TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 148/2024/HS-PT NGÀY 19/03/2024 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN VÀ SỬ DỤNG TÀI LIỆU GIẢ CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC
Trong các ngày 12 và ngày 19 tháng 3 năm 2024, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hxét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 667/2023/TLPT-HS ngày 07 tháng 9 năm 2023 đối với bị cáo Nguyễn Hồng T. Do có kháng cáo của bị cáo, bị hại và kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh A đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 45/2023/HS-ST ngày 27/7/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh A.
- Bị cáo có kháng cáo và bị kháng nghị:
Nguyễn Hồng T, sinh năm 1983, tại tỉnh A; Nơi cư trú: ấp T, xã T, huyện C, tỉnh A; Nghề nghiệp: Thợ cơ khí; Trình độ học vấn: 12/12; Dân tộc: Kinh; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông Nguyễn Văn Mười B, sinh năm 1957 và bà Trần Thị Bạch M, sinh năm 1957; Có vợ tên Nguyễn Thị Mỹ L, sinh năm 1983; Chưa có con; Có 03 anh em ruột, lớn nhất sinh năm 1978, nhỏ nhất sinh năm 1988; Tiền án, tiền sự: Không; Bị cáo bị bắt tạm giữ từ ngày 30/11/2021 chuyển tạm giam từ ngày 03/12/2021 đến nay (có mặt).
- Người bào chữa cho bị cáo: Luật sư Trịnh Thị H – Công ty L1, thuộc Đoàn Luật sư Thành phố H (có mặt).
- Bị hại:
1. Quách Thị Anh Đ, sinh năm 1963; Địa chỉ: số B, Khu V, thị trấn Đ, huyện Đ, tỉnh A (có mặt khi xét xử, vắng mặt khi tuyên án).
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại Quách Thị Anh Đ: Luật sư Nguyễn Quang V - Công ty TNHH K, thuộc Đoàn luật sư Thành phố H (có mặt khi xét xử, vắng mặt khi tuyên án).
2. Trần Hòa B1, sinh năm 1961; Địa chỉ: số F, đường B, Phường I, Quận H, Thành phố H(có mặt khi xét xử, vắng mặt khi tuyên án).
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Trần Thị Bạch M, sinh năm 1957 (xin vắng mặt);
2. Nguyễn Văn Mười B, sinh năm 1957 (xin vắng mặt);
Cùng đăng ký thường trú: ấp T, xã T, huyện C, tỉnh A.
3. Lê Chí T1, sinh năm 1987; Địa chỉ thường trú: Thôn Đ, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Đắk Nông (vắng mặt).
4. Trần Đức X, sinh năm 1979; Địa chỉ: số A, đường G, Phường A, Quận F, Thành phố H(vắng mặt).
- Người làm chứng: Phan Hồng T2, sinh năm 1979; Địa chỉ: đường M, xã P, khu phố T, thị trấn C, huyện C, tỉnh A (vắng mặt).
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Do cần vốn kinh doanh, khoảng năm 2020, Nguyễn Hồng T mượn của mẹ là bà Trần Thị Bạch M và cha là ông Nguyễn Văn M1 Ba 07 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (GCNQSDĐ) do bà M và ông M1 Ba là chủ sở hữu để T đem thế chấp vay tiền với hình thức T là người trực tiếp thực hiện việc thỏa thuận về việc thế chấp GCNQSDĐ do bố mẹ đứng tên để vay tiền và thỏa thuận lãi suất, thời hạn vay, trả tiền vay với người nhận thế chấp. Phía bà M và ông M1 Ba đồng ý cho T mượn GCNQSDĐ nên khi T đưa các giấy tờ thế chấp, nhận tiền, hợp đồng đặt cọc hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất dùng thế chấp (hợp đồng giả cách) thì bà M và ông Mười B ký tên. Các GCNQSDĐ gồm:
- 01 GCNQSDĐ số CQ 816128, do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh L cấp cho bà Trần Thị Bạch M ngày 21/12/2018, thửa đất số 1955 , tờ bản đồ số 4, diện tích 989m2, loại đất lúa, địa chỉ ấp T, xã T, huyện C, tỉnh A (GCNQSDĐ thửa 1955);
- 01 GCNQSDĐ số CQ 816129, do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh L cấp cho bà Trần Thị Bạch M ngày 21/12/2018, thửa đất số 1960, tờ bản đồ số 4, diện tích 1728m2, loại đất trồng lúa, địa chỉ ấp T, xã T, huyện C, tỉnh A (GCNQSDĐ thửa 1960);
- 01 GCNQSDĐ số CQ 816126, do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh L cấp cho bà Trần Thị Bạch M ngày 21/12/2018, thửa đất số 1964, tờ bản đồ số 4, diện tích 144m2, loại đất trồng cây hàng năm khác, địa chỉ ấp T, xã T, huyện C, tỉnh A (GCNQSDĐ thửa 1964);
- 01 GCNQSDĐ số CQ 816131, do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh L cấp cho bà Trần Thị Bạch M ngày 21/12/2018, thửa đất số 1965, tờ bản đồ số 4, diện tích 856m2, loại đất trồng cây hàng năm khác, địa chỉ ấp T, xã T, huyện C, tỉnh A (GCNQSDĐ thửa 1965);
- 01 GCNQSDĐ số CQ 816130, do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh L cấp cho bà Trần Thị Bạch M ngày 21/12/2018, thửa đất số 1967, tờ bản đồ số 4, diện tích 328m2, loại đất ở nông thôn, địa chỉ ấp T, xã T, huyện C, tỉnh A (GCNQSDĐ thửa 1967);
- 01 GCNQSDĐ số CQ 816127, do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh L cấp cho bà Trần Thị Bạch M ngày 21/12/2018, thửa đất số 1857, tờ bản đồ số 4, diện tích 5935m2, loại đất trồng lúa, địa chỉ ấp T, xã T, huyện C, tỉnh A (GCNQSDĐ thửa 1857);
- 01 GCNQSDĐ số BG 121723, do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh L cấp cho ông Nguyễn Văn M1 Ba ngày 21/10/2011, thửa đất số 2794, tờ bản đồ số 4, diện tích 781m2, loại đất trồng lúa, địa chỉ ấp T, xã T, huyện C, tỉnh A (GCNQSDĐ thửa 2794).
