TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI
BẢN ÁN 120/2021/HS-PT NGÀY 25/03/2021 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN
Ngày 25 tháng 3 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Bình xét xử công khai vụ án hình sự Thụ lý số 562/TL-PT ngày 31 tháng 7 năm 2021 đối với bị cáo Nguyễn Đức K phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” do có kháng cáo của một số người bị hại với Bản án hình sự sơ thẩm số 12/2020/HS-ST ngày 24 tháng 6 năm 2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Bình.
Bị cáo bị kháng cáo:
Nguyễn Đức K, sinh năm 1959 tại huyện H, tỉnh Ninh Bình; Nơi cư trú: Thôn T, xã Y, huyện H, tỉnh Ninh Bình; nghề nghiệp khi phạm tội: Cán bộ Sở Tư pháp tỉnh Ninh Bình; văn hóa: 10/10; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn Chi P và bà Nguyễn Thị H; có vợ là Mai Thị T (đã ly hôn năm 2014) và 02 con; tiền án, tiền sự: Không; là Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam đã bị Đảng ủy khối cơ quan tỉnh Ninh Bình xóa tên đảng viên ngày 21/5/2015. Bị cáo bị tạm giữ từ ngày 23/9/2019 đến ngày 26/9/2019 chuyển tạm giam tại Trại tạm giam của Công an tỉnh Ninh Bình cho đến nay; có mặt.
- Người bào chữa cho bị cáo theo chỉ định: NBC; có mặt.
Người bị hại có kháng cáo:
- Ông Trần Bình T sinh năm 1952 và bà Nguyễn Thị N sinh năm 1957; đều trú tại: Thôn N, xã Y, huyện H, tỉnh Ninh Bình. Ông T và bà N có mặt.
- Ông Trần Văn L sinh năm 1968 và bà Lê Hồng L sinh năm 1968; đều trú tại: Thôn B, xã Đ, thành phố T, tỉnh Ninh Bình. Ông L có mặt.
- Bà Đinh Thị Thúy T sinh năm 1964 và ông Tống Văn K1 sinh năm 1958; đều trú tại: Phố H, phường N, thành phố B, tỉnh Ninh Bình. Ông K có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Bình và bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Bình, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Nguyễn Đức K nguyên là chánh văn phòng Sở Tư pháp tỉnh Ninh Bình. Bản thân không có chức trách nhiệm vụ nhận hồ sơ xin việc, không nằm trong hội đồng xét tuyển, thi tuyển công chức, không có thẩm quyền, quyết định việc xét tuyển, thi tuyển công chức vào các Sở ban ngành. Tuy nhiên, trong thời gian từ năm 2009 đến năm 2014, K đã lợi dụng danh nghĩa Chánh văn phòng để đưa ra các thông tin gian dối, cho rằng mình có nhiều mối quan hệ với những người có thẩm quyền, có xuất ưu tiên, có khả năng xin vào biên chế tại các Cơ quan nhà nước để những người có nhu cầu xin việc tin tưởng nộp hồ sơ và đưa tiền cho K nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản. Với thủ đoạn trên, K đã nhận số tiền 1.155.000.000 đồng của 06 người với 07 bộ hồ sơ để nhờ K xin việc cho con, cháu và bản thân vào làm việc ở các Cơ quan nhà nước. Sau khi nhận hồ sơ và tiền, K không xin việc cho ai như hứa hẹn nhưng đã chiếm đoạt số tiền 1.155.000.000 đồng để tiêu sài cá nhân, trong đó có các bị hại có kháng cáo. Cụ thể hành vi của bị cáo như sau:
Vụ thứ 1: Khoảng tháng 9/2009, thông qua ông Nguyễn Văn K2 trú tại thôn C, xã Y, ông Trần Bình T, (là anh em đồng hao với ông K2) đã quen biết K. Quá trình nói chuyện, K biết ông T có con trai là Trần Trung K3, sinh năm 1982 không có bằng cấp hiện đang làm công nhân cho doanh nghiệp X với thu nhập thấp và nhận ra vợ ông T có họ hàng xa với K. Mặc dù biết anh K3 chưa được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ gì, không đủ tiêu chuẩn vào công tác tại Sở tư pháp nhưng K vẫn đưa ra thông tin gian dối là được ưu tiên một suất vào làm việc tại văn phòng Sở Tư pháp Ninh Bình với mức lương 6.000.000đ/tháng, ngoài ra còn có các khoản thưởng khác. K đưa ra mức chi phí vào Sở tư pháp là 150.000.000 đồng, nhưng do là anh em họ nên K chỉ lấy tiền chi phí tiếp khách và hứa hẹn sau khi tuyển dụng sẽ cho anh K3 đi học lớp tại chức. Tin tưởng K là Chánh văn phòng sở nên trong khoảng thời gian từ tháng 10/2009 đến tháng 12/2010, ông T đã 4 lần giao tiền cho K với tổng số tiền là 95.000.000 đồng và 01 hồ sơ xin việc của anh K3. Các lần giao nhận tiền đều không viết giấy biên nhận. Sau khi nhận hồ sơ và tiền của ông T, K không xin việc mà vứt bỏ hồ sơ và chiếm đoạt số tiền trên sử dụng cá nhân.
