Bản án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức số 154/2023/HS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK

BẢN ÁN 154/2023/HS-PT NGÀY 14/08/2023 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN VÀ TỘI LÀM GIẢ CON DẤU, TÀI LIỆU CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC

Ngày 14 tháng 8 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk, xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số 166/2023/TLPT-HS, ngày 10/7/2023 đối với bị cáo Đinh Xuân H, về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 15/2023/HS-ST ngày 30/5/2023 của Tòa án nhân dân huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk.

Bị cáo có kháng cáo:

Họ và tên: Đinh Xuân H; Sinh ngày: 06/10/1950, tại tỉnh Nghệ An.

Nơi cư trú: Thôn M, xã E, huyện C, tỉnh Đắk Lắk; nghề nghiệp: làm nông; trình độ học vấn: 02/9; giới tính: Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Đinh Xuân N và bà Hoàng Thị C (đều đã chết); bị cáo có vợ là bà Nguyễn Thị H, sinh năm 1960 và có 02 con, con lớn nhất sinh năm 1981, con nhỏ nhất sinh năm 1985; tiền án, tiền sự: Không; bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, hiện đang tại ngoại, có mặt tại phiên tòa.

- Người bào chữa cho bị cáo: Ông Nguyễn Đình Đ - Trợ giúp viên pháp lý thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Đắk Lắk; địa chỉ: Đường K, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.

- Nguyên đơn dân sự: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đ.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Tấn L, chức vụ: Chuyên viên Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đ; địa chỉ: Đường C, phường T, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào năm 2004, Đinh Xuân H đến xã X, huyện N, tỉnh Nghệ An, thì được một người cho H một bản phôi Giấy chứng nhận bị thương, có đóng hình dấu tròn màu đỏ của “Phòng chính trị - Sư đoàn 8”, được ký và đóng dấu tên chức vụ: Phó chủ nhiệm, Trung tá Nguyễn Đức Q; một bản phôi Quyết định phục viên có đóng hình dấu tròn màu đỏ của “Phòng tham mưu - Sư đoàn 8”, được ký và đóng dấu tên chức vụ: Tham mưu trưởng, Trung tá Bùi Xuân S. Vào cuối năm 2004, Đinh Xuân H đến phòng lưu trữ hồ sơ công nhân của Công ty cà phê S (nay là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Cà phê S, huyện C, tỉnh Đắk Lắk), nhìn thấy một cuốn Lý lịch quân nhân (không nhớ của ai) có thông tin cá nhân thể hiện đã từng công tác tại Sư đoàn 8, Quân khu 9, phù hợp với đơn vị trong phôi Giấy chứng nhận bị thương và Quyết định phục viên mà H đang giữ; H lấy cuốn lý lịch quân nhân nêu trên về nhờ ông Nguyễn Xuân Đ và bà Hoàng Thị Mai L, cư trú tại thôn H, xã E, huyện C, tỉnh Đắk Lắk viết các thông tin trong phôi Giấy chứng nhận bị thương và phôi Quyết định phục viên mang tên Đinh Xuân H cụ thể:

Giấy chứng nhận bị thương số 105/GCN, ngày 10/5/1980 của Sư đoàn 8, Quân khu 9 do Phó Chủ nhiệm Phòng Chính trị Sư đoàn 8 Trung tá Nguyễn Đức Q ký thể hiện: Đinh Xuân H, sinh ngày 16 tháng 6 năm 1950, nguyên quán: xã H, N, Nghệ Tĩnh, ngày nhập ngũ 05 tháng 12 năm 1973, cấp bậc khi bị thương: Thượng sỹ, Chức vụ khi bị thương: Trung đội phó, đơn vị khi bị thương: C15D5F8 QK9, bị thương ngày 30 tháng 12 năm 1979, nơi bị thương: Phum Cô công, Bát Tam Bong Căm Phu Chia, bị các vết thương như sau: “VT gãy xương hàm (T), VT gãy dữa xương cẳng chân (P); VT trong mắt cá chân (P); VT sống mũi (P); VT vở 1/3 dưới cẳng chân trái (T).

Quyết định phục viên số 89/QĐ ngày 30/12/1980 của Phòng tham mưu Sư đoàn 8, do Tham mưu trưởng, trung tá Bùi Xuân S ký với các thông tin: Chuẩn y cho ông Đinh Xuân H, nguyên quán xã H, N, Nghệ Tĩnh, nhập ngũ 05/12/1973, cấp bậc quân hàm: Thượng sỹ, chức vụ: Trung đội phó, đơn vị khi xuất ngũ: CK5 D5 F8 QK IX, được hưởng quyền lợi phục viên về xã E, K, Đắk Lắk.

