TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI
BẢN ÁN 707/2023/HS-PT NGÀY 18/09/2023 VỀ TỘI LƯU HÀNH TIỀN GIẢ
Ngày 18 tháng 9 năm 2023, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Cao Bằng, Toà án nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 569/2023/TLPT-HS ngày 26 tháng 5 năm 2023 đối với bị cáo Dương Thị Đ do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 48/2023/HS-ST ngày 14 tháng 4 năm 2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng.
* Bị cáo có kháng cáo:
Dương Thị Đ, sinh năm 1957; tên gọi khác: Không; nơi ĐKHKTT và chỗ ở: Xóm Nam P 1, xã Hưng Đ, thành phố CB, tỉnh CBa; giới tính: Nữ; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Tày; tôn giáo: Không; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ văn hóa lớp: 5/10; con ông Dương Văn Ty và bà Hoàng Thị Lán (đều đã chết); có chồng là Lương Anh Xuân và có 02 con; tiền án, tiền sự: Không.
Nhân thân: Tại Bản án số 77 ngày 26/6/2000 Tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng tuyên phạt 05 năm tù về tội “Lưu hành tiền giả”.
Bị cáo bị bắt, tạm giữ, tạm giam ngày 22/8/2022 đến nay. Hiện đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Cao Bằng. Có mặt.
- Người bào chữa cho bị cáo Dương Thị Đ: Ông Hoàng Văn H và ông Hoàng Văn D, đều là Luật sư Văn phòng Luật sư H, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội (Luật sư Hoàng Văn D có mặt).
1 - Người bào chữa cho bị cáo theo chỉ định của Tòa án: Bà Phan Thị Ngọc B – Luật sư Văn phòng Luật sư N, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Cao Bằng (có mặt, bị cáo từ chối Luật sư B).
- Trong vụ án này, còn có bị cáo Hoàng Thị B có đơn kháng cáo ngày 19/4/2023, tuy nhiên tại phiên tòa phúc thẩm mở ngày 14/8/2023, bị cáo Hoàng Thị B đã xin rút toàn bộ kháng cáo nên Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã ban hành Quyết định số 70/2023/HSPT-QĐ ngày 14/8/2023 đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với bị cáo Hoàng Thị B.
Ngoài ra, trong vụ án này còn có người bị hại không có kháng cáo, các bị cáo không bị kháng cáo, kháng nghị.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo bản án sơ thẩm và các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Ngày 18/4/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Cao Bằng nhận được đơn tố giác của ông Nhan Hữu T(sinh năm 1965; trú tại: Long Thạch 2, Thốt Nốt, Cần Thơ) về việc: Khoảng đầu năm 2017 ông T bán gạo cho nhiều khách hàng tại tỉnh Cao Bằng trong đó có Dương Thị Đ (sinh năm 1957, trú tại Xóm Nam P 1, xã Hưng Đ, thành phố CB, tỉnh CBa) và Hoàng Thị B (sinh năm 1965, trú tại tổ 6, thị trấn Trùng Khánh, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) sau khi thỏa thuận và mua bán xong thì Đăm còn nợ ông T số tiền 2.263.490.000 đồng (hai tỷ hai trăm sáu mươi ba triệu bốn trăm chín mươi nghìn đồng), B còn nợ số tiền 267.000.000 đồng (hai trăm sáu mươi bảy triệu đồng). Ông T đã đòi tiền nhiều lần nhưng đến nay Đăm và B vẫn không trả.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Cao Bằng đã xác định được: Từ năm 2016 đến năm 2018, ông T là người buôn bán gạo trong nước, thu gom gạo từ các tỉnh miền Nam đến tập kết tại Cảng Hải Phòng. Sau đó, ông T lấy mẫu gạo đi chào bán, khi khách đồng ý mua thì ông T giới thiệu nhà xe vận chuyển để khách tự liên hệ thuê. Trong thời gian này T có một số khách hàng mua gạo ở tỉnh Cao Bằng, để thuận tiện cho việc bán hàng, T đã thuê kho hàng ở huyện Quảng Hòa và huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Đồng thời giao cho con trai tên là Nhan Lê Duy (sinh năm 1986, trú tại: Long Thạch 2, Thốt Nốt, Cần Thơ) là người trông coi kho hàng, hỗ trợ trong quá trình trao đổi mua bán gạo với khách. Ông Nhan Hữu Tvà con trai là Nhan Lê Duy chỉ quản lý việc thỏa thuận số lượng, giá cả với khách hàng còn việc sau khi khách hàng mua gạo và chuyển đi đâu, bán giá cả như thế nào thì bố con ông T không nắm được.
