Bản án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản số 19/2023/HS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG

BẢN ÁN 19/2023/HS-PT NGÀY 21/02/2023 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Ngày 21 tháng 02 năm 2023 tại điểm cầu trung tâm: trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng và điểm cầu thành phần: trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi. Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm trực tuyến công khai vụ án hình sự thụ lý số 462/2022/TLPT-HS ngày 17 tháng 02 năm 2022 đối với bị cáo Nguyễn Thị C về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.Do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 36/2022/HS-ST ngày 31 tháng 8 năm 2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 646/2023/QĐXXPT-HS ngày 02 tháng 02 năm 2023.

- Bị cáo kháng cáo:

Họ và tên: Nguyễn Thị C, sinh năm 1987 tại tỉnh Quảng Ngãi; nơi cư trú: tỉnh Quảng Ngãi; nghề nghiệp: nhân viên Công ty cổ phần Phát triển và Đầu tư X; trình độ văn hóa: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: nữ; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn Thanh L và con bà Đỗ Thị D; có chồng tên là Đoàn Nhật B và có 02 con, con lớn sinh năm 2015, con nhỏ sinh năm 2018; tiền án, tiền sự: không; bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, có mặt tại phiên tòa;

- Người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị C: Luật sư Huỳnh Ngọc A, Văn phòng Luật sư Q, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Ngãi; địa chỉ: tỉnh Quảng Ngãi, có mặt tại phiên toà.

(ngoài ra, vụ án còn có các bị cáo Trần Việt T, Nguyễn Hồng G, Vũ Thị Lệ U, Đinh Lê Anh N nhưng các bị cáo không kháng cáo, không bị kháng cáo, không bị kháng nghị).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo bản án sơ thẩm và các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, nội dung được tóm tắt như sau:

1. Tu cách pháp nhân, năng lực tài chính của Công ty cổ phần Phát triển và Đầu tư X:

Ngày 13/8/2010 Trần Việt T đứng ra thành lập và làm Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư tài chính X, ngành nghề đăng ký kinh doanh: môi giới bất động sản, chứng khoán. Trần Việt T thuê nhà của người khác làm trụ sở giao dịch của Công ty tại số 84 L, thành phố Q. Sau thời gian (hơn 08 tháng) hoạt động kinh doanh, Công ty của T bị thua lỗ hơn 01 tỷ đồng. Ngày 27/5/2011 Trần Việt T đăng ký đổi tên Công ty TNHH MTV Đầu tư tài chính X thành Công ty cổ phần Đầu tư tài chính X (thay đổi lần 1) và chuyển địa điểm kinh doanh từ 84 L, thành phố Q đến địa chỉ số 102 L, thành phố Q (nhà thuê); bổ sung ngành nghề đăng ký kinh doanh: đại lý, môi giới, đấu giá, môi giới hợp đồng hàng hóa, môi giới thương mại, đại lý nhận lệnh chứng khoán, hoạt động tư vấn quản lý, tư vấn đầu tư.

Khi thành lập Công ty cổ phần Đầu tư tài chính X, Trần Việt T chỉ có số vốn khoảng hơn 500.000.000 đồng là kinh phí để T đầu tư thuê nhà, trang trí trụ sở kinh doanh, mua sắm trang thiết bị văn phòng. Tuy nhiên, khi lập hồ sơ đăng ký thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư tài chính X tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ngãi, Trần Việt T đã kê khai vốn điều lệ của Công ty là 15.000.000.000 đồng (mười lăm tỷ đồng) và chỉ một mình Trần Việt T đứng ra thành lập Công ty. Theo pháp luật quy định điều kiện thành lập Công ty cổ phần tối thiểu phải 03 cổ đông trở lên mới được thành lập, vì vậy Trần Việt T đã nhờ 03 người khác (Đoàn Ngọc H, Trần Thị M , Bạch Thị Tuyết S) đứng tên là thành viên góp vốn, thực chất những người này chỉ làm công ăn lương cho Công ty của T chứ không góp vốn sáng lập Công ty. Bằng cách hợp thức hóa hồ sơ năng lực Công ty như trên, T đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ngãi cấp Giấy chứng nhận kinh doanh với vốn điều lệ là 15.000.000.000 đồng.

