TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 239/2024/HS-PT NGÀY 29/03/2024 VỀ TỘI MUA BÁN NGƯỜI
Ngày 29 tháng 3 năm 2024, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số 1037/2023/TLPT-HS ngày 26 tháng 12 năm 2023 đối với bị cáo Lê Văn L. Do có kháng cáo của bị cáo Lê Văn L đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 61/2023/HS-ST ngày 15 tháng 11 năm 2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang.
Bị cáo có kháng cáo:
Lê Văn L, sinh ngày 15/6/1997; tại huyện P, tỉnh Hậu Giang; nơi cư trú: Ấp T, thị trấn B, huyện P, tỉnh Hậu Giang; nghề nghiệp: Làm thuê; trình độ học vấn: 3/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Lê Văn L1 và bà Hồ Hoa M; bị cáo chưa có vợ, con; tiền án: Không; tiền sự: Không; nhân thân: Ngày 18/9/2022 bị Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế M2, tỉnh Tây Ninh xử phạt vi phạm hành chính số tiền 4.000.000 đồng về hành vi qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh, theo Quyết định số 16666/QĐ-XPHC; đã chấp hành xong quyết định ngày 18/9/2022 (Quyết định xử phạt được ban hành sau ngày thực hiện hành vi phạm tội nên không tính tiền sự); bị bắt từ ngày 27/10/2022 đến nay; bị cáo đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh H. (Có mặt)
- Người bào chữa chỉ định cho bị cáo: Luật sư Phạm Văn T – Đoàn Luật sư thành phố C. (Có mặt) (Những bị cáo và người tham gia tố tụng khác không kháng cáo, không liên quan đến kháng cáo, Tòa án không tiến hành triệu tập)
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Khoảng tháng 02/2022, bị cáo Lê Văn L đang làm thuê tại Quận A, Thành phố Hồ Chí Minh có tham gia mạng xã hội Facebook vào trang giới thiệu việc làm để bình luận thì có người tên T1 (chưa rõ nhân thân) nhắn tin với L. T1 đặt vấn đề rủ L sang Campuchia làm việc, T1 nói “chỉ cần biết đánh máy vi tính, làm cho công ty G, lương 350 USD/tháng tương đương 20.000.000 đồng tiền Việt Nam, có xe đưa rước từ Việt Nam sang Campuchia, không cần phải chuẩn bị giấy tờ, mọi chi phí xuất cảnh đều do Công ty thanh toán”. L đồng ý đi. T1 và L kết bạn Zalo với nhau nhằm phục vụ việc bố trí xe đón L. Khi sang Campuchia làm việc được khoảng 02 đến 04 ngày thì L biết mình bị T1 lừa gạt bán cho Công ty R tại Campuchia (không rõ địa chỉ) do người Trung Quốc quản lý và bị ép buộc làm công việc lừa đảo khách hàng thông qua app shopee... mục đích thu lợi bất hợp pháp cho Công ty. Thời gian làm việc từ 12 đến 13 giờ/ngày, không được nghỉ trưa, ăn cơm xong thì phải làm tiếp, làm hết giờ không được đi ra khỏi công ty, nếu trốn ra ngoài bị phát hiện thì sẽ bị đánh. Lợi thấy việc làm này trái với ý muốn của mình nhưng không dám phản đối mà phải tiếp tục làm việc theo yêu cầu của Công ty.
Khi vào làm cho Công ty R, tháng đầu L không được nhận lương mà Công ty chỉ đưa 100 USD để phục vụ việc ăn uống, đến tháng thứ hai thì Công ty giao chỉ tiêu mỗi tháng phải lừa đảo số tiền từ 300.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng mới được lãnh tiền huê hồng nhưng L làm không đạt nên chỉ nhận được số tiền 800 USD trừ lại 100 USD (nhận tháng trước), còn thực lãnh 700 USD. Đến tháng thứ 3, L tiếp tục làm không đạt chỉ tiêu nên không được nhận tiền và bị quản lý Công ty đánh, phạt chạy 05 vòng sân. Sau đó L bị bán sang Công ty khác gần cửa khẩu M2. Do sợ bị bán qua nhiều Công ty khác nhau thì tiền chuộc sẽ tăng lên nên L yêu cầu gia đình chuyển vào tài khoản số 107872554348 tên Huỳnh Thị Thiên H, ngụ tại D, khu phố G, thị trấn N, huyện N, Thành phố Hồ Chí Minh số tiền 53.000.000 đồng để được trở về Việt Nam.
