TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA
BẢN ÁN 77/2024/HS-ST NGÀY 12/03/2024 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN
Ngày 12 tháng 3 năm 2024, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 78/2024/HSST ngày 10 tháng 01 năm 2024, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 77/2024/QĐXXST-HS ngày 20 tháng 02 năm 2024 đối với bị cáo:
Điêu Thị L, tên gọi khác: Không, sinh ngày 20/6/1977 tại huyện Q, tỉnh S. Nơi ĐKNKTT: Tổ 7, phường C, thành phố S, tỉnh S; chỗ ở hiện nay: Tổ 9, phường T, thành phố S, tỉnh S; nghề nghiệp: Kiểm lâm viên – Hạt kiểm lâm thành phố S; trình độ văn hóa: 10/12; dân tộc: Thái; giới tính: Nữ; tôn giáo:
Không; Quốc tịch: Việt Nam; Đảng phái, đoàn thể: Không; con ông Điêu Chính M và bà Lương Thị Q (đều đã chết); bị cáo có chồng là Trần Quang Tr (đã chết) và Vũ Ngọc A (đã ly hôn); bị cáo có 01 con sinh năm 2008; tiền án, tiền sự:
Không; bị bắt, tạm giam từ ngày 19/4/2023 cho đến nay. Có mặt.
- Người bào chữa cho bị cáo: Ông Vũ Đức T - Luật sư của Văn phòng Luật sư T thuộc Đoàn Luật sư tỉnh S. Có mặt.
- Bị hại: Ông Trường Văn A, sinh năm 1975. Nơi cư trú: Tổ 4, khu N, phường K, thị xã Đ, tỉnh Q. Vắng mặt.
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Trần Văn H, sinh năm 1996. Nơi cư trú: Bản K, xã Đ, huyện B, tỉnh Q. Có mặt (Giấy ủy quyền ngày 05/02/2024).
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án:
+ Hộ gia đình ông Quàng Văn Q. Nơi cư trú: Bản N, xã L, huyện T, tỉnh S. Có đơn xin xét xử vắng mặt.
+ Hộ gia đình ông Lò Văn T. Nơi cư trú: Bản N, xã L, huyện T, tỉnh S. Có đơn xin xét xử vắng mặt.
+ Hộ gia đình ông Lò Văn P. Nơi cư trú: Bản N, xã L, huyện T, tỉnh S. Có đơn xin xét xử vắng mặt.
+ Hộ gia đình bà Lò Thị A. Nơi cư trú: Bản N, xã L, huyện T, tỉnh S. Có đơn xin xét xử vắng mặt.
+ Hộ gia đình ông Lò Văn D. Nơi cư trú: Bản N, xã L, huyện T, tỉnh S.
Có đơn xin xét xử vắng mặt.
+ Hộ gia đình ông Tòng Văn Ư. Nơi cư trú: Bản N, xã L, huyện T, tỉnh S.
Có đơn xin xét xử vắng mặt.
+ Hộ gia đình ông Quàng Văn S. Nơi cư trú: Bản N, xã L, huyện T, tỉnh S. Có đơn xin xét xử vắng mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Khoảng đầu tháng 11/2021, Điêu Thị L - Kiểm lâm viên Hạt kiểm lâm thành phố S, trú tại tổ 9, phường T, thành phố S, thông qua Đỗ Hữu Tình, trú tại tổ 4, phường Quyết Tâm, thành phố S, biết Trường Văn A, trú tại tổ 4, khu Nhuệ Hổ, phường Kim Sơn, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh đang có nhu cầu mua nhựa và cây Thông.