Vụ thứ 2: Khoảng 01/2013, K biết ông Trần Văn L, sinh năm 1968, trú tại thôn B, xã Đ, thành phố T, tỉnh Ninh Bình có cháu là Lê Văn T1, sinh năm 1990, trú tại xã Y, huyện N, tỉnh Ninh Bình đã tốt nghiệp trung cấp Y nhưng chưa có việc làm nên K đã chủ động liên lạc với ông L, giới thiệu K là cán bộ tổ chức có nhiều mối quan hệ với người có thẩm quyền có khả năng xin được việc cho anh T1 vào biên chế ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình. Ông L và ông Lê Trọng Đ, sinh năm 1966 trú tại xã Y, huyện N (bố đẻ anh T1) gặp K tại 1 quán cafe ở thành phố B. Tại buổi gặp, K đưa ra mức chi phí xin việc là 250.000.000 đồng, đưa trước 200.000.000 đồng, số tiền còn lại khi nhận quyết định giao nốt. Ông L và ông Đ đã đưa hồ sơ của anh T1 cho K. Sau khi gặp K, ông L và ông Đ có thỏa thuận mọi vấn đề liên quan đến xin việc cho anh T1, ông L sẽ chịu trách nhiệm đứng ra giao dịch và đưa cho K số tiền 200.000.000 đồng, khi nào anh T1 có quyết định đi làm thì ông Đ có trách nhiệm trả sau. Ngày 30/01/2013, ông L giao cho K hồ sơ và số tiền 200.000.000 đồng như thỏa thuận. K viết 01 giấy biên nhận vay của ông L số tiền 200.000.000 đồng (có chữ ký của người làm chứng Lê Thị M) và hẹn đến ngày 01/3/2013 anh T1 có quyết định đi làm. Nhưng K đã không nộp hồ sơ xin việc cho anh T1 và chiếm đoạt số tiền 200.000.000 đồng sử dụng cá nhân, đến nay chưa hoàn trả.
Khoảng tháng 7/2014, K biết ông L có con gái tên là Trần Thị Thùy L, sinh năm 1992 mới tốt nghiệp Đại học Công đoàn đang ôn thi vào kho bạc nhà nước Hà Nội. K đưa ra thông tin gian dối có người anh họ tên là P làm ở Tổng cục thuế - Bộ tài chính, anh P nói có 1 xuất vip chỉ cần xét tuyển, không cần thi, bảo ông L làm hồ sơ đưa cho K với mức chi phí 150.000.000 đồng, Cuối tháng 8/2014, ông L nộp hồ sơ xin việc của cháu L cho K. K yêu cầu ông L chuyển trước 100.000.000 đồng. Ngày 16/9/2014, ông L ra Ngân hàng công thương chi nhánh T chuyển vào tài khoản của K số tiền 100.000.000 đồng (có biên lai chuyển tiền). Nhận được tiền K hứa đến tháng 10/2014 chị L sẽ có quyết định đi làm nhưng K không xin việc như đã hứa mà vứt bỏ hồ sơ và chiếm đoạt số tiền trên sử dụng cá nhân. Tháng 2/2015 ông L thấy anh T1 và chị L vẫn chưa có quyết định đi làm nên đòi lại tiền. K đã trả lại ông L 100.000.000 đồng còn chiếm đoạt 200.000.000 đồng.
