Bản án về tội mua bán người số 433/2023/HS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG

BẢN ÁN 433/2023/HS-PT NGÀY 22/09/2023 VỀ TỘI MUA BÁN NGƯỜI

Ngày 22 tháng 9 năm 2023, tại Điểm cầu trung tâm Trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng kết nối với Điểm cầu thành phần tại Trại tạm giam C (cơ sở T30) - Công an Thành phố H, xét xử phúc thẩm công khai theo hình thức trực tuyến vụ án hình sự thụ lý số 340/2023/TLPT-HS ngày 18 tháng 7 năm 2023 đối với bị cáo Nguyễn Ngọc T về tội “Mua bán người”.

Do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 47/2023/HS-ST ngày 09 tháng 6 năm 2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk.

- Bị cáo có kháng cáo:

Nguyễn Ngọc T, sinh năm 2001 tại tỉnh Đắk Lắk; nơi thường trú: tổ dân phố E, thị trấn P, huyện K, tỉnh Đắk Lắk; nơi ở hiện tại: thôn A, xã P, huyện K, tỉnh Đắk Lắk; nghề nghiệp: không; trình độ học vấn: 7/12; dân tộc: Kinh, giới tính: nam; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn Ngọc T1 (đã chết) và con bà Nguyễn Thị N; bị cáo chưa có vợ, con; tiền án, tiền sự: không;

Bị cáo đang bị tạm giam tại Trại tạm giam C, Công an Thành phố H về tội “Mua bán người dưới 16 tuổi”, bị cáo có mặt tại phiên tòa.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng tháng 01/2022, Nguyễn Ngọc T đang làm việc trong công ty tại Thị xã T, tỉnh Bình Dương thì người đàn ông tên T2 (hiện chưa xác định được 1 nhân thân lai lịch,) là người làm chung công ty với T trước đây, sử dụng tài khoản mạng xã hội T3 liên lạc với T hỏi thăm tình hình về công việc và mức thu nhập hiện tại của T và T2 trao đổi với T qua Campuchia làm cùng công ty T6, mức lương 900USD/tháng. Đến tháng 02/2022, T làm hộ chiếu đi sang Campuchia qua cửa khẩu M, tỉnh Tây Ninh để làm việc cùng công ty với T2. Tại Campuchia, T2 bố trí T làm công việc phiên dịch cho công ty (phiên dịch tiếng Trung Quốc). Đến tháng 4/2022, T đưa Hà Phúc Minh Đ1, sinh năm 2005 và Nguyễn Thanh H, sinh năm 2001, cùng trú tại: Thôn X, xã P, huyện K, tỉnh Đắk Lắk sang Campuchia để làm việc (Đ1 là cháu của T). T2 bố trí cho Đ1 và H làm công việc quảng cáo, game trên máy tính, mức lương 700USD/tháng. Trong thời gian này, T2 giới thiệu cho Thiên bạn của T2 người đàn ông tên C (hiện chưa xác định được nhân thân lai lịch) sang Campuchia làm chung công ty với T. Công việc của C là tuyển dụng người Việt Nam sang Campuchia để làm việc. Khi làm việc tại công ty thì C có bàn bạc, trao đổi, thỏa thuận với T về việc T giúp C tìm kiếm, tuyển mộ người Việt Nam đưa sang Campuchia với mục đích bán vào các công ty tại Campuchia để làm việc, C hứa trả công cho Thiên 200USD/01 trường hợp, chi phí đưa người qua Campuchia thì do công ty chi trả, T đồng ý. Sau đó T có bàn bạc, trao đổi, thỏa thuận với Đ1 về việc Đ1 giúp T trong việc tìm kiếm, tuyển mộ người Việt Nam đưa sang Campuchia để C và T bán vào các công ty tại Campuchia làm việc, T hứa trả công cho Đăng 50USD/01 trường hợp, Đ1 đồng ý. Nhằm tránh người nhà cũng như Cơ quan Công an phát hiện thì T đã lập tài khoản Facebook “Lê T4” rồi giao tài khoản này cho Đ1 quản lý, sử dụng để Đ1 tuyển dụng người Việt Nam đưa sang Campuchia làm việc. Sau khi T giao tài khoản Facebook “Lê T4” cho Đ1 thì Đ1 sử dụng tài khoản này để đăng bài tuyển dụng người lao động, nội dung đăng bài tuyển dụng như “tuyển lao động nam, nữ tuổi từ 18 đến 32 tuổi, chịu sang Campuchia làm việc (làm việc cách cửa khẩu M, tỉnh Tây Ninh 200m); không yêu cầu bằng cấp, không yêu cầu kinh nghiệm; đào tạo có lương, biết gõ máy tính nhanh. Ngày làm việc từ 08 tiếng đến 10 tiếng; công ty L2 chi phí đi lại, ăn ở; hợp đồng 03 đến 06 tháng, lương mỗi tháng từ 700USD đến 800USD. Ngoài việc đăng bài tuyển dụng trên mạng xã hội Đ1 còn liên lạc với người quen, bạn bè để đặt vấn đề với họ để họ đi sang Campuchia làm việc.

