Bản án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản số 579/2023/HS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 579/2023/HS-PT NGÀY 22/08/2023 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Trong các ngày 15 và 22 tháng 8 năm 2023 tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số 78/2023/TLPT-HS ngày 15 tháng 02 năm 2023 đối với bị cáo Nguyễn Tấn S cùng đồng phạm do có kháng cáo của bị cáo Nguyễn Tấn S, Nguyễn Thụy Long P và kháng nghị phúc thẩm của Viên kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 581/2022/HS-ST ngày 16 tháng 12 năm 2022 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

- Bị cáo có kháng cáo:

1. Nguyễn Tấn S; giới tính: Nam; sinh ngày 12 tháng 4 năm 1976, tại tỉnh Quảng Ngãi; hộ khẩu thường trú: 193/1 khu phố 7, phường T, Quận 1x, Thành phố Hồ Chí Minh; chỗ ở trước khi bị bắt: 30 Tự Lập, Phường X, quận T, Thành phố Hồ Chí Minh; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: không; trình độ học vấn: 12/12; nghề nghiệp: Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Khu du lịch N; con ông Nguyễn T (đã chết) và bà Bùi Thị M (đã chết); bị cáo có vợ là Đinh Thị Nguyên T, sinh năm 1974 và có 03 người con (lớn nhất sinh năm 1998, nhỏ nhất sinh năm 2019); tiền án, tiền sự: không.

Bị cáo bị bắt, tạm giam từ ngày 29/01/2022 (có mặt).

- Người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Tấn S: Ông Phan Hòa Nhựt, luật sư Công ty Luật TNHH Đại Việt, thuộc Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

2. Nguyễn Thụy Long P, giới tính: Nữ; sinh ngày 05 tháng 3 năm 1978, tại Thành phố Hồ Chí Minh; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: 175 Độc Lập, phường T, quận T, Thành phố Hồ Chí Minh; chỗ ở: số 8 Tân Hương, phường T, quận T, Thành phố Hồ Chí Minh; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Thiên Chúa; trình độ học vấn: 12/12; nghề nghiệp: Phó Giám đốc tài chính Công ty Cổ phần đầu tư Khu du lịch N; con ông Nguyễn Long K, sinh năm 1954 và bà Nguyễn Thị X, sinh năm 1957; bị cáo có chồng là Nguyễn Văn Q, sinh năm 1964 (đã ly hôn) và có 04 người con (các con lần lượt sinh năm 2010, 2012 và 2013 đều là các con chung với Nguyễn Văn Q), con thứ tư sinh ngày 24/6/2019 (là con chung với Nguyễn Tấn S); tiền án, tiền sự: không.

Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khởi nơi cư trú (có mặt).

- Người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thụy Long P: Ông Luật sư Ngô Anh T, Luật sư Công ty K thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

- Bị cáo bị kháng nghị:

3. Trần Quang S1, giới tính: Nam; sinh ngày 10 tháng 01 năm 1988, tại Thành phố Hồ Chí Minh; hộ khẩu thường trú: Số 533 Trường Chinh, phường T, Quận 1X, Thành phố Hồ Chí Minh; chỗ ở trước khi bị bắt: Số 51 đường số 4X, Phường 1X, quận G, Thành phố Hồ Chí Minh; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: không; trình độ học vấn: 12/12; nghề nghiệp: Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn C Việt Nam; con ông Trần Nguyên Đ, sinh năm 1951 và bà Lương Thị Thu H, sinh năm 1955; bị cáo có vợ là Phan Thị Hoàng Q, sinh năm 1987 và có 01 người con, sinh năm 2020; tiền án, tiền sự: không.

Bị cáo hiện nay đang tại ngoại (có mặt).

- Người bào chữa cho bị cáo Trần Quang S1: Ông Nguyễn Quang T, Luật sư Công ty Luật TNHH TLT thuộc Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh(có mặt).

- Bị hại:

1/ Công ty Cổ phần Công nghệ X;

Địa chỉ: Số 76 đường số 4, KDC 586 Trần Hưng Đạo, Phường X, thành phố S, tỉnh S.

Đại diện theo pháp luật: Ông Tô Quốc K - chức vụ: Chủ tịch Hội đồng quản trị (đề nghị vắng mặt).

2/ Ông Lê Đình N, sinh năm 1964;

Trú tại: Số 80/22 Trần Cẩm, tổ 1, phường T, thành phố Q, tỉnh Quảng Ngãi (có mặt).

- Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

1/ Nguyễn Xuân A, sinh năm 1988;

Hộ khẩu thường trú: Thôn 8, xóm X, xã P, huyện K, tỉnh Đắk Lawsk;

Trú tại: 208 Nguyễn Hữu Cảnh, Phường 2X, quận B, Thành phố Hồ Chí Minh (vắng mặt).

2/ Ngô Hoàng T, sinh năm 1977;

Trú tại: Tổ 4, ấp S, xã B, huyện L, tỉnh Đồng Nai. (vắng mặt).

3/ Công ty Cổ phần Đầu tư Khu du lịch N;

Địa chỉ: Số 7A N, phường X, quận T, Thành phố Hồ Chí Minh.

Đại diện pháp luật: Nguyễn Tấn S - chức vụ: Giám đốc (có mặt).

4/ Công ty Cổ phần Tập đoàn Tài chính H Việt Nam;

Địa chỉ: Số 7A M, phường X, quận T, Thành phố Hồ Chí Minh.

Đại diện theo pháp luật: Ông Trần Quang S1 - chức vụ: Tổng Giám đốc (có mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo cáo trạng và án sơ thẩm, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Công ty Cổ phần Đầu tư Khu du lịch N (gọi tắt Công ty N), mã số doanh nghiệp 031520xxxx, đăng ký lần đầu ngày 03/8/2018, đăng ký thay đổi lần thứ 3 ngày 20/3/2019, vốn điều lệ 68 tỷ đồng, trụ sở tại 7A M, phường 4, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh. Công ty N do Nguyễn Tấn S làm Giám đốc, đại diện pháp luật; Nguyễn Thụy Long P và Trần Quang S1 là cổ đông sáng lập.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Tài chính H Việt Nam (gọi tắt Công ty H), mã số doanh nghiệp 031563xxxx, đăng ký thành lập ngày 16/4/2019, vốn điều lệ 9999 tỷ đồng, trụ sở tại 7A M, phường 4, quận Tân Bình (cùng địa chỉ với Công ty N). Công ty H do Trần Quang S1 làm Đại diện pháp luật, Nguyễn Tấn S, Nguyễn Thụy Long P, Nguyễn Xuân A (sinh ngày 02/3/1988; HKTT: 208 Nguyễn Hữu Cảnh, Phường 2X, quận B, TP. Hồ Chí Minh) là cổ đông sáng lập.

