TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG
BẢN ÁN 462/2023/HS-PT NGÀY 26/09/2023 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN
Vào ngày 26 tháng 9 năm 2023 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định. Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 238/2023/TLPT-HS ngày 22 tháng 5 năm 2023 đối với bị cáo Nguyễn Thị L, Nguyễn Văn N về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Do có kháng cáo của các bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 23/2023/HS-ST ngày 12 tháng 4 năm 2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 3158/2023/QĐXXPT-HS ngày 05 tháng 9 năm 2023 của Toà án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng.
Bị cáo kháng cáo:
1. Họ và tên: Nguyễn Thị L, sinh năm 1965 tại tỉnh Bình Định; nơi cư trú: 103 đường V, thị trấn P, huyện T, tỉnh Bình Định; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: không; giới tính: nữ; trình độ văn hoá: 12/12; nghề nghiệp: buôn bán; con ông Nguyễn Công K và con bà Đỗ Thị Ph; có chồng tên là Nguyễn Văn N và có 03 con, con lớn nhất sinh năm 1988 và con nhỏ nhất sinh 1995; tiền án, tiền sự: không. Bị cáo bị tạm giam từ ngày 13/10/2014, có mặt tại phiên tòa.
2. Họ và tên: Nguyễn Văn N, sinh năm 1964 tại tỉnh Bình Định; nơi cư trú: 103 đường V, thị trấn P, huyện T, tỉnh Bình Định; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: không; giới tính: nam; trình độ văn hoá: 12/12; nghề nghiệp: buôn bán; con ông Nguyễn Hữu Th và con bà Nguyễn Thị Tr; có vợ tên là Nguyễn Thị L và 03 con, con lớn nhất sinh năm 1988 và con nhỏ nhất sinh 1995; tiền án, tiền sự: không.
Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú” từ ngày 12/5/2015 đến ngày 07/12/2017 thay đổi biện pháp ngăn chặn bắt tạm giam cho đến nay, có mặt tại phiên tòa.
Người bào chữa cho các bị cáo:
+ Người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị L: Luật sư Hà Văn B - Văn phòng luật sư N1; địa chỉ: 206 đường P1, thị trấn P, huyện T, tỉnh Bình Định, thuộc Đoàn luật sư tỉnh Bình Định, có mặt.
+ Người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn N: Luật sư Nguyễn Thanh H - Văn phòng luật sư T2; địa chỉ: 276 đường L1, phường Đ, thị xã A, tỉnh Bình Định, thuộc Đoàn luật sư tỉnh Bình Định, có mặt.
Bị hại có kháng cáo:
+ bà Diệp Thị Cẩm T2, sinh năm 1961; địa chỉ: thị trấn P, huyện T, tỉnh Bình Định, có mặt.
+ bà Hà Thị H1, sinh năm 1971; địa chỉ: thôn K1, xã B1, huyện T, tỉnh Bình Định, có mặt.
+ bà Nguyễn Thị C, sinh năm 1966; địa chỉ: 175 đường T1, thị trấn P, huyện T, tỉnh Bình Định, có mặt.
+ ông Đàm Tấn B2, sinh năm 1966; địa chỉ: thôn T3, xã B4, huyện T, tỉnh Bình Định. Người đại diện theo uỷ quyền là bà Nguyễn Thị Ng, sinh năm 1967; địa chỉ: xóm S1, thôn T3, xã B4,huyện T, tỉnh Bình Định, có mặt.
+ bà Phan Thị Phi D1, sinh năm 1958; địa chỉ: thị trấn P, huyện T, tỉnh Bình Định, có mặt.
+ bà Nguyễn Thị Bích Th3, sinh năm 1957; địa chỉ: thị trấn P, huyện T, tỉnh Bình Định, có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo bản án sơ thẩm và các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được tóm tắt như sau:
Năm 2007 vợ chồng Nguyễn Văn N và Nguyễn Thị L (trú tại số 103 đường V, thị trấn P, huyện T, Bình Định) được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định cấp Giấy phép thành lập Doanh nghiệp tư nhân thương mại HT do Nguyễn Văn N đứng tên Chủ Doanh nghiệp (đã đăng ký thay đổi lần thứ 3 ngày 10/9/2009) với ngành nghề kinh doanh: mua bán văn phòng phẩm, văn hóa phẩm, sách báo các loại, hàng công nghệ phẩm, tạp hóa, lương thực, thực phẩm, đồ dùng cá nhân và gia đình; đại lý mua bán, ký gửi hàng hóa; kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát; thi công xây dựng công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông thủy lợi; đào đắp, san ủi mặt bằng; hoạt động in ấn, photocoppy; cho thuê văn phòng, hội trường. Ngoài ra, vợ chồng L, N còn kinh doanh mua bán hàng nông sản theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hộ gia đình.
Để có vốn kinh doanh, vợ chồng L, N huy động vốn bằng cách vay mượn của nhiều người và vay tiền Ngân hàng. Tuy nhiên, việc kinh doanh bị thua lỗ kéo dài. Đến năm 2009 thì vỡ nợ, mất khả năng thanh toán lãi, gốc cho Ngân hàng và lãi vay của nhiều người trước đó. Do áp lực đòi nợ của các chủ nợ, nên vợ chồng L, N đi tìm gặp và nói dối với những người thân quen trên địa bàn là cần tiền để mua đất, đáo hạn Ngân hàng, mua bán nông sản để vay tiền với lãi suất từ 4,5%/tháng đến 6%/tháng. Nhưng sau khi nhận được tiền vay thì vợ chồng L, N đem trả nợ cho những người đã cho vay trước đó, số còn lại chiếm đoạt sử dụng vào mục đích riêng. Với thủ đoạn này, trong khoảng thời gian từ ngày 26/4/2010 đến ngày 21/10/2013, vợ chồng L, N đã vay của 08 công dân với tổng số tiền 56.131.608.000đ đem trả nợ gốc là 1.905.000.000đ, trả lãi là 3.738.484.000đ, còn lại chiếm đoạt số tiền 50.488.124.000đ. Cụ thể như sau:
1. Đối với bà Diệp Thị Cẩm T2 (sinh năm 1961, trú thị trấn P, huyện T, tỉnh Bình Định) bị Nguyễn Thị L, Nguyễn Văn N chiếm đoạt số tiền 40.634.220.000đ.
* Khoản vay phát sinh đến cuối năm 2012: trong khoảng thời gian từ ngày 26/4/2010 đến cuối năm 2012, Nguyễn Thị L nhiều lần vay của bà Diệp Thị Cẩm T2 số tiền 15.634.220.000đ để mua mỳ lát và đáo hạn Ngân hàng. Đến ngày 23/3/2013 hai bên đối chiếu nợ nần và chốt nợ với số tiền 23.599.936.000đ (trong đó có ghi nợ cả tiền lãi là 7.965.716.000đ; trước đây bà T2 khai làm tròn số là 24.000.000.000đ, trong đó có một khoản 400.000.000đ tính trùng hai lần).
* Khoản vay phát sinh năm 2013: Từ ngày 21/02/2013 đến ngày 20/3/2013 lấy lý do cần tiền mua mỳ lát, vay đáo hạn Ngân hàng, vợ chồng Nguyễn Thị L, Nguyễn Văn N đã 08 lần vay của bà Diệp Thị Cẩm T2 số tiền 25.000.000.000đ với lãi suất từ 3,9 đến 4,5%/tháng.
