Bản án về tội mua bán trái phép hóa đơn số 143/2022/HS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI

BẢN ÁN 143/2022/HS-PT NGÀY 21/03/2022 VỀ TỘI MUA BÁN TRÁI PHÉP HÓA ĐƠN

Ngày 21 tháng 3 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý 1118/2021/TLPT-HS ngày 08 tháng 12 năm 2021 đối với bị cáo Phạm Thị M phạm tội “Mua bán trái phép hóa đơn” theo bản án hình sự sơ thẩm số 64/2021/HS-ST ngày 28 tháng 10 năm 2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình.

Bị cáo có kháng cáo:

Phạm Thị M sinh ngày 24/4/1967 tại tỉnh Thái Bình. Nơi cư trú: thôn N, xã Đ, huyện T, tỉnh Thái Bình Nghề nghiệp: Kinh doanh. Trình độ học vấn: 07/10. Dân tộc: Kinh; Giới tính: Nữ; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam. Bố đẻ: Phạm Quang R (đã chết). Mẹ đẻ: Nguyễn Thị M (đã chết). Chồng: Vũ Văn T (đã chết). Có 04 con (con lớn nhất sinh năm 1987; con nhỏ nhất sinh năm 1995).

Tiền án, tiền sự: Không.

Nhân thân: Từ năm 1983 đến năm 1985, bị cáo Phạm Thị M tham gia Đại đội dân quân gái anh hùng huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Bố đẻ bị cáo được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì.

Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú. Có mặt.

Ngoài ra, trong vụ án còn có các bị cáo Vũ Văn S, Nguyễn Thị D không có kháng cáo, không bị kháng nghị, Tòa án không triệu tập.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và vận tải Thiếp Mơ (sau đây gọi tắt là Công ty Thiếp Mơ) được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Bình cấp giấy chứng nhận đăng ký Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, mã số doanh nghiệp 1001065234, đăng ký lần đầu ngày 22/5/2015, địa chỉ trụ sở tại nhà ông Vũ Văn Thiêm tại thôn N, xã Đ, huyện T, tỉnh Thái Bình, ngành nghề kinh doanh chính là buôn bán vật liệu, thiết bị lắp đặt khác trong xây dựng... Giám đốc, chủ sở hữu Công ty là ông Vũ Văn Thiêm (là con trai của Phạm Thị M). Tuy nhiên thực tế, toàn bộ hoạt động của Công ty do Phạm Thị M điều hành.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và vận tải Trang Huyền (Sau đây gọi tắt là Công ty Trang Huyền), được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Bình cấp giấy chứng nhận đăng ký Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, mã số doanh nghiệp 100114769, đăng ký lần đầu ngày 13/7/2018, có cùng địa chỉ trụ sở và ngành nghề kinh doanh như Công ty Thiếp Mơ, do Phạm Thị M là chủ sở hữu và làm Giám đốc, điều hành mọi hoạt động của Công ty. (Hiện nay công ty Trang Huyền đã dừng hoạt động, giải thể từ ngày 02/12/2019) Công ty trách nhiệm hữu hạn phát triển thương mại Sơn Huy (Sau đây gọi tắt là Công ty Sơn Huy) được Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hải Phòng cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, mã số doanh nghiệp: 0201743213, đăng ký lần đầu ngày 19/9/2016, đăng ký thay đổi lần thứ 5 ngày 07/9/2018; địa chỉ trụ sở chính tại thôn 5, xã Tam Hưng, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng, ngành nghề kinh doanh chính là buôn bán nguyên vật liệu xây dựng, san lấp công trình xây dựng và vận chuyển hàng hóa... Giám đốc, chủ sở hữu Công ty Sơn Huy là Vũ Văn Sơn. Công ty Sơn Huy đăng ký kê khai báo cáo thuế tại Chi cục Thuế huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Công ty Sơn Huy có văn phòng đại diện tại thôn Chỉ Thiện, xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình do Vũ Văn Sơn trực tiếp quản lý, điều hành mọi hoạt động. Nguyễn Thị Dịu làm kế toán Công ty Sơn Huy từ tháng 12/2018, được Vũ Văn Sơn giao cho việc theo dõi việc mua bán hàng hóa, dịch vụ, công nợ trên địa bàn tỉnh Thái Bình, cung cấp hóa đơn, chứng từ cho kế toán thuế để kê khai, báo cáo thuế.