Công ty Cổ phần Công nghệ X (gọi tắt Công ty Đ), mã số doanh nghiệp 220042xxxx, đăng ký thành lập ngày 14/8/2009, đăng ký thay đổi lần 3 ngày 20/10/2014 do ông Tô Quốc K làm Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), Đại diện pháp luật.

Hành vi của Nguyễn Tấn S, Nguyễn Thụy Long P và Trần Quang S1 lừa đảo chiếm đoạt số tiền 1.570.000.000 đồng của ông Tô Quốc K - Chủ tịch HĐQT Công ty Đ:

Do nhu cầu kinh doanh, ông Tô Quốc K Chủ tịch HĐQT Công ty Đ xin cấp phép đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý rác thải tại tỉnh S và tìm nguồn vốn để đầu tư. Cuối năm 2018, thông qua các mối quan hệ quen biết, ông K được giới thiệu gặp gỡ Nguyễn Văn M (sinh năm 1967; HKTT: ấp Phú Hiệp, xã A, huyện T, tỉnh An Giang). Qua trao đổi, M biết được Công ty Đ đang cần nguồn vốn để triển khai dự án Nhà máy xử lý rác thải S nên M giới thiệu có quen với Công ty đang sở hữu nguồn vốn có thể hợp tác để triển khai dự án. Sau đó, thông qua sự giới thiệu của Nguyễn Văn M, ông K gặp được Nguyễn Tấn S - Tổng Giám đốc, đại diện pháp luật Công ty N và Nguyễn Thụy Long P - Giám đốc phụ trách tài chính Công ty. Quá trình trao đổi, Nguyễn Tấn S và Nguyễn Thụy Long P tự giới thiệu là người có khả năng quan hệ với Ngân hàng để thực hiện bảo lãnh thanh toán và Công ty N có nguồn ngoại tệ 100 tỷ đô la từ tổ chức đầu tư tài chính “C Vietnam Finance Group” để đầu tư vào dự án. Đồng thời, P đưa cho ông K xem tài liệu, hình ảnh chứng minh Công ty N có khoản quỹ ngoại tệ nêu trên và đề nghị hợp tác đầu tư. Vì vậy, ông K tin tưởng thống nhất hợp tác đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy xử lý rác thải S với Công ty N, với tổng vốn đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng bằng hình thức bảo lãnh ngân hàng và cung cấp toàn bộ hồ sơ dự án cho Công ty N.

Sau đó, P yêu cầu ông K đưa trước số tiền 25.000 USD để làm chi phí thẩm định hồ sơ. Do tin tưởng những thông tin các đối tượng đưa ra là thật nên ngày 22/01/2019, ông K đã mượn từ một người bạn tên Ngô Hoàng T (sinh ngày 06/9/1977; HKTT: Tổ 4, ấp S, xã B, huyện L, tỉnh Đồng Nai) số tiền 570.000.000 đồng để chuyển cho Nguyễn Thụy Long P thông qua tài khoản số 015100032xxxx đứng tên Nguyễn Văn M mở tại Ngân hàng Vietcombank. M đã chuyển tiếp số tiền này vào tài khoản số 044100061xxxx đứng tên Nguyễn Thụy Long P mở tại Ngân hàng Vietcombank vào ngày 29/01/2019.

Ngày 25/01/2019, tại văn phòng Công ty N, Nguyễn Thụy Long P cho ông K xem bản chính Thông báo số 136/TB-CN DBP ngày 25/01/2019 của Ngân hàng Sacombank - Chi nhánh Điện Biên Phủ v/v chấp thuận cho vay số tiền 250 tỷ đồng cho toàn bộ dự án của Công ty Đ, thời hạn 185 tháng, các đối tượng không đưa bản chính cho ông K mà chỉ cho ông K xem qua, ông K đã chụp lại và in ra cung cấp cho Cơ quan điều tra.

Ngày 19/04/2019, ông K ký với Nguyễn Tấn S hợp đồng hợp tác đầu tư Dự án xây dựng Nhà máy xử lý rác thải S số 090001/HĐHTĐT với nội dung 02 bên hợp tác với nhau để xây dựng và vận hành dự án Nhà máy xử lý rác thải S, Công ty Đ góp vốn bằng quyền sử dụng khu đất, chi phí hình thành pháp lý dự án; Công ty N góp vốn bằng việc phát hành thư bảo lãnh thanh toán, toàn bộ chi phí xây dựng và thiết bị chuyên dụng cho dự án; tổng vốn đầu tư là 1.856.188.781.000 đồng; tỷ lệ vốn góp: Công ty Đ sở hữu 30% tổng vốn đầu tư, Công ty N sở hữu 70% tổng vốn đầu tư. Sau khi ký hợp đồng, P và S yêu cầu ông K thanh toán tiếp số tiền 1.125.000.000 đồng phí phát hành bảo lãnh thanh toán nhưng ông K không đồng ý do Công ty N chưa chứng minh được khả năng tài chính.

