Bản án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản số 169/2020/HS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG

BẢN ÁN 169/2020/HS-PT NGÀY 16/06/2020 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Vào ngày 16 tháng 6 năm 2020 tại Trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 255/2019/TLPT-HS ngày 11 tháng 7 năm 2019 đối với bị cáo Võ Trường G và đồng bọn về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Do có kháng cáo của các bị cáo và kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk đối với bản án hình sự sơ thẩm số 40/2016/HS-ST ngày 20/09/2016 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk.

* Bị cáo có kháng cáo, kháng nghị:

1. Võ Trường G, sinh năm 1984, tại tỉnh Đắk Lắk; Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: thành phố B, tỉnh Đắk Lắk; Nghề nghiệp: Kế toán; Trình độ học vấn: 12/12; Bố: Võ Văn Đ, sinh năm 1957; Mẹ: Nguyễn Thị T, sinh năm 1957; Vợ: Lưu Thị Y N, sinh năm 1985; có 02 con (con lớn sinh năm 2008, con nhỏ sinh năm 2014).

Tiền án, tiền sự: Không. Bị cáo tại ngoại có mặt.

2. Lê Thị T, sinh năm 1981; tại tỉnh T Hoá; Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: thành phố B, tỉnh Đắk Lắk; Chỗ ở hiện nay: thành phố B, tỉnh Đắk Lắk; Trình độ học vấn: 12/12; Nghề nghiệp: Kế toán; bố: Lê Minh A, sinh năm 1940;

Mẹ: Lê Thị T, sinh năm 1940; Chồng: Nguyễn Trường S, sinh năm 1975; có 03 con (con lớn nhất sinh năm 2004, con nhỏ nhất sinh năm 2015).

Tiền án, tiền sự: Không. Bị cáo tại ngoại có mặt.

3. Trần Thị Phi Y, sinh năm 1986, tại tỉnh Đắk Lắk; Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: thành phố B, tỉnh Đắk Lắk; Trình độ học vấn: 12/12; Nghề nghiệp: Kế toán; Bố: Trần Văn T (chết); Mẹ: Nguyễn Thị G, sinh năm 1953; Chồng: Nguyễn Công T, sinh năm 1985; có 02 con (con lớn sinh năm 2009, con nhỏ sinh năm 2014) Tiền án, tiền sự: Không. Bị cáo tại ngoại có mặt.

Người bào chữa cho các bị cáo:

- Bào chữa cho bị cáo Võ Trường G: Luật sư Trịnh Gia Q, Văn phòng luật sư X, Đoàn luật sư tỉnh Đắk Lắk. Có đơn xin xét xử vắng mặt nhưng có gửi luận cứ bào chữa cho bị cáo.

- Bào chữa cho bị cáo Lê Thị T: Luật sư Nguyễn Thị Bích H, Văn phòng luật sư X, Đoàn luật sư tỉnh Đắk Lắk. Có đơn xin xét xử vắng mặt nhưng có gửi luận cứ bào chữa cho bị cáo.

- Bào chữa cho bị cáo Trần Thị Phi Y: Luật sư Võ Thị Thu H, Văn phòng luật sư X, Đoàn luật sư tỉnh Đắk Lắk. Có mặt.

* Nguyên đơn dân sự:

1. Ngân hàng Thương mại cổ phần X Việt Nam. Địa chỉ: thành phố Hà Nội.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Lê Phú Đ - Chức vụ: Phó giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần X Việt Nam - Chi nhánh Đắk Lắk. Có đơn xin xét xử vắng mặt.

2. Ngân hàng Thương mại cổ phần B Việt Nam. Địa chỉ: thành phố Hà Nội.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Trần Phú D - Chức vụ: Giám đốc ngân hàng thương mại cổ phần đầu B Việt Nam - Chi nhánh Đắk Lắk Người được ủy quyền lại: Bà Nguyễn Thị T L - Chức vụ: Phó giám đốc phòng giao dịch Đ trực thuộc Ngân hàng Thương mại cổ phần B Việt Nam - Chi nhánh Đắk Lắk. Có đơn xin xét xử vắng mặt.

