Bản án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản số 448/2022/HS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 448/2022/HS-PT NGÀY 05/07/2022 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Ngày 28/6 và ngày 05/7/2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 184/2019/TLPT-HS ngày 18 tháng 4 năm 2019 đối với các bị cáo Nguyễn Thị Thanh T, Dương Văn L1 do có kháng cáo của các bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 10/2019/HS-ST ngày 07 tháng 3 năm 2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương.

- Các bị cáo có kháng cáo:

1. Nguyễn Thị Thanh T, sinh năm 1982, tại tỉnh Nam Định; nơi cư trú: Số 215, đường K, phường L, thành phố N, tỉnh Nam Định; chổ ở: Số 15/15, tổ 9, khu phố Đ, phường Đ1, thị xã D, tỉnh Bình Dương; nghề nghiệp: Giáo viên; trình độ văn hóa: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nữ; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn Văn H, sinh năm 1953 và bà Vũ Thị H1, sinh năm 1952; có chồng tên Trần Anh T1 (đã ly hôn năm 2015) và 03 người con, lớn nhất sinh năm 2007, nhỏ nhất sinh năm 2013; tiền án: Không; tiền sự: Không; bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 12/7/2016 cho đến nay (có mặt).

2. Dương Văn L1, sinh năm 1973, tại Thành phố Hà Nội; nơi cư trú: Số 33/3 khu phố Đ2, phường B, thị xã T2, tỉnh Bình Dương; chỗ ở: A9, chợ P, xã N1, huyện G, Thành phố Hà Nội; nghề nghiệp: Buôn bán; trình độ văn hoá:

9/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Dương Văn H2, sinh năm 1943 và bà Dương Thị T3, sinh năm 1943; có vợ tên Nguyễn Thị T4, sinh năm 1982 và 01 người con sinh năm 2003; tiền án, tiền sự: Không; bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 25/9/2015 cho đến nay (có mặt).

- Người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Thanh T:

1. Ông Nguyễn Văn Q – Luật sư của Công ty Luật Trách nhiệm hữu hạn Hãng Luật Hưng Yên thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội (có mặt).

2. Ông Cao Thế L2 – Luật sư của Công ty Luật Trách nhiệm hữu hạn Kao Kiến thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Bạc Liêu (có mặt).

- Người bào chữa cho bị cáo Dương Văn L1: Ông Nguyễn Ngọc T5 - Luật sư của Văn phòng Luật sư Đông Thắng thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

- Bị hại: Bà Bùi Thủy Hoa T6, sinh năm 1972; nơi cư trú: Số 11/9 khu phố Đ, phường Đ1, thị xã D, tỉnh Bình Dương (vắng mặt).

- Người có quyền L1, nghĩa vụ liên quan:

1. Bà Trần Thị Mai P1, sinh năm 1978; nơi cư trú: Số 79/21 khu phố B1, phường A, thị xã D, tỉnh Bình Dương (vắng mặt).

2. Ông Phùng Văn T7, sinh năm 1982; nơi cư trú: Số 79/21 khu phố B1, phường A, thị xã D, tỉnh Bình Dương (vắng mặt).

3. Bà Nguyễn Ngọc C, sinh năm 1977; nơi cư trú: Số 128, ấp T8, xã T9, huyện T10, thành phố Cần Thơ; chỗ ở: Số 04, đường số 2, khu phố 2, phường T11, Thành phố Thủ Đức (quận T13 cũ), Thành phố Hồ Chí Minh (vắng mặt).

- Người làm chứng:

1. Bà Ngô Thị H3, sinh năm 1969; nơi cư trú: Số 12/30 khu phố B1, phường D1, thị xã D, tỉnh Bình Dương (vắng mặt).

2. Bà Phạm Thị Bích T12, sinh năm 1963; nơi cư trú: Số 180, đường V, phường B2, Thành phố Thủ Đức (quận T13 cũ), Thành phố Hồ Chí Minh (vắng mặt).

3. Bà Phạm Thị Thanh V1, sinh năm 1993; nơi cư trú: Số 14, đường 11, khu phố 1, phường B2, Thành phố Thủ Đức (quận T13 cũ), Thành phố Hồ Chí Minh (vắng mặt).

4. Bà Nguyễn Thị Thanh N2, sinh năm 1993; nơi cư trú: Số 11/9, khu phố Đ, phường Đ1, thị xã D, tỉnh Bình Dương (vắng mặt).

5. Bà Bùi Thị Kim N3, sinh năm 1978; nơi cư trú: Số 58/5A, khu phố 3, phường L3, Thành phố Thủ Đức (quận T13 cũ), Thành phố Hồ Chí Minh (vắng mặt).

6. Ông Nguyễn Phước L4, sinh năm 1970; nơi cư trú: Số 02, đường 13, khu phố 5, phường T11, Thành phố Thủ Đức (quận T13 cũ), Thành phố Hồ Chí Minh (vắng mặt).

