TOÀ ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI
BẢN ÁN 43/2022/HS-PT NÀY 21/01/2022 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN
Ngày 21 tháng 01 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 782/2021/TLHS-PT ngày 13 tháng 9 năm 2021 đối với bị cáo Nguyễn Thị Bích H1, do có kháng cáo của người bị hại đối với Bản án số 31/2021/HS-ST ngày 04-8-2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang.
- Bị cáo bị kháng cáo:
Nguyễn Thị Bích H1 sinh năm 1982; trú tại: thôn TA, xã V, huyện TY, tỉnh Bắc Giang; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: không; văn hóa: lớp 12/12; nghề nghiệp: không; con ông Nguyễn Đức T và bà Nguyễn Thị M; có chồng là Dương Văn H và 03 con; tiền án, tiền sự: không; bị bắt giam ngày 08- 7-2019; có mặt.
- Người bào chữa cho bị cáo: Luật sư Đinh Trọng K - Văn phòng luật sư P, Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang; có mặt.
- Người bị hại kháng cáo: bà Nguyễn Thị U sinh năm 1962; trú tại: tiểu khu 2, thị trấn N, huyện Y, tỉnh Bắc Giang; có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.
(Trong vụ án còn có 14 người bị hại không kháng cáo).
NỘI DUNG VỤ ÁN
Nguyễn Thị Bích H1 là đối tượng không có nghề nghiệp ổn định. Do nợ tiền của nhiều người, để có tiền trả nợ và chi tiêu, H1 đã dùng nhiều thủ đoạn gian dối như nhận tiền để xin việc; huy động tiền chơi phường và vay tiền rồi chiếm đoạt. Bằng thủ đoạn nêu trên, H1 đã lừa đảo chiếm đoạt của nhiều người với tổng số tiền là 5.548.500.000 đồng. Cụ thể như sau:
I. Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác thông qua hình thức nhận tiền xin việc làm Nguyễn Thị Bích H1 tự giới thiệu bản thân quen biết với nhiều người là lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh Bắc Giang nên có khả năng xin cho người khác vào làm việc tại các cơ quan, đơn vị trong ngành giáo dục, y tế. Từ năm 2014 đến năm 2018, H1 đã nhận tiền của một số người và hứa hẹn xin việc cho người thân của họ vào công tác trong ngành giáo dục, y tế sau đó chiếm đoạt.
1. Lừa đảo chiếm đoạt 450.000.000 đồng của ông Nguyễn Tiến H2; trú tại thôn Đ, xã ĐS, huyện YT.
Ông H2 quen biết H1 từ trước qua các mối quan hệ xã hội. Tháng 7 năm 2017, ông H2 được H1 giới thiệu có mối quan hệ quen biết với lãnh đạo của Sở Nội vụ tỉnh Bắc Giang nên có khả năng xin vào biên chế làm việc tại Sở khoa học công nghệ và giáo viên mầm non trong tỉnh Bắc Giang.
Ông H2 nói lại những thông tin trên cho ông Hoàng Văn V1 (trú tại thôn Đ, xã ĐS, huyện YT) và bà Nguyễn Thị H3 (trú tại thôn L, xã BH, huyện YT, tỉnh Bắc Giang) biết. Ông V1 có con gái là Hoàng Thanh H4 tốt nghiệp Học viện kỹ thuật mật mã chuyên ngành Kỹ sư an toàn thông tin, còn bà H3 có con gái là chị Vũ Thị Ngân H5 tốt nghiệp Trường Cao đẳng sư phạm Trung ương ngành giáo dục mầm non chưa có việc làm nên nhờ ông H2 giúp.
Ông H2 đặt vấn đề thì H1 đồng ý và hứa xin việc cho chị H4 vào làm việc tại Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Giang với chi phí 250.000.000 đồng và xin cho chị H5 vào biên chế giáo viên mầm non trong tỉnh Bắc Giang với chi phí là 200.000.000 đồng. Ông H2 nói lại cho ông V1, bà H3 biết. Ông V1 đưa 250.000.000 đồng, bà H3 đưa 200.000.000 kèm theo hồ sơ xin việc của chị H4, chị H5 cho ông H2. Sau đó, ông H2 đưa cho H1 hai bộ hồ sơ xin việc và 450.000.000 đồng. H1 viết giấy biên nhận đề ngày 20-8-2017 ghi rõ lý do nhận tiền để xin việc và hẹn đến tháng 11 năm 2017 sẽ có quyết định tuyển dụng, đến tháng 12/2017 không xin được việc sẽ trả lại tiền; đến thời hạn cam kết, chị H4 và chị H5 không được đi làm, ông H2 yêu cầu trả lại tiền nhưng H1 không trả. Ông H2 đã tự bỏ tiền ra trả ông V1 250.000.000 đồng và trả bà H3 200.000.000 đồng. Ông H2 yêu cầu H1 bồi thường 450.000.000 đồng.