Như vậy, tổng số tiền mà vợ chồng L, N đã vay và chiếm đoạt của bà Diệp Thị Cẩm T2 là 40.634.220.000đ (25.000.000.000đ + 15.634.220.000đ).
Trong các bản đối chiếu nợ do bà T2 lập ngày 19/01/2015 có những khoản bà T2 không ghi rõ nội dung cho vay và những khoản giảm trừ và không ghi rõ khoản là tiền gì. Nhưng theo bà T2 trình bày đó là các khoản vợ chồng L, N vay và trả ngay sau đó, không tính nợ gốc và lãi vào khoản vay. Sau khi đối chiếu bà T2 và L đã thống nhất chốt nợ là 24 tỷ đồng và L ghi giấy nợ cho bà T2 vào ngày 23/3/2013 ghi nợ 24 tỷ đồng.
Trong số tiền L chiếm đoạt của bà T2 15.634.220.000 đồng có khoản tiền 734.220.000 đồng là các khoản “linh tinh”. bà Diệp Thị Cẩm T2 đã giải trình trong quá trình điều tra: khoản tiền 734.000.000đ là các khoản tiền “linh tinh” và được thể hiện trong Sổ mượn tiền của L (bút lục 308 đến 323).
+ Về khoản vay 25.000.000.000đ: thời gian trước Tết Âm lịch năm 2013, bà T2 liên lạc với các bà Trương Thị Ngọc D1, Lâm Thị Thu H5, Lê Thị Diệp T5, Diệp Thị H2, Diệp Thị Tố T6, Trần Thị C3, Trịnh Thị B5, Phan Thị Mỹ H1 hỏi vay tiền và hẹn sau tết sẽ lấy tiền vay. Ngày 20/02/2013 bà Lê Thị Diệp T5 đến nhà bà T2 chơi và đem theo 3.000.000.000đ cho bà T2 vay, bà T2 dặn bà T5 chuẩn bị thêm 2.000.000.000đ để hôm sau sẽ đến nhà bà T5 lấy. Đồng thời, bà T2 cũng liên lạc với các bà H5, H2, T6, C3, B5, H1 là ngày hôm sau sẽ đến nhà lấy tiền vay. Khoảng 6 giờ ngày 21/02/2013 anh Diệp Minh Tr (cháu ruột bà T2) điều khiển xe ô tô biểm kiểm soát 77A-X của bà T2 chở bà T2 lần lượt đến nhà các bà H1, T5, H2, T6 để lấy tiền vay. Đến khoảng 10 giờ cùng ngày, bà T2 về nhà và tiếp tục sử dụng xe mô tô đến nhà các bà H5, C3, B5 lấy tiền rồi về giao cho vợ chồng L, N. Trong ngày 21/02/2013 bà T2 đã giao tiền cho vợ chồng L, N 04 lần với số tiền 16.000.000.000đ và việc giao tiền được hoàn tất vào buổi chiều cùng ngày.
Qua thực nghiệm điều tra xác định, đoạn đường đi và về từ nhà bà T2 đến nhà của các bà H1, T5, H2, T6 ở địa bàn thị xã A là 54,83km, xe ô tô đi với vận tốc trung bình 30-50 km/h thì mất 01 giờ 37 phút (không tính thời gian bà T2 vào nói chuyện và lấy tiền vay). Còn nhà của các bà H5, C3, B5 ở gần nhà bà T2 (phạm vi khoảng 01km), thời gian đi xe môtô mất khoảng 05 phút. Do vậy, có cơ sở xác định việc bà T2 di chuyển đi lại giữa các địa chỉ nêu trên trong một ngày là phù hợp.
+ Về 04 khoản vay với số tiền 2.700.000.000đ mà bà Diệp Thị Cẩm T2 vay của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam – Chi nhánh huyện T (Tại các Hợp đồng tín dụng ngày 04/01/2012, ngày 06/01/2012 và ngày 11/01/2012): Ngân hàng đã giải ngân lần đầu vào các ngày 05/01/2012, ngày 07/01/2012; ngày 12/01/2012 và ngày 13/01/2012. Sau đó, bà T2 đã đáo hạn 01 lần và vay lại vào các ngày 27/6/2012, ngày 28/6/2012, ngày 02/7/2012 và ngày 04/7/2012. Cuối năm 2012 đầu năm 2013 đến thời điểm trả nợ, bà T2 đã chuẩn bị số tiền 2.700.000.000đ để trả nợ vay cho Ngân hàng. Nhưng do vợ chồng L, N có nhu cầu vay khoản tiền lớn trong khi Ngân hàng lại có chính sách cho khách hàng gia hạn thời hạn trả nợ 01 lần theo thời hạn vay nên bà T2 không trả tiền cho Ngân hàng mà đem số tiền này cho vợ, chồng L, N vay. Qua xác minh tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Chi nhánh huyện T thì vào ngày 24/12/2012 Ngân hàng đã gia hạn thời hạn trả nợ 04 khoản vay cho bà T2 với tổng số tiền là 2.700.000.000đ.
Quá trình điều tra lại, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Định đã làm rõ số tiền vay của bị cáo Nguyễn Thị L đối với bị hại Diệp Thị Cẩm T2 không có khoản tiền lãi 07 tỷ đồng cộng dồn vào nợ gốc như lời khai của bị cáo L; bởi vì, trong khoản tiền 23.599.936.000đ mà bà T2 tố cáo L có khoản tiền lãi là 7.965.716.000đ cộng vào gốc. Trước đây bà T2 cũng đã khai và Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Định đã trừ khoản tiền này, không tính vào tài sản mà bị cáo đã chiếm đoạt.
Về nội dung các chứng từ bị tẩy xóa, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Định đã trưng cầu giám định. Theo Kết luận giám định số 17 ngày 09/3/2018 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Bình Định thì chữ số hàng chục của số “50” tại dòng 12 trên giấy mượn tiền của bà Phan Thị Phi D1 mà Nguyễn Thị L đã viết bị sửa chữa. Nhưng về kết quả số tiền ghi trong giấy không bị sửa chữa nên không làm thay đổi nội dung việc vay, mượn tiền giữa Nguyễn Thị L và bà Phan Thị Phi D1. Còn lại, các giấy mượn tiền và xác nhận nợ mà Nguyễn Thị L đã viết mượn tiền của các bị hại khác không có dấu hiệu sửa chữa, tẩy xóa.
Về các khoản tiền mà Nguyễn Thị L, Nguyễn Văn N khai chuyển qua tài khoản số 04000X926 của bà Diệp Thị Cẩm T2 mở tại Ngân hàng S - Chi nhánh Bình Định (Phòng giao dịch T) 03 lần với tổng số tiền là 233.000.000đ, bà T2 xác định đây là khoản tiền L trả cho khoản vay khác của bà T2 không nằm trong số tiền Nguyễn Thị L đã xác nhận nợ mà bà T2 tố cáo L.