Trong các khách hàng mua gạo với bố con ông T có Dương Thị Đ là người buôn bán gạo với các chủ buôn người Trung Quốc thông qua các đường tiểu ngạch. Khoảng đầu năm 2017, Đăm liên hệ với ông T đặt vấn đề mua nợ gạo sau vài ngày khi bán được gạo sẽ trả tiền cho ông T. Sau khi cùng thống nhất giá của từng loại gạo và số lượng thì Đăm tự thuê xe ô tô đến lấy hàng với Nhan Lê Duy tại bãi tập kết ở thị trấn Trùng Khánh và Đăm chỉ đạo các lái xe chở gạo đến bãi chung chuyển ở các mốc 42 (nay là mốc 877) thuộc xóm Kiểng Phặc, xã Quang Long, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng và các mốc 62 (nay là mốc 807, 808) thuộc xóm Ta Nang - Giảng Tả, xã Đình Phong, mốc 63 (nay là mốc 804) thuộc xóm Đoỏng Luông - Chi Choi, xã Đình Phong, mốc 757 thuộc xóm Bảo Biên, xã Tri phường cùng huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Tại đây, các chủ buôn người Trung Quốc mà Đăm đã liên hệ trước sẽ thuê người đến bốc hàng sang Trung Quốc, sau đó khi bán được hàng thì chủ buôn người Trung Quốc sẽ trả tiền mặt cho Đăm sau đó Đăm sẽ mang tiền đi đổi sang tiền Việt Nam và đưa trực tiếp tiền cho Nhan Lê Duy. Quá trình mua bán gạo Đăm đã giao dịch với ông T 07 lần cụ thể:
- Lần thứ nhất: ngày 14/01/2017, gạo ST21 với giá là 11.700 đồng/kg, có số lượng 80 tấn với giá tiền là 936.000.000 đồng (chín trăm ba mươi sáu triệu đồng);
- Lần thứ hai: ngày 17/01/2017, gạo ST21 với giá là 11.700 đồng/kg, có số lượng 71,7 tấn với giá tiền là 838.890.000 đồng (tám trăm ba mươi tám triệu tám trăm chín mươi triệu đồng);
- Lần thứ ba: ngày 17/01/2017, gạo 5451 với giá là 10.000 đồng/kg, có số lượng 7200 kg với giá tiền là 72.000.000 đồng (bảy mươi hai triệu đồng);
- Lần thứ tư: ngày 02/02/2017, gạo ST21 với giá là 11.700 đồng/kg, có số lượng 200 tấn với giá tiền là 2.340.000.000 đồng (hai tỷ ba trăm bốn mươi triệu đồng);
- Lần thứ năm: ngày 05/02/2017, gạo ST21 với giá là 11.700 đồng/kg, có số lượng 131 tấn với giá tiền là 1.532.700.000 đồng (một tỷ năm trám ba mươi hai triệu bảy trăm nghìn đồng);
- Lần thứ sáu: ngày 07/02/2017, gạo ST21 với giá là 11.700 đồng/kg, có số lượng 35 tấn với giá tiền là 409.500.000 đồng (bốn trăm linh chín triệu năm trăm nghìn đồng);
- Lần thứ bảy: từ ngày 11/3/2017 đến 19/32017, gạo ST21 với giá là 11.700 đồng/kg, có số lượng 103 tấn với giá tiền là 1.256.600.000 đồng (một tỷ hai trăm năm sáu triệu sáu trăm nghìn đồng) và gạo 604 với giá là 8.650 đồng/kg, có số lượng 232 tấn với giá tiền là 2.006.800.000 đồng (hai tỷ không trăm linh sáu triệu tám trăm nghìn đồng).