3. Ngân hàng Thương mại cổ phần Q Việt Nam. Địa chỉ: thành phố Hà Nội.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Ân T S - chức vụ: Phó Tổng giám đốc - Giám đốc ban pháp chế quản trị doanh nghiệp Người được ủy quyền lại: Bà Tôn Thị Huỳnh G - Chức vụ: Kiểm soát viên, Ngân hàng Thương mại cổ phần Q Việt Nam - Chi nhánh Đắk Lắk; Địa chỉ: thành phố B, tỉnh Đắk Lắk. Có mặt.

* Người có quyền lợi liên quan đến vụ án: Công ty Trách nhiệm hữu hạn T; Địa chỉ: Tp B, tỉnh Đắk Lắk. Vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Các bị cáo Võ Trường G, Lê Thị T, Trần Thị Phi Y bị VKSND tỉnh Đắk Lắk truy tố về hành vi phạm tội như sau:

Võ Trường G, Lê Thị T và Trần Thị Phi Y là nhân viên Công ty trách nhiệm hữu hạn T (sau đây gọi tắt là Công ty T), trụ sở tại thành phố B, tỉnh Đắk Lắk, có hai thành viên là ông Trần Tiến L - Giám đốc Công ty và bà Trần Thị Thúy T (vợ ông L) - Phó Giám đốc, kế toán trưởng Công ty. Công ty phân công Võ Trường G làm kế toán tổng hợp, Lê Thị T làm kế toán ngân hàng và công nợ, Trần Thị Phi Y làm thủ quỹ Công ty. Trong quá trình làm việc tại Công ty từ năm 2006, G, T, Y biết rõ quy trình thu - chi tiền của Công ty T, thông qua hệ thống ngân hàng và phát hiện thấy việc kiểm tra đối chiếu chữ ký của chủ tài khoản và kế toán trưởng Công ty T, của các ngân hàng có sự sơ hở, nên vào khoảng đầu tháng 9/2012, G, T và Y đã bàn bạc với nhau thực hiện hành vi lập khống chứng từ bằng các Ủy nhiệm chi và các Lệnh chi do các ngân hàng phát hành, rồi ký giả chữ ký của chủ tài khoản và kế toán trưởng Công ty, sau đó đến các ngân hàng đề nghị chuyển tiền từ tài khoản của Công ty T mở tại các ngân hàng, vào tài khoản của các cá nhân khác để chiếm đoạt, cụ thể như sau:

1. Chiếm đoạt tiền của Ngân hàng Thương mại cổ phần X Việt Nam - Chi nhánh Đắk Lắk 416.000.000 đồng:

- Lần thứ nhất: Ngày 10/9/2012, T viết Ủy nhiệm chi, G ký giả chữ ký ông L, Y ký giả chữ ký bà T với nội dung chuyển trả lại tiền xe, rồi đến Ngân hàng Thương mại cổ phần X Việt Nam chi nhánh Đắk Lắk (sau đây gọi tắt là Ngân hàng X) đề nghị chuyển 150.000.000đ từ tài khoản số 102010000418757 của Công ty T mở tại Ngân hàng X, sang tài khoản số 5229205009232 của Trần Sỹ S (anh rể của G). Sau khi kiểm tra, đối chiếu, nhưng không phát hiện được chữ ký của chủ tài khoản và kế toán trưởng là chữ ký giả, nên Giao dịch viên Hồ Thị Hồng V cùng Kiểm soát viên Đỗ Vinh Q đã thực hiện việc chuyển 150.000.000đ từ tài khoản của Công ty T, sang tài khoản của Trần Sỹ S. Sau đó, S đã rút toàn bộ số tiền này giao cho G. G chia đều cho 03 người (G, T, Y), mỗi người 50.000.000đ.