Sau khi có đầy đủ thông tin mang tên mình trong Giấy chứng nhận bị thương và Quyết định phục viên, Đinh Xuân H hoàn thiện bản khai cá nhân và đơn xin giám định thương tật và đưa đến Ủy ban nhân dân xã E, huyện K, tỉnh Đắk Lắk (nay là huyện C, tỉnh Đắk Lắk) xác nhận và đưa Giấy chứng nhận bị thương và Quyết định phục viên đến Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đ để lập hồ sơ hưởng chế độ Thương binh của Nhà nước. Ngày 05/9/2006 Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đ đã ra Quyết định số 434 về việc trợ cấp thương tật cho Đinh Xuân H kể từ ngày 01/6/2005.

Đến ngày 28/5/2018 Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đ, ban hành kết luận số 889, về việc thanh tra việc lập hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi Thương binh của Đinh Xuân H đã kết luận: “Giấy chứng nhận bị thương số 105/GCN, ngày 10/5/1980 của Sư đoàn 8 - Quân khu 9 do Phó chủ nhiệm Phòng chính trị Sư đoàn 8, trung tá Nguyễn Đức Q ký và Quyết định phục viên số 89/QĐ ngày 30/12/1980 do Tham mưu trưởng Sư đoàn 8 - Quân khu 9 do trung tá Bùi Xuân S ký cấp cho ông Đinh Xuân H để làm cơ sở giải quyết chế độ thương binh được lưu trong hồ sơ hưởng chế độ thương binh của ông Đinh Xuân H là giả mạo.”; “Kiểm tra tất cả danh sách quân nhân bị thương của Sư đoàn 8 - Quân khu 9 thời kỳ năm 1979 không có ai tên Đinh Xuân H, sinh năm 1950 quê xã H, huyện N, tỉnh Nghệ An bị thương ngày 30/9/1979”, “thời điểm năm 1980 phòng chính trị Sư đoàn 8 - Quân khu 9 không có ai tên Nguyễn Đức Q cấp bậc Trung tá, chức vụ Phó Chủ nhiệm Chính trị; Thời điểm đó chỉ ông Phạm Hoàng N, cấp bậc Chủ nhiệm Chính trị và ông Ba T là Phó Chủ nhiệm Chính trị; Trong thời điểm năm 1980 tại Sư đoàn 8 không có ai tên Bùi Xuân S, cấp bậc Trung tá, chức vụ: Tham mưu trưởng; tại thời đó ông Trần Thanh X, chức vụ: Phó Sư đoàn trưởng kiêm Tham mưu trưởng Sư đoàn 8”.

Ngày 22/11/2022, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đ xác định: Từ tháng 6/2005 đến hết tháng 3/2017, Đinh Xuân H đã được nhận tiền trợ cấp hàng tháng, tiền quà lễ, tết, tiền điều dưỡng và tiền ưu đãi giáo dục đào tạo đối với Đinh Xuân A (con trai Đinh Xuân H) với tổng số tiền là 208.794.200 đồng (hai trăm lẻ tám triệu, bảy trăm chín mươi tư nghìn, hai trăm đồng), hiện nay ông H chưa nộp về Ngân sách Nhà nước được khoản tiền nào.

Lời khai của Đinh Xuân H thể hiện: Từ tháng 12/1973 - 12/1980, Đinh Xuân H tham gia Quân đội nhân dân Việt Nam. Vào năm 1978 khi Đinh Xuân H đang thuộc biên chế Trung đoàn 176, Quân khu 4 thì bị thương phần mềm, được đưa đi điều trị tại Trạm xá Trung đoàn 176, Quân khu 4, điều trị xong về đơn vị nhưng vì muốn đi học, muốn tiếp tục phục vụ trong Quân đội nên không làm thủ tục xuất viện nên không được cấp Giấy chứng nhận bị thương. Năm 1980, H được Binh đoàn 678, Bộ Quốc phòng cấp Quyết định phục viên (do bị cháy nhà nên đã mất hết giấy tờ và hiện nay không còn lưu giữ giấy tờ gì về việc tham gia Quân đội nhân dân Việt Nam). Do muốn làm hồ sơ hưởng chế độ thương binh, nên vào năm 2005, Đinh Xuân H đã làm giả Giấy chứng nhận bị thương và Quyết định phục viên của Sư đoàn 8, Quân khu 9 (đơn vị mà ông H không có thời gian công tác) để thiết lập hồ sơ hưởng chế độ thương binh của Nhà nước.

