Bản án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản số 16/2020/HS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH CÀ MAU

BẢN ÁN 16/2020/HS-PT NGÀY 10/02/2020 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Trong các ngày 07 và 10 tháng 02 năm 2020, tại trụ sở, Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số 177/2019/TLPT-HS ngày 31 tháng 10 năm 2019 đối với bị cáo T, do có kháng cáo của bị cáo, của người có quyền lơi, nghĩa vụ liên quan là S đối với bản án hình sự sơ thẩm số: 17/2019/HS-ST ngày 11 tháng 9 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện Đ, tỉnh Cà Mau.

- Bị cáo có kháng cáo:

T, sinh năm 1978; Nơi sinh tại Cà Mau; Đăng ký hộ khẩu thường trú: huyện Đ, tỉnh Cà Mau; Chỗ ở: huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau; Nghề nghiệp: Cán bộ, công chức cấp xã; Chức vụ:Nguyên Phó Chủ tịch UBND xã; Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam (Đình chỉ sinh hoạt Đảng ngày 01/11/2013); Trình độ học vấn: 12/12; Dân tộc: Kinh; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam;

Con ông H (chết) và bà Đ (chết); Vợ: C; Con: 02 người con; Tiền án: Không; Tiền sự: Không; Nhân thân: Ngày 06/11/2018 bị Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau xét xử phúc thẩm phạt 07 năm tù về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”; T bị bắt tạm giam trong vụ án này từ ngày 04/11/2013 đến ngày 02/11/2016 được thay đổi biện pháp ngăn chặn tạm giam; hiện đang chấp hành hình phạt tù trong vụ án khác.

- Người bào chữa cho bị cáo: + Ông C, Luật sư – Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh; Địa chỉ Văn phòng: Thành phố Hồ Chí Minh.

+ Bà A, Luật sư – Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh; Địa chỉ Văn phòng: Thành phố Hồ Chí Minh.

- Người tham gia tố tụng khác có kháng cáo, có liên quan đến kháng cáo:

+ Ông S, sinh năm 1983; Nơi cư trú: huyện Đ, tỉnh Cà Mau.

+ Ông N, sinh năm 1983; Nơi cư trú: huyện Đ, tỉnh Cà Mau.

+ Ông N, sinh năm 1970;

+ Ông B, sinh năm 1972;

- Người tham gia tố tụng khác không kháng cáo, không triệu tập:

M, sinh năm 1952; N, sinh năm 1958; T, sinh năm 1940; T, sinh năm 1945; Đ, sinh năm 1953; D, sinh năm 1933; B, sinh năm 1959; T, sinh năm 1985; B, sinh năm 1977; Q, sinh 1948; Đ, sinh năm 1949; K, sinh năm 1986; Ng, sinh năm 1967.

- Nguyên đơn dân sự: Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện;

Người đại diện hợp pháp: Ông B – Phó Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện là người đại diện theo ủy quyền (Giấy ủy quyền số 01/TB- LĐTBXH ngày 06/02/2020) Tại phiên tòa: Bị cáo, Luật sư C, Luật sư A, ông B, ông S, ông N, ông B, ông N có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, nội dung và quyết định của bản án sơ thẩm được tóm tắt như sau:

Từ tháng 01/2006 đến tháng 6/2010, T là Công chức Văn hóa – Xã hội thuộc Uỷ ban nhân dân xã (viết tắt UBND xã); Ngày 30/8/2008, T là Phó Chủ tịch Hội đồng xét duyệt hồ sơ chế độ chính sách theo Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 08/01/2005 của Thủ tướng Chính phủ (viết tắt Quyết định 290); Ngày 16/7/2010, T là Phó Chủ tịch UBND xã. Từ năm 2008 – 2010, T có hành vi vi phạm như sau:

Hồ sơ S – sinh năm 1949, trú ấp T, xã N; hồ sơ bị cáo viết bản khai cá nhân, hồ sơ lập năm 2009 và được xét duyệt cấp số tiền 5.400.000 đồng. Ngày 10/4/2010, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện (viết tắt Phòng LĐ- TB&XH huyện) gửi giấy báo lĩnh tiền về UBND xã, ngày 28/4/2010 bị cáo viết giấy giới thiệu bị cáo đi nhận tiền chế độ của ông Sỏi trình ông B - Phó Chủ tịch UBND xã ký. Căn cứ vào Giấy giới thiệu, Phòng LĐ-TB&XH huyện cấp tiền, bị cáo nhận số tiền này.

Song, tại ấp T xã N không có người tên S – sinh năm 1949 đủ điều kiện được hưởng chế độ 290. Án sơ thẩm buộc bị cáo chiếm đoạt 5.400.000 đồng.

Hồ sơ So – sinh năm 1941, trú ấp T, xã N; hồ sơ bị cáo viết bản khai thân nhân, hồ sơ được lập năm 2008 và được xét duyệt cấp 7.750.000 đồng. Ngày 15/6/2010, Phòng LĐ-TB&XH huyện gửi giấy báo lĩnh tiền về UBND xã, bị cáo ký nhận và giấy báo; Căn cứ vào Giấy giới thiệu, Phòng LĐ-TB&XH huyện cấp tiền, bị cáo nhận số tiền này.ngày 24/6/2010 Phòng LĐ-TB&XH huyện ra phiếu chi, bị cáo nhận số tiền này.

Song, tại ấp T, xã N không có người tên So – sinh năm 1941 thuộc đối tượng được hưởng chế độ 290. Án sơ thẩm buộc bị cáo chiếm đoạt số tiền này.

Hồ sơ Đ – sinh năm 1926, trú ấp H, xã N, số tiền được hưởng 11.650.000 đồng.

Phòng LĐ-TB&XH huyện gửi giấy báo lĩnh tiền về UBND xã, bị cáo nhận giấy nhưng không báo cho thân nhân bà Đ. Ngày 25/8/2010, bị cáo viết và ký giấy giới thiệu N với danh nghĩa là cháu bà Đ đến Phòng LĐ-TB&XH huyện nhận; Căn cứ vào Giấy giới thiệu, Phòng LĐ-TB&XH huyện giao tiền cho anh N. Anh N cho rằng, số tiền nhận được anh giao lại cho bị cáo, bị cáo không thừa nhận; Án sơ thẩm buộc bị cáo chiếm đoạt số tiền này.

Do quá lâu mà không có thông tin nên gia đình bà Đ liên hệ Phòng LĐ- TB&XH huyện thì được biết hồ sơ bà Đ được cấp 11.650.000 đồng Ủy ban xã giới thiệu anh N nhận xong. Gia đình bà Đ không đồng ý nhận lại số tiền từ Ủy ban xã mà yêu cầu Phòng LĐ-TB&XH huyện chi trả. Ngày 06/12/2016, Phòng LĐ- TB&XH huyện chi trả 11.650.000 đồng cho ông T (con bà Đ) nhận.

