Bản án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản số 167/2021/HS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG

BẢN ÁN 167/2021/HS-PT NGÀY 14/04/2021 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Vào ngày 14 tháng 4 năm 2021, tại Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định, xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 266/2020/TLPT-HS ngày 21 tháng 7 năm 2020 đối với các bị cáo Nguyễn Thị L, Nguyễn Văn N về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Do có kháng cáo của các bị cáo và kháng cáo của người bị hại đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 15/2020/HS-ST ngày 11 tháng 6 năm 2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định.

Bị cáo có kháng cáo, bị kháng cáo:

1. NGUYỄN THỊ L; Sinh năm: 1965 tại tỉnh Bình Định; Nơi cư trú: Số nhà 103 Đường V, thị trấn P, huyện T, tỉnh Bình Định; Nghề nghiệp: Buôn bán; Trình độ văn hóa: 12/12; Con ông Nguyễn Công K (Liệt sỹ) và bà Đỗ Thị Ph; Có chồng Nguyễn Văn N và 03 con; Tiền án, tiền sự: Không; Bị bắt giam ngày 13/10/2014, có mặt.

2. NGUYỄN VĂN N; Sinh năm: 1964 tại tỉnh Bình Định; Nơi cư trú: Số nhà 103 Đường V, thị trấn P, huyện T, tỉnh Bình Định; Nghề nghiệp: Buôn bán; Trình độ văn hóa: 12/12; Trình độ văn hóa: 12/12; Con ông Nguyễn Hữu Th (chết) và bà Nguyễn Thị Tr; Có vợ Nguyễn Thị L và 03 con; Tiền án, tiền sự: Không; Bị bắt giam ngày 07/12/2017, có mặt.

- Người bào chữa cho các bị cáo:

+ Ông Hà Văn B, Luật sư, Văn phòng luật sư N1 thuộc Đoàn luật sư tỉnh Bình Định, tham gia bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị L theo yêu cầu của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng, có mặt.

+ Ông Nguyễn Thanh H, Luật sư, Văn phòng luật sư T1 thuộc Đoàn luật sư tỉnh Bình Định, tham gia bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn N theo yêu cầu của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng, có mặt.

- Người bị hại:

+ Bà Diệp Thị Cẩm T2, sinh năm 1961; Trú tại: 228 Đường Q, thị trấn P, huyện T, tỉnh Bình Định, có mặt.

+ Bà Hà Thị H2, sinh năm 1971; Trú tại: Thôn K1, xã B1, huyện T, tỉnh Bình Định, có mặt.

+ Bà Võ Thị Bích V, sinh năm 1975; Trú tại: 66 đường Đ, thị trấn P, huyện T, tỉnh Bình Định, vắng mặt.

+ Bà Nguyễn Thị C, sinh năm 1966. Người đại diện theo ủy quyền của bà C: Ông Phan Trường S, sinh năm 1960 (theo văn bản ủy quyền ngày 19/5/2020); Đều trú tại: 175 đường TQD, thị trấn P, huyện T, tỉnh Bình Định, ông Sơn có mặt.

+ Bà Huỳnh Thị H2, sinh năm 1973; Trú tại: 59 đường V1, khối 1, thị trấn P, huyện T, tỉnh Bình Định, vắng mặt.

+ Ông Đàm Tấn B2, sinh năm 1966; Trú tại: Thôn NT, xã B3, huyện T, tỉnh Bình Định, có mặt.

+ Bà Phan Thị Phi D, sinh năm 1958; Trú tại: 36 Đường Q, thị trấn P, huyện T, tỉnh Bình Định, có mặt.

+ Bà Nguyễn Thị Bích T3, sinh năm 1957; Trú tại: 38 đường N2, thị trấn P, huyện T, tỉnh Bình Định, có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Năm 2007, vợ chồng Nguyễn Văn N và Nguyễn Thị L được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định cấp giấy phép thành lập Doanh nghiệp tư nhân thương mại HT do Nguyễn Văn N đứng tên chủ doanh nghiệp (đã đăng ký thay đổi lần thứ 3 ngày 10/9/2009), với ngành nghề kinh doanh: Mua bán văn phòng phẩm, văn hóa phẩm, sách báo các loại, hàng công nghệ phẩm, tạp hóa, lương thực, thực phẩm, đồ dùng cá nhân và gia đình; đại lý mua bán, ký gửi hàng hóa; kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát; thi công xây dựng công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông thủy lợi; đào đắp, san ủi mặt bằng; hoạt động in ấn, photocoppy; cho thuê văn phòng, hội trường. Ngoài ra, vợ chồng L, N còn kinh doanh mua bán hàng nông sản theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hộ gia đình. Để có vốn kinh doanh, vợ chồng L, N huy động vốn bằng cách vay mượn của nhiều người và vay tiền ngân hàng. Tuy nhiên, việc kinh doanh bị thua lỗ kéo dài, đến năm 2009 thì vỡ nợ, không còn tiền trả lãi, gốc cho ngân hàng và lãi vay của nhiều người trước đó. Dưới áp lực đòi nợ của các chủ nợ nên vợ chồng L, N đi tìm gặp và nói dối với những người thân quen trên địa bàn là cần tiền để mua đất, đáo hạn ngân hàng, mua bán nông sản để vay tiền với lãi suất từ 4,5%/tháng đến 6%/tháng; Nhưng ngay sau khi nhận được tiền vay thì vợ chồng L, N đem trả nợ cho những người đã cho vay trước đó. Với thủ đoạn này, trong khoảng thời gian từ ngày 26/4/2010 đến ngày 21/10/2013, vợ chồng L, N đã vay của 8 công dân với tổng số tiền 56.131.608.000 đồng, đem trả nợ gốc là 1.905.000.000 đồng, trả lãi 3.738.484.000 đồng, còn lại chiếm đoạt 50.488.124.000 đồng. Cụ thể như sau:

1. Đối với trường hợp bà Diệp Thị Cẩm T2 (sinh năm 1961; Trú tại: 228 Đường Q, thị trấn P, huyện T, tỉnh Bình Định), Nguyễn Thị L, Nguyễn Văn N chiếm đoạt số tiền 40.634.220.000 đồng.

- Trong khoảng thời gian từ ngày 26/4/2010 đến cuối năm 2012, Nguyễn Thị L nhiều lần vay của bà Diệp Thị Cẩm T2 số tiền 15.634.220.000 đồng để mua mỳ lát, vay đáo hạn ngân hàng, nhưng đến ngày 23/3/2013 mới ghi giấy nợ số tiền 23.599.936.000 đồng (trong đó có ghi nợ cả tiền lãi là 7.965.716.000 đồng; trước đây bà T2 khai làm tròn số là 24.000.000.000 đồng, trong đó có một khoản 400.000.000 đồng tính hai lần nên chênh lệch 64.000 đồng).

- Tiếp sau đó, từ ngày 21/02/2013 đến ngày 20/3/2013, lấy lý do cần tiền mua mỳ lát, vay đáo hạn ngân hàng, vợ chồng Nguyễn Thị L, Nguyễn Văn N đã 08 lần vay của bà Diệp Thị Cẩm T2 số tiền 25.000.000.000 đồng, với lãi suất từ 3,9 đến 4,5%/tháng.

Như vậy, tổng số tiền mà vợ chồng L, N đã vay và chiếm đoạt của bà Diệp Thị Cẩm T2 là 40.634.220.000 đồng.

+ Về khoản vay 25.000.000.000 đồng: Thời gian trước Tết âm lịch năm 2013, bà T2 liên lạc với các bà Trương Thị Ngọc D1, Lâm Thị Thu H3, Lê Thị Diệp Th1, Diệp Thị H4, Diệp Thị Tố T4, Trần Thị C1, Trịnh Thị B4, Phan Thị Mỹ H2 hỏi vay tiền và hẹn sau tết sẽ lấy tiền vay. Ngày 20/02/2013, bà Lê Thị Diệp Th1 đến nhà bà T2 chơi thăm xuân và đem theo 3.000.000.000 đồng cho bà T2 vay, bà T2 dặn bà Th1 chuẩn bị thêm 2.000.000.000 đồng để hôm sau sẽ đến nhà bà Th1 lấy; đồng thời, bà T2 cũng liên lạc với các bà H3, H4, T4, C1, B4, H2 là ngày hôm sau sẽ đến nhà lấy tiền vay. Khoảng 6 giờ ngày 21/02/2013, anh Diệp Minh Trung (cháu ruột bà T2) điều khiển xe ô tô 77A-001.34 của bà T2 chở bà T2 lần lượt đến nhà các bà H2, Th1, H4, T4 để lấy tiền vay; đến khoảng 10 giờ cùng ngày, bà T2 về nhà và tiếp tục sử dụng xe mô tô đến nhà các bà H3, C1, B4 lấy tiền rồi về giao cho vợ chồng L, N 04 lần với số tiền 16.000.000.000 đồng vào buổi chiều cùng ngày. Qua thực nghiệm điều tra xác định, đoạn đường đi và về từ nhà bà T2 đến nhà của các bà H2, Th1, H4, T4 ở địa bàn thị xã A là 54,83km, xe ô tô đi với vận tốc trung bình 30-50 km/h thì mất 01 giờ 37 phút (không tính thời gian bà T2 vào nói chuyện và lấy tiền vay). Còn nhà của các bà H3, C1, B4 ở gần nhà bà T2 (phạm vi khoảng 01km), thời gian đi xe mô tô mất khoảng 05 phút. Do vậy, có cơ sở xác định việc bà T2 di chuyển đi lại giữa các địa chỉ nêu trên trong một ngày là phù hợp (Bút lục: 1848-1849, 1903- 1929, 1937-1961).

+ Về 04 khoản vay với số tiền 2.700.000.000 đồng mà bà Diệp Thị Cẩm T2 vay của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam – Chi nhánh huyện T (Tại các hợp đồng tín dụng ngày 04/01/2012, ngày 06/01/2012 và ngày 11/01/2012): Ngân hàng đã giải ngân lần đầu vào các ngày 05/01/2012, ngày 07/01/2012; ngày 12/01/2012 và 13/01/2012; sau đó, bà T2 đã đáo hạn 01 lần và vay lại vào các ngày 27/6/2012, 28/6/2012, 02/7/2012 và ngày 04/7/2012. Cuối năm 2012 đầu năm 2013 đến thời điểm trả nợ, bà T2 đã chuẩn bị số tiền 2.700.000.000 đồng để trả nợ vay cho Ngân hàng, nhưng do vợ chồng L, N có nhu cầu vay khoản tiền lớn trong khi Ngân hàng lại có chính sách cho khách hàng gia hạn thời hạn trả nợ 01 lần theo thời hạn vay nên bà T2 không trả tiền cho Ngân hàng mà đem số tiền này cho vợ, chồng L, N vay. Qua xác minh tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam – Chi nhánh huyện T thì vào ngày 24/12/2012, Ngân hàng đã gia hạn thời hạn trả nợ 04 khoản vay cho bà T2 với tổng số tiền là 2.700.000.000 đồng.