Đến tháng 5/2022, Đ1 tìm được 02 (hai) người để đưa sang Campuchia là: Nguyễn Văn H1 (sinh năm 2005 trú tại: Thôn X, xã P, huyện K, tỉnh Đắk Lắk) và Võ Thành L (sinh năm 2006 trú tại: Thôn G, xã E, thị xã B, tỉnh Đắk Lắk), Đ1 gửi thông tin hình ảnh, chứng minh nhân dân, căn cước công dân, số điện thoại, tài khoản Facebook của những người này cho T. Sau khi nhận thông tin T trao đổi, thông báo với C về việc đã tìm được hai người sang Campuchia làm việc. Thiên liên lạc, hướng dẫn H1 và L đến khu vực cửa khẩu M, tỉnh Tây Ninh để đưa sang biên giới Việt Nam - Campuchia bằng đường tiểu ngạch (vượt biên trái phép). Tại biên giới Campuchia, C và T trực tiếp đón L và H1 sau đó đưa L, H1 đi bán để làm việc tại công ty do người Trung Quốc làm chủ tại Campuchia. Lợi nhuận từ việc bán H1 và L thì T được C trả công 400USD, T đã trả công cho Đ1 100USD, số tiền thu lợi được các bị cáo đã sử dụng tiêu xài cá nhân hết.

Khi bị bán vào công ty các anh Nguyễn Văn H1, Võ Thành L được bố trí làm cùng một chỗ, công việc hàng ngày là sử dụng máy vi tính lên mạng xã hội Zalo, Facebook để lừa đảo người Việt Nam, bằng các chương trình đã được các công ty này lập trình sẵn hoặc các game về tài xỉu. Khi nạn nhân mắc lừa nạp tiền vào tài khoản, các đối tượng sẽ chiếm đoạt tiền của nạn nhân. Người lao động phải đi làm từ 8 tiếng đến 16 tiếng (được nghỉ ăn trưa, ăn tối và ăn khuya từ 30 phút đến 45 phút) và đi làm tất cả các ngày trong tuần. Công ty đặt chỉ tiêu công việc hàng ngày cho người lao động, nếu không đạt chỉ tiêu phải tăng ca hoặc bị đánh đập; người lao động không được tự do đi lại, phải ăn ở, sinh hoạt trong một khu nhà cao tầng, có người canh; mọi sinh hoạt, đi lại phải tuân thủ quy định của công ty. Ngoài L và H1 còn có nhiều người Việt Nam khác đang làm việc tại đây. Sau khi làm việc tại đây, L và H1 mới biết mình bị các đối tượng lừa bán vào các công ty, công ty đã trả số tiền vài nghìn USD để mua người lao động. Theo nội dung hợp đồng người lao động vẫn có lương hàng tháng khoảng từ 700USD đến 800USD, nhưng nếu không đạt chỉ tiêu hoặc vi phạm quy định của công ty, người lao động sẽ bị trừ vào tiền lương. Nội dung công việc làm thực tế tại Campuchia hoàn toàn không đúng với nội dung mà Đ1 đã quảng cáo khi đề cập để tuyển đi làm. Biết mình bị các đối tượng lừa bán, L và H1 đòi về thì chủ công ty không cho về, dọa sẽ đánh đập hoặc sẽ bán đi nơi khác và đòi tiền chuộc mới được về Việt Nam. L và H1 đã liên lạc với Đ1 và T để yêu cầu đưa về Việt Nam, nhưng do đã bán người nên Đ1 và T không thể đưa L và H1 về nước. L và H1 đã liên lạc với gia đình yêu cầu gia đình trình báo cho Cơ quan Công an để họ được giải cứu. Ngày 22/9/2022, Cảnh sát Campuchia kiểm tra các công ty thì Võ Thành L cùng một số người khác chạy trốn và về được Việt Nam; nạn nhân Nguyễn Văn H1 hiện vẫn đang làm việc tại công ty ở Campuchia, chưa được giải cứu.

