TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN
BẢN ÁN 22/2022/HS-ST NGÀY 02/04/2022 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN
Ngày 02 tháng 4 năm 2022 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Lạng Sơn xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số 98/2021/TLST-HS ngày 28 tháng 12 năm 2021 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 11/2022/QĐXXST- HS ngày 04 tháng 3 năm 2022; Thông báo thay đổi thời gian mở phiên tòa số 15/TB-THS ngày 14 tháng 3 năm 2022; Quyết định hoãn phiên tòa số 08/2022/HSST-QĐ ngày 23 tháng 3 năm 2022, đối với bị cáo:
- Bị cáo: Hoàng Thị Ngọc A, sinh ngày 03-11-1986 tại Lạng Sơn; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: Thôn K, xã M, thành phố L, tỉnh Lạng Sơn; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ văn hóa: 12/12; dân tộc: Tày; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Hoàng Văn T và bà Nông Thị S; có chồng Nguyễn Ngọc H và 01 con sinh năm 2013; tiền án: Không có; tiền sự: Không có; nhân thân: Chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật; Bị cáo bị bắt tạm giữ từ ngày 12-8-2020, hiện đánh bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Lạng Sơn; có mặt.
- Người bào chữa cho bị cáo Hoàng Thị Ngọc A: Bà Nguyễn Kim V, Luật sư của Văn phòng Luật sư T thuộc Đoàn L tỉnh Quảng Ninh, Chi nhánh tại Lạng Sơn; có mặt.
- Bị hại:
1. Ông Vũ Văn P, địa chỉ: Đường L, phường V, thành phố L, tỉnh Lạng Sơn; vắng mặt.
2. Bà Đinh Thị V, địa chỉ: Đường T, phường T, thành phố L, tỉnh Lạng Sơn; hiện cư trú tại: Thôn K, xã M, thành phố L, tỉnh Lạng Sơn; có mặt.
3. Ông Phùng Duy T, địa chỉ: Đường H, phường H, thành phố L, tỉnh Lạng Sơn; có mặt.
4. Ông Hoàng Minh Đ, địa chỉ: Đường L, phường T, thành phố L, tỉnh Lạng Sơn; vắng mặt.
5. Ông Nguyễn Khắc T, địa chỉ: Thôn N, xã Đ, huyện T, tỉnh Lạng Sơn; có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Trong thời gian từ tháng 4/2020 đến tháng 7/2020, do làm ăn thua lỗ, nợ tiền nhiều người và thường xuyên đánh bạc trên mạng Internet bị thua, nên Hoàng Thị Ngọc A, sinh năm 1986, trú tại thôn K, xã M, thành phố L, tỉnh Lạng Sơn đã nảy sinh ý định lợi dụng mối quan hệ bạn bè, người quen đã từng làm ăn với nhau để rủ những người này góp vốn buôn bán nhiều loại hàng hóa như mỹ phẩm, mì tôm, sữa chua, bánh đánh nem, bia, nước ngọt…xuất bán sang Trung Quốc, lợi nhuận thu được sẽ chia theo tỷ lệ vốn góp; một số người tin tưởng đã chuyển tiền cho A để góp vốn. Sau khi nhận được tiền, A không sử dụng vào việc kinh doanh như đã thỏa thuận, mà sử dụng vào việc đánh bạc trên Internet, trả nợ, chi tiêu cá nhân và mất khả năng thanh toán, cụ thể như sau:
1. Vũ Văn P, sinh năm 1964, trú tại đường L, phường V, thành phố L, tỉnh Lạng Sơn Từ năm 2019, Vũ Văn P và Hoàng Thị Ngọc A có mối quan hệ buôn bán hàng hoa quả sang Trung Quốc. Quá trình làm ăn có phát sinh vay mượn tiền của nhau. Khoảng tháng 3/2020, A gọi điện cho P đề nghị cùng góp vốn để kinh doanh một số mặt hàng sữa chua, nước giải khát các loại, mì tôm, mỹ phẩm… từ Việt Nam bán sang Trung Quốc, lợi nhuận chia theo tỷ lệ vốn góp. Sau nhiều lần thuyết phục, P đồng ý và đã chuyển tiền cho A vào các ngày 14, 16, 20, 23, 27, 28, 29, 