2. Hành vi lừa đảo chiếm đoạt của bà Nguyễn Thị U trú tại Tiểu khu 2, thị trấn N, huyện Y, tỉnh Bắc Giang và một số người bị hại khác - Lừa đảo chiếm đoạt của bà Nguyễn Thị U 289.000.000 đồng Tháng 9 năm 2014, bà U được Nguyễn Văn T1 (trú tại xã VT, huyện VY, tỉnh Bắc Giang) giới thiệu có quen biết người có khả năng xin việc vào cơ quan nhà nước. Do biết T1 từ trước, bà U đưa cho T1 150.000.000 đồng kèm theo hồ sơ nhờ xin cho con gái là Nguyễn Thanh H6 tốt nghiệp Trường trung cấp y tế Bắc Giang vào làm việc tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang. T1 hứa đến tháng 6/2015 thì H6 sẽ có quyết định đi làm.
Đến tháng 6 năm 2015 không thấy con gái được đi làm, bà U yêu cầu T1 đưa đến gặp người đã nhận tiền xin việc để hỏi. T1 đưa bà U đến gặp H1 thì H1 thừa nhận có nhận 120.000.000 đồng từ T1. H1 thỏa thuận với bà U sẽ trả lại tiền cho T1 và trực tiếp nhận tiền từ bà U để xin việc cho chị Hằng với chi phí là 180.000.000 đồng. Bà U đồng ý.
Theo bà U khai khoảng 01 tháng sau T1 trả lại tiền xin việc cho bà U. Sau đó bà U đưa cho H1 tổng số 100.000.000 đồng thông qua nộp tiền vào tài khoản số 2503211001238 và số chứng minh nhân dân 121437165 mang tên Nguyễn Thị Bích H1 tại Ngân hàng Agribank Hiệp Hòa (cụ thể: ngày 03-7-2015 nộp 20.000.000 đồng vào tài khoản số 2503211001238; ngày 03-8-2015 nộp 50.000.000 đồng và ngày 10-8-2015 nộp 30.000.000 đồng vào số chứng minh nhân dân 121437165). H1 hứa hẹn trong năm 2015 sẽ có quyết định.
Tiếp đó, H1 tiếp tục yêu cầu bà U đưa thêm tiền xin việc để được nhận quyết định đi làm. Bà U đồng ý đưa thêm cho H1 tổng số 189.000.000 đồng qua nộp tiền vào tài khoản số 2503211001238 và số chứng minh nhân dân 121437165 của H1 tại Ngân hàng Agribank Hiệp Hòa và trực tiếp đưa tiền cho H1 (cụ thể ngày 15-8-2017 nộp 60.000.000 đồng và ngày 17-11-2017 nộp 9.000.000 đồng vào số chứng minh nhân dân 121437165; ngày 01-12-2015 nộp 70.000.000 đồng, ngày 09-11-2017 nộp 10.000.000 đồng và ngày 20-12-2017 nộp 20.000.000 đồng vào tài khoản số 2503211001238; ngày 03-01-2018 trực tiếp đưa cho H1 20.000.000 đồng, H1 viết giấy biên nhận tiền đưa bà U giữ). Tuy nhiên sau đó chị H6 không được đi làm.
Theo bà U khai vào cuối tháng 6/2015, bà U còn đưa cho H1 80.000.000 đồng tiền xin việc cho con gái qua nộp tiền vào tài khoản hoặc số chứng minh thư của H1; tuy nhiên, H1 không thừa nhận. Ngoài lời khai của bà U, không có tài liệu chứng cứ khác nên không đủ căn cứ xác định H1 chiếm đoạt 80.000.000 đồng tiền xin việc như bà U khai. Bà U yêu cầu bồi thường tổng số tiền là 289.000.000 đồng.
- Lừa đảo chiếm đoạt tiền của người khác thông qua bà Nguyễn Thị U.
+ Lừa đảo chiếm đoạt 165.000.000 đồng của chị Nguyễn Thị Mai H7 trú tại thôn YS, xã TP, huyện YD Tháng 6 năm 2015, chị H7 được bà U nói cho biết có quen người có khả năng xin vào biên chế tại Ủy ban nhân dân (UBND) huyện YD. Thời điểm này, chị H7 đang làm hợp đồng tại Phòng Kinh tế hạ tầng của UBND huyện YD nên nhờ bà U xin việc giúp.
Bà U nhờ H1 thì H1 đồng ý và hứa xin việc cho chị H7 vào biên chế làm kế toán tại UBND huyện YD với chi phí là 140.000.000 đồng. Bà U nói lại chi phí xin việc như H1 nói cho chị H7 biết. Chị H7 đồng ý đưa cho bà U 140.000.000 đồng kèm theo hồ sơ xin việc.
Ngày 21-7-2015, bà U đưa hồ sơ và 45.000.000 đồng cho H1 qua nộp tiền vào số chứng minh nhân dân 121437165 mang tên Nguyễn Thị Bích H1 tại Ngân hàng Agribank. H1 hứa hẹn đến tháng 8/2015 sẽ có quyết định đi làm nên bà U nói lại cho chị H7 biết.