Trong thời gian bán gạo cho người Trung Quốc một số chuyến hàng Đăm không nhận lại được tiền do bên Trung Quốc thông tin cho biết là bị Cơ quan chức năng Trung Quốc bắt giữ nên không lấy được gạo để bán, mặt khác trong quá trình bảo quản do thời tiết nên gạo đã bị hỏng một phần vì vậy dẫn đến việc Đăm không có đủ tiền để trả cho ông T. Tổng số tiền Đăm mua gạo với ông T là 9.392.490.000 đồng (chín tỷ ba trăm chín mươi hai triệu ba trăm chín mươi nghìn đồng). Từ khi giao dịch đến thời điểm hiện nay Đăm đã trả cho ông T tổng số tiền là 6.862.000.000 đồng (sáu tỷ tám trăm sáu mươi hai triệu đồng. Còn nợ ông T số tiền là 2.263.490.000 đồng (hai tỷ hai trăm sáu mươi ba triệu bốn trăm chín mươi nghìn đồng).
Vào khoảng tháng 3/2017, Hoàng Thị B (là người buôn hàng với các chủ buôn người Trung Quốc qua các đường tiểu ngạch) đang thiếu hàng nên đã liên hệ và thỏa thuận với Dương Thị Đ để lấy 01 xe gạo từ kho hàng ở thị trấn Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, sau khi bán được hàng sẽ trả tiền cho Đăm. B đã tự thuê xe đến kho hàng lấy 24.000kg, loại gạo ST21, với tổng số tiền 267.000.000 đồng (hai trăm sáu mươi bảy triệu đồng), sau đó vận chuyển hàng đến mốc 757 thuộc xã Tri Phương, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng để bán cho chủ hàng người Trung Quốc. Khi gạo đã bán được sang Trung Quốc thì hai đến ba ngày sau chủ hàng Trung Quốc thông tin là gạo đã bị lực lượng chức năng Trung Quốc bắt nên chưa trả tiền cho B. Do đó, B không có tiền để trả tiền cho Đăm. Đến năm 2019, Nhan Hữu T, Dương Thị Đ và Hoàng Thị B đã thỏa thuận chuyển số tiền 267.000.000 đồng (hai trăm sáu mươi bảy triệu đồng) chuyển số tiền này thành B nợ ông T. Sau đó, ông T đã đòi tiền B nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa trả.
Cơ quan điều tra xác định được quá trình buôn bán gạo sang Trung Quốc của Dương Thị Đ, Hoàng Thị B không khai báo và không có các giấy tờ liên quan đến xuất khẩu hàng hóa theo quy định. Sau khi gạo được bán sang Trung Quốc thì bị Hải quan Trung Quốc bắt một phần trong tổng số gạo bán sang nên phía người Trung Quốc không trả đầy đủ số tiền dẫn đến việc Đăm và B không trả đầy đủ số tiền mua gạo cho ông Nhan Hữu T. Ngoài ra Cơ quan điều tra cũng xác định được Đăm, B không có tài sản hay công việc ổn định dẫn đến không có khả năng trả nợ cho ông T.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 48/2023/HS-ST ngày 14/4/2023, Tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng đã quyết định:
Tuyên bố: Bị cáo Dương Thị Đ phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Căn cứ khoản 4 Điều 175; điểm s khoản 1 Điều 51; Điều 38 Bộ luật Hình sự năm 2015. Xử phạt bị cáo Dương Thị Đ 13 (mười ba) năm tù. Thời hạn chấp hành án phạt tù tính từ ngày bị cáo bị bắt, tạm giữ, tạm giam là ngày 22/8/2022.