30/4/2020 lần lượt số tiền là 80.000.000 đồng, 170.000.000 đồng, 100.000.000 đồng, 100.000.000 đồng, 200.000.000 đồng, 270.000.000 đồng, 80.000.000 đồng và 110.000.000 đồng; ngày 18, 19, 30/5/2020 chuyển 270.000.000 đồng, 220.000.000 đồng và 280.000.000 đồng; ngày 07, 10, 12, 16, 23/6/2020 chuyển 430.000.000 đồng, 200.000.000 đồng, 430.000.000 đồng, 500.000.000 đồng và 450.000.000 đồng; ngày 01, 02, 18/7/2020 chuyển 30.000.000 đồng, 400.000.000 đồng và 3.000.000 đồng vào số Tài khoản 35110000452830 của A mở tại Ngân hàng BIDV Chi nhánh Lạng Sơn; ngày 24, 27/7/2020 chuyển mỗi ngày là 100.000.000 đồng vào số Tài khoản 109869396773 của A mở tại Ngân hàng VietinBank Chi nhánh Lạng Sơn và đưa cho A trực tiếp bằng tiền mặt là 30.000.000 đồng. Tổng cộng Vũ Văn P đã chuyển cho Hoàng Thị Ngọc A 4.553.000.000 đồng.
Sau đó, A chuyển trả tiền cho P như sau: Ngày 13/5/2020 chuyển trả 200.000.000 đồng, ngày 16/5/2020 chuyển trả 200.000.000 đồng, ngày 06/6/2020 chuyển trả 240.000.000 đồng, ngày 09/6/2020 chuyển trả 150.000.000 đồng, ngày 18/6/2020 chuyển trả 20.000.000 đồng, ngày 29/6/2020 chuyển trả 100.000.000 đồng, ngày 01/7/2020 chuyển trả 151.748 Nhân dân tệ, tương đương 505.320.000 đồng và ngày 03/7/2020 chuyển trả 100.000.000 đồng. Tổng cộng 1.515.320.000 đồng.
Số tiền còn lại, P đã nhiều lần đòi, nhưng A lấy lý do hàng bị tắc ở biên giới, trời mưa không chuyển hàng qua đồi được, phía Trung Quốc chưa trả tiền để trì hoãn việc trả tiền. Hiện Hoàng Thị Ngọc A còn chiếm đoạt của Vũ Văn P tổng số tiền là 3.037.680.000 đồng.
2. Đinh Thị V, sinh năm 1989, trú tại đường T, phường T, thành phố L, tỉnh Lạng Sơn Do có quen biết, làm ăn buôn bán, vay nợ nhau từ trước. Khoảng tháng 5/2020, do cần tiền để trả nợ và đánh bạc trên mạng, A nói với V hiện có khách hàng Trung Quốc đặt 1.000 thùng bánh đánh nem nhưng thiếu vốn, rủ V góp vốn làm chung; sau đó A còn nhiều lần rủ V góp vốn làm thêm hàng bò úc, bia, đồ khô… thỏa thuận sau khi bán được hàng sẽ chia lợi nhuận theo tỷ lệ vốn góp của từng chuyến hàng. Vì tin tưởng và muốn kiếm thêm thu nhập, V đã nhiều lần chuyển tiền cho A, cụ thể: Ngày 13/5/2020, V chuyển số tiền 385.000.000 đồng vào tài khoản của Vũ Hồng N (bạn A), sinh năm 1982, trú tại xóm G, xã V, huyện C, tỉnh Phú Thọ; số tiền này sau đó đã được N chuyển lại cho A. Ngày 28/5, V chuyển 50.000.000 đồng, ngày 03/6/2020 chuyển 109.000.000 đồng. Đến ngày 30/6/2020, A tiếp tục rủ V làm mặt hàng bia, bò húc với số tiền vốn góp là 100.000.000 đồng. Do cần tiền gấp, lại sợ V không chuyển tiền, A nói với V có bạn là Nguyễn Khắc T, sinh năm 1986, trú tại thôn N, xã Đ, huyện T, tỉnh Lạng Sơn cũng đánh hàng làm chung với A chuyến hàng này, để kịp chốt đơn hàng nên T đã ứng trước phần tiền góp vốn của V và yêu cầu V chuyển tiền vào tài khoản của T để trả; sau đó A nói với T cho A nhờ tài khoản để chuyển tiền vào, khi nhận được tiền thì chuyển lại cho A; cùng ngày V chuyển vào Tài khoản của T số tiền 100.000.000 đồng, sau đó T đã chuyển lại số tiền này cho A; trong các ngày 01/7 và 07/7/2020, V tiếp tục chuyển vào tài khoản của A lần lượt số tiền 97.500.000 đồng và 39.800.000 đồng. Tổng số tiền Đinh Thị V đã chuyển cho Hoàng Thị Ngọc A là 731.300.000 đồng.