- Lần thứ hai: Ngày 22/10/2012, T viết Ủy nhiệm chi, G ký giả chữ ký ông L, Y ký giả chữ ký bà T với nội dung trả lại tiền xe, rồi đến Ngân hàng X đề nghị chuyển 100.000.000đ từ tài khoản số 102010000418757 của Công ty T mở tại Ngân hàng X, sang tài khoản số 5229205009232 của Trần Sỹ S. Sau khi tiếp nhận chứng từ, kiểm tra, đối chiếu, nhưng không phát hiện được chữ ký của chủ tài khoản và kế toán trưởng là chữ ký giả, nên Giao dịch viên Lê Thị T B cùng Kiểm soát viên Phan Trung H, đã thực hiện việc chuyển 100.000.000đ từ tài khoản của Công ty T, vào tài khoản của Trần Sỹ S. Sau đó, S đã rút toàn bộ số tiền này giao cho G. G chia đều cho 03 người, mỗi người 33.000.000đ; số tiền 1.000.000đ còn lại, 03 người tiêu xài chung.

- Lần thứ ba: Ngày 10/12/2012, G viết Lệnh chi với nội dung trả tiền mua xe và ký giả chữ ký ông L, Y ký giả chữ ký bà T, rồi đến Ngân hàng X đề nghị chuyển 75.000.000đ từ tài khoản số 102010000418757 của Công ty T mở tại Ngân hàng X, sang tài khoản số 5229205009232 của Trần Sỹ S. Sau khi tiếp nhận chứng từ, kiểm tra, đối chiếu, nhưng không phát hiện được chữ ký của chủ tài khoản và kế toán trưởng là chữ ký giả, nên Giao dịch viên Trần Thị H cùng Kiểm soát viên Trần Thị Thu H, đã thực hiện việc chuyển 75.000.000đ từ tài khoản của Công ty T, sang tài khoản của Trần Sỹ S. Sau đó, S đã rút toàn bộ số tiền này giao cho G. G chia đều cho 03 người, mỗi người 25.000.000đ.

- Lần thứ tư: Ngày 07/01/2013, G viết Ủy nhiệm chi với nội dung trả tiền mua xe, để chuyển 91.000.000đ từ tài khoản số 102010000418757 của Công ty T sang tài khoản số 5229205009232 của Trần Sỹ S, rồi đưa cho bà T ký vào mục Kế toán trưởng. Vì tin tưởng, nên bà T không kiểm tra công nợ và đã ký vào Ủy nhiệm chi. Sau khi có chữ ký của bà T, G đã ký giả vào mục Chủ tài khoản, rồi đến Ngân hàng X đề nghị chuyển khoản số tiền trên. Sau khi tiếp nhận chứng từ, kiểm tra, đối chiếu, nhưng không phát hiện được chữ ký của chủ tài khoản là chữ ký giả, nên Giao dịch viên Lê Thị T B cùng Kiểm soát viên Trần Thị Thu H đã thực hiện việc chuyển 91.000.000đ từ tài khoản của Công ty T, sang tài khoản của Trần Sỹ S. Sau đó, S đã rút toàn bộ số tiền này giao cho G. G chia đều cho 03 người, mỗi người 30.000.000 đồng; số tiền 1.000.000đ còn lại 03 người tiêu xài chung.

2. Chiếm đoạt tiền của Ngân hàng Thương mại cổ phần B Việt Nam - Chi nhánh Đắk Lắk 340.870.000 đồng:

- Lần thứ nhất: Ngày 11/01/2013, G viết Ủy nhiệm chi với nội dung trả tiền mua xe và ký giả chữ ký ông L, T ký giả chữ ký bà T, rồi đến Ngân hàng B Việt Nam - Chi nhánh Đắk Lắk (sau đây gọi tắt là Ngân hàng B) đề nghị chuyển 30.870.000đ từ tài khoản 6311000060021 của Công ty T mở tại Ngân hàng B, sang tài khoản số 5229205009232 của Trần Sỹ S. Do không phát hiện được chữ ký của chủ tài khoản và kế toán trưởng là giả, nên Giao dịch viên Nguyễn Thị Thu H và Kiểm soát viên Nguyễn Thị T L đã thực hiện việc chuyển 30.870.000đ từ tài khoản của Công ty T tại Ngân hàng, sang tài khoản của Trần Sỹ S. Sau đó, S đã rút toàn bộ số tiền này giao cho G. G chia đều cho 03 người, mỗi người 10.000.000đ; số tiền 870.000đ còn lại, 03 người tiêu xài chung.