Hồ sơ N – sinh năm 1918 và hồ sơ L – sinh năm 1937 cùng trú ấp T, xã N.

Hồ sơ N địa phương không tổ chức họp xét; hồ sơ N được lập khống, tại địa phương không có ông N – sinh năm 1918 là người được hưởng chế độ 290. Hồ sơ ông N được xét duyệt hưởng 6.000.000 đồng, sau khi có thông báo nhận tiền, ngày 24/11/2008, bị cáo viết giấy giới thiệu cho ông S đến Phòng LĐ-TB&XH huyện nhận tiền.

Hồ sơ ông L được xét duyệt 5.500.000 đồng; nhận được thông báo nhận tiền ngày 26/12/2011, bị cáo viết và ký giấy giới thiệu ông S với tư cách …..đến Phòng LĐ-TB&XH huyện nhận.

Ông S xác định khi nhận tiền về đã giao cho bị cáo; bị cáo không thừa nhận đã nhận tiền của ông S giao. Án sơ thẩm xác định không có cơ sở buộc bị cáo chiếm đoạt số tiền này.

Hồ sơ E – sinh năm 1945 và hồ sơ U – sinh năm 1945 cùng trú ấp T, xã N:

Hồ sơ bà E được xét duyệt hưởng 5.750.000 đồng, Hồ sơ ông U được xét duyệt hưởng 4.000.000 đồng; Có thông báo nhận tiền, bị cáo ký xác nhận, ngày 30/6/2010 bị cáo viết giấy giới thiệu ông N đưa ông B ký, ông N đến Phòng LĐ- TB&XH huyện nhận 9.750.000 đồng tiền của 02 hồ sơ này. Ông N cho rằng, nhận tiền về ông đã giao lại toàn bộ tiền cho bị cáo, còn bị cáo không thừa nhận có nhận tiền ông N giao lại; Án sơ thẩm xác định không có cơ sở buộc bị cáo chiếm đoạt số tiền này.

Hồ sơ T – sinh năm 1942, trú ấp T, xã N: Bà T được xét duyệt hưởng 7.500.000 đồng; Có Thông báo nhận tiền, bị cáo ký nhận, ngày 29/11/2010 bị cáo viết và ký giấy giới thiệu ông B đến Phòng LĐ-TB&XH huyện nhận tiền. Ông B xác định, nhận tiền về ông giao lại cho bị cáo nhưng bị cáo không thừa nhận có nhận số tiền ông B giao; Án sơ thẩm xác định không có cơ sở buộc bị cáo chiếm đoạt số tiền này.

Hồ sơ bà M (bí danh M) – sinh năm 1951, trú ấp H, xã N do bà M nhờ V viết hộ; Hồ sơ này được xét duyệt hưởng 4.750.000 đồng. Cũng thời điểm trên, do lập hồ sơ có sai sót nên bà M nhờ bị cáo lập một hồ sơ nhưng lại ghi tên M (bí danh H) – sinh năm 1952; Hồ sơ này được xét duyệt hưởng 3.750.000 đồng.

Ngày 02/6/2008, Phòng LĐ-TB&XH huyện gửi giấy báo lĩnh tiền về UBND xã với số tiền 4.750.000 đồng. Bị cáo nhận giấy báo, đến ngày 23/6/2008 viết giấy giới thiệu và trình ông B ký để bị cáo nhận tiền. Phòng LĐ-TB&XH huyện đã ra phiếu chi, bị cáo nhận số tiền này.

Ngày 18/10/2010, Phòng LĐ-TB&XH huyện gửi giấy báo lĩnh tiền về UBND xã với số tiền 3.750.000 đồng; Ngày 27/8/2010, ông V – Phó Chủ tịch UBND xã ký giấy giới thiệu bà Mừng đến nhận, Phòng LĐ-TB&XH huyện đã ra phiếu chi, bà Mừng nhận số tiền này.

Bà M khai, bà sinh năm 1951 nhưng giấy tờ tùy thân ghi năm 1952, quá trình thiết lập hồ sơ có sai sót phải làm lại nhiều lần nên khi có giấy báo lĩnh số tiền 3.750.000 đồng bà đi nhận nhưng không biết nhận tiền của hồ sơ nào. Đối với bị cáo, sau khi nhận 4.750.000 đồng về đã giao lại bà M, bà M thừa nhận; Án sơ thẩm xác định không có cơ sở buộc bị cáo chiếm đoạt số tiền này.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 17/2019/HS-ST ngày 11 tháng 9 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện Đầm Dơi quyết định:

Căn cứ vào điểm d khoản 2 Điều 139, khoản 2 Điều 46 và điểm g khoản 1 Điều 48, khoản 1 Điều 42 của Bộ luật Hình sự năm 1999; Điểm a khoản 3 Điều 106, khoản 2 Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự; Điểm đ khoản 1 Điều 12, điểm a, c khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí và lệ phí Tòa án.

Xử phạt: - T 02 năm 11 tháng 28 ngày tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; Đối trừ thời hạn đã bị tạm giam từ ngày 04/11/2013 đến ngày 02/11/2016 thì bị cáo đã chấp hành xong hình phạt tù.

- Buộc: + Bị cáo T trả lại Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện 24.800.000 đồng.

+ Ông S trả lại Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện 11.500.000 đồng. đồng. đồng.

+ Bà M trả lại Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện 3.750.000 + Ông N trả lại Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện 9.750.000 + Ông Phạm Văn Bi trả lại Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện 7.500.000 đồng.

- Trả lại ông N 01 điện thoại di động hiệu Samsung S.7562.

- Bị cáo T phải chịu án phí hình sự sơ thẩm 200.000 đồng và án phí dân sự sơ thẩm 1.240.000 đồng.

- Miễn án phí dân sự sơ thẩm cho bà M; Hoàn trả lại bà M số tiền 300.000 đồng đã nộp tạm ứng.

- Án phí dân sự sơ thẩm ông N phải chịu 487.500 đồng; ông Bphải chịu 375.000 đồng; ông S phải chịu 575.000 đồng.

Ngày 26 tháng 9 năm 2019, Tòa án nhân dân huyện Đầm Dơi nhận được Đơn kháng cáo của bị cáo T (Đơn đề ngày 25/9/2019), cho rằng bản án sơ thẩm số 17/2019/HS-ST gây oan, sai cho bị cáo, bị cáo không lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao và bỏ lọt tội phạm. Bị cáo nhận tiền dùm (hộ) và giao lại cho đối tượng không chiếm đoạt, quá trình điều tra Điều tra viên không khách quan, thời gian tạm giam nhiều hơn thời hạn tù; yêu cầu cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm tuyên bị cáo không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như án sơ thẩm kết tội.