Sau mỗi chuyến hàng, A đều chuyển cho V một ít tiền gồm gốc và lãi để làm tin, cụ thể: Ngày 28/5/2020, A chuyển 150.000.000 đồng, ngày 08/6/2020 chuyển 49.000.000 đồng,ngày 16/6/2020 chuyển 62.000.000 đồng, ngày 29/6/2020 chuyển 127.000.000 đồng, ngày 01/7/2020 chuyển 117.500.000 đồng và ngày 06/7/2020 chuyển 80.000.000 đồng, tổng cộng 585.500.000 đồng.
Số tiền còn lại, V hỏi thì A lấy lý do như trời mua không bốc được hàng, không lấy được hàng, Trung Quốc không trả tiền và gửi nhiều hình ảnh liên quan đến hàng hóa cho V để trì hoãn việc trả tiền. Hiện Hoàng Thị Ngọc A còn chiếm đoạt của Đinh Thị V số tiền 145.800.000 đồng.
3. Phùng Duy T, sinh năm 1981, trú tại đường H, phường H, thành phố L, tỉnh Lạng Sơn Phùng Duy T là chồng của Vy Thị N, sinh năm 1981 (chị họ của A) có làm ăn buôn bán và vay nợ nhau. Khoảng tháng 5/2020, A đến nhà gặp vợ chồng T đặt vấn đề góp vốn buôn bán hàng hóa mỹ phẩm, mì tôm, sữa chua…từ Việt Nam sang Trung Quốc, lợi nhuận thu được sẽ chia nhau. Trong khoảng từ tháng 5 đến tháng 6/2020, vợ chồng T đã 04 lần chuyển tổng số tiền 200.000.000 đồng cho A để góp vốn, được A trả tiền gốc và chia lợi nhuận đầy đủ. Đến ngày 18/6/2020, A tiếp tục đặt vấn đề với vợ chồng T có khách hàng Trung Quốc đặt mua mì tôm, tổng giá trị chuyến hàng là 550.000.000 đồng, A nói đã có 150.000.000 đồng, còn thiếu 400.000.000 đồng, cần góp vốn, vợ chồng T đồng ý, cùng ngày T đã chuyển cho A số tiền 100.000.000 đồng, ngày 19/6/2020 chuyển 300.000.000 đồng. Ngày 01/7/2020, A chuyển trả cho T 160.000.000 đồng. Ngày 02/7/2020, A gọi điện cho T nói khách hàng Trung Quốc đặt mua 5.200 thùng sữa chua, tổng số tiền là 450.000.000 đồng, A đã có 150.000.000 đồng, còn thiếu 300.000.000 đồng, cần T góp vốn. T đồng ý và trong ngày chuyển cho A 200.000.000 đồng, ngày 03/7/2020 tiếp tục chuyển 100.000.000 đồng. Đến ngày 27/7/2020, A chuyển trả T số tiền 49.700.000 đồng. Tổng số tiền T đã chuyển cho A là 700.000.000 đồng, A đã trả lại cho T số tiền 209.700.000 đồng,hiện Hoàng Thị Ngọc A còn chiếm đoạt của Phùng Duy T là số tiền 490.300.000 đồng.