7. Ông Nguyễn Mạnh H4, sinh năm 1971; địa chỉ: Số 1559/28 khu phố 3, phường T14, thành phố B3, tỉnh Đồng Nai (vắng mặt).

8. Ông Lâm Sư T15, sinh năm 1970; địa chỉ Số 30/13 đường Đ3, phường S, quận T16, Thành phố Hồ Chí Minh, vắng mặt.

9. Ông Giáp Văn S1, sinh năm 1988; địa chỉ: Số 41/G1, ấp C1, xã T17, huyện H5, Thành phố Hồ Chí Minh (vắng mặt).

10. Ông Hoàng Ngọc T18, sinh năm 1972; nơi cư trú: Số 21/28 đường số 40, phường B4, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh (vắng mặt).

11. Ông Nguyễn Văn Q1, sinh năm 1968; nơi cư trú: Số 1/12 khu phố T19, phường D1, thị xã D, tỉnh Bình Dương (vắng mặt).

12. Bà Nguyễn Thị Kim A1, sinh năm 1980; nơi cư trú: Số 15/15, khu phố Đ, phường Đ1, thị xã D, tỉnh Bình Dương (vắng mặt).

13. Bà Dương Thị G2, sinh năm 1975; nơi cư trú: Số A24, chung cư T20, cửa khẩu T21, huyện V2, tỉnh Lạng Sơn (vắng mặt).

14. Ông Dương Văn Cường, sinh năm 1973; nơi cư trú: Số A24, chung cư T20, cửa khẩu T21, huyện V2, tỉnh Lạng Sơn (vắng mặt).

15. Ông Dương Văn M2, sinh năm 1978; nơi cư trú: Thôn M3, xã L5 huyện Y, tỉnh Bắc Ninh (vắng mặt).

16. Bà Dương Thị H6, sinh năm 1979; nơi cư trú: Thôn M3, xã L5 huyện Y, tỉnh Bắc Ninh (vắng mặt).

17. Ông Dương Văn V3, sinh năm 1975; nơi cư trú: Thôn O, xã Đ4, huyện Y, tỉnh Bắc Ninh (vắng mặt).

18. Ông Dương Văn H7, sinh năm: 1972; nơi cư trú: Số 309/01/42, đường L6, quận G3, Thành phố Hồ Chí Minh (vắng mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa thì nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Nguyễn Thị Thanh T và Dương Văn L1 có mối quan hệ tình cảm nam nữ, có 01 con chung. T và L1 có mối quan hệ quen biết với bà Bùi Thủy Hoa T6 và ông Nguyễn Văn Q1. Khoảng đầu năm 2012, T và bà T6 hùn tiền mở Trường mẫu giáo H8 tại phường Đ1, thị xã D, tỉnh Bình Dương để kinh doanh. Trong quá trình quen biết và hùn nhau kinh doanh, T biết bà T6 có nhiều tiền nên nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của bà T6; T nảy sinh thủ đoạn rủ bà T6 hùn tiền mua quần áo, giày dép từ Thành phố Hồ Chí Minh để bán ra các tỉnh khu vực miền Bắc, qua đó lừa đảo chiếm đoạt tiền của bà T6.

Để tạo sự tin tưởng của bà T6, T dẫn bà T6 đến gặp một số nơi và giới thiệu là nơi gia công, sản xuất bán quần áo, giày dép như: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Thời Trang S2, địa chỉ 41/1G ấp C1, T17, H5, Thành phố Hồ Chí Minh do ông Giáp Văn S1 là giám đốc và xưởng may của ông Hoàng Ngọc T18. T còn nói dối với bà T6 là ông Nguyễn Phước L4, ông Lâm Sư T15 là những người gia công, sản xuất quần áo, giày dép. Đồng thời, T dẫn bà T6, ông Q1 đến một số cửa hàng khu vực miền Bắc giới thiệu là nơi mua quần áo, giầy dép của T như: Cửa hàng "M4" của Dương Văn M2 tại thôn M3, xã L5, huyện Y, tỉnh Bắc Ninh; cửa hàng "Ô 67B" của ông Dương Văn C2 tại Trung tâm thương mại V4 cửa khẩu T21, huyện V2, tỉnh Lạng Sơn; cửa hàng "M5" của ông Dương Văn V3 tại quầy A9, chợ P, xã N1, huyện G, Thành phố Hà Nội.

bà T6 tin tưởng sự giới thiệu của T nên đồng ý hùn tiền mua bán giày dép, quần áo với T. Bắt đầu từ tháng 10/2014, T thông báo cho bà T6 số tiền để mua hàng và bà T6 nhiều lần giao tiền cho T để mua hàng. Từ đó T thực hiện thủ đoạn kê khống việc mua hàng để chiếm đoạt tiền của bà T6.