- Lần thứ hai: Ngày 15/01/2013, G viết Ủy nhiệm chi với nội dung trả tiền xe, chuyển 120.000.000đ từ tài khoản 6311000060021 của Công ty T mở tại Ngân hàng B sang tài khoản số 711A66900133 của Bùi Thị Ngọc D (tài khoản này Đ không sử dụng, mà giao cho chị gái là Bùi Thị D A sử dụng; A là bạn của Lê Thị T) rồi đưa Ủy nhiệm chi cho bà T ký; do tin tưởng nên bà T không kiểm tra và đã ký vào Ủy nhiệm chi. Sau khi có chữ ký của bà T, G ký giả chữ ký của chủ tài khoản. Do không phát hiện được chữ ký của chủ tài khoản là giả, nên Giao dịch viên H và Kiểm soát viên Nguyễn Thị T L đã thực hiện việc chuyển 120.000.000đ từ tài khoản của Công ty T, sang tài khoản của Bùi Thị Ngọc D. Sau đó, A rút toàn bộ số tiền này giao cho T. T chia đều cho 03 người (T, Y, G), mỗi người 40.000.000đ.

- Lần thứ ba: Ngày 08/02/2013, G viết Ủy nhiệm chi với nội dung chuyển thanh toán thư bảo lãnh hợp đồng ngày 09/02/2013 và ký giả chữ ký ông L, Y ký giả chữ ký bà T, chuyển 100.000.000đ từ tài khoản 6311000060021 của Công ty T mở tại Ngân hàng B sang tài khoản số 711A66900133 của D. Do không phát hiện được chữ ký của chủ tài khoản và kế toán trưởng là giả, nên Giao dịch viên Nguyễn Thị Thu H và Kiểm soát viên Nguyễn Thị T L đã thực hiện việc chuyển 100.000.000đ từ tài khoản của Công ty T, sang tài khoản của Bùi Thị Ngọc D. Sau đó, A rút số tiền này giao cho T. T chia đều cho 03 người, mỗi người 33.000.000đ; số tiền 1.000.000đ còn lại, 03 người tiêu xài chung.

- Lần thứ tư: Ngày 18/02/2013, G viết Ủy nhiệm chi với nội dung chuyển thanh toán thư bảo lãnh hợp đồng ngày 09/02/2013 và ký giả chữ ký ông L, Y ký giả chữ ký bà T, chuyển 90.000.000đ từ tài khoản 6311000060021 của Công ty T mở tại Ngân hàng B vào tài khoản số 711A66900133 của chị D. Do không phát hiện được chữ ký của chủ tài khoản và kế toán trưởng là giả, nên Giao dịch viên Nguyễn Thị Thuỳ D và Kiểm soát viên Nguyễn Thị T L, đã thực hiện việc chuyển 90.000.000đ từ tài khoản của Công ty T sang tài khoản của Bùi Thị Ngọc D. Sau đó, A rút số tiền này giao cho T. T chia đều cho 03 người, mỗi người 30.000.000đ.