Ngày 25/4/2019, P và S tiếp tục đưa cho ông K “Thư tín dụng và tài trợ nguồn vốn đầu tư không hoàn lại” đề ngày 25/4/2019 của Công ty H Việt Nam (do Trần Quang S1 làm Tổng Giám đốc) với nội dung: “Thông qua Hợp đồng hợp tác đầu tư số 090001/HĐHTĐT, Tập đoàn Tài chính H VN sẵn sàng hỗ trợ và sắp xếp một khoản tín dụng cho Công ty N và Công ty Đ thực hiện đầu tư xây dựng nhà máy tại ấp Cà Lăng B, phường 2, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh S. Tập đoàn Tài chính H VN đã sẵn sàng một khoản quỹ tín dụng và tiền mặt cho Công ty N và Công ty Đ có giá trị 250 triệu USD đến 500 triệu USD, ưu đãi dành cho Công ty trong quá trình hợp tác đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải S”, với mục đích làm cho ông K tin rằng Công ty N có hợp tác với Công ty tài chính sở hữu nguồn vốn lớn sẵn sàng bảo lãnh tín dụng cho Dự án của Công ty Đ như đã hứa hẹn và tiếp tục đưa tiền cho các đối tượng. Thực tế, Công ty H cũng do S và P chỉ đạo S1 lập ra.

Cùng thời gian trên, do tin tưởng P và S sẽ thực hiện được thỏa thuận nên ông K đã chủ động liên hệ với các đơn vị thi công, trong đó có Doanh nghiệp tư nhân và xây dựng V để thỏa thuận ký hợp đồng thiết kế, thi công Nhà máy xử lý rác thải S số 200619/HĐTC và tiến hành thi công.

Đến cuối tháng 8/2019, do nhiều lần bị hối thúc tiến độ và để ông K tin tưởng tiếp tục đưa tiền, các đối tượng có gửi cho ông K mẫu thư bảo lãnh thanh toán cho hợp đồng số 200619/HĐTC với Doanh nghiệp tư nhân tư vấn và xây dựng Vĩnh Phát nêu trên, giá trị bảo lãnh 61.301.667.721 đồng do Ngân hàng Sacombank đang thực hiện và phải thanh toán chi phí bảo lãnh thanh toán thì Ngân hàng mới phát hành chính thức.

Đến ngày 04/09/2019, các đối tượng tiếp tục yêu cầu ông K thanh toán tiền phí bảo lãnh là 1.125.000.000 đồng để làm thủ tục bảo lãnh cho hợp đồng thi công số 200619/HĐTC tại Ngân hàng Sacombank. Do tin tưởng nên ông K đã đến Công ty N để nộp số tiền 900 triệu đồng cho Nguyễn Thụy Long P, theo Phiếu thu (quyển số: 680012/2019) ngày 04/9/2019, nội dung: “Lý do nộp: Phí phát hành bảo lãnh thanh toán theo Hợp đồng thi công số 200619/HĐTC”. Sau đó, ngày 05/9/2019, ông K tiếp tục nộp số tiền 100 triệu đồng cho P và được xác nhận vào mặt sau của Phiếu thu nêu trên.

Sau khi ông K nộp tiền cho Công ty N, các đối tượng cam kết trong vòng 30 ngày sẽ hoàn thành việc phát hành thư bảo lãnh thanh toán. Đến cuối tháng 12/2019, S gửi qua phần mềm Zalo tập tin (file) Thư bảo lãnh thanh toán số SCB: 11202011CB1763542 của Ngân hàng Sacombank – Chi nhánh Chợ Lớn về việc chấp thuận bảo lãnh nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng số 200619/HĐTC, số tiền 61.301.667.721 đồng. Do tin tưởng Thư bảo lãnh này là thật, ông K đã gửi hồ sơ quyết toán những hạng mục đã thi công cho Nguyễn Tấn S, Nguyễn Thụy Long P để quyết toán tại Ngân hàng Sacombank- Chi nhánh Chợ Lớn nhưng P và S cho rằng hồ sơ không đúng quy định của Ngân hàng nên liên tục yêu cầu ông K chỉnh sửa, bổ sung. Ông K đề nghị được gặp trực tiếp phía Ngân hàng và yêu cầu cung cấp bản gốc có đóng dấu của Ngân hàng đối với các tài liệu đã gửi thì các đối tượng không đồng ý.

Nghi ngờ P, S gian dối, ông K đã trực tiếp liên hệ với Ngân hàng Sacombank và được Ngân hàng xác nhận không phát hành Thư bảo lãnh và Thông báo số 136/TB-CN DBP ngày 25/01/2019 của Ngân hàng Sacombank- Chi nhánh Điện Biên Phủ nêu trên.

Sau khi biết bị lừa đảo, ông K đã nhiều lần yêu cầu Nguyễn Tấn S và Nguyễn Thụy Long P thanh lý hợp đồng và trả lại tiền nhưng các đối tượng không đồng ý. Đến ngày 24/12/2020, do biết ông K đã gửi đơn tố giác đến Cơ quan điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên các đối tượng đã ký Biên bản thanh lý hợp đồng số 090001/HĐHTĐT với ông K và hứa hẹn sẽ trả lại tiền trong vòng 01 tuần, nhưng không thực hiện.

nh vi của Nguyễn Tấn S, Nguyễn Thụy Long P lừa đảo chiếm đoạt số tiền 500.000.000 đồng của ông Lê Đình N:

Công ty trách nhiệm hữu hạn Xăng dầu Nhất T (viết tắt: Công ty Nhất T) do ông Lê Đình N và bà Nguyễn Thị Hà T là thành viên góp vốn có đầu tư Trạm kinh doanh xăng dầu Quê Hương tại Tổ dân phố An Trường, phường Phổ Ninh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Trong quá trình kinh doanh, khoảng đầu tháng 5/2019, ông N có nhu cầu nhận chuyển nhượng lại phần vốn góp của bà T nên cần gấp số tiền 8,5 tỷ đồng. Trong thời gian này, ông N có gặp và trao đổi với Vũ Văn Vinh (là bạn của ông N tại Quảng Ngãi) và Lê Văn B (ngụ tại: 61/59 Phạm Hùng, ấp 4A, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) thì được hai người này giới thiệu gặp gỡ và liên hệ với Nguyễn Tấn S để tìm phương án vay mượn số tiền 8,5 tỷ đồng.

Ngày 16/5/2019, ông N đến văn phòng Công ty N tại số 7A M, phường 4, quận Tân Bình để gặp Nguyễn Tấn S và Nguyễn Thụy Long P. Tại đây, S và P đề nghị cho ông N thuê sổ tiết kiệm số tiền 10 tỷ đồng thì ông N đồng ý và hẹn ông N ngày hôm sau ký hợp đồng.