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về tội danh, mức hình phạt đối với bị cáo Hoàng Thị B; quyết định về trách nhiệm dân sự, án phí và thông báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Ngày 19/4/2023, bị cáo Dương Thị Đ kháng cáo kêu oan. Tại phiên tòa phúc thẩm:
Bị cáo Dương Thị Đ giữ nguyên nội dung đơn kháng cáo và trình bày: Giữa bị cáo và ông T chỉ là mua bán gạo qua điện thoại và bán được hàng bị cáo trả cho ông T; bị cáo không bán gạo qua Trung Quốc, bị cáo có bán gạo tại địa bàn huyện Trùng Khánh chứ không chở gạo sang Trung Quốc; việc người Trung Quốc chở gạo đi như thế nào bị cáo không biết. Vì vậy, bản án sơ thẩm quy kết bị cáo bán hàng qua biên giới để chiếm đoạt tiền của ông T là oan cho bị cáo. Bị cáo không lạm dụng để chiếm đoạt tiền của ông T. Bị cáo xác định mua gạo và còn nợ tiền của ông T thì bị cáo sẽ cố gắng đi làm thuê dể trả dần nợ; ông T đồng ý cho bị cáo trả dần không hẹn thời gian trả hết nợ; từ năm 2018 đến tháng 4 năm 2022 sau khi viết giấy nợ thì bị cáo đã trả cho ông T được 497 triệu đồng qua chuyển khoản ngân hàng và đang đi trông trẻ thuê để trả nợ thì bị Công an bắt nên không trả được tiếp. Mong Hội đồng xét xử xem xét khách quan việc làm của bị cáo.
Luật sư Hoàng Văn D nêu căn cứ kháng cáo bào chữa cho bị cáo Đăm; cụ thể: Cơ quan điều tra đã không có tài liệu nào thể hiện sau khi nhận được tài sản của ông T thì bị cáo có hành vi sử dụng tài sản đó vào mục đích trái pháp luật. Việc bị cáo bán hàng qua biên giới thì ngay tại Kết luận điều tra cũng đã xác định chưa đủ căn cứ để xử lý bị cáo về hành vi buôn lậu. Bị cáo cũng chưa hề bị bất kỳ cơ quan có thẩm quyền xử lý về việc trốn thuế hoặc xuất cảnh trái phép hoặc vi pháp pháp luật nào khác. Ngay tại Cáo trạng cũng xác định Cơ quan điều tra không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi bán gạo sang Trung Quốc của bị cáo và của Hoàng Thị B là có căn cứ; không có chứng cứ vật chất về việc bị cáo xuất khẩu gạo hoặc mang gạo qua biên giới. Nếu có việc Đăm bán gạo cho người Trung Quốc thì việc họ vận chuyển gạo là việc của họ, Đăm chỉ bán gạo trên lãnh thổ Việt Nam. Cáo trạng cũng chỉ xác định bị cáo Đăm mang gạo đến các mốc biên giới. Thực tế bị cáo đã thuê 06 kho để chứa gạo để thực hiện việc mua bán gạo với ông T nhưng Cơ quan điều tra mới chỉ xác minh tại 02 kho đã xác định bị cáo bị thiệt hại do gạo bị hỏng là 468 đồng và 700 triệu đồng tại hai kho hàng này. Ngoài ra Luật sư đã đến xác định tại mốc biên giới số 42 từ đó còn cách 5km mới đến biên giới Trung Quốc nên việc vận chuyển hàng trăm (559,9) tấn gạo qua đó không thể không ai biết nhưng không có tài liệu xác định. Việc Đăm mua bán gạo với ông T có giấy xác nhận nợ nhưng trong giấy nợ không quy định thời hạn trả; đây là quan hệ dân sự. Đối với Hoàng Thị B có giấy nợ có hẹn thời hạn trả nợ là hoàn toàn khác với Dương Thị Đ. Đối với việc bị cáo mua nhà, đất tại thành