3. Chiếm đoạt tiền của Ngân hàng Thương mại cổ phần Q Việt Nam - Chi nhánh Đắk Lắk 66.000.000 đồng:

Ngày 06/02/2013, G viết Ủy nhiệm chi với nội dung trả tiền mua xe và ký giả chữ ký ông L, Y ký giả chữ ký bà T chuyển 66.000.000đ từ tài khoản số 41070406222999 của Công ty T mở tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Q Việt Nam - Chi nhánh Đắk Lắk (sau đây gọi tắt là Ngân hàng Q) sang tài khoản số 711A66900133 của chị Bùi Thị Ngọc D (tài khoản này do Bùi Thị D A, là chị ruột của D quản lý, sử dụng), rồi đưa chứng từ đến ngân hàng Q đề nghị chuyển số tiền nêu trên. Sau khi tiếp nhận chứng từ, kiểm tra, đối chiếu, nhưng không phát hiện ra chữ ký của chủ tài khoản và kế toán trưởng là chữ ký giả, nên Giao dịch viên Nguyễn Thị Thiên H cùng Kiểm soát viên Nguyễn Thị Thu Đ đã thực hiện việc chuyển 66.000.000đ từ tài khoản của Công ty T, sang tài khoản của Bùi Thị Ngọc D. Sau đó, A rút số tiền này giao cho T. T chia đều cho 03 người, mỗi người 22.000.000đ.

Như vậy, G, T và Y, đã 09 lần giả mạo chữ ký của chủ tài khoản, kế toán trưởng Công ty T, chiếm đoạt tiền trong tài khoản của Công ty T do các ngân hàng quản lý, với tổng số tiền là 822.870.000đ; số tiền này được chia cho G, T và Y, mỗi người 274.290.000 đồng.

Sau khi biết hành vi chiếm đoạt tiền của mình đã bị Công ty T và các Ngân hàng phát hiện, ngày 28/02/2013, Lê Thị T đã nhờ Bùi Thị D A nộp trả lại số tiền 90.000.000đ vào tài khoản số 6311000060021 của Công ty T mở tại Ngân hàng B chi nhánh Đắk Lắk, nội dung ghi Bùi Thị Ngọc D nộp trả tiền; ngày 05/3/2013, Võ Trường G đã nhờ vợ mình là Lưu Thị Y Nhi nộp trả lại số tiền 286.000.000đ vào tài khoản số 41070406222999 của Công ty mở tại ngân hàng Q chi nhánh tỉnh Đắk Lắk, nội dung ghi Bùi Thị Ngọc D nộp trả tiền; ngày 19/3/2013, Võ Trường G và Trần Thị Phi Y tiếp tục nộp trả lại số tiền 446.870.000đ vào tài khoản số 6311000060021 của Công ty mở tại Ngân hàng B, nội dung ghi Trần Sỹ S nộp trả tiền. Tổng cộng 03 lần chuyển trả là 822.870.000đ.

Các bản kết luận giám định: số 300/PC54 ngày 08/6/2013, số 293/PC54 ngày 22/6/2013, số 295/PC54 ngày 28/6/2013, số 457/PC54 ngày 17/12/2013 và số 146/PC54 ngày 24/5/2014 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Đắk Lắk, kết luận: Võ Trường G viết 07 chứng từ và ký giả chữ ký của ông Trần Tiến L trên 09 chứng từ; Lê Thị T viết 02 chứng từ và ký giả chữ ký của bà Trần Thị Thúy T trên 01 chứng từ; Trần Thị Phi Y ký giả chữ ký của bà Trần Thị Thúy T trên 06 chứng từ.

* Tại bản án hình sự sơ thẩm số 40/2016/HSST ngày 20/09/2016, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lăk đã quyết định:

Tuyên bố các bị cáo Võ Trường G, Lê Thị T và Trần Thị Phi Y phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 139 BLHS; các điểm g, i khoản 1 điều 48, các điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46, điều 47 BLHS.

Xử phạt: Võ Trường G 07 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thời hạn chấp hành hình phạt tù được tính từ ngày bắt thi hành án.

Xử phạt: Lê Thị T 07 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thời hạn chấp hành hình phạt tù được tính từ ngày bắt thi hành án.

Xử phạt: Trần Thị Phi Y 07 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thời hạn chấp hành hình phạt tù được tính từ ngày bắt thi hành án.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về trách nhiệm dân sự, án phí và thông báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 03/10/2016 các bị cáo Võ Trường G, Lê Thị T, Trần Thị Phi Y kháng cáo đề nghị Toà án cấp phúc thẩm xem xét toàn bộ bản án theo hướng rút một phần Quyết định truy tố của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk và cho các bị cáo hưởng tình tiết có lợi cho người phạm tội theo công văn 276/2016/TADNTC-PC ngày 13/09/2016 của Chánh án Toà án Tối cao, xử phạt các bị cáo một tội khác nhẹ hơn, mức án thấp nhất và cho hưởng án treo.