Quá trình điều tra lại, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Định đã làm rõ số tiền vay của bị can Nguyễn Thị L đối với bị hại Diệp Thị Cẩm T2 không có khoản tiền lãi 7 tỷ đồng cộng dồn vào nợ gốc như lời khai của bị can L; bởi vì, trong khoản tiền 23.599.936.000 đồng mà bà T2 tố cáo L có khoản tiền lãi là 7.965.716.000 đồng cộng vào gốc, trước đây bà T2 cũng đã khai và Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Định đã trừ khoản tiền này, không tính vào tài sản mà bị can đã chiếm đoạt.

Về nội dung các chứng từ bị tẩy xóa, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Định đã trưng cầu giám định. Theo Kết luận giám định số 17 ngày 09/3/2018 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Bình Định thì chữ số hàng chục của số “50” tại dòng 12 trên giấy mượn tiền của bà Phan Thị Phi D mà Nguyễn Thị L đã viết bị sửa chữa, nhưng về kết quả số tiền ghi trong giấy không bị sửa chữa nên không làm thay đổi nội dung việc vay, mượn tiền giữa Nguyễn Thị L và bà Phan Thị Phi D. Còn lại, các các giấy mượn tiền và xác nhận nợ mà Nguyễn Thị L đã viết mượn tiền của các bị hại khác không có dấu hiệu sửa chữa, tẩy xóa.

Về các khoản tiền mà Nguyễn Thị L, Nguyễn Văn N khai chuyển qua tài khoản số 040004513926 của bà Diệp Thị Cẩm T2 mở tại Ngân hàng Sacombank – Chi nhánh Bình Định (Phòng giao dịch T) 03 lần với tổng số tiền là 233.000.000 đồng, bà T2 xác định đây là khoản tiền L trả cho khoản vay khác của bà T2 không nằm trong số tiền Nguyễn Thị L đã xác nhận nợ mà bà T2 tố cáo L.

Về nội dung làm rõ bị can Nguyễn Văn N có trực tiếp đi cùng với vợ là Nguyễn Thị L vay tiền vay và nhận tiền từ bà Diệp Thị Cẩm T2 hay không, Những người giúp việc tại nhà hàng HT có biết việc việc vợ chồng bà Diệp Thị Cẩm T2 đem giấy tờ đến nhà hàng của bị can để nhờ viết hộ hay không. Nội dung này đã được Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Định lấy lời khai bà Diệp Thị Cẩm T2 cũng như các bị hại khác đều xác định bị can N có đến nhận tiền của họ. Ngoài ra, theo lời khai của bà Đỗ Thị Th2 (kế toán Doanh nghiệp HT) và bà Đỗ Thị Kim C2 (nấu ăn cho nhà hàng HT) thì vào thời điểm năm 2013 có thấy bà Diệp Thị Cẩm T2 đến nhà hàng HT để ký giấy tờ nhưng không rõ nội dung gì; do đó, không có cơ sở xác định việc vợ chồng bà T2 đem giấy tờ đến nhà hàng HT của bị cáo Nguyễn Văn N nhờ viết hộ và có người giúp việc tại nhà hàng biết.

2. Đối với trường hợp bà Hà Thị H2 (sinh năm 1971; Trú tại: thôn Kiên Ngãi, xã Bình Thành, huyện T), Nguyễn Thị L chiếm đoạt số tiền 2.539.550.000 đồng.

Từ ngày 30/5/2012 đến ngày 11/01/2013, Nguyễn Thị L đã 17 lần vay của bà Hà Thị H2 số tiền 4.361.000.000 đồng với lãi suất 4,5%/tháng; mục đích vay là để đáo hạn ngân hàng, mua mỳ lát, mua đất lo dự án nhà hàng. L đã trả nợ gốc 1.335.000.000 đồng, trả lãi 486.450.000 đồng, còn chiếm đoạt 2.539.550.000 đồng.

3. Đối với trường hợp bà Võ Thị Bích V (sinh năm 1975; Trú tại:

66 Đống Đa, thị trấn P, huyện T), Nguyễn Thị L chiếm đoạt số tiền 2.758.000.000 đồng.

Từ ngày 14/12/2010 đến ngày 27/10/2012, Nguyễn Thị L đã 12 lần vay của bà Võ Thị Bích V tổng số tiền 3.180.000.000 đồng, với lãi suất từ 0,3 đến 0,5%/tháng; mục đích vay là để đáo hạn ngân hàng, mua mỳ lát, mua nhà ở Sài Gòn. L đã trả lãi được 422.000.000 đồng, còn lại chiếm đoạt 2.758.000.000 đồng.