1. Hành vi lừa đảo đối với việc mua bán rừng Thông tại bản N, xã L, huyện T, chiếm đoạt 800.000.000 đồng.
Do đang cần tiền để sử dụng, L gọi điện thoại và trao đổi với ông A về việc mua bán rừng Thông tại bản N, xã L, huyện T, tỉnh S. L nói “em mua được của dân 30ha rừng Thông trồng trên đất nông nghiệp đang có nhu cầu bán với giá 60.000.000 đồng/01 ha” anh A hỏi lại “đã làm hợp đồng mua bán với dân chưa”, L nói “đã làm rồi”. Cả hai thỏa thuận sẽ lên bản N, xã L, huyện T xem thực tế rừng rồi mới thống nhất giá mua bán. Khoảng một tuần sau, L cùng Trường Văn A; Trần Văn H trú tại xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh (cháu A); Đỗ Hữu Tình và Nguyễn Trí T trú tại tổ 12, phường Quyết Thắng, thành phố S (bạn L) đi đến bản N. Khi lên đến rừng Thông, L sử dụng máy tính bảng để định vị diện tích rừng Thông nhưng không được do không bắt được sóng vệ tinh. L gọi điện thoại, nhờ Quàng Văn Q trú tại bản N, xã L, huyện T (thông qua Q, L biết đến khu vực rừng thông này) đến để chỉ ranh giới. Sau đó, mọi người quay về thành phố S. Trên đường về, ông A hỏi L “bao giờ có giấy phép khai thác” L nói “đến đầu năm 2022 tỉnh S có chủ trương cho khai thác và đến tháng 4/2022 sẽ hoàn thiện hồ sơ và có giấy phép khai thác rừng Thông tại bản N”, ông A nói “thế khi nào có giấy phép thì anh mới chuyển tiền” nhưng L nói “anh phải đặt cọc 800.000.000 đồng để trả tiên cho dân và làm thủ tục cấp giấy phép khai thác, nếu không sẽ bán rừng Thông ở bản N cho người khác” nên ông A đồng ý. L yêu cầu phải chuyển trước 300.000.000đ (ba trăm triệu đồng), số tiền còn lại chuyển trước tết Nguyên đán 2022. Cụ thể, ông A đã chuyển tiền cho L:
- Lần 1: ngày 23/11/2021 ông A chuyển khoản 300.000.000đ.
- Lần 2: ngày 06/12/2021 L nhận tiền mặt từ ông A 130.000.000đ; ông A chuyển khoản 120.000.000đ.
- Lần 3: ngày 07/12/2021 ông A chuyển khoản 100.000.000đ.
- Lần 4: ngày 27/01/2022 ông A chuyển khoản 150.000.000đ.
Từ ngày 23/11/2021 đến ngày 27/01/2022, ông A chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng và tiền mặt cho Điêu Thị L tổng số tiền 800.000.000đ (tám trăm triệu đồng) - lập giấy nhận tiền đề ngày 05/12/2021.
2. Hành vi lừa đảo đối với việc mua bán rừng Thông tại bản Đ, xã N, huyện M, chiếm đoạt 300.000.000 đồng.
Cuối tháng 03/2022, qua giới thiệu của Lò Văn Đ, trú tại bản Đ, xã N, huyện M, tỉnh S. L gọi điện cho ông A nói “tại bản Đ, xã N, huyện M có khoảng 20ha rừng thông đã đủ tuổi khai thác... ”, “giấy phép khai thác làm trong vòng một tuần là có”. Ông A đồng ý mua với giá 1.100.000.000 đồng. L yêu cầu ông A chuyển tiền cho L để đặt cọc mua rừng thông. Từ ngày 29/3/2022 đến ngày 06/4/2022, ông A chuyển số tiền 300.000.000đ (ba trăm triệu đồng) qua tài khoản ngân hàng cho L, cụ thể:
- Lần 1: ngày 29/3/2022 chuyển 140.000.000đ (chuyển 02 lần: lần một 40.000.000đ; lần hai 100.000.000đ).
- Lần 2: ngày 31/3/2022 chuyển 130.000.000đ.
- Lần 3: ngày 06/4/2022 chuyển 30.000.000đ.