Ngày 17/5/2019, tại văn phòng Công ty N, ông N ký hợp đồng cung ứng dịch vụ tài chính số 680001/2019/DVTC v/v thuê sổ tiết kiệm với Công ty N do Nguyễn Tấn S đại diện, với nội dung: Công ty N cho ông Lê Đình N thuê sổ tiết kiệm giá trị 10 tỷ đồng, thời hạn cho thuê 10 năm, ông N là người đứng tên sở hữu sổ tiết kiệm, thời gian hoàn thành dịch vụ là 07 ngày kể từ ngày ký hợp đồng, mức phí dịch vụ là 10% tổng giá trị cho thuê mượn (tương đương 1 tỷ đồng). Để thực hiện hợp đồng, ngày 17/5/2019, ông N nộp số tiền 1 tỷ đồng cho Công ty N, theo Phiếu thu (quyển số: 680012/2019) ngày 17/5/2019.

Đến ngày 22/5/2019, Nguyễn Thụy Long P liên hệ và yêu cầu ông N đến Công ty N để nhận các sổ tiết kiệm gồm:

- Sổ tiết kiệm số 0535xxxx của Ngân hàng Vietcombank đứng tên ông N, giá trị: 4.000.000.000 đồng, ngày phát hành 20/5/2019, ngày đến hạn 20/5/2020.

- Sổ tiết kiệm số 05359670 của Ngân hàng Vietcombank đứng tên ông N, giá trị: 5.000.000.000 đồng, ngày phát hành 20/5/2019, ngày đến hạn 20/5/2020.

- Sổ tiết kiệm số 04432665 của Ngân hàng VIB đứng tên ông N, giá trị:

3.500.000.000 đồng, ngày phát hành 20/5/2019, ngày đến hạn 20/5/2020.

Sau khi nhận 03 sổ tiết kiệm trên, ông N đến Ngân hàng kiểm tra thì được biết các sổ tiết kiệm nêu trên đều là sổ giả. Ngày 30/5/2019, ông N đến Công ty N đòi lại tiền phí dịch vụ và trả lại 03 sổ tiết kiệm cho Nguyễn Tấn S và Nguyễn Thụy Long P nhưng các đối tượng không trả lại tiền và tiếp tục đưa ra phương án sẽ cho ông N mượn ngoại tệ là tiền đô la Brazil với số lượng tương đương 13.500.000.000 đồng. Ngày 31/5/2019, tại văn phòng Công ty N, nhân viên Công ty là Nguyễn Xuân A đưa cho ông N nhiều tiền đô la Brazil với 03 mệnh giá gồm 5000 cincomil cruzeiros; 50 cinquenta cruzados; 1000 mil cruzados được chứa trong cặp xách. Tuy nhiên, ông N chỉ lấy tượng trưng 03 tờ, mục đích để kiểm chứng. A có giải thích nguồn gốc số tiền này do làm ăn với đối tác Brazil nên có được. Ngày hôm sau, ông N có đem các tờ tiền này đến quầy đổi tiền tại đường Đồng Khởi, Quận 1 để kiểm tra thì được trả lời các tờ tiền này là tiền Brazil lưu hành trước khi nhà nước Brazil đổi tiền và hiện nay không còn được phép lưu hành. Sau đó, ông N liên hệ với P và S để hỏi rõ và yêu cầu trả lại tiền.

Vì bị ông N gây sức ép để đòi lại tiền, ngày 21/6/2020, Nguyễn Thụy Long P hoàn trả lại 500.000.000 đồng cho ông N và hiện còn chiếm đoạt số tiền 500.000.000 đồng.

Tại Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Tấn S, Nguyễn Thụy Long P và Trần Quang S1 khai nhận hành vi phạm tội như trên.

Ngày 14/01/2021, Cơ quan điều tra đã ra Quyết định trưng cầu giám định số 1281-02 và số 234-04 ngày 04/6/2021 trưng cầu Phòng Kỹ thuật Hình sự - Công an TP. Hồ Chí Minh giám định chữ ký, chữ viết của Nguyễn Tấn S, Nguyễn Thụy Long P, Trần Quang S1 và hình dấu Công ty N, Công ty H trên các tài liệu sau:

- Hợp đồng hợp tác đầu tư số 090001/HĐHTĐT ngày 19/4/2019;

- Phiếu thu (Quyển số: 680012/2019) ngày 04/9/2019, số tiền 900.000.000 đồng, đơn vị nộp tiền: Công ty CP Công nghệ X;

- Hợp đồng cung ứng dịch vụ tài chính số 680001/2019/DVTC ngày 17/5/2019 giữa Công ty CP Đầu tư Khu du lịch N và Lê Đình N;

- Phiếu thu (Quyển số: 680012/2019) ngày 17/5/2019, số tiền 1.000.000.000 đồng, do ông Lê Đình N nộp;

- Biên nhận hồ sơ số 300519 ngày 30/5/2019 (Nguyễn Tấn S nhận lại 03 sổ tiết kiệm từ ông Lê Đình N);

- Thư tín dụng và tài trợ nguồn vốn đầu tư không hoàn lại ngày 25/4/2019 của Công ty cổ phần Tập đoàn Tài chính H Việt Nam.

Phòng Kỹ thuật Hình sự - Công an TP. Hồ Chí Minh kết luận giám định số 625/KLGĐ-TT ngày 26/01/2021 và số 3740/KLGĐ-TT ngày 27/7/2021, kết luận: chữ ký, chữ viết của Nguyễn Tấn S, Nguyễn Thụy Long P, Trần Quang S1 ký ra trên các tài liệu trên; đúng hình dấu của Công ty N, Công ty H đóng ra trên các tài liệu nêu trên.