Sau khi giữ bản chính các GCNQSDĐ này, T đã nhiều lần thế chấp cho nhiều người để vay tiền kinh doanh sản xuất khẩu trang nhưng làm ăn thua lỗ, không có tiền đóng lãi và trả vốn, để tiếp tục có tiền, T đã đặt làm giả các GCNQSDĐ của bà M, ông Mười B và đem thế chấp vay tiền của người khác, cụ thể như sau:
Tháng 03 năm 2020, thông qua môi giới không rõ nhân thân, Nguyễn Hồng T gọi điện thoại để thỏa thuận thế chấp GCNQSDĐ thửa 1967 (giấy thật) cho ông Tạ Bỉnh T3 để vay 3.000.000.000 đồng nên ngày 26/3/2020, ông T3, bà M và ông M1 Ba ký Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, được công chứng tại Văn phòng C, trụ sở tại số A, đường N, khu phố H, thị trấn C, tỉnh A (các bên thừa nhận đây là hợp đồng giả cách), thời hạn vay 06 tháng tính từ ngày 26/3/2020 đến ngày 26/9/2020, nếu không trả lãi hàng tháng mà quá 03 tháng hoặc đến hạn trả nợ vay mà không trả thì ông T3 nộp hợp đồng chuyển nhượng để xin cấp GCNQSDĐ, nếu bên thế chấp thực hiện đúng hợp đồng thì sẽ hủy hợp đồng chuyển nhượng. Quá trình thực hiện hợp đồng này, T có nhờ ông T2 trả lãi hàng tháng cho ông T3 trong thời hạn 06 tháng, sau đó T trả lãi cho ông T3 đến cuối năm 2020 thì không trả lãi nữa. Ngày 06/5/2021, ông T3 được cập nhật là chủ sử dụng đất thửa đất số 1967.
Trong thời gian đang thực hiện hợp đồng với ông T3, khoảng tháng 6 năm 2020, Nguyễn Hồng T và vợ là Nguyễn Thị Mỹ L muốn chuyển nhượng căn nhà và quyền sử đất số 62/2, nhà và quyền sử dụng đất của bà L thì được ông Trần Đức X giới thiệu ông Lâm T4 nhận chuyển nhượng với giá tiền 2.900.000.000 đồng, đặt cọc 1.000.000.000 đồng, hẹn 01 tháng sẽ ký hợp đồng chuyển nhượng. Do GCNQSDĐ nêu trên đã thế chấp tại ngân hàng nên đến hạn, T và bà L vi phạm hợp đồng, ông T5 buộc phạt cọc 1.500.000.000 đồng.
Để có tiền đền cọc cho ông T5, thông qua mạng xã hội Facebook, T đặt một người không rõ nhân thân làm giả 01 GCNQSDĐ thửa 1965 và 01 GCNQSDĐ thửa 1967. Sau khi nhận 02 GCNQSDĐ giả, ngày 30/7/2020, T đưa 02 bản photocopy của 02 GCNQSDĐ thửa 1965 và 1967 cho nhân viên Ngân hàng X1 tên Trần Bảo T6 để nhờ T6 giới thiệu giúp người nhận thế chấp GCNQSDĐ để cho T vay 1.500.000.000 đồng trong hạn 01 ngày trả lại vốn và lãi thì được T6 giới thiệu người cho vay là bà Quách Thị Anh Đ. T thỏa thuận với bà Đ là T thế chấp 02 GCNQSDĐ thửa số 1965 và 1967 vay 1.500.000.000 đồng, thời hạn vay 01 ngày để T trả nợ cho người khác và người này sẽ cho T vay lại 4.500.00.000 đồng, T sẽ trả lại tiền gốc và lãi, nghe vậy thì bà Đ yêu cầu xem tài sản thế chấp mới quyết định. Ngày 31/7/2020, bà Đ cùng T6 hẹn T đến nhà bà Trần Thị Bạch M để xem tài sản thế chấp đảm bảo việc cho vay. Tại nhà trên thửa đất số 1967, thấy căn nhà xây dựng loại nhà biệt thự có giá trị cao nên sau khi xem bản chính của 02 GCNQSDĐ thửa số 1965, 1967 do T đưa thì bà Đ đồng ý cho T vay tiền với điều kiện là bà M phải ký vào “HỢP ĐỒNG ĐẶT CỌC (V/v Mua bán nhà, đất)” đối với 02 thửa đất nói trên (hợp đồng giả cách) với bà Đ với giá 3.000.000.000 đồng, đặt cọc 1.500.000.000 đồng, tương đương số tiền cho T vay. Do thấy bà Đ cầm 02 GCNQSDĐ bản chính và T nói đã trả tiền cho ông T3, lấy lại GCNQSDĐ, nhờ bà M ký vào hợp đồng giả cách với mục đích như nêu trên nên bà M đồng ý với yêu cầu của bà Đ. Sau khi bà M, bà Đ ký hợp đồng giả cách có sự chứng kiến của T6 xong, bà Đ, T và T6 đến quán cà phê tên “Xưa”, (thị trấn C, huyện C, tỉnh A) thì T ghi vào phía trang cuối của hợp đồng giả cách về việc T có mượn 1.500.000.000 đồng của bà Đ và số tài khoản 060129288844 của Trần Đức X để bà Đ chuyển tiền. Do tin 02 GCNQSDĐ là thật và lời nói dối về mục đích vay tiền nêu trên, bà Đ dùng điện thoại di động thực hiện chuyển 1.500.000.000 đồng vào số tài của X rồi cùng T6, T đến quán cà phê trên đường Số G (Tên lửa), quận B, Thành phố Hđể chờ nhận tiền Xương cho vay lại như lời của T đã nói nhưng chờ đến tối vẫn không có tiền, T tiếp tục nói dối là Xương có việc đột xuất chưa thể cho vay lại nên bà Đ về. Do vẫn không nhận được tiền trả vốn và lãi như T đã hẹn, ngày 21/8/2020, bà Đ đến Văn phòng C tại huyện C, tỉnh A nhờ kiểm tra 02 GCNQSDĐ thửa số 1965, 1967 mà T đã thế chấp thì phát hiện là giấy giả nên bà Đ yêu cầu T đến Văn phòng C để giải quyết. Tại đây, T thừa nhận 02 GCNQSDĐ trên là giả, Văn phòng Công chứng lập biên bản tạm giữ 02 GCNQSDĐ giả trên để T và bà Đào t thỏa thuận cách giải quyết. Sau đó, T đã trả cho bà Đ 1.050.000.000 đồng, còn nợ 450.000.000 đồng thì T không trả tiếp. Ngày 23/10/2020, bà Đ đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện C, tỉnh A tố cáo Nguyễn Hồng T có hành vi làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cơ quan Cảnh sát điều tra đã trưng cầu chữ ký và chữ viết cùng dấu vân tay in tại “HỢP ĐỒNG ĐẶT CỌC (V/v Mua bán nhà, đất)”.