Sau khi chuyển tiền cho L, giữa tháng 4/2022 ông A cùng L vào xã N, huyện M để xem rừng nhưng sau khi hỏi thăm, được biết thông tin L đưa ra là không đúng. Ông A đòi lại tiền thì L nói số tiền A đưa đã chuyển cho cán bộ xã N và đề nghị chuyển số tiền này sang tiền mua rừng tại bản N. A đồng ý nên L đã viết giấy nhận tiền đề ngày 29/3/2022 thể hiện nội dung nhận 300.000.000 đồng mua rừng tại bản N, xã L, huyện T. Sau khi nhận tiền, Điêu Thị L không làm hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép khai thác để bán cho ông Trường Văn A như đã thỏa thuận mà sử dụng cá nhân, tham gia trò chơi trúng thưởng bằng cách nạp tiền vào ứng dụng trên mạng Internet dẫn đến không còn khả năng trả lại tiền cho ông A. Thấy Điêu Thị L không xin được cấp phép khai thác như thỏa thuận, ông A đã nhiều lần liên hệ yêu cầu L trả lại tiền nhưng L viết các giấy hẹn trả tiền, khất lần, không trả. Ngày 20/12/2022, ông Trường Văn A gửi đơn tố giác hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Điêu Thị L đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh S.
Quá trình điều tra, bị cáo khai nhận: Do cần tiền sử dụng cá nhân và tham gia chơi trò chơi trúng thưởng nên L đã đưa ra thông tin gian dối và chiếm đoạt tài sản của ông Trường Văn A. Bị cáo biết diện tích rừng giới thiệu bán cho ông A không được phép khai thác (được quy hoạch là rừng đặc dụng, có nguồn gốc là rừng sản xuất trồng theo Dự án 661 không được phép khai thác) nhưng vẫn đưa ra thông tin đã mua được và thỏa thuận chuyển nhượng để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Bị cáo không bàn bạc trao đổi hoặc cho ai hưởng L ích vật chất từ hành vi phạm tội.
Vật chứng thu giữ: 01 (Một) Giấy nhận tiền đề ngày 5/12/2021, có chữ ký, dòng họ tên Điêu Thị L phía dưới ngày 5/12/2021; 01 (Một) Giấy nhận tiền đề ngày 5/12/2021, có chữ ký, dòng họ tên Điêu Thị L tại mục người nhận tiền;
01 (Một) Giấy nhận tiền đề ngày 29/3/2022, có chữ ký, dòng họ tên Điêu Thị L tại mục người nhận tiền; 01 (Một) Giấy hẹn trả tiền đề ngày 12/9/2022, có chữ kỷ, dòng họ tên Điêu Thị L; 01 (Một) Đơn xin khai thác gỗ thông trên đất sản xuất ngày 21/4/2022(bản phô tô); 01 (Một) Biên bản họp dân ngày 22/4/2022;
01 (Một) Quyết định số 783 ngày 22/4/2021 của Chủ tịch UBND tình Son La về phê duyệt kế hoạch khai thác và trồng rừng sản xuất sau khai thác trên địa bàn huyện Sốp Cộp, huyện Sông Mã, huyện T và thành phố S năm 2021, kèm theo phụ biểu (bản phô tô); 01 (Một) Kế hoạch số 138 ngày 08/8/2018 của UBND tỉnh S về thực hiện Nghị quyết 92 ngày 19/7/2018 của HĐND tỉnh về giải pháp quản lý quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh, kèm theo phụ lục (bản phô tô);
01 (Một) điện thoại di động nhãn hiệu ViVo màu xanh - đen, ốp màu trắng, đã qua sử dụng.
Do có hành vi nêu trên, tại Cáo trạng số 14/CT-VKS ngày 09/01/2024 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh S đã truy tố Điêu Thị L về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điểm a khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự.
Tại phiên tòa, bị cáo khai nhận hành vi như nội dung Cáo trạng. Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh S trình bày luận tội giữ nguyên quan điểm truy tố và đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo Điêu Thị L phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 174; điểm s khoản 1 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự: Xử phạt bị cáo Điêu Thị L từ 14 đến 15 năm tù.
Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo.
Về trách nhiệm dân sự: Buộc bị cáo Điêu Thị L phải bồi thường cho bị hại Trường Văn A số tiền chiếm đoạt là 1.100.000.000đ (một tỷ một trăm triệu đồng).
Về vật chứng: Tịch thu sung công quỹ Nhà nước 01 (Một) điện thoại di động nhãn hiệu ViVo màu xanh - đen, ốp màu trắng, đã qua sử dụng.
Về án phí: Bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch theo quy định.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện kiểm sát, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo, người bào chữa cho bị cáo, bị hại và những người tham gia tố tụng không có người nào có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.
[2] Về việc xét xử vắng mặt người tham gia tố tụng:
Bị hại Trường Văn A và những người có quyền L, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ nhưng vắng mặt tại phiên tòa; bị hại đã ủy quyền cho ông Trần Văn H đại diện tham gia phiên xét xử tại Tòa án (theo Giấy ủy quyền ngày 05/02/2024, số chứng thực – quyển số 01/2024-SCT/CK,ĐC); những người có quyền L, nghĩa vụ liên quan có đơn xin xét xử vắng mặt. Do đó, Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử vụ án theo quy định tại khoản 1 Điều 292 và khoản 1 Điều 293 Bộ luật Tố tụng hình sự.
[3] Về hành vi phạm tội của bị cáo:
Trong khoảng thời gian từ tháng 11/2021 đến ngày 06/04/2022, để có tiền chi tiêu cá nhân, Điêu Thị L biết diện tích rừng 30ha rừng thông tại bản N, xã L, huyện T và 20ha rừng thông tại bản Đ, xã N, huyện M không được phép khai thác nhưng vẫn dùng thủ đoạn là đưa ra thông tin gian dối về quyền sở hữu, quyền giao dịch đối với diện tích rừng nêu trên; cam kết về việc hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép khai thác, viết các giấy tờ nhận tiền…thỏa thuận bán lại cho ông Trường Văn A để nhận đặt cọc tổng số tiền 1.100.000.000 đồng sau đó chiếm đoạt nhằm mục đích chi tiêu cá nhân.
Hành vi phạm tội của bị cáo được chứng minh bằng các căn cứ sau:
- Đơn tố cáo của bị hại Trường Văn A đề ngày 18/12/2022 về việc bị cáo đã đưa ra các thông tin gian dối và hứa hẹn về việc mua bán, làm hồ sơ khai thác diện tích 30ha rừng thông tại bản N, xã L, huyện T và 20ha rừng thông tại bản Đ, xã N, huyện M để nhận tiền của bị hại nhưng sau đó bị cáo không thực hiện đúng thỏa thuận và chiếm đoạt tiền của bị hại.
- Lời khai nhận tội của bị cáo tại phiên tòa phù hợp với lời khai của bị cáo tại Cơ quan điều tra; phù hợp với lời khai của bị hại, những đối tượng liên qu.
- Các tài liệu thu thập trong hồ sơ vụ án: Giấy nhận tiền đề ngày 5/12/2021, ngày 5/12/2021, ngày 29/3/2022; Giấy hẹn trả tiền đề ngày 12/9/2022; Đơn xin khai thác gỗ thông trên đất sản xuất ngày 21/4/2022 (bản phô tô); Biên bản họp dân ngày 22/4/2022; Quyết định số 783 ngày 22/4/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh S về phê duyệt kế hoạch khai thác và trồng rừng sản xuất sau khai thác trên địa bàn huyện Sốp Cộp, Sông Mã, T và thành phố S năm 2021, kèm theo phụ biểu (bản phô tô); Kế hoạch số 138 ngày 08/8/2018 của UBND tỉnh S về thực hiện Nghị quyết 92 ngày 19/7/2018 của HĐND tỉnh về giải pháp quản lý quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh, kèm theo phụ lục (bản phô tô).