Trong quá trình kinh doanh, Công ty Thiếp Mơ và Công ty Trang Huyền mua hàng hóa đầu vào có hóa đơn giá trị gia tăng, nhưng khi bán ra, một số cá nhân, tổ chức không yêu cầu hai Công ty này cung cấp hóa đơn bán hàng. Phạm Thị Mơ đã không thực hiện quy định tại điểm b khoản 2 Điều 16 Thông tư 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ: “Trường hợp khỉ bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ từ 200.000 đồng trở lên mỗi lần, người mua không lấy hóa đơn hoặc không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế (nếu có) thì vẫn phải lập hóa đơn và ghi rõ “người mua không lấy hóa đơn ” hoặc “người mua không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế” để làm căn cứ để kê khai thuế đầu ra, dẫn đến dư thừa một lượng hóa đơn đầu ra của hai Công ty đó.

Trong năm 2019, đầu năm 2020, Công ty Sơn Huy giao dịch, ký kết và thực hiện các hợp đồng mua bán nguyên vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng, dịch vụ vận chuyển hàng hóa với một số Công ty. Các công ty mua hàng hóa, dịch vụ đều yêu cầu Công ty Sơn Huy xuất hóa đơn giá trị gia tăng cho những hàng hóa, dịch vụ đã mua, Công ty Sơn Huy đã xuất hóa đơn giá trị gia tăng (đầu ra) cho bên mua. Tuy nhiên, do nguyên vật liệu xây dựng, san lấp Công ty Sơn Huy bán cho các công ty đó đều được Vũ Văn Sơn mua trôi nổi ngoài thị trường; các phương tiện vận chuyển được Sơn thuê của một số cá nhân, họ đều không cung cấp được hóa đơn giá trị gia tăng. Vì vậy, nhằm hợp thức hóa nguồn gốc số hàng hóa vật liệu và dịch vụ đầu vào để được khấu trừ thuế, Vũ Văn Sơn đã liên hệ với Phạm Thị M đặt vấn đề mua hóa đơn (liên 2) giá trị gia tăng khống (không kèm theo hàng hóa, dịch vụ). Hai bên thống nhất mua và bán trái phép hóa đơn với giá thỏa thuận là 6,5% trị giá hàng hóa trước thuế ghi trên mỗi hóa đơn. Sau khi thỏa thuận xong, Sơn giao cho Nguyễn Thị Dịu là kế toán Công ty Sơn Huy trực tiếp giao dịch với Mơ mua hóa đơn tương ứng với số hàng hóa bán ra theo từng kỳ kê khai thuế.

Thực hiện chỉ đạo của Sơn, trước mỗi lần Công ty Sơn Huy xuất hóa đơn cho khách hàng, Dịu chủ động liên lạc, trao đổi bằng tin nhắn với Phạm Thị M thông qua ứng dụng Zalo cài đặt trên điện thoại để mua hóa đơn. Qua tin nhắn, Dịu cung cấp cho Mơ danh mục mặt hàng, khối lượng, đơn giá từng mặt hàng và ngày tháng ghi trên mỗi hóa đơn. Căn cứ thông tin do Dịu cung cấp, Mơ sử dụng hóa đơn (dạng phôi) của Công ty Thiếp Mơ, Công ty Trang Huyền, Mơ tự ghi hoặc nhờ con dâu là chị Ngô Thị Mai ghi nội dung hóa đơn rồi Mơ tự ký tên “Thiêm” (tên của Giám đốc Công ty Thiếp Mơ) vào phần “Thủ trưởng đơn vị” đối với hóa đơn của công ty Thiếp Mơ và tự ký tên Mơ vào hóa đơn của công ty Trang Huyền, sau đó trực tiếp đóng dấu Công ty, dấu chức danh Giám đốc Công ty trên mỗi hóa đơn rồi giao liên 2 hóa đơn cho Dịu.

