Bản án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản số 609/2021/HS-PT

TOÀ ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI

BẢN ÁN 609/2021/HS-PT NGÀY 24/11/2021 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Ngày 24 tháng 11 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 350/2021/TLHS-PT ngày 23 tháng 4 năm 2021 đối với bị cáo Lê Thị L1 do có kháng cáo của các người bị hại đối với Bản án số 35/2021/HS-ST ngày 12-3-2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An.

- Bị cáo bị kháng cáo:

Lê Thị L1 sinh ngày 08-01-1983; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và chỗ ở: xóm ĐL, xã TA, huyện TK, tỉnh Nghệ An; nghề nghiệp: khi phạm tội là nhân viên Bưu điện huyện TK, tỉnh Nghệ An; trình độ văn hóa: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nữ; tôn giáo: không; là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam đã bị đình chỉ sinh hoạt; quốc tịch: Việt Nam; con ông Lê Hồng C và bà Nguyễn Thị H; có chồng là Nguyễn Văn A và có 01 con; tiền án, tiền sự: không; bị bắt tạm giam ngày 11-3-2020; có mặt.

- Người bào chữa cho bị cáo: Luật sư Hoàng Trọng Đ - Văn phòng luật sư TĐ và Cộng sự, Đoàn luật sư tỉnh Nghệ An; có mặt.

- Bị hại kháng cáo:

1. Ông Nguyễn Văn N1 sinh năm 1964; trú tại: xóm XH, xã HS, huyện TK, tỉnh Nghệ An; vắng mặt.

2. Bà Lê Thị S sinh năm 1956; trú tại: xóm TT, xã TA, huyện TK, tỉnh Nghệ An; có mặt.

3. Bà Nguyễn Thị H1 sinh năm 1976; trú tại: xóm TB, xã TA, huyện TK, tỉnh Nghệ An; có mặt.

4. Ông Trần Văn H2 sinh năm 1963; trú tại: xóm LR, xã TH, huyện TK, tỉnh Nghệ An; có mặt.

5. Bà Đặng Thị T1 sinh năm 1956; trú tại: xóm NT, xã NP, huyện TK, tỉnh Nghệ An; có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

6. Ông Hoàng Ngọc V1 sinh năm 1946; trú tại: xóm HN, xã TA, huyện TK, tỉnh Nghệ An; vắng mặt.

7. Chị Đặng Thị T2 sinh năm 1982; trú tại: xóm TT, xã TA, huyện TK, tỉnh Nghệ An; có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

8. Bà Nguyễn Thị M1 sinh năm 1967; trú tại: xóm QT, xã HS, huyện TK, tỉnh Nghệ An; có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

9. Bà Thái Thị T3 sinh năm 1962; trú tại: xóm LR, xã TH, huyện TK, tỉnh Nghệ An; có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

10. Bà Nguyễn Thị L2 sinh năm 1964 và ông Phan Bá L3; đều trú tại:

xóm LB, xã ĐV, huyện TK, tỉnh Nghệ An. Ông Ly có mặt.

11. Bà Nguyễn Thị N2 sinh năm 1965; trú tại: xóm XH, xã HS, huyện TK, tỉnh Nghệ An; có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

12. Bà Võ Thị L4 sinh năm 1949; trú tại: xóm TB, xã TA, huyện TK, tỉnh N. Người đại diện theo ủy quyền: ông Phan Trung U trú tại: xóm TB, xã TA, huyện TK, tỉnh Nghệ An, có mặt.

13. Bà Trần Thị H3 sinh năm 1977; trú tại: xóm TT, xã TA, huyện TK, tỉnh Nghệ An; có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

14. Bà Trần Thị N3 sinh năm 1956; trú tại: xóm TT, xã TA, huyện TK, tỉnh Nghệ An; có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

15. Chị Nguyễn Thị P sinh năm 1983; trú tại: xóm TT, xã TA, huyện TK, tỉnh Nghệ An; có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

16. Ông Đặng Quang L5 sinh năm 1962; trú tại: xóm TH, xã TU, huyện TK, tỉnh Nghệ An; có mặt.

17. Bà Nguyễn Thị H4, sinh năm 1966; trú tại: xóm TH, xã HS, huyện TK, tỉnh Nghệ An; có mặt.

18. Chị Lê Thị H5 sinh năm 1986; trú tại: xóm ĐL, xã TA, huyện TK, tỉnh Nghệ An; vắng mặt.

19. Bà Nguyễn Thị T4 sinh năm 1966; trú tại: xóm DM, xã DV, huyện TK, tỉnh Nghệ An; có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

20. Bà Nguyễn Thị V2 sinh năm 1952; trú tại: xóm TT, xã TA, huyện TK, tỉnh Nghệ An; có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

21. Chị Đoàn Thị H6 sinh năm 1990; trú tại: xóm TT, xã TA, huyện TK, tỉnh Nghệ An, vắng mặt.

22. Bà Nguyễn Thị K sinh năm 1950; trú tại: xóm TT, xã TA, huyện TK, tỉnh Nghệ An; vắng mặt.

23. Bà Nguyễn Thị T5 sinh năm 1958; trú tại: xóm TT, xã TA, huyện TK, tỉnh Nghệ An; vắng mặt.

24. Chị Nguyễn Thị M2 sinh năm 1984; trú tại: xóm TT, xã TA, huyện TK, tỉnh Nghệ An; vắng mặt.

25. Chị Vũ Thị T6 sinh năm 1972; trú tại: xóm TT, xã TA, huyện TK, tỉnh Nghệ An; có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị hại (Lê Thị S, Nguyễn Thị H4, Đặng Thị T5, Nguyễn Thị M1, Trần Văn H2, Nguyễn Văn N1, Võ Thị L4 và Đặng Quang L5) gồm:

Luật sư Thái Sỹ O - Văn phòng luật sư NT, Đoàn Luật sư tỉnh Nghệ An; có mặt.

Luật sư Nguyễn Văn G - Công ty luật VT, Đoàn Luật sư tỉnh Nghệ An; có mặt.

- Người bị hại không kháng cáo:

+ Bà Trần Thị L6 sinh năm 1971; trú tại: xóm DM, xã DV, huyện TK, tỉnh Nghệ An.

+ Bà Nguyễn Thị L7 sinh năm 1969; trú tại: xóm HK, xã NP, huyện TK, tỉnh Nghệ An.