Đến khoảng tháng 11/2014, do số tiền bà T6 giao cho T ngày càng lớn và đề phòng rủi ro nên bà T6 không giao tiền mặt cho T nữa mà yêu cầu giao tiền vào tài khoản của người bán hàng ở Thành phố Hồ Chí Minh và yêu cầu người mua ở các tỉnh miền Bắc chuyển trả tiền mua hàng vào tài khoản của bà T6.

Do bà T6 thay đổi cách thức chuyển nhận tiền nên T nhờ bà Nguyễn Ngọc C mở tài khoản số 0381002792139 tại Ngân hàng V5 Chi nhánh Thủ Đức; bà Trần Thị Mai P1 mở hai tài khoản số 0461000492520 tại Ngân hàng V5 Chi nhánh Sóng Thần và tài khoản số 192596059 tại Ngân hàng A2 Chi nhánh Linh Xuân; ông Phùng Văn T7 mở 02 tài khoản số 028100038012 tại Ngân hàng V5 Chi nhánh Thuận An và tài khoản số 188863319 tại Ngân hàng A2 Chi nhánh Thuận An để nhận tiền giùm T. T thông báo số tài khoản của C, T7 và P1 cho bà T6 biết và nói đây là số tài khoản của những người bán hàng để bà T6 chuyển tiền.

Thời điểm này, T nói cho L1 biết việc T lừa đảo chiếm đoạt tiền của bà T6 và nhờ L1 mở tài khoản ngân hàng ở miền Bắc để giúp T nhận tiền và chuyển tiền trả cho bà T6 với danh nghĩa người mua hàng. L1 đồng ý và sử dụng tài khoản số 85010599 tại Ngân hàng A2 Chi nhánh Lái Thiêu và tài khoản số 035100866260 tại Ngân hàng V5 Chi nhánh Bắc Ninh để giúp T chiếm đoạt tiền của bà T6.

Do việc mua bán hàng không có thật nên T và L1 thực hiện thủ đoạn chiếm đoạt tiền của bà T6 như sau: T báo cho bà T6 biết số lượng hàng mà khách hàng ở miền Bắc cần mua và yêu cầu bà T6 chuyển số tiền tương ứng để mua hàng, bà T6 đến Ngân hàng V5 Chi nhánh Sóng Thần hoặc Ngân hàng A2 Chi nhánh Thủ Đức chuyển tiền vào tài khoản của T7, P1, C để mua hàng. T7, P1, C nhận được tiền của bà T6 thì chuyển cho T, L1. Sau đó, T và L1 chuyển trả một phần tiền vào tài khoản của bà T6, còn một phần tiền T, L1 chiếm đoạt. Khi chuyển trả một phần tiền cho bà T6 thì T, L1 lấy danh nghĩa là khách hàng mua hàng ở miền Bắc trả tiền như: "Nguyen Thi Giang H9, Nguyen Thi T22, Duong Van T23, Nguyen Van T24, Duong Van C2, Nguyen Thi H10, Tran Tuan A3, Tran Thi H11, Duong Van N3 Nguyen Ngoc C, Duong Van H12, Dang Van C3, Nguyen Thi N4, Phan Thi T25, Nguyen Dang Truc H13" nhằm cho bà T6 không phát hiện việc mua bán hàng hóa là không có thật. Đối với số tiền của bà T6 bị chiếm đoạt, T nói với bà T6 là khách hàng nợ sẽ trả sau trong thời gian 07 ngày.

Đến khoảng đầu năm 2015, do số tiền chiếm đoạt của bà T6 ngày càng nhiều, T nhờ L1 tự đứng ra kê khống số lượng quần áo, giày dép để lấy tiền của bà T6 hỗ trợ T chuyển trả cho bà T6 với tên khách hàng của T. L1 đồng ý thực hiện với thủ đoạn như T chiếm đoạt tiền của bà T6.

Đến ngày 07/4/2015, bà T6 phát hiện T và L1 không mua quần áo, giày dép mà tự kê khống số lượng hàng và khách hàng để chiếm đoạt tiền nên làm đơn tố cáo gửi đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương.

Qua điều tra xác định:

Trần Thị Mai P1 nhận 89.266.559.740 đồng (tiền chuyển vào tài khoản) và 1.110.000.000 đồng tiền mặt, tổng cộng là 90.376.559.740 đồng. P1 chuyển T 32.596.247.080 đồng, chuyển L1 57.766.073.750 đồng, phí giao dịch ngân hàng là 15.205.123 đồng.

Phùng Văn T7 nhận 7.506.346.550 đồng (chuyển vào tài khoản), T7 chuyển T 6.818.000.000 đồng, chuyển L1 680.000.000 đồng, phí giao dịch ngân hàng 7.434.040 đồng.