Tại kết luận giám định số 1007/2022/KL-KTHS ngày 14/11/2022 của Phòng K1 Công an tỉnh L kết luận: Chữ ký và chữ viết “Trần thị Bạch M” bằng bút mực màu xanh, ở mục “Bên B” trên tờ “Hợp đồng đặt cọc (V/v Mua bán nhà, đất)” (đóng dấu TLCGĐ, ký hiệu A) với chữ ký và chữ viết “Trần thị Bạch M” bằng bút bic màu xanh: Ở mục “Người Hẹn nợ” trên tờ “Giấy hẹn nợ” (đóng dấu TLMSS, ký hiệu M1), ở lề dưới của trang 1 đến trang 6 và ở mục “Người khai” trên tờ “ Biên bản ghi lời khai” (đóng dấu TLMSS, ký hiệu M2) là do cùng một người ký và viết ra.
Tại kết luận số 1008/KL-KTHS ngày 14/11/2022 của Phòng K1 Công an tỉnh L kết luận: Dấu vân tay in tại vị trí phía dưới dòng chữ “Ký, ghi rõ họ tên” mục “ Bên B in trên tờ “ Hợp đồng đặt cọc” (đóng dấu TCLGĐ, ký hiệu A1và A2) với dấu vân tay “Biên bản ghi lời khai” (đóng dấu TLMSS, ký hiệu M1 và M2) là do cùng một người in ra.
Trước đó, khoảng tháng 11/2019, Nguyễn Hồng T đã nhiều lần vay tiền của Lê Chí T1, tính đến tháng 8 năm 2020 thì T còn nợ T1 tiền vốn 730.000.000 đồng và tiền lãi, tổng cộng T nợ T1 870.000.000 đồng nên T1 thường xuyên yêu cầu T trả lại tiền. Do không có tiền trả, T muốn T1 nhận thế chấp căn nhà số F nhưng T1 không đồng ý vì T đã thế chấp nhà và quyền sử dụng đất này cho ngân hàng nên T1 yêu cầu T phải thế chấp tài sản khác để đảm bảo số tiền vay nói trên thì T lên mạng tìm trang website làm giấy giả, đặt làm giả một GCNQSDĐ thửa 1857 rồi đưa GCNQSDĐ này cho T1, thỏa thuận với T1 trong vòng 02 tháng thì T sẽ trả hết số tiền vay cho T1 và lấy lại GCNQSDĐ thửa 1857. Sau khi nhận GCNQSDĐ mà T đưa, ngày 18/10/2020, T1 đã soạn sẵn “Hợp đồng đặt cọc v/v Mua bán nhà, đất” với nội dung ông Nguyễn Văn M1 Ba và bà Trần Thị Bạch M nhận đặt cọc 870.000.000 đồng để chuyển nhượng 01 GCNQSDĐ thửa 1857 với giá 1.000.000.000 đồng rồi đưa cho T để T đem về nhà đưa cho bà M, ông Mười B ký. T nhận hợp đồng này rồi giả chữ ký của bà M, ông M1 Ba xong đưa lại hợp đồng cho T1 và cung cấp số điện thoại để T1 gọi cho bà M thỏa thuận về việc thế chấp (trước đó T nhờ một người phụ nữ không rõ nhân thân giả là bà M để nghe điện thoại của T1). Sau khi thỏa thuận việc thế chấp GCNQSDĐ thửa 1857 với người phụ nữ giả là bà M xong, ngày 23/10/2020, T1 đến Văn phòng C Nguyễn Thị Bích T7 để soạn trước hợp đồng ủy quyền cũng như nhờ kiểm tra GCNQSDĐ thửa 1857 mà T đưa cho T1 thì nhân viên Văn phòng C phát hiện GCNQSDĐ thửa 1857 có dấu hiệu là giả nên báo Công an huyện C, tỉnh A.
Cơ quan Cảnh sát điều tra trưng cầu giám định 03 GCNQSDĐ bản chính thửa số 1965, 1967 mà T thế chấp cho bà Đ và thửa 1857 T đưa cho T1. Kết luận số 1049/2020/KLGĐ ngày 04/12/2020 của Phòng K1 Công an tỉnh L kết luận: 03 (ba) “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất” số CQ 816127 (đóng dấu TLCGĐ, ký hiệu A1); số CQ 816130 (đóng dấu TLCGĐ, ký hiệu A2) và số CQ 816131 (đóng dấu TLCGĐ, ký hiệu A3) là giả.
Phía bà M thì sau khi phát hiện T thế chấp GCNQSDĐ giả cho bà Đ, bà M đòi lại 02 GCNQSDĐ thửa 1965 và 1967 nên T đặt làm giả 01 GCNQSDĐ thửa 1965 và 01 GCNQSDĐ thửa 1967 rồi đem về trả lại cho bà M và nói với bà M đ là 02 giấy chứng nhận thật mà T đã trả nợ và chuộc về thì bà M đem cất giữ 02 GCNQSDĐ này và giao nộp cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện C, tỉnh A ngày 21/01/2021.