Để hợp thức hành vi mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng không có hàng hóa và dịch vụ kèm theo, Vũ Văn Sơn, Nguyễn Thị Dịu và Phạm Thị M lập khống các Hợp đồng mua bán hàng hóa và dịch vụ; các Biên bản giao nhận... Đối với các hóa đơn có giá trị từ 20.000.000 đồng (Hai mươi triệu đồng) trở lên, Sơn, Dịu đã chuyển khoản tiền hàng ghi trong các hóa đơn từ tài khoản số 4711000103342 của Công ty Sơn Huy mở tại Ngân hàng BIDV đến tài khoản số 47110000819458 của Công ty Thiếp Mơ mở tại Ngân hàng BIDV và tài khoản số 47110001186544 của Công ty Trang Huyền mở tại Ngân hàng BIDV. Sau khi nhận được tiền chuyển vào tài khoản, Mơ cùng Dịu ra Ngân hàng BIDV, Mơ làm thủ tục rút toàn bộ tiền do Công ty Sơn Huy chuyển khoản, giữ lại số tiền mua hóa đơn và trả số tiền còn lại cho Nguyễn Thị Dịu; Dịu cầm tiền về giao cho Vũ Văn Sơn. Đối với các giao dịch có giá trị dưới 20.000.000 đồng (Hai mươi triệu đồng) quy định pháp luật không yêu cầu phải chuyển khoản thì Dịu rút tiền từ tài khoản Công ty Sơn Huy và trực tiếp thanh toán tiền mua hóa đơn cho Phạm Thị M.

Bằng phương thức trên, từ ngày 07/01/2019 đến ngày 30/6/2020, Phạm Thị M đã nhiều lần bán trái phép với tổng số 22 hóa đơn giá trị gia tăng của Công ty Thiếp Mơ, Công ty Trang Huyền cho Vũ Văn Sơn, Nguyễn Thị Dịu, cụ thể:

Năm 2019, Phạm Thị M bán cho Vũ Văn Sơn và Nguyễn Thị Dịu nhiều lần với tổng số 10 hóa đơn giá trị gia tăng (09 hóa đơn của Công ty Thiếp Mơ và 01 hóa đơn của Công ty Trang Huyền), ghi tên hàng hóa là vật liệu xây dựng, giá bán hóa đơn bàng 6,5% tính trên giá trị hàng hóa trước thuế, gồm:

- Hóa đơn số 427 ngày 07/01/2019 của Công ty Thiếp Mơ, giá trị hàng hóa 900.000.000 đồng, thuế VAT 90.000.000 đồng, tổng giá trị sau thuế 990.000.000 đồng; Mơ thu số tiền 58.500.000 đồng.

- Hóa đơn số 431 ngày 20/01/2019 của Công ty Thiếp Mơ, giá trị hàng hóa 341.060.000 đồng, thuế VAT 34.106.000 đồng, tổng giá trị sau thuế 375.166.000 đồng; Mơ thu số tiền 22.168.900 đồng.

- Hóa đơn số 434 ngày 23/01/2019 của Công ty Thiếp Mơ, giá trị hàng hóa 2.597.400.000 đồng, thuế VAT 259.740.000 đồng, tổng giá trị sau thuế 2.857.140.000 đồng, Mơ thu số tiền 168.831.000 đồng.

- Hóa đơn Vật liệu số 456 ngày 15/02/2019 của Công ty Thiếp Mơ, giá trị hàng hóa 102.880.000 đồng, thuế VAT 10.288.000 đồng, tổng giá trị sau thuế 113.168.000 đồng, Mơ thu số tiền 6.687.200 đồng.

- Hóa đơn số 506 ngày 20/4/2019 của Công ty Thiếp Mơ, giá trị hàng hóa 387.660.000 đồng, thuế VAT 38.766.000 đồng, tổng giá trị sau thuế 426.426.000 đồng, Mơ thu số tiền 25.197.900 đồng.

- Hóa đơn số 520 ngày 03/5/2019 của Công ty Thiếp Mơ, giá trị hàng hóa 778.250.000 đồng, thuế VAT 77.825.000 đồng, tổng giá trị sau thuế 856.075.000 đồng, Mơ thu số tiền 50.586.250 đồng.

- Hóa đơn số 522 ngày 05/5/2019 của Công ty Thiếp Mơ, giá trị hàng hóa 13.920.000 đồng, thuế VAT 1.392.000 đồng, tổng giá trị sau thuế 15.312.000 đồng, Mơ thu số tiền 904.800 đồng.

- Hóa đơn số 524 ngày 07/5/2019 của Công ty Thiếp Mơ, giá trị hàng hóa 888.420.000 đồng, thuế VAT 88.842.000 đồng, tổng giá trị sau thuế 977.262.000 đồng, Mơ thu số tiền 57.747.300 đồng.