- Kết luận giám định số 355/KL-KTHS, ngày 10/02/2023 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh S, xác định: Chữ viết và chữ ký trên các giấy nhận tiền; giấy hẹn trả tiền là do Điêu Thị L viết, ký ra.
- Biên bản xác định loại rừng ngày 17/2/2023; Biên bản xác định vị trí địa lý khu vực rừng Thông ngày 08/02/2023 + Sơ đồ kèm theo; các Biên bản làm việc ngày 09/02/2023, ngày 10/02/2023 tại bản Lướt và bản Đ, xã N, huyện M, tỉnh S; Biên bản làm việc ngày 16/02/2023 tại Hạt Kiểm lâm huyện T và Hạt Kiểm lâm huyện M xác định: Rừng Thông tại bản N, xã L, huyện T là loại rừng phòng hộ và được quy hoạch là rừng đặc dụng do cộng đồng bản N quản lý và bảo vệ; rừng Thông tại bản Đ, xã N, huyện M là loại rừng sản xuất, do cộng đồng bản Đ quản lý và bảo vệ. Hạt kiểm lâm huyện T và huyện M chưa tiếp nhận hồ sơ xin khai thác rừng Thông từ Điêu Thị L. Tại thời điểm Điêu Thị L thỏa thuận bán hai rừng Thông trên cho ông Trường Văn A thì chưa có Cơ quan có thẩm quyền nào cấp giấy phép khai thác.
- Sao kê tài khoản, giao dịch ngân hàng mang tên Điêu Thị L tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội Chi nhánh S và mang tên Trường Văn A tại Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank); Biên bản và Bản ảnh kiểm tra điện thoại di động của Điêu Thị L ngày 12/01/2023 và của Trường Văn A ngày 07/02/2023.
Với các căn cứ chứng minh trên có đủ cơ sở kết luận hành vi của bị cáo Điêu Thị L đã phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội phạm và hình phạt quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự.
[4] Về tính chất, mức độ, hành vi phạm tội của bị cáo:
Bị cáo Điêu Thị L đã 02 lần thực hiện hành vi gian dối, chiếm đoạt của bị hại số tiền 1.100.000.000 đồng (Một tỷ một trăm triệu đồng). Hành vi của Điêu Thị L vi phạm tình tiết định khung hình phạt quy định tại điểm a “chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên” khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự, có mức hình phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân, thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, trực tiếp xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản hợp pháp của công dân được pháp luật bảo vệ, đồng thời tạo dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cán bộ, cơ quan Nhà nước và gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại địa phương nên cần có mức hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo mới đảm bảo biện pháp cải tạo, giáo dục riêng và răn đe, phòng ngừa chung.
[5] Về nhân thân, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:
Tình tiết tăng nặng: Bị cáo đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ông Trường Văn A 02 lần (lần 1: đưa thông tin gian dối về việc khai thác 30ha rừng thông tại bản N, xã L, huyện T chiếm đoạt 800.000.000đ; lần 2: đưa thông tin gian dối về việc khai thác 20ha rừng thông tại bản Đ, xã N, huyện M chiếm đoạt 300.000.000đ) nên cần áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự khi quyết định hình phạt.
Nhân thân, tình tiết giảm nhẹ: Bị cáo có nhân thân tốt, chưa có tiền án tiền sự; quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; bị cáo có thành tích và được tặng Giấy khen của cơ quan, đơn vị trong quá trình công tác; gia đình bị cáo có hoàn cảnh khó khăn, bị cáo đã ly hôn chồng, con còn nhỏ nên cần xem xét giảm nhẹ hình phạt, áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự đối với bị cáo.
Tranh luận tại phiên tòa:
- Người bào chữa cho bị cáo Điêu Thị L trình bày lời bào chữa cho bị cáo: Nhất trí tội danh, điều khoản Cáo trạng đã truy tố đối với hành vi của bị cáo. Tuy nhiên, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét: Quá trình điều tra, bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, khai nhận rõ hành vi phạm tội; bị cáo có ý thức, mong muốn bồi thường cho bị hại; quá trình công tác, bị cáo có nhiều thành tích, đóng góp được tặng thưởng giấy khen; bị cáo có nhân thân tốt nên đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Gia đình bị cáo có hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ đã chết, con còn nhỏ; bị cáo có thu nhập thấp, không có tài sản có giá trị nên đề nghị không áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo.
