Bản án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản số 505/2023/HS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI

BẢN ÁN 505/2023/HS-PT NGÀY 11/07/2023 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Ngày 11 tháng 7 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 591/TLPT-HS ngày 04 tháng 7 năm 2022 đối với bị cáo Nguyễn Thị D, do có kháng cáo của bị cáo, người bị hại, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 23/2022/HS-ST ngày 23 tháng 5 năm 2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình.

1. Bị cáo có kháng cáo, bị kháng cáo: Nguyễn Thị D, sinh năm 1984, tại Thái Bình; nơi ĐKHKTT: số nhà 45A, ngõ 164, đường Quang Tr, tổ 6, phường Trần Hưng Đ, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình; nghề nghiệp: Viên chức; trình độ học vấn: 12/12; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; giới tính: Nữ; con ông Nguyễn Hữu Kh (đã chết) và con bà Vũ Thị M (đã chết); có chồng là anh Trần Quang T (đã ly hôn) và có 01 con; tiền án, tiền sự: Không; bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 20/9/2020 đến nay, hiện đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Thái Bình; có mặt.

Ngưi bào chữa cho bị cáo: Luật sư Phạm H và Luật sư Lưu Văn L - Văn phòng luật sư Phạm H và Cộng sự, Đoàn luật sư tỉnh Thái Bình; có mặt.

2. Người bị hại có kháng cáo: Bà Trần Thị Y, sinh năm 1968 và ông Trần Văn M1, sinh năm 1964; nơi ĐKHKTT: số 48 đường Lê L, phường Đề Th, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình; đều có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông M1, bà Y: Luật sư Phạm Quang X và luật sư Trần Ngọc Th1 - Công ty luật TNHH XTVN, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội; luật sư X có mặt, luật sư Th1 có đơn xin xét xử vắng mặt.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có kháng cáo: Anh Đặng Quang Th2, sinh năm 1987; địa chỉ: số 23, phố Hàng D, phường Hàng B, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của anh Th2: Luật sư Nguyễn Văn B1 - Công ty luật TNHH Văn Ch, Đoàn luật sư thành phó Hà Nội; có mặt.

4. Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan khác không kháng cáo, không bị kháng nghị:

4.1 Anh Lê Văn Kh, sinh năm 1988; trú tại: Căn hộ số 2902, Tòa nhà G3 Vinhomes Green Bay Mễ Tr, quận Nam Từ L1, thành phố Hà Nội; vắng mặt.

4.2 Anh Nguyễn Ngọc T1, sinh năm 1983; địa chỉ: số 120 đường Trần Khánh D1, tổ 4, phường Đề Th, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình; vắng mặt.

4.3. Công ty cổ phần Hồng Lam Xuân Th3; địa chỉ: thôn Thành Vân, xã Xuan Th3, huyện Nghi Xuân, tỉnh Nghệ An; Người đại diện theo pháp luật: Bà Nguyễn Hồng L2, chức vụ: Giám đốc; vắng mặt.

4.4. Anh Bùi Văn Th4, sinh năm 1976; địa chỉ: thôn Tú L3, xã Tân B2, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình; vắng mặt.

4.5. Ông Đào Duy C, sinh năm 1962; địa chỉ: số nhà 456/22 đường Nguyễn Tử L4, phường 8, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng; vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ và bản án sơ thẩm, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Năm 2016, Nguyễn Thị D thường xuyên đến nhà bà Trần Thị Y và ông Trần Văn M1 mua bán vàng. Từ đó giữa D và bà Y trở nên thân thiết. D khoe có nhiều mối quan hệ, ngoài làm công việc nhà nước, D còn đầu tư, buôn bán bất động sản. D nói có “bác” là cổ đông của công ty làm chủ dự án khu đô thị Town Khai Sơn (viết tắt là dự án Khai Sơn) thuộc quận Long Biên, thành phố Hà Nội nên sẽ mua được đất với giá ưu đãi, nếu có tiền đầu tư sẽ có lợi nhuận cao. Ông M1, bà Y tin tưởng nên đã nhiều lần đưa tiền cho D để đặt cọc mua đất cụ thể:

1. Ngày 14/12/2018, thông qua anh Lê Văn Kh là người môi giới bất động sản và được D giới thiệu nên bà Y, ông M1 đặt cọc 500 triệu đồng mua lại 2 lô TOWN 6.7 và TOWN 6.9 (viết tắt là lô 6.7 và lô 6.9) của bà Nguyễn Thị L6 trong dự án Khai Sơn. Ngày 24/12/2018 ông M1, bà Y ký hợp đồng mua lô 6.9 với giá 8,4 tỷ đồng. Ông M1, bà Y giao tiền cho anh Kh. Anh Kh giao cho bà L6 5,4 tỷ đồng gồm cả tiền cọc, số tiền 3 tỷ đồng sẽ nộp cho Công ty Khai Sơn theo tiến độ của dự án. Số tiền còn lại 600 triệu đồng, D chi tiền hoa hồng cho anh Kh 100 triệu đồng, còn lại 500 triệu sau này D bảo anh Kh đặt cọc với Công ty cổ phần bất động sản thế kỷ mua lô 5.32 tên ông M1, bà Y.