Đến tháng 8/2015, chị H7 không có quyết định tuyển dụng vào biên chế nên hỏi bà U thì được bà U cho biết đã đưa tiền cho H1. Chị H7 gọi điện cho H1 theo số điện thoại mà bà U cho thì H1 thừa nhận đã nhận tiền và hồ sơ từ bà U và hứa hẹn với chị H7 sẽ có quyết định vào biên chế.
Tiếp đó, H1 điện thoại cho chị H7, bà U yêu cầu chuyển thêm 120.000.000 đồng tiền xin việc với lý do biên chế khó khăn, không có biên chế vào làm việc tại Phòng Kinh tế hạ tầng huyện YD mà chỉ có biên chế vào làm tại Phòng Tài chính huyện YD. Chị H7 đồng ý đưa cho bà U tổng số 120.000.000 đồng để chuyển cho H1.
Sau đó bà U đưa cho H1 120.000.000 đồng qua nộp tiền vào tài khoản số 2503211001238 và số chứng minh nhân dân 121437165 mang tên Nguyễn Thị Bích H1 tại Ngân hàng Agribank và trực tiếp đưa tiền cho H1 (cụ thể ngày 19-01-2017 nộp 60.000.000 đồng vào tài khoản số 2503211001238; ngày 16-11-2017 nộp 10.000.000 đồng vào chứng minh thư số 121437165; ngày 03-11-2017 (tức 15/9/2017 âm lịch) trực tiếp đưa cho H1 50.000.000 đồng, H1 viết giấy biên nhận nhưng không ghi nội dung xin việc). Tuy nhiên sau đó chị H7 không được tuyển dụng vào biên chế như H1 hứa hẹn.
Theo bà U khai, ngoài số tiền 165.000.000 đồng đưa cho H1 như đã nêu trên thì ngày 30-6-2015, bà U còn đưa cho H1 95.000.000 đồng tiền xin việc của chị Hạnh nhưng không có giấy biên nhận. H1 không thừa nhận. Ngoài lời khai của bà U, không có tài liệu chứng cứ khác nên không đủ căn cứ để xác định bị can H1 chiếm đoạt 95.000.000 đồng tiền xin việc của chị H7 như bà U khai.
Bà U yêu cầu H1 bồi thường 260.000.000 đồng để trả chị H7; còn chị H7 yêu cầu bà U trả lại 260.000.000 đồng.
+ Lừa đảo chiếm đoạt 240.000.000 đồng của ông Vũ Văn P trú tại Tiểu khu 2, thị trấn N, huyện YD Ông P có con gái là Vũ Thị Tuyết M1, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Ngô Gia Tự - Bắc Giang và con dâu là Ong Thị V2, tốt nghiệp Trường Trung cấp Y tế Bắc Giang ra trường chưa xin được việc làm. Cuối năm 2015, ông P biết tin bà U đang xin việc cho con gái vào ngành y nên nhờ bà U xin việc cho chị M1 và chị V2.
Bà U nhờ H1 thì H1 đồng ý và hứa xin cho chị M1 vào biên chế ngành giáo dục với chi phí 150.000.000 đồng và xin cho chị V2 vào biên chế tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang với chi phí là 180.000.000 đồng. Bà U nói lại thông tin như H1 nói cho ông Phận biết. Ông P đồng ý đưa trước cho bà U 250.000.000 đồng kèm theo 02 bộ hồ sơ xin việc của chị M1 và chị V2, số tiền còn lại hai bên thỏa thỏa thuận sẽ thanh toán sau khi có quyết định đi làm.
Sau đó bà U đưa 02 bộ hồ sơ xin việc và 240.000.000 đồng cho H1 thông qua nộp tiền vào tài khoản số 2503211001238 và số chứng minh nhân dân 121437165 mang tên Nguyễn Thị Bích H1 tại Ngân hàng Agribank Hiệp Hòa (cụ thể: ngày 03-12-2015 nộp 80.000.000 đồng, ngày 08-12-2015 nộp 80.000.000 đồng vào tài khoản số 250321001238; ngày 28-12-2015 nộp 80.000.000 đồng vào chứng minh thư số 121437165). Bà U khai giữ lại 10.000.000 đồng để đảm bảo H1 xin việc cho con ông P. H1 hứa hẹn đến đầu năm 2016 sẽ có quyết định đi làm nên bà U nói lại cho ông P biết.
Đến tháng 7/2016, chị M1 và chị V2 chưa được đi làm, ông P hỏi bà U thì bà U nói cho ông P biết đã đưa tiền và hồ sơ cho H1. Ông P yêu cầu bà U gọi điện cho H1 hỏi thì H1 thừa nhận việc nhận tiền và hồ sơ xin việc từ bà U. Ông P yêu cầu H1 phải viết giấy cam kết nên H1 viết giấy cam kết đề ngày 27-7- 2016 ghi rõ nội dung có nhận tiền xin việc cho Ong Thị V2 và Vũ Thị Tuyết M1, hẹn trong tháng 9 nếu không xin được việc sẽ hoàn trả lại tiền đã nhận và trả thêm mỗi xuất 10.000.000 đồng nếu không xin được việc đưa cho bà U giữ.