Ngày 30/9/2016 Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk kháng nghị một phần bản án hình sự sơ thẩm số 40/2016/HSST ngày 20/9/2016 của Toà án nhân dân tỉnh Đắk Lắk, sửa bản án sơ thẩm theo hướng áp dụng điểm a khoản 3 Điều 139, Điều 60 BLHS, giảm mức hình phạt tù và cho các bị cáo được hưởng án treo.

Tại Bản án phúc thẩm số 70/2017/HS-PT ngày 29/3/2017 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng, chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Võ Trường G, Lê Thị T, Trần Thị Phi Y, sửa bản án sơ thẩm, áp dụng điểm a khoản 3 Điều 139 BLHS năm 1999, xử phạt mỗi bị cáo 03 (ba) năm tù và cho hưởng án treo.

Ngày 02/3/2018, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã có kháng nghị số 01/QĐ-VKSTC-V7 kháng nghị Giám đốc thẩm đối với bản án hình sự phúc thẩm số 70/2017/HS-PT ngày 29/3/2017 của TANDCC tại Đà Nẵng.

Tại Quyết định Giám đốc thẩm số 01/2019/HS-GĐT ngày 21/3/2019 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, khẳng định các bị cáo chiếm đoạt tổng số tiền 822.870.000 đồng, phạm tội thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 4 Điều 139 Bộ luật Hình sự 1999. Tuy nhiên, Tòa án cấp phúc thẩm giảm hình phạt cho các bị cáo xuống 3 năm tù và đều cho hưởng án treo là sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật. Từ đó xử huỷ bản án hình sự phúc thẩm số 70/2017/HS-PT ngày 29/3/2017 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng để xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

Tại phiên toà, đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng rút toàn bộ kháng nghị số 19/QĐ-KNPT-VKS ngày 30 tháng 9 năm 2016 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk; Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm áp dụng điểm a khoản 1 Điều 355; Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự: Không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Trong luận cứ bào chữa của mình, các Luật sư bào chữa cho bị cáo Võ Trường G, Lê Thị T đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm cho các bị cáo một phần hình phạt, vì các bị cáo có nhân thân tốt, có nhiều tình tiết giảm nhẹ, đã bồi thường bồi hoàn đầy đủ.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Thị Phi Y đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm hình phạt cho bị cáo và cho bị cáo Y được hưởng án treo, vì bị cáo có nhân thân tốt, có nhiều tình tiết giảm nhẹ, phía bị hại xin giảm hình phạt cho bị cáo.

Trong lời nói sau cùng, các bị cáo thành khẩn, ăn năn hối cải, xin Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét giảm hình phạt và cho các bị cáo được hưởng án treo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu có trong hồ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa, kết quả tranh tụng, trên cơ sở xem xét đầy đủ ý kiến của Luật sư, quan điểm của Viện kiểm sát, sau khi thảo luận và nghị án, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định như sau:

[1] Tại phiên toà phúc thẩm hôm nay, đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng rút toàn bộ kháng nghị số 19/QĐ-KNPT-VKS ngày 30 tháng 9 năm 2016 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk; Đề nghị không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Các bị cáo Võ Trường G, Lê Thị T, Trần Thị Phi Y thừa nhận hành vi và tội danh như Toà án cấp sơ thẩm xét xử là đúng, chỉ giữ nguyên nội dung kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo.

[2] Tại phiên toà phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đã rút toàn bộ kháng nghị số 19/QĐ-KNPT-VKS ngày 30 tháng 9 năm 2016 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk, do đó Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ vào khoản 1 Điều 348 Bộ luật tố tụng hình sự: Đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng nghị này.