Vụ thứ 3: Khoảng năm 2010, chị Đinh Thị Thúy T, sinh năm 1964, trú tại phố H, phường N, thành phố B, tỉnh Ninh Bình quen biết K do K thường đến cửa hàng bán thuốc tân dược của chị T ở phố M, phường N để mua thuốc. K đưa ra thông tin có nhiều mối quan hệ, có thể xin cho người có nhu cầu vào làm việc tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình với chi phí 250.000.000 đồng, đưa trước 01 bộ hồ sơ xin việc và 150.000.000 đồng, khi có quyết định chính thức vào làm việc sẽ đưa nốt 100.000.000 đồng. Tin tưởng K, chị T đã trao đổi với chị Đinh Thị B, sinh năm 1967, trú tại phố M, phường N, thành phố B đang có nhu cầu xin cho con trai là anh Nguyễn Như T2, sinh năm 1989 học xong Trung cấp y chưa có việc làm vào biên chế tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình. Do chị B không có tiền nên chị T thống nhất với chị B để chị T bỏ ra số tiền 150.000.000đồng đưa cho K xin việc cho anh T2, khi nào có quyết định biên chế thì chị B trả số tiền trên cho chị T, chị B đồng ý. Tháng 8/2013, chị T giao cho K 150.000.000 đồng và 01 bộ hồ sơ xin việc cho anh T2. K không xin việc cho anh T2 và vứt bỏ hồ sơ, chi tiêu hết số tiền trên. Quá thời gian hẹn, không thấy K xin được việc cho anh T2, chị T yêu cầu K trả lại tiền. Ngày 27/10/2014, K viết một giấy cam kết sẽ trả số tiền 150.000.000 đồng cho chị T. Đến nay K không trả tiền, chiếm đoạt của chị T số tiền là 150.000.000 đồng.
Với thủ đoạn đưa ra những thông tin gian dối nêu trên Nguyễn Đức K còn chiếm đoạt tiền của 3 bị hại khác là ông Đinh Tiến N, Nguyễn Ngọc Đ và chị Nguyễn Thị Thanh T1 với tổng số tiền là 1.155.000.000 đồng. Khi bị phát hiện và trước khi khởi tố vụ án, K đã trả lại cho ông Đ, ông L và chị T1 số tiền 285.000.000 đồng. Đến tháng 01/2015, K xin nghỉ việc tại Sở tư pháp tỉnh Ninh Bình và bỏ trốn. Ngày 23/9/2019, K ra đầu thú và thừa nhận hành vi phạm tội như đã nêu trên.
Quá trình điều tra, ông Trần Bình T đã giao nộp 01 USB chứa các file ghi âm trong quá trình trao đổi xin việc và nộp tiền giữa K với ông T để xin việc cho anh K3 (Ký hiệu A1). Ông Trần Văn L cũng giao nộp 01 USB chứa các file ghi âm trong quá trình trao đổi xin việc và nộp tiền giữa K với ông L để xin việc cho anh T1, chị L (Ký hiệu A2). Ngày 14/2/2020 chị Đinh Thị Thúy T có đơn tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của K và giao nộp Giấy cam kết trả tiền ngày 27/10/2014 có chữ ký của Nguyễn Đức K. Kết luận giám định của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Ninh Bình đối với các giấy biên nhận tiền do ông Trần Văn L, anh Đinh Tiến N, ông Đỗ Ngọc Đ nộp, giấy vay tiền do chị Nguyễn Thị Thanh T nộp và giấy cam kết trả tiền do chị Đinh Thị Thúy T nộp đều kết luận: Chữ viết, chữ ký mang tên Nguyễn Đức K trên các tài liệu cần giám định so với chữ viết, chữ ký của Nguyễn Đức K trên các tài liệu mẫu là do cùng một người viết, ký ra.