Kết quả điều tra, xác minh tại Sư đoàn 8, Quân khu 9 thể hiện: Danh sách quân nhân không có tên Đinh Xuân H được lưu trong danh sách quân nhân phục viên, xuất ngũ vào những năm 80. Trong lịch sử Sư đoàn BB8 không thể hiện danh sách cán bộ (Trung tá Nguyễn Đức Q - Phó Chủ nhiệm Chính trị và Trung tá Bùi Xuân S - Tham mưu trưởng), đơn vị không còn lưu được danh sách cán bộ ở thời điểm đó và cũng không còn lưu được bất cứ giấy tờ gì có liên quan đến nội dung yêu cầu xác minh của cơ quan điều tra.

Kết quả điều tra, xác minh tại Trung đoàn 176, Sư đoàn 968, Quân khu 4, thể hiện: Danh sách quân nhân giai đoạn 1976 - 1979 tại Trung đoàn không có tên ông Đinh Xuân H, sinh năm 1950, quê quán: xã H, huyện N, tỉnh Nghệ Tĩnh (nay là tỉnh Nghệ An); Danh sách quân nhân bị thương tại Trung đoàn 176, Sư đoàn 968 - Quân khu 4 vào thời điểm năm 1976 - 1979, không có tên ông Đinh Xuân H, sinh năm 1950, nguyên quán: H, N, Nghệ An; không tìm thấy chỉ huy đơn vị theo lời khai của Đinh Xuân H là Lê Văn L, cấp bậc thượng sỹ, chức vụ: Trung đội trưởng, quê quán: D - Nghệ An; Trung úy Hoàng Xuân T, chức vụ: Đại đội trưởng, quê quán: T - Nghệ An; đồng chí Nguyễn Văn T, chức vụ: Đại đội trưởng (sau đó là Tiểu đoàn trưởng), quê quán: T - Nghệ An; đồng chí Nguyên B, chức vụ: Tiểu đoàn trưởng, quê quán: Q - Nghệ An; đồng chí T, chức vụ: Trung đoàn trưởng. Không tìm thấy những đồng chí hy sinh cùng địa điểm và thời điểm mà bị cáo H bị thương theo lời khai của bị cáo H gồm: Đồng chí Lê Văn H, quê quán:

huyện N, tỉnh Nghệ An; đồng chí Nguyễn Văn T, quê quán: Hà Nội.

Kết quả điều tra, xác minh tại Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh T, thể hiện: Danh sách quân nhân bị thương tại Trung đoàn 176, Sư đoàn 968 - Quân khu 4 không có tên ông Đinh Xuân H, sinh năm 1950, nguyên quán: H, N, Nghệ An.

Kết quả xác minh tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện N, tỉnh Nghệ An, thể hiện: Danh sách quân nhân không có tên ông Đinh Xuân H, sinh năm 1950, nguyên quán: H, N, Nghệ An.

Kết quả xác minh tại Sư đoàn 324: Danh sách quân nhân tại thời điểm năm 1974 đang lưu trữ tại Sư đoàn 324 không tìm thấy tên ông Đinh Xuân H, sinh năm 1950, quê quán: xã N, huyện N, tỉnh Nghệ An.

Tại Bản kết luận giám định số 714/KL-KTHS, ngày 11/8/2022 của Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh Đắk Lắk đã kết luận: “3. Đối với phần chữ viết trên mẫu cần giám định kí hiệu A: Phần chữ viết trên mẫu cần giám định được kí hiệu là A so với chữ viết mang tên Đinh Xuân H trên mẫu so sánh kí hiệu M1, M2 không phải do cùng một người viết ra.