phố Cao Bằng là do con của bị cáo mua và đã thế chấp chính nhà đất này để vay tiền làm nhà. Sau khi làm giấy nhận nợ, bị cáo đã cố gắng đi làm thuê nhiều công việc để trả nợ, tháng 4/2022 bị cáo còn chuyển trả cho ông T 04 triệu đồng. Nay Luật sư cơ bản đồng tình với quan điểm của đại diện Viện kiểm sát cấp cao tại phiên toà. Đề nghị chấp nhận kháng cáo của bị cáo, căn cứ Điều 157, 159 Bộ luật Tố tụng hình sự tuyên bị cáo không phạm tội theo quy định tại khoản 4 Điều 175 Bộ luật Hình sự, đình chỉ giải quyết vụ án, trả tự do cho bị cáo ngay tại phiên toà.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội tham gia phiên tòa nêu quan điểm: Giao dịch giữa bị cáo Dương Thị Đ với ông Nhan Hữu Tlà hợp đồng mua bán hàng hoá được thực hiện là có thật. Sau khi nhận hàng của ông T bị cáo khai nhận bán lại gạo đó cho nhiều người; quá trình tiến hành tố tụng, Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự đã từ chối định giá, các cơ quan chuyên môn cũng nêu quan điểm không đủ thông tin để kết luận đối với yêu cầu của Cơ quan điều tra. Tại Kết luận điều tra cũng đã xác định không đủ căn cứ xử lý đối với Dương Thị Đ về hành vi buôn lậu. Vì vậy tại bản án sơ thẩm đã xác định bị cáo phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” là chưa đủ căn cứ.
Đối với quan hệ giữa Dương Thị Đ với ông Nhan Hữu Tvà Hoàng Thị B, thấy: Việc B viết giấy nhận nợ ông T là xuất phát từ việc chuyển giao nghĩa vụ từ Dương Thị Đ sang cho B, vì vậy chưa có căn cứ xác định B có hành vi lạm dụng để chiếm đoạt tài sản của ông T. Tuy tại phiên toà sơ thẩm Hoàng Thị Bach nhận tội, sau đó bị cáo kháng cáo và đến ngày 14/8/2023 bị cáo đã rút kháng cáo; Toà án cấp phúc thẩm đã ra quyết định đình chỉ phúc thẩm nhưng xét toàn bộ nội dung vụ án chưa đủ căn cứ vững chắc để xác định các bị cáo phạm tội nên đề nghị huỷ toàn bộ bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát cấp sơ thẩm để điều tra lại theo đúng quy định.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được thẩm tra công khai tại phiên tòa phúc thẩm; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại phiên toà, ý kiến tranh luận của người bào chữa và của bị cáo, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định về vụ án như sau:
[1]. Về tố tụng:
Kháng cáo của bị cáo Dương Thị Đ trong thời hạn và phù hợp với quy định về hình thức nên được chấp nhận để xem xét theo thủ tục phúc thẩm.
Đối với kháng cáo của bị cáo Hoàng Thị B, ngày 14 tháng 8 năm 2023 bị cáo đã rút toàn bộ nội dung kháng cáo nên Toà án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã có Quyết định số 70/2023/HSPT-QĐ về việc đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo của bị cáo theo bản án sơ thẩm. Tuy nhiên, quá trình xét xử phúc thẩm đối với nội dung kháng cáo của bị cáo Dương Thị Đ thì Hội đồng xét xử phúc thẩm sẽ có nhận định phù hợp tại phần nội dung.
Tại phiên toà không có thêm tài liệu, chứng cứ gì mới.