- Người làm chứng: các bà Đặng Thị H7, Trần Thị T7 và ông Nguyễn Anh T8, đều vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Lê Thị L1 được tuyển dụng vào làm việc Bưu điện huyện TK, tỉnh Nghệ An từ ngày 01-11-2006 theo Hợp đồng lao động số 192/HĐLĐ ngày 25-10- 2006 của Bưu điện tỉnh Nghệ An và được Bưu điện huyện TK giao nhiệm vụ làm giao dịch viên tại Bưu cục TA. Từ năm 2012, L1 được giao thêm nhiệm vụ làm giao dịch viên, dịch vụ tiết kiệm bưu điện tại Phòng giao dịch Bưu điện TA thuộc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện LV chi nhánh Nghệ An (đặt tại Bưu cục TA), có nhiệm vụ làm các thủ tục thu, nhận tiền của người dân đến gửi tiền tiết kiệm bưu điện tại Phòng giao dịch Bưu điện TA, đến ngày 19-4-2019 Phòng giao dịch Bưu điện TA chấm dứt mọi hoạt động dịch vụ tiết kiệm bưu điện. Từ năm 2015, L1 đã vay mượn nhiều tiền của một số người dân trên địa bàn xã TA và các xã lân cận để phục vụ cho việc chữa bệnh của bản thân, đến cuối năm 2017 không có khả năng trả nợ nên khi bị đòi nợ L1 đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của một số người dân đến giao dịch gửi tiền tiết kiệm tại Phòng giao dịch Bưu điện TA. Để thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền của người dân L1 đã chuẩn bị sẵn một số sổ tay nhỏ có kích thước khoảng (10x7) cm, bìa bằng ni lông, khi có người dân đến gửi hoặc rút tiền tiết kiệm, Lê Thị L1 đưa ra thông tin giả “Hiện nay Ngân hàng đang có chương trình khuyến mại với lãi suất cao từ 0,6% đến 01% trên một tháng, nhưng không được in sổ tiết kiệm", để người dân tin tưởng và đồng ý gửi tiền theo chương trình khuyến mãi, sau khi nhận tiền từ người dân, kiểm đếm xong thì L1 dùng sổ đã chuẩn bị sẵn, viết giấy xác nhận đã thu tiền của người dân, thời hạn gửi, lãi suất theo chương trình khuyến mại, sau đó ký tên và đóng dấu Phòng giao dịch hoặc dấu nhật ấn của Bưu cục rồi đưa cho người dân cất giữ (mục đích làm cho người dân tin tưởng). Để gây lòng tin cho người dân và che đậy việc trả nợ hàng tháng đến thời hạn lấy tiền lãi suất, L1 tính tiền lãi suất và cho người dân rút tiền lãi về còn tiền gốc tiếp tục gửi theo chương trình khuyến mại, có người sau khi được L1 tính tiền lãi xong thì nhập với tiền gốc, cộng thêm tiền đưa từ nhà đến để tiếp tục gửi theo chương trình khuyến mại.

Mặc dù, sau ngày 19-4-2019 Phòng giao dịch TA chấm dứt mọi hoạt động nhưng L1 không thông báo mà tiếp tục thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền của người dân. Với phương thức thủ đoạn trên, từ ngày 13-12-2017 đến ngày 31-12-2019, Lê Thị L1 đã chiếm đoạt tiền của 27 người, với tổng số tiền 9.324.600.000 đồng. Cụ thể như sau:

- Vụ thứ 1: ngày 13-12-2017, ông Nguyễn Văn N1 trú tại xóm XH, xã HS, huyện TK, tỉnh Nghệ An đến Bưu cục TA gặp L1 để làm thủ tục gửi tiền tiết kiệm. Do tin tưởng thông tin L1 đưa ra nên trong thời gian từ ngày 13-12-2017 đến ngày 13-12-2019 ông N1 đồng ý gửi tiền theo “chương trình khuyến mãi” rồi đưa cho L1 số tiền 140.000.000 đồng. Sau khi chiếm đoạt tiền của ông N1, L1 đem vào sử dụng chi tiêu cá nhân hết, hiện nay chưa trả cho ông N1. Ông N1 có đơn yêu cầu bị cáo L1 bồi thường 140.000.000 đồng.

- Vụ thứ 2: ngày 02-6-2018, bà Lê Thị S trú tại xóm TT, xã TA, huyện TK, tỉnh Nghệ An đến Bưu cục TA gặp L1 để làm thủ tục gửi tiền tiết kiệm. Do tin tưởng L1 và những thông tin L1 đưa ra nên trong thời gian từ ngày 02-6- 2018 đến ngày 11-10-2019 bà S đồng ý tham gia gửi tiền “chương trình khuyến mại” và bị L1 chiếm đoạt tổng số tiền 4.360.000.000 đồng. Sau khi chiếm đoạt tiền của bà S, L1 đã đem vào sử dụng chi tiêu cá nhân hết và hiện nay chưa trả cho bà S. Bà S có đơn yêu cầu L1 bồi thường số tiền 4.360.000.000 đồng.

- Vụ thứ 3: ngày 20-11-2018, bà Nguyễn Thị H1, trú tại xóm TT, xã TA, huyện TK, tỉnh Nghệ An đến Bưu cục TA gặp L1 để làm thủ tục gửi tiền tiết kiệm. Do tin tưởng L1 và thông tin L1 đưa ra nên trong thời gian từ ngày 20-11- 2018 đến ngày 20-11-2019 bà H1 đồng ý gửi tiền theo “Chương trình khuyến mại” và đã gửi cho L1 số tiền 910.000.000 đồng, trong đó 835.650.000 đồng là tiền gốc bà H1 gửi, còn lại là tiền lãi suất khi đến hạn bị cáo L1 tính cho bà H1 nhưng bà H1 không rút mà cộng gộp vào tiếp tục gửi. Sau khi chiếm đoạt tiền bà H1, bị cáo đã sử dụng chi tiêu cá nhân hết và hiện chưa trả lại nên bà H1 có đơn yêu cầu L1 phải trả lại 835.650.000 đồng.

- Vụ thứ 4: ngày 10-01-2019, ông Trần Văn H2 trú tại xóm LR, xã TH, huyện TK, tỉnh Nghệ An đến Bưu cục TA gặp Lê Thị L1 để làm thủ tục gửi tiền tiết kiệm, số tiền 100.000.000 đồng. Thời điểm này, L1 biết mình không có khả năng trả nợ, tuy nhiên do có ý định chiếm đoạt tiền của ông H2 nên L1 đã thuyết phục ông H2 cho L1 vay số tiền đó với lãi suất 1,5%/tháng, thời hạn 12 tháng, khi nào cần thì L1 trả lại. Do tin tưởng nên ông H2 đồng ý, bị cáo L1 viết giấy xác nhận vay tiền với nội dung “ngày 10/1/2019 vay của ông Trần Văn H2 số tiền 100.000.000 đồng với lãi suất 1,5%/tháng, thời hạn vay 12 tháng", sau đó ký tên rồi đưa cho ông H2 giữ.