Về nội dung làm rõ bị cáo Nguyễn Văn N có trực tiếp đi cùng với vợ là Nguyễn Thị L vay tiền và nhận tiền từ bà Diệp Thị Cẩm T2 hay không? những người giúp việc tại Nhà hàng HT có biết việc việc vợ, chồng bà Diệp Thị Cẩm T2 đem giấy tờ đến nhà hàng của bị cáo để nhờ viết hộ hay không? nội dung này đã được Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Định lấy lời khai bà Diệp Thị Cẩm T2 cũng như các bị hại khác đều xác định bị cáo N có đến nhận tiền của họ. Ngoài ra, theo lời khai của Đỗ Thị Thanh (kế toán Doanh nghiệp HT) và Đỗ Thị Kim Cúc (nấu ăn cho nhà hàng HT) thì vào thời điểm năm 2013 có thấy bà Diệp Thị Cẩm T2 đến nhà hàng HT để ký giấy tờ nhưng không rõ nội dung gì. Do đó, không có cơ sở xác định việc vợ chồng bà T2 đem giấy tờ đến Nhà hàng HT của bị cáo Nguyễn Văn N nhờ viết hộ và có người giúp việc tại nhà hàng biết.
2. Đối với trường hợp bà Hà Thị H1 (sinh năm 1971; trú tại thôn K1, xã B1, huyện T) bị Nguyễn Thị L chiếm đoạt số tiền 2.539.550.000đ.
Từ ngày 30/5/2012 đến ngày 11/01/2013, Nguyễn Thị L đã 17 lần vay của bà Hà Thị H1 số tiền 4.361.000.000 đồng với lãi suất 4,5%/tháng; mục đích vay là để đáo hạn Ngân hàng, mua mỳ lát, mua đất lo dự án nhà hàng. L đã trả nợ gốc 1.335.000.000đ, trả lãi 486.450.000đ, còn chiếm đoạt 2.539.550.000đ.
3. Đối với trường hợp bà Võ Thị Bích Vân (sinh năm 1975; trú tại 66 Đống Đa, thị trấn P, huyện T) bị Nguyễn Thị L chiếm đoạt số tiền 2.758.000.000đ.
Từ ngày 14/12/2010 đến ngày 27/10/2012 Nguyễn Thị L đã 12 lần vay của bà Võ Thị Bích Vân tổng số tiền 3.180.000.000đ với lãi suất từ 0,3 đến 0,5%/tháng; mục đích vay là để đáo hạn Ngân hàng, mua mỳ lát, mua nhà ở Sài Gòn. L đã trả lãi được 422.000.000 đồng, còn lại chiếm đoạt 2.758.000.000đ.
4. Đối với trường hợp bà Nguyễn Thị C (sinh năm 1966; trú tại 175 Trần Quang Diệu, thị trấn P, huyện T) bị Nguyễn Thị L chiếm đoạt số tiền 1.363.186.000đ.
Từ ngày 16/8/2011 đến ngày 15/5/2013 Nguyễn Thị L đã 12 lần vay của bà Nguyễn Thị C số tiền 3.230.000.000đ với lãi suất từ 4 đến 4,5%/tháng; mục đích vay là để đáo hạn Ngân hàng, mua mỳ lát, mua đất. L đã trả lãi 1.866.814.000đ, còn lại chiếm đoạt 1.363.186.000đ.
5. Đối với trường hợp bà Huỳnh Thị H1 (sinh năm 1973; trú tại 59 Võ Lai, khối 1, thị trấn P, huyện T) bị Nguyễn Thị L chiếm đoạt số tiền 740.000.000đ.
Từ ngày 16/7/2012 đến ngày 03/8/2012 Nguyễn Thị L đã 06 lần vay của bà Huỳnh Thị H1 số tiền 1.390.000.000đ với mục đích đáo hạn Ngân hàng, mua mỳ lát. L đã trả nợ gốc 570.000.000 đồng, trả lãi 80.000.000đ, còn lại chiếm đoạt 740.000.000đ.
6. Đối với trường hợp ông Đàm Tấn B2 (sinh năm 1966; trú tại thôn T3, xã B4, huyện T) bị Nguyễn Thị L chiếm đoạt số tiền 149.000.000đ.
Từ ngày 30/5/2012 đến ngày 11/01/2013 Nguyễn Thị L đã 02 lần vay của ông Đàm Tấn B2 số tiền 152.000.000đ với lãi suất 4%/tháng; mục đích vay là để đáo hạn Ngân hàng. L đã trả lãi được 3.000.000đ, còn lại chiếm đoạt 149.000.
7. Đối với trường hợp bà Phan Thị Phi D1 (sinh năm 1958; trú tại thị trấn P, huyện T) bị Nguyễn Thị L chiếm đoạt số tiền 421.000.000đ.
Từ ngày 20 đến 24/8/2012 Nguyễn Thị L đã 03 lần vay của bà Phan Thị Phi D1 số tiền 610.000.000đ với lãi suất 9%/tháng; mục đích vay là để đáo hạn Ngân hàng. L đã trả lãi được 189.000.000đ, còn lại chiếm đoạt 421.000.000đ.
8. Đối với trường hợp bà Nguyễn Thị Bích Th3 (sinh năm 1957; trú tại 38 Ngô Thì Nhậm, thị trấn P, T) bị Nguyễn Thị L chiếm đoạt số tiền 1.883.168.000đ.
Từ ngày 30/5/2012 đến ngày 11/01/2013 Nguyễn Thị L đã 12 lần vay của bà Nguyễn Thị Bích Th3 số tiền 2.574.388.000đ với lãi suất từ 3% đến 5%/tháng; mục đích vay là để đáo hạn Ngân hàng, mua mỳ lát và mua đất. L đã trả lãi được 691.220.000đ, còn lại chiếm đoạt 1.883.168.000đ.
Về việc bản án phúc thẩm nêu Cơ quan Cảnh sát điều tra không tiến hành việc đối chất giữa bị cáo L và bị hại Th3. Theo quy định tại Điều 189 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: “nếu có mâu thuẫn trong lời khai giữa hai hay nhiều người mà đã tiến hành các biện pháp điều tra chưa giải quyết được mâu thuẫn thì Điều tra viên tiến hành đối chất”. Tại bảng kê số tiền chiếm đoạt tiền, bị cáo L đã xác nhận số tiền chiến đoạt như bà Th3 đã kê, xác nhận số tiền chiếm đoạt của bà Th3 (Bút lục 579) nên không có mâu thuẫn. Như vậy không có lý do và không cần thiết tiến hành đối chất theo quy định.
Tuy nhiên, thực hiện theo yêu cầu của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng tại Bản án số 167/2021/HS-PT ngày 14/4/2021. Quá trình điều tra lại Cơ quan điều tra vẫn tiến hành việc đối chất giữa bị cáo Nguyễn Thị L với các bị hại theo đúng quy định của pháp luật, nhưng bị cáo L không hợp tác, không đưa ra tài liệu chứng cứ gì khác. Trong khi các bị hại đều cung cấp tài liệu, chứng cứ là các giấy mượn tiền, giấy xác nhận nợ mà bị cáo L đã viết giao cho các bị hại (đã thể hiện rõ trong các bản Kết luận điều tra). Hơn nữa, quá trình điều tra bị cáo L không hợp tác, từ chối làm việc nên không thực hiện được yêu cầu đối chất (việc bị cáo từ chối đối chất được lập Biên bản có Luật sư tham gia). Đối với vợ chồng bị cáo Nguyễn Thị L, Nguyễn Văn N mặc dù Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Định đã tạo mọi điều kiện theo quy định của pháp luật để bị cáo L, N thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Nhưng do bị cáo L có thái độ làm việc không hợp tác, không đưa ra tài liệu chứng cứ gì khác mà đưa ra nhiều yêu cầu không chính đáng dù đã được giải thích, gây khó khăn cho việc điều tra vụ án.