2. Khoảng tháng 01/2019, D nói với bà Y là đất ở dự án Khai Sơn đang lên giá và bảo bà Y gom tiền mua để “bán lướt sóng” kiếm lời, đây là hình thức đầu tư kiếm tiền nhanh, hiệu quả, chỉ cần đưa tiền cho D còn các thủ tục D sẽ lo. Ông M1, bà Y đồng ý. D nói cứ đưa tiền cho anh Kh làm giấy đặt cọc, rồi Kh chuyển tiền lại cho D để D “tác động” đặt cọc những lô như ý muốn. Ngày 11 và ngày 21/01/2019, ông M1, bà Y đã mang 4,5 tỷ đồng đưa cho anh Kh để đặt cọc mua 14 lô đất trong dự án Khai Sơn. Sau đó anh Kh đã chuyển cho D toàn bộ số tiền này. Sau khi nhận tiền, D sử dụng 2,45 tỷ đồng để trả nợ anh Nguyễn Ngọc T1, còn lại 2,05 tỷ đồng D chi tiêu hết.

3. Khoảng tháng 3/2019, bà Y nhiều lần gọi điện bảo D bán lướt sóng 14 lô đất đã đặt cọc trong dự án Khai Sơn. D đã đưa ra nhiều lý do để nói dối bà Y là chưa bán được. Sau đó D tiếp tục bảo bà Y đưa thêm tiền để D rút tiền đặt cọc 14 lô dồn vào mua 1 lô hoàn chỉnh ở Khai Sơn. Ông M1, bà Y tiếp tục chuyển cho D 2 tỷ đồng gồm: Ngày 07/3/2019, ông M1 gửi cho D 1,5 tỷ đồng, ngày 23/5/2019, ông M1 gửi cho D 500 triệu đồng đều thông qua chị Nguyễn Thị L7. Sau khi nhận được tiền, D đưa cho anh Bùi Văn Th4 1,38 tỷ đồng nhờ vợ chồng anh Th4 đứng tên mua lô đất số 7A3 khu tái định cư xã Đông Mỹ, thành phố Thái Bình. Số tiền còn lại D trả nợ và chi tiêu hết. D nhờ anh Th4 thế chấp quyền sử dụng lô đất 7A3 để vay tiền ngân hàng xây nhà. Anh Th4 đã vay tiền, một phần dùng để xây nhà, một phần D lấy chi tiêu. Sau đó, do không có tiền trả nợ ngân hàng nên tháng 7/2020 D và anh Th4 đã thống nhất bán nhà. Sau khi thanh toán tiền nợ, còn lại 493 triệu đồng, anh Th4 đã nộp cho Cơ quan điều tra.

4. Đến tháng 4/2019, D bảo ông M1, bà Y ký văn bản hủy hợp đồng mua bán lô 6.9 lấy tiền về để mua lô 5.32 đẹp hơn, nhiều tiền hơn, bán sẽ lãi cao hơn. Số tiền còn thiếu “bác” của D sẽ bù vào. Do tin tưởng nên ngày 25/4/2019, ông M1, bà Y đã lên Hà Nội ký văn bản hủy hợp đồng mua lô 6.9 với bà L6, lấy về số tiền 5,15 tỷ đồng (bị phạt cọc 250 triệu đồng). Anh Kh nhận số tiền này, đến chiều cùng ngày, anh Kh đã đưa cho D 5,15 tỷ đồng. D chi cho anh Kh 100 triệu đồng tiền hoa hồng. Còn lại 5,05 tỷ đồng D sử dụng như sau: Nhờ anh Đặng Quang Th2 là nhân viên môi giới bất động sản, làm hợp đồng với Công ty cổ phần Hồng Lam Xuân Th3 đặt cọc 2,105 tỷ đồng mua 2 lô đất L5.03 và L5.04 tại dự án Hoa Tiên Paradise, xã Xuân Th3, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, đứng tên ông M1, bà Y. D nói dối ông M1, bà Y là “bác” D tặng nên ông M1, bà Y đã vào Hà Tĩnh làm thủ tục đặt cọc mua 2 lô đất này; Làm hợp đồng đặt cọc 420 triệu đồng mua 3 lô đất (L1.14, L2.01, L6.02) tại dự án Hoa Tiên Paradise, đứng tên D. Nhờ anh Th2 thông qua Công ty cổ phần dịch vụ và đầu tư bất động sản Midland đặc cọc 200 triệu đồng để mua của Doanh nghiệp tư nhân Khanh Cát 2 lô đất số 8 và 9 khu dân cư Khanh Cát, phường 8, thành phố Đà L5, tỉnh Lâm Đồng, đứng tên ông M1, bà Y. D nói là bác D tặng, ông M1, bà Y đã vào thành phố Đà Lạt xem đất và làm thủ tục; D đã chuyển cho anh Th2 100 triệu đồng để đưa ông M1, bà Y vào Đà Lạt xem đất. Chuyển 700.000.000 đồng trả lại cho ông M1, bà Y. Số tiền còn lại 1,525 tỷ đồng D trả nợ cho một số người và chi tiêu cá nhân hết. Tổng số tiền D lừa đảo chiếm đoạt của ông M1, bà Y qua việc nói dối mua lô đất 5.32 trong dự án Khai Sơn gồm: 200 triệu đồng chi cho anh Kh + 100 triệu đồng chi cho anh Th2 + 420 triệu đồng đặt cọc 3 lô đứng tên D + 1,525 tỷ đồng D chi tiêu = 2,245 tỷ đồng. Anh Kh đã nộp 200 triệu đồng, Công ty Hồng Lam Xuân Th3 đã nộp 420 triệu đồng.