Ngày 18-12-2019, L1 đã chủ động đến nhà ông H2 để thuyết phục vợ chồng ông H2 cho vay tiếp số tiền 20.000.000 đồng, nhằm mục đích chiếm đoạt tiền của ông H2. Do tin tưởng L1 nên ông H2 đồng ý và không yêu cầu L1 viết giấy vay tiền. Sau khi chiếm đoạt của ông H2, L1 đã đem sử dụng chi tiêu cá nhân và hiện nay chưa trả cho ông H2. Ông H2 có đơn yêu cầu L1 phải trả lại số tiền 120.000.000 đồng.

- Vụ thứ 5: ngày 21-01-2019, bà Đặng Thị T1 trú tại xóm NT, xã NP, huyện TK, tỉnh Nghệ An đến Bưu cục TA gặp L1 để làm thủ tục gửi tiền tiết kiệm. Do tin tưởng L1 và thông tin L1 đưa ra nên trong thời gian từ ngày 21-01- 2019 đến ngày 22-10-2019 bà T1 đồng ý gửi tiền theo “chương trình khuyến mãi” với số tiền 156.000.000 đồng. Sau khi chiếm đoạt của bà T1, L1 đã chi tiêu cá nhân hết và hiện chưa trả cho bà T1. Bà T1 có đơn yêu cầu L1 phải trả lại số tiền 156.000.000 đồng.

- Vụ thứ 6: ngày 14-02-2019, ông Hoàng Ngọc V1 trú tại xóm HN, xã TA, huyện TK đến Bưu cục TA gặp L1 làm thủ tục gửi tiền tiết kiệm. Do tin tưởng L1 và thông tin L1 đưa ra nên ông V1 đã đồng ý, trong thời gian từ ngày 14-02-2019 đến ngày 04-10-2019 đã đưa số tiền 176.000.000 đồng cho L1. Sau khi chiếm đoạt của ông V1, L1 đã chi tiêu cá nhân hết và hiện nay chưa trả cho ông V1. Ông V1 có đơn yêu cầu L1 trả lại số tiền 176.000.000 đồng.

- Vụ thứ 7: ngày 12-3-2019, chị Đặng Thị T2 trú tại xóm TT, xã TA, huyện TK, tỉnh Nghệ An đến Bưu cục TA gặp L1 để làm thủ tục gửi tiền tiết kiệm. Do tin tưởng vào lời nói của L1 và thông tin L1 đưa ra nên từ ngày 12-3- 2019 đến ngày 24-12-2019 chị T2 đã gửi tiền cho L1 212.600.000 đồng. Sau khi chiếm đoạt tiền của chị T2, L1 đã chi tiêu cá nhân và hiện chưa trả cho chị T2. Chị T2 có đơn yêu cầu L1 trả lại số tiền gốc là 200.000.000 đồng.

- Vụ thứ 8: ngày 25-3-2019, bà Nguyễn Thị M1 trú tại xóm QT, xã HS, huyện TK, tỉnh Nghệ An đến Bưu cục TA gặp Lê Thị L1 để làm thủ tục gửi tiền tiết kiệm. Do tin tưởng L1 và thông tin L1 đưa ra nên trong thời gian từ ngày 25- 3-2019 đến ngày 25-9-2019 bà M1 đồng ý gửi tiền theo “chương trình khuyến mãi” với tổng số tiền 81.000.000 đồng. Sau khi chiếm đoạt của bà M1, L1 đã chi tiêu cá nhân và hiện nay chưa trả cho bà M1. Bà M1 có đơn yêu cầu L1 trả lại số tiền 81.000.000 đồng.

- Vụ thứ 9: ngày 01-4-2019, bà Thái Thị T3 trú tại xóm LR, xã TH, huyện TK, tỉnh Nghệ An đến Bưu cục TA gặp L1 để làm thủ tục gửi tiền tiết kiệm. Do tin tưởng L1 và thông tin L1 đưa ra nên trong thời gian từ ngày 01-4-2019 đến ngày 13-12-2019 bà T3 đồng ý, gửi tiền theo “chương trình khuyến mãi” cho L1 số tiền 659.000.000 đồng. Sau khi chiếm đoạt của bà T3, L1 đã chi tiêu cá nhân hết và hiện chưa trả cho bà T3. Bà T3 có đơn yêu cầu L1 trả lại số tiền 659.000.000 đồng.

- Vụ thứ 10: vào ngày 11-5-2019, ông Phan Bá L3 trú tại xóm LB, xã ĐV, huyện TK, tỉnh Nghệ An cùng với vợ là bà Nguyễn Thị L2, sinh năm 1964 đến Bưu cục TA gặp Lê Thị L1 để làm thủ tục gửi tiền tiết kiệm, số tiền 70.000.000 đồng. Do tin tưởng L1 và thông tin L1 đưa ra nên trong thời gian từ ngày 11-5- 2019 đến ngày 11-11-2019 ông L3 đồng ý gửi tiền theo “chương trình khuyến mãi” và bị L1 chiếm đoạt tổng số tiền 70.000.000 đồng. Sau khi chiếm đoạt của ông L3, L1 đã chi tiêu cá nhân hết và hiện chưa trả cho ông L3. Ông L3 và bà L2 có đơn yêu cầu L1 bồi thường 70.000.000 đồng.

- Vụ thứ 11: ngày 25-5-2019, bà Nguyễn Thị N2 trú tại xóm XH, xã TA, huyện TK, tỉnh Nghệ An đến Bưu cục TA gặp Lê Thị L1 để làm thủ tục gửi tiền tiết kiệm. Do tin tưởng L1 và thông tin L1 đưa ra nên bà N2 đồng ý để L1 viết xác nhận việc bà N2 đã gửi tiền vào một quyển sổ tay nhỏ giao cho bà N2 giữ, trong đó thể hiện số tiền gửi, kỳ hạn gửi, sau đó L1 ký tên và sử dụng dấu nhật ấn của Bưu cục TA đóng lên chữ ký của mình. Sau khi chiếm đoạt của bà N2, L1 đã đem sử dụng chi tiêu cá nhân hết, hiện chưa trả cho bà N2. Bà N2 có đơn yêu cầu L1 trả lại số tiền 70.000.000 đồng.