Sau đó Công ty đã đăng ký thay đổi lần 3, 4, 5 bổ sung ngành nghề kinh doanh: môi giới bất động sản, đại lý ký gửi hàng hóa, tài sản và các giấy tờ có giá trị khác, định giá bất động sản.

Ngày 17/01/2014 đăng ký thay đổi lần thứ 6, đổi tên thành Công ty cổ phần Phát triển và Đầu tư X (sau đây gọi tắt là Công ty X); ngành nghề đăng ký kinh doanh không thay đổi.

Đăng ký thay đổi lần 7, 8, 9 thay đổi ngành nghề kinh doanh của Công ty X gồm: đại lý, môi giới, đấu giá, môi giới hợp đồng hàng hóa, môi giới thương mại, đại lý ký gửi hàng hóa, tài sản và các giấy tờ có giá trị khác, hoạt động tư vấn quản lý, tư vấn đầu tư, cho thuê máy móc, thiết bị và đồ dùng hữu hình, cho thuê xe có động cơ, vận tải hàng hóa bằng đường bộ, vận tải hành khách đường bộ khác, san lấp mặt bằng, phá dỡ.

2. Hành vi phạm tội của Trần Việt T và đồng phạm:

Kể từ khi thành lập, qua 09 lần đăng ký, thay đổi tên Công ty và bổ sung, thay đổi ngành nghề đăng ký kinh doanh, Công ty X do Trần Việt T làm Giám đốc (người đại diện theo pháp luật) đều không được cấp phép hoạt động kinh doanh tín dụng (huy động tiền gửi và cho vay). Nhưng thực tế, từ năm 2012 Trần Việt T đã tổ chức hoạt động huy động tiền gửi và cho vay lại bằng cách: Trần Việt T dùng pháp nhân Công ty phát hành "Giấy chứng nhận vốn góp, sau đó đổi thành Giấy chứng nhận hỗ trợ đầu tư kinh doanh" nội dung ghi trong giấy này giống như sổ tiết kiệm (nội dung ghi rõ thông tin về Công ty X, vốn điều lệ, thông tin khách hàng, số tiền gửi, phát sinh (lãi suất), thời gian (kỳ hạn)...). Trần Việt T chỉ đạo nhân viên Công ty gồm Trần Thị M , Nguyễn Hồng G, Nguyễn Thị C, Đinh Lê Anh N, Vũ Thị Lệ U, Nguyễn Thị Minh P, Nguyễn Thị T, Lê Thị Ngọc D, Lê Thị Lệ H, Bạch Thị Tuyết S, Phan Thị Viên thực hiện huy động vốn trong dân, chịu trả lãi suất cao hơn lãi suất Ngân hàng. Trần Việt T cùng Trần Thị M (M được T bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Công ty X), theo sự chỉ đạo của Trần Việt T, M cùng T hướng dẫn cho các nhân viên cách tiếp xúc tư vấn giới thiệu với người dân (bắt đầu là những người thân thuộc, bà con hàng xóm, từ đó tác động sang những người khác) về mô hình hoạt động kinh doanh của Công ty như: Công ty có vốn điều lệ 15 tỷ đồng, có chức năng huy động vốn và cho vay, đang làm ăn hiệu quả, mở rộng kinh doanh đa ngành nghề. Ngoài việc chỉ đạo nhân viên trực tiếp tiếp xúc tư vấn cho người dân, Trần Việt T còn tổ chức H nghị tiếp xúc khách hàng để quảng bá về Công ty. Từ đó làm cho người dân càng thêm tin tưởng, càng thu hút nhiều người gửi tiền vào Công ty X. Với phương thức thủ đoạn này, Trần Việt T đã chỉ đạo các nhân viên huy động được nhiều người dân gửi tiền vào Công ty X của T để được hưởng lãi suất cao hơn lãi suất Ngân hàng. Sau khi huy động được tiền gửi của nhiều người, T không sử dụng đầu tư kinh doanh mà chủ yếu dùng để chi phí hoạt động Công ty như: chi tiền thuê nhà, điện, nước, văn phòng phẩm; chi lương, thưởng, tiền hoa hồng cho nhân viên; chi trả nợ Ngân hàng, chi lãi cho khách hàng, chi cho Trần Việt T sử dụng cá nhân; phần còn lại T sử dụng cho tiểu thương vay lại, đối tượng vay tiền của T gồm: Tiểu thương ở các Chợ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, T cho vay và cộng chia đều thu lãi + gốc theo ngày; cán bộ, công chức, viên chức trả lãi theo tháng và gốc trả vào cuối kỳ; đối tượng vay mua hàng trả góp (xe đạp điện, xe máy, điện máy...) chia đều cả gốc và lãi thu theo tháng cho đến khi tất toán món vay, lãi suất T cho vay từ 2,0%/tháng đến 2,5%/tháng (tức 24%/năm đến 30%/năm). Hoạt động huy động vốn và cho vay tại Công ty X bắt đầu từ năm 2012; hoạt động này (huy động vốn và cho vay lấy lãi) tại Công ty X là không được cấp phép nên không được cập nhật vào sổ sách kế toán của Công ty để theo dõi hạch toán, báo cáo tài chính với cơ quan thuế theo quy định. Do phần lớn số vốn huy động được T không đầu tư sử dụng vào mục đích sản xuất kinh doanh để sinh lợi, mà chủ yếu sử dụng chi phí vào các hoạt động nhu: chi trả tiền thuê nhà, điện, nước, văn phòng phẩm; chi lương, thưởng, tiền hoa hồng cho nhân viên; chi trả nợ Ngân hàng, chi lãi cho khách hàng, chi sử dụng cho cá nhân của Trần Việt T nên dẫn đến Công ty ngày càng bị thua lỗ, mất khả năng thanh toán lại tiền gốc, lãi cho người gửi ngày càng lớn.