- Hóa đơn số 526 ngày 10/5/2019 của Công ty Thiếp Mơ, giá trị hàng hóa 519.480.000 đồng, thuế VAT 51.948.000 đồng, tổng giá trị sau thuế 571.428.000 đồng, Mơ thu số tiền 33.766.200 đồng.

- Hóa đơn số 153 ngày 13/5/2019 của Công ty Trang Huyền, giá trị hàng hóa 789.600.000 đồng, thuế VAT 78.960.000 đồng, tổng giá trị sau thuế 868.960.000 đồng, Mơ thu số tiền 51.324.000 đồng.

Tổng giá trị hàng hóa trước thuế của 10 hóa đơn nêu trên là 7.318.670.000 đồng, thuế giá trị gia tăng là 731.867.000 đồng, tổng giá trị sau thuế là 8.050.537.000 đồng. Vũ Văn Sơn đã thanh toán cho Phạm Thị M số tiền mua hóa đơn 475.713.550 đồng, tương ứng với 6,5% giá trị hàng hóa trước thuế.

Năm 2020, Phạm Thị M bán trái phép cho Vũ Văn Sơn và Nguyễn Thị Dịu nhiều lần với tổng số 12 hóa đơn giá trị gia tăng của Công ty Thiếp Mơ, trong đó có 03 hóa đơn bán hàng hóa là vật liệu xây dựng và 09 hóa đơn dịch vụ vận chuyển, gồm:

- Hóa đơn vật liệu số 882 ngày 05/3/2020, giá trị hàng hóa 950.600.000 đồng, thuế VAT 95.060.000 đồng, tổng giá trị sau thuế 1.045.660.000 đồng, Mơ thu số tiền 61.789.000 đồng.

- Hóa đơn vật liệu số 890 ngày 11/3/2020, giá trị hàng hóa 1.001.040.000 đồng, thuế VAT 100.104.000 đồng, tổng giá trị sau thuế 1.101.144.000 đồng, Mơ thu số tiền 65.067.600 đồng.

- Hóa đơn vận chuyển số 923 ngày 27/3/2020, giá trị hàng hóa 12.600.000 đồng, thuế VAT 1.260.000 đồng, tổng giá trị sau thuế 13.860.000 đồng, Mơ thu số tiền 819.000 đồng.

- Hóa đơn vận chuyển số 928 ngày 28/3/2020, giá trị hàng hóa 12.600.000 đồng, thuế VAT 1.260.000 đồng, tổng giá trị sau thuế 13.860.000 đồng, Mơ thu số tiền 819.000 đồng - Hóa đơn vận chuyển số 931 ngày 29/3/2020, giá trị hàng hóa 12.600.000 đồng, thuế VAT 1.260.000 đồng, tổng giá trị sau thuế 13.860.000 đồng, Mơ thu số tiền 819.000 đồng.

- Hóa đơn vận chuyển số 934 ngày 30/3/2020, giá trị hàng hóa 12.600.000 đồng, thuế VAT 1.260.000 đồng, tổng giá trị sau thuế 13.860.000 đồng, Mơ thu số tiền 819.000 đồng.

- Hóa đơn vận chuyển số 938 ngày 31/3/2020, giá trị hàng hóa 1.505.000 đồng, thuế VAT 150.500 đồng, tổng giá trị sau thuế 1.655.500 đồng, Mơ thu số tiền 97.825 đồng.

- Hóa đơn vận chuyển số 939 ngày 31/3/2020, giá trị hàng hóa 34.494.020 đồng, thuế VAT 3.449.402 đồng, tổng giá trị sau thuế 37.943.422 đồng, Mơ thu số tiền 2.242.111 đồng.

- Hóa đơn vận chuyển số 986 ngày 30/4/2020, giá trị hàng hóa 321.137.960 đồng, thuế VAT 32.113.796 đồng, tổng giá trị sau thuế 353.251.756 đồng, Mơ thu số tiền 20.873.967 đồng.

- Hóa đơn vật liệu số 1003 ngày 18/5/2020, giá trị hàng hóa 191.550.000 đồng, thuế VAT 19.155.000 đồng, tổng giá trị sau thuế 210.705.000 đồng, Mơ thu số tiền 12.450.750 đồng.

- Hóa đơn vận chuyển số 1038 ngày 31/5/2020, giá trị hàng hóa 80.604.880 đồng, thuế VAT 8.060.488 đồng, tổng giá trị sau thuế 88.665.368 đồng, Mơ thu số tiền 5.239.317 đồng.