Về vấn đề tài sản của vợ chồng Nguyễn Văn N, Nguyễn Thị L: Cơ quan Cảnh sát điều tra đã tiến hành xác minh tài sản xác định:
+ Nhà và đất ở tại khối Phú Xuân thuộc các thửa đất số 984, 985, 986, tờ bản đồ số 6; nhà và đất ở tại số 103 đường V, thị trấn P, thuộc thửa đất số 83, tờ bản đồ số 21 được UBND huyện T cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở nhà ở và quyền sử dụng đất ở cho vợ chồng Nguyễn Văn N, Nguyễn Thị L đã được thế chấp cho Ngân hàng Công thương Việt Nam - Chi nhánh Phú Tài, tỉnh Bình Định - Vietinbank Phú Tài để vay 2.400.000.000đ.
+ Nhà và đất ở tại khối Hòa Lạc, thị trấn P thuộc thửa đất số 1211, tờ bản đồ số 9 được UBND huyện T cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở cho vợ chồng Nguyễn Văn N, Nguyễn Thị L đã thế chấp cho Vietinbank Phú Tài để vay 2,4 tỷ đồng.
+ 03 (ba) lô đất ở địa chỉ Khối 5, thị trấn P thuộc thửa đất số 257,137, 258, tờ bản đồ số 40 được UBND huyện T cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở cho vợ chồng Nguyễn Văn N, Nguyễn Thị L đã được thế chấp cho Vietinbank Phú Tài để vay 330.000.000đ.
+ Nhà và đất tại làng Kluh, xã Ia lang, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai, vợ chồng L, N cũng đã thế chấp cho Vietinbank Phú Tài để vay 350.000.000đ.
Tổng dư nợ gốc đến ngày 29/8/2013 tại Vietinbank Phú Tài của vợ chồng Nguyễn Thị L và Nguyễn Văn N là 3.250.000.000đ, nhưng không có khả năng trả nợ nên đã ký thỏa thuận đồng ý cho Vietinbank Phú Tài được quyền bán tài sản thế chấp để thu hồi nợ. Đến nay vẫn chưa bán được tài sản.
+ Vợ chồng Nguyễn Văn N, Nguyễn Thị L đã thế chấp các thửa đất số 1042, 1043, 1044, 1045, 1046, 1047 và 1018 thuộc tờ bản đồ số 43 ở xã Bình Nghi, huyện T để vay tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Chi nhánh huyện T, tỉnh Bình Định (gọi tắt là Agribank T) số tiền 430.000.000đ. Đến hạn nhưng vợ chồng L, N không có khả năng trả nợ, nên hiện Ngân hàng đang phát mãi số tài sản trên để thu hồi nợ.
Hiện nay vợ chồng Nguyễn Thị L, Nguyễn Văn N không còn tài sản gì khác để đảm bảo trả nợ cho các bị hại.
Đối với nội dung bản án phúc thẩm nêu việc bị cáo Nguyễn Thị L kêu oan, tố cáo Điều tra viên Nguyễn Thanh Bình và yêu cầu thay đổi Điều tra viên, Đội điều tra, nhưng việc tố cáo và yêu cầu này không có cơ sở: Bởi lẽ trong quá trình điều tra, từ giai đoạn tin báo đến khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can, cho đến khi Kết luận điều tra cho thấy việc hỏi cung đối với bị cáo Nguyễn Thị L, Nguyễn Văn N đã được Điều tra viên thực hiện đúng quy định của pháp luật, không dụ cung, mớm cung, ép cung hay dùng nhục hình và rất khách quan. Các nội dung bị cáo khai là tự nguyện, không bị ép buộc, gần như không khác biệt giữa nội dung lời khai và nội dung Bản tự khai. Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Định đã có ban hành quyết định giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật.
* Vật chứng thu giữ gồm Ngày 31/10/2014 tạm giữ của bà Diệp Thị Cẩm T2: các giấy mượn tiền và xác nhận nợ ghi ngày 24/02/2013; ngày 28/02/2013; ngày 20/3/2013; 09 tờ giấy mượn tiền ghi các ngày 21/02/2013 (04 tờ); ngày 23/02/2013; ngày 28/02/2013; ngày 20/3/2013 (hai tờ) và ngày 23/3/2013; 01 tờ giấy dòng đầu tiên ghi đã Đ/chiếu đến ngày 01/2012.
Ngày 16/12/2014 tạm giữ của bà Võ Thị Bích Vân 13 tờ giấy liên quan đến việc L mượn tiền của bà Vân ghi các ngày 26/12/2012; ngày 16/12/2012; ngày 28/7/2012; ngày 01/8/2012; ngày 14/12/2010; ngày 16/02/2012; ngày 10/10/2012; ngày 25/7/2012; ngày 14/11/2011; ngày 27/7/2012; ngày 28/10/2012.
Ngày 15/01/2015 tạm giữ của bà Hà Thị H1 03 tờ giấy liên qua đến việc L mượn tiền của bà H1 ghi các ngày 08/3/2013; ngày 10/3/2013 và một cuốn sổ có 07 trang liên quan.
Ngày 15/01/2015 tạm giữ của bà Nguyễn Thị C một cuốn sổ liên quan đến việc L mượn tiền của bà C ghi các ngày 07/7/2010; ngày 24/11/2011; ngày 03/11/2012; ngày 13/6/2012; ngày 06/4/2013(AL); ngày 24/4/2013(AL).
Ngày 15/01/2015 tạm giữ của ông Đàm Tấn B2 02 tờ giấy liên qua đến việc L mượn tiền của ông B ghi các ngày 25/3/2013 và ngày 03/4/2013.
Ngày 15/01/2015 tạm giữ của bà Phan Phi D1 02 tờ giấy liên qua đến việc L mượn tiền của bà D1 ghi các ngày 20/8/2012 và ngày 24/8/2012.
Ngày 06/12/2014 Cơ quan Cảnh sát điều tra đã tiến hành tạm giữ của bà Nguyễn Thị Bích Th3 04 tờ giấy liên qua đến việc L mượn tiền của bà Th3; 01 quyển vở học sinh có ghi việc L mượn tiền bà Th3 các ngày 21/11/2011, ngày 23/11/2011, ngày 05/5/2012, ngày 28/7/2012; 01 cuốn sổ tay được đánh số thứ tự từ 01 đến 06.
Ngày 25/6/2014 Cơ quan Cảnh sát điều tra đã tiến hành tạm giữ của Nguyễn Thị L 72 tờ giấy ghi nội dung liên quan đến việc vay mượn tiền giữa L và bị hại Diệp Thị Cẩm T2.
Ngày 07/12/2017 Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Định tạm giữ 03 bản phô tô “Lệnh chuyển tiền, giấy nộp tiền” do Nguyễn Văn N giao nộp.
Với nội dung nêu trên, tại Bản án hình sự sơ thẩm 23/2023/HS-ST ngày 12/4/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định:
Căn cứ điểm a khoản 4 Điều 174; điểm x khoản 1 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 đối với bị cáo Nguyễn Thị L;
Căn cứ điểm a khoản 4 Điều 174 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) đối với bị cáo Nguyễn Văn N;
Căn cứ Điều 48 của Bộ luật Hình sự. Điều 584, 585, 587 và 589 của Bộ luật Dân sự 2015. Điều 135; Điều 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự. Điều 12; điểm a, c khoản 2 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.