4. Đối với trường hợp bà Nguyễn Thị C (sinh năm 1966; Trú tại:

175 Trần Quang Diệu, thị trấn P, huyện T), Nguyễn Thị L chiếm đoạt số tiền 1.363.186.000 đồng.

Từ ngày 16/8/2011 đến ngày 15/5/2013, Nguyễn Thị L đã 12 lần vay của bà Nguyễn Thị C số tiền 3.230.000.000 đồng, với lãi suất từ 4 đến 4,5%/tháng; mục đích vay là để đáo hạn ngân hàng, mua mỳ lát, mua đất. L đã trả lãi 1.866.814.000 đồng, còn lại chiếm đoạt 1.363.186.000 đồng.

5. Đối với trường hợp bà Huỳnh Thị H2 (sinh năm 1973; Trú tại:

59 Võ Lai, khối 1, thị trấn P, huyện T), Nguyễn Thị L chiếm đoạt số tiền 740.000.000 đồng.

Từ ngày 16/7/2012 đến ngày 03/8/2012, Nguyễn Thị L đã 06 lần vay của bà Huỳnh Thị H2 số tiền 1.390.000.000 đồng, với mục đích đáo hạn ngân hàng, mua mỳ lát. L đã trả nợ gốc 570.000.000 đồng, trả lãi 80.000.000 đồng, còn lại chiếm đoạt 740.000.000 đồng.

6. Đối với trường hợp ông Đàm Tấn B2 (sinh năm 1966; Trú tại: thôn Thuận Ninh, xã Bình Tân, huyện T), Nguyễn Thị L chiếm đoạt số tiền 149.000.000 đồng.

Từ ngày 30/5/2012 đến ngày 11/01/2013, Nguyễn Thị L đã 02 lần vay của ông Đàm Tấn B2 số tiền 152.000.000 đồng, với lãi suất 4%/tháng; mục đích vay là để đáo hạn ngân hàng. L đã trả lãi được 3.000.000 đồng, còn lại chiếm đoạt 149.000.000 đồng.

7. Đối với trường hợp bà Phan Thị Phi D (sinh năm 1958; Trú tại:

36 Đường Q, thị trấn P, huyện T), Nguyễn Thị L chiếm đoạt số tiền 421.000.000 đồng.

Từ ngày 20 đến 24/8/2012, Nguyễn Thị L đã 03 lần vay của bà Phan Thị Phi D số tiền 610.000.000 đồng, với lãi suất 9%/tháng; mục đích vay là để đáo hạn ngân hàng. L đã trả lãi được 189.000.000 đồng, còn lại chiếm đoạt 421.000.000 đồng.

8. Đối với trường hợp bà Nguyễn Thị Bích T3 (sinh năm 1957; Trú tại: 38 Ngô Thì Nhậm, thị trấn P, huyện T), Nguyễn Thị L chiếm đoạt số tiền 1.883.168.000 đồng.

Từ ngày 30.5.2012 đến ngày 11.01.2013, Nguyễn Thị L đã 12 lần vay của bà Nguyễn Thị Bích T3 số tiền 2.574.388.000 đồng, với lãi suất từ 3% đến 5%/tháng; mục đích vay là để đáo hạn ngân hàng, mua mỳ lát và mua đất. L đã trả lãi được 691.220.000 đồng, còn lại chiếm đoạt 1.883.168.000 đồng.

Cơ quan Cảnh sát điều tra đã tiến hành xác minh tài sản của vợ chồng Nguyễn Văn N và Nguyễn Thị L, xác định:

+ Nhà và đất ở tại khối Phú Xuân thuộc các thửa đất số 984, 985, 986, tờ bản đồ số 6; nhà và đất ở tại số 103 Đường V, thị trấn P thuộc thửa đất số 83, tờ bản đồ số 21 được UBND huyện T cấp Giấy CNQ SH nhà ở và QSD đất ở cho vợ chồng Nguyễn Văn N và Nguyễn Thị L đã được thế chấp cho Ngân hàng công thương Việt Nam, chi nhánh Phú Tài, tỉnh Bình Định - Vietinbank Phú Tài để vay 2.400.000.000 đồng.

+ Nhà và đất ở tại khối Hòa Lạc, thị trấn P thuộc thửa đất số 1211, tờ bản đồ số 9 được UBND huyện T cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở cho vợ chồng Nguyễn Văn N và Nguyễn Thị L đã thế chấp cho Vietinbank Phú Tài để vay 2,4 tỷ đồng.

+ 03 (ba) lô đất ở địa chỉ Khối 5, thị trấn P thuộc thửa đất số 257,137, 258, tờ bản đồ số 40 được UBND huyện T cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở cho vợ chồng Nguyễn Văn N và Nguyễn Thị L đã được thế chấp cho Vietinbank Phú Tài để vay 330.000.000 đồng.

+ Nhà và đất tại làng Kluh, xã Ia lang, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai, vợ chồng L, N cũng đã thế chấp cho Vietinbank Phú Tài để vay 350.000.000 đồng.

Tổng dư nợ gốc đến ngày 29/8/2013 tại Vietinbank Phú Tài của vợ chồng Nguyễn Thị L và Nguyễn Văn N là 3.250.000.000 đồng, nhưng không có khả năng trả nợ nên đã ký thỏa thuận đồng ý cho Vietinbank Phú Tài được quyền bán tài sản thế chấp để thu hồi nợ. Đến nay vẫn chưa bán được tài sản.