Ngày 08 tháng 10 năm 2019, ông S nộp Đơn kháng cáo (Đơn kháng cáo đề ngày 07/10/2019) cho rằng số tiền 6.000.000 đồng của ông N và số tiền 5.500.000 đồng của ông L ông đã giao cho bị cáo T nên không đồng ý với quyết định của bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo, ông Sang giữ nguyên nội dung yêu cầu kháng cáo.

Ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm a khoản 1 Điều 355; Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự; không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị cáo T, không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông S; Giữ nguyên bản án sơ thẩm số 17/2019/HS-ST ngày 11 tháng 9 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện Đầm Dơi.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] T là bị cáo trong vụ án, Đơn kháng cáo của bị cáo trong thời hạn luật định, nên chấp nhận xem xét giải quyết. Ông S là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án, ông S nộp Đơn kháng cáo quá thời hạn luật định nhưng được Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau ra Quyết định số 04/2019/HSPT ngày 18/10/2019 chấp nhận kháng cáo quá hạn. Căn cứ Điều 333, 335 – Bộ luật Tố tụng hình sự, Tòa án tiến hành xem xét, giải quyết yêu cầu kháng cáo của ông S, bị cáo T.

[2] Bị cáo cho rằng, quá trình điều tra Điều tra viên không vô tư, không khách quan khi làm nhiệm vụ.

Hội đồng xét xử xét thấy: Ngày 13/5/2019, khi nhận Bản Kết luận điều tra bị can có ý kiến cho rằng, Điều tra viên A, T và Tr - Phó thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an huyện không khách quan khi làm nhiệm vụ, ký kết luận điều tra và đề nghị truy tố bị can là sai thẩm quyền, không thu thập chứng cứ gở tội mà bị can đã yêu cầu.

Xét thấy: Việc tiến hành điều tra của Điều tra viên, Phó Thủ trưởng Cơ quan cơ quan Cảnh sát điều tra thực hiện điều tra vụ án đã thực hiện đúng theo quy định Điều 34, 35, khoản 4 Điều 110 – Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 và Điều 36, 37, điểm a khoản 5 Điều 163 – Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Qua xem xét toàn bộ chứng cứ có tại hồ sơ mà cơ quan điều tra đã thu thập được, các vấn đề liên quan đến hành vi của bị cáo đối với hồ sơ Trần Văn S, Phạm Văn S, Lê Thị Đ mà bị cáo đặt ra, Cơ quan điều tra đã điều tra làm rỏ chứng cứ buộc tội và chứng cứ gở tội mà bị cáo yêu cầu. Không có căn cứ để chứng minh Điều tra viên không vô tư, không khách quan khi làm nhiệm vụ điều tra vụ án. Ngày 15/5/2019, Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an huyện ban hành Văn bản số 37/CSĐT giải quyết không chấp nhận yêu cầu khiếu nại của bị can. Do đó, yêu cầu kháng cáo này của bị cáo không có căn cứ chấp nhận.

[3] Bị cáo kháng cáo cho rằng, Bản án sơ thẩm số 17/2019/HS-ST ngày 11/9/2019 của Tòa án nhân dân huyện Đầm Dơi kết tội bị cáo phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với hồ sơ Phạm Văn S, hồ Sơ Trần Văn S là không đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Vì, Cơ quan điều tra đã ra Quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự và đình chỉ điều tra bị can về tội tham ô tài sản đối với bị cáo, các Quyết định này đã có hiệu lực pháp luật.

Thấy rằng, ngày 03/11/2013 Cơ quan Cảnh sát Điều tra – Công an huyện (viết tắt Công an) ra Quyết định khởi tố vụ án số 74/QĐ-CQCSĐT và ra Quyết định khởi tố bị can số 106/ĐTĐD đối với T về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngày 06/3/2014, Công an có Kết luận điều tra số 16/KLĐT đề nghị Viện kiểm sát nhân dân huyện (viết tắt VKS) truy tố T có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với 13 hồ sơ hưỡng chế độ theo Quyết định 290 trong đó có hồ sơ Phạm Văn S, hồ Sơ Trần Văn S.

Ngày 18/4/2013, VKS có Quyết định số 02/KSĐT Trả hồ sơ cho Công an để điều tra bổ sung. Ngày 16/5/2014, Công an ra Quyết định số 04/QĐ – CQCSĐT khởi tố bổ sung vụ án hình sự về tội Tham ô tài sản. Quyết định nêu rỏ: Có căn cứ xác định ngoài tội phạm đã khởi tố còn có dấu hiệu tội phạm Tham ô tài sản theo Điều 278 – Bộ luật hình sự nên Công an ra Quyết định khởi tố bổ sung Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 74/QĐ – CQCSĐT. Ngày 16/5/2014 ra Quyết định số 04/QĐ – CQCSĐT khởi tố bị can bổ sung đối với bị can T về tội Tham ô tài sản với căn cứ xác định ngoài hành vi phạm tội đã bị khởi tố theo Quyết định khởi tố bị cán số 74/QĐ – CQCSĐT bị can còn có hành vi Tham ô tài sản theo Điều 278 – Bộ luật hình sự. Như vậy, cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự bổ sung về tội phạm tham ô tài sản và khởi tố bị can bổ sung về hành vi tham ô tài sản đối với bị can T.

Ngày 18/8/2015, Công an ra Quyết định số 03/QĐ-CSĐT Đình chỉ điều tra vụ án hình sự đối với Quyết định bổ sung số 04/QĐ – CQCSĐT ngày 16/5/2014 khởi tố vụ án hình sự về tội Tham ô tài sản và ra Quyết định số 03/QĐ-CSĐT Đình chỉ điều tra bị can đối với Quyết định khởi tố bổ sung đối với Quyết định khởi tố bị can số 04/ QĐ – CQCSĐT ngày 16/5/2014 về tội Tham ô tài sản.

Như vậy, ngày 18/8/2015 Công an ra Quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự đối với Quyết định khởi tố bổ sung vụ án Tham ô tài sản (Quyết định số 04/QĐ – CQCSĐT) và ra Quyết định Đình chỉ điều tra bị can đối với Quyết định khởi tố bị can bổ sung về hành vi tội Tham ô tài sản (Quyết định số 04/QĐ – CQCSĐT) chứ không phải ra Quyết định đình chỉ vụ án hình sự Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Quyết định 74/QĐ – CQCSĐT) và Quyết định khởi tố bị can về Tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (106/ĐTĐD). Do đó, bị cáo cho rằng hành vi của bị cáo đã có Quyết định đình chỉ vụ án đã có hiệu lực pháp luật là không có căn cứ chấp nhận.

[4] Xét hồ sơ Trần Văn S – sinh năm 1949, thường trú ấp T, xã N, hồ sơ thiết lập năm 2009.