- Vụ thứ 12: ngày 02-6-2019, bà Võ Thị L4 trú tại xóm TB, xã TA, huyện TK, tỉnh Nghệ An đến Bưu cục TA gặp L1 để làm thủ tục gửi tiền tiết kiệm. Do tin tưởng L1 và thông tin L1 đưa ra trong thời gian từ ngày 02-6-2019 đến ngày 21-12-2019 bà L4 đồng ý, gửi tiền theo “Chương trình khuyến mãi” cho L1 1.070.000.000 đồng. Sau khi chiếm đoạt của bà L4, L1 đã đem sử dụng chi tiêu cá nhân hết, hiện chưa trả cho bà L4. Bà L4 có đơn yêu cầu L1 trả lại số tiền 1.070.000.000 đồng.

- Vụ thứ 13: ngày 25-7-2019, bà Trần Thị L6 trú tại xóm DM, xã DV, huyện TK, tỉnh Nghệ An đến Bưu cục TA gặp Lê Thị L1 để làm thủ tục gửi tiền tiết kiệm. Do tin tưởng L1 nên chị Lan ra về. Sau đó bà L6 đến Bưu cục TA nhiều lần để hỏi sổ tiết kiệm nhưng L1 đều lấy lý do hệ thống máy tính đang bị lỗi, chưa in được sổ, và hẹn bà L6 khi nào có sổ tiết kiệm thì gọi bà L6 đến lấy. Trên thực tế L1 không thực hiện gửi số tiền 32.100.000 đồng vào hệ thống ngân hàng, nhằm mục đích chiếm đoạt tiền của bà L6. Sau khi chiếm đoạt của bà L6, L1 đã chi tiêu cá nhân và hiện nay chưa trả cho bà L6. Bà L6 có đơn yêu cầu L1 trả lại số tiền 32.100.000 đồng.

- Vụ thứ 14: ngày 12-8-2019, bà Trần Thị H3 trú tại xóm TT, xã TA, huyện TK đến Bưu cục TA gặp Lê Thị L1 để làm thủ tục gửi tiền tiết kiệm. Do tin tưởng L1 nên bà H3 đồng ý và đưa cho L1 50.000.000 đồng. Đến tháng 12/2019, bà H3 đến Bưu điện TA và L1 đã đưa cho bà H3 số tiền 18.500.000 đồng. Để tạo thêm lòng tin, L1 viết giấy vay tiền, sau đó ký tên và sử dụng dấu nhật ấn của Bưu cục TA đóng lên chữ ký của mình đưa cho bà H3 giữ. Sau khi chiếm đoạt tiền của bà H3, L1 đã đem sử dụng chi tiêu cá nhân hết và hiện chưa trả cho bà H3. Bà H3 có đơn yêu cầu L1 trả lại số tiền 31.500.000 đồng.

- Vụ thứ 15: trong thời gian từ ngày 17-8-2019 đến ngày 19-11-2019, bà Trần Thị N3 trú tại xóm TP, nay là xóm TT, xã TA, huyện TK nhiều lần đến Bưu cục TA gặp Lê Thị L1 để làm thủ tục gửi tiền tiết kiệm. Thời điểm này, Phòng giao dịch Bưu điện TA đã dừng hoạt động, tuy nhiên do có ý định chiếm đoạt tiền gửi của bà N3 nên L1 không thông báo mà chỉ nói với bà N3 “dì gửi đây khi nào cần rút thì rút”. L1 xác nhận việc nhận tiền vào một quyển sổ tay nhỏ giao cho bà N3 giữ, trong đó thể hiện số tiền gửi, kỳ hạn gửi, sau đó L1 ký tên và sử dụng dấu nhật ấn của Bưu cục TA đóng lên chữ ký của mình. Sau khi chiếm đoạt của bà N3, L1 đã chi tiêu cá nhân hết, hiện chưa trả cho bà N3. Bà N3 có đơn yêu cầu L1 trả lại số tiền 155.000.000 đồng.

- Vụ thứ 16: ngày 21-8-2019, Lê Thị L1 tiếp tục chiếm đoạt của chị Nguyễn Thị P trú tại xóm TT, nay là xóm TT, xã TA, huyện TK, tỉnh Nghệ An với số tiền 100.000.000 đồng. Do tin tưởng thông tin L1 đưa ra nên chị P đồng ý, L1 đã viết cho chị P một giấy vay tiền thể hiện nội dung: “ngày 21/08/2019, L1 đã vay của chị Phương với số tiền 100.000.000 đồng, với lãi suất 1%/tháng, thời hạn gửi là 6 tháng", sau đó ký tên và đóng dấu nhật ấn của Bưu cục TA lên chữ ký của mình để tạo thêm lòng tin, rồi đưa cho chị P mang về. Sau khi chiếm đoạt tiền của chị P, L1 đã chi tiêu cá nhân hết và hiện chưa trả cho chị Phương. Chị P có đơn yêu cầu L1 trả lại số tiền 100.000.000 đồng.

- Vụ thứ 17: ngày 17-10-2019, ông Đặng Quang L5 trú tại xóm TH, xã HS, huyện TK, tỉnh Nghệ An đến Bưu cục TA gặp Lê Thị L1 để làm thủ tục gửi tiền tiết kiệm. Do tin tưởng L1 và thông tin L1 đưa ra nên trong thời gian từ ngày 17-10-2019 đến ngày 13-12-2019 ông L5 đồng ý gửi tiền theo “chương trình khuyến mãi” và bị L1 chiếm đoạt tổng số tiền 92.000.000 đồng. Sau khi chiếm đoạt của ông L5, L1 đã chi tiêu cá nhân hết, hiện chưa trả cho ông L5. Ông L5 có đơn yêu cầu L1 trả lại số tiền 92.000.000 đồng.

- Vụ thứ 18: ngày 17-10-2019, bà Nguyễn Thị L7 trú tại xóm NT, xã NP, huyện TK, tỉnh Nghệ An đến Bưu cục TA gặp Lê Thị L1 để tính lãi suất gửi tiền tiết kiệm tại Ngân hàng TMCP Bưu điện LV. Do tin tưởng L1 và thông tin L1 đưa ra nên chị L7 đã làm thủ tục rút toàn bộ số tiền hiện đang có trong các sổ tiết kiệm là 460.000.000 đồng để tham gia “chương trình khuyến mãi”. Để tạo thêm lòng tin, L1 viết xác nhận việc nhận tiền vào một quyển sổ tay nhỏ với nội dung:Ngày 22/10/2019. Lê Thị L-BĐ TA nhận 460.000.000 đồng (Bốn trăm sáu mươi triệu đồng) của Nguyễn Thị L7 NP gửi 1 tháng”, sau đó L1 ký tên và sử dụng dấu nhật ấn của Bưu cục TA đóng lên chữ ký của mình rồi giao cho chị L7 giữ. Sau khi chiếm đoạt tiền của chị Lan, L1 đã chi tiêu cá nhân hết và hiện chưa trả cho chị L7. Chị L7 có đơn yêu cầu L1 trả lại số tiền 460.000.000 đồng.