* Đầu năm 2017, D giới thiệu với một số người quen: D là công chức của Sở Y tế tỉnh Thái Bình, chồng làm ở Chi cục Thủy lợi thành phố Thái Bình quen biết rộng, có khả năng xin “biên chế” vào ngành giáo dục và nhiều ngành khác. Do tin tưởng D, nên tháng 6/2017, ông Vũ Đình Th5 nhờ chị Trần Thị Th5 dẫn đến nhà D để nhờ “chạy” cho con gái là chị Huyền Anh vào biên chế. D nói chi phí khoảng 400 triệu đồng, ông Th5 đồng ý. Ngày 31/01/2018, tại nhà D, ông Th5 đưa cho D 370 triệu đồng. D viết giấy biên nhận, có bà Đỗ Thị Thảo chứng kiến. Sau khi nhận tiền, D đã chi tiêu cá nhân hết, không tác động với ai để xin việc cho chị Huyền Anh.

Tổng số tiền D lừa đảo chiếm đoạt của vợ chồng ông M1, bà Y và ông Th5 là 4,5 tỷ đồng + 2 tỷ đồng + 2,245 tỷ đồng + 370 triệu đồng = 9,115 tỷ đồng.

Cáo trạng số 72/CT-VKSTB ngày 11/10/2021 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình đã truy tố Nguyễn Thị D về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm a khoản 4 Điều 174 Bộ luật hình sự.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 23/2022/HS-ST ngày 23/5/2022 của Toà án nhân dân tỉnh Thái Bình, đã quyết định:

Tuyên bố bị cáo Nguyễn Thị D phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Áp dụng điểm a khoản 4 điều 174, điểm g khoản 1 Điều 52, Điều 50, Điều 38 Bộ luật hình sự. Xử phạt bị cáo Nguyễn Thị D 20 (hai mươi) năm tù, thời hạn tù tính từ ngày tạm giam 20/9/2020.

Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 48 Bộ luật hình sự; các Điều 584, 585, 589, 357 Bộ luật dân sự; Buộc bị cáo Nguyễn Thị D phải bồi thường cho ông Trần Văn M1 và bà Trần Thị Y 8.032.000.000đ (tám tỷ không trăm ba mươi hai triệu) đồng. Buộc bị cáo Nguyễn Thị D phải bồi thường cho ông Vũ Đình Th5 370.000.000 (ba trăm bảy mươi triệu) đồng. Buộc anh Đặng Quang Th2 phải trả cho ông Trần Văn M1 và bà Trần Thị Y 100.000.000 (một trăm triệu) đồng. Buộc ông Đào Duy C phải trả cho ông Trần Văn M1 và bà Trần Thị Y 200.000.000 (hai trăm triệu) đồng.

Ngoài ra Tòa án cấp sơ thẩm quyết định về xử lý vật chứng, án phí và thông báo quyền kháng cáo theo quy định pháp luật.

Ngày 30/5/2022, bị cáo Nguyễn Thị D kháng cáo giảm nhẹ hình phạt.

Ngày 27/5/2022, bà Trần Thị Y và ông Trần Văn M1 kháng cáo với nội dung: Tòa án cấp sơ thẩm bỏ lọt tội phạm đối với anh Lê Văn Kh, xem xét thu hồi trả lại số tiền bị cáo D lấy của ông M1 và bà Y đem trả nợ cho anh Nguyễn Ngọc T1.

Ngày 30/6/2022, anh Đặng Quang Th2 kháng cáo không đồng ý phải trả 100 triệu đồng cho ông M1 và bà Y, không phải nộp án phí.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Bị cáo Nguyễn Thị D giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, khai nhận hành vi phạm tội của mình, đề nghị xem xét lại số tiền mà anh Kh đưa cho D không đúng như bản án sơ thẩm quy kết; sau khi nhận tiền từ bà Y và ông M1, D đem trả nợ cho anh T1 và chi tiêu cá nhân, hoàn cảnh gia đình khó khăn, hiện bị bệnh hiểm nghèo, con nhỏ,...

Luật sư bào chữa cho bị cáo đề nghị xem xét giảm nhẹ hình phạt xuống mức thấp nhất cho bị cáo D, xem xét số tiền D đưa anh Lê Văn Kh, hành vi đồng phạm của anh Kh, xem xét số tiền D trả cho anh Nguyễn Ngọc T1.

Bị hại bà Trần Thị Y và ông Trần Văn M1 đề nghị: Hành vi của anh Lê Văn Kh đồng phạm với bị cáo D cần được xử lý theo pháp luật; số tiền D trả cho anh T1 là tiền của bà Y, nên cần buộc anh T1 phải trả lại bà Y.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông M1, bà Y có quan điểm: Anh Lê Văn Kh đồng phạm với bị cáo D, cấp sơ thẩm bỏ lọt hành vi phạm tội của anh Kh; số tiền bị cáo D trả cho anh Nguyễn Ngọc T1 là vật chứng vụ án nên cần trả lại cho bà Y, đề nghị Hội đồng xét xử hủy bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại theo đúng pháp luật.