Đến đầu năm 2017 hầu hết các hoạt động kinh doanh của Công ty đã dừng (chỉ còn hoạt động cho thuê xe du lịch, nhưng doanh thu không nhiều). Nhiều khách hàng đến Công ty rút tiền, trong khi nguồn vốn Công ty huy động ngày càng ít; tình trạng nợ lương và tiền hoa hồng của nhân viên ngày càng tăng nhưng T vẫn tiếp tục che giấu việc vỡ nợ với khách hàng gửi tiền. T tổ chức họp nhân viên Công ty và thông báo (bằng miệng, không ghi biên bản) cho các nhân viên biết việc Công ty đang gặp khó khăn tài chính (số tiền nợ mất khả năng thanh toán đã quá lớn) và chỉ đạo bằng lời nói với nhân viên "cố gắng thuyết phục, nói chuyện với khách hàng để gia hạn lại Hợp đồng gửi tiền tại Công ty và cố gắng huy động tiền về Công ty"; "Bằng mọi cách phải huy động được tiền để trả cho khách hàng trước nên mọi người tiếp tục giữ khách hàng bằng cách gia hạn lại tiền gửi tăng lãi suất huy động lên từ 2,5%/tháng lên 3,0%/tháng để thu hút người gửi, đồng thời tiếp tục nói dối với người dân về mô hình hoạt động kinh doanh của Công ty, Công ty vẫn đang hoạt động bình thường; trường hợp số tiền huy động không đủ thì nhân viên tự chi tiền cá nhân để trả cho khách hàng hoặc vay mượn ở ngoài để có nguồn thanh toán cho khách hàng". Kể từ thời điểm này, các nhân viên Công ty X đã biết rõ Công ty đang trong tình trạng mất khả năng thanh toán nhưng vẫn thực hiện theo sự chỉ đạo của Trần Việt T tiếp tục huy động vốn.

Từ đầu năm 2017 đến tháng 4/2018 các nhân viên (Nguyễn Hồng G, Nguyễn Thị C, Đinh Lê Anh N, Vũ Thị Lệ U, Nguyễn Thị Minh P) theo chỉ đạo của T đưa ra thông tin gian dối (tư vấn không đúng sự thật) để huy động tiền của người dân giúp sức cho T chiếm đoạt của 72 người với số tiền là 9.664.197.000 đồng, trong đó: Nguyễn Hồng G đã huy động, nhận tiền của 29 lượt người gửi vào Công ty X với số tiền 4.440.812.000 đồng; Nguyễn Thị C đã huy động, nhận tiền của 30 lượt người gửi tiền vào Công ty X với số tiền 3.701.585.000 đồng (trong đó gốc: 3.549.845.000 đồng, lãi nhập gốc: 151.740.000 đồng); Đinh Lê Anh N đã huy động, nhận tiền của 06 lượt người gửi vào Công ty X với số tiền 391.800.000 đồng; Vũ Thị Lệ U đã huy động, nhận tiền của 06 lượt người gửi vào Công ty X với số tiền 1.100.000.000 đồng (trong đó: tiền gốc 1.077.160.000 đồng, lãi nhập gốc: 22.840.000 đồng); Nguyễn Thị Minh P đã huy động, nhận tiền của 01 người gửi vào Công ty X với số tiền 30.000. 000 đồng. Ngoài ra có 02 trường hợp (Phạm Thị o, Nguyễn Thị S) đến Công ty X gửi số tiền 651.565.000 đồng.

