn của Công ty P2 bán cho Công ty T3, Công ty C7, kết luận: Chữ viết trên 11 số hóa đơn trên là của Đào Thị Thu H, chữ ký tại mục “Thủ trưởng đơn vị” là của Trần Văn P.

- Tại Cơ quan điều tra, Phan Chí C5 – Giám đốc Công ty C7 khai nhận: Từ đầu tháng 01 năm 2020 đến tháng 02 năm 2020, Công đã mua một số máy móc, vật tư trôi nổi, không có hóa đơn kèm theo. Để hợp thức hóa đầu vào, giảm số tiền thuế phải nộp cho Nhà nước, thông qua quan hệ xã hội, Công đã mua trái phép của Trần Văn P 04 số hóa đơn (không kèm hàng hóa) với giá 04% tiền hàng hóa khống, tổng tiền hàng ghi trên 04 số hóa đơn là 2.111.729.545 đồng. Công đã sử dụng 04 hóa đơn trên để kê khai khấu trừ thuế. Ngoài ra, Công khai không mua trái phép hóa đơn của cá nhân, doanh nghiệp nào khác.

Tại Kết luận giám định ngày 14 tháng 12 năm 2020 của Cục Thuế thành phố H1 kết luận: “Công ty C7 sử dụng hóa đơn bất hợp pháp kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào kỳ tính thuế Quý 1 năm 2020 đã làm thiếu số thuế GTGT phải nộp cho Nhà nước là 211.172.955 đồng.

Công ty T3 sử dụng hóa đơn bất hợp pháp kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào kỳ tính thuế Quý 1 năm 2020 đã làm thiếu số thuế GTGT phải nộp cho Nhà nước là 181.604.950 đồng”.

Xác minh tại Cục thuế thành phố H1 và các Chi cục thuế có liên quan, xác định:

- Công ty B1 có tổng doanh số hàng hóa, dịch vụ mua vào là:

223.170.864.183. Doanh số hàng hóa, dịch vụ bán ra là: 214.640.439.434 đồng. Số thuế đã nộp là: 374.158.000 đồng, không nợ đọng thuế.

- Công ty S có tổng doanh số hàng hóa, dịch vụ mua vào là:

51.544.130.000 đồng. Doanh số hàng hóa, dịch vụ bán ra là: 52.438.058.995 đồng. Số thuế đã nộp là: 95.391.000 đồng, không nợ đọng thuế.

- Công ty H8 có tổng doanh số hàng hóa, dịch vụ mua vào là:

38.895.456.000 đồng. Doanh số hàng hóa, dịch vụ bán ra là: 39.298.050.033 đồng. Số thuế đã nộp là: 76.327.000 đồng, không nợ đọng thuế.

- Công ty T5 có tổng doanh số hàng hóa, dịch vụ mua vào là:

3.703.240.000 đồng. Doanh số hàng hóa, dịch vụ bán ra là: 3.743.545.853 đồng. Số thuế đã nộp là: 7.030.000 đồng, không nợ đọng thuế.

- Công ty P2 có tổng doanh số hàng hóa, dịch vụ mua vào là:

48.235.988.000 đồng. Doanh số hàng hóa, dịch vụ bán ra là: 48.612.652.000 đồng. Số thuế nộp là: 63.242.000 đồng, không nợ đọng thuế.

Xác minh tại các Công ty nơi các bị can đặt in hóa đơn kết quả: Phạm Văn D2 chi 2.090.000 đồng tiền in hóa đơn, Phạm Thế C2 chi 9.350.000 đồng tiền in hóa đơn, Trần Văn P chi 3.135.000 đồng tiền in hóa đơn.

Kết quả điều tra còn xác định được 134 doanh nghiệp sử dụng hóa đơn GTGT của 07 Công ty trong vụ án. Cơ quan điều tra đã làm việc được với 17 doanh nghiệp. Trong đó có Công ty C7 và Công ty T3 là 02 doanh nghiệp trong số các cá nhân, doanh nghiệp mua trái phép hóa đơn của Công ty P2 để kê khai hàng hóa đầu vào nhằm khấu trừ thuế GTGT, chiếm đoạt tổng số tiền 392.777.905 đồng thuế phải nộp vào ngân sách Nhà nước. Bị cáo Phan Chí C5- Giám đốc Công ty C7 đã bị khởi tố về tội Trốn thuế và kết thúc điều tra trong vụ án này. Đối với hành vi trốn thuế ra xảy ra tại Công ty T3, do Công ty còn mua hóa đơn của các doanh nghiệp khác, nên ngày 13 tháng 01 năm 2021, Cơ quan điều tra Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 02 về Tội trốn thuế để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định.