Trong thời gian làm việc tại Công ty R1 có liên lạc với một số người thân quen ở Việt Nam gồm:
1. Nguyễn Văn Hoài T2, sinh năm 1994; đăng ký thường trú ấp T, thị trấn B, huyện P, tỉnh Hậu Giang.
2. Dương Minh C, sinh ngày 07/9/2004; đăng ký thường trú ấp M, thị trấn C, huyện P, tỉnh Hậu Giang.
3. Nguyễn Tự N, sinh ngày 02/6/1994; đăng ký thường trú ấp F, xã H, huyện P, tỉnh Hậu Giang.
4. Bùi Nghĩa N1, sinh ngày 04/9/1993; đăng ký thường trú ấp H, thị trấn B, huyện P, tỉnh Hậu Giang.
5. Phạm Văn N2, sinh ngày 05/11/1996; đăng ký thường trú ấp C, xã H, huyện P, tỉnh Hậu Giang.
6. Đỗ Duy K, sinh ngày 06/10/2005; đăng ký thường trú ấp H, xã H, huyện P, tỉnh Hậu Giang.
7. Nguyễn Hoàng K1, sinh ngày 03/01/2006; đăng ký thường trú ấp M, xã H, huyện P, tỉnh Hậu Giang. Ngoài ra còn có người bạn của K tên M1 (chưa rõ nhân thân).
Qua liên lạc, L biết được những người trên đang cần việc làm nên đã tư vấn công việc của mình đang làm ở Campuchia giống như T1 đã nói với L trước đây. Trước những thông tin L đưa ra T2, C, N, N1, N2, K1, K2, M1 tin là thật và đồng ý sang Campuchia làm việc cùng với L. Khi tất cả sang Campuchia thì phát hiện việc làm hoàn toàn không đúng như lời L nói mà phải làm công việc giống như L đang làm tại Công ty.
Khi giới thiệu T2 thì L không có nhận tiền huê hồng. Đối với C, N2, Nguyễn thì L2 được người quản lý của Công ty R tên Li S (chưa rõ nhân thân) trả tiền giới thiệu (tiền huê hồng) cho L2 50 USD/một người, tổng cộng 03 người là 150 USD. Số tiền này L2 đã chia đều lại cho C, N3, N4 để làm chi phí sinh hoạt tại Công ty thời gian đầu. Riêng trường hợp của Bùi Nghĩa N1, L2 cũng nhận được 50 USD từ L nhưng khi đưa cho N1 thì N1 không nhận nên L2 giữ lại và tiêu xài cá nhân. Đối với Nguyễn Hoàng K1, Đỗ Duy K và M1, do không biết sử dụng máy tính nên bị đưa sang Công ty khác làm việc, L2 cũng không được nhận tiền huê hồng của những người này.
Dương Minh C sau khi bị L2 lừa bán sang C1 làm việc tại Công ty R thì Li S nói với C: "Có bạn bè gì bên Việt Nam thì dẫn qua Công ty làm kiếm tiền”. Khi nghe vậy, C liên lạc và tư vấn công việc mình làm giống như những gì L2 nói với C trước khi sang Campuchia và rủ Dương Thái H1, sinh năm 1995, đăng ký thường trú ấp M, xã H, huyện P, tỉnh Hậu Giang và người tên N5 (không rõ nhân thân) sang C làm với C. Học và N5 đồng ý đồng thời rủ thêm Võ Văn Mỹ T3 (tự T1), sinh năm 2001, đăng ký thường trú ấp T, xã T, huyện T, tỉnh Đồng Tháp và Tô Thị Kim L3, sinh năm 1999, đăng ký thường trú ấp B, xã T, huyện C, TP . đi cùng. Cả bốn người được đưa sang Campuchia, khi đến Công ty thì việc làm không như C tư vấn mà thực tế giống như công việc C đang làm. Cảnh được Li Sa trả 400 USD tiền huê hồng. Sau khi nhận, C đưa cho H1 và T1 mỗi người 100 USD, còn lại C sử dụng cá nhân. Quá trình làm việc tại công ty R, do làm không đạt chỉ tiêu và sợ bị đánh, bị bán sang công ty khác nên C trốn về Việt Nam bằng cách bơi qua sông B thuộc tỉnh An Giang vào ngày 18/8/2022.
Đối với Phạm Văn N2, sau khi bị L2 lừa gạt bán sang Campuchia để làm việc tại Công ty R. Trong thời gian làm tại Công ty thì người quản lý tên T4 (không rõ nhân thân) nói với N2 nếu giới thiệu được người Việt Nam sang công ty R làm việc thì T4 sẽ cho tiền huê hồng. Sau đó, N2 liên lạc với Nguyễn Tường N6, sinh năm 2003, đăng ký thường trú ấp D, xã H, huyện P, tỉnh Hậu Giang giới thiệu công việc hiện tại giống như những gì L2 nói với N2 trước đây nên N6 đồng ý đi sang Campuchia làm, N2 được T4 trả 6.000.000 đồng tiền huê hồng. Khi đến Công ty C3 phải làm là lừa khách hàng thông qua app S2... không giống như N2 đã tư vấn. Quá trình làm việc tại Công ty, do làm việc không đạt chỉ tiêu sợ bị đánh và bán sang Công ty khác nên gia đình N2 đã chuyển số tiền 100.000.000 đồng vào tài khoản số 03457xxxx tên Phạm Văn K3, ngụ tại số C, H, phường T, Quận A, Thành phố Hồ Chí Minh để chuộc Nhứt về Việt Nam.