+ Vợ chồng Nguyễn Văn N và Nguyễn Thị L đã thế chấp các thửa đất số 1042, 1043, 1044, 1045, 1046, 1047 và 1018 thuộc tờ bản đồ số 43 ở xã Bình Nghi, huyện T để vay tại Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, chi nhánh huyện T, tỉnh Bình Định (gọi tắt là Agribank T) số tiền 430.000.000 đồng. Đến hạn nhưng vợ chồng L, N không có khả năng trả nợ, nên hiện Ngân hàng đang phát mãi số tài sản trên để thu hồi nợ. Hiện nay, vợ chồng Nguyễn Thị L, Nguyễn Văn N không còn tài sản gì khác để đảm bảo trả cho các bị hại.

Quá trình điều tra lại theo yêu cầu Bản án phúc thẩm số 23/2019/HS-PT ngày 07/01/2019 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng, xác định:

+ Đối với yêu cầu đối chất giữa các bị cáo Nguyễn Thị L, Nguyễn Văn N và bị hại bà Diệp Thị Cẩm T2 để làm rõ số tiền vay 23.599.936.000 đồng, làm rõ các khoản vay, khoản gửi để xác định số tiền gốc, lãi đã trả và số tiền lãi nhập gốc để xác định số tiền thực tế bị chiếm đoạt. Trong quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Định đã tiến hành đối chất giữa bị can L, bị hại T2 vào ngày 25/6/2014 và ngày 22/01/2015 (bút lục 409-411, 416- 417); giữa bị can N và bị hại T2 vào ngày 21/01/2015 (bút lục 412-414). Trong quá trình điều tra lại, các bị can L, bị can N cũng không giải trình và không đưa ra những chứng cứ gì khác về việc không vay mượn tiền của bị hại T2 theo các giấy mượn tiền đã ký nhận, xét thấy không cần thiết phải tiến hành đối chất lại, hơn nữa bị hại T2 từ chối tiến hành đối chất (bút lục 2766- 2767).

+ Về vấn đề liên quan đến khoản tiền 25.000.000.000 đồng: Cần truy xuất nhật ký các cuộc điện thoại đi đến giữa bị hại T2 và những người cho bà T2 vay tiền như Phan Thị Mỹ H2, Lê Thị Diệp Th1, Diệp Thị Thảo, Diệp Thị Tố T4, Lâm Thị Thu H3, Trần Thị C1 và Trần Thị B4, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Định đã có công văn yêu cầu gửi các công ty viễn thông, tuy nhiên theo công văn trả lời của Tổng công ty hạ tầng mạng Vinaphone: chỉ lưu trữ dữ liệu lịch sử cuộc gọi, tin nhắn trong khoảng 1 năm tính từ thời điểm hiện tại. Riêng các công ty viễn thông Mobiphone và Viettel không có văn bản trả lời nên không có cơ sở xác định.

+ Đối với việc xác định thời điểm Nguyễn Thị L giao chiếc xe Attila biển số 77H1-022.58 cho bà Võ Thị Tám: Trước đây (theo Biên bản ghi lời khai ngày 12/02/2015), Nguyễn Thị L khai đã giao chiếc xe này cho Hà Thị H2 và Võ Thị Tám để cấn trừ nợ vào tháng 6/2013. Theo tài liệu điều tra, việc chốt nợ giữa bị can L và H2, bà Tám vào tháng 3/2013. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Định đã làm việc với bà Võ Thị Tám, Phan Thị Ngọc Thắm (con gái bà Tám), Hà Thị H2 và Nguyễn Thị Bích T3 (từng làm kế toán cho L), tất cả đều xác định chiếc xe mô tô Attila biển số 77H1-022.58 hiện bà Tám đứng tên chủ sở hữu là của L cấn trừ nợ cho bà Tám sau khi vỡ nợ trong năm 2013 (bút lục 2873-2881). Như vậy, việc tại phiên tòa phúc thẩm, Nguyễn Thị L khai đã giao xe Attila cho bà H2, bà Tám trong năm 2012 là không có cơ sở. Đối với bà Nguyễn Thị Kim C2 và bà Đỗ Thị Th2 trước đây khai nhận không biết rõ vợ chồng L, N ký giấy mượn tiền và chỉ nghe nói lại. Trong khi Nguyễn Thị L khai không có nói cho bà C2, bà Th2 biết. Vì vậy, việc bà C2 khai tại phiên tòa phúc thẩm thấy ông N ký vào nhiều giấy tờ của bà T2 đưa không có ý nghĩa đối với các vấn đề cần chứng minh trong vụ án.

+ Cơ quan điều tra đã tiến hành thực nghiệm điều tra lại vào ngày 03/10/2019, đã tiến hành chụp ảnh thời gian xuất phát, thời gian và công tơ mét từng đoạn đường, thời gian và công tơ mét tổng quãng đường đi và về theo quy định tại điều 204 Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 15/2020/HS-ST ngày 11/6/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định đã quyết định:

1. Tuyên bố: Các bị cáo Nguyễn Thị L, Nguyễn Văn N phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 174; điểm x khoản 1 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Thị L 20 (hai mươi) năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt bị cáo tạm giam 13/10/2014.

Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 174 của Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Văn N 14 (mười bốn) năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt bị cáo tạm giam 07/12/2017.

2. Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 48 của Bộ luật hình sự; Điều 587, 589 của Bộ luật dân sự 2015.

- Buộc các bị cáo Nguyễn Thị L, Nguyễn Văn N phải phải liên đới bồi thường cho bị hại Diệp Thị Cẩm T2 40.634.220.000 đồng, chia theo phần:

Bị cáo L phải bồi thường cho bà T2 28.134.220.000 đồng (Hai mươi tám tỉ một trăm ba mươi bốn triệu hai trăm hai mươi ngàn đồng);

Bị cáo N phải bồi thường cho bà T2 12.500.000.000 đồng (Mười hai tỉ năm trăm triệu đồng);

- Buộc bị cáo Nguyễn Thị L phải bồi thường cho bị hại bà Hà Thị H2 2.539.550.000 đồng (Hai tỉ năm trăm ba mươi chín triệu năm trăm năm mươi ngàn đồng);

- Buộc bị cáo Nguyễn Thị L phải bồi thường cho bị hại bà Võ Thị Bích V 2.758.000.000 đồng (Hai tỉ bảy trăm năm mươi tám triệu đồng);

- Buộc bị cáo Nguyễn Thị L phải bồi thường cho bị hại bà Nguyễn Thị C 1.363.186.000 đồng (Một tỉ ba trăm sáu mươi ba triệu một trăm tám mươi sáu ngàn đồng);

- Buộc bị cáo Nguyễn Thị L phải bồi thường cho bị hại bà Huỳnh Thị H2 740.000.000 đồng (Bảy trăm bốn mươi triệu đồng);

- Buộc bị cáo Nguyễn Thị L phải bồi thường cho bị hại ông Đàm Tấn B2 149.000.000đ (Một trăm bốn mươi chín triệu đồng);

- Buộc bị cáo Nguyễn Thị L phải bồi thường cho bị hại bà Phan Thị Phi D 421.000.000 đồng (Bốn trăm hai mươi mốt triệu đồng);

- Buộc bị cáo Nguyễn Thị L phải bồi thường cho bị hại bà Nguyễn Thị Bích T3 1.883.168.000 đồng (Một tỉ tám trăm tám mươi ba triệu một trăm sáu mươi tám ngàn đồng).

Ngoài ra, Bản án sơ thẩm còn quyết định về phần án phí, tuyên quyền kháng cáo theo luật định.

Ngày 17/6/2020, bị cáo Nguyễn Văn N có đơn kháng cáo kêu oan.

Ngày 22/6/2020, bị cáo Nguyễn Thị L có đơn kháng cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại vụ án cho phù hợp.

Ngày 09/7/2020, người bị hại bà Nguyễn Thị Bích T3 có đơn kháng cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xử tăng nặng hình phạt đối với các bị cáo Nguyễn Thị L, Nguyễn Văn N.

Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo Nguyễn Thị L, Nguyễn Văn N và người bị hại bà Nguyễn Thị Bích T3 đều giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.

Bị cáo Nguyễn Thị L cho rằng, trong quá trình điều tra bị cáo đã làm đơn yêu cầu thay đổi điều tra viên nhưng không được Cơ quan điều tra trả lời. Các khoản tiền của những người bị hại không đúng, bị cáo xin được đối chất làm rõ nhưng không được điều tra viên chấp nhận. Đối với 72 tờ giấy chữ viết của bà Diệp Thị Cẩm T2, bị cáo yêu cầu điều tra viên cho bị cáo làm việc với bà T2 để làm sáng tỏ các tờ giấy trên nhưng không được điều tra viên chấp nhận,... Bị cáo L yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xem xét xử lý vụ án theo đúng quy định của pháp luật.

Bị cáo Nguyễn Văn N cho rằng bị cáo bị oan nên yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại toàn bộ vụ án.

Người bị hại bà Nguyễn Thị Bích T3 cho rằng, bị cáo L vu khống cho Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Định trước Tòa án sơ thẩm nên yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xử tù chung thân đối với bị cáo L và tăng hình phạt đối với bị cáo N.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Nguyễn Thị L, Nguyễn Văn N và kháng cáo của người bị hại bà Nguyễn Thị Bích T3, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Lời bào chữa của Luật sư cho bị cáo Nguyễn Thị L cho rằng việc thực nghiệm điều tra chưa đúng, các giấy tờ nợ chưa được làm rõ, trong quá trình điều tra bị cáo L yêu cầu thay đổi điều tra viên nhưng không được giải quyết, Luật sư yêu cầu cho các bị cáo đối chất với người bị hại để làm rõ 72 giấy mà bà T2 đã viết nhưng không được chấp nhận. Do đó, trong quá trình điều tra chưa đảm bảo nên đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét. Luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn N cho rằng bị cáo Nguyễn Văn N có ký vào giấy nợ, nhưng ký theo yêu cầu của bà Diệp Thị Cẩm T2 nên hành vi của bị cáo Nguyễn Văn N không phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm tuyên bố bị cáo N không phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định: [1] Về phần thủ tục tố tụng:

Tại Biên bản về việc bị can Nguyễn Thị L yêu cầu thay đổi điều tra viên lập ngày 23/11/2017 thể hiện: Bị can Nguyễn Thị L yêu cầu thay đổi điều tra viên Nguyễn Thanh Bình và có viết đơn xin thay đổi điều tra viên không đồng ý làm việc (bút lục 2230). Cùng ngày 23/11/2017, bị cáo Nguyễn Thị L làm đơn xin thay đổi đội điều tra (bút lục 2229). Tại Biên bản làm việc ngày 20/3/2018 (có đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định tham gia) thể hiện: Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC45) yêu cầu bị can L phối hợp khai báo về toàn bộ hành vi phạm tội của bản thân, quá trình vay mượn tiền giữa bị can và các bị hại liên quan trong vụ án, nhưng bị can L không đồng ý khai báo vì lý do đề nghị thay đổi điều tra viên điều tra vụ án. Ông Phan Hồng Sơn (Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Định) đã làm việc trực tiếp về vấn đề thay đổi điều tra viên với bị can và đã thể hiện lại nội dung bằng Biên bản làm việc, nhưng bị can L vẫn không đồng ý và yêu cầu Cơ quan Cảnh sát điều tra phải trả lời rõ ràng vấn đề trên bằng Văn bản (bút lục 2233). Tại Biên bản làm việc ngày 28/3/2018 về việc bị can Nguyễn Thị L không ký Bản kết luận điều tra vụ án hình sự đề nghị truy tố thể hiện: Mặc dù bị can Nguyễn Thị L đã từng viết Đơn đề nghị thay đổi điều tra viên điều tra vụ án và Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC45) Công an tỉnh Bình Định đã tiếp nhận và đã làm việc với bị can L về vấn đề trên, bị can đã được giải thích đầy đủ và rõ ràng về quy định của pháp luật liên quan đến việc cử người điều tra vụ án, nhưng bị can vẫn một mực không đồng ý (bút lục 2228). Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 11/6/2020, bị cáo L có khai điều tra viên ép cung bị cáo (bút lục 3074). Lời bào chữa của Luật sư cho bị cáo L tại phiên tòa nói trên cũng thể hiện: Bị cáo L kêu oan, tố cáo điều tra viên Nguyễn Thanh Bình và yêu cầu thay đổi điều tra viên nhưng không được chấp nhận (bút lục 3080), tại phiên tòa phúc thẩm, Luật sư vẫn nêu vấn đề này. Tại Đơn kháng cáo bị cáo L cũng nêu nội dung thay đổi điều tra viên nhưng không được trả lời (bút lục 3085, 3086). Tại phiên tòa phúc thẩm, người bị hại bà Nguyễn Thị Bích T3 cho rằng tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo L vu khống cho Cơ quan điều tra ép cung bị cáo là không đúng. Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 472 Bộ luật tố tụng hình sự Quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại là được nhận Quyết định giải quyết khiếu nại. Do đó, bị cáo L yêu cầu Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Định trả lời cho bị cáo bằng Văn bản là có cơ sở.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm nhận định: Qúa trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo, những người tham gia tố tụng khác đều không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp. Việc nhận định trên là không đúng với diễn biến trong quá trình điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm, vi phạm điểm e khoản 2 Điều 260 Bộ luật tố tụng hình sự.

Ngày 12/11/2019, bị cáo Nguyễn Văn N có Đơn tố cáo (bút lục 2937) và ngày 12/7/2020 bị cáo N tiếp tục có đơn tố cáo đối với điều tra viên nên cũng được làm rõ và giải quyết theo quy định tại Điều 478 đến Điều 483 Bộ luật tố tụng hình sự.

[2] Về phần nội dung:

Các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm quy kết Nguyễn Thị L chiếm đoạt của người bị hại bà Diệp Thị Cẩm T2 tổng số tiền 40.634.220.000 đồng. Trong đó, L chiếm đoạt của bà T2 15.634.220.000 đồng; L cùng với Nguyễn Văn N chiếm đoạt của bà T2 25.000.000.000 đồng. Theo lời khai của bà T2 ngày 18/4/2019, các Bản tự khai ngày 17/4/2019 và ngày 03/5/2019, phần diễn giải số tiền của bà T2.... đều thể hiện: Trong số tiền L chiếm đoạt của bà T2 15.634.220.000 đồng có khoản tiền 734.220.000 đồng các khoản linh tinh (bút lục 2773, 2777, 2841, 2845). Các khoản linh tinh là khoản tiền gì chưa được làm rõ.