4. Hoàng Minh Đ, sinh năm 1987, trú tại đường Lê Quý Đ, phường T, thành phố L, tỉnh Lạng Sơn Hoàng Minh Đ và Hoàng Thị Ngọc A là bạn học và cũng có quan hệ làm ăn với nhau. Khoảng đầu tháng 7/2020, A nhiều lần nói với Đ là đánh có mối hàng xuất bán sang Trung Quốc nhưng không đủ vốn, rủ góp vốn, lợi nhuận sẽ chia theo tỷ lệ vốn góp, Đ đồng ý. Ngày 09/7/2020, A gọi cho Đ nói đang có chuyến hàng bò húc và bia suất sang Trung Quốc với số lượng lớn, cần Đ góp vốn càng nhiều càng tốt, Đ nói chỉ có 150.000.000 đồng và chuyển cho A.
Vào các ngày 16, 18, 20/7/2020, A đã chuyển trả cho Đ số tiền lần lượt là 40.000.000 đồng, 3.000.000 đồng và 5.000.000 đồng, tổng cộng 48.000.000 đồng. Hiện Hoàng Thị Ngọc A còn chiếm đoạt của Hoàng Minh Đ số tiền 102.000.000 đồng.
5. Nguyễn Khắc T, sinh năm 1986, trú tại thôn N, xã Đ, huyện T, tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Khắc T và Hoàng Thị Ngọc A có mối quan hệ làm ăn buôn bán và vay nợ nhau. Tháng 6/2020, A nói có mối buôn hàng tạp hóa gồm bia, sữa chua, bánh đa nem… từ Việt Nam sang Trung Quốc nhưng thiếu tiền, muốn T cùng góp vốn làm ăn chung, lợi nhuận sẽ chia theo tỷ lệ vốn góp, T đồng ý. Trong các ngày 30/6, 01/7/2020, T đã 02 lần chuyển khoản cho A, mỗi lần số tiền 100.000.000 đồng; ngoài ra trong tháng 7/2020 (không nhớ ngày) T đưa trực tiếp bằng tiền mặt cho A số tiền 150.000.000 đồng, tổng cộng 350.000.000 đồng. Đến nay A chưa trả cho T bất cứ khoản tiền nào.
Tại bản Cáo trạng số 06/CT-VKS-P2 ngày 28-12-2021 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã truy tố bị cáo Hoàng Thị Ngọc A về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự.
Tại phiên tòa, bị cáo Hoàng Thị Ngọc A đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của bản thân và xin Tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Bị cáo và các bị hại Đinh Thị V, Phùng Duy T, Nguyễn Khắc T đã thỏa thuận về việc bồi thường thiệt hại là số tiền bị cáo đã chiếm đoạt chưa trả cho các bị hại. Đồng thời các bị hại này đề nghị Hội đồng xét xử xử phạt bị cáo mức án cao hơn mức hình phạt mà đại diện Viện kiểm sát đề nghị. Các bị hại Vũ Văn P, Hoàng Minh Đ có đơn xin xét xử vắng mặt đề nghị Hội đồng xét xử, giải quyết theo quy định của pháp luật và buộc bị cáo phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Ý kiến của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa: Giữ nguyên nội dung Cáo trạng đã truy tố. Sau khi phân tích tính chất mức độ của hành vi phạm tội và đề cập nhân thân, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo trong vụ án, đại diện Viện kiểm sát đề nghị: Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 174; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 38, Điều 50 Bộ luật Hình sự năm 2015, xử phạt bị cáo Hoàng Thị Ngọc A về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản mức án 14 đến 15 năm tù. Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo Hoàng Thị Ngọc A.
Về bồi thường thiệt hại: Đề nghị công nhận sự thỏa thuận của bị cáo và các bị hại Đinh Thị V, Phùng Duy T, Nguyễn Khắc T về việc bồi thường thiệt hại.
Buộc bị cáo phải bồi thường thiệt hại cho các bị hại Vũ Văn P, Hoàng Minh Đ.
Về xử lý vật chứng: Đề nghị Hội đồng xét xử trả lại số tiền đang tạm giữ của Nguyễn Thị Hồng N và Nguyễn Hoàng P, tổng số tiền là 40.000.000 đồng cho chủ sở hữu là ông Vũ Văn P.
Về án phí: Bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm theo quy định.