Thời điểm này T thấy số tiền huy động từ khách hàng không đủ để chi trả tiền gốc và tiền lãi cho khách hàng, nên ngoài việc chỉ đạo các nhân viên huy động được số tiền nêu trên thì T còn chỉ đạo, hướng dẫn Nguyễn Hồng G đưa ra những thông tin giả mạo với nhiều người khác để vay ngoài nhu: "Em có mối làm đáo hạn Ngân hàng có lãi cao, trả lãi ngày, chị có tiền nhàn rỗi trong thời gian ngắn đưa em mượn để em làm đáo hạn và sẽ trả lãi cao cho chị" hoặc "Em mua nhà chung với người ta bán lại có lời, chị có tiền cho em mượn để em góp mua nhà, khi bán lại có lời thì chia tiền lời cao cho chị" để người gửi tin là thật cho G vay tiền (ngoài danh nghĩa Công ty). Sau khi vay được số tiền 6.490.500.000 đồng G cũng giao toàn bộ lại cho T sử dụng. Cá nhân T dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt của Nguyễn Thị S số tiền 634.000.000 đồng để trả tiền gốc, lãi cho khách hàng.

Ngoài ra có một số khách hàng gửi tiền vào công ty X trước năm 2017, nhưng đến năm 2017, 2018 đến hạn họ đến Công ty rút tiền thì Nguyễn Hồng G, Nguyễn Thị C và Vũ Thị Lê u đã không tư vấn đúng sự thật về tình hình Công ty thời điểm này mà tư vấn: “Công ty làm ăn ổn định, Công ty đang kinh doanh dịch vụ bảo vệ, cho thuê xe ô tô, nếu gia hạn lại Công ty sẽ tăng lãi suất... ” để họ tin tưởng không rút tiền mà tiếp tục gia hạn để cho T chiếm đoạt với số tiền: 3.710.450.000 đồng. Cụ thể: Nguyễn Hồng G tư vấn cho 03 trường hợp gia hạn với số tiền: 1.131.000.000 đồng; Nguyễn Thị C tư vấn cho 08 trường hợp gia hạn với số tiền: 1.379.450.000 đồng; Vũ Thị Lệ U tư vấn cho 02 trường hợp gia hạn với số tiền: 1.200.000.000 đồng.

Như vậy, từ năm 2017 đến tháng 4/2018 tổng số tiền Trần Việt T đã chiếm đoạt của các bị hại là: 21.150.712.000 đồng (9.664.197.000 đồng + 6.490.500.000 đồng + 3.710.450.000 đồng + 651.656.000 đồng + 634.000.000 đồng).

Quá trình điều tra các bị hại đều khẳng định rằng họ hoàn toàn tin tưởng vào sự tư vấn thuyết phục của các nhân viên Công ty X (Nguyễn Hồng G, Nguyễn Thị C, Đinh Lê Anh N, Vũ Thị Lệ U, Nguyễn Thị Minh P) là thật (tức là tin Công ty X có quy mô lớn, có uy tín, kinh doanh nhiều loại hình có lợi nhuận cao...) nên họ giao tiền cho các nhân viên này để gửi tiết kiệm vào Công ty hưởng lãi suất cao hơn lãi suất Ngân hàng và đảm bảo được tiền gốc; bản thân họ không hề được tư vấn tham gia đầu tư góp vốn để hưởng lợi từ hoạt động kinh doanh của Công ty X, mà họ chỉ nhận thức đơn thuần là họ gửi tiền tiết kiệm lấy lãi. Sau khi giao tiền cho các nhân viên thì sau đó họ được các nhân viên giao cho "Giấy chứng nhận hỗ trợ đầu tư kinh doanh", “Hợp đồng hợp tác kinh doanh” “Giấy chứng nhận vốn góp” và "Phiếu thu" để chứng thực số tiền họ đã gửi và tỷ lệ tiền lãi họ được hưởng (thay sổ tiết kiệm), họ hoàn toàn không biết Công ty sử dụng số tiền họ đã gửi vào mục đích gì, họ chỉ biết đến hạn ghi trong Giấy chứng nhận thì họ đến nhận lãi và gốc như các nhân viên Công ty đã hứa, đến khi Công ty không trả tiền cho họ thì họ mới biết mình đã bị lừa.