Sau khi đưa L và H1 sang Campuchia và bán vào công ty người Trung Quốc làm việc được khoảng 10 ngày, Đ1 tiếp tục tìm được 02 (hai) người để đưa sang Campuchia là: Hồ Ngọc Q (sinh năm 2005, trú tại: Thôn D, xã P, huyện K, tỉnh Đắk Lắk) và Nguyễn Nhật N1 (sinh năm 2006, trú tại: Thôn I, xã P, huyện K, tỉnh Đắk Lắk). Đăng gửi thông tin hình ảnh, chứng minh nhân dân, căn cước công dân, số điện thoại, tài khoản Facebook của những người này cho T. Sau khi nhận thông tin T trao đổi, thông báo với C về việc đã tìm được hai người sang Campuchia làm việc, rồi T liên lạc, hướng dẫn N1 và Q đến khu vực cửa khẩu M, tỉnh Tây Ninh. Do gia đình gọi điện thoại cho Nguyễn Nhật N1 và không cho N1 sang Campuchia làm việc nên N1 ở lại Việt Nam. Hồ Ngọc Q thì Thiên hướng dẫn đưa sang Campuchia qua biên giới Việt Nam - Campuchia bằng đường tiểu ngạch (vượt biên trái phép). Tại biên giới Campuchia, C và T đón Q rồi đưa Q đi bán để làm việc tại công ty khác. Sau khi C bán Q thì T được C trả công 200USD, T đã trả công cho Đ1 50USD, số tiền thu lợi được các bị cáo đã sử dụng tiêu xài cá nhân hết.

Tại Campuchia công việc của Q là lừa đảo nạn nhân bằng các chương trình đã được các công ty này lập trình sẵn qua tài khoản xã hội Telegram. Quyết phải đi làm mỗi ngày từ 12 tiếng đến 13 tiếng và đi làm tất cả các ngày trong tuần.

Công ty đặt chỉ tiêu công việc hàng ngày cho người lao động, nếu không đạt chỉ tiêu phải tăng ca hoặc bị đánh đập; người lao động không được tự do đi lại, phải ăn ở sinh hoạt trong một khu nhà cao tầng, có người canh; mọi sinh hoạt, đi lại phải tuân thủ quy định của công ty. Ngoài Q còn có nhiều người Việt Nam khác đang làm việc tại đây. Sau khi làm việc tại đây, Q mới biết mình bị các đối tượng lừa bán vào các công ty, công ty đã trả số tiền 3.800 USD để mua người lao động. Theo nội dung hợp đồng người lao động vẫn có lương hàng tháng khoảng từ 700USD đến 800USD, nhưng nếu không đạt chỉ tiêu hoặc vi phạm quy định của công ty người lao động sẽ bị trừ vào tiền lương. Nội dung công việc làm thực tế tại Campuchia hoàn toàn không đúng với nội dung Đ1 đã quảng cáo khi đề cập để tuyển đi làm. Biết mình bị các đối tượng lừa bán, Q đòi về thì chủ công ty không cho, dọa sẽ đánh đập hoặc sẽ bán đi nơi khác và đòi tiền chuộc mới được về Việt Nam. Q đã liên lạc với Đ1 và T để yêu cầu đưa về Việt Nam, nhưng do đã bán người nên Đ1 và T không thể đưa Q về nước. Q đã liên lạc với gia đình yêu cầu gia đình trình báo cho Cơ quan Công an để được giải cứu. Ngày 24/9/2022, Q được gia đình chuộc về Việt Nam với chi phí 120.000.000 đồng.