Cấp sơ thẩm xác định bị cáo lập khống hồ sơ Trần Văn S để chiếm đoạt 5.400.000 đồng tiền chế độ; Bị cáo và Luật sư bào chữa khẳng định ông Trần Văn S – sinh năm 1949 là người có thật, ông S là con nuôi của bà nội của bị cáo, chính ông S nhờ bị cáo viết hộ bản khai cá nhân và ông S là người ký tên, ông S nhờ bị cáo nhận tiền, bị cáo nhận tiền và đã giao lại cho ông S.

Như vậy, vấn đề đặt ra là nội dung ghi trong hồ sơ Trần Văn S – sinh năm 1949 có đúng sự thật hay ghi sai sự thật để được hưởng chế độ chính sách; hành vi của bị cáo đã tham gia thiết lập hồ này như thế nào; ông Trần Văn S người trong hồ sơ có phải là ông Trần Văn S con nuôi như bị cáo trình bày; ông S con nuôi của bà nội bị cáo có đủ điều kiện để hưởng chế độ 290 hay không; ông có tham gia thiết lập hồ sơ này không, nếu có thì tham gia như thế nào.

Hội đồng xét xử xét thấy, Bản khai cá nhân Trần Văn S trong hồ sơ ghi: Trần Văn S, Bí danh 2 S, sinh năm 1949; quê quán và đăng ký hộ khẩu thường trú ấp T, xã N nhưng tại ấp T, xã N không có người tên Trần Văn S, Bí danh 2 S, năm sinh 1949 cư trú.

Bản khai cá nhân ghi: Giấy tờ liên quan đến tham gia kháng chiến chống Mỹ còn lưu giữ là Huy chương kháng chiến hạng nhất. Kèm theo hồ sơ là Huy chương kháng chiến hạng nhất tên Trần Văn S, số sổ vàng 221 ban hành theo Quyết định số 672/2006/QĐ-CTN, ngày 06/6/2006 của Chủ tịch nước. Qua xác minh Ban thi đua khen thưởng tỉnh Cà Mau xác nhận không có tên Trần Văn S trong Sổ ra Quyết định trên, số sổ vàng 221 trong danh sách là Trần Văn H (cha của bị cáo) phù hợp với Huy chương kháng chiến hạng nhất của ông Trần Văn H.

Bản khai cá nhân ghi: Người biết được quá trình tham gia công tác của ông S gồm ông Nguyễn Minh H, trú ấp T, xã N và ông Bùi Văn N, trú xã Đ, huyện C là những người cùng đơn vị. Qua xác minh ở địa phương xã Đ, huyện C không có ông Bùi Văn N công tác chung với ông S; còn ông Nguyễn Minh H xác định ông không công tác chung và không biết ông S (BL:2697, 2653).

Hồ sơ ông S không được địa phương họp xét; Biên bản Hội nghị liên tịch ngày 20/8/2009 do ông Bùi Ngọc V (Trưởng ấp), ông Nguyễn Văn U (Chi ủy), ông Nguyễn Văn Q (Cựu chiến binh ấp), ông Phạm Minh Đ (Hội người cao tuổi) ký khống vào mẩu trắng.

Biên bản Hội nghị Ban chấp hành Hội cựu chiến binh ngày 18/8/2009 có 02 người cùng ký tên xác nhận gồm ông Trần Ngọc T - Phó chủ tịch Hội cựu chiến binh xã và ông Nguyễn Ngọc D - Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã. Ông T xác định ông ký khống vào mẩu trắng chưa điền thông tin, còn ông D cho rằng khi ký không đọc lại biên bản mà thấy ông T ký rồi thì ông ký vào (BL:2951, 2962).

Căn cứ vào hồ sơ trên đã chứng minh hồ sơ Trần Văn S mà bị cáo viết bản khai cá nhân là hồ sơ có nội dung sai sự thật, không có đối tượng thật Trần Văn S – sinh năm 1949, quê quán và thường trú ấp T, xã Ngọc C như trong hồ sơ.

Bị cáo cho rằng, hồ sơ này do ông Trần Văn S con nuôi của bà nội của bị cáo nhờ bị cáo viết hộ bản khai cá nhân. Ông Lê Văn C, em ruột bà Lê Thị H (bà nội của bị cáo) xác định: Bà H có người con nuôi tên Trần Văn S (2 S) nơi ở R, huyện N làm nghề mua bán ở dưới ghe (trên sông). Thời điểm bà H chết ông S có về gia đình bà H được 02 lần vào năm 1987, hiện nay ông S ở đâu không rỏ (BL:

2020). Ông Lê Minh T, sinh năm 1963, trú ấp T, xã Ngọc C xác nhận: Ông Trần Văn S (2 S) là con nuôi của bà Lê Thị H, trước năm 2012 ông S thường tới lui gia đình ông H (cha bị cáo) kể từ ngày ông H chết thì ông không gặp ông S (BL:

2510). Ông Phạm Minh T – Bí thư chi bộ ấp T, xã N trình bày bằng văn bản: Căn cứ cuộc họp chi bộ ấp T, xã Ngọc C mở rộng ngày 28/5/2018 thì ông Trần Văn S, bí danh 2 S là con nuôi của bà Lê Thị H ấp T, xã N là đúng, trước đây có mặt ở địa phương, hiện nay ở đâu thì không rỏ. Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 09/9/2019 ông T xác định: Văn bản xác nhận trên là do ông ký, nội dung trên ông căn cứ vào cuộc họp tại địa phương lấy ý kiến xác nhận chứ bản thân ông không rỏ.

Như vậy, lời khai của ông C, ông T và xác nhận của ông T thể hiện có ông Trần Văn S con nuôi của bà Lê Thị H nhưng không ai biết được hiện nay ông S đang ở đâu. Thông tin ông Trần Văn S là con nuôi của bà H không phải là chứng cứ chứng minh Bản khai cá nhân trong hồ sơ Trần Văn S là do ông S nhờ bị cáo viết hộ.