Cơ quan Cảnh sát điều tra xác minh tại Công an thị trấn N và C2 phường T xác định, không có người tên Huỳnh Thị Thiên H cư trú tại D, khu phố G, thị trấn N, huyện N, Thành phố Hồ Chí Minh và không có người tên Phạm Văn K3, cư trú tại số C, H, phường T, quận A, Thành phố Hồ Chí Minh. Việc thu giữ các vật chứng, đồ vật, tài liệu của vụ án gồm:
- 01 điện thoại di động, hiệu Iphone, số Imel: 359165074488063.
- 01 điện thoại di động, hiệu Iphone, số Imel: 353290073819468.
- 01 điện thoại di động, hiệu Iphone, số Imel: 356954064036658.
- 01 điện thoại di động, hiệu Iphone, số Imel: 355315087224492.
Về trách nhiệm dân sự: Các bị hại không yêu cầu bị cáo bồi thường thiệt hại.
Tại Cáo trạng số 44/CT-VKSHG- P1 ngày 02 tháng 10 năm 2023 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hậu Giang truy tố bị cáo Lê Văn Lợi về tội Mua bán người theo quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 150 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (về sau viết tắt là Bộ luật Hình sự). Truy tố bị cáo Dương Minh C về tội Mua bán người theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 150 của Bộ luật Hình sự. Truy tố bị cáo Phạm Văn N2 về tội Mua bán người theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 150 của Bộ luật Hình sự.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 61/2023/HS-ST ngày 15 tháng 11 năm 2023, Tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang đã quyết định:
Căn cứ các điều 268, 269, 292, 329 của Bộ luật Tố tụng hình sự. Tuyên bố: Bị cáo Lê Văn L phạm tội Mua bán người.
Căn cứ điểm đ khoản 3 Điều 150; Điều 38; điểm s khoản 1 và khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 58 của Bộ luật Hình sự.
Xử phạt bị cáo Lê Văn L 14 (mười bốn) năm tù. Thời hạn tù được tính từ ngày 27/10/2022.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về tội danh và hình phạt đối với bị cáo khác, về trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo vụ án theo luật định.
Ngày 28/11/2023, bị cáo Lê Văn L có đơn kháng cáo với nội dung xin giảm nhẹ hình phạt.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo giữ nguyên yêu cầu kháng cáo do không hưởng lợi từ việc giới thiệu các bị hại sang Campuchia làm việc, bị cáo đã ăn năn hối cải về hành vi và bị hại cũng có yêu cầu giảm nhẹ cho bị cáo, gia đình bị cáo có người thân là Liệt sĩ.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án: Về thủ tục tố tụng, các cơ quan tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng đã tuân thủ đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự; Về nội dung vụ án: hành vi của bị cáo như án sơ thẩm nhận định là có căn cứ, phù hợp với kết quả điều tra nên việc xét xử bị cáo về tội “Mua bán người” theo điểm đ khoản 3 Điều 150 Bộ luật hình sự là đúng người, đúng tội. Các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ đã được cấp sơ thẩm vận dụng đầy đủ và tuyên phạt tương xứng. Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo xuất trình 02 tài liệu về các Liệt sĩ nhưng không chứng minh được có mối quan hệ của những Liệt sĩ với bị cáo nên không được xem là tài liệu chứng cứ mới. Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Người bào chữa của bị cáo trình bày: thống nhất về tội danh và điều khoản truy tố, xét xử bị cáo. Tuy nhiên, hành vi của bị cao thực hiện đối với 06 người bị hại đã được xem là tình tiết định khung hình phạt nhưng án sơ thẩm còn áp dụng thêm tình tiết tăng nặng “phạm tội từ 02 lần trở lên” theo điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự là trùng lặp, làm xấu đi tình trạng của bị cáo, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét. Ngoài ra, bị cáo cũng là người bị hại, không hưởng lợi từ các bị hại nên các bị hại cũng không yêu cầu bị cáo bồi thường; bị cáo có hoàn cảnh gia đình khó khăn, bị cha mẹ bỏ rơi từ nhỏ phải sống cùng bà ngoại, phải tự mưu sinh không có điều kiện học hành nên nhận thức hạn chế. Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo giảm hình phạt cho bị cáo.