[2]. Về nội dung, xét kháng cáo của bị cáo Dương Thị Đ :
Tại phiên toà sơ thẩm, bị cáo Dương Thị Đ chỉ thừa nhận có bán gạo sang Trung Quốc với số tiền là 1.737.000.000 đồng, số còn lại bị cáo bán tại huyện Trùng Khánh và bán cho các huyện lân cận. Tuy nhiên việc bán cho những ai có tên, địa chỉ cụ thể thì bị cáo không nhớ. Đối với số lượng gạo bán sang trung Quốc bị cáo không thu được tiền do phía khách hàng là người Trung Quốc chưa thanh toán cho bị cáo nên bị cáo đã chưa có khả năng để trả tiền cho ông Nhan Hữu T. Thực tế, từ sau khi viết giấy xác nhận nợ với ông T thì bị cáo vẫn đang thực hiện nghĩa vụ trả nợ dần cho ông T nên bị cáo không phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Tại bản án sơ thẩm đã căn cứ vào lời khai của bị cáo trong quá trình điều tra về việc “bị cáo đã khai nhận toàn bộ số gạo mua với ông T bị cáo đã bán sang Trung Quốc, qua đường tiểu ngạch mà không khai báo với cơ quan chức năng”. Từ đó đã “Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và lời khai của các bị cáo, bị hại... kết luận:
“Khoảng đầu năm 2017, Dương Thị Đ, Hoàng Thị B thỏa thuận mua gạo của ông Nhan Hữu Tvới tổng số tiền là 9.392.490.000 đồng (chín tỷ ba trăm chín mươi hai triệu ba trăm chín mươi nghìn đồng), sau đó Đăm, B đã bán số lượng gạo trên sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch mà không khai báo với cơ quan chức năng, không có giấy tờ, thủ tục xuất khẩu gạo theo quy định dẫn đến việc Đăm còn nợ số tiền 2.263.490.000 đồng (hai tỷ hai trăm sáu mươi ba triệu bốn trăm chín mươi nghìn đồng) không có khả năng thanh toán cho ông T.
Hành vi của bị cáo là nhận tài sản từ hợp đồng mua bán gạo với bị hại, sau đó sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản cho bị hại, làm thiệt hại đến kinh tế của gia đình bị hại.
Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử các bị cáo Dương Thị Đ về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại khoản 4, Điều 175 Bộ luật Hình sự. Nay xét kháng cáo của bị cáo và toàn bộ nội dung vụ án :
Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy: Trong khoảng thời gian từ tháng 01 đến tháng 03 năm 2017, giữa bị cáo Dương Thị Đ với người bị hại là ông Nhan Hữu Tđã có quan hệ mua bán gạo với số lượng trên 550 tấn với các mức giá được thoả thuận cụ thể thông quan điện thoại giữa bị cáo với ông T; việc giao nhận gạo giữa ông T với bị cáo Đăm đã được thực hiện xong. Tổng giá trị hàng hoá của ông T là 9.392.490.000 đồng (chín tỷ ba trăm chín mươi hai triệu ba trăm chín mươi nghìn đồng); bị cáo đã thanh toán trả cho ông T còn nợ lại 2.760.000.000 đồng (hai tỷ bẩy trăm sáu mươi triệu đồng). Tại phiên toà phúc thẩm bị cáo khai trong quá trình kinh doanh gạo mua của ông T với số lượng lớn, bị cáo đã phải thuê 06 kho để chứa gạo và bị hỏng, mốc nên có phần bị cáo phải bán rẻ dẫn đến thua lỗ. Cơ quan điều tra mới chỉ làm rõ và kết luận số gạo bị cáo bị hỏng tại kho ở trị trấn Trùng Khánh giá trị 700.000.000 đồng; tại kho ở Làng Trắng, Tri Phương khoảng 468.000.000 đồng, các thiệt hại tại các kho khác như thế nào thì chưa được điều tra làm rõ. Vấn đề hàng hoá bị hỏng tại phiên toà phúc thẩm bị cáo vẫn xác định mình có trách nhiệm thanh toán cho ông T. Vấn đề này cũng chưa được đối chất làm rõ. Hơn nữa việc làm rõ số lượng gạo bị hỏng do khách quan còn là căn cứ xác định trách nhiệm đối với loại tội có cấu thành vật chất khi quyết định hình phạt.