Đối với hành vi bị cáo viết Bản khai cá nhân Trần Văn S thấy rằng: Bị cáo xác định Trần Văn S là con nuôi của bà nội bị cáo. Do đó, việc ông S không cư trú ấp T bị cáo biết rỏ nhưng lại ghi quê quán và thường trú ấp T để hồ sơ thuộc thẩm quyền xem xét của Ủy ban xã N, hành vi này là hành vi khai báo gian dối. Chính từ, bản khai cá nhân Trần Văn S mới phát sinh các Biên bản hội nghị liên tịch, Biên bản Hội nghị Hội cựu chiến binh được làm khống để hợp thức hóa hồ sơ. Đồng thời, hồ sơ này bị cáo tham gia trong hội đồng xét duyệt với tư cách Phó Chủ tịch Hội đồng phụ trách hồ sơ dân chánh xét duyệt, khi tham gia xét duyệt bị cáo đã chấp nhận và đề nghị chi cấp tiền chế độ cho hồ sơ Trần Văn S; Khi được cấp tiền chính bị cáo viết giấy giới thiệu với nội dung Ủy ban xã giới thiệu bị cáo với tư cách cán bộ xã đi nhận tiền của hồ sơ Trần Văn S. Tiền nhận về bị cáo cho rằng đã giao lại ông S nhưng bị cáo không đưa ra được chứng cứ chứng minh; Mặt khác, trong quá trình điều tra, có lúc bị cáo khai hồ sơ Trần Văn S do ông Trần Văn H (cha đẻ bị cáo) thiết lập; Bị cáo chỉ viết dùm bản khai cá nhân, tiền bị cáo nhận về đã giao lại ông H. Như vậy, hồ sơ Trần Văn S – sinh năm 1949, quê quán và thường trú ấp T, xã N được xét duyệt chi trả 5.400.000 đồng là hồ sơ có nội dung không đúng sự thật, bị cáo có tham gia thiết lập hồ sơ, bị cáo viết bản khai cá nhân Trần Văn S sai sự thật. Do đó, án sơ thẩm kết tội bị cáo có hành vi gian dối trong việc thiết lập hồ sơ Trần Văn S để nhận tiền chế độ 290 là có căn cứ.

Đối với đối tượng Trần Văn S mà bị cáo khai là người nhờ bị cáo viết bản khai cá nhân và nhờ bị cáo nhận tiền hiện chưa được điều tra làm rỏ do không có thông tin địa chỉ cụ thể hiện nay ông S đang cư trú nên không điều tra, xác minh được. Hội đồng xét xử kiến nghị cơ quan Điều tra huyện tiếp tục xác minh, điều tra đối với đối tượng Trần Văn S, nếu đối tượng nhờ bị cáo viết hộ bản khai cá nhân trong hồ sơ trên thì đối tượng này có hành vi gian dối, giả mạo để hưởng chế độ 290. Hành vi này của đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự cần thiết phải xử lý theo quy định của pháp luật.

[5] Xét hồ sơ Phạm Văn S – sinh năm 1941, trú ấp T, xã N được thiết lập năm 2008; Bị cáo cho rằng, hồ sơ này bị cáo viết dùm ông Phạm Đồng K, tiền chế độ ông K ủy quyền cho bị cáo nhận và bị cáo đã giao lại cho ông K.

Hồ sơ Phạm Văn S – sinh năm 1941 gồm Bản khai thân nhân lập ngày 20/6/2008, nội dung ghi: Ông S có 02 người con ruột tên Phạm Hồng H sinh năm 1963 và Phạm Đồng K sinh năm 1968; Năm sinh ông S ghi năm 1941 và từ trần ngày 20/10/1981; Giấy ủy quyền, ngày 20/6/2008 ghi: Phạm Hồng H sinh năm 1963 là con ruột Phạm Văn S ủy quyền cho Phạm Đồng K sinh năm 1968 là con ruột ông Phạm Văn S chịu trách nhiệm đứng tên kê khai để hưởng chế độ, chính sách. Công văn số 09, ngày 17/3/2008 ghi: Ông Phạm Văn S, sinh năm 1941 còn sống (BL: 2755 – 2756, 2765). Hồ sơ Phạm Văn S không được địa phương họp xét; Biên bản Hội nghị liên tịch do ông Bùi Ngọc V (Trưởng ấp), ông Nguyễn Văn U (Chi ủy), ông Nguyễn Văn Q (Cựu chiến binh ấp), ông Phạm Minh Đ (Hội người cao tuổi) ký khống vào mẫu.

Biên bản hội nghị Ban chấp hành Hội cựu chiến binh lập ngày 16/3/2008 được ông T, ông D ký khống; Giấy xác nhận thành tích lập ngày 09/01/2008 ghi người xác nhận là Cù Văn K nhưng ông K không biết gì về Giấy này; Qua điều tra xác minh ấp T, xã N không có người tên Phạm Văn S – sinh năm 1941 được hưởng chế độ 290 như hồ sơ bị cáo tham gia thiết lập.

Từ những chứng cứ trên, có đủ căn cứ xác định hồ sơ Phạm Văn S – sinh năm 1941, trú ấp T, xã N được thiết lập năm 2008 nhận 7.750.000 đồng tiền chế độ 290 là hồ sơ được lập khống, không có người tên Phạm Văn S, sinh năm 1941 có thân nhân như hồ sơ khai báo; hồ sơ lập khống để chiếm đoạt tiền chế độ 290.

Bị cáo cho rằng, ông Phạm Văn S này chính là cha ruột của ông Phạm Đồng K, ông Phạm Văn S là ông nội sau của bị cáo. Hội đồng xét xử xét thấy, kết quả điều tra đã chứng minh cha ruột ông Phạm Đồng K là ông Phạm Hồng S, sinh năm 1924 hy sinh năm 1967, lý lịch và nhân thân của ông Phạm Hồng S không phải như trong hồ sơ Phạm Văn S bị cáo tham gia thiết lập.

Bị cáo cho rằng, hồ sơ Phạm Văn S do ông K nhờ bị cáo viết dùm bản khai thân nhân. Thấy rằng, bị cáo có mối quan hệ gia đình, gần gủi với gia đình ông Phạm Đồng K nên bị cáo biết rỏ ông S (cha ông K) hy sinh nhưng bản khai thân nhân của ông K lại ghi ông S từ trần ngày 20/10/1981; ông S chỉ có một người con tên Phạm Đồng K nhưng lại ghi có 02 người con tên Phạm Hồng H và Phạm Đồng K; ông S không phải sinh năm 1941 nhưng ghi sinh năm 1941; Công Văn số 09/ CV-UB ngày 17/3/2008 của Ủy ban xã đề nghị xem xét hồ sơ ông S chính bị cáo ghi ông S còn sống. Hành vi này của bị cáo đã chứng minh bị cáo thiết lập hồ sơ Phạm Văn S có nội dung gian dối, không đúng sự thật, lập khống để được hưỡng chế độ 290. Đồng thời chính bị cáo là người nhận tiền chế độ khi được cấp; Do đó, có đủ chứng cứ chứng minh bị cáo là người thiết lập hồ sơ Phạm Văn S có nội dung không đúng sự thật để chiếm đoạt tiền chế độ, còn việc bị cáo cho rằng bị cáo chỉ viết dùm (hộ) ông K bản khai thân nhân theo lời trình bày của ông K thì không có chứng cứ chứng minh.