Tại lời khai ngày 17/10/2013, bà T2 khai: Số tiền 25 tỷ đồng,... Trong đó, tôi có sẵn tiền mặt dành dụm 10.550.000.000 đồng cất giữ ở nhà, còn lại 14.450.000.000 đồng tôi vay mượn của nhiều người: Lê Thị Diệp Th1 5 tỷ đồng, Diệp Thị H4 500 triệu đồng, Diệp Thị Tố T4 500 triệu đồng, Trịnh Thị B4 1,5 tỷ đồng, Trương Thị Ngọc D1 1.650.000.000 đồng, Trần Thị C1 400 triệu đồng, Lâm Thị Thu H3 1 tỷ đồng, Phạm Thị H2 1 tỷ đồng, vay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn T 2,7 tỷ đồng, vay Ngân hàng Sacombank 200 triệu đồng (bút lục 398). Theo lời khai của bà Trương Thị Ngọc D1 ngày 24/4/2015 thể hiện bài D có cho bà T2 vay tiền, hiện còn nợ 1.650.000.000 đồng (bút lục 497). Tại phiên tòa phúc thẩm, bà T2 khai có vay tiền của bà Trương Thị Ngọc D1 để cho các bị cáo vay lại, nhưng nội dung vụ án không thể hiện việc bà T2 có vay mượn tiền của bài D hay không. Nội dung vụ án nêu: Khoảng 06 giờ ngày 21/02/2013, anh Diệp Minh Trung (cháu ruột bà T2) điều khiển xe ô tô 77A-001.34 của bà T2 chở bà T2 lần lượt đến các bà H2, Th1, H4, T4 để lấy tiền vay; đến khoảng 10 giờ cùng ngày, bà T2 về nhà và tiếp tục sử dụng xe mô tô đến nhà các bà H3, C1, B4 lấy tiền rồi về giao cho vợ chồng L, N 04 lần với số tiền 16 tỷ đồng vào buổi chiều cùng ngày. Kết luận như vậy là không chính xác, bởi lẽ: Bà T2 vay tiền của các bà: H2, Th1, H4, T4, H3, C1, B4 tổng cộng 9.900.000.000 đồng, chứ không phải 16 tỷ đồng như đã nói trên. Hơn nữa, bà T2 đi lấy tiền vay bằng xe ô tô và xe mô tô về chiều mới giao tiền cho các bị cáo L, N thì tại sao không viết một giấy mượn tiền mà lại viết thành bốn giấy. Trường hợp bà T2 vay từng lần của người bị hại để giao cho các bị cáo thì cần làm rõ từng giấy mượn tiền bà T2 vay của những người bị hại nào. Tại lời khai ngày 04/5/2019 của bà T2 thể hiện: Tôi cũng xin khẳng định 72 tờ giấy mà bà L đã giao nộp cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Định như tôi đã trình bày trước đây là có liên quan đến việc vợ chồng bà L, ông N vay và chiếm đoạt tiền của tôi trong khoản tiền vợ chồng L, N viết và ký xác nhận 24 tỷ đồng,... (bút lục 2700). Do đó, bị cáo L cho rằng 72 tờ giấy chữ viết của bà T2 nên yêu cầu được đối chất với bà T2 để làm rõ là chính đáng. Đồng thời, tại Bản án hình sự phúc thẩm số 23/2019/HS-PT ngày 07/01/2019 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng yêu cầu đối chất nhưng chưa được tiến hành. Trong quá trình điều tra, người bị hại bà Nguyễn Thị Bích T3 chưa được đối chất với bị cáo L. Tại Bản tự khai ngày 18/9/2019, bị cáo L cho rằng chị Nguyễn Thị Bích T3 chưa được đối chất với bị cáo và bị cáo cũng không thống nhất với số tiền của bị hại T3 (bút lục 2754). Tại phiên tòa phúc thẩm, người bị hại bà T3 khai: Cơ quan điều tra cho rằng bị cáo L đã thừa nhận nên không đối chất. Như vậy, yêu cầu của bị cáo L là chính đáng, đúng theo quy định tại Điều 189 Bộ luật tố tụng hình sự nên cần phải được chấp nhận.

Đối với những người bị hại còn lại đã được đối chất với bị cáo L từ năm 2014, 2015 trên cơ sở số tiền vay mà chưa đưa ra tài liệu, chứng cứ. Trong quá trình điều tra cũng như tại Đơn kháng cáo bị cáo L mong muốn được đối chất với 8 người bị hại để làm rõ số tiền mà bị cáo chiếm đoạt của những người bị hại (bút lục 2757, 3085, 3086). Theo quy định tại Điều 189 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 có quy định: Trong quá trình đối chất, Điều tra viên có thể đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật có liên quan, ... Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc đối chất.... Đây là những điểm mới so với Bộ luật tố tụng hình sự năm 2004, bị cáo có yêu cầu nên cần được xem xét cho đối chất lại. Hơn nữa, tại các bản đối chiếu tiền vay do người bị hại bà T2 lập ngày 19/01/2015, trong đó có nhiều khoản tiền bà T2 không ghi rõ lý do vay, có những khoản bà T2 trừ ra nhưng không rõ khoản tiền gì (bút lục 324 đến 340). Trường hợp căn cứ vào giấy mượn tiền cuối cùng thì cũng không chính xác vì trong quá trình điều tra số tiền của người bị hại bà T2 cũng có thay đổi.

[3] Với những vi phạm, thiếu sót như đã được phân tích trên, Tòa án cấp phúc thẩm không thể bổ sung được nên hủy bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định và chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định để điều tra lại.

[4] Do bản án sơ thẩm bị hủy nên các bị cáo Nguyễn Thị L, Nguyễn Văn N không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 355; điểm b, c khoản 1, khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều 358; khoản 1 Điều 360 Bộ luật tố tụng hình sự.

1. Hủy Bản án hình sự sơ thẩm số 15/2020/HS-ST ngày 11 tháng 6 năm 2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định và chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định để điều tra lại theo thủ tục chung.

2. Các bị cáo Nguyễn Thị L, Nguyễn Văn N không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

163
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản số 167/2021/HS-PT

Số hiệu:167/2021/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:14/04/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về