Ngoài hành vi bàn bạc, trao đổi, thỏa thuận với Hà Phúc Minh Đ1 thì khi Võ Thành L và Nguyễn Văn H1 sang Campuchia làm việc, T đã bàn bạc, thoả thuận với L và H1 về việc giúp T trong việc tìm kiếm, tuyển mộ người Việt Nam sang Campuchia để C và T bán vào các công ty tại Campuchia để làm việc, T trả công cho H1 và L 50USD/01 trường hợp. H1 và L tìm kiếm, tuyển mộ được người đưa sang Campuchia làm việc thì nhắn tin trực tiếp cho T. Tháng 6/2022, khi T về Việt Nam để chơi thì H1 nhắn tin thông báo với T về việc H1 tìm được 02 (hai) nạn nhân để đưa sang Campuchia là: Lương Thị N2 (sinh năm 2006 trú tại: Thôn A, xã P, huyện K, tỉnh Đắk Lắk và người đàn ông tên D, trú tại: tỉnh Bình Phước (hiện chưa xác định nhân thân, lai lịch). Hoài gửi thông tin hình ảnh, chứng minh nhân dân, căn cước công dân, số điện thoại, tài khoản Facebook của những người này cho T. Sau khi nhận thông tin T trao đổi, thông báo với C về việc đã tìm được hai người sang Campuchia làm việc, rồi T gặp trực tiếp và đưa D, N2 đến khu vực cửa khẩu M, tỉnh Tây Ninh, đưa sang biên giới Việt Nam - Campuchia bằng đường tiểu ngạch (vượt biên trái phép). Khi qua tới Campuchia thì C và T đưa D, N2 đi bán để làm việc tại công ty khác.

Sau khi C bán N2 và D thì T được C trả công 400USD, T đã trả công cho H1 100USD, số tiền này thì Thiên trừ vào tiền mà L và H1 nợ T trước đây. Công việc, thời gian làm việc và mức lương của D và N2 tại Campuchia tương tự với H1, L và Q. Đến ngày 27/6/2022, H1 tiếp tục thông báo với T về việc H1 tìm được 02 (hai) nạn nhân để đưa sang Campuchia là: Chế Thị Phương T5 (sinh năm 2008, nơi cư trú: Thôn T, xã E, huyện K, tỉnh Đắk Lắk) và Dương Thị Thu H2 (sinh năm 2008, nơi cư trú: Thôn G, xã E, huyện K, tỉnh Đắk Lắk). Tuy nhiên, H1 nói với T hiện T5 và H2 đang làm nhân viên phục vụ tại quán K ở tỉnh Bình Dương nếu muốn đưa H2 và T5 sang Campuchia thì phải chuộc T5 và H2 với số tiền 90.000.000 đồng. Sau đó T bàn bạc, trao đổi với C và T2 về nội dung này thì C đồng ý chuộc T5 và H2 để đưa sang Campuchia bán vào các công ty làm việc. Khi T đang trên đường đưa T5 và H2 sang Campuchia thì bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố H phát hiện, bắt giữ về hành vi: Mua bán người dưới 16 tuổi.

Tháng 6/2022, Hà Phúc Minh Đ1 về Việt Nam để chơi thì gặp Nguyễn Quốc Q1, sinh ngày 09/3/2005, trú tại: Thôn A, xã P, huyện K, tỉnh Đắk Lắk và Nguyễn Thành D1, sinh ngày 26/01/2006, trú tại: Thôn T, xã E, huyện K, tỉnh Đắk Lắk trao đổi và xin Đ1 để cùng Đ1 đi qua Campuchia làm việc. Khi đó Đ1 không liên lạc được với Nguyễn Ngọc T nên Đ1 liên lạc với C (hiện chưa xác định nhân thân, lai lịch) để cùng Q1 và D1 sang Campuchia. Tại Campuchia C đón Đ1, Q1 và D1 sau đó chở Đ1, Q1 và D1 bán vào một công ty tại Campuchia để làm việc. Đến tháng 9/2022, do Cảnh sát Campuchia truy quét nên Đ1, Q1 và D1 cùng một số người trốn được về Việt Nam.