- Vụ thứ 19: ngày 29-10-2019, bà Nguyễn Thị H4 trú tại xóm TH, xã HS, huyện TK, tỉnh Nghệ An đến Bưu cục TA gặp Lê Thị L1 để gửi tiền tiết kiệm, số tiền 30.000.000 đồng. Thời điểm này, L1 biết mình không có khả năng trả nợ, tuy nhiên do có ý định chiếm đoạt tiền của bà H4 nên L1 đã thuyết phục bà H4 cho L1 vay một thời gian sau đó sẽ gửi vào tiết kiệm. Do tin tưởng L1 nên bà H4 đồng ý, L1 viết cho bà H4 một giấy vay tiền với nội dung “vào ngày 29/10/2019 L1 đã vay của chị H4 với số tiền 30.000.000 đồng (Ba mươi triệu đồng)”, sau đó ký tên và đóng dấu nhật ấn của Bưu cục TA lên chữ ký của mình để tạo thêm lòng tin rồi đưa cho chị H4 mang về.

Ngày 06-12-2019, bà Nguyễn Thị H4 đến Bưu cục TA gặp L1 để tiếp tục gửi 40.000.000 đồng tiền tiết kiệm. Thời điểm này, Phòng giao dịch Bưu điện TA đã dừng hoạt động, tuy nhiên do có ý định chiếm đoạt tiền gửi của bà H4 nên L1 không thông báo mà đưa thủ tục gửi tiền cho bà H4 viết. Bà H4 viết xong đưa tiền cho L1 kiểm đếm thì L1 lấy lý do mạng bị nghẽn chưa nhập được thông tin vào phần mềm. L1 nói bà H4 ký khống vào ba tờ giấy được cắt nhỏ, sau đó L1 cất đi và nói sáng mai lên lấy sổ tiết kiệm. Do tin tưởng L1 và thông tin L1 đưa ra nên bà H4 đồng ý. Thời gian sau đó L1 lấy nhiều lý do để trốn tránh khi bà H4 hỏi sổ tiết kiệm. Sau khi chiếm đoạt của bà H4, L1 đã chi tiêu cá nhân hết và hiện chưa trả cho bà H4. Bà H4 có đơn yêu cầu L1 trả lại số tiền 70.000.000 đồng.

- Vụ thứ 20: ngày 25-11-2019, chị Lê Thị H5 trú tại xóm ĐL, xã TA, huyện TK, tỉnh Nghệ An đến Bưu cục TA gặp Lê Thị L1 để làm thủ tục gửi tiền tiết kiệm, số tiền 55.000.000 đồng. Thời điểm này, Phòng giao dịch Bưu điện TA đã dừng hoạt động, tuy nhiên do có ý định chiếm đoạt tiền gửi của chị H5 nên L1 không thông báo mà đưa thủ tục gửi tiền cho chị H5 viết. Sau khi viết xong, chị H5 đưa tiền cho L1 kiểm đếm thì L1 nói "chị về đi mai lên ký rồi lấy sổ tiết kiệm về". Ngày 26-11-2019 chị H5 đến gặp L1 để hỏi sổ tiết kiệm, nhưng L1 nói "Giám đốc đi vắng chưa ký được sổ tiết kiệm" rồi hẹn chị H5 hôm sau. Những ngày tiếp theo chị H5 đến gặp L1 để hỏi sổ tiết kiệm thì L1 lấy nhiều lý do để trốn tránh. Đến ngày 02-12-2019, khi chị H5 yêu cầu trả lại tiền thì L1 nói tiền đã nhập vào hệ thống và đề nghị viết giấy vay tiền cho chị H5 yên tâm. Do tin tưởng L1 nên chị H5 đồng ý, L1 viết giấy vay tiền với nội dung “vay của chị H5 số tiền 55.000.000 đồng (Năm mươi lăm triệu), lãi suất 1,5%/tháng ”, sau đó ký tên đưa cho chị H5 mang về. Sau khi chiếm đoạt tiền của chị H5, L1 đã đem sử dụng chi tiêu cá nhân hết và hiện chưa trả cho chị H5 được. Chị H5 có đơn yêu cầu L1 trả lại số tiền 55.000.000 đồng.

- Vụ thứ 21: ngày 26-11-2019, bà Nguyễn Thị T4 trú tại xóm DM, xã DV, huyện TK, tỉnh Nghệ An đến Bưu cục TA gặp Lê Thị L1 để làm thủ tục gửi tiền tiết kiệm. Do tin tưởng L1 nên bà T4 đồng ý. Để tạo thêm lòng tin, L1 viết giấy vay tiền với nội dung: “ngày 26/11/2019 vay của chị Thủy số tiền 39.000.000 đồng (Ba mươi chín triệu đồng) với lãi suất 1,5%/tháng”, sau đó L1 ký tên và sử dụng dấu nhật ấn của Bưu cục TA đóng lên chữ ký của mình đưa cho bà T4 giữ. Sau khi chiếm đoạt của chị T4, L1 đã đem sử dụng chi tiêu cá nhân hết và hiện chưa trả cho chị T4. Bà T4 có đơn yêu cầu L1 trả lại số tiền 39.000.000 đồng.

- Vụ thứ 22: ngày 28-11-2019, bà Nguyễn Thị V2 trú tại xóm TT, xã TA, huyện TK, tỉnh Nghệ An đến Bưu cục TA gặp Lê Thị L1 để làm thủ tục gửi tiền tiết kiệm, số tiền 90.000.000 đồng. Thời điểm này, Phòng giao dịch Bưu điện TA đã dừng hoạt động nhưng do có ý định chiếm đoạt tiền gửi của bà V2 nên L1 không thông báo mà vẫn nhận tiền gửi của bà V2. Để tạo lòng tin, L1 viết xác nhận vào một quyển sổ màu đen với nội dung “nhận của bà V2 số tiền 90.000.000 đồng (Chín mươi triệu), gửi trong 1 tháng”, sau đó L1 ký tên, đóng dấu nhật ấn của Bưu cục TA lên chữ ký của mình rồi đưa cho bà V2 mang về. Sau khi chiếm đoạt tiền của chị V2, L1 đã chi tiêu cá nhân hết và hiện chưa trả cho chị V2. Bà V2 có đơn yêu cầu L1 trả lại số tiền 90.000.000 đồng.