[3] Xét kháng cáo của các bị cáo Võ Trường G, Lê Thị T, Trần Thị Phi Y thấy rằng:

Võ Trường G là kế toán tổng hợp, Lê Thị T là kế toán ngân hàng – công nợ và Trần Thị Phi Y là thủ quỹ của công ty TNHH T; có địa chỉ tại số 159 Nguyễn Chí T, phường T, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk. Trong quá trình làm việc tại công ty, các bị cáo đã có hành vi thông đồng lập khống uỷ nhiệm chi và các lệnh chi do các ngân hàng phát hành, giả chữ ký chủ tài khoản và kế toán trưởng rồi đề nghị ngân hàng chuyển tiền từ tài khoản của Công ty T đến tài khoản cá nhân rút tiền mặt. Với hành vi nêu trên, quá trình điều tra xác định rằng: Từ ngày 10/9/2012 đến ngày 08/02/2013 Võ Trường G, Lê Thị T, Trần Thị Phi Y nhiều lần lập khống uỷ nhiệm chi, lệnh chi để chiếm đoạt số tiền là 822.870.000 đồng.

Trong vụ án này, các bị cáo đã chiếm đoạt được tài sản từ khi chuyển tiền sang các tài khoản cá nhân; tại thời điểm này tội phạm đã hoàn thành. Số tiền chiếm đoạt để xác định khung hình phạt cũng phải là tổng số tiền những người phạm tội đã chuyển được tiền sang tài khoản cá nhân. Việc các bị cáo đã nộp lại toàn bộ số tiền chiếm đoạt trước khi khởi tố vụ án chỉ là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Toà án cấp sơ thẩm xác định các bị cáo chiếm đoạt số tiền 822.870.000 đồng và áp dụng điểm a khoản 4 Điều 139 BLHS năn 1999 để xử các bị cáo về tội : “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Trong vụ án này mặc dù các bị cáo hưởng lợi như nhau sau khi chiếm đoạt được tài sản nhưng khi thực hiện hành vi phạm tội thì vai trò của bị cáo Võ Trường G cao hơn, bị cáo G đã trực tiếp ký vào vị trí chủ tài khoản trong 9 phiếu uỷ nhiệm chi (giả chữ ký của Giám đốc Trần Tiến L) và trong 9 lần phân chia lợi nhuận thì bị cáo G phân chia 5 lần, bị cáo T phân chia 4 lần, bị cáo Y chỉ là người nhận chứ không trực tiếp phân chia. Mặt khác trong vụ án này, các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ như: thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện khắc phục hậu quả quy định tại các điểm b, p khoản 1 khoản 2 Điều 46 BLHS năm 1999, nay là các điểm b, s khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015. Phía Công ty T có đơn đề nghị miễn trách nhiệm hình sự cho các bị cáo, đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 Điều 46 BLHS năm 1999 nay là khoản 2 Điều 52 BLHS năm 2015. Khi lượng hình cũng cần xem xét cho các bị cáo là phạm tội lần đầu, nhân thân tốt, đã khắc phục, bồi thường toàn bộ thiệt hại do đó cần khoan hồng theo nguyên tắc xử lý quy định tại Điều 3 BLHS năm 2015: “khoan hồng với người tự thú, đầu thú... hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra”. Do đó cần áp dụng Điều 47 BLHS năm 1999 nay là Điều 54 BLHS năm 2015 để xử các bị cáo dưới khung hình phạt và xem xét giảm cho các bị cáo một phần hình phạt. Trong hai bị cáo Võ Trường G và Lê Thị T thì bị cáo Lê Thị T có vai trò thấp hơn bị cáo G và bị cáo T là phụ nữ, có nuôi con nhỏ nên được xem xét chiếu cố hơn thể hiện tính nhân đạo của pháp luật.