Cơ quan Cảnh sát điều tra trưng cầu giám định bản chính 02 GCNQSDĐ thửa 1965 và 1967 mà T đưa bà M. Tại kết luận giám định số 1252/KL-KTHS ngày 18/01/2023 của Phòng K1 Công an tỉnh L kết luận: 02 “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất” mẫu in sẵn: Số CQ 816131 (đóng dấu TLCGĐ, ký hiệu A1) và số CQ 816130 (đóng dấu TLCGĐ, ký hiệu A2) là giả.
Quá trình điều tra, T khai nhận vào đầu năm 2020, T thế chấp GCNQSDĐ thửa 1967 cho ông Trần Hòa B1 để vay 2.500.000.000 đồng, thời hạn vay 02 tháng và bà M, ông Mười B đã ký hợp đồng giả cách chuyển nhượng GCNQSDĐ thửa 1967, có công chứng với ông B1. Đến hạn, T đã trả tiền và cùng ông B1, bà M, ông M1 Ba hủy bỏ hợp đồng giả cách, lấy lại GCNQSDĐ nói trên nên ông B1 rất tin tưởng uy tín của T.
Vì thế, T lên mạng đặt làm giả 01 GCNQSDĐ thửa 2794 rồi đưa cho ông B1 để ông B1 tin tưởng nhận thế chấp cho T vay 500.000.000 đồng trong thời gian 01 tháng kể từ ngày 01/8/2020 đến hết ngày 01/9/2020 và không công chứng việc thế chấp. Do tin tưởng, ông B1 đã nhận thế chấp 01 GCNQSDĐ thửa 2794, cho T vay 500.000.000 đồng vào ngày 01/8/2020 tại ấp T, xã T, huyện C. Tuy nhiên, quá thời hạn theo thỏa thuận, T không trả lại số tiền đã vay, ông B1 đến Văn phòng công chứng nhờ kiểm tra GCNQSDĐ thửa 2794 mà T đưa cho ông B1 thì phát hiện GCNQSDĐ thửa 2794 nghi là giả nên ông B1 mang GCNQSDĐ thửa 2794 (giả) về cất giữ rồi liên lạc với T, ông Mười B, bà M thì T thừa nhận sử dụng giấy giả đưa cho ông B1 để đảm bảo cho số tiền T vay. T hứa hẹn trả nợ nhưng không trả. Sau đó, ông B1 yêu cầu ông Mười B, bà M có trách nhiệm trả nợ số tiền T vay (do giấy đất ông M1 Ba đứng tên) nên bà M có viết giấy xác nhận nợ đưa cho ông B1 vào ngày 26/11/2020. Ông B1 đã giao nộp bản chính 01 GCNQSDĐ thửa 2794 cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh L. Hiện tại, T, ông Mười B và bà M chưa trả lại số tiền 500.000.000 đồng mà T vay cho ông B1.
Cơ quan Cảnh sát điều tra trưng cầu giám định bản chính 01 GCNQSDĐ thửa 2794 mà T thế chấp cho ông B1. Kết luận giám định số 1006/2022/KL- KTHS ngày 07/11/2022 của Phòng K1 Công an tỉnh L kết luận: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất” mẫu in sẵn; số BG121723 (đóng dấu TLCGĐ, ký hiệu A) là giả.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh L đã làm rõ: GCNQSDĐ thửa 1967 đã chuyển nhượng cho ông T3 theo hợp đồng được công chứng ngày 26/3/2020; GCNQSDĐ thửa 1955, 1960, 1964 đã chuyển nhượng cho ông Nguyễn Thanh P theo hợp đồng được công chứng ngày 28/9/2020; GCNQSDĐ thửa 1857 đã chuyển nhượng cho ông Đỗ Hữu Trường A theo hợp đồng được công chứng ngày 12/10/2020; GCNQSDĐ thửa 1965 đã chuyển nhượng cho ông Trần Quốc D theo hợp đồng được công chứng ngày 24/12/2020. Hiện những người nhận chuyển nhượng nêu trên đã được cấp giấy chứng nhận; Còn GCNQSDĐ thửa 2794 vẫn còn do ông Nguyễn Văn M1 Ba đứng tên chủ sử dụng.
Cơ quan Cảnh sát điều tra trưng cầu giám định chữ ký, chữ viết của ông Nguyễn Văn M1 Ba và bà Trần Thị Bạch M trong 04 hợp đồng chuyển nhượng nêu trên. Tại kết luận giám định số 1252/KL-KTHS ngày 18/01/2023 của Phòng K1 Công an tỉnh L kết luận:
“1. Chữ ký bằng bút bic màu xanh (ở giữa – Tài liệu ký hiệu A1; ở bên trái – Tài liệu ký hiệu A2 và A4) ở lề dưới của trang 1 và trang 2, chữ ký và chữ viết “Trần thị Bạch M” bằng bút bic màu xanh, ở mục “Bên A”, trên 03 tờ “Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” (đóng dấu TLCGĐ, ký hiệu: A1, A2 và A4); chữ ký bằng bút bic màu xanh (bên trái) ở lề dưới của trang 1, chữ ký và chữ viết “Trần Thị Bạch M” bằng bút bic màu xanh ở mục “Bên A”, trên tờ “Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” (đóng dấu TLCGĐ, ký hiệu A3) với Chữ ký và chữ viết “Trần Thị Bạch M” bằng bút bíc màu xanh: Ở trên phải mục “Hỏi và đáp” và ở lề dưới của trang 1, ở lề dưới của trang 2 và ở mục “Người khai” trên tờ “Biên bản ghi lời khai” (đóng dấu TLMSS, ký hiệu M1); chữ ký bằng bút bic màu xanh: Ở trên phải mục “Hỏi và đáp” và ở lề dưới của trang 1, ở lề dưới của trang 2 và trang 3, chữ ký và chữ viết “Trần Thị Bạch M” bằng bút bic màu xanh ở mục “Người khai”, trên tờ “biên bản ghi lời khai” (đóng dấu TLMSS, ký hiệu M3) là do cùng một người ký và viết ra.