Đối với Nguyễn Xuân A, hiện nay đã xuất cảnh khỏi Việt Nam và chưa có thông tin nhập cảnh nên Cơ quan điều tra chưa triệu tập, làm việc được với A. Tuy nhiên, căn cứ vào tài liệu chứng cứ thu thập được đến nay, chưa có tài liệu chứng cứ vật chất xác định A có vai trò đồng phạm, giúp sức cho các đối tượng nên chưa đủ cơ sở để xem xét xử lý.

Đối với Nguyễn Văn M, có hành vi nhận tiền từ ông Tô Quốc K để chuyển cho Nguyễn Thụy Long P: M còn liên quan đến vụ án Nguyễn Minh Hiệp cùng đồng phạm, can tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 388-01 của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Thành phố Hồ Chí Minh và bị bắt tạm giam tại Trại Tạm giam Chí Hòa vào ngày 23/3/2021. Đến ngày 07/7/2021, Nguyễn Văn M chết tại Khu điều trị dã chiến điều trị bệnh nhân Covid -19 Trại tạm giam T30, nguyên nhân chết: Suy hô hấp cấp/ sốc nhiễm trùng - Viêm phổi - Dương tính Covid - 19. Nên không xem xét trách nhiệm hình sự đối với M.

Vật chứng vụ án:

- 01 (một) con dấu tròn “CÔNG TY CỔ PHẦN TẬP ĐOÀN TÀI CHÍNH H VIỆT NAM; M.S.D.N: 031563xxxx - C.T.C.P; THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH” do Trần Quang S1 giao nộp;

- 01 (một) con dấu tròn “CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ DU LỊCH RESORT KHÁCH SẠN C; M.S.D.N: 031520xxxx-C.T.C.P; Q. TÂN BÌNH - TP. HỒ CHÍ MINH” do Nguyễn Thụy Long P giao nộp.

Tại bản Cáo trạng số 408/CT-VKS-P3 ngày 12/08/2022, Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã truy tố: Các bị cáo Nguyễn Tấn S, Nguyễn Thụy Long P và Trần Quang S1 về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm a khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 581/2022/HS-ST ngày 16 tháng 12 năm 2022 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh quyết định:

1.1/ Căn cứ điểm a khoản 4 Điều 174; điểm g khoản 1 Điều 52; điểm s khoản 1 và khoản 2 Điều 51; Điều 17; Điều 38; Điều 50; Điều 58 của Bộ luật hình sự năm 2015, đã được sửa đổi bổ sung năm 2017;

Xử phạt bị cáo Nguyễn Tấn S 13 (Mười ba) năm tù, về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù được tính từ ngày 29/01/2022.

1.2/ Căn cứ điểm a khoản 4 Điều 174; điểm g khoản 1 Điều 52; điểm n, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51; Điều 17; Điều 38; Điều 50; Điều 58 của Bộ luật hình sự năm 2015, đã được sửa đổi bổ sung năm 2017, Xử phạt bị cáo Nguyễn Thụy Long P 13 (Mười ba) năm tù, về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù kể từ ngày bắt thi hành án.

1.3/ Căn cứ điểm a khoản 4 Điều 174; các điểm b, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51; Điều 17; Điều 50; Điều 58; Điều 54 và Điều 65 của Bộ luật hình sự năm 2015, đã được sửa đổi bổ sung năm 2017; Căn cứ Điều 328 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Xử phạt bị cáo Trần Quang S1 03 (Ba) năm tù, về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 05 (năm) năm, tính từ ngày tuyên án sơ thẩm (ngày 16/12/2022). Trả tự do cho bị cáo ngay tại phiên tòa nếu bị cáo không bị tam giam về tội phạm khác.

Giao bị cáo Trần Quang S1 cho Ủy ban nhân dân Phường 14, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.

Trong thời gian thử thách bị cáo Trần Quang S1 cố ý vi phạm nghĩa vụ từ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

Trong trường hợp bị cáo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại Điều 92 của Luật thi hành án hình sự năm 2019.

Ngoài ra, Bản án sơ thẩm còn giải quyết các vấn đề về trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo luật định.

Ngày 19/12/2022 bị cáo Nguyễn Tấn S kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Ngày 28/12/2022 bị cáo Nguyễn Thụy Long P kháng cáo kêu oan, đề nghị cấp phúc thẩm xác định bị cáo không phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Ngày 29/12/2022, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 04/QĐ-VKS- P3 kháng nghị một phần bản án hình sự sơ thẩm về phần hình phạt đối với bị cáo Trần Quang S1, đề nghị tăng mức hình phạt đối với bị cáo S1 và không cho bị cáo S1 được hưởng án treo.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh vẫn giữ nguyên Quyết định kháng nghị số 04/QĐ-VKS- P3 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

- Bị cáo Nguyễn Tấn S trình bày nội dung kháng cáo: Bị cáo vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, lý do: Bị cáo không phải chủ mưu trong việc lừa đảo mà bị cáo P là người điều hành Công ty và trực tiếp nhận tiền từ bị hại; việc triển khai dự án là có thật; Bản án sơ thẩm xử phạt bị cáo 13 năm tù là nặng so với hành vi giúp sức của bị cáo.

- Bị cáo Nguyễn Thụy Long P trình bày nội dung kháng cáo: Bị cáo không đồng ý với việc kết tội bị cáo phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của ông N và ông K. Vì số tiền bị cáo nhận của ông N 1.000.000.000đ, bị cáo đã chuyển trả cho ông N 500.000.000đ; số tiền 570.000.000đ ông M chuyển cho bị cáo là tiền của cá nhân bị cáo kinh doanh riêng, không phải là tiền bị cáo chiếm đoạt của ông K; toàn bộ số tiền chuyển vào tài khoản của bị cáo đều được chi trả tiền thuê văn phòng và một số khoản chi phí của Công ty, bị cáo không chiếm đoạt số tiền trên để sử dụng vào mục đích cá nhân.

- Bị cáo Trần Quang S1 trình bày: Bị cáo không đồng ý với kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, vì bị cáo không biết về việc làm của bị cáo S và bị cáo P, bị cáo cũng không hưởng lợi từ việc làm trên. Đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên mức hình phạt như án sơ thẩm đã tuyên đối với bị cáo.