Đối với bị cáo Trần Thị Phi Y như phân tích trên có vai trò thấp hơn các bị cáo khác. Mặt khác trong giai đoạn phúc thẩm, Công ty T tiếp tục có đơn xin xem xét đề ngày 22/11/2019 (Toà án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng nhận ngày 25/12/2019) khẳng định bị cáo Trần Thị Phi Y là em ruột của chúng tôi (bà Trần Thị Thuý T và ông Trần Tiến L - Giám đốc công ty T) đây là việc nội bộ của gia đình và số tiền của Y rút ra nêu trên là của vợ chồng chúng tôi, số tiền này Y đã trả lại đầy đủ; sự việc xảy ra đã lâu, Công ty và Ngân hàng không bị mất hay thất thoát tiền nên tại thời điểm này không ai khiếu nại, khiếu kiện gì cả. Vì vậy, chúng tôi làm đơn này kính mong Hội đồng xét xử xem xét áp dụng tình tiết giảm nhẹ đặc biệt mà pháp luật quy định mở rộng lượng khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt cho Y được hưởng án treo. Mặt khác, bị cáo Y đang nuôi hai con nhỏ, bị cáo thường xuyên đau ốm (bị cáo có xuất trình các xác nhận điều trị viêm phổi, theo dõi lao phổi các năm: nhập viện 22/12/2017, ra viện 02/01/2018; nhập viện 23/10/2019, ra viện 29/10/2019). Xét thấy bị cáo có vai trò thứ yếu, có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nhân thân tốt, có nơi cư trú rõ ràng nên Hội đồng xét xử áp dụng khoản 2 Điều 54, Điều 65 Bộ luật hình sự, xem xét giảm hình phạt và cho bị cáo Y được hưởng án treo cũng đủ tác dụng răn đe giáo dục và phòng ngừa chung.

Từ những vấn đề phân tích và lập luận trên, Hội đồng xét xử thấy cần chấp nhận một phần kháng cáo của các bị cáo Võ Trường G, Lê Thị T, giảm cho các bị cáo một phần hình phạt, riêng bị cáo Trần Thị Phi Y chấp nhận kháng cáo giảm hình phạt và cho bị cáo Y hướng án treo.

Do kháng cáo được chấp nhận nên các bị cáo Võ Trường G, Lê Thị T, Trần Thị Phi Y không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm theo quy định tại Nghị quyết 326/NQ-UBTVQH14 về án phí, lệ phí Toà án.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 348 Bộ luật tố tụng hình sự: Đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng nghị số 19/QĐ-KNPT-VKS ngày 30 tháng 9 năm 2016 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk.

Căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 355; điểm c khoản 1 Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự: Chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Võ Trường G, Lê Thị T, sửa bản án sơ thẩm, giảm cho các bị cáo một phần hình phạt.

Căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 355; điểm e khoản 1 Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự: Chấp nhận kháng cáo của bị cáo Trần Thị Phi Y, sửa bản án sơ thẩm, giảm hình phạt và cho bị cáo được hưởng án treo.

Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 139 BLHS năm 1999 (nay là điểm a khoản 4 Điều 174 BLHS năm 2015); điểm g, khoản 1, Điều 48 BLHS năm 1999 (nay là điểm g khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015); các điểm b, p khoản 1 khoản 2 Điều 46; Điều 47 Bộ luật hình sự năm 1999 (nay là b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 54 BLHS năm 2015); Điều 65 BLHS năm 2015 đối với bị cáo Trần Thị Phi Y.

Xử phạt:

- Võ Trường G 6 (sáu) năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù được tính từ ngày bắt thi hành án.

- Lê Thị T 5 (năm) năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án.

- Trần Thị Phi Y 03 (ba) năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 60 tháng tính từ ngày tuyên án phúc thẩm.

Giao bị cáo Trần Thị Phi Y cho UBND phường Tân Thành, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk giám sát giáo dục; gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục bị cáo.

Người được hưởng án treo đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách và có nhiều tiến bộ thì theo đề nghị của cơ quan tổ chức có trách nhiệm giám sát, giáo dục, Toà án có thể rút ngắn thời gian thử thách.

Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án hình sự từ 02 lần trở lên, thì Toà án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Toà án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 65 BLHS.

Về án phí hình sự phúc thẩm: Các bị cáo Võ Trường G, Lê Thị T, Trần Thị Phi Y không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

117
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản số 169/2020/HS-PT

Số hiệu:169/2020/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 16/06/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về