Anh Đặng Quang Th2 giữ nguyên kháng cáo, đề nghị giải quyết đúng pháp luật.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của anh Th2 có quan điểm: số tiền D đưa anh Th2 không phải vật chứng vụ án, nên đề nghị sửa bản án sơ thẩm không buộc anh Th2 phải trả ông M1, bà Y 100 triệu đồng.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội sau khi phân tích, đánh giá tính chất, mức độ, hậu quả hành vi phạm tội, tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ và nhân thân của bị cáo, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và căn cứ kháng cáo của bị cáo, bị hại, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, kết luận: Bị cáo Nguyễn Thị D bị Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm a khoản 4 điều 174 của Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật; Không đủ căn cứ xác định anh Lê Văn Kh đồng phạm với bị cáo D. Đề nghị Hội đồng xét xử bác kháng cáo của bị cáo D; Chấp nhận một phần kháng cáo của ông M1, bà Y và anh Th2 về phần xử lý vật chứng, án phí; buộc anh Nguyễn Ngọc T1 phải trả số tiền 2,45 tỷ đồng ông M1, bà Y; anh Th2 không phải nộp án phí đối với số tiền 100 triệu đồng.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1]. Về hành vi, quyết định tố tụng: Cấp sơ thẩm đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Đơn kháng cáo của bị cáo, người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong thời hạn luật định, được xem xét theo trình tự phúc thẩm. Tại phiên tòa, bị cáo, bị hại, luật sư đề nghị hoãn phiên tòa để triệu tập anh Lê Văn Kh và anh Nguyễn Ngọc T1, xét thấy, phiên tòa phải hoãn nhiều lần, nhưng anh Kh và anh T1 đều vắng mặt không lý do thể hiện từ bỏ quyền lợi của mình, nên việc đề nghị hoãn phiên tòa không được chấp nhận.

[2]. Về hành vi phạm tội: Tại phiên tòa, mặc dù bị cáo Nguyễn Thị D cho rằng không ký đặt cọc căn 6.7 và 6.9, không ký chuyển nhượng hợp đồng mua bán 6.9 và hủy hợp đồng chuyển nhượng nhà 6.9. Tuy nhiên, căn cứ lời khai nhận của bị cáo D tại phiên tòa phúc thẩm và tại cơ quan điều tra, lời khai của bị hại, người có liên quan và các tài liệu chứng cứ khác trong hồ sơ, được chứng minh cụ thể như sau:

[2.1]. Hành vi phạm tội của bị cáo D trong việc ông M1 và bà Y đặt cọc căn 6.7 + 6.9, ký chuyển nhượng hợp đồng mua bán 6.9 và hủy hợp đồng chuyển nhượng nhà 6.9: Căn cứ lời khai của bị cáo D, bị hại ông M1 và bà Y, người liên quan anh Kh, anh Th2, anh D2, chị L7, chị Hằng… tại Cơ quan điều tra; cung cấp của Doanh nghiệp tư nhân Khanh Cát có nhận 200 triệu đồng đặt cọc; tài liệu sao kê tài khoản ngân hàng của bị cáo D, của anh D2, anh Th2; giấy biên nhận của chị L7 về việc giao cho ông M1 700 triệu đồng; Các Kết luận giám định của Viện khoa học kỹ thuật hình sự - Bộ Công an; Biên bản kiểm tra điện thoại ngày 26/5/2020 của bà Y, anh Kh xác định nhiều nội dung tin nhắn giữa bà Y và bị cáo D; giữa bà Y với anh Kh; Cơ quan điều tra đã trích xuất nội dung các tin nhắn liên quan đến hành vi lừa đảo của bị cáo D;… [2.2]. Hành vi của bị cáo D trong việc ông M1, bà Y đặt cọc 14 căn dự án khu đô thị Khai Sơn: Căn cứ lời khai của bị cáo D, ông M1, bà Y, anh Kh, anh T1, các Kết luận giám định; biên bản in rút tài liệu và kiểm tra điện thoại di động các nội dung tin nhắn giữa bà Y với bị cáo D; giữa bà Y với anh Kh; biên bản làm việc với Công ty bất động sản Thế kỷ; Kết luận giám định chữ viết của anh Kh tại giấy đặt cọc 14 lô, chữ ký của ông M1… [2.3]. Hành vi của bị cáo D trong việc ông M1 và bà Y chuyển số tiền 2 tỷ đồng qua Cửa hàng Viettel thông qua Nguyễn Thị L7: Căn cứ lời khai ban đầu của bị cáo D nhận số tiền 2 tỷ đồng qua Viettel là số tiền bà Y chuyển để nhờ D đổi tiền lẻ thông qua Hà Thị Hiền, tuy nhiên chị Hiền và anh Luyện xác định không có việc này. Sau đó, tại cơ quan điều tra bị cáo D đã thừa nhận không có việc đổi tiền, mà thực tế số tiền này giao cho anh Bùi Văn Th4 để nhờ về việc anh Th4 đứng tên mua đất khu tái định cư Đông Mỹ, số tiền còn lại D chi tiêu hết; Lời khai của bị cáo D phù hợp với lời khai của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và các tài liệu Cơ quan điều tra đã thu thập được trong hồ sơ.