Tuy nhiên sau đó chị V2 và chị M1 không được đi làm. H1 yêu cầu nộp thêm tiền xin việc nhưng ông P không đồng ý và yêu cầu trả lại tiền. Sau đó H1 nhiều lần trả lại bà U số tiền đã nhận để trả ông P. Bà U đã trả lại ông P 250.000.000 đồng.
+ Lừa đảo chiếm đoạt 70.000.000 đồng của bà Phạm Thị H8 (tức Phạm Thúy H8), trú tại tiểu khu 3, thị trấn N, huyện YD, Bắc Giang Bà H8 có cháu là Phạm Thị N1 tốt nghiệp Trường Trung cấp y Bắc Giang nhưng chưa xin được việc làm. Tháng 8 năm 2015, bà H8 biết tin bà U đang xin việc cho con gái nên nhờ xin việc cho chị N1. Bà U đặt vấn đề với H1 thì H1 đồng ý và hứa xin cho chị N1 vào biên chế y tế học đường trong các Trường học của huyện YD với chi phí là 150.000.000 đồng. Bà U nói lại cho bà H8 biết. Bà H8 đồng ý đưa trước cho bà U 130.000.000 đồng kèm theo 01 bộ hồ sơ xin việc của chị N1.
Sau đó bà U đưa hồ sơ và 70.000.000 đồng cho H1 thông qua nộp tiền vào số chứng minh nhân dân 121437165 mang tên Nguyễn Thị Bích H1 tại Ngân hàng Agribank Hiệp Hòa và trực tiếp giao tiền cho H1 (cụ thể: ngày 11-9-2015 nộp 20.000.000 đồng, ngày 17-9-2015 nộp 20.000.000 đồng vào chứng minh thư số 121437165; ngày 28-12-2016 (âm lịch) trực tiếp đưa cho H1 30.000.000 đồng, H1 viết giấy biên nhận tiền). H1 hứa hẹn đến tháng 02 năm 2017 sẽ có quyết định đi làm, bà U nói lại cho bà H8 biết. Tuy nhiên, sau đó chị N1 không được đi làm. Bà H8 yêu cầu trả lại tiền thì H1 trả lại bà H8 35.000.000 đồng thông qua bà U.
Theo bà U khai vào ngày 17-8-2015, bà U còn đưa cho H1 60.000.000 đồng là tiền xin việc của chị N1; tuy nhiên, H1 không thừa nhận. Ngoài lời khai của bà U, không có tài liệu chứng cứ khác nên không đủ căn cứ để xác định bị can H1 chiếm đoạt 60.000.000 đồng tiền xin việc của chị N1 như bà U khai.
Bà U yêu cầu H1 bồi thường 95.000.000 đồng để trả lại bà H8; bà H8 yêu cầu bà U trả lại 95.000.000 đồng đã nhận.
II. Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của những người bị hại khác bằng hình thức huy động tiền chơi phường và vay tiền rồi chiếm đoạt Do cần tiền để trả nợ và chi tiêu cá nhân, Nguyễn Thị Bích H1 đã dùng nhiều thủ đoạn gian dối bằng hình thức vay tiền, lôi kéo người tham gia chơi "phường" để chiếm đoạt tài sản của người khác. Cụ thể như sau:
1. Lừa đảo chiếm đoạt 65.000.000 đồng của chị Trần Thị Hải N2, trú tại thôn K, xã ĐB, huyện HH Năm 2016, thông qua bạn là Dương Thị M2 trú tại xã HT, huyện HH, tỉnh Bắc Giang, chị Trần Thị Hải N2 quen biết H1 (H1 là mợ của chị M2).
Tháng 7 năm 2017, H1 đặt vấn đề vay chị Ngân số tiền 65.000.000 đồng để sử dụng chi tiêu cá nhân. Do không có quan hệ thân thiết với H1 nên chị N2 đề nghị chị M2 bảo lãnh số tiền cho H1 vay, nếu H1 không trả thì M2 phải có trách nhiệm trả chị N2. Chị M2 đồng ý. Ngày 02-7-017 (âm lịch), chị N2 cho H1 vay 65.000.000 đồng. H1 viết giấy vay tiền, hẹn 10 ngày sau sẽ trả lại tiền vay rồi đưa cho chị N2 cất giữ.
Sau khi nhận tiền vay, H1 dùng trả nợ và chi tiêu cá nhân hết. Đến hạn trả tiền nhưng không thấy H1 trả, chị N2 nhiều lần yêu cầu H1 trả tiền thì H1 mới trả được chị N2 số tiền 15.000.000 đồng, còn lại 50.000.000 đồng không trả. Do H1 không trả tiền vay nên chị N2 yêu cầu chị M2 trả lại số tiền đã bảo lãnh cho H1 vay. Chị M2 đã trả cho chị N2 50.000.000 đồng còn lại. Chị N2 yêu cầu H1 bồi thường 50.000.000 đồng để trả lại chị M2.