Tuyên xử:
1. Tuyên bố các bị cáo Nguyễn Thị L, Nguyễn Văn N phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
1.1. Xử phạt bị cáo Nguyễn Thị L 20 (hai mươi) năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt bị cáo tạm giam (13/10/2014).
1.2. Xử phạt bị cáo Nguyễn Văn N 14 (mười bốn) năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt bị cáo tạm giam (07/12/2017).
2. Về trách nhiệm dân sự:
- Buộc các bị cáo Nguyễn Thị L, Nguyễn Văn N phải liên đới bồi thường cho bị hại Diệp Thị Cẩm T2 25.000.000.000đ (hai mươi lăm tỷ đồng), chia phần:
+ Bị cáo Nguyễn Thị L phải bồi thường cho bà Diệp Thị Cẩm T2 12.500.000.000đ (mười hai tỷ năm trăm triệu đồng).
+ Bị cáo Nguyễn Văn N phải bồi thường cho bà Diệp Thị Cẩm T2 12.500.000.000đ (mười hai tỷ năm trăm triệu đồng).
- Buộc bị cáo L phải bồi thường cho bị hại Diệp Thị Cẩm T2 15.634.220.000đ (mười lăm tỷ sáu trăm ba mươi bốn triệu hai trăm hai mươi ngàn đồng).
Tổng số tiền bị cáo Nguyễn Thị L phải bồi thường cho bị hại T2 là 12.500.000.000đ + 15.634.220.000đ = 28.134.220.000đ (hai mươi tám tỷ một trăm ba mươi bốn triệu hai trăm hai mươi ngàn đồng).
- Buộc bị cáo Nguyễn Thị L phải bồi thường cho bị hại bà Hà Thị H1 2.539.550.000đ (hai tỷ năm trăm ba mươi chín triệu năm trăm năm mươi ngàn đồng).
- Buộc bị cáo Nguyễn Thị L phải bồi thường cho bị hại bà Võ Thị Bích Vân 2.758.000.000đ (hai tỷ bảy trăm năm mươi tám triệu đồng).
- Buộc bị cáo Nguyễn Thị L phải bồi thường cho bị hại bà Nguyễn Thị C 1.363.186.000 đ (một tỷ ba trăm sáu mươi ba triệu một trăm tám mươi sáu ngàn đồng).
- Buộc bị cáo Nguyễn Thị L phải bồi thường cho bị hại bà Huỳnh Thị H1 740.000.000đ (bảy trăm bốn mươi triệu đồng).
- Buộc bị cáo Nguyễn Thị L phải bồi thường cho bị hại ông Đàm Tấn B2 149.000.000đ (một trăm bốn mươi chín triệu đồng).
- Buộc bị cáo Nguyễn Thị L phải bồi thường cho bị hại bà Phan Thị Phi D1 421.000.000đ (bốn trăm hai mươi mốt triệu đồng).
- Buộc bị cáo Nguyễn Thị L phải bồi thường cho bị hại bà Nguyễn Thị Bích Th3 1.883.168.000 đồng (một tỷ tám trăm tám mươi ba triệu một trăm sáu mươi tám ngàn đồng).
Ngoài ra bản án sơ thẩm còn quyết định về, xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo.
Ngày 17 và 23 tháng 4 năm 2023 các bị cáo Nguyễn Văn N, Nguyễn Thị L kháng cáo bản án sơ thẩm với nội dung: đề nghị cấp phúc thẩm xem xét vụ án khách quan, đúng pháp luật.
Ngày 23, 25, 26 tháng 4 năm 2023 các bị hại Diệp Thị Cẩm T2, Nguyễn Thị Bích T, Nguyễn Thị C, Hà Thị H1, Phan Thị Phi D1, Đàm Tấn B2 kháng cáo bản án sơ thẩm với nội dung: đề nghị tăng hình phạt đối với hai bị cáo.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
Các bị cáo Nguyễn Văn N, Nguyễn Thị L và các bị hại Diệp Thị Cẩm T2, Nguyễn Thị Bích T, Nguyễn Thị C, Hà Thị H1, Phan Thị Phi D1, Đàm Tấn B2 trình bày giữ nguyên kháng cáo.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng phát biểu:
Về tố tụng: kháng cáo của các bị cáo Nguyễn Văn N, Nguyễn Thị L và các bị hại Diệp Thị Cẩm T2, Nguyễn Thị Bích T, Nguyễn Thị C, Hà Thị H1, Phan Thị Phi D1, Đàm Tấn B2 là trong thời hạn luật định.
Về nội dung:
Vụ án đã nhiều lần xét xử sơ thẩm, phúc thẩm huỷ để điều tra lại. Những yêu cầu điều tra lại đã cơ bản được làm rõ. Tại phiên toà phúc thẩm hôm nay, Hội đồng xét xử đã cho tiến hành đối chất giữa các bị cáo với các bị hại và đã làm rõ toàn bộ nội dung.
Từ năm 2010 đến cuối năm 2012 L vay của bà T2 nhiều lần tiền và đến nay L còn nợ T2 23.599.936.000 đồng; trong đó tiền gốc 13.134.220.000 đồng, tiền mua nông sản là 2.500.000.000 đồng và tiền lãi là 7.965.716.000 đồng. Ngày 23/3/2013 vợ chồng L, N viết, ký giấy mượn tiền ghi rõ mượn 24 tỷ đồng (có một khoản 400 triệu đồng tính hai lần, nên còn 23.599.936.000 đồng, nhưng làm tròn số là 24.000.000.000 đồng, chênh lệch 64.000 đồng). Vật chứng là các “Giấy mượn tiền” và “Giấy xác nhận nợ” ghi ngày 23/3/2013 (bút lục 355, 356 ) do bị cáo L viết (có xác nhận của bị cáo N) ghi rõ bị cáo L nợ bị hại T2 24 tỷ đồng. Quá trình điều tra lại đã làm rõ 7.965.716.000đ không tính vào giá trị bị cáo chiếm đoạt. 72 tờ giấy bị cáo L cung cấp là không đầy đủ, không phản ánh đúng số tiền bị chiếm đoạt.
Từ ngày 21/02/2013 đến ngày 20/3/2013 vợ chồng L, N vay của bị hại T2 08 lần với số tiền 25.000.000.000đ. Ngày 20/3/2013 vợ chồng L, N viết “Giấy mượn tiền và xác nhận nợ” tổng số tiền là 25.000.000.000 đồng. Số tiền này các bị cáo không thừa nhận và mâu thuẫn với lời khai của bị hại. CQĐT đã tiến hành đối chất giữa bà T2 với các bị cáo nhưng không giải quyết được.
Quá trình điều tra cũng đã làm rõ nguồn tiền của bị hại T2 có được để cho vợ chồng bị cáo L, N vay. Cũng như qua thực nghiệm điều tra xác định đoạn đường đi và về từ nhà bà T2 đến nhà xa nhất của những người cho T2 mượn tiền mất thời gian 01 giờ 37 phút. Còn nhà của người gần nhất thì đi xe môtô mất khoảng 05 phút. Đã làm rõ T2 có vay tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Chi nhánh huyện T số tiền là 2.700.000.000đ. Khoản tiền Nguyễn Thị L, Nguyễn Văn N chuyển vào tài khoản cho Diệp Thị Cẩm T2 233.000.000đ là cho khoản vay khác.