[2.4]. Các căn cứ chứng minh D sử dụng số điện thoại 0392707697;

0966157026 dùng để nhắn tin, gọi điện cho bà Y, anh Kh phù hợp với kết quả điều tra điện thoại của bà Y và anh Kh; Sao kê tài khoản 1903412669015 của D dùng để nộp tiền bằng tài khoản và số điện thoại; Sao kê tài khoản của anh D2, anh Th2 và các tài khoản có liên quan.

[2.5]. Các căn cứ chứng minh bị cáo D gian dối có người “bác” để lừa dối ông M1, bà Y: Lời khai tại Cơ quan điều tra, bị cáo D xác định không có người bác nào làm lãnh đạo có cổ phần dự án Khai Sơn; không có “bác” nào là ông Trần Hồng Sơn - Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thái Bình. Bị cáo D đã gian dối dựng lên một người bác để bà Y tin tưởng đầu tư tiền vào dự án Khai Sơn, các tin nhắn D nhắn cho bà Y giả danh “bác”, D đều khai nhận là do D tự soạn thảo nhắn tin cho bà Y để đánh lừa bà Y, phù hợp với các Kết luận giám định; biên bản in rút tài liệu nội dung tin nhắn giữa D và bà Y trong việc đầu tư vào dự án Khai Sơn.

[2.6]. Ngoài ra, căn cứ lời khai của ông Th5, lời khai bị cáo D, kết luận giám định và các tài liệu chứng cứ khác chứng minh hành vi phạm tội của D, liên quan đến việc lừa đảo ông Vũ Đình Th5 để xin việc cho con ông Th5 với số tiền 370 triệu đồng.

[2.7]. Với các căn cứ nêu trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm thống nhất với nhận định và kết luận của Tòa án cấp sơ thẩm về hành vi phạm tội của bị cáo D, như sau: Do kinh doanh thua lỗ, không có tiền trả nợ, khoảng từ năm 2017 đến 2019 trên địa bàn tỉnh Thái Bình, bị cáo Nguyễn Thị D đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người. Trong đó, bằng thủ đoạn nói dối nói có “bác” là cổ đông của Công ty làm chủ dự án đô thị Town Khai Sơn thuộc quận Long Biên, thành phố Hà Nội có thể tác động mua các lô đất giá ưu đãi. Thông qua việc nhận tiền đặt cọc, mua bán bất động sản, D đã chiếm đoạt của vợ chồng ông Trần Văn M1 và bà Trần Thị Y tại số nhà 48, phường Lê Lợi, thành phố Thái Bình nhiều lần, với tổng số tiền 8,745 tỷ đồng. Ngoài ra, trong khoảng thời gian từ tháng 6/2017, D đã nói dối bản thân có quen biết rộng, có khả năng “chạy” biên chế vào ngành giáo dục tỉnh Thái Bình, qua đó nhận tiền và chiếm đoạt của ông Vũ Đức Th5 ở xã Đông Xuân, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình số tiền 370 triệu đồng, do ông Th5 nhờ “chạy” biên chế cho con gái là chị Vũ Thị Huyền Anh vào ngành giáo dục tỉnh Thái Bình. Sau khi nhận được tiền của những bị hại, bị cáo Nguyễn Thị D không làm những việc như đã nói, mà sử dụng trả nợ và chi tiêu cá nhân hết. Tổng số tiền Nguyễn Thị D chiếm đoạt trong vụ án là 9,115 tỷ đồng. Với hành vi nêu trên của bị cáo D, đủ yếu tố cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, vi phạm tình tiết định khung “Chiếm đoạt tài sản có giá trị 500 triệu đồng trở lên”. Tội danh và hình phạt được quy định tại điểm a khoản 4 Điều 174 Bộ luật hình sự. Do vậy, Toà án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo Nguyễn Thị D theo tội danh, điểm, khoản, điều luật nêu trên là có căn cứ, đúng pháp luật, không oan.

[3]. Xét kháng cáo của bị cáo D; ông M1 và bà Y; anh Th2:

[3.1]. Xét kháng cáo giảm hình phạt của bị cáo D: Hành vi của bị cáo nguy hiểm cho xã hội, bị cáo đã xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của công dân được pháp luật bảo vệ, gây bức xúc cho bị hại, đồng thời làm mất uy tín cho cơ quan nhà nước. Bị cáo nhận thức rõ bản thân không có khả năng mua được nhà đất dự án giá ưu đãi, không có chức năng tuyển dụng việc làm, nhưng vẫn dùng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác, nhiều lần có hành vi lừa đảo chiếm đảo tài sản của bị hại, đến nay cơ bản chưa khắc phục được hậu quả, tại phiên tòa sơ thẩm không thành khẩn nhận tội. Cấp phúc thẩm đồng tình cần phải xử lý nghiêm minh để giáo dục, cải tạo đối với bị cáo và phòng ngừa chung, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm trong xã hội. Trên cơ sở tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, nhân thân, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo, Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo D 20 năm tù là thỏa đáng. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo khai nhận hành vi phạm tội, phạm tội lần đầu, bị bệnh hiểm nghèo, hoàn cảnh gia đình khó khăn, có con nhỏ… xét đây là tình tiết giảm nhẹ mới cần áp dụng điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự cho bị cáo được hưởng, nên có căn cứ để giảm nhẹ một phần hình phạt. Cấp phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của bị cáo D, sửa bản án sơ thẩm và giảm một phần hình phạt cho bị cáo D, thể hiện sự nhân đạo của pháp luật. Quan điểm Luật sư bào chữa cho bị cáo có căn cứ, được chấp nhận.