2. Chiếm đoạt 814.000.000 đồng của chị Nguyễn Thị Thanh N3, trú tại thôn ĐH, xã ĐT, huyện HH Chị N3 và H1 có mối quan hệ họ hàng. Tháng 12/2016, chị N3 được H1 giới thiệu về việc có "phường" 13 suất, mỗi suất đóng 50.000.000 đồng/ tháng, lãi suất 12.000.000 đồng/tháng, nếu có tiền thì đưa cho H1 để tham gia đóng "phường", chị N3 sẽ là người lấy "phường" cuối cùng vào tháng 11/2017 (âm lịch) để được hưởng lãi suất cao. Tin H1 nói là thật, chị N3 đồng ý.
Từ tháng 12/2016 (âm lịch) đến tháng 9 năm 2017, chị N3 11 lần đóng "phường" cho H1 tổng số tiền 550.000.000 đồng, H1 ký vào giấy nhận tiền giao chị N3 giữ. Đến cuối tháng 10/2017, chị N3 phát hiện có nhiều người đến nhà H1 đòi nợ nên không đóng tiền "phường" cho H1 tiếp và yêu cầu H1 trả lại tiền nhưng H1 không trả.
Ngoài đưa tiền cho H1 để tham gia chơi "phường", ngày 20-4-2017, chị N3 còn cho H1 vay 264.000.000 đồng, H1 viết giấy vay tiền cam kết đến ngày 20- 10-2017 (âm lịch) sẽ trả lại tiền vay. Tuy nhiên, hết thời hạn cam kết trả tiền, H1 không trả lại tiền vay cho chị N3. Chị N3 yêu cầu H1 bồi thường tổng số tiền là 814.000.000 đồng.
3. Chiếm đoạt 1.230.000.000 đồng của chị Dương Thị M2, trú tại thôn PH, xã HT, huyện HH Chị Dương Thị M2 và H1 có mối quan hệ họ hàng (chị M2 gọi H1 là mợ). Năm 2015, chị M2 tham gia đóng "phường" cho H1 sau đó được H1 trả tổng số tiền 168.000.000 đồng tiền gốc và lãi.
Tháng 4/2016, chị M2 được H1 giới thiệu về việc có dây "phường" 90 suất, nếu có tiền thì đưa cho H1 để tham gia đóng "phường" cho 02 suất, mỗi suất đóng 10.000.000 đồng/tháng, lãi suất 10.000.000 đồng/tháng, khi nào đến lượt lấy tiền "phường", H1 sẽ trả tiền gốc và lãi. Tin H1 nói là thật, chị M2 đồng ý. Từ tháng 4/2016 đến tháng 6 năm 2017, chị Mai đưa cho H1 tổng số 300.000.000 đồng để đóng "phường", H1 viết giấy biên nhận nội dung nhận tiền chơi phường hộ chị M2 số tiền trên rồi đưa cho chị M2 giữ.
Trong thời gian đưa tiền cho H1 đóng "phường", chị M2 còn nhiều lần cho H1 vay tiền để đóng tiền "phường" cho người khác và đáo hạn ngân hàng theo như H1 giới thiệu. H1 viết giấy biên nhận vay tiền chị M2 đề các ngày 14-6- 2016 (âm lịch) vay số tiền 345.000.000 đồng, thời hạn 20-12-2017 trả; ngày 20- 6-2016 (âm lịch) vay số tiền là 585.000.000 đồng, thời hạn 30-12-2018 trả hết tiền vay đưa cho chị M2 giữ.
Sau khi vay được tiền, H1 sử dụng trả nợ và chi tiêu cá nhân hết. Đến nay, H1 chưa trả lại chị M2 tiền phường và tiền vay. Chị M2 yêu cầu H1 bồi thường tổng số tiền 1.230.000.000 đồng.
4. Chiếm đoạt 1.220.000.000 đồng của anh Nghiêm Văn T2, trú tại thôn D, xã VN, huyện TY Thông qua các mối quan hệ xã hội, anh T2 quen biết H1. Theo anh T2 khai vào năm 2017, H1 nhiều lần đặt vấn đề vay tiền anh T2 để đáo hạn ngân hàng, chơi "phường", sau khi lấy tiền "phường", H1 sẽ trả lại tiền. Do tin tưởng H1 nói là thật, anh T2 nhiều lần cho H1 vay tiền.
Đến ngày 10-8-2017, H1 viết gộp các khoản tiền đã vay anh T2 vào chung 01 giấy biên nhận vay tiền với tổng số tiền vay là 1.000.000.000 đồng, hẹn đến 10-10-2017 sẽ trả, sau đó, H1 lại vay thêm của anh T2 số tiền 220.000.000 đồng.