Nguyễn Ngọc C nhận 8.548.000.000 đồng (chuyển vào tài khoản), C chuyển T 2.498.999.750 đồng, chuyển L1 4.706.187.770 đồng, chuyển P1 1.339.000.000 đồng, phí giao dịch ngân hàng 670.120 đồng.

Tổng cộng: T, L1 nhận của bà T6 là 107.265.417.633 đồng, trong đó T nhận 44.953.246.830 đồng, L1 nhận 62.288.861.520 đồng.

Nguyễn Thị Thanh T chuyển cho bà T6 13.557.400.000 đồng, chuyển cho L1 22.746.000.000 đồng. Số tiền còn lại 8.649.846.830 đồng T chiếm đoạt.

Dương Văn L1 chuyển cho bà T6 82.509.708.600 đồng. Số tiền còn lại 2.525.152.920 đồng L1 chiếm đoạt.

Đối với Lâm Sư T15, Nguyễn Phước L4, Giáp Nam Sơn, Hoàng Ngọc T18, Dương Văn M2, Dương Văn C2, Dương Văn V3 do T tự giới thiệu với bà T6 là những người bán và mua quần áo, giày dép để bà T6 tin tưởng việc mua bán là có thật. Những người này không biết T và L1 chiếm đoạt tiền của bà T6 nên Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương không xử lý.

Đối với bà Trần Thị Mai P1, Phùng Văn T7, Nguyễn Ngọc C có hành vi mở tài khoản và nhận tiền chuyển khoản của bà T6, sau đó chuyển cho T và L1, do T và L1 không nói cho P1, T7 và C mục đích kê khống hàng, lừa đảo chiếm đoạt tiền của bà T6 thông qua số tài khoản của họ, bà T6 chuyển tiền là theo yêu cầu của T và L1, khi chuyển tiền bà T6 không trao đổi hoặc thông báo là tiền chuyển mục đích là mua quần áo, giày dép. T7, C không hưởng L1 gì từ việc nhận và chuyển tiền. Riêng đối với P1 được T trả tiền công 9.000.000 đồng, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương yêu cầu giao nộp nhưng P1 chưa thực hiện. Do đó, chưa đủ căn cứ chứng minh hành vi đồng phạm của P1, T7 và C với T và L1.

Quá trình điều tra, T cung cấp tài liệu có ghi chữ và số là bản in ra từ ảnh chụp và cho rằng T đã trả tiền cho bà T6, tài liệu do T cung cấp phản ánh không liên tục về thời gian, không đầy đủ thông tin về khách hàng và số liệu nên không có đủ cơ sở xem xét về nội dung. bà T6 trình bày: Thời gian đầu có lập sổ ghi nhận tên khách hàng, số lượng hàng tương ứng số tiền mua hàng, số tiền khách hàng còn nợ để theo dõi, sau này thấy không cần thiết nên không ghi nữa, hiện tại sổ này đã bị thất lạc nên không cung cấp được cho Cơ quan điều tra. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã trưng cầu giám định chữ viết trên các tài liệu do T cung cấp có phải là của bà Bùi Thủy Hoa T6 không nhưng Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Bình Dương không giám định được do tài liệu là bản ảnh chụp.

Sau khi bị bà T6 phát hiện, L1 đã nộp khắc phục hậu quả số tiền 1.396.000.000 đồng.

Bản cáo trạng số 10/KSĐT-P1 ngày 26/10/2017 của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương truy tố các bị cáo Nguyễn Thị Thanh T, Dương Văn L1 về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm a khoản 4 Điều 139 của Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Tại phiên tòa, đánh giá tính chất, mức độ, hậu quả hành vi phạm tội của bị cáo gây ra và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng các điểm a khoản 4 Điều 174, điểm g khoản 1 Điều 52 và Điều 58 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) xử phạt bị cáo Nguyễn Thị Thanh T 16 năm đến 18 năm tù; áp dụng điểm a khoản 4 Điều 174; điểm b, x khoản 1 Điều 51, điểm g khoản 1 Điều 52 và Điều 58 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) xử phạt bị cáo Dương Văn L1 12 năm đến 14 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Về trách nhiệm dân sự, đề nghị Hội đồng xét xử buộc bị cáo T và bị cáo L1 phải bồi thường cho bị hại bà T6 theo quy định của pháp luật; bà P1 thừa nhận chỉ nhận của T 6.000.000 đồng nên có trách nhiệm trả lại số tiền đã nhận là 6.000.000 đồng cho bị cáo T.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 10/2019/HS-ST ngày 07 tháng 3 năm 2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương đã quyết định:

1. Căn cứ vào điểm a khoản 4 Điều 174; điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 58 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017; Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội;

Tuyên bố bị cáo Nguyễn Thị Thanh T phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Xử phạt bị cáo Nguyễn Thị Thanh T 16 (mười sáu) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 12/7/2016.