Tại phần tranh luận:

- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án:

+ Đối với kháng cáo của bị cáo Nguyễn Thụy Long P, bị cáo Nguyễn Tấn S: Các bị cáo Nguyễn Tấn S, Nguyễn Thụy Long P đã có hành vi thành lập Công ty, sử dụng các giấy tờ không có thật làm cho các bị hại tin tưởng, giao tiền cho các bị cáo. Bản án sơ thẩm đã xem xét, đánh giá đúng vai trò, tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo S, bị cáo P và đã xử phạt bị cáo S, bị cáo P mỗi bị cáo 13 (mười ba) năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là đúng pháp luật, không oan như bị cáo P trình bày tại yêu cầu kháng cáo. Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị cáo S, bị cáo P, giữ nguyên mức hình phạt đối với 02 bị cáo.

+ Đối với bị cáo Trần Quang S1: Mặc dù bị cáo S1 thực hiện hành vi theo sự chỉ đạo của Nguyễn Tấn S và Nguyễn Thụy Long P. Tuy nhiên, hành vi của bị cáo S1 thực hiện với lỗi cố ý. Bị cáo là người đứng tên thành lập Công ty mặc dù không có ai thực tế góp vốn nhưng lại ghi vốn điều lệ là 9.999 tỷ đồng nhằm mục đích sử dụng pháp nhân để tạo vỏ bọc, tiếp xúc, đàm phán với các bị hại. Bị cáo cũng là người ký tín dụng thư với mục đích làm cho ông Tô Quốc K tin rằng Công ty N có hợp tác với Công ty tài chính sở hữu nguồn vốn lớn sẵn sàng bảo lãnh cho Dự án của Công ty Đ như đã hứa hẹn và tiếp tục đưa tiền cho các đối tượng.

Bản án sơ thẩm xử phạt bị cáo S1 03 năm tù nhưng cho hưởng án treo là chưa nghiêm khắc, chưa đánh giá đúng tính chất, mức độ phạm tội của bị cáo. Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, không cho bị cáo S1 hưởng án treo, tăng mức hình phạt đối với bị cáo S1.

- Luật sư bào chữa cho bị cáo P trình bày tranh luận đề nghị hội đồng xét xử hủy án sơ thẩm để điều tra xét xử lại vì qua phiên tòa thể hiện ông Nguyễn Xuân A giữ vai trò quan trọng trong vụ án này nhưng chưa điều tra làm rõ.

- Luật sư bào chữa cho bị cáo S1 trình bày tranh luận: Để cá thể hóa hình phạt, cần tách ra 2 phần: phần 570.000.000đ bị cáo P nhận trước khi thành lập Công ty H. Nên bị cáo S1 nếu có phải chịu trách nhiệm hình sự thì chỉ chịu trong phạm vi 1.000.000.000đ (một tỷ đồng). Bị cáo S1 khẳng định bị cáo không làm việc với bị cáo S. Bị cáo S1 không có vai trò gì và cũng không được hưởng lợi gì trong vụ án này. Đề nghị hội đồng xét xử bác kháng nghị của Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.

- Luật sư bào chữa cho bị cáo S trình bày tranh luận: Mặc dù bị cáo S chỉ kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt nhưng tại phiên toà phúc thẩm qua lời khai của các bị cáo thể hiện có liên quan đến ông A. Cần loại trừ một phần trách nhiệm hình sự đối với số tiền của ông N vì khi ông N nhận lại 500 triệu đồng từ ông S thì ông N đã cam kết không khiếu nại gì. Nay ông N lại tiếp tục đi đòi. Do đó đề nghị hủy án sơ thẩm để điều tra lại đối với số tiền 500 triệu đồng, làm rõ trách nhiệm của bị cáo S1 trong vụ án này.

- Người bị hại - ông Lê Đình N tranh luận:

Khi phát hiện mình bị lừa đảo nên tôi phải bằng mọi cách để lấy lại tiền nên mới viết cam kết trên. Tôi vẫn giữ nguyên ý kiến, yêu cầu như đã nêu trong bản án sơ thẩm.

Bị cáo S tranh luận (bổ sung): Bị cáo chỉ là người môi giới, không hưởng lợi từ số tiền của ông N.

- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao đối đáp:

Bản án sơ thẩm đã kết tội các bị cáo S, P, S1 phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm a Khoản 4 Điều 174 Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 là đúng pháp luật. Tội phạm đã hoàn thành các bị cáo và Luật sư nêu có liên quan đến vai trò của ông Nguyễn Xuân A. Vấn đề này đã được điều tra làm rõ. Cấp sơ thẩm, không vi phạm thủ tục tố tụng, không bỏ lọt tội. Do đó, việc đề nghị hủy án sơ thẩm là không có cơ sở.

Đối với bị cáo Trần Quang S1: Theo qui định tại điểm a Khoản 4 Điều 174 Bộ Luật hình sự thì với số tiền chiếm đoạt trên 500.000.000đ, mức án từ 12 năm, 20 năm hoặc chung thân. Trong khi đó số tiền chiếm đoạt của bị cáo S1 là 1 tỷ đồng nhưng án sơ thẩm chỉ xử phạt 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo là không phù hợp với tính chất, mức độ phạm tội của bị cáo, không đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Do đó đề nghị Hội đồng xét xử tăng nặng mức hình phạt đối với bị cáo S1 từ 6 năm đến 7 năm tù.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các tài liệu chứng cứ có tại hồ sơ vụ án và kết quả thẩm vấn tại phiên tòa, sau khi nghe ý kiến của Kiểm sát viên, người bào chữa cho bị cáo và xét kháng cáo của bị cáo, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1]. Về thủ tục kháng cáo, kháng nghị: Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 19/12/2022 bị cáo Nguyễn Tấn S có đơn kháng cáo; ngày 28/12/2022 bị cáo Nguyễn Thụy Long P có đơn kháng cáo; ngày 29/12/2022, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có Quyết định kháng nghị. Xét đơn kháng cáo và Quyết định kháng nghị nộp trong hạn luật định nên được thụ lý, xét xử theo thủ tục phúc thẩm, được quy định tại các Điều 331, 332, 333, 336 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