- Vụ thứ 23: ngày 02-12-2019, chị Đoàn Thị H6 trú tại xóm TT, xã TA, huyện TK, tỉnh Nghệ An đến Bưu cục TA gặp Lê Thị L1 để làm thủ tục gửi tiền tiết kiệm. Thời điểm này, Phòng giao dịch Bưu điện TA đã dừng hoạt động, tuy nhiên do có ý định chiếm đoạt tiền gửi của chị H6 nên L1 không thông báo, L1 nói với chị H6 số tiền gửi ít, thủ tục phức tạp và thuyết phục chị H6 cho L1 vay số tiền đó, khi nào cần thì L1 trả lại, mặc dù thời điểm này L1 biết bản thân không còn khả năng trả nợ. Do tin tưởng L1 nên chị H6 đồng ý. Để tạo thêm lòng tin, L1 viết giấy vay tiền với nội dung: “ngày 02/12/2019 vay của chị Đoàn Thị H6 số tiền 40.000.000 đồng (bốn mươi triệu đồng)”, sau đó L1 ký tên và sử dụng dấu ấn của Bưu cục TA đóng lên chữ ký của mình đưa cho chị H6 giữ. Sau khi chiếm đoạt tiền của chị H6, L1 đã chi tiêu cá nhân hết và hiện chưa trả cho chị H6. Chị H6 có đơn yêu cầu L1 trả lại số tiền 40.000.000 đồng.

- Vụ thứ 24: ngày 03-12-2019, bà Nguyễn Thị K trú tại xóm TT, xã TA, huyện TK, tỉnh Nghệ An đến Bưu cục TA gặp Lê Thị L1 để làm thủ tục gửi tiền tiết kiệm, số tiền 67.000.000 đồng. Thời điểm này, Phòng giao dịch Bưu điện TA đã dừng hoạt động, tuy nhiên do có ý định chiếm đoạt tiền gửi của bà K nên L1 không thông báo mà đưa thủ tục gửi tiền cho bà K viết. Sau khi viết xong, bà K đưa tiền cho L1 kiểm đếm thì L1 hẹn bà K ba ngày sau quay lại Bưu cục TA để nhận sổ tiết kiệm. Ngày 06-12-2019, bà K đến Bưu cục TA lấy sổ tiết kiệm thì L1 nói với bà K: “tiền đã giao cho Ngân hàng Bưu điện chi nhánh Thị trấn TK, nhưng máy in ở chi nhánh Thị trấn TK bị hỏng nên chưa in được sổ tiết kiệm”. Để bà K tin tưởng hơn, L1 đã viết giấy xác nhận đề ngày 03/12/2019 với nội dung: “L1 đã nhận số tiền 67.000.000 đồng (Sáu mươi bảy triệu đồng) từ bà K gửi 12 tháng chưa lấy sổ tiết kiệm”, sau đó L1 ký tên và sử dụng dấu nhật ấn của Bưu cục TA đóng lên chữ ký của mình, giao cho bà K giữ. Thực tế L1 không thực hiện gửi tiền vào hệ thống ngân hàng nhằm mục đích chiếm đoạt tiền của bà K. Sau khi chiếm đoạt tiền của bà K, L1 đã chi tiêu cá nhân hết và hiện chưa trả cho bà K. Bà K có đơn yêu cầu L1 trả lại số tiền 67.000.000 đồng.

- Vụ thứ 25: ngày 04-12-2019, bà Nguyễn Thị T5 trú tại xóm xóm TT, xã TA, huyện TK, tỉnh Nghệ An đến Bưu cục TA gặp Lê Thị L1 để làm thủ tục gửi tiền tiết kiệm. Do tin tưởng L1 nên bà T5 đồng ý. Để tạo thêm lòng tin, L1 viết giấy vay tiền với nội dung: “ngày 04/12/2019 vay của bà T5 số tiền 23.000.000 đồng (hai mươi ba triệu đồng) với lãi suất 1%/tháng”, sau đó L1 ký tên và sử dụng dấu nhật ấn của Bưu cục TA đóng lên chữ ký của mình đưa cho bà T5 giữ.

Sau khi chiếm đoạt tiền của bà T5, L1 đã chi tiêu cá nhân hết và hiện chưa trả cho bà T5. Bà T5 có đơn yêu cầu L1 trả lại số tiền 23.000.000 đồng.

- Vụ thứ 26: ngày 18-12-2019, chị Nguyễn Thị M2 trú tại xóm TT, xã TA, huyện TK, tỉnh Nghệ An đến bưu cục TA gặp Lê Thị L1 để chuyển khoản cho khách hàng số tiền 25.000.000 đồng. Do có ý định chiếm đoạt số tiền trên của chị M2 nên L1 đã nói với chị M2 hệ thống đang bị lỗi và đề nghị chị M2 để tiền lại, khi nào chuyển khoản được L1 sẽ báo, đồng thời L1 viết giấy vay tiền cho chị M2 giữ để đảm bảo. Do tin tưởng thông tin L1 đưa ra nên chị M2 đồng ý, L1 viết giấy xác nhận với nội dung: “ngày 18/12/2019 vay của chị M2 số tiền 25.000.000 đồng (Hai mươi lăm triệu đồng)”, L1 ký tên, đưa cho chị M2. Tuy nhiên sau đó chị M2 đã lấy lại 10.000.000 đồng (Mười triệu), còn lại 15.000.000 đồng đến nay L1 chưa trả cho chị M2. Sau khi chiếm đoạt tiền của chị M2, L1 đã đem sử dụng chi tiêu cá nhân hết. Chị M2 có đơn yêu cầu L1 trả lại số tiền 15.000.000 đồng.

- Vụ thứ 27: ngày 23-12-2019, bà Vũ Thị T6 trú tại xóm Thôn S, xã TL, huyện HL, tỉnh T; tạm trú tại xóm TT, xã TA, huyện TK, tỉnh Nghệ An đến Bưu cục TA gặp Lê Thị L1 để gửi tiền học cho con với số tiền 20.000.000 đồng. Thời điểm này, L1 biết mình không có khả năng trả nợ, tuy nhiên do có ý định chiếm đoạt tiền của bà T6 nên L1 đã thuyết phục bà T6 cho L1 vay mượn số tiền đó trong vòng 2 đến 3 ngày, khi nào bà T6 yêu cầu thì L1 sẽ chuyển số tiền đó vào tài khoản của con bà T6. Do tin tưởng L1 nên bà T6 đồng ý. Để tạo thêm lòng tin, L1 viết xác nhận vay tiền vào quyển vở ô li với nội dung: “ngày 23/12/2019 L1 đã vay của chị T6 với số tiền 20.000.000 đồng (Hai mươi triệu đồng)", sau đó ký tên rồi đưa cho bà T6. Số tiền chiếm đoạt của bà T6, L1 chi tiêu cá nhân hết. Bà T6 có đơn yêu cầu L1 trả lại số tiền 20.000.000 đồng.