2. Căn cứ vào điểm a khoản 4 Điều 174, điểm b khoản 1 Điều 51, điểm g khoản 1 Điều 52, Điều 58 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017; điểm x khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015; Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội.

Tuyên bố bị cáo Dương Văn L1 phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Xử phạt bị cáo Dương Văn L1 12 (mười hai) năm tù.

Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 25/9/2015.

Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên về trách nhiệm dân sự, về án phí, quyền kháng cáo theo luật định.

Sau khi xét xử sơ thẩm, Ngày 08/3/2019, bị cáo Nguyễn Thị Thanh T có đơn kháng cáo kêu oan.

Ngày 09/3/2019, bị cáo Dương Văn L1 có đơn kháng cáo kêu oan.

Tại phiên tòa phúc thẩm, Bị cáo Nguyễn Thị Thanh T giữ nguyên kháng cáo kêu oan, không thừa nhận có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của bà Bùi Thủy Hoa T6, xác nhận chỉ là quan hệ vay mượn tiền. Bị cáo T chưa một lần được giải trình, các cơ quan điều tra không cho bị cáo đối chất với bị hại.

Bị cáo Dương Văn L1 giữ nguyên kháng cáo kêu oan, cho rằng không phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, đây chỉ là quan hệ dân sự vay mượn.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu quan điểm:

Trong vụ án này, bị cáo T, bị cáo L1 kháng cáo kêu oan.

Theo các lời khai ban đầu của bị cáo T, tại bút lục 60-67: thấy bà T6 có tiền, T đã nảy sinh ý định sử dụng nguồn tiền của bà T6 để trả những khoản nợ của mình. bà T6 đồng ý hợp tác kinh doanh theo P1 thức mà T đề xuất là bà T6 bỏ vốn, T tìm cơ sở gia công đồ đặt hàng và tìm nơi tiêu thụ hàng ở Nam Định, Lạng Sơn. Do bà T6 không tin tưởng việc đưa tiền mặt nên T mới nhờ ông T7, bà P1, bà C mở tài khoản ngân hàng để nhận tiền kinh doanh cho T, sau đó T lấy tên giả khách hàng ở miền Bắc, Nam Định, Lạng Sơn chuyển tiền lại cho bà T6. Ban đầu T yêu cầu bà T6 chuyển tiền ít, sau đó T tăng dần số lượng hàng lên để lấy được nhiều tiền của bà T6 nhưng thực tế thì T kinh doanh buôn bán quần áo rất ít, thậm chí về sau không kinh doanh nữa. Nguồn tiền nhận được từ bà T6, T dùng xây dựng trường mầm non, buôn bán quần áo thật khỏang 300.000.000 đồng, trả lãi và gốc cho bà T6, trả lãi trong kinh doanh (do T kê khống để trả bà T6).

Theo các lời khai ban đầu của bị cáo L1, tại bút lục 70-74, thực tế giữa bà T6 và L1 không có việc mua bán. Do T nhờ bị cáo L1 dựng lên các khách hàng không có thật để bà T6 chuyển tiền cho bị cáo L1. Sau đó L1 chuyển tiền cho T trên danh nghĩa khách hàng của T. Bị cáo L1 dựng lên tên người mua, người bán để bà T6 chuyển tiền cho L1 thông qua bà P1, bà C, ông T; bị cáo L1 lấy tên giả khách hàng tiêu thụ quần áo, giày dép ở Nam Định, Lạng Sơn chuyển tiền lại cho bà T6. Bị cáo L1 nói với bà T6 khách hàng đặt hàng với số lượng ngày càng nhiều nhưng thực tế là không có thật, mục đích để lấy tiền của bà T6, số tiền nhận được của bà T6, L1 dùng để trả lại cho bà T6 một phần, phần còn lại L1 chiếm đoạt và L1 nói bà T6 khách hàng ở Bắc, Nam Định, Lạng Sơn sẽ trả lại trong vòng vài ngày (3 ngày).

Các bị cáo kêu oan cho rằng chỉ có quan hệ vay mượn tiền với bà T6 nhưng không chứng minh được việc vay mượn, không chứng minh được việc mình ký giấy nhận nợ đã bị ép buộc và cũng không chứng minh được những lời khai tại cơ quan điều tra tại giai đoạn đầu là do ép buộc. Hành vi dùng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của các bị cáo T, L1 đối với bị hại bà Bùi Thủy Hoa T6 là hành vi nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm quyền sở hữu tài sản của bị hại một cách trái pháp luật, tài sản xâm phạm có giá trị đặc biệt lớn, gây mất trật tự trị an toàn tại địa P1. Về nhận thức, các bị cáo T, L1 biết rõ hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác là trái pháp luật, nhưng vì động cơ tham lam tư L1 mà các bị cáo bất chấp pháp luật để mặc hậu quả xảy ra.

Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Thị Thanh T, Dương Văn L1 phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là có căn cứ, đúng người đúng tội, không oan sai. Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo kháng cáo nhưng không cung cấp được tài liệu nào chứng minh; đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị cáo T, bị cáo L1 và giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Luật sư Cao Thế L2 bào chữa cho bị cáo T tranh luận: Đề nghị Hội đồng xét xử huỷ bản án sơ thẩm để điều tra bổ sung vì trong vụ án này có nhiều vấn đề chưa được làm rõ. Một trong những chứng cứ quan trọng của vụ án là cuốn sổ để chứng minh đây chỉ là quan hệ dân sự, thể hiện cụ thể việc vay mượn và T đã trả tiền cho bà T6. Tại phiên toà sơ thẩm bà T6 có thừa nhận đã giao nộp cuốn sổ này cho cơ quan điều tra, sau đó bà T6 được trả lại và đã làm thất lạc. Bị cáo T đã chụp lại được cuốn sổ, nhưng những hình ảnh không thể giám định. Ngoài ra, số tiền nợ giữa bị cáo T và bà T6 có sự khác nhau giữa những lần điều tra truy tố xét xử sơ thẩm nên đề nghị xác định chính xác số tiền này.

Luật sư Nguyễn Văn Q bào chữa cho bị cáo T tranh luận:

Trong vụ án náy có nhiều vấn đề chưa được cấp sơ thẩm làm rõ. Về số tiền xác định bị cáo chiếm đoạt của bà T6 ở cơ quan điều tra, tới giai đoạn truy tố và xét xử không thống nhất về con số và không có một căn cứ cụ thể nào để xác định số tiền này nên đề. Về cuốn sổ ghi chép, tại phiên tòa sơ thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo T yêu cầu giám định chữ viết trên các tài liệu do T cung cấp, tài liệu có ghi chữ và số là bản in ra từ ảnh chụp. Theo cuốn sổ, bị cáo T trả tiền mặt hơn 10 tỷ, hoàn toàn khớp với số tiền gốc và tiền lãi, thậm chí bị cáo T còn trả dư. Quá trình sao kê toàn bộ của 2 ngân hàng, bị cáo T đã trả cho bị hại, bị cáo T thực nhận và trả lại cho bà T6, với con số hơn 37 tỷ, số tiền bị cáo T nộp cho ngân hàng là hơn 39 tỷ, số tiền gốc và tiền lãi chênh nhau 2 tỷ đồng.

Ngoài ra, bị cáo T còn nhận tiền từ P1, C, làm tròn số 1 tỷ 800 triệu, đây là số tiền nhận bên ngoài không thông qua chuyển khoản. Quá trình điều tra, theo luật sư kiến nghị từ đầu, cần giám định cuốn sổ mà bị cáo và bị hại xác định số tiền trả tiền mặt có chữ ký của bị cáo và bị hại, qua đó thể hiện bị cáo trả dư tiền cho bị hại, số tiền hơn 10 tỷ. Chính bị hại thừa nhận có cuốn sổ tại phiên tòa sơ thẩm ngày 28/2/2019 thì việc giám định là không cần thiết. Cơ quan tố tụng không cho tiến hành đối chất liên quan đến cuốn sổ, không làm rõ nội dung này.

Hơn nữa, theo các bị cáo khai có việc vay trả lãi trong vòng 1 tuần, qua dòng tiền này, bị hại cho vay là cho vay lại. Như vậy, vụ án có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm vì giữa bà T6 và T có mối quan hệ cho vay nặng lãi tuy nhiên bà T6 lại trở thành bị hại. T và bà T6 chỉ có quan hệ dân sự vay mượn tiền. Để giải quyết vụ án được toàn diện, đảm bảo quyền L1 của các bị cáo, đề nghị Hội đồng xét xử huỷ bản án sơ thẩm.

Luật sư Cao Thế L2, Luật sư Nguyễn Văn Q thống nhất đề nghị Hội đồng xét xử thay đổi biện pháp ngăn chặn cho bị cáo T.

Luật sư Nguyễn Ngọc T5 bào chữa cho bị cáo L1 tranh luận: Quan hệ giữa bị cáo L1 và bà T6 hoàn toàn là quan hệ dân sự, bị cáo L1 và bà T6 có quan hệ làm ăn từ trước nên không có căn cứ cho rằng bị cáo gian dối chiếm đoạt tiền của bà T6, đề nghị Hội đồng xét xử hủy án bản án sơ thẩm hoặc tuyên bị cáo không tội. Ngoài ra, bị hại có dấu hiệu cho vay nặng lãi nên đề nghị xem xét trách nhiệm hình sự của bị hại.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Tại phiên toà phúc thẩm, các bị cáo đều không thừa nhận hành vi phạm tội và cho rằng giao dịch giữa các bị cáo và bà T6 là quan hệ dân sự vay mượn tiền, các bị cáo không hề có việc mua bán với bà T6, số tiền nợ tính bằng quần áo và trả lãi trên số lượng quần áo đã đặt. Các bị cáo đã bị ép buộc khi viết giấy xác nhận ngày 07/4/2015.