Bị cáo D cho rằng số tiền mà D nhận từ anh Kh bản án sơ thẩm quy kết là không đúng. Tuy nhiên, căn cứ giấy giao tiền, lời khai của D, bị hại ông M1 và bà Y, lời khai của anh Kh và các tài liệu chứng cứ khác, xét thấy bản án sơ thẩm xác định số tiền mà anh Kh nhận từ ông M1 và bà Y, sau đó anh Kh giao lại cho bị cáo D là có căn cứ, nên quan điểm của bị cáo D và Luật sư tại phiên tòa không có căn cứ, không được chấp nhận.

[3.2]. Xét kháng cáo của ông M1 và bà Y.

[3.2.1]. Xét kháng cáo của ông M1, bà Y cho rằng Lê Văn Kh đồng phạm với bị cáo D: Căn cứ lời khai của bị cáo D, lời khai bà Y, anh Kh, các tin nhắn giữa bị cáo D với bà Y; giữa Kh với bị cáo D; Giấy giao tiền giữa D và Kh; lời khai D nhận số tiền đặt cọc 14 lô đất sau khi Kh nhận từ bà Y, ông M1; các biên bản đối chất giữa các bên và chứng cứ khác. Xét thấy, liên quan đến hành vi phạm tội của bị cáo D trong việc ông M1, bà Y đặt cọc căn Town 6.7 và 6.9; ký văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà phố thương mại Town 6.9 và hủy văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà phố 6.9 dự án Khai Sơn. Lê Văn Kh với vai trò là nhân viên môi giới bất động sản, không biết việc D gian dối hủy chuyển nhượng căn Town 6.9 để chiếm đoạt số tiền này. Việc ông M1 và bà Y ký hủy văn bản chuyển nhượng là do ông M1 và bà Y liên lạc, thỏa thuận với bị cáo D và tự quyết định. Kh giao tiền cho D vì tin tưởng D và ông M1 - bà Y là một, cùng chung tiền đầu tư và chung mối quan hệ để mua căn Town 5.32 với giá rẻ. Sau khi đặt cọc căn Town 5.32, Kh nhiều lần gọi điện, nhắn tin thúc giục D, thậm chí còn cảnh báo nếu không vào tiền sẽ mất tiền đặt cọc. Kh nhận thức số tiền 200 triệu đồng D cho là tiền tặng cho hoa hồng, không biết đây là D phạm tội mà có. Sau khi biết đây là tiền phạm tội, Kh đã giao nộp số tiền này. Mặt khác, lời khai D khai nhận ngoài việc lừa dối ông M1, bà Y thì tất cả những người liên quan như Lê Văn Kh, Nguyễn Mậu D2, Nguyễn Thị L7 cũng bị D lừa dối, lợi dụng những người không biết gì về âm mưu, hành động của D. Liên quan đến hành vi của D trong việc ông M1, bà Y đặt cọc 14 căn dự án Khu đô thị Khai Sơn: Khoảng tháng 01/2019, thấy bà Y rất tin tưởng trong việc đầu tư dự án Khai Sơn và do cần tiền trả nợ, D nói dối bà Y là khu đô thị Khai Sơn đang lên và “bác” D là cổ đông sẽ tạo điều kiện có thể đặt đọc đầu tư, lướt sóng. Đồng thời, D lợi dụng Kh nhờ nhận đặt cọc của ông M1 và bà Y giúp, với lý do D không có mặt ở Hà Nội và hứa khi nào bà Y ký hợp đồng thì sẽ nhờ Kh làm thủ tục, D bảo Kh sau khi nhận được tiền cọc thì giao lại cho D, để D dùng mối quan hệ của mình đặt cọc cho bà Y với giá tốt nhất. Do tin tưởng D nên Kh đồng ý. Cụ thể: Tháng 11/2019, ông M1 - bà Y giao cho Kh 2 tỷ đồng (có giấy biên nhận). Trong ngày, Kiêm giao cho D 2 tỷ đồng này (không có biên nhận). D cho rằng chỉ nhận 1,7 tỷ đồng, còn 300 triệu đồng cho Kh tiền hoa hồng (không có tài liệu). Ngày 21/01/2019, ông M1 giao cho Kh 2,5 tỷ đồng đặt cọc 10 lô (có viết 5 giấy biên nhận). Ngày 22/01/2019, Kh giao D 2,5 tỷ đồng (không có biên nhận), nhưng D khai chỉ nhận 1,9 tỷ đồng, D cho Kh 600 triệu đồng (tiền hoa hồng). Sau khi nhận tiền từ Kh, D không làm gì theo hứa hẹn từ trước mà sử dụng chi tiền cá nhân hết. Về số tiền này, khi ông M1 và bà Y giao cho Kh, Kh giao lại cho D, chính lời khai của D xác định sau khi nhận tiền từ Kh, điện lại cho bà Y - ông M1 là đã nhận đủ số tiền cọc, lời khai bà Y cũng xác định D có điện lại cho bà Y đã nhận đủ số tiền cọc mà bà Y giao cho Kh trước đó, sau đó Kh giao lại cho D, các tin nhắn giữa D và bà Y cũng thể hiện việc này. Xét vai trò của Kh (14 lô này), thấy: Do việc giao nhận tiền giữa Kh - D không có giấy biên nhận, không có ai chứng kiến, cơ quan điều tra đã đối chất D - Kh nhưng không có căn cứ chứng minh được có hay không việc D cho Kh tiền. Tại cơ quan điều tra, D thừa nhận có được Kh giao lại số tiền ông M1 - bà Y đặt cọc, việc D cho rằng cho Kh 900 triệu đồng (2 lần) là do D tự ý quyết định cho Kh, không có sự thỏa thuận gì trước giữa D và Kh liên quan đến việc lừa ông M1 - bà Y số tiền 4,5 tỷ đồng. Mặt khác, tin nhắn giữa D và bà Y, cơ quan điều tra thu thập được trong điện thoại của bà Y, xác định D có xác nhận với bà Y là đã nhận đủ số tiền đặt cọc. Trong quá trình điều tra, chính D xác định lừa vợ chồng ông M1, bà Y để lấy tiền, không trao đổi hay bàn bạc với Kh, không cho Kh biết việc D lừa ông M1 và bà Y. Với các nhận định trên, không đủ căn cứ để xác định ý chí của Lê Văn Kh đồng phạm với Nguyễn Thị D cùng có mục đích chiếm đoạt tài sản. Do vậy, cơ quan điều tra, viện kiểm sát cấp sơ thẩm không đủ căn cứ khởi tố, truy tố là phù hợp quy định pháp luật, nên kháng cáo của người bị hại và quan điểm của Luật sư về vấn đề này không được cấp phúc thẩm chấp nhận.