- Bị cáo Điêu Thị L nhất trí với quan điểm của người bào chữa, không có ý kiến tranh luận, xin Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo.
- Người đại diện theo ủy quyền của bị hại không có ý kiến tranh luận; đề nghị Hội đồng xét xử buộc bị cáo bồi thường cho bị hại theo quy định của pháp luật.
- Đại diện Viện kiểm sát đối đáp tranh luận và giữ nguyên quan điểm truy tố đối với bị cáo Điêu Thị L.
[6] Về hình phạt bổ sung:
Hội đồng xét xử xét thấy bị cáo không có tài sản có giá trị lớn nên không áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo.
[7] Về trách nhiệm dân sự:
Sau khi chiếm đoạt số tiền 1.100.000.000 đồng của bị hại, bị cáo đã sử dụng số tiền chiếm đoạt như sau:
- Chi ứng tiền cho các hộ dân tại bản N, xã L, huyện T tổng 54.000.000 đồng (các hộ gia đình ông Quàng Văn Q – 10.000.000 đồng, ông Lò Văn T – 5.000.000 đồng, ông Lò Văn P – 5.000.000 đồng, bà Lò Thị A – 5.000.000 đồng, ông Lò Văn D – 9.000.000 đồng, ông Tòng Văn Ư – 15.000.000 đồng, ông Quàng Văn S – 5.000.000 đồng đều xác nhận đã nhận được số tiền ứng mua rừng của Điêu Thị L).
- Trả anh Lường Văn N 10.000.000 đồng tiền thuê đo đất và lập hồ sơ khai thác rừng, xét đây là thỏa thuận tự nguyện giữa bị cáo và anh Nhị, thực tế anh Nhị đã đo đạc và lập hồ sơ, nhưng Nhị không biết và không tham gia vào việc chiếm đoạt tiền của bị hại.
- Số tiền còn lại bị cáo chi tiêu cá nhân hết: Trả cho anh Nguyễn Chí T số tiền bị cáo vay là 50.000.000 đồng (anh Thanh không biết nguồn gốc số tiền này); chuyển khoản cho bà Nguyễn Thị Nga 306.000.000 đồng để bà Nga rút tiền mặt cho bị cáo sử dụng; chuyển vào các tài khoản qua app trò chơi (bị cáo không quen biết chủ tài khoản).
Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo Điêu Thị L không yêu cầu các hộ gia đình bản N và anh Lường Văn N phải hoàn trả số tiền đã nhận và tự nguyện chịu trách nhiệm đối với toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt. Đến nay, bị cáo chưa khắc phục, bồi thường số tiền đã chiếm đoạt của ông Trường Văn A. Do đó, cần buộc bị cáo bồi thường cho bị hại Trường Văn A số tiền đã chiếm đoạt là 1.100.000.000 đồng.
Mặc dù giữa bị cáo và bị hại không có thỏa thuận về việc trả lãi nhưng theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 13 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/02/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì kể từ ngày bị hại có đơn yêu cầu thi hành án thì bị cáo (bên phải thi hành án) còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 Bộ luật Dân sự.
[8] Đối với các đối tượng có liên quan đến vụ án:
- Đối với Quàng Văn Q, sinh năm 1989, trú tại: bản N, xã L, huyện T: là người đứng ra trao đổi và liên hệ với bị cáo Điêu Thị L để bán rừng Thông cho bản thân và các hộ dân trong bản N. Tuy nhiên, do Q tin tưởng L là cán bộ Kiểm lâm, xin cấp được phép khai thác nên đã cùng người dân bản N bán rừng Thông cho L; Q không biết, không tham gia cùng L trong việc chiếm đoạt tiền của ông Trường Văn A nên không có căn cứ điều tra mở rộng vụ án.