Hội đồng xét xử xét thấy: Trong khoảng thời gian từ tháng 10 năm 2014 đến tháng 4 năm 2015, bị cáo Nguyễn Thị Thanh T và bị cáo Dương Văn L1 có hành vi gian dối, đưa ra thông tin không có thật nhằm làm cho bà Bùi Thủy Hoa T6 tin tưởng rằng bị cáo Nguyễn Thị Thanh T và bị cáo Dương Văn L1 có kinh doanh, mua bán quần áo, giày dép nên bà T6 đã hùn hạp kinh doanh với bị cáo T, L1 bằng cách chuyển tiền hàng cho những người do bị cáo T giới thiệu là người có xưởng may quần áo, giày dép ở Thành phố Hồ Chí Minh là bà Trần Thị Mai P1, bà Nguyễn Ngọc C, ông Phùng Văn T7 để đặt gia công hàng hóa, giày dép sau đó vận chuyển ra những người mua bán quần áo, giày dép ở Hà Nội, Bắc Ninh, Lạng Sơn do bị cáo T giới thiệu để được hưởng tiền lời. Tuy nhiên sau khi bà T6 chuyển tiền cho P1, C, T7 thì những người này chuyển tiền cho bị cáo T và bị cáo L1. Bị cáo T, bị cáo L1 lấy tên giả những người mua bán quần áo, giày dép ở Hà Nội, Bắc Ninh, Lạng Sơn trả một phần tiền hàng cho bà T6 và hẹn sẽ trả phần tiền còn lại cho bà T6 sau.

Các bị cáo cho rằng giao dịch với bà T6 là vay nợ tiền nhưng lại không đưa ra được các chứng cứ chứng minh là vay mượn tiền với bà T6. Đồng thời, nếu là giao dịch vay mượn thông thường thì bà T6 chỉ cần giao và nhận tiền của các bị cáo, còn trong vụ án này các bị cáo đã nhờ C, P1,T12 mở tài khoản để nhận tiền từ bà T6 và khi L1 chuyển tiền cho bà T6 đều ghi tên những người khác với nội dung trả tiền hàng, khi chuyển khoản đi bà T6 cũng ghi nội dung “chuyển tiền hàng” là hoàn toàn phù hợp. Đồng thời, các tin nhắn bị cáo T nhắn cho bà T6 đều thể hiện số lượng quần áo cụ thể mà không có liên quan gì tới việc vay mượn tiền. bà T6 cũng không thừa nhận có việc vay mượn tiền với các bị cáo.

Ngoài ra, căn cứ vào lời khai ban đầu của các bị cáo tại bút lục 60-67 và bút lục 70-74 đều thể hiện không có việc vay mượn tiền giữa các bị cáo và bà T6, do đang nợ tiền biết bà T6 có tiền nên bị cáo T mới rủ bà T6 hùn vốn làm ăn buôn bán quần áo, ban đầu T yêu cầu bà T6 chuyển ít tiền sau đó tăng dần để chiếm đoạt được nhiều tiền của bà T6. Bị cáo L1 cũng khai nhận không có việc làm ăn với bà T6 mà bị cáo T và L1 đã cùng dựng lên tên người mua người bán để nhận và chuyển tiền cho bà T6 với P1 thức như T đã khai. Các bị cáo cho rằng mình đã bị ép cung, không biết mình đã khai những gì nhưng dưới các bản khai các bị cáo đều có kí tên và ghi rõ tôi đã đọc lại và xác định đây là lời khai của mình và các bị cáo cũng không đưa ra được chứng cứ cho rằng mình bị ép cung nên không có căn cứ xem xét.

Đồng thời, các bị cáo đã xác nhận với bà T6 về việc đã có hành vi gian dối và số tiền đã chiếm đoạt của bà T6 vào ngày 07/4/2015. Các bị cáo cho rằng mình bị đe doạ, ép buộc khi viết giấy nợ này nhưng các bị cáo đều không đưa ra được chứng cứ chứng minh. Theo lời khai của các bị cáo, các bị cáo viết giấy xác nhận này tại quán café và lúc đó ngoài hai bị cáo có bà T6, ông Q1 và một người bán vé số và bị ông Q1 đe doạ bằng lời nói là không phù hợp. Bởi lẽ, các bị cáo đều là người trưởng thành và đều có ý thức về những gì mình đã viết, không thể dễ dàng bị đe doạ viết giấy xác nhận hành vi gian dối của mình và xác nhận số tiền nợ lớn như vậy, nhưng các bị cáo đã cùng xác nhận với nội dung tương đồng thể hiện số nợ với bà T6. Căn cứ vào lời khai của những người liên quan là C, P1,T12 cũng thể hiện C, P1,T12 không có giao dịch mua bán gì với bà T6 mà chỉ mở tài khoản và chuyển tiền lại cho T, L1 khi có tiền chuyển vào.