Đối với ông Phạm Đồng K, ngày 10/12/2013 khai: Năm 2009, ông nhờ ông S là Hội cựu chiến binh xã làm dùm hồ sơ 290 cho ông Phạm Hồng S (cha của ông), khi có tiền chính sách ông ủy quyền cho Huỳnh Thị H (vợ ông) đến huyện đội nhận 6.200.000đ ngoài ra ông không có hồ sơ nào khác và ông cũng không nhận khoản tiền chính sách nào của T đưa (BL: 256). Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 18/12/2014 ông K xác định: Năm 2009 – 2010 ông có ủy quyền cho bà H (vợ ông) và ông H (cha T) làm hồ sơ 290 của liệt sỹ S (cha của ông) và ông thừa nhận ký vào Giấy ủy quyền, ủy quyền cho bị cáo nhận tiền chế độ 290 của ông S. Lý do ông đã ủy quyền cho bà H nhận tiền nhưng lại ủy quyền cho bị cáo nhận tiền là do mâu thuẫn vợ chồng (BL:1057, 1058). Như vậy, lời khai của ông K tại phiên tòa xác định có ủy quyền cho bị cáo nhận tiền chế độ của ông S là cha của ông K nhưng không khai rỏ là nhận tiền cho hồ sơ Phạm Hồng S hay hồ sơ Phạm Văn S; Lời trình bày của ông K cũng không thể hiện có nhờ bị cáo viết bản khai thân nhân trong hồ sơ Phạm Văn S, vấn đề này chưa được điều tra, xác minh làm rỏ. Nếu ông K có ủy quyền cho bị cáo nhận tiền của hồ sơ Phạm Văn S, có nhờ bị cáo viết bản khai thân nhân trong hồ sơ Phạm Văn S thì hành vi này của ông K có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự do làm giả hồ sơ Phạm Văn S để hưởng chế độ chính sách.

Do ông K không còn ở tại nơi cư trú và hiện nay không có địa chỉ cụ thể của ông K và cũng không ai biết địa chỉ cụ thể của ông K hiện nay nên Cơ quan điều tra không xác minh làm rỏ được. Hội đồng xét xử kiến nghị cơ quan Điều tra huyện tiếp tục xác minh, điều tra đối với Phạm Đồng K, nếu đối tượng nhờ bị cáo viết hộ Bản khai thân nhân như trong hồ sơ, ủy quyền cho bị cáo nhận tiền của hồ sơ này thì hành vi này có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự cần điều tra làm rỏ trách nhiệm để xử lý theo quy định của pháp luật.

[6] Xét hồ sơ Lê Thị Đ, năm sinh 1926 (chết năm 2005), trú ấp H, xã N. Hồ sơ của bà Đ được xét duyệt 11.650.000 đồng. Có thông báo nhận tiền, ngày 25/8/2010 bị cáo viết và ký giấy giới thiệu Dương Ba N đến Phòng LĐ-TB&XH huyện nhận tiền.

Bị cáo cho rằng, việc bị cáo viết Giấy giới thiệu N đi lĩnh tiền là do Năng đề xuất; N không thừa nhận. Không có chứng cứ chứng minh Năng đề xuất bị cáo viết giấy giới thiệu. Cũng không có chứng cứ chứng minh gia đình bà Đ ủy quyền cho N hoặc ủy quyền cho bị cáo đi nhận tiền.

Tại phiên tòa bị cáo cho rằng, khi viết giấy giới thiệu bị cáo căn cứ vào giấy ủy quyền do N đưa; nội dung giấy giới thiệu bị cáo căn cứ vào nội dung Giấy ủy quyền; Giấy ủy quyền bị cáo đưa kèm theo Giấy giới thiệu để ông N đến Phòng LĐ – TB & XH huyện nhận tiền. Có Giấy ủy quyền Phòng LĐ – TB & XH huyện mới đồng ý chi tiền, nên Phòng LĐ – TB & XH huyện đang lưu giử giấy ủy quyền. Căn cứ để bị cáo khẳng định có Giấy ủy quyền là văn bản của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh xác định hồ sơ chế độ chính sách trên việc chi trả thực hiện đúng quy định của Quyết đinh 290 và Thông tư liên tịch hướng dẫn. Theo hướng dẫn người nhận thay phải có Giấy ủy quyền nên bị cáo khẳng định có Giấy ủy quyền. Còn đại diện Phòng LĐ – TB & XH huyện xác định không có Giấy ủy quyền mà chỉ có Giấy giới thiệu. Lời trình bày trên của bị cáo không có căn cứ chấp nhận. Bởi lẽ: Tại phiên tòa, Đại diện Phòng LĐ – TB & XH huyện khai rỏ, do đối tượng hưỡng chính sách là người lớn tuổi nếu thực hiện phải có Giấy ủy quyền sẽ có nhiều khó khăn cho họ. Do đó, Phòng LĐ – TB & XH huyện chấp nhận có Giấy giới thiệu của Ủy ban xã là được. Do thực hiện không đúng, bị cáo đã chiếm đoạt tiền nên lãnh đạo Phòng LĐ – TB & XH huyện phải bị kiểm điểm trách nhiệm do thực hiện không đúng quy định.

Xem xét Giấy giới thiệu thấy rằng, Giấy giới thiệu đã ghi rỏ và đầy đủ thông tin để người được giới thiệu đến nhận tiền. Đồng thời chính bị cáo đến Phòng LĐ – TB & XH huyện nhận tiền của hồ sơ Trần Văn S cũng chỉ bằng Giấy giới thiệu chứ không có Giấy ủy quyền. Do đó, bị cáo cho rằng có Giấy ủy quyền mới nhận được tiền là không có cơ sở chấp nhận. Do đó, án sơ thẩm kết luận bị cáo có hành vi gian dối trong việc Giới thiệu ông N đi lĩnh tiền của bà Đ là có cơ sở.

Bị cáo cho rằng, N nhận được tiền, N không giao lại bị cáo; còn ông N cho rằng đã giao lại cho bị cáo. Hội đồng xét xử xét thấy: Khi biết được gia đình bà Đ có Đơn yêu cầu đối với số tiền chế độ của bà Đ thì bị cáo đã nhiều lần liên hệ với ông Th (con bà Đ), nhờ ông Hà Quốc S (Trưởng ấp), ông Phan Thanh L nói giúp để ông Th đồng ý nhận số tiền chế độ bà Đ mà bị cáo đã viết giấy giới thiệu ông N đi nhận. Ngoài ra, ông N đã cung cấp một thẻ nhớ có nội dung 15 file ghi âm cuộc thoại giữa bị cáo và ông N về số tiền của bà Đ. Đoạn ghi âm được Viện khoa học hình sự Bộ Công an giám định thể hiện “Tiếng nói của người đàn ông được gọi là “anh” và xưng là “tao” trong mẫu cần giám định và giọng nói của T trong mẫu so sánh là của cùng một người nói ”. Kết luận giám định: 15 file ghi âm thể hiện nội dung trao đổi giữa bị cáo và ông N về việc tìm cách trả lại tiền cho gia đình bà Đ, có đoạn thể hiện: “Dạ, rồi tiền đó là tiền mới hay sao anh? Tiền đợt đó em giao cho anh hết trơn không có được đồng bạc nào đâu”, bị cáo T trả lời: “Đợt đó tao đưa lại mày triệu rưỡi mày quên à, tao mới coi danh sách” (BL:1586). Tại phiên tòa ông N xác định ông không có nhờ bị cáo nói với gia đình bà Đ; đồng thời ông Th, ông S, ông L đều khai chính bị cáo điện thoại, trực tiếp nói nhận lại tiền chứ ông N không nói. Từ các chứng cứ này cho thấy, sau khi nhận tiền ông N đã giao cho bị cáo và bị cáo đã không giao lại cho gia đình bà Đ mà chi xài hết là có thật.