Đối với 07 bị hại khác bị cáo L cơ bản đồng ý chiếm đoạt 9.853.904.000 đồng đã rõ và có lợi cho bị cáo L (L chiếm đoạt phải được xác định là 15.497.388.000 đồng). Kết luận giám định số 17 ngày 09/3/2018 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Bình Định có bị sửa chữa, nhưng về tổng cộng số tiền ghi trong giấy mượn tiền lại không bị sửa chữa nên không làm thay đổi nội dung việc vay, mượn tiền giữa bị cáo L và bị hại D1.
Bị cáo L có một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là con Liệt sĩ, hoàn cảnh gia có chồng trong vụ án. Toà án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo L án 20 năm tù và bị cáo N 14 năm tù là phù hợp. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Nguyễn Thị L, Nguyễn Văn N và kháng cáo của các bị hại Nguyễn Thị Bích Th3, Diệp Thị Cẩm T2, Nguyễn Thị C, Đàm Tấn B2, Phan Thị Phi D1 và Hà Thị H1. Giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Luật sư bào chữa cho bị cáo L tranh tụng: không thống nhất quan điểm của Kiểm sát viên phát biểu tại phiên toà phúc thẩm hôm nay, vì nội dung 72 chứng từ chưa được làm rõ. Nguyễn Thị L vay của bà T2 24 tỷ và của 07 người khác. N 2013 T2 tố cáo L với số tiền 25 tỷ, nhưng L không thừa nhận. Mặc dù L cho rằng có ký vào các giấy nhận nợ, tuy nhiên ký là bị ép buộc, nếu không ký thì giang hồ sẽ chặt tay con của L nên để bảo toàn tính mạng cho con và thực tế ký nhưng không nhận tiền. Không chứng minh được bị hại có nhiều tiền để cho L mượn nhiều trong một ngày như vậy? hồ sơ có nhiều mâu thuẫn về địa điểm nhận tiền, lúc nơi này, lúc nơi khác và việc chứng minh chồng L là ông N có đi cùng hay không chưa làm rõ. Trong khi ông N cho rằng không đi cùng L. Không xác định loại tiền cho mượn. Giấy thể hiện 25 tỷ là có thật, tuy nhiên tiền có thật hay không thì chưa chứng minh được. Đối với bà T2, L cho rằng nợ 2,2 tỷ và cộng cả lãi thành 7,2 tỷ với lãi suất 15% được xem như cho vay lãi nặng. Đề nghị làm rõ 72 chứng từ, thực nghiệm điều tra làm rõ số tiền 25 tỷ là quan hệ pháp luật hình sự hay dân sự. Bị cáo L bổ sung: đề nghị cho bị cáo xem chứng từ gốc.
Luật sư bào chữa cho bị cáo N tranh tụng: quy kết cho bị cáo N đối với số tiền 25 tỷ là không có căn cứ. Chưa chứng minh được T2 đã đưa 25 tỷ đồng cho hai bị cáo. Thực nghiệm điều tra chưa chứng minh được việc kiểm đếm, việc giao nhận số tiền này. Trong một thời gian ngắn làm sao bà T2 đi gom số tiền lớn đưa cho L? bị hại T2 cho L vay với lãi cao là có dấu hiệu của tội cho vay lãi nặng. Hồ sơ vụ án chưa làm rõ 72 chứng từ mà bà T2 cung cấp. Những giấy tờ vay giữa L với T2 có nhiều mâu thuẫn chưa được làm rõ. Bị cáo N bổ sung: Bị hại T2 có dấu hiệu của tội cho vay lãi nặng. Tôi bị oan.
Bị hại T2 tranh tụng: thống nhất ý kiến của Kiểm sát viên. Tôi yêu cầu tăng hình phạt lên mức án chung thân đối với hai bị cáo. Vụ án đã kéo dài nhiều năm mà hai bị cáo không trả cho chúng tôi đồng nào. Các bị cáo từ chối đối chất chứ không phải Cơ quan Điều tra không cho đối chất. 72 chứng từ đã thể hiện rõ và các bị cáo thừa nhận ký vào, lãi cơ quan điều tra đã trừ ra chứ không cộng gộp lại. Lãi suất đều ghi là theo thoả thuận.
Bị hại H1 tranh tụng: tôi đề nghị tăng hình phạt bị cáo và đề nghị bồi thường tiền chiếm đoạt cho tôi.
Bị hại C tranh tụng: vụ án kéo dài 9 năm chưa xong. Tôi đề nghị bị cáo khắc phục hậu quả thì mới chấp nhận giảm án, nếu không thì đề nghị tăng mức án cao nhất.
Bị hại B2 (người đại diện), bà D1 tranh tụng: tôi đề nghị bị cáo khắc phục trả cho tiền, còn không thì đề nghị tăng hình phạt Bị hại Th3 tranh tụng: bị cáo khai báo quanh co, không thừa nhận hành vi của mình. Đề nghị bị cáo L nhận tội và hứa khắc phục hậu quả thì giảm hình phạt. Còn không thì đề nghị tăng hình phạt.
Bị cáo L trình bày: hiện tại bị cáo không còn gì nên bị cáo không dám hứa, nếu sau này bị cáo có tiền thì sẽ trả sau. Tôi có nhận tiền nhưng số tiền không lớn như vậy.
Bị cáo N trình bày: đề nghị làm rõ lại toàn bộ vụ án.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên c sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ s vụ án đ được tranh tụng tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về tố tụng:
Ngày 17 và 23 tháng 4 năm 2023 các bị cáo Nguyễn Văn N, Nguyễn Thị L kháng cáo và ngày 23, 25, 26 tháng 4 năm 2023 các bị hại Diệp Thị Cẩm T2, Nguyễn Thị Bích T, Nguyễn Thị C, Hà Thị H1, Phan Thị Phi D1, Đàm Tấn B2 kháng cáo Bản án hình sự sơ thẩm số 23/2023/HS-ST ngày 12/4/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định. Như vậy kháng cáo của các bị cáo và các bị hại là trong thời hạn luật định. Do đó, Hội đồng xét xử xem xét theo trình tự phúc thẩm.
[2] Xét kháng cáo của bị cáo:
[2.1] Tại phiên toà xét xử phúc thẩm hôm nay, bị cáo Nguyễn Thị L trình bày cho rằng không chiếm đoạt số tiền của bị hại Diệp Thị Cẩm T2 như Cáo trạng quy kết. Bị cáo thừa nhận có nợ bà T2 7,2 tỷ đồng; đối với các bị hại khác bị cáo L cho rằng số tiền Cáo trạng quy kết đã bao gồm cả tiền lãi. Đối với bị cáo Nguyễn Văn N không thừa nhận cùng vợ là Nguyễn Thị L chiếm đoạt tiền của bà Diệp Thị Cẩm T2 như Cáo trạng quy kết.
[2.2] Vụ án đã bị Toà án cấp phúc thẩm huỷ bản án sơ thẩm vào năm 2021 và chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định để điều tra lại theo thủ tục chung. Những nội dung yêu cầu điều tra bổ sung đã cơ bản được làm rõ. Riêng nội dung đối chất không tiến hành được.