2. Chữ ký bằng bút bic màu xanh (bên trái – Tài liệu ký hiệu A1; ở giữa – Tài liệu ký hiệu A2 và A4) ở lề dưới của trang 1 và trang 2, chữ ký và chữ viết “Nguyễn Văn M1 BA” bằng bút bic màu xanh, ở mục “Bên A”, trên 03 tờ “Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” (đóng dấu TLCGĐ, ký hiệu: A1, A2 và A4); chữ ký bằng bút bic màu xanh (ở giữa) ở lề dưới của trang 1, chữ ký và chữ viết “Nguyễn Văn Mười BA” bằng bút bic màu xanh ở mục “Bên A”, trên tờ “Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” (đóng dấu TLCGĐ, ký hiệu A3) với chữ ký và chữ viết “Nguyễn Văn M1 BA” bằng bút bíc màu xanh: Ở trên trái mục “Hỏi và đáp” và ở lề dưới của trang 1, ở lề dưới của trang 2 và ở mục “Người khai” trên tờ “Biên bản ghi lời khai” (đóng dấu TLMSS, ký hiệu M2) là do cùng một người ký và viết ra”.
Tại bản cáo trạng số 22/CT-VKSLA-P2 ngày 27 tháng 3 năm 2023 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh A đã truy tố Nguyễn Hồng T về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại điểm a khoản 4 Điều 174 của Bộ luật Hình sự và “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” quy định tại điểm b khoản 3 Điều 341 của Bộ luật Hình sự.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số: 45/2023/HS-ST ngày 27/7/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh A quyết định:
1. Tuyên bố: Bị cáo Nguyễn Hồng T phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 174; điểm b, r, s khoản 1, khoản 2 Điều 51;
điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 38, Điều 50 của Bộ luật Hình sự; Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Hồng T 12 (mười hai) năm tù.
Áp dụng điểm a khoản 3 Điều 341; điểm r, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 38, Điều 50 của Bộ luật Hình sự;
Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Hồng T 03 (ba) năm tù.
Áp dụng Điều 55 của Bộ luật Hình sự, tổng hợp hình phạt buộc bị cáo Nguyễn Hồng T phải chấp hành hình phạt chung của hai tội là 15 (mười lăm) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 30 tháng 11 năm 2021.
Áp dụng Điều 329 của Bộ luật Tố tụng hình sự: Tiếp tục tạm giam bị cáo Nguyễn Hồng T 45 (bốn mươi lăm) ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm, ngày 27/7/2023, để đảm bảo cho việc kháng cáo, kháng nghị và thi hành án.
2. Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 48 của Bộ luật Hình sự, Điều 584, 589 của Bộ luật Dân sự năm 2015, buộc bị cáo Nguyễn Hồng T có nghĩa vụ tiếp tục trả lại số tiền đã chiếm đoạt của các bị hại như sau: Trả cho bà Quách Thị Anh Đ 450.000.000 đồng; Trả cho ông Trần Hòa B1 500.000.000 đồng.
Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Ngày 07/8/2023, bị cáo Nguyễn Hồng T có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin xem xét phần trách nhiệm dân sự.
Ngày 09/8/2023, bị hại là bà Quách Thị Anh Đ có đơn kháng cáo đối với phần trách nhiệm dân sự, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm buộc ông Nguyễn Văn M1 Ba và bà Trần Thị Bạch M cùng liên đới với bị cáo Nguyễn Hồng T bồi thường cho bà Đ số tiền 450.000.000 đồng.
Ngày 11/8/2023, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh A có Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 126/QĐ-VKSLA đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sửa một phần bản án sơ thẩm về tội danh “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo điểm a khoản 3 Điều 341 Bộ luật hình sự thành tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” theo điểm b khoản 3 Điều 341 Bộ luật hình sự đối với bị cáo Nguyễn Hồng T.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
Bị cáo Nguyễn Hồng T thừa nhận hành vi phạm tội như bản án sơ thẩm đã nêu, chỉ kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và xin xem xét lại phần trách nhiệm dân sự vì bị cáo đã trả cho bà Đ tổng số tiền 1.420.000.000 đồng, trả cho bị hại B1 300.000.000 đồng.
Người bào chữa cho bị cáo là Luật sư Trịnh Thị H phát biểu ý kiến: Cơ quan điều tra chưa thu thập đầy đủ chứng cứ để làm rõ mâu thuẫn giữa lời khai của bị cáo và bị hại về số tiền bị cáo đã hoàn đã trả cho bị hại. Cấp sơ thẩm chỉ căn cứ vào sao kê của tài khoản của bà Đ để giải quyết vụ án là chưa khách quan. Vấn đề này ảnh hưởng đến trách nhiệm hình sự của bị cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm, Luật sư xuất trình bảng sao kê giao dịch tài khoản của bà Nguyễn Thị Mỹ L là vợ bị cáo thể hiện có chuyển trả cho bị hại Trần Hòa B1 số tiền 45.000.000 đồng vào ngày 18/01/2021. Bị hại Trần Hòa B1 khai nhận mâu thuẫn về số tiền này, khi thì khai không nhận chuyển khoản từ bị cáo, nhưng có lúc lại khẳng định khoản tiền 45 triệu này là tiền của khoản vay trước trong khi lại khai đã tất toán khoản vay trước đó mới cho bị cáo vay 500 triệu trong vụ án này. Do đó, cần thu thập thêm sao kê các tài khoản của ông B1 và bị cáo T mới đủ cơ sở làm rõ số tiền bị cáo đã trả cho ông B1. Ngoài ra, cấp sơ thẩm chưa thực hiện các biện pháp cần thiết để truy thu số tiền 1,5 tỷ từ ông Lâm Tòng T8 là giải quyết chưa triệt để vụ án vì đây là số tiền do phạm tội mà có. Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.