- Đối với Lường Văn N, sinh năm 1974, trú tại: bản Chiềng Ly, xã Chiềng Ly, huyện T, tỉnh S: là người nhận 10.000.000 đồng (mười triệu đồng) từ Điêu Thị L để đo diện tích rừng Thông và lập hồ sơ thiết kế khai thác, tận dụng, tận thu lâm sản, nhưng Nhị không biết và không tham gia vào việc chiếm đoạt tiền của ông Trường Văn A nên không có căn cứ điều tra mở rộng vụ án.
- Đối với Lò Văn Đ, sinh năm 1984, trú tại: bản Đ, xã N, huyện M: là người nói cho Điêu Thị L biết tại bản Đ, xã N có rừng Thông bán nhưng Đ không biết, không tham gia vào việc chiếm đoạt tiền của ông Trường Văn A nên không có căn cứ điều tra mở rộng vụ án.
- Đối với các hộ dân đã ứng tiền đặt cọc mua rừng Thông của Điêu Thị L (hộ gia đình ông Quàng Văn Q, ông Lò Văn T, ông Lò Văn P, bà Lò Thị A, ông Lò Văn D, ông Tòng Văn Ư, ông Quàng Văn S): quá trình làm việc, L nói người dân cứ bán rừng Thông, còn việc làm thủ tục giấy tờ L lo hết và do L là cán bộ Kiểm lâm nên người dân tin tưởng và đồng ý bán rừng rồi nhận tiền đặt cọc của L. Do đó, những hộ dân này không liên quan đến hành vi phạm tội của bị cáo L.
- Đối với Nguyễn Trí T, sinh năm 1982, trú tại: tổ 12, phường Quyết Thắng, thành phố S: là người được Điêu Thị L trả 50.000.000 đồng (năm mươi triệu đồng) từ số tiền chiếm đoạt của ông Trường Văn A nhưng Thanh không biết nguồn gốc số tiền đó và đã chi tiêu cá nhân hết nên không xem xét xử lý.
- Đối với Đỗ Hữu T, sinh năm 1986, trú tại: tổ 04, phường Quyết Tâm, thành phố S: là người giới thiệu ông Trường Văn A cho Điêu Thị L và được ông A thuê lái xe đưa ông A, L đi xem rừng Thông nhưng Tì không tham gia và không được hưởng L gì về việc mua bán rừng Thông giữa L và ông A nên không xem xét xử lý.
- Đối với Nguyễn Thị N, sinh năm 1982, trú tại: số 33 T, phường C, quận H, Thành phố H: sau khi ông Trường Văn A chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của Điêu Thị L thì L chuyển 306.000.000 đồng đến số tài khoản của N và nhờ N rút tiền mặt đưa cho L để chi tiêu cá nhân. N không biết nguồn gốc số tiền đó và không được hưởng L gì nên không xem xét xử lý.
- Đối với Phan Quang Đ, sinh năm 1998, trú tại: xã H, huyện P, Thành phố H; Nguyễn Mạnh D, sinh năm 2005, trú tại: phường , quận T, Thành phố H; Lê Gia H, sinh năm 2003, trú tại: 21/130 T, phường H, quận Đ, Thành phố H; Đỗ Minh Ho, sinh năm 1996, tạm trú tại: đội 2 Y, xã T, huyện T, Thành phố H; Nguyễn Văn H, sinh năm 2003, trú tại: tổ dân phố S, phường Đ, thành phố P, tỉnh T: quá trình điều tra xác định những người này không quen biết và không nhận tiền từ Điêu Thị L nên không có căn cứ xử lý.
- Đối với Nguyễn Văn T, sinh năm 1993, trú tại: thôn Khăn, xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương; Lê Quang Tr sinh năm 2000, trú tại: thôn T, xã T, huyện M, Thành phố H: quá trình điều tra xác minh không xác định được nơi cư trú của T, Tr nên không triệu tập làm việc được. Do đó không có căn cứ chứng minh T, Tr liên quan đến vụ án.