Tại bản Kết luận giám định số 6265/C09-P6 ngày 09/01/2020 của Viện khoa học Hình sự - Bộ Công an đối với các file ghi âm do ông Trần Văn L và ông Trần Bình T giao nộp, đều xác định đây là các file ghi âm có thật, không bị cắt ghép; và có tiếng nói của Nguyễn Đức K trong file ghi âm liên quan đến nội dung trao đổi xin việc và giao tiền giữa Nguyễn Đức K với ông Trần Văn L để xin việc cho anh T1, chị L (ký hiệu A2). Đối với file ghi âm quá trình trao đổi xin việc và giao tiền giữa Nguyễn Đức K với ông Trần Bình T để xin việc cho anh K3 (ký hiệu A1) bản giám định xác định không đủ cơ sở để kết luận có tiếng nói của Nguyễn Đức K trong mẫu cần giám định. Tuy nhiên, nội dung đoạn thoại trong file giám định A1 thể hiện có việc ông T gọi điện thoại xưng với giọng nam là “anh K” nhiều lần (trang dịch 27, 30, 31, 38) và nội dung đàm thoại có liên quan đến việc K nhận tiền của ông T để xin việc cho anh Trần Trung K3.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 12/2020/HS-ST ngày 24 tháng 6 năm 2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Bình đã căn cứ điểm a khoản 4 Điều 174; các điểm b, s, v khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 54 Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Nguyễn Đức K 07 (bảy) năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày tạm giữ 23/9/2019 về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Miễn hình phạt bổ sung đối với bị cáo. Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Trong thời hạn kháng cáo, một số người bị hại gồm: Ông Trần Bình T, ông Trần Văn L và bà Đinh Thị Thúy T có đơn kháng cáo đề nghị tăng hình phạt đối với bị cáo Nguyễn Đức K với lý do: Sau khi xét xử sơ thẩm bị cáo không khắc phục hậu quả cho các gia đình bị hại.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo K xác định không kháng cáo nhưng vẫn tác động gia đình khắc phục hậu quả thay cho bị cáo còn gia đình đã bồi thường tiếp cho các bị hại hay không bị cáo không biết. Các bị hại có kháng cáo đều thừa nhận ở cấp sơ thẩm có đề nghị xem xét giảm hình phạt cho bị cáo nhưng sau khi xét xử sơ thẩm, gia đình bị cáo không bồi thường tiếp mà cho rằng bị cáo đã đi tù thì không bồi thường nên các bị hại giữ nguyên yêu cầu kháng cáo tăng hình phạt đối với bị cáo. Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội trình bày quan điểm về giải quyết vụ án và đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của các bị hại, tăng hình phạt đối với bị cáo lên mức 9 đến 10 năm tù. Luật sư bào chữa cho bị cáo cho rằng: Sau khi phạm tội và bỏ trốn, bị cáo đã ra đầu thú, khai báo thành khẩn hành vi phạm tội, đã khắc phục một phần hậu quả. Bản thân có thành tích trong công tác, gia đình có công với cách mạng. Tòa án cấp sơ thẩm xác định bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên xử phạt bị cáo khởi điểm của khung hình phạt liền kề là phù hợp quy định của pháp luật, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của các bị hại, giữ nguyên bản án sơ thẩm của Tòa án tỉnh Ninh Bình.
Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được thẩm tra tại phiên tòa; Căn cứ kết quả tranh luận tại phiên tòa và trên cơ sở xem xét đầy đủ toàn diện các chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, trình bày của các bị hại, bị cáo và Luật sư.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1]. Tại cơ quan điều tra cũng như tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Đức K vẫn khai nhận hành vi phạm tội của mình như bản án sơ thẩm đã nêu. Lời khai của bị cáo trước sau thống nhất, phù hợp với lời khai của những người bị hại và những người có liên quan trong vụ án, phù hợp với kết quả giám định tiếng nói của bị cáo trong các USB do các bị hại cung cấp và giám định chữ viết, chữ ký của bị cáo trong các giấy biên nhận tiền, giấy cam kết trả nợ của bị cáo, đồng thời phù hợp với kết quả xác minh các giao dịch của bị cáo tại Ngân hàng. Do đó, có đủ căn cứ xác định: Nguyễn Đức K đã có hành vi gian dối khi đưa ra các thông tin mình có khả năng xin việc làm, xin biên chế để nhận tổng số tiền 1.155.000.000 đồng của 6 gia đình người bị hại có nhu cầu xin việc làm cho con, cháu trong đó có ông Trần Bình T, ông Trần Văn L và bà Đinh Thị Thúy T. Hậu quả là tất cả con cháu của các bị hại đều không xin được việc làm. Vì vậy, cấp sơ thẩm đã truy tố và xét xử Nguyễn Đức K về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng tội, đúng quy định của pháp luật.