- Hóa đơn vận chuyển số 1079 ngày 30/6/2020, giá trị hàng hóa 181.038.520 đồng, thuế VAT 18.103.852 đồng, tổng giá trị sau thuế 199.142.372 đồng, Mơ thu số tiền 11.767.504 đồng.

Tổng giá trị hàng hóa trước thuế của 12 hóa đơn nêu trên là 2.812.370.380 đồng, thuế giá trị gia tăng là 281.237.038 đồng, tổng giá trị sau thuế là 3.093.607.418 đồng. Vũ Văn Sơn đã thanh toán cho Phạm Thị M tiền mua hóa đơn giá trị gia tăng là 182.804.075 đồng, tương ứng với 6,5% giá trị hàng hóa trước thuế. Mơ cho lại Dịu số tiền 14.061.852 đồng, tương ứng với 0,5% giá trị hàng hóa trước thuế ghi trên hóa đơn.

Sau khi mua 22 hóa đơn giá trị gia tăng không có hàng hóa, dịch vụ kèm theo nêu trên, Vũ Văn Sơn đã chỉ đạo Nguyễn Thị Dịu và ông Phạm Thăng Long (là người do Công ty Sơn Huy thuê làm báo cáo thuế cho Công ty) sử dụng toàn bộ số hóa đơn này để kê khai thuế đầu vào tại Chi cục thuế huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng và đã được khấu trừ thuế đầu vào là 1.013.104.038 đồng. Vũ Văn Sơn đã sử dụng 658.517.625 đồng để mua hóa đơn của Phạm Thị Mơ, do đó số tiền Vũ Văn Sơn thu lợi bất chính là 354.586.413 đồng. Nguyễn Thị Dịu hưởng lợi 14.061.852 đồng (do Phạm Thị M trích lại cho Dịu), Phạm Thị M thu lợi bất chính 644.455.773 đồng.

Trong quá trình điều tra, truy tố, chuẩn bị xét xử, bị cáo Mơ đã nộp 500.000.000 đồng, bị cáo Dịu đã nộp 14.061.852 đồng thu lợi bất chính tại Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thái Bình.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 64/2021/HSST ngày 28 tháng 10 năm 2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình đã quyết định:

- Áp dụng: điểm đ khoản 2 Điều 203 Bộ luật hình sự 2015:

Xử phạt: bị cáo Phạm Thị M01 năm 03 tháng tù về tội “Mua bán trái phép hóa đơn”.

- Áp dụng: khoản 3 Điều 203 Bộ luật Hình sự: Phạt bổ sung bị cáo Phạm Thị Mơ 30.000.000 đồng (ba mươi triệu đồng). Buộc bị cáo Phạm Thị M phải nộp số tiền thu lợi bất chính còn lại là 144.455.773 đồng.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định hình phạt đối với bị cáo Vũ Văn Sơn, Nguyễn Thị Dịu; xử lý vật chứng, án phí và thông báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 09/11/2021 bị cáo Phạm Thị M kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Phạm Thị M bổ sung nội dung kháng cáo và trình bày: Bị cáo nhận thức pháp luật hạn chế nên trong quá trình kinh doanh đã bán số hóa đơn thừa của công ty của bị cáo cho bị cáo Sơn để thu lời; sau khi phạm tội đã thành khẩn khai báo, nhận thức được vi phạm nên rất ăn năn, hối cải. Sau khi được xét xử tại cấp sơ thẩm, bị cáo nhận thức rõ hơn sai phạm của mình nên đã chấp hành nộp toàn bộ số tiền thu lời bất chính và tiền phạt như bản án đã tuyên tổng cộng là 174.455.773 đồng thể hiện tại biên lai nộp tiền ngày 15/3/2022 bị cáo nộp tại phiên tòa phúc thẩm. Đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo; nếu phải chịu hình phạt tiền thì bị cáo cam kết sẽ thu xếp trong thời gian 15 ngày bị cáo sẽ cố gắng chấp hành xong để được ở ngoài xã hội làm ăn chân chính, có điều kiện chăm sóc gia đình.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội kết luận:

Về tố tụng, các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm và Hội đồng xét xử phúc thẩm thực hiện đúng các quy định. Kháng cáo của các bị cáo trong hạn cần được chấp nhận để xét.Tại phiên tòa bị cáo bổ sung kháng cáo xin được hưởng hình phạt tiền và cam kết thi hành án trong thời gian sớm nhất.