Tại phiên toà khúc thẩm hôm nay, Hội đồng xét xử đã tiến hành cho đối chất giữa các bị cáo với các bị hại về số tiền giao nhận, số tiền trả nợ gốc, lãi, chiếm đoạt thể hiện: Nguyễn Thị L và Nguyễn Văn N thừa nhận có viết, ký vào các giấy “Giấy mượn tiền”, “Giấy xác nhận nợ”, “Giấy mượn tiền và xác nhận nợ” đối với các bị hại. Tuy nhiên, các bị cáo L, N cho rằng việc viết, ký vào các giấy này lúc thì cho rằng là do bị đe doạ ép buộc; lúc thì cho rằng việc ký là để giúp bị hại T2 đối phó với con của bà T2; lúc thì cho rằng ký để hợp thức hoá tiền lãi; lúc thì cho rằng do vỡ nợ không còn tải sản gì nên bị suy sụp tinh thần và khi các bị hại đưa giấy thì ký đại cho xong. Ngoài ra, bị cáo N còn cho rằng do tin tưởng vợ nên ký. Đồng thời, khi đối chất làm rõ tiền chiếm đoạt của các bị hại, bị cáo L chỉ thừa nhận chiếm đoạt của những bị hại có số tiền ít; còn đối với khoản tiền chiếm đoạt của bị hại có số tiền nhiều thì không thừa nhận. Nhưng bị cáo L không có tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho việc không thừa nhận này là có căn cứ. Trong phần tranh tụng và nói lời sau cùng bị cáo L không hứa trả tiền mà thừa nhận có nợ và đi tù về sẽ trả cho bị hại. Đối với các bị hại trình bày đều cho rằng việc vay mượn tiền giữa các bị cáo với các bị hại đã rõ, có giấy tờ ký xác nhận và là tiền nợ gốc, hoàn toàn không cộng tiền lãi vào giấy vay mượn. Đồng thời, các bị hại cho rằng vụ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm đã nhiều lần gây khó khăn về thời gian đi lại, tốn kém tiền bạc, không yên tâm để làm ăn sinh sống. Các bị cáo không thành khẩn, không bồi thường, quanh co không nhận tội nên đề nghị xét xử và xử phạt nghiêm.
Như vậy, việc đối chất tại phiên toà xét xử phúc thẩm các bị cáo, các bị hại đã được thực hiện và đã làm rõ thể hiện: các bị cáo có viết, ký vào các giấy “Giấy mượn tiền”, “Giấy xác nhận nợ”, “Giấy mượn tiền và xác nhận nợ” đối với các bị hại. Việc các bị cáo khai nại cho rằng ký với các lý do bị đe doạ ép buộc; để giúp bị hại T2 đối phó với con của bà T2; để hợp thức hoá tiền lãi; do vỡ nợ không còn tài sản gì nên bị suy sụp tinh thần và khi các bị hại đưa giấy thì ký đại cho xong; do tin tưởng vợ nên ký là mâu thuẫn nhau. Hơn nữa, các bị cáo không có chứng cứ chứng minh cho khai nại này của mình là có căn cứ. Do đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận khai nại này của các bị cáo L, N.
[2.3] Tại phiên toà xét xử phúc thẩm hôm nay các bị cáo, Luật sư bào chữa cho các bị cáo, bị hại không cung cấp thêm tài liệu, chứng cứ mới. Căn cứ vào những tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, trình bày, đối chất, tranh tụng tại phiên toà phúc thẩm thể hiện: năm 2007 vợ chồng Nguyễn Văn N và Nguyễn Thị L thành lập Doanh nghiệp tư nhân Thương mại HT kinh doanh đa ngành nghề do Nguyễn Văn N đứng tên chủ doanh nghiệp. Trong quá trình kinh doanh, vợ chồng L, N vay tiền của Ngân hàng và của nhiều người khác để mở rộng kinh doanh. Nhưng làm ăn bị thua lỗ kéo dài đến năm 2009 không còn khả năng trả nợ. Để che dấu việc bị vỡ nợ, Nguyễn Thị L và Nguyễn Văn N nói dối là Doanh nghiệp vẫn làm ăn có hiệu quả, vẫn hoạt động bình thường và tiếp tục đi vay tiền của nhiều người nhằm lấy tiền để trả các khoản nợ trước đó và tiêu xài cho gia đình, đến nay không có khả năng trả nợ cho những người này. Trong khoảng thời gian từ ngày 26/4/2010 đến ngày 21/10/2013 vợ chồng L, N đã nhận của 08 bị hại gồm: Nguyễn Thị Cẩm T2, Hà Thị H1, Võ Thị Bích Vân, Nguyễn Thị C, Huỳnh Thị H1, Đàm Tấn B2, Phan Thị Phi D1, Nguyễn Thị Bích Th3 với tổng số tiền 56.131.608.000đ. Trả nợ gốc là 1.905.000.000đ, trả lãi 3.738.484.000đ, còn chiếm đoạt 50.488.124.000đ. Số tiền chiếm đoạt của từng bị hại cụ thể như sau: của bà Diệp Thị Cẩm T2 40.634.220.000đ, trong đó 25.000.000.000đ các bị cáo L, N cùng ký tên; của bà Hà Thị H1 2.539.550.000đ; của bà Võ Thị Bích Vân 2.758.000.000đ; của bà Nguyễn Thị C 1.363.186.000đ; của bà Huỳnh Thị H1 740.000.000đ; của ông Đàm Tấn B2 149.000.000đ; của bà Phan Thị Phi D1 421.000.000đ và của bà Nguyễn Thị Bích Th3 1.883.168.000đ.
[2.4] Xem xét đánh giá đối với các “Giấy mượn tiền”, “Giấy xác nhận nợ”, “Giấy mượn tiền và xác nhận nợ” thấy rằng: tại “Giấy mượn tiền” và “Giấy xác nhận nợ” ghi ngày 23/3/2013 do bị cáo L viết, ký và có xác nhận của bị cáo N thể hiện L nợ bị hại T2 24 tỷ đồng. Trong khi đó, tại “Giấy mượn tiền và xác nhận nợ” ghi ngày 20/3/2013 do bị cáo L, N viết, ký thể hiện tổng số nợ bà T2 là 25 tỷ đồng. Như vậy là có sự khác nhau về số tiền nợ. Nội dung tại “Giấy mượn tiền” và “Giấy xác nhận nợ” ghi ngày 23/3/2013 với nội dung tại “Giấy mượn tiền và xác nhận nợ” ghi ngày 20/3/2013 không có mối liên quan gì đến nhau và không thể hiện tiền lãi. Hơn nữa, đối với khoản nợ 24 tỷ đồng chứng minh có một khoản là 400 triệu đồng tính hai lần nên đã trừ ra. Như vậy còn lại là 23.599.936.000đ và được ghi làm tròn là 24 tỷ đồng. Đối với khoản 25 tỷ đồng bị cáo L cho rằng không vay của bà T2 mà ký để hợp thức khoản 24 tỷ đồng giúp bà T2 đối phó với con. Lời khai này của bị cáo L đã được Hội đồng xét xử phân tích ở trên và xác định khai nại lý do ký của các bị cáo L, N là không có căn cứ chấp nhận và các bị cáo không có chứng cứ để chứng minh cho khai nại này là đúng. Do đó, có căn cứ xác định các “Giấy mượn tiền”, “Giấy xác nhận nợ”, “Giấy mượn tiền và xác nhận nợ” đối với số tiền 24 tỷ đồng và 25 tỷ đồng là không có mối quan hệ liên quan với nhau, hoàn toàn độc lập với nhau.