Từ các căn cứ nêu trên có thể xác định Toà án cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là có căn cứ, đúng người, đúng tội.

[2] Tuy nhiên, Hội đồng xét xử xét thấy: Về số tiền xác định các bị cáo đã chiếm đoạt của người bị hại có sự không tương đồng giữa giấy xác nhận nợ, kết luận điều tra, cáo trạng cũng như bản án sơ thẩm. Cụ thể:

Tại Kết luận điều tra số 44/KLĐT-PC45 ngày 19/5/2016 và Kết luận điều tra số 18/KLĐTBS-PC45 ngày 09/5/2017 đều thể hiện tổng số tiền mà các bị cáo chiếm đoạt là 11.150.796.755 đồng.

Tuy nhiên, Kết luận điều tra bổ sung số 38/KLĐTBS-PC45 ngày 04/9/2017, thể hiện: “Sau khi nhập và chuyển tiền qua lại, T còn lại tổng cộng 20.031.246.830 đồng. Số tiền này T chuyển vào tài khoản bà Bùi Thủy Hoa T6 tổng cộng 13.557.400.000 đồng (chuyển khoản 860.000.000đ, sử dụng tên giả nộp vào tài khoản 12.697.400.000đ). Số tiền còn lại 6.473.846.830 đồng T chiếm đoạt.

Sau khi nhận và chuyển tiền qua lại, L1 còn lại tổng cộng 83.924.861.520 đồng. Số tiền này L1 chuyển vào tài khoản bà Bùi Thủy Hoa T6 tổng cộng 82.509.708.600 đồng (chuyển khoản 32.223.000.000đ, sử dụng tên giả nộp vào tài khoản 50.286.708.600đ). Số tiền còn lại 1.415.152.920 đồng L1 chiếm đoạt. Sau khi bị bà T6 phát hiện, L1 đã nộp vào tài khoản bà T6 1.1396.000.000 đồng (BL 1272-1487)”.

Tại Cáo trạng số 02/KSĐT-P1 ngày 29/12/2016 thể hiện tổng số tiền mà các bị cáo chiếm đoạt là 11.150.796.755 đồng và Cáo trạng số 10/KSĐT-P1 ngày 26/10/2017 thể hiện tổng số tiền mà các bị cáo chiếm đoạt là 11.174.999.750 đồng.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 10/2019/HS-ST ngày 07/3/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương thể hiện tổng số tiền mà các bị cáo chiếm đoạt là 11.104.999.750 đồng.

Do đó, để xác định chính xác trách nhiệm hình sự cũng như trách nhiệm dân sự của các bị cáo cần tiến hành đối chất, xác định cụ thể số tiền của từng lần giao dịch, bà T6 đã chuyển cho từng lần đặt hàng là bao nhiêu tiền, bằng hình thức gì? Chuyển vào tài khoản của ai? Các bị cáo đã chuyển khoản lại cho bà T6 bao nhiêu tiền? Số tiền nợ lại của lần giao dịch đó là bao nhiêu tiền để có con số tổng chính xác.

Đây là vấn đề mà Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm không thể giải quyết được tại phiên toà phúc thẩm. Do đó, cần thiết phải huỷ bản án sơ thẩm, trả hồ sơ về cho Viện kiểm sát cấp sơ thẩm để thực hiện việc điều tra bổ sung theo thẩm quyền.

[3] Do Hội đồng xét xử quyết định huỷ bản án sơ thẩm nên các bị cáo Nguyễn Thị Thanh T và Dương Văn L1 không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ Điểm c Khoản 1 Điều 355 Bộ luật tố tụng hình sự 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội;

Căn cứ Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội. Tuyên xử:

1. Huỷ Bản án hình sự sơ thẩm số 10/2019/HS-ST ngày 07/3/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương.

Giao hồ sơ về cho Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương giải quyết theo thẩm quyền.

Tiếp tục tạm giam các bị cáo Nguyễn Thị Thanh T và Dương Văn L1 theo Quyết định tạm giam của Hội đồng xét xử cho đến khi Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương thụ lý lại hồ sơ vụ án.

2. Các bị cáo Nguyễn Thị Thanh T và Dương Văn L1 không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

3. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

274
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản số 448/2022/HS-PT

Số hiệu:448/2022/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 05/07/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về