Ngoài ra, quá trình điều tra Cơ quan điều tra còn xác định khoản tiền 20.676.061.000 đồng huy động của bị hại từ năm 2012 đến năm 2016 (trong đó: có 09 trường hợp gửi vào Công ty X từ năm 2016 với số tiền 4.542.371.000 đồng kỳ hạn gửi là 24 tháng, đến tháng 5/2018 mới đến kỳ hạn nên họ chưa gia hạn lại tiền gửi). Tại Cơ quan điều tra, Trần Việt T khai: Công ty X không phải là tổ chức tín dụng hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng nên không được phép thực hiện huy động tiền gửi. Lợi dụng vào sự thiếu hiểu biết về hoạt động Ngân hàng của một số người dân, T đã dùng pháp nhân Công ty tổ chức hoạt động huy động vốn và cho vay. T chỉ đạo và hướng dẫn nhân viên Công ty cách thức tiếp xúc với người dân đưa ra những thông tin quảng bá về mô hình kinh doanh của Công ty: Công ty hoạt động theo mô hình giống như Ngân hàng thu nhỏ, có chức năng huy động vốn và cho vay với lãi suất cao hơn Ngân hàng, thu được lợi nhuận cao, nếu người dân gửi tiền vào Công ty thì sẽ được Công ty trả lãi suất cao hơn lãi suất gửi tiết kiệm Ngân hàng, đến hạn Công ty sẽ trả đủ nợ gốc lãi tùy theo thời điểm T thỏa thuận trả lãi từ 1,1%/tháng đến 2,5%/tháng (tức 13,2%/năm đến 30%/năm); lãi suất cho vay từ 2,0%/tháng đến 2,5%/tháng (tức 24%/năm đến 30%/năm) để khách hàng tin tưởng gửi tiền vào Công ty (trong đó có khoản tiền 20.676.061.000 đồng của bị hại). Thực tế số tiền này T có sử dụng vào việc kinh doanh của Công ty như mua xe ô tô làm dịch vụ đưa đón, cho tiểu thương ở chợ vay lại, cho vay trả góp, chi đầu tư quán cà phê ken, chi cho hoạt động của Công ty vệ sĩ T Tiến; còn lại sử dụng chi trả tiền gốc, lãi cho khách hàng đến hạn, chi lương, tiền hoa hồng cho nhân viên, chi trả nợ Ngân hàng... Hơn nữa, vì hàng năm T không tổ chức tổng kết tình hình kinh doanh của Công ty để xác định Công ty làm ăn lời lỗ thế nào, nên thời điểm này T chưa biết Công ty mất khả năng thanh toán. Do đó xác định Trần Việt T chưa có ý thức chiếm đoạt số tiền 20.676.061.000 đồng này, nên không xem xét trách nhiệm hình sự đối với Trần Việt T về số tiền trên. Tuy nhiên Trần Việt T phải có nghĩa vụ hoàn trả lại khoản tiền này cho người gửi.

Với nội dung nêu trên, tại Bản án hình sự sơ thẩm số 36/2022/HS-ST ngày 31 tháng 8 năm 2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã quyết định:

Tuyên bố bị cáo Nguyễn Thị C phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 174; điểm b, s, n khoản 1 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; khoản 2 Điều 54; Điều 17; Điều 58 và Điều 38 của Bộ luật Hình sự. Xử phạt bị cáo Nguyễn Thị C 03 (ba) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù được tính từ ngày bắt bị cáo đi thi hành án.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn xử phạt đối với các bị cáo Trần Việt T, Nguyễn Hồng G, Vũ Thị Lệ U, Đinh Lê Anh N. Quyết định về phần trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 09 tháng 9 năm 2022 bị cáo Nguyễn Thị C kháng cáo bản án sơ thẩm xin hưởng án treo.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Bị cáo Nguyễn Thị C trình bày giữ nguyên kháng cáo.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng phát biểu:

Về tố tụng: Ngày 09 tháng 9 năm 2022 bị cáo Nguyễn Thị C kháng cáo bản án sơ thẩm là trong thời hạn luật định.