Đối với các nạn nhân do H1 nhắn tin thông báo với T thì T chỉ biết H1 là người nhắn tin, trao đổi với T còn Võ Thành L thì T không liên lạc và L chưa giới thiệu ai để T đưa qua Campuchia.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 47/2023/HS-ST ngày 09/6/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã quyết định:

Tuyên bố bị cáo Nguyễn Ngọc T phạm tội “Mua bán người”.

Áp dụng các điểm a, d, đ khoản 2 Điều 150; điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự;

Xử phạt bị cáo Nguyễn Ngọc T 13 (Mười ba) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính ngày đi chấp hành án.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về tội danh và hình phạt đối với Hà Phúc Minh Đ1; quyết định phần xử lý vật chứng, trách nhiệm bồi thường dân sự, án phí và thông báo quyền kháng cáo theo quy định pháp luật.

Ngày 16/6/2023, bị cáo Nguyễn Ngọc T kháng cáo với nội dung xin giảm nhẹ hình phạt.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Ngọc T giữ nguyên nội dung kháng cáo; đề nghị Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo vì Tòa án cấp sơ thẩm xử mức án nặng.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng phát biểu quan điểm đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự, không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Ngọc T; giữ nguyên bản án sơ thẩm đối với bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

 Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Ngày 16/6/2023, bị cáo Nguyễn Ngọc T kháng cáo Bản án hình sự sơ thẩm số 47/2023/HS-ST ngày 09 tháng 06 năm 2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk với nội dung xin giảm nhẹ hình phạt. Đơn kháng cáo của bị cáo trong thời hạn luật định, do đó Hội đồng xét xử xem xét theo trình tự phúc thẩm.

[2]. Trong quá trình điều tra, tại phiên toà sơ thẩm và phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Ngọc T thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Lời khai nhận tội của bị cáo phù hợp với các tài liệu, chứng cứ và lời khai của những người tham gia tố tụng khác có trong hồ sơ vụ án, Hội đồng xét xử có đủ căn cứ kết luận: vào khoảng tháng 4 năm 2022, Nguyễn Ngọc T, Hà Phúc Minh Đ1 và 02 đối tượng tên C và T2 đã trao đổi và thống nhất với nhau về việc đăng tin tuyển lao động trên mạng Facebook nhằm mục đích lừa bán sang Campuchia lấy tiền tiêu xài. Đến tháng 5/2022, Đ1 dụ dỗ, lừa gạt được các anh Nguyễn Văn H1, Võ Thành L và Hồ Văn Q2 đồng thời chính Nguyễn Văn H1 dụ giỗ, lừa gạt được chị Lương Thị N2 và anh D1 (chưa xác định được lai lịch) để bán sang Campuchia. Sau khi lừa gạt được những người trên, Đ1 và H1 liên hệ với Nguyễn Ngọc T cùng với các đối tượng tên C, T2 thực hiện trót lọt việc bán H1, L, Q2, N2 và D1 cho các đối tượng người Trung Quốc ở Campuchia, thu lợi tổng số tiền 900USD. Trong đó, T hưởng lợi 750USD, Đ1 hưởng lợi 150USD.

Sau khi bị bán vào các Công ty Game đánh bạc trực tuyến tại Campuchia, Võ Thành L, Nguyễn Văn H1, Hồ Ngọc Q, Lương Thị N2 và anh D1 (chưa xác định được nhân thân, lai lịch) bị các công ty này bắt làm việc trong thời gian dài, không được nghỉ ngơi, không được ra khỏi nơi làm việc. Nếu làm việc không theo yêu cầu sẽ bị đánh đập, bỏ đói, bán đi nơi khác hoặc nếu muốn được trở về Việt Nam thì mỗi người phải nộp tiền chuộc cho công ty khoảng 3.000USD đến 3.300USD. Nhận thấy công việc không như giới thiệu, hứa hẹn, thỏa thuận và biết mình bị lừa gạt để bán trái phép nên L và Q đã liên lạc với gia đình để tố giác hành vi của Nguyễn Ngọc T và Hà Phúc Minh Đ1 đến Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đ. Sau đó Nguyễn Ngọc T và Hà Phúc Minh Đ1 bị phát hiện bắt giữ.