[9] Về vật chứng:
- Đối với 01 Giấy nhận tiền đề ngày 5/12/2021, có chữ ký, dòng họ tên Điêu Thị L phía dưới ngày 5/12/2021; 01 Giấy nhận tiền đề ngày 5/12/2021, có chữ ký, dòng họ tên Điêu Thị L tại mục người nhận tiền; 01 Giấy nhận tiền đề ngày 29/3/2022, có chữ ký, dòng họ tên Điêu Thị L tại mục người nhận tiền; 01 Giấy hẹn trả tiền đề ngày 12/9/2022, có chữ ký, dòng họ tên Điêu Thị L; 01 Đơn xin khai thác gỗ thông trên đất sản xuất ngày 21/4/2022 (bản phô tô); Biên bản họp dân ngày 22/4/2022; 01 Quyết định số 783 ngày 22/4/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh S về phê duyệt kế hoạch khai thác và trồng rừng sản xuất sau khai thác trên địa bàn huyện S, M, T và thành phố S năm 2021, kèm theo phụ biểu (bản phô tô); 01 Kế hoạch số 138 ngày 08/8/2018 của UBND tỉnh S về thực hiện Nghị quyết 92 ngày 19/7/2018 của HĐND tỉnh về giải pháp quản lý quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh, kèm theo phụ lục (bản phô tô): Xét đây là vật chứng vụ án nên tiếp tục quản lý, lưu giữ trong hồ sơ vụ án theo quy định của pháp luật.
- Đối với 01 điện thoại di động nhãn hiệu ViVo màu xanh – đen, ốp màu trắng đã qua sử dụng (thu giữ của Điêu Thị L): Xét đây là tài sản của bị cáo Điêu Thị L, bị cáo sử dụng để liên lạc với bị hại nhằm thực hiện hành vi phạm tội nên cần tịch thu sung công quỹ Nhà nước.
[11] Về án phí: Bị cáo Điêu Thị L phải chịu án phí hình sự và án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch theo quy định pháp luật.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
1. Về hình phạt:
Căn cứ điểm a khoản 4 Điều 174; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự;
Tuyên bố bị cáo Điêu Thị L phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Xử phạt bị cáo Điêu Thị L 14 (mười bốn) năm tù, thời hạn tù tính từ ngày 19/4/2023.
Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo.
2. Về trách nhiệm dân sự: Căn cứ Điều 48 Bộ luật Hình sự; các Điều 584, 585, 586, 589 Bộ luật Dân sự:
Buộc bị cáo Điêu Thị L phải bồi thường cho bị hại Trường Văn A số tiền chiếm đoạt là 1.100.000.000đ (một tỷ một trăm triệu đồng).
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự.
3. Về vật chứng: Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 47 Bộ luật Hình sự; khoản 2 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự:
Tịch thu nộp ngân sách Nhà nước: 01 điện thoại di động nhãn hiệu ViVo màu xanh – đen, ốp màu trắng đã qua sử dụng được niêm phong trong một phong bì.
4. Về án phí: Căn cứ khoản 2 Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự; khoản 1, khoản 3 Điều 21, điểm a, điểm c khoản 1 Điều 23, Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án:
Buộc bị cáo Điêu Thị L phải chịu 200.000 đồng (hai trăm nghìn đồng) tiền án phí hình sự sơ thẩm và 45.000.000 đồng (bốn mươi lăm triệu đồng) tiền án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch, tổng cộng 45.200.000 đồng (bốn mươi lăm triệu hai trăm nghìn đồng).
5. Về quyền kháng cáo:
Bị cáo, bị hại được quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án (ngày 12/3/2024); những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa được quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết công khai.
“Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự”.
Bản án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản số 77/2024/HS-ST
Số hiệu: | 77/2024/HS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Sơn La |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 12/03/2024 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về