Về nội dung: Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Thị C về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm a khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng tội. Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo và xử phạt 03 (ba) năm tù là thoả đáng, không nặng. Tại phiên toà phúc thẩm hôm nay bị cáo có tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mới theo khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự, tuy nhiên bị cáo không đủ điều kiện để hưởng án treo. Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Luật sư bào chữa cho bị cáo tranh tụng: Thống nhất về tội danh và khung hình phạt của bản án sơ thẩm. Tuy nhiên mức hình phạt 03 năm tù đối với bị cáo là có phần nghiêm khắc. Tòa án cấp sơ thẩm chưa áp dụng tình tiết giảm nhẹ gia đình có công với cách mạng; bị cáo phạm tội lần đầu, có vai trò thứ yếu cần áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm i khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự. Hoàn cảnh gia đình bị cáo vô cùng khó khăn. Đề nghị HĐXX chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, cho bị cáo được hưởng án treo để có điều kiện chăm sóc con nhỏ.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng tranh tụng: phạm tội lần đầu áp dụng đối với trường hợp tội phạm ít nghiêm trọng. Bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nên không áp dụng.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1]. Về tố tụng:

Ngày 09 tháng 9 năm 2022 bị cáo Nguyễn Thị C kháng cáo Bản án hình sự sơ thẩm số 36/2022/HS-ST ngày 31 tháng 8 năm 2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi xin hưởng án treo. Như vậy kháng cáo của bị cáo là trong thời hạn luật định, Hội đồng xét xử quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm là đúng quy định của pháp luật.

[2]. Xét kháng cáo của bị cáo:

[2.1]. Về hành vi phạm tội:

Quá trình tố tụng tại cấp sơ thẩm và tại phiên toà xét xử phúc thẩm hôm nay, bị cáo Nguyễn Thị C đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Lời khai nhận tội của bị cáo là phù hợp với lời khai của các bị cáo khác trong vụ án nhưng không kháng cáo, không bị kháng nghị; phù hợp với lời khai của bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và các tài liệu, chứng cứ khác có tại hồ sơ vụ án. Hội đồng xét xử có đủ cơ sở kết luận:

Công ty Cổ phần Phát triển và Đầu tư X (Công ty X) được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ngãi cấp Giấy chứng nhận kinh doanh với vốn điều lệ 15 tỷ đồng, có địa chỉ tại số 102 L, thành phố Q, tỉnh Quảng Ngãi do Trần Việt T làm Giám đốc. Sau nhiều lần đăng ký thay đổi ngành nghề kinh doanh. Nay ngành nghề đăng ký kinh doanh Công ty X là: đại lý, môi giới, đấu giá, môi giới hợp đồng hàng hóa, môi giới thương mại, đại lý ký gửi hàng hóa, tài sản và các giấy tờ có giá trị khác, hoạt động tư vấn quản lý, tư vấn đầu tư, cho thuê máy móc, thiết bị và đồ dùng hữu hình, cho thuê xe có động cơ, vận tải hàng hóa bằng đường bộ, vận tải hành khách đường bộ khác, san lấp mặt bằng, phá dỡ. Trần Việt T biết rõ Công ty X không phải là tổ chức tín dụng hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng nên không được phép thực hiện các hoạt động Ngân hàng, nhận tiền gửi và cho vay. Tuy nhiên, từ năm 2012 đến cuối năm 2016 Trần Việt T chỉ đạo nhân viên của Công ty khi tư vấn khách hàng, đưa ra thông tin gian dối quảng bá về mô hình kinh doanh của Công ty như: Công ty hoạt động theo mô hình giống như Ngân hàng thu nhỏ, có chức năng huy động vốn và cho vay với lãi suất cao hơn Ngân hàng, thu được lợi nhuận cao, nếu người dân gửi tiền vào Công ty thì sẽ được công ty trả lãi suất cao hơn lãi suất gửi tiết kiệm Ngân hàng.... nhằm làm cho nhiều khách hàng tin rằng Công ty X hoạt động như Ngân hàng để gửi tiền vào Công ty hưởng lãi suất cao hơn Ngân hàng. Khi người dân gửi tiền vào Công ty X, Trần Việt T phát hành “Giấy chứng nhận vốn góp, sau đó đổi thành Giấy chứng nhận hỗ trợ đầu tư kinh doanh”. Đến đầu năm 2017, Trần Việt T biết rõ Công ty không còn khả năng chi trả tiền lãi, tiền gốc cho khách hàng nên đã họp Công ty X và chỉ đạo nhân viên thuyết phục khách hàng để gia hạn lại Hợp đồng gửi tiền tại Công ty và cố gắng huy động tiền về cho Công ty bằng cách tăng lãi suất huy động lên từ 2,5%/tháng đến 3%/tháng để thu hút người gửi.