Bị hại là bà Quách Thị Anh Đ vẫn giữ kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm sửa một phần bản án sơ thẩm, buộc ông Nguyễn Văn Mười B và bà Trần Thị Bạch M cùng liên đới với bị cáo Nguyễn Hồng T bồi thường cho bà Đ số tiền 450.000.000 đồng do ông B bà M cùng ký bảo lãnh nợ cho bị cáo.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà Đ là Luật sư Nguyễn Quang V phát biểu: Ngày 26/3/2020 bà M ông B ký hợp đồng thế chấp với ông Tạ Bỉnh T3, thời hạn tới ngày 26/9/2020. Đến ngày 29/7/2020, bà M ông M1 Ba lại ký tiếp hợp đồng thế chấp với bà Đ mặc dù chưa thanh lý hợp đồng thế chấp với ông T3. Như vậy, thời điểm ký hợp đồng thế chấp với bà Đ thì bà M ông B đã biết giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn do ông T3 giữ nhưng vẫn dùng tài sản này bảo đảm cho bị cáo vay của bà Đ. Khi bà Đ phát hiện việc bị cáo lừa đảo, bà M ông B cũng viết cam kết trả nợ cho bà Đ. Sau khi bà Đ tố cáo, bà M ông B tiếp tục viết giấy nhận nợ và cam kết trả nợ thay cho bị cáo. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của bà Đ, buộc ông Nguyễn Văn M1 Ba và bà Trần Thị Bạch M cùng liên đới với bị cáo Nguyễn Hồng T bồi thường cho bà Đ số tiền 450.000.000 đồng.
Bị hại là ông Trần Hòa B1 không đồng ý kháng cáo của bị cáo T, đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên bản án sơ thẩm về phần trách nhiệm bồi thường của bị cáo đối với ông B1.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hphát biểu quan điểm: Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo T phạm tội “Lừa đảo ciếm đoạt tài sản” theo điểm a khoản 4 Điều 174 Bộ luật hình sự là có căn cứ. Đối với tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”, bị cáo không phải là người trực tiếp làm giả giấy chứng nhận, cơ quan điều tra cũng không bắt được người làm giả nên không có cơ sở xác định hành vi đồng phạm của bị cáo trong tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” mà chỉ có căn cứ xác định hành vi sử dụng giấy chứng nhận giả để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm xử bị cáo phạm tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” là chưa đúng, mà cần phải xác định hành vi của bị cáo phạm vào tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” theo điểm b khoản 3 Điều 341 Bộ luật hình sự nên kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh A là có cơ sở.
Đối với kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo, nhận thấy mức án mà Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng là phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội do bị cáo gây ra và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo. Bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt nhưng không xuất trình được tình tiết giảm nhẹ nào mới nên đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận.
Xét kháng cáo về số tiền đã trả cho bị hại, đối với bị hại Đào, Tòa án cấp sơ thẩm xác định bị cáo còn nợ bà Đ 450.000.000 đồng là có cơ sở. Bị cáo khai đã trả cho bà Đ 1.420.000.000 đồng nhưng không cung cấp đươc chứng cứ chứng minh. Đối với ông B1, tại phiên tòa phúc thẩm, người bào chữa cho bị cáo xuất trình được sao kê thể hiện vợ bị cáo có trả cho ông B1 45.000.000 đồng vào ngày 18/01/2021 nên kháng cáo này có cơ sở chấp nhận một phần.
Đối với kháng cáo bị hại Đào, bà M ông B không có bàn bạc với bị cáo về vệc lừa đảo, không hưởng lợi từ số tiền chiếm đoạt nên không phải đồng phạm, không gây thiệt hại cho bà Đ nên không có căn cứ buộc bà M ông M1 Ba liên đới chịu trách nhiệm bồi thường. Do đó, kháng cáo của bị hại là không có căn cứ chấp nhận.
Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh A, chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo về trách nhiệm dân sự, không chấp nhận kháng cáo của bị hại Đ, sửa một phần bản án sơ thẩm về tội danh và trách nhiệm dân sự của bị cáo theo hướng phân tích trên.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh L, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh A, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo, bị hại không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.
[2] Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Hồng T đã thừa nhận hành vi phạm tội như bản án sơ thẩm đã nêu. Lời khai nhận của bị cáo tại phiên tòa phù hợp với lời khai của bị cáo tại Cơ quan điều tra, phù hợp với lời khai của bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng trong quá trình điều tra, với kết luận giám định và các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án, qua đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm có đủ cơ sở để xác định như sau:
[2.1] Năm 2020, Nguyễn Hồng T có hành vi đặt làm giả 05 GCNQSDĐ mang tên mẹ là bà Trần Thị Bạch M (02 GCNQSDĐ thửa 1965, 02 GCNQSDĐ thửa 1967, 01 GCNQSDĐ thửa 1857) và 01 GCNQSDĐ thửa số 2794, mang tên cha là ông Nguyễn Văn M1 Ba, tổng cộng làm giả 06 giấy chứng nhận. Ngày 31/7/2020, T sử dụng 01 GCNQSDĐ thửa số 1965 và 01 GCNQSDĐ thửa số 1967 là giấy giả để thế chấp cho bà Quách Thị Anh Đ làm bà Đ tin tưởng là 02 giấy thật nên đã cho T vay 1.500.000.000 đồng. Ngày 01/8/2020, T đưa 01 GCNQSDĐ thửa số 2794 giả để thế chấp cho ông Nguyễn Hòa B2 làm ông B2 tin tưởng là giấy thật nên đã nhận thế chấp cho T vay 500.000.000 đồng. Tổng số tiền mà T chiếm đoạt là 2.000.000.000 đồng. Ngoài ra, T còn sử dụng vào hành vi trái pháp luật như đưa cho Lê Chí T1 01 GCNQSDĐ thửa 1857 giả để nhằm mục đích tạo niềm tin để giãn nợ đối với T1 và đưa 02 GCNQSDĐ thửa 1965, 1967 giả cho bà M nhằm mục đích qua mặt bà M để bà M tin tưởng T đã chuộc được giấy chứng nhận về trả cho bà M.