Số tiền chiếm đoạt được của các bị hại, theo bị cáo L1 khai nhận đã sử dụng để trả tiền nợ, tiền lãi suất cho những người mà bị cáo đã vay từ trước (chiếm đoạt của người sau trả cho người trước), một phần bị cáo L1 sử dụng chi tiêu cá nhân.

Về dân sự: các bị hại đều có đơn yêu cầu bị cáo Lê Thị L1 bồi thường tổng số tiền bị chiếm đoạt là 9.301.600.000 đồng.

Tại Cáo trạng số 227/VKS - P3 ngày 17-11-2020, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An truy tố Lê Thị L1 về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm a khoản 4 Điều 174 Bộ luật hình sự về hành vi chiếm đoạt của các bị hại tổng số 9.324.200.000 đồng.

Tại Bản án số 35/2021/HSST ngày 12-3-2021, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đã áp dụng điểm a khoản 4 Điều 174; điểm s khoản 1 Điều 51; các điểm c, g khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự; xử phạt Lê Thị L1 tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 11 -3-2020.

Về dân sự: áp dụng Điều 48 Bộ luật hình sự, Điều 584 Bộ luật dân sự, buộc bị cáo Lê Thị L1 bồi thường cho 27 bị hại tổng số 9.301.600.000 đồng.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí theo quy định.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 19-3-2021, có 25 người bị hại có đơn kháng cáo; đều có nội dung đề nghị giải quyết lại vụ án; xem xét trách nhiệm liên quan của cán bộ bưu điện, ngân hàng trong việc quản lý đơn vị để xảy ra vụ án; xác minh, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trả lại bị hại.

Tại phiên tòa:

Các bị hại kháng cáo có mặt tại phiên tòa và các bị hại có đơn đề nghị xét xử vắng mặt đề nghị chấp nhận kháng cáo hủy bản án sơ thẩm để giải quyết lại vụ án, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người bị hại.

Bị cáo Lê Thị L1 khai nhận hành vi phạm tội; sau khi xét xử sơ thẩm bị cáo không kháng cáo. Bị cáo khai có sử dụng một phần tiền chiếm đoạt của bị hại nộp vào quỹ bưu điện để bù khoản thiếu hụt quỹ trước đó và sử dụng trả một số khoản nợ cá nhân; khoản vay ngoài; hiện nay không có khả năng trả tiền cho các bị hại.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có ý kiến về các nội dung chủ yếu sau đây:

- Về tội danh đối với Lê Thị L1: hành vi của Lê Thị L1 có dấu hiệu phạm 02 tội ở hai giai đoạn khác nhau. Cụ thể: tại giai đoạn Lê Thị L1 được giao nhiệm vụ là giao dịch viên dịch vụ tiết kiệm bưu điện và được giao nhiệm vụ giữ, sử dụng con dấu của Phòng giao dịch bưu điện TA; bị cáo đã lợi dụng nhiệm vụ được giao, nhân danh đơn vị lừa dối khác hàng, sử dụng con dấu của Phòng giao dịch bưu điện đóng vào giấy nhận tiền giao cho khách hàng chiếm đoạt tài sản của người khác. Hành vi của bị cáo trong giai đoạn này có dấu hiệu của tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 355 Bộ luật hình sự. Sau ngày 19-4-2019, Phòng giao dịch bưu điện TA chấm dứt hoạt động, con dấu của Phòng giao dịch đã được thu hồi nhưng bị cáo đã có thủ đoạn gian dối hứa hẹn khách hàng gửi tiền với lãi suất cao … chiếm đoạt tài sản của khách hàng. Hành vi của bị cáo trong giai đoạn này có dấu hiệu của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự; việc các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ xử lý bị cáo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là không đúng.

- Về dấu hiệu hình sự hóa quan hệ dân sự: hồ sơ vụ án thể hiện có 08 trường hợp khách hàng đến bưu điện gửi tiền tiết kiệm nhưng bị cáo đã đề nghị cho bị cáo vay tiền có trả lãi; các khách hàng đã đồng ý cho bị cáo vay với tổng số tiền gốc là 403.500.000 đồng; đây là giao dịch dân sự tự nguyện, không bị lừa dối. Các cơ quan tiến hành tố tụng kết luận bị cáo chiếm đoạt số tiền nêu trên là không đúng.

- Về phạm vi xử lý vụ án: ông Nguyễn Anh T8 là Giám đốc Bưu điện huyện TK có nhiệm vụ quản lý về nhân sự và điều hành hoạt động tại đơn vị nhưng tại Phòng giao dịch không có kiểm soát viên thực tế kiểm soát hoạt động giao dịch mà chỉ kiểm soát trên chứng từ, Lê Thị L1 là giao dịch viên nhưng lại được giao quản lý, sử dụng con dấu của Phòng giao dịch; đây là một trong những nguyên nhân để Lê Thị L1 lợi dụng, thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hành vi của ông Nguyễn Anh T8 có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý nhà nước đối với hoạt động của đơn vị. Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát đã có kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý đối với ông T8. Tòa án cấp sơ thẩm nhận định không có căn cứ chứng minh ông T8 đã buông lỏng quản lý tại đơn vị là không đúng.

- Về việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt: trong quá trình điều tra và tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo khai có sử dụng một phần tài sản chiếm đoạt của các bị hại nộp vào quỹ Bưu điện TK để bù khoản tiền quỹ bị thiếu hụt trước đó. Các cơ quan tiến hành tố tụng không thu hồi số tiền này để trả lại bị hại là không đúng.

Ngoài ra, đại diện Viện kiểm sát còn đề nghị xem xét lại số liệu khoản tiền bị cáo bị quy kết chiếm đoạt giữa Cáo trạng, Bản kết luận điều tra và Bản án sơ thẩm còn chưa thống nhất.

Với các lý do trên đề nghị hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.