Việc bà T2 có sẵn tiền của cá nhân hay phải đi huy động từ người khác để đưa cho các bị cáo L, N cũng là một vấn đề. Nội dung này đã chứng minh trong quá trình điều tra thể hiện: cá nhân bà T2 có nhiều tài sản có giá trị cao là nhiều lô đất và nhà đất tại 228 đường Q1, T; có sẵn một khoản tiền lớn; có vay Ngân hàng; có huy động từ nguồn tiền của nhiều người khác và được những người này xác nhận là đúng. Tuy nhiên, bản chất khách quan của vụ án là các bị cáo đã thừa nhận có vay của bị hại T2 và nhiều người khác; có viết và ký vào những tài liệu, chứng cứ là các “Giấy mượn tiền”, “Giấy xác nhận nợ”, “Giấy mượn tiền và xác nhận nợ” nên phải chịu trách nhiệm. Do đó, lời khai của các bị cáo L, N không thừa nhận số tiền chiếm đoạt của các bị hại như Cáo trạng quy kết là không có căn cứ chấp nhận.
[2.5] Với những nội dung đã được phân tích nêu trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng: hành vi phạm tội của các bị cáo xảy ra trước thời điểm Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) có hiệu lực thi hành. Toà án cấp sơ thẩm đã áp dụng pháp luật có lợi cho các bị cáo theo Điều 7 của Bộ luật Hình sự năm 2015 và Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc Hội để xét xử các bị cáo Nguyễn Thị L, Nguyễn Văn N về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm a khoản 4 Điều 174 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không oan.
[2.6] Hành vi phạm tội của các bị cáo Nguyễn Thị L, Nguyễn Văn N là nguy hiểm cho xã hội và phạm tội thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng. Cố ý trực tiếp xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản hợp pháp của nhiều bị hại, làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Mặc dù các bị cáo là vợ chồng, nhưng cả hai không thành khẩn khai báo. Tòa án cấp sơ thẩm đã đánh giá, nhận định về tính chất, hành vi phạm tội, hậu quả do hành vi phạm tội mà các bị cáo gây ra và áp dụng tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho từng bị cáo theo đúng quy định của pháp luật. Từ đó xử phạt bị cáo Nguyễn Thị L 20 (hai mươi) năm tù và bị cáo Nguyễn Văn N 14 (mười bốn) năm tù là có căn cứ.
[3] Xét kháng cáo của bị hại:
Những nội dung đã được phân tích tại mục [2] nêu trên đã xác định các bị cáo Nguyễn Thị L, Nguyễn Văn N phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm a khoản 4 Điều 174 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Đồng thời, phải có trách nhiệm bồi thường số tiền chiếm đoạt cho các bị hại. Khung hình phạt các bị cáo Nguyễn Thị L, Nguyễn Văn N bị xét xử theo điểm a khoản 4 Điều 174 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) có quy định mức hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Bị cáo L có một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm x khoản 1 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự; bị cáo N không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Toà án cấp sơ thẩm đã phân tích nhận định, đánh giá vai trò, hậu quả và xử phạt bị cáo Nguyễn Thị L 20 (hai mươi) năm tù, bị cáo Nguyễn Văn N 14 (mười bốn) năm tù là có căn cứ.
[4] Với những nội dung đã được nhận định, phân tích tại các mục [1], [2] và [3] nêu trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Nguyễn Thị L, Nguyễn Văn N và kháng cáo của các bị hại Diệp Thị Cẩm T2, Nguyễn Thị Bích T, Nguyễn Thị C, Hà Thị H1, Phan Thị Phi D1, Đàm Tấn B2, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
[5] Án phí hình sự phúc thẩm: các bị cáo Nguyễn Thị L, Nguyễn Văn N phải chịu theo quy định của pháp luật.
[6] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
1. Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 355; Điều 356 Bộ luật Tố tụng hình sự. Không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Nguyễn Thị L, Nguyễn Văn N và kháng cáo của các bị hại Diệp Thị Cẩm T2, Nguyễn Thị Bích T, Nguyễn Thị C, Hà Thị H1, Phan Thị Phi D1, Đàm Tấn B2, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
2. Tuyên bố các bị cáo Nguyễn Thị L, Nguyễn Văn N phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
2.1. Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 174; điểm x khoản 1 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017. Xử phạt bị cáo Nguyễn Thị L 20 (hai mươi) năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt bị cáo tạm giam (ngày 13/10/2014).
2.2. Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017. Xử phạt bị cáo Nguyễn Văn N 14 (mười bốn) năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt bị cáo tạm giam (ngày 07/12/2017).
3. Về trách nhiệm dân sự: áp dụng Điều 48 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017. Điều 584; Điều 585; Điều 587 và Điều 589 của Bộ luật Dân sự 2015. Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.
3.1. Buộc các bị cáo Nguyễn Thị L, Nguyễn Văn N phải liên đới bồi thường cho bị hại Diệp Thị Cẩm T2 25.000.000.000đ (hai mươi lăm tỷ đồng), chia phần:
+ Bị cáo Nguyễn Thị L phải bồi thường cho bà Diệp Thị Cẩm T2 12.500.000.000đ (mười hai tỷ năm trăm triệu đồng).
+ Bị cáo Nguyễn Văn N phải bồi thường cho bà Diệp Thị Cẩm T2 12.500.000.000đ (mười hai tỷ năm trăm triệu đồng).
3.2. Buộc bị cáo Nguyễn Thị L phải bồi thường cho bị hại Diệp Thị Cẩm T2 15.634.220.000đ (mười lăm tỷ sáu trăm ba mươi bốn triệu hai trăm hai mươi ngàn đồng).
Tổng số tiền bị cáo Nguyễn Thị L phải bồi thường cho bị hại T2 là 12.500.000.000đ + 15.634.220.000đ = 28.134.220.000đ (hai mươi tám tỷ một trăm ba mươi bốn triệu hai trăm hai mươi ngàn đồng).
3.3. Buộc bị cáo Nguyễn Thị L phải bồi thường cho bị hại bà Hà Thị H1 2.539.550.000đ (hai tỷ năm trăm ba mươi chín triệu năm trăm năm mươi ngàn đồng).
3.4. Buộc bị cáo Nguyễn Thị L phải bồi thường cho bị hại bà Võ Thị Bích Vân 2.758.000.000đ (hai tỷ bảy trăm năm mươi tám triệu đồng).
3.5. Buộc bị cáo Nguyễn Thị L phải bồi thường cho bị hại bà Nguyễn Thị C 1.363.186.000 đ (một tỷ ba trăm sáu mươi ba triệu một trăm tám mươi sáu ngàn đồng).
3.6. Buộc bị cáo Nguyễn Thị L phải bồi thường cho bị hại bà Huỳnh Thị H1 740.000.000đ (bảy trăm bốn mươi triệu đồng).
3.7. Buộc bị cáo Nguyễn Thị L phải bồi thường cho bị hại ông Đàm Tấn B2 149.000.000đ (một trăm bốn mươi chín triệu đồng).
3.8. Buộc bị cáo Nguyễn Thị L phải bồi thường cho bị hại bà Phan Thị Phi D1 421.000.000đ (bốn trăm hai mươi mốt triệu đồng).
3.9. Buộc bị cáo Nguyễn Thị L phải bồi thường cho bị hại bà Nguyễn Thị Bích Th3 1.883.168.000 đồng (một tỷ tám trăm tám mươi ba triệu một trăm sáu mươi tám ngàn đồng).
4. Án phí hình sự phúc thẩm: Nguyễn Thị L, Nguyễn Văn N mỗi bị cáo phải chịu 200.000đ.
5. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản số 462/2023/HS-PT
Số hiệu: | 462/2023/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 26/09/2023 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về