Tại phiên tòa luật sư bào chữa cho bị cáo cho rằng, nội dung ghi âm trên không thể hiện có liên quan gì đến số tiền của bà Đ. Lời bào chửa này không có cơ sở chấp nhận, bởi lẽ: Trong đoạn ghi âm còn có đoạn thoại: “ Nam 1: Như là Phan Thị Đ hay gì đó. Nam 2: Phan Thị Đ có tám triệu tư thôi. Nam 1: Hình như là em nhớ mười một triệu sáu lận, tại lúc đó em nhận về là em đưa hết mười một triệu sáu. Nam 2: triệu sáu mày nói số không đúng. Nam 1: Nhớ vậy đó anh năm ơi. Nam 2: tên gì để tạo điện tao hỏi. Nam 2: bà là Phan Thị Đ hay gì đó. Nam 2: Trong danh sách anh lưu có tám triệu tư à. Nam 1: Mười một triệu sáu anh.” (BL:

1585).

Như vậy, có đủ chứng cứ kết luận, biết được bà Đ được lĩnh 11.650.000 đồng tiền chế độ theo Quyết định 290, bị cáo viết giấy giới thiệu ông N với tư cách người thân của bà Đ đến Phòng LĐ-TB&XH huyện nhận tiền. Tin vào giấy giới thiệu, Phòng LĐ-TB&XH huyện đã giao tiền cho ông N. Nhận được tiền, ông N đã giao lại cho bị cáo nhưng bị cáo không giao lại gia đình bà Đ mà sử dụng số tiền này; án sơ thẩm kết tội bị cáo lừa đảo chiếm đoạt 11.650.000 đồng là có căn cứ.

Tại phiên tòa, luật sư bào chữa cho bị cáo cho rằng trong tổng số 11.650.000 đồng bị cáo đã đưa lại Dương Ba N 1.500.000 đồng nên Dương Ba N cũng phải chịu số tiền Dương Ba N đã nhận.

Thấy rằng, việc bị cáo gian dối để chiếm đoạt tiền Dương Ba N hoàn toàn không biết; không có chứng cứ chứng minh bị cáo chia tiền bị cáo chiếm đoạt cho ông Năng 1.500.000 đồng; đồng thời không có chứng cứ chứng minh ông N đã nhận 1.500.000 đồng từ tiền bị cáo chiếm đoạt nên lời bào chữa của luật sư không được chấp nhận.

Tại phiên tòa luật sư bào chửa cho bị cáo yêu cầu hủy án sơ thẩm để điều tra bổ sung vì chưa có chứng cứ chứng minh bị cáo lợi dụng chức vụ quyền hạn; chưa làm rỏ việc ông S nhờ bị cáo viết bản khai cá nhân; chưa đủ chứn cứ chứng minh bị cáo là người làm khống hồ sơ; chưa làm việc được với ông Khởi thì không có căn cứ kết tội bị cáo đối với hồ sơ Phạm Văn S; căn cứ đoạn ghi âm kết tội bị cáo chiếm đoạt tiền của hồ sơ Lê Thị Đ là chưa có cơ sở.

Từ những chứng cứ như đã phân tích trên có đủ căn cứ kết luận: Bị cáo T đã làm giả hồ sơ tên Trần Văn S – sinh năm 1949 và hồ sơ tên Phạm Văn S – sinh năm 1941 để nhận tiền chế độ theo Quyết định 290. Do tin vào hồ sơ Trần Văn S, Phạm Văn S là có thật nên Hội đồng xét duyệt đã thống nhất đề nghị, Phòng LĐ- TB&XH huyện đã chấp nhận chi cấp và bị cáo đã nhận tiền. Khi thực hiện hành vi tội phạm bị cáo là Cán bộ công chức Văn hóa – Xã hội cấp xã phụ trách, tham mưu cho Ủy ban nhân dân xã về lĩnh vực này; đồng thời bị cáo là Phó chủ tịch Hội đồng trực tiếp xem xét hồ sơ thuộc lĩnh vực mình phụ trách. Tại Thông tư liện tịch số 191/2005/ TTLT ngày 07/12/2005 quy định rỏ: Hội đồng chính sách xã do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã làm Chủ tịch Hội đồng, cán bộ quân sự, công an, lao động – thương binh và xã hội làm thường trực. Ngoài ra, bị cáo với tư cách Phó Chủ tịch ủy ban đại diện Ủy ban xã giới thiệu ông N với tư cách người thân của bà Đ đến Phòng LĐ-TB&XH huyện nhận tiền chế độ của bà Đ. Do tin vào Giấy giới thiệu là thật nên Phòng LĐ-TB&XH huyện chi tiền, bị cáo đã nhận và sử dụng số tiền này. Do đó, có cơ sở kết luận, bị cáo lợi dụng vào quyền hạn, chức vụ được giao để bị cáo thực hiện tội phạm. Hành vi trên của bị cáo là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền chế độ theo Quyết định 290 mà Phòng LĐ- TB&XH huyện đang trực tiếp quản lý. Do đó, án sơ thẩm xác định bị cáo chiếm đoạt 24.800.000 đồng, xử bị cáo phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điểm d khoản 2 Điều 139 của Bộ luật Hình sự năm 1999 là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật, không oan. Do đó, lời bào chữa và yêu cầu của luật sư, kháng cáo kêu oan của bị cáo không có căn cứ chấp nhận.

[7] Bị cáo cho rằng, thời hạn tạm giam bị cáo 02 năm 12 tháng 04 ngày nhưng án sơ thẩm xác định 02 năm 11 tháng 28 ngày là không đúng. Hội đồng xét xử xét thấy: Ngày 04/11/2013, bị cáo bị bắt tạm giam theo Lệnh bắt tạm giam số 44/LB-ĐTĐD ngày 03/11/2013 của Công an (BL: 6, 18); Ngày 02/11/2016, bị cáo được Viện kiểm sát ra Quyết định số 01/QĐ-VKS Thay thế biện pháp ngăn chặn tạm giam bằng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú (BL: 1561,1566). Như vậy, tính từ ngày 04/11/2013 đến ngày 02/11/2016 thì thời gian tạm giam bị cáo là 02 năm 11 tháng 28 ngày; Do đó, bị cáo cho rằng thời gian tạm giam bị cáo 02 năm 12 tháng 04 ngày là không có căn cứ.