[3.2.2]. Xét kháng cáo của ông M1, bà Y đề nghị xem xét số tiền 2,45 tỷ đồng mà D chuyển cho anh Nguyễn Ngọc T1, thấy: Căn cứ lời khai của bị cáo D tại cơ quan điều tra, sau khi nhận số tiền đặt cọc 4,5 tỷ đặt cọc 14 lô ngay sau khi ông M1, bà Y giao cho anh Kh, D đã thu về và không làm gì theo thỏa thuận từ trước, mà sử dụng chi tiêu cá nhân hết. Cụ thể, D khai dùng 2,45 tỷ đồng trả nợ cho anh Nguyễn Ngọc T1, còn lại trả nợ và chi tiêu hết không nhớ. Xét lời khai của D, thấy rằng thời điểm này D có nợ anh T1 số tiền nêu trên, do anh T1 đòi nhiều lần không có trả và nói sẽ làm đơn tố cáo, do lo sợ nên D đã dùng số tiền này trả cho anh T1, nguồn tiền do anh Kh đưa là từ việc nhận cọc của ông M1 và bà Y, lời khai của anh T1 xác định đã nhận đủ số tiền này từ D, do một người đàn ông đưa cuối tháng 01/2019 (gần Tết); Lời khai D xác định nhờ Th5 giúp việc thông qua chồng Th5 (anh Việt) đưa số tiền này cho anh T1 (mặc dù không có biên nhận) nhưng anh T1 thừa nhận đã nhận đủ số tiền 2,45 tỷ đồng. (Số tiền này được gộp 2 lần, lần 1 là 1 tỷ đồng khi Kh giao 2 tỷ đồng cho D gửi chị L7, Th5 đến lấy; lần 2 khi Kh giao 2,5 tỷ cho D, D giao Th5 1,45 tỷ, nguồn tiền đều nhận từ ông M1 và bà Y). Thời điểm này bị cáo D không làm ăn gì, không có tiền, không có khả năng trả nợ, nên khi nhận được tiền từ anh Kh (nguồn tiền của ông M1, bà Y), do anh T1 nói sẽ làm đơn gửi cơ quan chức năng, D sợ nên đã dùng số tiền 2,45 tỷ đồng trả cho anh T1. Dòng tiền này có nguồn gốc và thuộc sở hữu của ông M1 và bà Y, bằng hành vi lừa đảo của D, D nhờ anh Kh nhận hộ, sau khi D nhận được tiền từ anh Kh thì D trả nợ cho anh T1 số tiền 2,45 tỷ đồng. Đây là số tiền do D phạm tội mà có để trả cho anh T1 và là vật chứng của vụ án cần phải áp dụng theo Điều 47 Bộ luật hình sự, cũng như Điều 167 Bộ luật dân sự quy định chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình, trong trường hợp người chiếm hữu ngay tình có được động sản này thông qua hợp đồng không có đền bù với người không có quyền định đoạt tài sản. Tòa án cấp sơ thẩm xác định quan hệ giữa D và anh T1 là người thứ ba ngay tình, nên không buộc anh T1 trả lại cho ông M1, bà Y là chưa phù hợp, nên cần buộc anh T1 trả lại cho ông M1, bà Y số tiền 2,45 tỷ đồng theo quy định của pháp luật. Do vậy, kháng cáo của ông M1, bà Y và quan điểm của Luật sư về vấn đề này là có căn cứ, được được chấp nhận.