Các ngân hàng nơi Phạm Văn D2, Phạm Thế C2, Trần Văn P mở tài khoản giao dịch, chuyển khoản phục vụ vào việc mua bán trái phép hóa đơn đã thực hiện việc P tỏa tài khoản, tổng số dư trên các tài khoản tại thời điểm P tỏa là: 9.087.177 đồng.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 117/2021/HSPT ngày 05/8/2021 của Tòa án nhân dân thành phố H1, quyết định:

- Căn cứ các điểm d, đ, e khoản 2 và khoản 3 Điều 203; điểm s khoản 1 Điều 51; Điều 17, Điều 38, Điều 58, Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Trần Văn P 18 (Mười tám) tháng tù về tội “Mua bán trái phép hóa đơn”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt bị cáo đi thi hành án.

Phạt bị cáo Trần Văn P 20.000.000 (Hai mươi triệu) đồng để sung vào ngân sách Nhà nước.

- Căn cứ điểm d khoản 2 và khoản 3 Điều 203; điểm s khoản 1 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 17, Điều 38, Điều 58, Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Đào Thị Thu H 15 (Mười lăm) tháng tù về tội “Mua bán trái phép hóa đơn”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt bị cáo đi thi hành án. Trừ cho bị cáo thời gian tạm giữ, tạm giam từ ngày 19 tháng 5 năm 2020 đến ngày 12 tháng 10 năm 2020.

Phạt bị cáo Đào Thị Thu H 10.000.000 (Mười triệu) đồng để sung vào ngân sách Nhà nước.

* Về tiền thu lợi bất chính, tiền trốn thuế và xử lý vật chứng: Căn cứ Điều 46, Điều 47 Bộ luật Hình sự; Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự, xử:

- Tịch thu, sung vào ngân sách Nhà nước số tiền thu lợi bất chính của bị cáo Trần Văn P đã nộp là 10.000.000 (Mười triệu) đồng theo Biên lai thu tiền số 0006783 ngày 10 tháng 5 năm 2021 tại Cục Thi hành án dân sự thành phố H1.

- Buộc bị cáo Trần Văn P phải nộp tiếp số tiền thu lợi bất chính là:

705.322.383 đồng (Bảy trăm linh lăm triệu ba trăm hai mươi hai nghìn ba trăm tám ba) đồng.

- Tịch thu, sung vào ngân sách Nhà nước số tiền thu lợi bất chính của bị cáo Đào Thị Thu H đã nộp là 23.000.000 (Hai mươi ba triệu) đồng theo Biên lai thu tiền số 0006954 ngày 17 tháng 5 năm 2021 tại Cục Thi hành án dân sự thành phố H1.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về hình phạt đối với các bị cáo khác, xử lý vật chứng, án phí và thông báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 09/8/2021 các bị cáo Trần Văn P, Đào Thị Thu H có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin hưởng án treo.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Các bị cáo Trần Văn P và Đào Thị Thu H giữ nguyên nội dung kháng cáo, thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội như nội dung bản án sơ thẩm.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội có quan điểm: Tòa án cấp sơ thẩm đã đánh giá đúng tính chất, mức độ hành vi phạm tội cũng như nhân thân của các bị cáo Trần Văn P và Đào Thị Thu H. Tại phiên tòa phúc thẩm cả hai bị cáo đều được hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ mới quy định tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên hình phạt Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng đối với cả hai bị cáo là phù hợp. Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm đối với các bị cáo Người bào chữa cho các bị cáo Trần Văn P và Đào Thị Thu H đề nghị Hội đồng xét xử xem xét: Sau khi xét xử sơ thẩm cả hai bị cáo P và H đều được hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mới, bị cáo P đã khắc phục 80 triệu đồng tiền thu lời bất chính, bị cáo H đã khắc phục toàn bộ thiệt hại thể hiện sự ăn năn hối cải; các bị cáo đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo, giảm hình phạt và cho các bị cáo được hưởng án treo.

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả xét hỏi và tranh luận công khai tại phiên tòa trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, người bào chữa, bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1]. Về thủ tục tố tụng: Các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng tại cấp sơ thẩm đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Tại cấp sơ thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác không có ý kiến hoặc khiếu nại gì. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2]. Quá trình điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm các bị cáo Trần Văn P và Đào Thị Thu H đã thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Lời khai nhận tội của các bị cáo phù hợp lời khai của bị cáo tại Cơ quan điều tra, lời khai của các bị cáo khác và phù hợp với nhau, phù hợp với biên bản bắt giữ người phạm tội quả tang và các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án, như: Các vật chứng đã thu giữ gồm các hóa đơn giá trị gia tăng, các hợp đồng mua bán, hợp đồng kinh tế, các giấy rút tiền, giấy nộp tiền; các giấy ủy nhiệm chi; kết luận giám định...và các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên toà, đủ cơ sở để kết luận:

Từ tháng 11 năm 2019 đến ngày 19 tháng 5 năm 2020, bị cáo Trần Văn P đã thành lập Công ty P2 để bán trái phép 106 số hóa đơn GTGT thu lợi bất chính. Từ tháng 6 năm 2018 đến ngày 19 tháng 5 năm 2020, bị cáo Đào Thị Thu H có hành vi giúp sức cho bị cáo Phạm Văn D2 bán trái phép trên 300 số hóa đơn GTGT thu lợi bất chính và từ tháng 12 năm 2019 đến ngày 19 tháng 5 năm 2020, bị cáo Đào Thị Thu H có hành vi giúp sức cho bị cáo Trần Văn P bán trái phép trên 78 số hóa đơn GTGT thu lợi bất chính. Tòa án nhân dân thành phố H1 xét xử các bị cáo Trần Văn P, Đào Thị Thu H phạm tội “Mua bán trái phép hóa đơn” theo quy định tại Điều 203 Bộ luật Hình sự là có căn cứ.

[3]. Xét kháng cáo của các bị cáo Trần Văn P và Đào Thị Thu H, Hội đồng xét xử thấy:

Hành vi phạm tội của các bị cáo đã xâm phạm đến chế độ quản lý của Nhà nước đối với các loại hóa đơn, chứng từ, các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực thuế, xâm hại đến lợi ích quốc gia về kinh tế, làm suy giảm đến ngân sách Nhà nước.

Trong vụ án này các bị cáo Phạm Văn D2, Phạm Thế C2, Trần Văn P thực hiện việc mua bán hóa đơn GTGT độc lập. Do vậy, các bị cáo phải chịu trách nhiệm về số Công ty đã thành lập để thực hiện việc bán hóa đơn GTGT trái phép, số lượng hóa đơn GTGT đã bán trái phép và số tiền thu lợi bất chính do chính các bị cáo thực hiện. Bị cáo Đào Thị Thu H giúp sức cho bị cáo Trần Văn P và giúp sức cho bị cáo Phạm Văn D2 bán trái phép hóa đơn GTGT do đó, bị cáo H có vai trò thấp hơn.

[3.1]. Bị cáo Trần Văn P đã bán trái phép tổng cộng 106 số hóa đơn GTGT, thu lợi bất chính số tiền 715.322.383 đồng. Trong đó, bị cáo Trần Văn P bán trái phép cho bị cáo Phan Chí C5 04 số hóa đơn GTGT dẫn đến bị cáo Phan Chí C5 đã sử dụng các hóa đơn đó thực hiện hành vi trốn thuế gây thất thu thuế của Nhà nước số tiền là 211.172.955 đồng và bán trái phép cho Bùi Thị H6 (kế toán Công ty T3) 07 số hóa đơn GTGT, Công ty T3 sử dụng các hóa đơn đó thực hiện hành vi trốn thuế gây thất thu thuế của Nhà nước số tiền là 181.604.950 đồng. Tổng cộng số tiền gây thất thu thuế của Nhà nước là 392.777.905 đồng. Do đó, bị cáo Trần Văn P bị xét xử với các tình tiết khung hình phạt “Hóa đơn đã ghi nội dung từ 30 số trở lên; Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên; Gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước 100.000.000 đồng trở lên” theo quy định tại điểm d, đ, e khoản 2 Điều 203 của Bộ luật Hình sự.

Bị cáo Đào Thị Thu H giúp sức cho bị cáo Trần Văn P bán trái phép trên 78 số hóa đơn và giúp sức cho bị cáo Phạm Văn D2 bán trái phép trên 300 số hóa đơn, thu lợi bất chính số tiền 23.000.000 đồng. Do đó, bị cáo Đào Thị Thu H bị xét xử với tình tiết khung hình phạt “Hóa đơn đã ghi nội dung từ 30 số trở lên” theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 203 Bộ luật Hình sự .

[3.2] Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

Bị cáo Trần Văn P có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự. Bị cáo Đào Thị Thu H đã có một tiền án về tội “Mua bán trái phép hóa đơn”. Do hành vi phạm tội của bị cáo Đào Thị Thu H bị xét xử trong vụ án này được thực hiện trước khi Bản án của Tòa án nhân dân huyện A xét xử nên hành vi phạm tội lần này của bị cáo không coi là tái phạm nhưng được xác định bị cáo là người có nhân thân xấu.

Trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa, các bị cáo Trần Văn P, Đào Thị Thu H đều thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải nên được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự. Trước khi xét xử sơ thẩm bị cáo Đào Thị Thu H đã nộp lại toàn bộ số tiền thu lợi bất chính nên được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự.

Bị cáo Trần Văn P đã nộp lại 10.000.000 đồng/715.322.383 đồng số tiền thu lợi bất chính và trình bày bị cáo không có điều kiện để nộp lại số tiền thu lợi bất chính, không có điều kiện thi hành hình phạt chính là phạt tiền nên Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với bị cáo là có căn cứ.

Bị cáo Đào Thị Thu H phạm tội với vai trò giúp sức, số tiền thu lợi bất chính không lớn và đã nộp lại toàn bộ nhưng có nhân thân xấu, ngày 27/04/2020 bị Tòa án nhân dân huyện A, thành phố H1 xét xử về tội “Mua bán trái phép hóa đơn”; phải chịu tình tiết tăng nặng phạm tội nhiều lần. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với bị cáo là phù hợp.

Tại cấp phúc thẩm bị cáo Đào Thị Thu H xuất trình đơn xin giảm hình phạt trình bày hoàn cảnh khó khăn, chồng bị cáo không có việc làm, hai con còn nhỏ đang tuổi đi học có xác nhận và đề nghị của chính quyền địa phương; biên lai thu của Cục thi hành án dân sự thành phố H1 thể hiện bị cáo đã nộp 10.000.000 đồng thi hành tiền phạt bổ sung và 200.000 đồng án phí sơ thẩm. Bị cáo Trần Văn P xuất trình biên lai thu của Cục thi hành án dân sự thành phố H1 thể hiện bị cáo đã nộp 80.000.000 đồng tiền thu lời bất chính, 20.000.000 đồng thi hành tiền phạt bổ sung và 200.000 đồng án phí sơ thẩm, phiếu thu ủng hộ quỹ phòng chống covit xã H2, huyện A, thành phố H1 là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mới quy định tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên xét tính chất mức độ của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội thấy tại cấp phúc thẩm các bị cáo Trần Văn P và Đào Thị Thu H không được hưởng tình tiết giảm nhẹ đáng kể mới do đó không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của các bị cáo.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Về án phí phúc thẩm: Các bị cáo Trần Văn P và Đào Thị Thu H kháng cáo không được chấp nhận nên phải chịu án phí phúc thẩm hình sự.

Vì các lẽ trên.

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ Điều 356 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Trần Văn P và Đào Thị Thu H; Giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm số 117/2021/HSST ngày 05/8/2021 của Tòa án nhân dân thành phố H1.

- Căn cứ các điểm d, đ, e khoản 2 và khoản 3 Điều 203; điểm s khoản 1 Điều 51; Điều 17, Điều 38, Điều 58, Bộ luật Hình sự.

Xử phạt bị cáo Trần Văn P 18 (Mười tám) tháng tù về tội “Mua bán trái phép hóa đơn”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt bị cáo đi thi hành án.

Ghi nhận bị cáo Trần Văn P đã nộp số tiền truy thu theo quyết định của bản án sơ thẩm là 80.000.000đ (tám mươi triệu đồng) theo biên lai thu số 0000242 ngày 24/12/2021 và 20.000.000 (Hai mươi triệu) đồng tiền phạt bổ sung, 200.000đ tiền án phí hình sự sơ thẩm theo biên lai thu số 0000010 ngày 13/10/2021 của Cục Thi hành án dân sự thành phố H1.

- Căn cứ điểm d khoản 2 và khoản 3 Điều 203; điểm s khoản 1 Điều 51;

điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 17, Điều 38, Điều 58, Bộ luật Hình sự.

Xử phạt bị cáo Đào Thị Thu H 15 (Mười lăm) tháng tù về tội “Mua bán trái phép hóa đơn”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt bị cáo đi thi hành án. Được trừ thời gian tạm giữ, tạm giam từ ngày 19 tháng 5 năm 2020 đến ngày 12 tháng 10 năm 2020.

Ghi nhận bị cáo Đào Thị Thu H đã nộp 10.000.000 (Mười triệu) đồng tiền phạt bổ sung, 200.000đ tiền án phí hình sự sơ thẩm theo biên lai thu số 0000234 ngày 20/12/2021 của Cục Thi hành án dân sự thành phố H1.

2. Về án phí: Bị cáo Trần Văn P và Đào Thị Thu H mỗi bị cáo phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự phúc thẩm.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật ngay sau khi hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

7417
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội mua bán trái phép hóa đơn số 27/2022/HS-PT

Số hiệu:27/2022/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:19/01/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về