[8] Xét kháng cáo của Dương Minh S: Ông S cho rằng, sau khi nhận số tiền 6.000.000 đồng của hồ sơ tên Dương Văn N và số tiền 5.500.000 đồng của hồ sơ tên Phạm Ngọc L ông đã giao cho bị cáo T xong; còn bị cáo T không thừa nhận có nhận.

Hội đồng xét xử xét thấy: Ngày 24/11/2008, bị cáo T viết giấy giới thiệu ông S đến Phòng LĐ-TB&XH huyện nhận 6.000.000 đồng tiền chế độ theo Quyết định 290 của hồ sơ Dương Văn N; ngày 26/12/2011, bị cáo T viết giấy giới thiệu ông S đến Phòng LĐ-TB&XH huyện nhận 5.500.000 đồng tiền chế độ Quyết định 290 của hồ sơ Phạm Ngọc L. Hai khoản tiền trên ông S cho rằng đã giao lại bị cáo T, còn bị cáo T không thừa nhận. Tại Tòa án, ngoài lời trình bày của mình ông S không cung cấp được chứng cứ nào khác để chứng minh là đã giao tiền cho bị cáo T; Do đó, án sơ thẩm buộc ông Dương Minh S phải có nghĩa vụ giao trả lại số tiền 11.500.000 đồng của hai khoản tiền đã nhận là hoàn toàn có căn cứ, nên không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông S.

Xét hành vi của bị cáo đối với hồ sơ Dương Văn N: Qua điều tra, xác minh ở địa phương không có ông Dương Văn N – sinh năm 1918 có nhân thân như trong hồ sơ; nên hồ sơ tên Dương Văn N là giả. Song, không có cơ sở kết luận bị cáo có hành vi chiếm đoạt số tiền của hồ này nên án sơ thẩm không kết tội bị cáo đối với hành vi làm giả hồ sơ Dương Văn N là có cơ sở.

Xét hành vi của bị cáo đối hồ sơ Phạm Ngọc L: Bị cáo tự viết giấy giới thiệu ông S đi nhận 5.500.000 đồng của hồ sơ Phạm Ngọc L nhưng không có chứng cứ chứng minh bị cáo chiếm đoạt số tiền này nên án sơ thẩm không kết tội bị cáo về hành vi đối với hồ sơ này là có cơ sở.

[9] Hành vi của bị cáo đối với hồ sơ Lê Ngọc E - năm sinh 1945, hồ sơ Lê Văn U - năm sinh 1945, hồ sơ Trương Thị T - năm sinh 1942, hồ sơ Lê Thị M (bí danh M) - sinh năm 1951 Viện kiểm sát truy tố bị cáo có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với các hồ sơ này. Song, án sơ thẩm hình sự số 17/2019/HS-ST ngày 11/9/2019 nhận định không có căn cứ kết luận bị cáo chiếm đoạt số tiền của các hồ sơ này nên không kết tội bị cáo đối với những hồ sơ này. Vấn đề này không bị kháng cáo, Viện kiểm sát nhân dân cấp có thẩm quyền không kháng nghị nên cấp phúc thẩm không xem xét đối với phần này.

[10] Về án phí: Do yêu cầu kháng cáo của bị cáo T không được chấp nhận nên bị cáo T phải chịu án phí hình sự phúc thẩm 200.000 đồng.

Do yêu cầu kháng cáo của ông S không được chấp nhận nên ông S phải chịu án phí hình sự phúc thẩm 300.000 đồng.

[11] Các nội dung khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị nên không đặt ra xem xét.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 và 3 Điều 333; khoản 5 Điều 335; điểm a khoản 1 Điều 355; Điều 356 của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị cáo T; Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông S; Giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm số 17/2019/HS-ST ngày 11 tháng 9 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện Đ.

Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 139, khoản 2 Điều 46 và điểm g khoản 1 Điều 48, khoản 1 Điều 42 của Bộ luật Hình sự năm 1999;

Căn cứ điểm a khoản 3 Điều 106, khoản 2 Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự; Điểm đ khoản 1 Điều 12, điểm a và e khoản 1 Điều 23 - Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí và lệ phí Tòa án.

- Tuyên xử: Bị cáo T phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

- Tuyên phạt: Bị cáo T 02 năm 11 tháng 28 ngày tù nhưng được trừ thời gian đã bị tạm giam từ ngày 04/11/2013 đến ngày 02/11/2016, bị cáo T đã chấp hành xong hình phạt tù.

- Buộc: + Bị cáo T có nghĩa vụ trả Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện 24.800.000 đồng.

+ Ông Dương Minh S có nghĩa vụ trả Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện 11.500.000 đồng.

+ Bà Lê Thị M có nghĩa vụ trả Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện 3.750.000 đồng.

+ Ông Phương Việt N có nghĩa vụ trả Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện 9.750.000 đồng.

+ Ông Phạm Văn B có nghĩa vụ trả Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện 7.500.000 đồng.

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong khoản tiền nêu trên, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự tương ứng với số tiền và thời gian chậm thi hành án.

- Hoàn trả lại ông Dương Ba N 01 điện thoại di động hiệu Samsung S.7562 (màu đen); Chiếc điện thoại hiện đang kèm theo hồ sơ.

- Bị cáo T phải chịu án phí hình sự sơ thẩm 200.000 đồng; Bị cáo T phải chịu án phí hình sự phúc thẩm 200.000 đồng; Bị cáo T phải chịu án phí dân sự có giá ngạch 1.240.000 đồng.

- Ông Dương Minh S phải chịu án phí dân sự phúc thẩm 300.000 đồng; nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm đã nộp 300.000 đồng theo biên lai số 0009953 ngày 24/10/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đ; ông Sang đã nộp đủ án phí dân sự phúc thẩm.

- Miễn án phí dân sự cho bà Lê Thị M; hoàn trả lại bà Lê Thị M 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai số 0009826 ngày 13/4/2018 của Chi cục thi hành án dân sự huyện .

- Án phí dân sự có giá ngạch: Ông Phương Việt N phải chịu 487.500 đồng; ông Phạm Văn B phải chịu 375.000 đồng; ông Dương Minh S phải chịu 575.000 đồng.

Bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Các quyết định khác của án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

281
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản số 16/2020/HS-PT

Số hiệu:16/2020/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Cà Mau
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:10/02/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về