[2.2] Với hành vi nêu trên, bản án của Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Hồng T phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 174 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) là có căn cứ.
Đối với 06 GCNQSDĐ giả, bị cáo không phải là người trực tiếp làm giả mà chỉ có hành vi nhờ người khác làm giả các GCNQSDĐ này, cũng không bắt được người thực hiện hành vi làm giả các GCNQSDĐ nên không có cơ sở xác định vai trò đồng phạm của bị cáo trong tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Tuy nhiên, có cơ sở xác định mục đích của bị cáo đặt làm giả GCNQSDĐ là để sử dụng và thực tế sau khi nhờ người khác làm giả, bị cáo đã sử dụng các GCNQSDĐ giả này để thực hiện hành vi trái pháp luật đã nêu tại mục [2.1], trong đó có hành vi đã cấu thành tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại điểm a khoản 4 Điều 174 Bộ luật hình sự. Do đó, hành vi của bị cáo phạm vào tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” quy định tại điểm b khoản 3 Điều 341 Bộ luật hình sự. Bản án của Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo T phạm tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 341 Bộ luật hình sự là chưa đúng nên cần sửa lại một phần tội danh của bị cáo và quyết định hình phạt đối với tội danh này cho phù hợp.
[3] Xét thấy, hành vi của bị cáo là rất nguy hiểm cho xã hội, không những trực tiếp xâm phạm quyền sở hữu tài sản của người khác, xâm phạm đến trật tự an toàn xã hội mà còn xâm phạm đến hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước về việc quản lý, sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên cần phải xử lý nghiêm mới có tác dụng răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.
[4] Về tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
[4.1] Tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: bị cáo phạm tội 02 lần trở lên quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự đối với cả 02 tội.
[4.2] Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:
[4.2.1] Bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; tự thú về hành vi đặt làm giả GCNQSDĐ đưa ông B2 cũng như hành vi chiếm đoạt tài sản của ông B2; bị cáo có người thân có công với cách mạng (bà nội bị cáo là Bà mẹ Việt Nam anh hùng) là tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm r, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự được áp dụng đối với cả 02 tội.
[4.2.2] Ngoài ra, bị cáo đã khắc phục một phần hậu quả đối với số tiền chiếm đoạt của các bị hại theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự đối với tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
[5] Xét kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh A.
Như phân tích tại mục [2.2], kháng nghị là có căn cứ nên có cơ sở chấp nhận.
[6] Xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo.
[6.1] Khi lượng hình, bản án của Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đã nêu tại mục [4.1], [4.2.1] và [4.2.2], từ đó xử phạt bị cáo 12 (mười hai) năm tù đối với tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” bằng mức khởi điểm của khung hình phạt tại khoản 4 Điều 174 Bộ luật hình sự là phù hợp, tương xứng với tính chất nguy hiểm cho xã hội do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra.
[6.2] Ngoài ra, bản án của Tòa án cấp sơ thẩm còn xử phạt bị cáo 03 năm tù về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Xét thấy, tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” và tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” được quy định trong cùng 01 điều luật nên có cùng khung hình phạt. Mặc dù, Tòa án cấp sơ thẩm xác định chưa đúng về tội danh của bị cáo như nhận định tại mục [2.2] nhưng vẫn xét xử bị cáo theo khung hình phạt tại khoản 3 Điều 341 Bộ luật hình sự và áp dụng đầy đủ các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khi lượng hình đối với bị cáo, từ đó xử phạt bị cáo mức hình phạt thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng là có lợi cho bị cáo. Vụ án cũng không có kháng cáo, kháng nghị tăng tặng hình phạt đối với bị cáo. Do đó, Hội đồng xét xử quyết định hình phạt 03 năm tù đối với bị cáo về tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” là phù hợp.
[6.3] Do bị cáo không có thu nhập ổn định nên miễn hình phạt bổ sung đối với bị cáo.
[6.4] Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt nhưng không cung cấp được tình tiết giảm nhẹ nào mới nên không có cơ sở chấp nhận kháng cáo của bị cáo.
[7] Đối với kháng cáo của bị cáo về số tiền đã hoàn trả cho các bị hại.
[7.1] Đối với số tiền đã trả cho bà Quách Thị Anh Đ.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo khai nhận đã trả cho bà Đ 1.420.000.000 đồng. Bà Quách Thị Anh Đ xác định bị cáo Nguyễn Hồng T mới khắc phục hoàn trả được số tiền 1.050.000.000 đồng và yêu cầu tiếp tục hoàn trả số tiền 450.000.000 đồn. Xét thấy, Cơ quan điều tra qua lời khai của bị cáo đã yêu cầu Ngân hàng Thương mại cổ phần P1 (OCB) sao kê tài khoản của bà Đ để làm rõ số tiền bị cáo chuyển khoản trả lại tiền đã chiếm đoạt của bà Đ. Căn cứ bản sao kê số 114 ngày 04/11/2022 của O, lời khai của bà Đ, của người làm chứng phù hợp nhau và phù hợp với giấy hẹn nợ ngày 12/10/2020 do bà M viết (khi viết có mặt bị cáo T và người làm chứng Tươi) thể hiện số tiền bị cáo đã trả cho bị hại Đ là 1.050.000.000 đồng. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo không xuất trình được chứng cứ nào thể hiện sau thời điểm ngày 12.10.2020, bị cáo có trả thêm cho bà Đ bất cứ khoản tiền nào nên không có căn cứ xác định bị cáo chỉ còn nợ bà Đ 80.000.000 đồng như bị cáo và người bào chữa cho bị cáo đã trình bày. [7.2] Đối với số tiền đã trả cho bị hại Trần Hòa B1.