[2]. Về nội dung giải quyết yêu cầu kháng cáo của các bị cáo: Qua quá trình tranh tụng công khai tại phiên tòa, trên cơ sở lời khai của các bị cáo, bị hại trong quá trình điều tra và tại phiên tòa; trên cơ sở xem xét, đánh giá các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, đủ cơ sở xác định:

[2.1]. Các bị cáo Nguyễn Tấn S và Nguyễn Thụy Long P đã thành lập Công ty N và chỉ đạo Trần Quang S1 thành lập Công ty H ghi vốn điều lệ lên đến 9999 tỷ đồng nhằm mục đích sử dụng pháp nhân để tạo vỏ bọc tiếp xúc, đàm phán với các bị hại. Khi biết ông Tô Quốc K và ông Lê Đình N đang cần nguồn vốn lớn để phục vụ kinh doanh, S cùng với P sử dụng các giấy tờ không có thật như: Thông báo, Thư bảo lãnh thanh toán của Ngân hàng Sacombank, các sổ tiết kiệm của Ngân hàng VIB, Sacombank, Vietcombank; chỉ đạo Trần Quang S1 sử dụng pháp nhân Công ty H ký “Thư tín dụng và tài trợ nguồn vốn đầu tư không hoàn lại” làm cho ông K, ông N tin tưởng và ký kết các Hợp đồng hợp tác kinh doanh, hợp đồng thuê sổ tiết kiệm với S và chuyển giao tiền gọi là chi phí thẩm định hồ sơ, thủ tục bảo lãnh thanh toán và chi phí thuê sổ tiết kiệm. Ông K đã tin tưởng và chuyển số tiền tổng cộng 1.570.000.000 đồng; ông N đã chuyển số tiền 1.000.000.000 đồng cho S và P. Ngày 21/6/2020, P và S đã hoàn trả cho ông Lê Đình N số tiền 500.000.000 đồng, hiện còn chiếm đoạt của ông Tô Quốc K và ông Lê Đình N số tiền 2.070.000.000đ.

[2.2]. Hành vi trên của bị cáo S, bị cáo P đã đủ yếu tố cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Khoản 4 Điều 174 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017. Bản án sơ thẩm đã xác định bị cáo S, P, S1 phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm a Khoản 4 Điều 174 Bộ luật hình sự là đúng người, đúng tội, không oan.

[2.3] Xét, bị cáo P kháng cáo kêu oan nhưng tại cấp phúc thẩm không cung cấp được tài liệu, chứng cứ nào khác chứng minh nên không có cơ sở chấp nhận kháng cáo kêu oan của bị cáo Nguyễn Thụy Long P.

[2.4]. Xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Nguyễn Tấn S.

[2.4.1]. Bị cáo Nguyễn Tấn S có tình tiết tăng nặng “Phạm tội 02 lần trở lên”. Bị cáo có các tình tiết giảm nhẹ “Thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” và phạm tội lần đầu, chưa có tiền án, có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Tuy nhiên, các tình tiết này đã được Tòa án cấp sơ thẩm xem xét, đánh giá và áp dụng để xử phạt bị cáo 13 (mười ba) năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm a khoản 4 Điều 174 là đúng qui định của pháp luật. Tại cấp phúc thẩm, bị cáo S không có tình tiết giảm nhẹ nào mới. Do vậy, Hội đồng xét xử không có cơ sở để chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo S.

[2.4.2]. Ý kiến của luật sư bào chữa cho bị cáo S và bị cáo P đề nghị Hội đồng xét xử hủy án sơ thẩm vì cho rằng: Trong vụ án này có liên quan đến ông Nguyễn Xuân A và các bị cáo đều khẳng định ông A có liên quan nhưng chưa được Cơ quan Điều tra triệu tập làm rõ; đối với bị hại là ông Lê Đình N trước đây khi nhận 500.000.000đ từ ông S đã viết cam kết cam kết không khiếu nại gì nhưng sau đó tiếp tục đi tố cáo nên cần loại trừ một phần trách nhiệm hình sự của bị cáo S, bị cáo P đối với số tiền 500 triệu đồng và cần làm rõ trách nhiệm của bị cáo S1 trong vụ án này.

Xét thấý, đối với ông Nguyễn Xuân A, cơ quan tiến hành tố tụng tại cấp sơ thẩm cũng đã xác định ông Nguyễn Xuân A hiện nay đã xuất cảnh khỏi Việt Nam và chưa có thông tin nhập cảnh nên cơ quan Điều tra chưa triệu tập làm việc được với ông. Tuy nhiên, căn cứ vào tài liệu chứng cứ thu thập được đến nay, chưa có tài liệu, chứng cứ vật chất xác định ông A có vai trò đồng phạm, giúp sức cho các đối tượng nên chưa đủ cơ sở xem xét xử lý.

Về ý kiến đề nghị loại trừ một phần trách nhiệm hình sự của bị cáo S, bị cáo P đối với số tiền 500.000.000đ ông N đã nhận lại là không có căn cứ. Vì thời điểm hoàn thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được xác định khi bị cáo đã chiếm giữ được tài sản của bị hại sau khi dùng thủ đoạn gian dối.

Như vậy, cấp sơ thẩm không vi phạm thủ tục tố tụng, cũng không bỏ lọt tội,... nên không có cơ sở hủy án sơ thẩm theo đề nghị của luật sư bào chữa cho bị cáo S và bị cáo P.