Người bào chữa cho bị cáo Hoàng Thị Ngọc A có ý kiến: Nhất trí với tội danh đã truy tố; bị cáo có nhân thân tốt, bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ: Bị cáo đã khai báo thành khẩn; ăn năn hối cải; bị cáo đã đến cơ quan đầu thú; bị cáo có hoàn cảnh éo le; bị cáo là người dân tộc Tày nhận thức pháp luật có phần hạn chế; bị cáo đã dùng tiền của gia đình để chuyển trả cho bị hại khắc phục một phần hậu quả. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo mức án thấp nhất của khung hình phạt.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về tố tụng: Tại phiên tòa xét xử lần thứ 2, các bị hại ông Vũ Văn P, ông Hoàng Minh Đ vắng mặt, đã có đơn xin xét xử vắng mặt. Căn cứ quy định Điều 292 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Tòa án vẫn tiến hành xét xử vụ án vắng mặt một số bị hại theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.
[2] Hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên, người bào chữa trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra, truy tố và tại phiên tòa, người bào chữa và những người tham gia tố tụng không có khiếu nại đối với quyết định, hành vi của người tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng.
[3] Về tội danh: Tại phiên tòa bị cáo Hoàng Thị Ngọc A đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của bản thân, lời khai nhận tội của bị cáo phù hợp với lời khai của các bị hại và các tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án. Vì vậy, có đủ cơ sở để kết luận: Trong khoảng thời gian từ tháng 4/2020 đến tháng 7/2020, do làm ăn thua lỗ, nợ tiền nhiều người và thường xuyên đánh bạc trên mạng Internet, Hoàng Thị Ngọc A đã lợi dụng mối quan hệ bạn bè, người quen đã từng làm ăn với nhau để đặt vấn đề với 05 bị hại là Vũ Văn P, Phùng Duy T, Đinh Thị V, Hoàng Minh Đ và Nguyễn Khắc T góp vốn buôn bán chung, lợi nhuận thu được sẽ chia theo tỷ lệ vốn góp. Bằng phương thức, thủ đoạn góp vốn kinh doanh, bị cáo đã nhiều lần nhận tiền, chuyển lại tiền cho các bị hại và thông báo rằng đó là số tiền lợi nhuận của việc góp vốn kinh doanh nhằm mục đích tạo lòng tin để các bị hại liên tiếp chuyển tiền cho bị cáo để bị cáo chiếm đoạt. Tổng số tiền của các bị hại chuyển cho bị cáo là 6.484.300.000 đồng và bị cáo đã chuyển lại tổng cộng 2.358.520.000 đồng. Đối với số tiền còn lại, bị cáo Hoàng Thị Ngọc A không sử dụng vào việc kinh doanh buôn bán như đã thỏa thuận, mà sử dụng vào việc đánh bạc, trả nợ và chi tiêu cá nhân. Do đó, cần xác định số tiền bị cáo Hoàng Thị Ngọc A chiếm đoạt của các bị hại tổng số tiền 4.125.780.000 đồng, trong đó:
[3.1] Chiếm đoạt của bị hại Vũ Văn P là 3.037.680.000 đồng; [3.2] Chiếm đoạt của bị hại Đinh Thị V 145.800.000 đồng; [3.3] Chiếm đoạt của bị hại Phùng Duy T 490.300.000 đồng; [3.4] Chiếm đoạt của bị hại Hoàng Minh Đ 102.000.000 đồng;
[3.5] Chiếm đoạt của bị hại Nguyễn Khắc T 350.000.000 đồng.
[3.6] Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn truy tố bị cáo Hoàng Thị Ngọc A về tội Lừa đảo chiếm đoạt Tài sản theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không oan.
[4] Hành vi phạm tội của bị cáo Hoàng Thị Ngọc A là nguy hiểm cho xã hội và thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng. Hành vi của bị cáo đã trực tiếp xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác được pháp luật bảo vệ; ảnh hưởng xấu đến trật tự trị an xã hội; gây hoang mang, lo lắng trong dư luận quần chúng nhân dân. Bị cáo là người có thể chất phát triển bình thường, có đầy đủ năng lực hành vi, đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, bị cáo nhận thức được hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác là vi phạm pháp luật, nhưng vẫn cố ý thực hiện tội phạm.
[5] Về nhân thân: Bị cáo Hoàng Thị Ngọc A là người có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự.