Nguyễn Thị C biết vào thời điểm năm 2017 Công ty X gặp nhiều khó khăn, nhưng Nguyễn Thị C cùng các bị cáo khác đưa ra những thông tin gian dối, không đúng về tình trạng tài chính của Công ty như “Công ty vẫn đang hoạt động bình thường, vẫn đang mở rộng kinh doanh và tăng mức lãi suất ưu đãi” để những bị hại tin tưởng gửi mới và gia hạn gửi tiền vào Công ty X. Cụ thể, từ đầu năm 2017 đến tháng 3/2018 Nguyễn Thị C tư vấn cho 38 người bị hại gửi mới và gia hạn gửi với tổng số tiền là 5.081.035.000 đồng tạo điều kiện cho Trần Việt T chiếm đoạt (đến tháng 4/2018 hành vi gian dối của Trần Việt T bị phát hiện, tổng số tiền bị cáo Trần Việt T chiếm đoạt của những bị hại là 21.150.712.000 đồng).

Với hành vi phạm tội nêu trên, Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo Nguyễn Thị C về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm a khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng tội, đúng quy định của pháp luật.

[2.2]. Về điều luật áp dụng và mức hình phạt:

Bị cáo Nguyễn Thị C đã tư vấn cho 38 bị hại gửi mới và gia hạn với tổng số tiền là 5.081.035.000 đồng để cho bị cáo Trần Việt T chiếm đoạt nên phạm vào điểm a khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự quy định khung hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Hành vi phạm tội của bị cáo Nguyễn Thị C thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, trực tiếp xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản hợp pháp của bị hại, làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Tòa án cấp sơ thẩm đã nhận định, đánh giá về hành vi, vai trò thực hiện tội phạm, nhân thân và áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo Nguyễn Thị C là đúng pháp luật. Từ đó xử phạt bị cáo 03 (ba) năm tù là thỏa đáng, không nặng.

[3]. Tại bản án sơ thẩm đã nhận định bị cáo C có ông nội là người có công nên được áp dụng khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên tại phần quyết định của bản án sơ thẩm lại không áp dụng tình tiết này cho bị cáo là thiếu sót. cấp phúc thẩm khắc phục và áp dụng cho bị cáo là phù hợp. Mặc dù bị cáo được áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự, nhưng bị cáo không đủ điều kiện hưởng án treo. Do đó Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

[4]. Án phí hình sự phúc thẩm: bị cáo Nguyễn Thị C phải chịu theo quy định của pháp luật.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

1. Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 355; Điều 356 Bộ luật Tố tụng hình sự. Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Thị C, giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số 36/2022/HS-ST ngày 31 tháng 8 năm 2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi.

2. Tuyên bố bị cáo Nguyễn Thị C phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 174; điểm b, S, n khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; khoản 2 Điều 54; Điều 17; Điều 58 và Điều 38 của Bộ luật Hình sự. Xử phạt bị cáo Nguyễn Thị C 03 (ba) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù được tính từ ngày bắt bị cáo đi thi hành án.

3. Án phí hình sự phúc thẩm: bị cáo Nguyễn Thị C phải chịu 200.000đ.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

559
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản số 19/2023/HS-PT

Số hiệu:19/2023/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 21/02/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về