Hết thời hạn cam kết trả tiền, H1 không trả tiền anh T2 như thỏa thuận. Anh T2 yêu cầu trả tiền thì H1 mới trả anh T2 được số tiền là 260.000.000 đồng, còn 960.000.000 đồng chưa trả. Anh T2 yêu cầu H1 bồi thường 960.000.000 đồng.
5. Chiếm đoạt 118.000.000 đồng của chị Nguyễn Thị L, trú tại thôn NT, xã NS, huyện HH Năm 2017, chị L cho Nguyễn Thị H3, trú tại thôn D, xã VN, huyện TY, tỉnh Bắc Giang vay 290.000.000 đồng để chơi "phường". Đến tháng 02/2018, bà H3 đưa Nguyễn Thị Bích H1 đến nhà chị L giới thiệu và nói cho chị L biết về số tiền vay đã đóng "phường" cho H1 nhưng do cả H3 và H1 đều vỡ nợ nên không có tiền trả lại chị L.
Theo chị L khai, H1 đặt vấn đề vay tiền chị L để đóng "phường", đến lượt lấy tiền "phường", H1 sẽ trả gốc và trả thêm 30.000.00 đồng tiền lãi trong số tiền H nợ. Tin tưởng H1 nói là thật, chị L đồng ý.
Sau đó H1 đưa chị L đến gặp bà Nguyễn Thị Y, trú tại thị trấn HS, huyện PB, tỉnh Thái Nguyên. Chị L được bà Y nói cho biết việc H1 có tham gia đóng "phường" cho bà Y.
Từ tháng 3 năm 2018 đến tháng 6 năm 2018, chị L nhiều lần cho H1 vay tổng số tiền là 118.000.000 đồng để đóng "phường". Đến ngày 16-6-2018, H1 viết gộp các lần vay chung vào 01 giấy biên nhận với số tiền vay là 118.000.000 đồng, hẹn đến ngày 19-5-2018 âm lịch sẽ trả lại tiền vay rồi đưa chị L giữ.
Đến ngày lấy "phường", H1 chỉ trả cho chị L 15.000.000 đồng, chị L đòi tiền nhiều lần thì được H1 trả thêm 21.000.000 đồng. Chị L yêu cầu H1 bồi thường 82.000.000 đồng chưa trả.
6. Chiếm đoạt 517.500.000 đồng của bà Nguyễn Thị C, trú tại thị trấn CT, huyện TY Tháng 6 năm 2017, H1 đặt vấn đề vay tiền bà C để kinh doanh, đáo hạn ngân hàng, đóng tiền "phường". Do tin tưởng H1 nói là thật, bà C nhiều lần cho H1 vay tiền tổng số tiền 517.500.000 đồng để dùng đáo hạn ngân hàng, đóng tiền "phường". Sau mỗi lần cho vay tiền, H1 đều hứa hẹn với bà C khi nào lấy được tiền "phường" sẽ trả hết tiền vay. Tuy nhiên, sau khi vay tiền, H1 không trả tiền cho bà C như hứa hẹn.
Bị can H1 khai nhiều lần vay tiền bà C dùng trả nợ, lãi suất hai bên thỏa thuận từ 3.000 đồng đến 4.000 đồng/01 triệu/ngày. Khi vay, H1 đều viết giấy biên nhận đưa cho bà C giữ. H1 xác định còn nợ bà C khoảng 400.000.000 đồng, trong đó có 150.000.000 đồng là tiền lãi bà C ứng ra trả cho H1. Bà C yêu cầu H1 bồi thường số tiền 517.500.000 đồng.
7. Chiếm đoạt 370.000.000 đồng của chị Dương Thị T3, trú tại thôn ĐT, xã NV, huyện TY Tháng 5 năm 2019, chị T3 nhận hàng thủ công may mặc của H1 về nhà làm. Tháng 6 năm 2019, mặc dù không còn điều kiện và khả năng trả lại tiền vay cho nhiều người nhưng H1 vẫn đặt vấn đề vay tiền của chị T3 để dùng đáo hạn ngân hàng, kinh doanh may mặc. Do tin tưởng H1 nói là thật, chị T3 nhiều lần cho H1 vay tổng số tiền 370.000.000 đồng, cụ thể: ngày 13-6-2019 cho vay 50.000.000 đồng, lãi suất thỏa thuận 3%/tháng; ngày 20-6-2019 cho vay 100.000.000 đồng, lãi suất thỏa thuận 2.500 đồng/triệu/ngày; 04-7-2019 cho vay 220.000.000 đồng, lãi suất hai bên thỏa thuận miệng không ghi vào giấy vay. H1 viết giấy vay tiền đưa cho chị T3 giữ.
Sau khi nhận tiền vay, H1 sử dụng trả nợ và chi tiêu cá nhân hết. Chị T3 yêu cầu H1 trả tiền thì H1 trả chị Thiết 3.000.000 đồng tiền lãi. Chị T3 yêu cầu H1 bồi thường 370.000.000 đồng.
Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã thu giữ các giấy biên nhận tiền, giấy vay tiền, giấy xác nhận nhận tiền xin việc, giấy ghi các mã đóng tiền phường, biên bản làm việc nội dung liên quan đến việc H1 nhận tiền phường và 01 đĩa CD, 01 đĩa DVD lưu các file ghi âm nội dung liên quan đến việc H1 nhận tiền xin việc do các bị hại ông Nguyễn Tiến H2, bà Nguyễn Thị U, chị Trần Thị Hải N2, Nguyễn Thị Thanh N3, Dương Thị M2, Nghiêm Văn T2, Nguyễn Thị L, Nguyễn Thị C, Dương Thị T3 và người liên quan chị Nguyễn Thanh H6 giao nộp.
Cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định chữ viết và chữ ký trên các tài liệu giấy tờ liên quan đến việc nhận tiền và vay tiền của Nguyễn Thị Bích H1; trưng cầu giám định âm thanh trong đĩa CD và DVD do những người bị hại, người liên quan giao nộp.
Quá trình điều tra, Nguyễn Thị Bích H1 khai đã vay tiền của nhiều người trong đó có ông Nguyễn Tiến H2, bà Nguyễn Thị U, chị Trần Thị Hải N2, Nguyễn Thị Thanh N3, Dương Thị M2, Nghiêm Văn T2, Nguyễn Thị L, Nguyễn Thị C và bà Dương Thị T3 sử dụng vào việc trả nợ và chi tiêu cá nhân đến nay chưa trả hết tiền vay cho những người này. H1 không thừa nhận có việc nhận tiền của ông H2, bà U để xin việc, không nhận tiền "phường" của chị N3 và chị M2. Những giấy biên nhận tiền nội dung ghi nhận tiền để xin việc mà H1 viết giao cho ông H2, bà U là do ông H2 yêu cầu viết để đảm bảo khoản tiền vay, bà U nhờ viết để đưa cho những người đã cho bà U vay tiền biết về việc sử dụng tiền vay.
Đối với tiền "phường" H1 ký nhận hàng tháng với chị Nguyễn Thị Thanh N3, Dương Thị M2 là tiền lãi mà H1 phải trả hàng tháng. Do không trả được lãi nên chị N3, chị M2 yêu cầu H1 đóng tiền chơi "phường" tương ứng với số tiền lãi phải trả, H1 không đóng và không nói cho chị N3, chị M2 biết. Đối với số tiền đã vay của chị Nguyễn Thị L, Nguyễn Thị C và Dương Thị T3, H1 sử dụng trả nợ và chi tiêu cá nhân hết và không còn khả năng thanh toán nợ. Về số tiền vay anh Nghiêm Văn T2 là tiền gán nợ từ bà Nguyễn Thị E, sinh năm 1977 trú tại thôn D, xã VN, huyện TY sang cho H1 để đối trừ nợ do H1 vay tiền bà E bằng tiền vay anh T2.
Cơ quan điều tra đã tiến hành đối chất giữa H1 với người bị hại gồm ông Nguyễn Tiến H2, bà Nguyễn Thị U, Trần Thị Hải N2, Nguyễn Thị Thanh N3, Dương Thị M2, Nghiêm Văn T2, Nguyễn Thị L, Dương Thị T3, song các bên giữ nguyên lời khai. Căn cứ kết quả điều tra đủ cơ sở kết luận H1 lừa đảo chiếm đoạt tiền của những người nêu trên.
Tại Bản án số 31/2021/HS-ST ngày 04-8-2021, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang đã áp dụng điểm a khoản 4 Điều 174; khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 38 Bộ luật hình sự; xử phạt Nguyễn Thị Bích H1 15 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 08-7- 2019.
Buộc bị cáo bồi thường 08 người bị hại, trong đó bồi thường cho bà Nguyễn Thị U 429.000.000 đồng. Bà Nguyễn Thị U phải hoàn trả cho chị Nguyễn Thị Mai H7 260.000.000 đồng và bà Phạm Thị H8 95.000.000 đồng.
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định việc xử lí vật chứng, về án phí theo quy định.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 12-8-2021, bị hại là bà Nguyễn Thị U có đơn kháng cáo đề nghị tăng hình phạt đối với bị cáo, với lí do: bị cáo không thành khẩn nhận tội; phần lớn tài sản bị chiếm đoạt chưa bồi thường không thể hiện sự ăn năn hối cải.
Tại phiên tòa:
Người bị hại kháng cáo là bà Nguyễn Thị U có đơn đề nghị xét xử vắng mặt và giữ nguyên nội dung yêu cầu kháng cáo nêu trên.