[6] Về tình tiết tăng nặng: Bị cáo phạm tội trên 02 lần nên bị cáo phải chịu tình tiết tăng nặng quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015.
[7] Về tình tiết giảm nhẹ: Bị cáo thành khẩn khai báo, tại phiên tòa đã tỏ ra ăn năn hối cải về lỗi lầm của bản thân; ngày 12-8-2020 bị cáo đã đến cơ quan Công an đầu thú về hành vi phạm tội của bản thân. Đây là các tình tiết giảm nhẹ được quy định tại điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015.
[8] Hội đồng xét xử thấy cần xử bị cáo mức án tù có thời hạn để cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội trong một thời gian nhất định, tương xứng với hành vi phạm tội mà bị cáo đã gây ra, nhằm giáo dục, cải tạo bị cáo, đảm bảo công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm.
[9] Về hình phạt bổ sung: Xét thấy, bị cáo không có tài sản riêng; số tiền bị cáo chiếm đoạt được đã tiêu sài hết, chưa có khả năng hoàn trả lại cho các bị hại nên không áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền đối với bị cáo.
[10] Về xử lý vật chứng: Trong các ngày 16/4, 20/4/2020, Hoàng Thị Ngọc A có chuyển số tiền 20.000.000 đồng vào số tài khoản 104871039129 của Nguyễn Thị Hồng N, sinh năm 1993, trú tại Ấp V, Thị trấn V, huyện V, thành phố Cần Thơ mở tại Ngân hàng Vietinbanh Chi nhánh Bình Dương và 20.000.000 đồng vào số tài khoản 75010000514058 của Nguyễn Hoàng P, sinh năm 1981, trú tại Ấp V, thị trấn V, huyện V, thành phố Cần Thơ mở tại Ngân hàng BIDV Chi nhánh Cần Thơ. Hiện nay Nguyễn Thị Hồng N, Nguyễn Hoàng P đã nộp lại 40.000.000 đồng trên cho Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã ra Quyết định chuyển vật chứng đến Cục T tỉnh Lạng Sơn. Qua kết quả tranh tụng tại phiên tòa và đối chứng với các mã giao dịch chuyển tiền, thấy rằng số tiền trên là một phần trong tổng số tiền 270.000.000 đồng mà bị hại Vũ Văn P chuyển cho bị cáo Hoàng Thị Ngọc A vào các ngày 16, 20/4/2020. Do đó, theo khoản 2 Điều 47 Bộ luật Hình sự và điểm b khoản 3 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 trả lại số tiền 40.000.000 đồng cho bị hại Vũ Văn P.
[11] Về phần bồi thường thiệt hại: Tại phiên tòa, bị cáo và các bị hại có mặt tại tòa, thống nhất thỏa thuận về việc bồi thường toàn bộ thiệt hại. Thỏa thuận này không trái pháp luật, không trái đạo đức xã hội, không ảnh hưởng đến quyền lợi của người thứ ba nên cần chấp nhận. Cụ thể: Bị cáo phải bồi thường cho các bị hại gồm: Bị hại Đinh Thị V 145.800.000 đồng; bị hại Phùng Duy T 490.300.000 đồng; bị hại Nguyễn Khắc T 350.000.000 đồng.
[12] Các bị hại Hoàng Minh Đ, Vũ Văn P vắng mặt nhưng đã có đơn xin xét xử vắng mặt và yêu cầu bị cáo phải bồi thường theo quy định của pháp luật, nên cần xử buộc bị cáo phải bồi thường cho các bị hại số tiền mà bị cáo đã chiếm đoạt chưa trả cho bị hại, cụ thể: Buộc bị cáo phải bồi thường cho bị hại Vũ Văn P sau khi khấu trừ số tiền 40.000.000 đồng đã trả lại tại phần xử lý vật chứng nêu trên, bị cáo Hoàng Thị Ngọc A phải tiếp tục bồi thường cho bị hại Vũ Văn P là 2.997.680.000 đồng và bồi thường cho bị hại Hoàng Minh Đ 102.000.000 đồng;
[13] Về án phí hình sự sơ thẩm: Do bị kết án nên bị cáo phải nộp 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm sung ngân sách Nhà nước.