Tại Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số: 877/TgT-TTPY, ngày 03/10/2022 của Trung tâm Pháp y tỉnh Đắk Lắk, đối với vết thương của Đinh Xuân H, thể hiện:

1. Dấu hiệu chính qua giám định: Vết thương để lại sẹo mờ, hơi chéo sống mũi bên phải, bờ đều, phẳng gọn, không dính da quanh sẹo, kích thước (1,2x0,1)cm; Vết thương để lại sẹo hình vòng cung hàm trái, bờ đều, phẳng gọn, kích thước (3,5x0,3)cm; Vết thương để lại sẹo mặt trước 1/3 dưới cẳng chân trái, bờ nham nhở, không dính da quanh sẹo, kích thước (7x1,5)cm; Vết thương để lại sẹo mặt trước 1/3 giữa cẳng chân phải, bờ nham nhở, không dính da quanh sẹo, kích thước (12x1,2)cm; Vết thương để lại sẹo nông mờ mắt cá trong bàn chân phải, bờ đều, không dính da quanh sẹo, kích thước (2,5x0,5)cm;

2. Kết luận: Có nhiều khả năng Đinh Xuân H có những vết thương là: Vết thương trong mắt cá chân (P); Vết thương sống mũi (P); Đinh Xuân H không có các thương tích: Vết thương gãy xương hàm (T); Vết thương gãy giữa cẳng chân (P); Vết thương vỡ 1/3 dưới cẳng chân trái. Không đủ cơ sở để xác định cơ chế và thời gian hình thành của các vết thương: Vết thương trong mắt cá chân (P) và vết thương sống mũi (P)”.

Tại bản kết luận giám định số 1046/KL-KTHS ngày 04/11/2022 của Phòng kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh Đắk Lắk đã kết luận: “1. Chữ viết trên tài liệu cần giám định kí hiệu A1, A3 so với chữ viết mang tên Nguyễn Thị H trên tài liệu mẫu so sánh kí hiệu M1, không phải do cùng một người viết ra; 2. Không đủ cơ sở kết luận chữ viết trên tài liệu cần giám định kí hiệu A2 so với chữ viết mang tên Nguyễn Thị H trên tài liệu mẫu so sánh kí hiệu M1, có phải do cùng một người viết ra hay không”.

Vật chứng vụ án: Cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện Cư Kuin đã thu giữ một Giấy chứng nhận bị thương số 105/GCN, ngày 10/5/1980 của Sư đoàn 8, Quân khu 9 do Phó Chủ nhiệm Phòng Chính trị Sư đoàn 8, Trung tá Nguyễn Đức Q ký. Hiện nay tài liệu, chứng cứ nêu trên đang được lưu giữ trong hồ sơ vụ án.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số: 15/2023/HS-ST ngày 30/5/2023 của Tòa án nhân dân huyện Cư Kuin, đã quyết định:

Tuyên bố bị cáo Đinh Xuân H phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

- Áp dụng điểm a khoản 3 Điều 139 Bộ luật Hình sự năm 1999; khoản 3 Điều 7, điểm o, s khoản 1 Điều 51, Điều 54 Bộ luật Hình sự năm 2015, Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017.

Xử phạt bị cáo Đinh Xuân H 06 năm tù về tội:

“Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

- Áp dụng điểm c khoản 2 Điều 267 Bộ luật Hình sự năm 1999; khoản 3 Điều 7, điểm o, s khoản 1 Điều 51, Điều 54 Bộ luật Hình sự năm 2015, Nghị quyết số: 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017. Xử phạt bị cáo Đinh Xuân H 01 năm 06 tháng tù về tội: “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 55 Bộ luật Hình sự năm 2015. Tổng hợp hình phạt của cả hai tội, buộc bị cáo Đinh Xuân H phải chấp hành hình phạt chung là 07 năm 06 tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày chấp hành án.

Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng các Điều 484, 585, 586, 589 Bộ luật dân sự. Buộc bị cáo Đinh Xuân H có nghĩa hoàn trả cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đ số tiền 208.794.200 đồng.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về xử lý vật chứng, án phí và tuyên quyền kháng cáo cho bị cáo và các đương sự theo quy định của pháp luật.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 14/6/2023 bị cáo Đinh Xuân H có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm, với nội dung: Mức án mà bản án đã tuyên phạt là quá nặng nên xin giảm nhẹ hình phạt; về số tiền chiếm đoạt, thì đã nhận chế độ chính sách hàng tháng là 195.792.200 đồng, đối với khoản quà lễ, tết, tiền điều dưỡng và ưu đãi giáo dục bị cáo không nhớ đã nhận là bao nhiêu, vì thời gian đã quá lâu nên đề nghị Tòa án xem xét lại.

Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo Đinh Xuân H giữ nguyên yêu cầu kháng cáo và đã khai nhận toàn bộ hành vi mà bị cáo đã thực hiện, bị cáo thừa nhận bị cáo đã làm giả hồ sơ thương binh và được nhận chế độ trợ cấp hàng tháng, tiền quà dịp lễ tết, tiền điều dưỡng và tiền ưu đãi giáo dục đào tạo cho con từ thời điểm năm 2005 đến tháng 03/2017, số tiền bị cáo đã nhận theo như Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổng hợp 208.794.200 đồng, là đúng. Hiện nay điều kiện kinh tế của bị cáo rất khó khăn nên xin trả dần số tiền trên cho Nhà nước.

Quá trình tranh luận tại phiên tòa, đại điện Viện kiểm sát đã phân tích, đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo và khẳng định bản án sơ thẩm đã xét xử các bị cáo Đinh Xuân H, về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo điểm a khoản 3 Điều 139 và điểm c khoản 2 Điều 267 của Bộ luật Hình sự năm 1999 là có căn cứ và đúng người, đúng tội. Tuy nhiên về mức hình phạt mà bản án sơ thẩm đã xử phạt đối với bị cáo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là có phần nghiêm khắc, vì bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội đã thực hiện; bị cáo trên 70 tuổi, là người già, nên cần xem xét, giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo. Đại diện Viện kiểm sát đề nghị:

Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355, điểm c khoản 1 Điều 357 của Bộ luật tố tụng hình sự: Chấp nhận kháng cáo của bị cáo, sửa bản án sơ thẩm về hình phạt.

Áp dụng điểm a khoản 3 Điều 139 Bộ luật Hình sự năm 1999; khoản 3 Điều 7, điểm o, s khoản 1 Điều 51, Điều 54 Bộ luật Hình sự năm 2015; Nghị quyết số: 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017: Xử phạt bị cáo Đinh Xuân H 05 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Áp dụng điểm c khoản 2 Điều 267 Bộ luật Hình sự năm 1999; khoản 3 Điều 7, điểm o, s khoản 1 Điều 51, Điều 54 Bộ luật Hình sự năm 2015; Nghị quyết số: 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017: Xử phạt bị cáo Đinh Xuân H 01 năm 06 tháng tù về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 55 Bộ luật Hình sự năm 2015: Tổng hợp hình phạt của cả hai tội, buộc bị cáo Đinh Xuân H phải chấp hành hình phạt chung là 06 năm 06 tháng tù.

Về trách nhiệm dân sự: Buộc bị cáo phải hoàn trả cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đ số tiền 208.794.200 đồng.

Người bào chữa cho bị cáo trình bày quan điểm bào chữa, với nội dung: Không có ý kiến gì về tội danh mà bản án sơ thẩm đã xét xử đối với bị cáo. Tuy nhiên về mức hình phạt mà bản án sơ thẩm đã xử phạt đối với bị cáo là quá nặng, bởi lẽ: Bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; bị cáo hiện nay là người già (73 tuổi), sức khỏe yếu và thường xuyên bị bệnh; hoàn cảnh gia đình thật sự khó khăn; bị cáo có thời gian tham gia quân ngũ nhưng do bị mất giấy tờ nên mới làm giả hồ sơ thương binh để được hưởng chế độ; được Nhà nước tặng thưởng huy chương kháng chiến. Đây là những tình tiết giảm nhẹ được quy định tại các điểm o, s, x khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự, nên đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm hình phạt và cho bị cáo được hưởng mức án nhẹ nhất. Bị cáo đồng ý với ý kiến của người bào chữa và không tranh luận, bào chữa gì thêm.

Đại diện nguyên đơn dân sự không có ý kiến gì tham gia tranh luận và chỉ yêu cầu bị cáo phải bồi thường lại số tiền đã nhận.

Qua tranh luận, đối đáp, đại diện Viện kiểm sát, người bào chữa cho bị cáo, và bị cáo vẫn giữ ý kiến như đã trình bày trên. Bị cáo nói lời sau cùng đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Lời khai của bị cáo Đinh Xuân H tại phiên toà phúc thẩm là phù hợp với lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra, cũng như tại phiên tòa sơ thẩm và phù hợp với các tài liệu, chứng cứ đã được thu thập có trong hồ sơ vụ án. Như vậy, đã có đủ cơ sở để kết luận: Lợi dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với người có công với Cách mạng, nên vào năm 2004, bị cáo Đinh Xuân H đã làm và sử dụng giấy chứng nhận bị thương giả và làm hồ sơ thương binh giả để hưởng chế độ thương binh. Sau khi hoàn tất hồ sơ thương bị giả, bị cáo đã được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đ chi trả chế độ trợ cấp hàng tháng, tiền quà lễ, tết, tiền điều dưỡng và tiền ưu đãi giáo cho con. Trong thời gian từ tháng 6/2005 đến tháng 3/2017, bị cáo đã có hành vi gian dối chiếm đoạt của Nhà nước tổng số tiền là 208.794.200 đồng. Do đó bản án sơ thẩm đã xét xử bị cáo Đinh Xuân H về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm a khoản 3 Điều 139 của Bộ luật Hình sự năm 1999 và tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo điểm c khoản 2 Điều 267 của Bộ luật Hình sự năm 1999, là có căn cứ và đúng người, đúng tội.