Các luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các bị hại và luật sư bào chữa cho bị cáo đề nghị chấp nhận kháng cáo của các bị hại và ý kiến của Kiểm sát viên tại phiên tòa hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại giải quyết triệt để vụ án.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được kiểm tra, tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy:

Lê Thị L1 là giao dịch viên Bưu điện huyện TK được giao nhiệm vụ giao dịch viên tại Bưu cục TA. Từ năm 2012, L1 được giao thêm nhiệm vụ làm giao dịch viên dịch vụ tiết kiệm bưu điện tại Phòng giao dịch Bưu điện TA thuộc Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện LV - Chi nhánh Nghệ An, có nhiệm vụ làm các thủ tục thu nhận tiền gửi của khách hàng gửi tiết kiệm; nộp tiền vào quỹ và thực hiện các thủ tục cấp sổ tiết kiệm cho khách hàng theo quy định. Từ ngày 13-12-2017 đến ngày 31-12-2019, do vay tiền của nhiều người không có khả năng trả nợ, Lê Thị L1 đã có hành vi gian dối hứa hẹn là ngân hàng có chương trình khuyến mại nhận tiền gửi tiết kiệm với lãi suất cao 01%/tháng nhưng không được in sổ tiết kiệm để nhận tiền gửi của khách hàng sau đó không nộp vào quỹ theo quy định. Ngoài ra, mặc dù biết rõ việc không có khả năng trả nợ nhưng Lê Thị L1 vẫn dùng thủ đoạn vay tiền với lãi suất cao hoặc có thủ đoạn gian dối khác để vay tiền của người này trả cho người khác (đây là hành vi cố ý chiếm đoạt tài sản, không phải là quan hệ dân sự); chiếm đoạt của 27 người tổng số 9.301.600.000 đồng; việc bị cáo sử dụng con dấu của phòng giao dịch bưu điện đóng vào các tờ giấy, sổ tay xác nhận việc nhận tiền của khách hàng chỉ là thủ đoạn lợi dụng nhiệm vụ được giao trong việc quản lý con dấu không đúng để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; các giấy tờ, sổ tay nhận tiền gửi giao cho khách hàng không phải là các chứng từ, hóa đơn, sổ tiết kiệm do ngân hàng, bưu điện phát hành theo quy định; hành vi của bị cáo không phải là vượt quá nhiệm vụ, quyền hạn được giao để chiếm đoạt tài sản. Tòa án cấp sơ thẩm đã kết án bị cáo Lê Thị L1 về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại điểm a khoản 4 Điều 174 Bộ luật hình sự là có căn cứ.

Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ án, các cơ quan tiến hành tố tụng còn một số sai lầm, thiếu sót trong việc xác định phạm vi xử lý vụ án, xác định tài sản bị chiếm đoạt cần phải thu hồi. Cụ thể như sau:

- Về việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt:

Trong quá trình điều tra, bị cáo Lê Thị L1 khai trong quá trình làm giao dịch viên tại bưu điện, sau khi thu tiền bị cáo không nộp vào quỹ đơn vị theo quy định mà dùng trả nợ, trả lãi cho các khoản vay cá nhân trước đó nên quỹ bị thiếu hụt. Khi bị phát hiện, bị cáo đã sử dụng một phần tiền chiếm đoạt của các bị hại nộp bù vào quỹ số tiền còn thiếu. Tại Bảng kê nộp tiền ngày 25 -12-2019 thể hiện việc Lê Thị L1 đã nộp vào quỹ Bưu điện huyện TK số tiền là 471.411.000 đồng.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo khai toàn bộ số tiền 471.411.000 đồng nộp vào quỹ đơn vị ngày 25-12-2019 là do chiếm đoạt của các bị hại mà có. Trong quá trình giải quyết vụ án, các cơ quan tiến hành tố tụng không điều tra, xác minh làm rõ tình tiết này, không đưa bưu điện TK vào tham gia tố tụng để giải quyết việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt là không đúng; không bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người bị hại.

Ngoài ra, Lê Thị L1 là giao dịch viên bưu điện được giao nhiệm vụ thu nhận tiền liên quan đến hoạt động, kinh doanh của đơn vị, sau khi thu tiền, bị cáo sử dụng trả nợ cá nhân, không nộp vào quỹ theo quy định, dẫn đến việc quỹ bị thiếu hụt. Hành vi của Lê Thị L1 còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của bị cáo tại đơn vị nhưng chưa được điều tra xác minh, làm rõ.

Mặt khác, liên quan đến việc sử dụng số tiền chiếm đoạt của bị hại, bị cáo còn khai ngoài việc sử dụng để trả nợ, trả tiền lãi cho những người bị cáo đã vay trước (chiếm đoạt của người sau trả cho người trước) và chi tiêu cá nhân, thì bị cáo còn sử dụng một phần để trả các khoản nợ cá nhân khác (có địa chỉ chủ nợ và số tiền trả nợ cụ thể), nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng chưa điều tra, xác minh danh sách các cá nhân được trả nợ, lý do, tính chất của việc trả nợ để có biện pháp xử lý, xác định những trường hợp cần phải thu hồi theo quy định.

- Về phạm vi xử lý vụ án:

Ngày 07-7-2015, ông Nguyễn Anh T8 được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc phụ trách, sau đó được bổ nhiệm làm Giám đốc Bưu điện TK. Trong thời gian được giao phụ trách đơn vị đến hết năm 2019, ông T8 tiếp tục giữ nguyên nhân sự tại Phòng giao dịch TA. Cụ thể: tại Phòng giao dịch bưu điện TA không có kiểm soát viên thực tế kiểm soát hoạt động giao dịch theo quy định mà chỉ kiểm soát trên chứng từ. Lê Thị L1 là giao dịch viên nhưng lại được giao quản lý, sử dụng con dấu của Phòng giao dịch là không đúng quy định; đây là một trong những nguyên nhân để Lê Thị L1 lợi dụng nhiệm vụ được giao không đúng, thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền gửi tiết kiệm của nhiều người. Vụ án xảy ra có liên quan đến trách nhiệm cá nhân của ông Nguyễn Anh T8 trong việc quản lý, điều hành hoạt động tại đơn vị nhưng chưa được xem xét, xử lý theo quy định.

Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng không có căn cứ chứng minh ông T8 buông lỏng quản lý tại đơn vị vì bị cáo L1 lợi dụng nhiệm vụ được giao gian dối với cơ quan và người trực tiếp quản lý để thực hiện hành vi phạm tội là không đúng.

Các nội dung nêu trên ảnh hưởng đến việc xem xét, xử lý chính xác, toàn diện vụ án và Tòa án cấp phúc thẩm không thể bổ sung tại phiên tòa nên xét thấy có căn cứ hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào điểm c khoản 1 Điều 355, Điều 358 Bộ luật tố tụng hình sự. Hủy Bản án số 35/2021/HSST ngày 12-3-2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An để điều tra lại; chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân tỉnh N để giải quyết theo thủ tục chung; tiếp tục tạm giam bị cáo Lê Thị L1 cho đến khi Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An thụ lý lại vụ án.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

291
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản số 609/2021/HS-PT

Số hiệu:609/2021/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 24/11/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về