Bị cáo kháng cáo cho rằng đã trả cho ông B1 300.000.000 đồng, còn nợ lại 200.000.000 đồng trong khi ông B1 xác định bị cáo T chưa khắc phục hoàn trả ông B1 tiền chiếm đoạt.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo T xác định khi sự việc bị phát hiện thì bà M và ông B có làm giấy hẹn nợ ngày 26/11/2020 xác định bị cáo còn thiếu lại ông B1 số tiền 500.000.000 đồng, khi đó cũng có mặt bị cáo T và người làm chứng Nguyễn Hồng T9. Do đó, có cơ sở xác định đến thời điểm ngày 26/11/2020, bị cáo còn nợ ông B1 500.000.000 đồng. Tại cấp phúc thẩm, người bào chữa cho bị cáo xuất trình bản chính sao kê giao dịch tài khoản của Nguyễn Thị Mỹ L (vợ bị cáo) tại Ngân hàng A1 thể hiện ngày 18/01/2021, bà L có chuyển số tiền 45.000.000 đồng với nội dung: “Em T chuyển trả anh B1 trước số tiền này, thứ năm khách hàng chuyển em chuyển khoản”. Ông B1 thừa nhận có số tiền này nhưng cho rằng đó là tiền bị cáo trả cho khoản vay trước đó, không liên quan đến khoản vay 500.000.000 đồng trong vụ án này. Tuy nhiên, khai nhận này mâu thuẫn với chính khai nhận của ông B1 tại phiên tòa phúc thẩm khi xác định tại thời điểm cho bị cáo vay 500.000.000 đồng thì các khoản vay trước đó đã tất toán. Ông B1 cũng không chứng minh được có giao dịch khác với bị cáo. Do đó, theo nguyên tắc có lợi cho bị cáo, cần xác định số tiền 45.000.000 đồng này là khoản tiền bị cáo chuyển trả cho ông B1 trong khoản vay 500.000.000 đồng nêu trên. Ngoài số tiền này, bị cáo không cung cấp được chứng cứ nào chứng minh đã trả cho ông B1 thêm khoản tiền nào khác. Do đó, cần chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo đối với số tiền đã trả cho ông B1.
[8] Xét kháng cáo của bị hại Quách Thị Anh Đ yêu cầu bà M và ông M1 Ba cùng liên đới với bị cáo T để hoàn trả số tiền còn lại là 450.000.000 đồng.
[8.1] Tại Điều 587 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người; nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau”.
[8.2] Quá trình điều tra đã làm rõ, bà M và ông M1 Ba không biết bị cáo T thuê làm giả các GCNQSDĐ và sử dụng các GCNQSDĐ giả để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, không đồng phạm với Nguyễn Hồng T trong việc phạm tội. Số tiền vay được của các bị hại đều do T lấy và tiêu xài, trả nợ cá nhân, bà M và ông M1 Ba không được chia, không hưởng lợi từ hành vi phạm tội của bị cáo. Do đó, không có căn cứ buộc bà M và ông Mười B liên đới về phần trách nhiệm dân sự với bị cáo.
[9] Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm, chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo, chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh A, không chấp nhận kháng cáo của bị hại Quách Thị Anh Đ, sửa một phần bản án hình sự sơ thẩm về tội danh và trách nhiệm dân sự của bị cáo như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hlà có cơ sở chấp nhận.
[10] Các quyết định khác của bản án hình sự sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị phát sinh hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
[11] Án phí:
[11.1] Án phí sơ thẩm: Bị cáo Nguyễn Hồng T phải chịu án phí hình sự và dân sự sơ thẩm;
[11.2] Án phí phúc thẩm: Do kháng cáo được chấp nhận một phần nên bị cáo Nguyễn Hồng T không phải chịu án hình sự và dân sự phúc thẩm; Bà Quách Thị Anh Đ sinh năm 1963 là người cao tuổi nên được miễn án phí dân sự phúc thẩm, theo quy định pháp luật về án phí, lệ phí Tòa án.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 355, Điều 357 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.
Chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Nguyễn Hồng T; chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh A; không chấp nhận kháng cáo của bà Quách Thị Anh Đ. Sửa một phần Bản án hình sự sơ thẩm số: 45/2023/HS-ST ngày 27/7/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh A về tội danh và trách nhiệm dân sự của bị cáo.
Tuyên xử:
[1] Tuyên bố: Bị cáo Nguyễn Hồng T phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.
Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 174; điểm b, r, s khoản 1, khoản 2 Điều 51;
điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 38, Điều 50 của Bộ luật Hình sự;
Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Hồng T 12 (mười hai) năm tù.
Áp dụng điểm b khoản 3 Điều 341; điểm r, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 38, Điều 50 của Bộ luật Hình sự;
Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Hồng T 03 (ba) năm tù.
Áp dụng Điều 55 của Bộ luật Hình sự, tổng hợp hình phạt buộc bị cáo Nguyễn Hồng T phải chấp hành hình phạt chung của hai tội là 15 (mười lăm) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 30 tháng 11 năm 2021.
Tiếp tục tạm giam bị cáo Nguyễn Hồng T để đảm bảo cho việc thi hành án.
[2] Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 48 của Bộ luật Hình sự, Điều 584, 589 của Bộ luật Dân sự năm 2015, buộc bị cáo Nguyễn Hồng T có nghĩa vụ tiếp tục trả lại số tiền đã chiếm đoạt của các bị hại như sau: Trả cho bà Quách Thị Anh Đ 450.000.000 đồng; Trả cho ông Trần Hòa B1 455.000.000 đồng.
Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
[3] Về án phí:
[3.1] Án phí sơ thẩm: Buộc bị cáo Nguyễn Hồng T phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm và 39.150.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm.
[3.2] Án phí phúc thẩm:
- Bị cáo Nguyễn Hồng T không phải chịu án phí hình sự và dân sự phúc thẩm.
- Bà Quách Thị Anh Đ được miễn án phí dân sự phúc thẩm: Hoàn trả cho bà Quách Thị Anh Đ 300.000 (Ba trăm ngàn) đồng tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu số 0003799 ngày 10/8/2023 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh A.
[4] Các quyết định khác của bản án hình sự sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị phát sinh hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức số 148/2024/HS-PT
Số hiệu: | 148/2024/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 19/03/2024 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về