[14] Về án phí dân sự sơ thẩm: Bị cáo Hoàng Thị Ngọc A có nghĩa vụ bồi thường cho các bị hại tổng số tiền là 4.085.780.000 đồng. Do đó, bị cáo phải chịu án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch là 112.085.780 đồng theo quy định tại khoản 3 Điều 21, khoản 2 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
[15] Tại Cơ quan điều tra, Hoàng Thị Ngọc A khai nhận đã sử dụng điện thoại di động được cài đặt phần mềm đánh bạc trên mạng internet, nhưng trước khi bị khởi tố, Hoàng Thị Ngọc A đã vứt chiếc điện thoại di động này đi. Sau khi nhận được tiền các bị hại chuyển đến, bị cáo Hoàng Thị Ngọc A đã chuyển vào các tài khoản ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau để đánh bạc trên mạng Internet với số tiền 4.580.000.000 đồng, trả nợ cá nhân 1.500.755.000 đồng, còn lại 403.545.000 đồng A sử dụng hết vào mục đích cá nhân.
[16] Cơ quan điều tra tiến hành tra cứu thông tin chủ các tài khoản ngân hàng mà A đã chuyển tiền đến và gửi ủy thác điều tra đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an các tỉnh Tây Ninh; tỉnh Đồng Tháp; huyện Củ Chi, Quận 6, Quận 8, Quận 11, quận Tân P, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh; thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng; huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa; huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa; tỉnh Đắk Lắk; tỉnh Bình Phước; tỉnh An Giang; huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An; huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình; huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông; huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai; huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang; huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang; huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước; thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau; huyện Vĩnh Thạnh, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ; tỉnh Khánh Hòa; thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long; huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang; huyện Thủy Nguyên, huyện Kiến An, thành phố Hải Phòng. Kết quả điều tra xác định một số chủ tài khoản không có mặt tại nơi cư trú, một số đã chuyển đi nơi khác sinh sống, tại địa phương không có người có tên họ và địa chỉ như người đứng tên chủ tài khoản, một số chủ tài khoản sử dụng thông tin cá nhân để đăng ký tài khoản trên mạng xã hội Facebook nhưng chưa nhận được tài khoản nên không biết tài khoản ai sử dụng, một số cho người khác thông tin cá nhân để mở tài khoản và được trả tiền công nhưng không biết tài khoản được mở với mục đích gì, một số người khai không được mở tài khoản và không biết tại sao thông tin cá nhân của mình lại đăng ký tài khoản tại ngân hàng hoặc một số người khai bị mất thẻ tài khoản. Vì vậy, Cơ quan điều tra không có cơ sở để thu hồi tài sản và xử lý các chủ tài khoản này về hành vi đánh bạc.
[17] Quá trình đánh bạc trên mạng Internet, từ tháng 4/2020 đến tháng 7/2020, bị cáo Hoàng Thị Ngọc A đã sử dụng Tài khoản ngân hàng của mình thực hiện 58 giao dịch chuyển tiền đến các số Tài khoản ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau với tổng số tiền 4.579.700.000 đồng, nhưng A không nhớ số Tài khoản đã nhận tiền đánh bạc, không biết nhân thân, lai lịch của những chủ Tài khoản này, không nhớ tên phần mềm đánh bạc, kết quả điều tra không chứng minh được hành vi đánh bạc của những đối tượng đã nhận tiền của A. Vì vậy, Cơ quan điều tra không có căn cứ để xử lý hình sự đối với Hoàng Thị Ngọc A về hành vi đánh bạc.
[18] Đối với Nguyễn Thị Hồng N, Nguyễn Hoàng P đã nộp lại số tiền mà bị cáo Hoàng Thị Ngọc A chuyển vào tài khoản, tại cơ quan điều tra Nguyễn Thị Hồng N, Nguyễn Hoàng P trình bày có được mở tài khoản để sử dụng mục đích kinh doanh, không cho ai thuê, mượn, không quen biết A. Về phía bị cáo Hoàng Thị Ngọc A khai nhận bản thân cũng không quen biết với Nguyễn Thị Hồng N và Nguyễn Hoàng P, việc chuyển tiền để đánh bạc vẫn thường xuyên bị nhầm tài khoản. Do vậy, Cơ quan điều tra không có đủ căn cứ để xử lý hình sự đối với Nguyễn Thị Hồng N, Nguyễn Hoàng P về hành vi đánh bạc.