[2] Đối với kháng cáo của bị cáo Đinh Xuân H, Hội đồng xét xử xét thấy: Hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội và bị cáo đã phạm tội phạm 02 tội, nên cần thiết phải áp dụng mức hình phạt tù và cách ly bị cáo với xã hội một thời gian nhất định để đảm bảo việc cải tạo, giáo dục bị cáo. Tuy nhiên, về mức hình phạt 07 năm 06 tháng tù mà bản án sơ thẩm đã xử phạt đối với bị cáo là quá nghiêm khắc so với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo, bởi lẽ bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ là: Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo đã thành khẩn khai báo, tỏ rõ sự ăn năn, hối cải về hành vi phạm tội đã thực hiện; bị cáo là người trên 70 tuổi (hiện nay bị cáo 73 tuổi), cơ thể bị thương tích và sức khỏe yếu; bị cáo có nhân thân tốt và hiện tại hoàn cảnh gia đình khó khăn. Đây là những tình tiết giảm nhẹ được quy định tại các điểm o, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51 của Bộ luật hình sự, nên cần xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo, thể hiện chính sách khoan hồng của pháp luật Nhà nước ta. Do đó, Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của bị cáo và sửa bản án sơ thẩm theo hướng giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo là phù hợp.

[3] Đối với ý kiến của người bào chữa đề nghị áp dụng tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điểm x khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự đối với bị cáo, là không có căn cứ, vì bị cáo đã làm giả giấy tờ, hồ sơ để được hưởng chế độ thương binh và được Nhà nước tặng thưởng Huy chương kháng chiến hạng nhì, nên bị cáo không phải là người có công với Cách mạng.

[4] Về trách nhiệm dân sự: Bị cáo đã thừa nhận chiếm đoạt số tiền 208.794.200 đồng, nên bản án sơ thẩm buộc bị cáo phải bồi thường số tiền này đã chiếm đoạt cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đ, là đúng đắn.

[5] Về án phí: Do kháng cáo được chấp nhận nên bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

[6] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị, đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

[1] Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355 và điểm c khoản 1 Điều 357 của Bộ luật tố tụng hình sự;

Chấp nhận kháng cáo của bị cáo Đinh Xuân H, sửa Bản án hình sự sơ thẩm số 15/2023/HS-ST ngày 30/5/2023 của Tòa án nhân dân huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk về hình phạt.

Tuyên bố: Bị cáo Đinh Xuân H phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

[2] Về hình phạt:

Áp dụng: Điểm a khoản 3 Điều 139; điểm c khoản 2 Điều 267 của Bộ luật Hình sự năm 1999; điểm o, điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; khoản 1 Điều 54; khoản 3 Điều 7 của Bộ luật Hình sự năm 2015; Nghị quyết số: 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội.

Xử phạt: Bị cáo Đinh Xuân H 03 (ba) năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 01 (một) năm tù về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 55 Bộ luật Hình sự năm 2015: Tổng hợp hình phạt của cả hai tội, buộc bị cáo Đinh Xuân H phải chấp hành hình phạt chung là 04 (bốn) năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày đi chấp hành án.

[3] Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng các Điều 484, 585, 586, 589 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Buộc bị cáo Đinh Xuân H có nghĩa bồi thường cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đ số tiền đã chiếm đoạt là 208.794.200 đồng (hai trăm lẻ tám triệu, bảy trăm chín mươi bốn nghìn, hai trăm đồng).

[4] Về án phí: Áp dụng điểm đ khoản 1 Điều 12; Điều 23 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Bị cáo Đinh Xuân H được miễn án phí dân sự sơ thẩm và không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

[5] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm, không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

380
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức số 154/2023/HS-PT

Số hiệu:154/2023/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đăk Lăk
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:14/08/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về