[2]. Xét kháng cáo của các bị hại về việc tăng hình phạt đối với bị cáo Nguyễn Đức K thì thấy:
Bị cáo đã nhận tiền của 6 gia đình bị hại là 1.155.000.000 đồng nhưng sau khi không xin được việc làm và các bị hại đòi lại tiền. Đến tháng 02/2015, K đã trả các bị hại được 280.000.000 đồng (ông Đ 110.000.000 đồng, ông L 100.000.000 đồng và chị T 75 triệu đồng). Như vậy, đến khi khởi tố vụ án (08/9/2015) K chỉ còn chiếm đoạt của các bị hại số tiền 870.000.000 đồng. Cấp sơ thẩm vẫn xác định bị cáo chiếm đoạt của 6 bị hại toàn bộ số tiền K đã nhận 1.150.000.000 đồng là chưa chính xác. Tuy nhiên, với số tiền bị cáo chiếm đoạt 870.000.000 đồng, K bị cấp sơ thẩm truy tố và xét xử theo điểm a khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự là chính xác. Khi quyết định hình phạt đối với bị cáo, Tòa án cấp sơ thẩm đã đánh giá đúng tích chất nguy hiểm của hành vi bị cáo đã thực hiện. Theo đó, cấp sơ thẩm xác định hành vi của bị cáo K không chỉ xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của các bị hại mà còn gây mất trật tự trị an xã hội, ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của cán bộ, cơ quan Nhà nước là có căn cứ vì khi phạm tội bị cáo là cán bộ của Sở Tư pháp tỉnh Ninh Bình, nên việc áp dụng hình phạt tù giam đối với bị cáo là cần thiết nhằm giáo dục cải tạo bị cáo và phòng ngừa chung. Tòa án cấp sơ thẩm xác định bị cáo chỉ có một tình tiết tăng nặng hình phạt là phạm tội nhiều lần nhưng có nhiều tình tiết giảm nhẹ hình phạt như: Khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải; đầu thú, đã khắc phục một phần hậu quả (nộp được 100.000.000 đồng ) để trả lại các bị hại; có thành tích trong công tác; gia đình có công với cách mạng, từ đó áp dụng thêm Điều 54 Bộ luật hình sự và xử phạt bị cáo 7 năm tù là thỏa đáng. Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị hại yêu cầu tăng hình phạt đối với bị cáo chỉ vì lý do bị cáo và gia đình không tiếp tục trả tiền cho các bị hại sau khi xét xử sơ thẩm trong khi bị cáo đang bị giam giữ là không phù hợp quy định của pháp luật nên không có căn cứ chấp nhận.
[3]. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị và phù hợp quy định của pháp luật nên có hiệu lực thi hành kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên; Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355, Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án.
QUYẾT ĐỊNH
1. Không chấp nhận kháng cáo của các bị hại là: Ông Trần Bình T, ông Trần Văn L và bà Đinh Thị Thúy T về việc yêu cầu tăng hình phạt đối với bị cáo bị cáo Nguyễn Đức K, giữ nguyên bản án sơ thẩm về hình phạt đối với bị cáo K như sau:
Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 174; điểm b, s, t khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52, Điều 54, Điều 58 Bộ luật hình sự; xử phạt: Nguyễn Đức K 7 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Thời hạn tù tính từ ngày bắt giam giữ 23/9/2019.
2. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
3. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản số 120/2021/HS-PT
Số hiệu: | 120/2021/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 25/03/2021 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về