[19] Đối với Nguyễn Khắc T, Vũ Hồng N được Hoàng Thị Ngọc A nhờ tài khoản nhận số tiền 100.000.000 đồng và 385.000.000 đồng do Đinh Thị V chuyển đến, số tiền này sau đó đã được T, N chuyển lại cho A. T, N không biết, cũng không được A nói cho biết việc A nhờ Tài khoản nhận tiền để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của Đinh Thị V.
[20] Đối với những người được Hoàng Thị Ngọc A sử dụng số tiền chiếm đoạt của các bị hại để trả nợ, họ đều trình bày do không biết số tiền đó là do A phạm tội mà có và đã sử dụng hết, nên Cơ quan điều tra không có cơ sở để thu hồi.
[21] Ý kiến của đại diện Viện kiểm sát, ý kiến của người bào chữa; ý kiến nào phù hợp với nhận định trên thì được chấp nhận; ý kiến nào không phù hợp với nhận định nêu trên nên không được chấp nhận.
[22] Bị cáo, bị hại có quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ điểm a khoản 4 Điều 174; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 38; Điều 50 của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Căn cứ Điều 13; Điều 584; Điều 585; khoản 1 Điều 586; Điều 589; Điều 357, Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015; khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Căn cứ khoản 2 Điều 47 Bộ luật Hình sự và điểm b khoản 3 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015;
Căn cứ khoản 2 Điều 136 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, điểm a, c và f khoản 1 Điều 23, khoản 2 Điều 21, khoản 2 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy bán Thường vụ Quốc hội.
1. Về tội danh: Tuyên bố bị cáo Hoàng Thị Ngọc A phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản;
2. Về hình phạt: Xử phạt bị cáo Hoàng Thị Ngọc A 15 (mười lăm năm) năm tù. Thời hạn tù tính ngày bị cáo bị bắt ngày 12-8-2020.
Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo.
3. Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại: Công nhận sự thoả thuận giữa bị cáo và các bị hại, cụ thể như sau: Bị cáo Hoàng Thị Ngọc A phải bồi thường cho các bị hại bánho gồm: Bà Đinh Thị V 145.800.000 đồng (một trăm bốn mươi năm triệu tám trăm nghìn đồng); ông Phùng Duy T 490.300.000 đồng (bốn trăm chín mươi triệu bánh trăm nghìn đồng); ông Nguyễn Khắc T 350.000.000 đồng (bánh trăm năm mươi triệu đồng).
Buộc bị cáo Hoàng Thị Ngọc A phải bồi thường cho các bị hại bao gồm: Ông Vũ Văn P 2.997.680.000 đồng (hai tỷ chín trăm chín mươi bảy triệu sáu trăm tám mươi nghìn đồng); ông Hoàng Minh Đ 102.000.000 đồng (một trăm linh hai triệu đồng).
Kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật, bên được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành, nếu bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo mức lãi suất quy định tại Điều 357 của Bộ luật Dân sự năm 2015 tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán.
4. Xử lý vật chứng: Trả lại cho bị hại ông Vũ Văn P 40.000.000 đồng hiện đánh lưu giữ tại Cục Thi hành án dân sự tỉnh Lạng Sơn theo giấy Ủy nhiệm chi lập ngày 22-12-2021, Ký hiệu C4-02a/NS.
5. Về án phí: Bị cáo Hoàng Thị Ngọc A phải chịu 200.000 đồng (hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự sơ thẩm và 112.085.780 đồng (một trăm mười hai triệu không trăm tám mươi năm nghìn bảy trăm tám mươi đồng) án phí dân sự sơ thẩm để sung ngân sách Nhà nước.
Bị cáo, các bị hại có mặt có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án; các bị hại vắng mặt có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc ngày bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật.
Trường hợp Bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7 và 9 Luật Thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự./.
Bản án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản số 22/2022/HS-ST
Số hiệu: | 22/2022/HS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Lạng Sơn |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 02/04/2022 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về