Bị cáo Nguyễn Thị Bích H1 thừa nhận hành vi phạm tội của mình; bị cáo cho rằng bản thân không có việc làm ổn định không có thu nhập; ngoài ra, còn tham gia chơi phường, hụi phải trả tiền lãi cao, nên nợ tiền nhiều người, bị cáo đã có thủ đoạn nói dối liên hệ xin việc làm, nhận tiền chơi phường hụi của nhiều người để trả nợ, chi tiêu cá nhân, dẫn đến không có khả năng trả nợ. Trong quá trình giải quyết vụ án, bị cáo và gia đình đã bồi thường được 684.000.000 đồng; hiện tại hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, các con còn nhỏ nên chưa có khả năng bồi thường thêm cho bị hại; bị cáo đề nghị xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có ý kiến: bị cáo bị kết án về hành vi lừa đảo chiếm đoạt của các bị hại 5.548.500.000 đồng; trong quá trình giải quyết vụ án, bị cáo bồi thường khắc phục thiệt hại không đáng kể; bị cáo phạm tội không có nhiều tình tiết giảm nhẹ. Tòa án cấp sơ thẩm kết án bị cáo Nguyễn Thị Bích H1 15 năm tù là nhẹ; đề nghị tăng hình phạt đối với bị cáo (từ 17 đến 18 năm tù).
Luật sư bào chữa cho bị cáo đề nghị xem xét việc bị cáo phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ; đã khắc phục một phần thiệt hại; các con còn nhỏ; sau khi xét xử sơ thẩm chỉ có 01 người bị hại kháng cáo đề nghị tăng hình phạt, đa số các bị hại khác không kháng cáo; đề nghị không chấp nhận kháng cáo của bị hại đối với bị cáo.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được kiểm tra, tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy:
[1]. Về tố tụng: bị cáo Nguyễn Thị Bích H1 bị kết án về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của 15 người bị hại; sau khi xét xử sơ thẩm chỉ có 01 bị hại là bà Nguyễn Thị U kháng cáo đề nghị tăng hình phạt đối với bị cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm, bà U đề nghị xét xử vắng mặt và giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.
[2]. Mặc dù không có chức năng nhiệm vụ liên quan đến việc tuyển dụng lao động và không có khả năng trả nợ, trả lãi, nhưng trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến năm 2019, Nguyễn Thị Bích H1 đã có hành vi gian dối hứa hẹn xin việc làm vào các cơ quan y tế, giáo dục cho nhiều người và hứa hẹn góp tiền chơi “phường" sẽ được trả lãi suất cao; chiếm đoạt của nhiều người tổng số là 5.548.500.000 đồng; trước khi khởi tố vụ án, H1 đã bồi thường cho các bị hại được 589.000.000 đồng, còn lại chiếm đoạt 4.959.500.000 đồng (trong đó còn chiếm đoạt của bà U 429.000.000 đồng). Tòa án cấp sơ thẩm kết án bị cáo Nguyễn Thị Bích H1 về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 174 của Bộ luật hình sự là có căn cứ, không oan.
Đối với kháng cáo của bị hại Nguyễn Thị U đề nghị tăng hình phạt đối với bị cáo, xét thấy: hành vi phạm tội của bị cáo thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng; phạm tội nhiều lần; tuy nhiên, trước khi khởi tố vụ án, bị cáo đã bồi thường cho các bị hại 589.000.000 đồng; ngoài ra, tại phiên tòa sơ thẩm, gia đình bị cáo nộp tài liệu thể hiện việc bị cáo đã trả lại cho bà U 95.000.000 đồng (tổng cộng 684.000.000 đồng); đây là tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự. Tòa án cấp sơ thẩm không áp dụng tình tiết giảm nhẹ này đối với bị cáo là thiếu sót. Mặt khác, tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; chồng bị cáo đã có thời gian tham gia quân đội, được tặng thưởng giấy khen; bố đẻ bị cáo đang thờ cúng liệt sỹ; hoàn cảnh gia đình bị cáo khó khăn, các con còn nhỏ, trong đó con nhỏ nhất sinh năm 2015; gia đình bị cáo thuộc đối tượng hộ nghèo; bị cáo chưa có tiền án, tiền sự. Bị cáo phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ. Xem xét đầy đủ, toàn diện các tình tiết của vụ án và nhân thân bị cáo, xét thấy việc Tòa án cấp sơ thẩm kết án bị cáo Nguyễn Thị Bích H1 15 năm tù là mức án cao trong khung hình phạt, không phải là quá nhẹ, nên có căn cứ giữ nguyên quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm về phần hình phạt đối với bị cáo, thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước là nghiêm trị kết hợp với khoan hồng; giáo dục, cải tạo trong việc xử lý tội phạm.
[2]. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật.
[3]. Về án phí: bị cáo Nguyễn Thị Bích H1 không phải nộp án phí phúc thẩm.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự. Không chấp nhận kháng cáo của bị hại Nguyễn Thị U và giữ nguyên Bản án số 31/2021/HS-ST ngày 04-8-2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang như sau:
1. Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 174; các điểm b và s khoản 1; khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 38 Bộ luật hình sự; xử phạt Nguyễn Thị Bích H1 15 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 08-7-2019.
2. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm nêu trên đã có hiệu lực pháp luật.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.
Bản án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản số 43/2022/HS-PT
Số hiệu: | 43/2022/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 21/01/2022 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về