Hành vi của bị cáo Phạm Thị M và các bị cáo Vũ Văn Sơn, Nguyễn Thị Dịu đã mua bán trái phép 22 hóa đơn đã xâm phạm đến chế độ quản lý kinh tế của nhà nước. Trong việc mua bán trái phép 22 hóa đơn này, bị cáo đã nộp thuế đầu ra nhưng thu lời bất chính số tiền 644.455.773 đồng như bản án sơ thẩm đã quy kết là đúng người, đúng tội. Trước khi xét xử sơ thẩm bị cáo đã nộp khắc phục hậu quả số tiền 500 triệu đồng nhưng tòa án cấp sơ thẩm không áp dụng cho bị cáo tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS là bất lợi cho bị cáo. Tại phiên tòa hôm nay bị cáo tiếp tục thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và nộp hết số tiền thu lời bất chính và tiền phạt như bản án sơ thẩm đã quyết định. Thể hiện bị cáo thực sự ăn năn, hối cải. Bị cáo có nhân thân tốt, gia đình có công với cách mạng, bản thân bị cáo từ 1983 đến 1985 đã tham gia lực lượng dân quân tự vệ Đại đội dân quân gái anh hùng. Do có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên không cần thiết áp dụng hình phạt tù giam đối với bị cáo mà chỉ cần áp dụng hình phạt tiền cũng đủ tác dụng giáo dục đối với bị cáo cũng như tác dụng giáo dục, phòng ngừa chung.

Do vậy đề nghị chấp nhận kháng cáo, sửa án sơ thẩm; áp dụng điểm b, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51 BLHS. Chuyển từ hình phạt tù sang áp dụng hình phạt tiền đối với bị cáo; phạt bị cáo từ 250 đến 300 triệu đồng và không phạt bổ sung đối với bị cáo Phạm Thị M.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, bản án sơ thẩm và xem xét đơn kháng cáo, lời trình bày của bị cáo, qua kết quả xét hỏi và tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử phúc thẩm đánh giá và nhận định như sau:

[1] Về tố tụng: Đơn kháng cáo của bị cáo Phạm Thị M làm trong hạn luật định nên được chấp nhận để xem xét. Tại phiên tòa, bị cáo thay đổi nội dung kháng cáo từ xin giảm nhẹ hình phạt và xin hưởng án treo thành xin giảm nhẹ và xin được áp dụng hình phạt tiền.

Về chấp hành pháp luật đối với Quyết định tố tụng, hành vi tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Phạm Thị M nộp biên lai số ngày 15/3/2022 tại Cục thi hành án dân sự tỉnh Thái Bình thể hiện bị cáo đã nộp số tiền 174.455.773 đồng theo quyết định của bản án sơ thẩm nên được chấp nhận để xét.

[2] Về nội dung, xét kháng cáo của bị cáo:

Tại phiên toà phúc thẩm bị cáo Phạm Thị M tiếp tục khai báo thành khẩn và thể hiện sự ăn năn, hối cải đối với hành vi phạm tội của bị cáo như bản án sơ thẩm đã kết luận. Lời khai nhận tội của bị cáo phù hợp với các tài liệu có trong hồ sơ và lời khai của các bị cáo khác đã được công khai và tranh tụng đúng quy định tại phiên tòa sơ thẩm. Trên cơ sở đó có đủ căn cứ xác định: Hành vi bán trái phép 22 tờ hóa đơn của bị cáo Phạm Thị M cho công ty Sơn Huy của bị cáo Vũ Văn Sơn đã phạm tội “Mua bán trái phép hóa đơn” như bản án sơ thẩm đã xác định là có căn cứ, đúng người, đúng tội, không oan.

Cụ thể: Từ tháng 01/2019 đến tháng 6/2020, Phạm Thị M đã bán 22 hóa đơn giá trị gia tăng không có hàng hóa, dịch vụ kèm theo của Công ty Thiếp Mơ và công ty Trang Huyền cho Công ty Sơn Huy với tổng giá trị hàng hóa trước thuế ghi trên 22 hóa đơn là 10.131.040.380 đồng, thu lợi được số tiền 658.517.625 đồng, Mơ trích lại cho Nguyễn Thị Dịu 14.061.852 đồng, thu lợi bất chính số tiền 644.455.773 đồng. Vũ Văn Sơn chỉ đạo kê khai thuế đầu vào 22 hóa đơn này cho Công ty Sơn Huy tại Chi cục thuế huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng và đã được khấu trừ thuế đầu vào là 1.013.104.038 đồng, Sơn đã sử dụng 658.517.625 đồng để mua hóa đơn, còn lại bị cáo Vũ Văn Sơn là người đã thu lợi 354.586.413 đồng.