[ 3 ]. Xét kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đề nghị tăng mức hình phạt đối với bị cáo Trần Quang S1, không cho bị cáo S1 được hưởng án treo, thấy rằng:

[3.1]. Mặc dù bị cáo Trần Quang S1 thực hiện theo sự chỉ đạo của bị cáo Nguyễn Tấn S và Nguyễn Thuỵ Long P thành lập Công ty H, đứng tên người đại diện theo pháp luật giúp các bị cáo S, P. Tuy nhiên, hành vi phạm tội của bị cáo S1 thực hiện với lỗi cố ý. Bị cáo là người đứng tên thành lập Công ty H và là người đại diện theo pháp luật của Công ty H Việt Nam. Bị cáo biết thực tế không ai góp vốn nhưng lại ghi vốn điều lệ 9.999 tỷ đồng để giúp bị cáo S và P tạo vỏ bọc tiếp xúc, đàm phán với bị hại. Mặc dù bị cáo S1 biết rõ Công ty H không có khả năng tài chính để cung cấp số tiền 250.000.000 USD đến 500.000.000 USD cho Công ty N và Công Đại Thổ Nguyên nhưng bị cáo S1 đã sử dụng pháp nhân Công ty H ký “Thư tín dụng và tài trợ nguồn vốn đầu tư không hoàn lại”. S giúp sức trên của bị cáo S1 đã làm cho ông Tô Quốc K tin rằng Công ty N có hợp tác với Công ty tài chính sở hữu nguồn vốn lớn sẵn sàng bảo lãnh tín dụng cho dự án của Công ty Đ như đã hứa hẹn nên đã tiếp tục đưa tiền cho các đối tượng 1.000.000.000đ (một tỷ đồng). Với hành vi trên của bị cáo S1 không thể xem là giúp sức không đáng kể như bản án sơ thẩm đã nhận định.

[3.2]. Số tiền mà bị cáo S1 giúp sức để bị cáo S và P chiếm đoạt của ông Tô Quốc K trong vụ án này là 1.000.000.000đ, thuộc trường hợp qui định tại khoản 4 Điều 174 Bộ luật hình sự (có mức án từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân).

[3.3]. Do đó, Bản án sơ thẩm đã nhận định bị cáo S1 phạm tội với vai trò giúp sức không đáng kể nên đã xử phạt bị cáo S1 03 năm tù nhưng cho hưởng án treo là chưa tương xứng với tính chất, mức độ, hành vi phạm tội của bị cáo S1. Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đề nghị tăng mức hình phạt đối với bị cáo Trần Quang S1 và không cho bị cáo S1 được hưởng án treo là có căn cứ chấp nhận.

[3.4]. Tại phiên toà phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và đề nghị xử phạt bị cáo S1 mức án từ 06 đến 07 năm tù. Xét thấy:

Về tình tiết tăng nặng: Bị cáo Trần Quang S1 không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Về tình tiết giảm nhẹ: Bị cáo Trần Quang S1 thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; phạm tội lần đầu, chưa có tiền án, tiền sự nên được áp dụng tình tiết giảm nhẹ theo điểm s khoản 1 và khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi bổ sung năm 2017. Ngoài ra, bị cáo Trần Quang S1 đã tác động gia đình và mẹ bị cáo đã bồi thường cho bị hại là Công ty Cổ phần Công nghệ X do ông Tô Quốc K đại diện số tiền là 50.000.000 đồng, nên được áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ “Người phạm tội tự nguyện sữa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả” quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Do bị cáo S1 có hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại Khoản 1 Điều 51 nên áp dụng Khoản 1 Điều 54 Bộ luật hình sự, quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng xử phạt bị cáo Trần Quang S1 05 (năm) năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

[4] Như đã phân tích, đánh giá, tại mục [2] đến mục [4], có căn cứ để chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và chấp nhận một phần đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh, không có cơ sở chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Nguyễn Tấn S, Nguyễn Thụy Long P và đề nghị của các luật sư bào chữa bào chữa cho các bị cáo; giữ nguyên mức hình phạt của bản án sơ thẩm đối với bị cáo S, bị cáo P; sửa một phần bản án hình sự sơ thẩm đối với bị cáo S1 theo hướng tăng mức hình phạt và không cho bị cáo S1 được hưởng án treo.

[5] Về án phí hình sự phúc thẩm: Do kháng cáo không được chấp nhận nên bị cáo Nguyễn Tấn S và Nguyễn Thụy Long P phải chịu án phí hình sự phúc thẩm theo quy định pháp luật.

[6] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không có kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ Điều 355, Điều 357 của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

1. Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Tấn S và bị cáo Nguyễn Thụy Long P, giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Tấn S và bị cáo Nguyễn Thụy Long P.

2. Chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, sửa một phần bản án hình sự sơ thẩm số 581/2022/HS-ST ngày 16 tháng 12 năm 2022 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về phần hình phạt đối với bị cáo Trần Quang S1.

2. 1.Tuyên bố: Bị cáo Nguyễn Tấn S, bị cáo Nguyễn Thụy Long P và bị cáo Trần Quang S1 phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

2.2. Căn cứ điểm a khoản 4 Điều 174; điểm g khoản 1 Điều 52; điểm s khoản 1 và khoản 2 Điều 51; Điều 17; Điều 38; Điều 50; Điều 58 của Bộ luật hình sự năm 2015, đã được sửa đổi bổ sung năm 2017;

Xử phạt bị cáo Nguyễn Tấn S 13 (Mười ba) năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù được tính từ ngày 29/01/2022.

2.3. Căn cứ điểm a khoản 4 Điều 174; điểm g khoản 1 Điều 52; điểm n, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51; Điều 17; Điều 38; Điều 50; Điều 58 của Bộ luật hình sự năm 2015, đã được sửa đổi bổ sung năm 2017;

Xử phạt bị cáo Nguyễn Thụy Long P 13 (Mười ba) năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù kể từ ngày bắt thi hành án.

2.3 Căn cứ điểm a khoản 4 Điều 174; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51;

Điều 17; Điều 50; Điều 58; Khoản 1 Điều 54 của Bộ luật hình sự năm 2015, đã được sửa đổi bổ sung năm 2017;

Xử phạt bị cáo Trần Quang S1 05 (năm) năm tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt bị cáo chấp hành án.

3. Án phí hình sự phúc thẩm:

Áp dụng điểm b khoản 2 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy Ban Thường vụ Quốc Hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án.

Bị cáo Nguyễn Tấn S và Nguyễn Thụy Long P mỗi bị cáo phải chịu 200.000 (hai trăm nghìn) đồng án phí hình sự phúc thẩm.

4. Các phần khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không có kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

5. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

393
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản số 579/2023/HS-PT

Số hiệu:579/2023/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:22/08/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về