Đối với số lượng gạo rất lớn đã nêu trên thì việc vận chuyển qua biên giới bằng phương tiện, hình thức nào và có người biết hoặc tham gia hay không để làm căn cứ xác định bị cáo vận chuyển trái phép qua biên giới là rất quan trọng nhưng cũng chưa được làm rõ. Trong hồ sơ vụ án tuy có lập sơ đồ hiện trường và bản ảnh hiện trường, sơ đồ thể hiện liền sát nhà dân sinh sống nhưng chưa lấy lời khai của những người sống quanh khu vực này để làm rõ việc bị cáo chuyển hàng qua biên giới hay bị cáo chỉ bán hàng tại điểm gần cột mốc như đã xác định để làm rõ hành vi bất hợp pháp trong việc quy kết bị cáo sử dụng tài sản đã chiếm đoạt vào việc bất hợp pháp như bản án sơ thẩm đã xác định là thiếu sót và chưa có đủ căn cứ vững chắc. Mặt khác, sau khi chưa có điều kiện thanh toán tiền mua gạo cho ông T, bị cáo Đăm đã viết “Giấy xác nhận nợ tiền gạo” đề ngày 09/10/2017 để xác nhận công nợ và có trách nhiệm thanh toán cho ông T. Thực tế theo hồ sơ vụ án thì sau ngày viết giấy nhận nợ, tính đến ngày 25/01/2022 bị cáo còn tiếp tục chuyển trả nợ cho ông T số tiền 04 triệu đồng.
Do đó cần làm rõ động cơ tiếp tục trả tiền của bị cáo cho ông T.
Đối với bị cáo Hoàng Thị B: Hoàng Thị B không trực tiếp giao dịch mua gạo của ông Nhan Hữu Tmà bị cáo mua gạo của Dương Thị Đ; số gạo này có thể nằm trong số gạo Đăm đã mua của ông T; giá trị gạo là 267.000.000 đồng nhưng chưa trả tiền cho Dương Thị Đ. Bị cáo không có quan hệ giao dịch mua bán với ông Nhan Hữu T. Việc bị cáo viết “Giấy hẹn trả nợ” ngày 01/4/2021 với ông T là hoàn toàn tự nguyện giữa ông T, bị cáo B và bị cáo Đăm và đây là việc chuyển giao nghĩa vụ theo quy định của Bộ luật dân sự từ Dương Thị Đ sang Hoàng Thị B. Vì vậy việc xác định hành vi lạm dụng của bị cáo Hoàng Thị B để chiếm doạt tài sản của ông T cũng cần được điều tra làm rõ thêm.
Những thiếu sót này Toà án cấp phúc thẩm không thể khắc phục được. Vì vậy cần huỷ toàn bộ bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng để điều tra lại vụ án theo đúng quy định như quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại phiên toà là có căn cứ, cần được chấp nhận.
[3]. Về án phí: Do huỷ bản án sơ thẩm nên bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên, Căn cứ vào điểm c khoản 1 Điều 355, Điều 358 Bộ luật Tố tụng hình sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án,
QUYẾT ĐỊNH
1. Chấp nhận kháng cáo của bị cáo Dương Thị Đ; Hủy toàn bộ Bản án hình sự sơ thẩm số 48/2023/HS-ST ngày 14 tháng 4 năm 2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng; chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng để điều tra lại vụ án theo quy định.
Tiếp tục tạm giam bị cáo Dương Thị Đ cho đến khi Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng thụ lý lại vụ án.
2. Về án phí: Bị cáo Dương Thị Đ không chịu án phí hình sự phúc thẩm.
3. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.
Bản án về tội lưu hành tiền giả số 707/2023/HS-PT
Số hiệu: | 707/2023/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 18/09/2023 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về