Tại bản án sơ thẩm đã xác định công ty Thiếp Mơ và công ty Trang Huyền của bị cáo Phạm Thị M đã kê khai và nộp thuế đầu ra đối với 22 hóa đơn đã bán cho công ty Sơn Huy nên không gây thiệt hại cho Ngân sách Nhà nước nhưng bị cáo Phạm Thị Mơ thu lợi bất chính, hưởng thụ cá nhân số tiền 644.455.773 đồng là đúng.

Trước khi xét xử sơ thẩm, bị cáo Phạm Thị M đã tự nguyện nộp lại phần lớn số tiền thu lợi bất chính là 500.000.000 đồng nhưng tòa án cấp sơ thẩm không áp dụng điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS khi quyết định hình phạt là bất lợi đối với bị cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo đã nộp tổng số tiền 174.455.773 đồng; trong đó có 144.455.773 đồng là số tiền thu lợi bất chính còn phải nộp và 30.000.000 đồng là số tiền phạt bổ sung mà tòa án cấp sơ thẩm đã quyết định. Do đó cần áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ tại điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS để cân nhắc khi quyết định về hình phạt đối với bị cáo mới đúng. Mặt khác đối với số tiền 30.000.000 đồng tiền hình phạt bổ sung mà tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên, nay bị cáo đã nộp nêu trên còn thể hiện sự thực sự ăn năn, hối cải của bị cáo sau khi có quyết định của bản án sơ thẩm cần được ghi nhận. Ngoài ra, tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo còn cam kết bị cáo hiện có đủ điều kiện để thực hiện hình phạt tiền theo quyết định của bản án phúc thẩm nếu được Hội đồng xét xử chấp nhận và sẽ thực hiện ngay sau khi án có hiệu lực pháp luật. Xét bị cáo Phạm Thị M có nhân thân tốt, lần đầu phạm tội, đã có thời gian phục vụ trong “Đại đội dân quân gái anh hùng”, bố đẻ của bị cáo được Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến, đã nộp lại toàn bộ số tiền thu lời bất chính. Với những tình tiết như trên xét thấy không cần thiết buộc bị cáo chấp hành hình phạt tù cũng đủ tác dụng giáo dục đối với bị cáo như kết luận của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại phiên tòa mà chỉ cần buộc bị cáo chịu hình phạt tiền trên mức khởi điểm là đã tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi phạm tội của bị cáo.

Do chuyển sang hình thức phạt tiền nên không áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo Phạm Thị M.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị nên Hội đồng xét xử không xét.

[3] Về án phí: Kháng cáo của bị cáo được chấp nhận nên bị cáo Phạm Thị M không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm b khoản 1, khoản 2 Điều 355; điểm a, đ khoản 1 Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí tòa án.

1. Xử: Chấp nhận kháng cáo của bị cáo Phạm Thị M; sửa một phần quyết định về hình phạt của bản án hình sự sơ thẩm số 64/2021/HSST ngày 28 tháng 10 năm 2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình. Cụ thể:

- Áp dụng: điểm đ khoản 2 Điều 203; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự 2015.

- Xử phạt: bị cáo Phạm Thị M 250.000.000 đồng (hai trăm năm mươi triệu đồng) về tội “Mua bán trái phép hóa đơn”.

- Xác nhận bị cáo đã số tiền 30.000.000 đồng (ba mươi triệu đồng) theo biên lai số 0002114 ngày 15/3/2022 tại Cục thi hành án dân sự tỉnh Thái Bình; bị cáo còn phải nộp 220.000.000 đồng (hai trăm hai mươi triệu đồng).

- Xác nhận bị cáo đã nộp xong số tiền thu lợi bất chính còn lại là 144.455.773 đồng theo biên lai số 0002114 ngày 15/3/2022 tại Cục thi hành án dân sự tỉnh Thái Bình.

2. Về án phí: Bị cáo Phạm Thị Mơ không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án hình sự phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

465
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội mua bán trái phép hóa đơn số 143/2022/HS-PT

Số hiệu:143/2022/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 21/03/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về