[3.3]. Xét kháng cáo của anh Đặng Quang Th2, thấy: Anh Th2 là nhân viên môi giới cũng bị D gian dối, lợi dụng. Anh Th2 không biết gì về hành vi phạm tội của D trước đó, không biết nguồn gốc số tiền D đầu tư vào dự án Hoa Tiên Paradise là do D phạm tội mà có, do tin tưởng, anh Th2 còn cho D vay tiền để bù thêm tiền cọc. Cơ quan điều tra không có căn cứ xử lý là phù hợp pháp luật. Tuy nhiên, anh Th2 nhận được 100 triệu đồng từ D, nguồn tiền là của ông M1 và bà Y do D phạm tội mà có, nên Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ Điều 47 Bộ luật hình sự, Điều 167 Bộ luật dân sự buộc anh Th2 phải trả lại cho ông M1 và bà Y là có căn cứ, tuy nhiên việc xác định anh Th2 phải chịu án phí là chưa phù hợp quy định của pháp luật. Do vậy, kháng cáo của anh Th2 và quan điểm của Luật sư được chấp nhận một phần.

[4]. Với các nhận định trên, kháng cáo của bị cáo, người bị hại, người liên quan được chấp nhận một phần. Do vậy, cần xác định lại số tiền mà bị cáo D và những người liên quan phải trả cho ông M1, bà Y như sau:

[4.1]. Về trách nhiệm dân sự: Bị cáo D phải trả cho ông M1 và bà Y số tiền là 5.582.000.000đ (Năm tỷ lăm trăm tám mươi hai triệu đồng); bị cáo D phải trả cho ông Th5 số tiền 370.000.000đ (Ba trăm bẩy mươi triệu đồng).

[4.2]. Về xử lý vật chứng: Anh Đặng Quang Th2 phải trả cho bà Trần Thị Y và ông Trần Văn M1 số tiền 100.000.000đ (Một trăm triệu đồng). Anh Nguyễn Ngọc T1 phải trả cho bà Trần Thị Y và ông Trần Văn M1 số tiền 2.450.000.000đ (Hai tỷ bốn trăm lăm mươi triệu đồng). Ông Đào Duy C phải trả cho bà Trần Thị Y và ông Trần Văn M1 số tiền 200.000.000đ (Hai trăm triệu đồng).

[5]. Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát cấp cao tại Hà Nội là có căn cứ, cơ bản được chấp nhận, riêng đề nghị giữ nguyên hình phạt đối với bị cáo D không được chấp nhận..

[6]. Án phí: Do sửa bản án sơ thẩm, nên người kháng cáo không phải nộp án phí hình sự phúc thẩm. Đối với số tiền xác định là vật chứng thì anh Th2, anh T1 và ông C không phải nộp án phí, cấp sơ thẩm xác định phải nộp là chưa phù hợp. Đối với án phí dân sự mà bị cáo D phải nộp, cấp phúc thẩm xác định lại theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên, Căn cứ Điều 355, Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về án phí và lệ phí Tòa án.

QUYẾT ĐỊNH

1. Chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Nguyễn Thị D; Chấp nhận một phần kháng cáo của người bị hại là bà Trần Thị Y và ông Trần Văn M1, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là anh Đặng Quang Th2.

2. Sửa Bản án hình sự sơ thẩm số 23/2022/HS-ST ngày 23/5/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình, như sau:

2.1. Về trách nhiệm hình sự:

Tuyên bố bị cáo Nguyễn Thị D phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 174; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 50; Điều 38 Bộ luật Hình sự;

Xử phạt bị cáo Nguyễn Thị D 19 (mười chín) năm tù, thời hạn tính từ ngày 20/9/2020.

2.2. Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 48 Bộ luật hình sự; các Điều 584, 585, 599, 373 Bộ luật dân sự.

- Buộc bị cáo Nguyễn Thị D phải trả cho bà Trần Thị Y và ông Trần Văn M1 số tiền 5.582.000.000đ (Năm tỷ năm trăm tám mươi hai triệu đồng).

- Buộc bị cáo Nguyễn Thị D phải trả cho ông Vũ Đình Th5 số tiền 370.000.000đ (Ba trăm bẩy mươi triệu đồng).

2.3. Về xử lý vật chứng: Áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự; Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự; Điều 167 Bộ luật dân sự.

- Buộc anh Đặng Quang Th2 phải trả cho bà Trần Thị Y và ông Trần Văn M1 số tiền 100.000.000đ (Một trăm triệu đồng).

- Buộc anh Nguyễn Ngọc T1 phải trả cho bà Trần Thị Y và ông Trần Văn M1 số tiền 2.450.000.000đ (Hai tỷ bốn trăm lăm mươi triệu đồng).

- Buộc ông Đào Duy C phải trả cho bà Trần Thị Y và ông Trần Văn M1 số tiền 200.000.000đ (Hai trăm triệu đồng).

Kể từ ngày người có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự người phải thi hành án dân sự, người được thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án quyền yêu cầu thi hành án tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án quy định tại điều 6,7,9 Luật Thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

3. Về án phí:

3.1. Án phí hình sự: Bị cáo Nguyễn Thị D, anh Đặng Quang Th2, bà Trần Thị Y và ông Trần Văn M1 không phải nộp án phí hình sự phúc thẩm.

3.2. Án phí dân sự:

Bị cáo Nguyễn Thị D phải nộp 113.582.000đ (Một trăm mười ba triệu năm trăm tám mươi hai nghìn đồng) án phí dân sự.

Anh Đặng Quang Th2, ông Đào Duy C, anh Nguyễn Ngọc T1 không phải nộp án phí dân sự theo quy định của pháp luật.

4. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

804
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản số 505/2023/HS-PT

Số hiệu:505/2023/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:11/07/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về