Bị cáo nói lời sau cùng: Bị cáo rất hối hận, chỉ vì muốn giúp người mà phải chịu trách nhiệm với pháp luật. Xin Hội đồng xét xử giảm án cho bị cáo.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Về hình thức:
Đơn kháng cáo của bị cáo là trong hạn luật định, hợp lệ nên được Hội đồng xét xử xem xét theo trình tự phúc thẩm.
Quá trình tiến hành tố tụng, cấp sơ thẩm đã tuân thủ đúng quy định của pháp luật tố tụng, quyền và nghĩa vụ của các bị cáo cùng những người tham gia tố tụng khác được đảm bảo; các chứng cứ đã được thu thập hợp pháp, khách quan và đầy đủ để giải quyết toàn bộ các vấn đề của vụ án. Các bị cáo đã được tự nguyện khai báo, không bị ép cung, nhục hình.
[2] Về nội dung:
Trên cơ sở đối chiếu lời khai của bị cáo, các bị hại với tài liệu, chứng cứ đã thu thập và kết quả giám định có cơ sở để kết luận:
Trong khoảng thời gian làm việc cho Công ty R tại Campuchia từ tháng 02/2022 đến tháng 5/2022, Lê Văn L đã nhiều lần gọi điện thoại dùng lời nói gian dối để lừa Nguyễn Hoài T2, Dương Minh C, Nguyễn Tự N, Bùi Nghĩa N1, Phạm Văn N2, Nguyễn Hoàng K4, Đỗ Duy K và một người tên M1 (chưa rõ nhân thân) rằng sang Campuchia lao động với danh nghĩa việc nhẹ lương cao, nhưng thực tế mục đích của bị cáo là khiến những người này đồng ý sang Campuchia để bị cáo chuyển giao lại cho Công ty R. Công việc thực sự của Công ty này là ép buộc họ lừa đảo khách hàng qua ứng dụng S1 để thu lợi bất chính cho Công ty, nếu việc lừa đảo không đạt chỉ tiêu thì họ sẽ bị người của Công ty này trừng phạt. Bản thân L vốn ban đầu là nạn nhân của Công ty này nhưng bị cáo không những không có ý thức tuyên truyền để người khác không bị rơi vào tình huống tương tự, mà bị cáo lại còn chấp nhận lừa đảo người quen để trục lợi. Hành vi của bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội “Mua bán người” theo điểm đ khoản 3 Điều 150 Bộ luật Hình sự. Án sơ thẩm đã xét xử hành vi của bị cáo và những bị cáo khác trong cùng vụ án với hình phạt nghiêm khắc là cần thiết để đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa chung.
[3] Xét yêu cầu kháng cáo của bị cáo:
Bị cáo kháng cáo xin giảm hình phạt với các lý do như đã nêu và Luật sư cũng trình bày thêm những tình tiết để xem xét giảm nhẹ cho bị cáo nhưng xét hành vi của bị cáo đã được án sơ thẩm nhận định đúng tính chất, mức độ nguy hiểm. Các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ đã được Tòa án cấp sơ thẩm vận dụng đầy đủ để tuyên một mức hình phạt tương xứng. Bị cáo kháng cáo nhưng không xuất trình thêm tình tiết nào mới, các bản sao giấy tờ về hai Liệt sĩ không có xác nhận quan hệ nhân thân với bị cáo nên không phải là tài liệu, chứng cứ hợp lệ để xem xét. Hội đồng xét xử thống nhất theo đề nghị của Kiểm sát viên, không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Đối với ý kiến của Luật sư về việc không áp dụng tình tiết tăng nặng theo điểm g khoản 1 Điều 150 Bộ luật hình sự đối với bị cáo là có cơ sở để chấp nhận. Hội đồng xét xử điều chỉnh không áp dụng tình tiết này nhưng không thay đổi hình phạt do xét thấy mức án cấp sơ thẩm đã tuyên là tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi và để đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa chung.
Do kháng cáo không được chấp nhận nên bị cáo phải chịu án phí hình sự phúc thẩm theo quy định.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 Bộ luật Tố tụng hình sự, Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Tuyên bố: Bị cáo Lê Văn L phạm tội Mua bán người.
Căn cứ điểm đ khoản 3 Điều 150; Điều 38; điểm s khoản 1 và khoản 2 Điều 51; Điều 58 của Bộ luật Hình sự.
Xử phạt bị cáo Lê Văn L 14 (mười bốn) năm tù. Thời hạn tù được tính từ ngày 27/10/2022.
Án phí hình sự phúc thẩm bị cáo phải chịu 200.000 đồng.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tội mua bán người số 239/2024/HS-PT
Số hiệu: | 239/2024/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 29/03/2024 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về