Với các hành vi trên, Bản án hình sự sơ thẩm số 47/2023/HS-ST ngày 09/6/2023, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã kết tội Nguyễn Ngọc T “Mua bán người” theo quy định tại các điểm a, d, đ khoản 2 Điều 150 Bộ luật Hình sự năm 2015 là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

[3]. Xét tính chất, mức độ hành vi phạm tội và kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo, thấy rằng:

Hành vi phạm tội của bị cáo là rất nghiêm trọng, đã trực tiếp xâm phạm đến quyền tự do về thân thể, nhân phẩm và danh dự của con người được pháp luật bảo vệ; vì vụ lợi, bị cáo đã coi những người bị hại như hàng hóa để thực hiện hành vi mua bán, trao đổi nhằm lấy tiền tiêu xài cá nhân, trong đó Nguyễn Ngọc T hưởng lợi 750USD. Hành vi phạm tội của bị cáo không những gây mất trật tự trị an ở địa phương mà còn gây hoang mang trong dư luận quần chúng nhân dân.

Do vậy, cần phải xử phạt bị cáo một mức hình phạt nghiêm minh mới có tác dụng giáo dục riêng và đấu tranh phòng ngừa chung trong xã hội.

Trong vụ án này, Nguyễn Ngọc T là người chủ mưu khởi xướng, xúi giục Hà Phúc Minh Đ1 (người chưa thành niên) phạm tội; khi được các đối tượng C, T2 rủ rê, Nguyễn Ngọc T đã tích cực giúp sức bằng cách tìm người đưa sang Campuchia bán. Khi quyết định hình phạt, Toà án cấp sơ thẩm đã đánh giá, xem xét áp dụng đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo như: bị cáo có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự; sau khi phạm tội đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; bị cáo được người đại diện hợp pháp của bị hại Nguyễn Thành L1 xin giảm nhẹ hình phạt; bị cáo Nguyễn Ngọc T bị áp dụng tình tiết tăng nặng Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội theo quy định tại điểm o khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự, Toà án cấp sơ thẩm nhận định nhưng không áp dụng tình tiết này trong phần quyết định của bản án đối với Nguyễn Ngọc T là thiếu sót, Hội đồng xét xử bổ sung trong bản án cho phù hợp.

Mức án 13 năm tù mà Toà án sơ thẩm xử phạt Nguyễn Ngọc T là tương xứng, phù hợp với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo, thể hiện sự phân hóa vai trò tội phạm trong vụ án cũng như công tác đấu tranh, giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung. Tại cấp phúc thẩm, bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt nhưng không có tình tiết giảm nhẹ nào mới nên không có cơ sở để chấp nhận, HĐXX giữ nguyên bản án sơ thẩm về phần hình phạt đối với bị cáo như đề nghị của vị đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa.

[4]. Về án phí hình sự phúc thẩm: do kháng cáo không được chấp nhận nên bị cáo phải chịu án phí theo quy định.

[5]. Các phần quyết định khác còn lại của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị, Hội đồng xét xử không xem xét.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

1. Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 Bộ luật Tố tụng hình sự; Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Ngọc T; giữ nguyên bản án sơ thẩm đối với bị cáo.

2. Áp dụng các điểm a, d, đ khoản 2 Điều 150; điểm s khoản 1 Điều 51;

điểm o khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự.

Xử phạt bị cáo Nguyễn Ngọc T 13 (Mười ba) năm tù về tội “Mua bán người”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính ngày đi chấp hành án.

3. Về án phí: áp dụng khoản 2 Điều 23 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm án phí, lệ phí Tòa án;

Bị cáo Nguyễn Ngọc T phải chịu 200.000 (Hai trăm nghìn) đồng án phí hình sự phúc thẩm.

4. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm về xử lý vật chứng, về trách nhiệm dân sự, án phí sơ thẩm và quyền, nghĩa vụ thi hành án không có kháng cáo, không bị kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

269
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội mua bán người số 433/2023/HS-PT

Số hiệu:433/2023/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:22/09/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về