TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN CƯ KUIN, TỈNH ĐẮK LẮK
BẢN ÁN 11/2023/HS-ST NGÀY 08/05/2023 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN
Ngày 05 và ngày 08 tháng 5 năm 2023, tại phòng xử án A trụ sở Tòa án nhân dân huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 06/2023/TLST-HS ngày 03 tháng 3 năm 2023 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 09/2023/QĐXXST-HS ngày 20 tháng 3 năm 2023 và Quyết định hoãn phiên tòa số: 03/2023/HSST – QĐHPT ngày 14/4/2023 đối với bị cáo:
Họ và tên: Nguyễn Hữu Ch; Sinh ngày: 18/02/1951, tại tỉnh Nghệ An.
Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và cư trú: Thôn T, xã E, huyện N, tỉnh Đắk Lắk; giới tính: Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ học vấn: 10/10; con ông Nguyễn Văn M và bà Bùi Thị M (đều đã chết); bị cáo có vợ là Nguyễn Thị M, sinh năm 1957 và có 09 con, con lớn nhất sinh năm 1977, con nhỏ nhất sinh năm 1998. Tiền án, tiền sự: Không;
Nhân thân: Ngày 04/02/2021, bị Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xét xử phúc thẩm, xử phạt 01 năm 06 tháng tù về tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội: “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” tại Bản án hình sự phúc thẩm số 41/2021/HSPT. Hiện nay bị cáo đang chấp hành án tại trại giam Đ. (Có mặt).
- Người đại diện của bị cáo Chỉ: Bà Nguyễn Thị M, sinh năm 1957. Địa chỉ: Thôn T, xã E, huyện N, tỉnh Đắk Lắk (Có mặt).
- Người bào chữa cho bị cáo gồm có:
+ Luật sư Nguyễn Đình B – Văn phòng Luật sư Đình B thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk. Địa chỉ: Số 865A đường H, phường Th, thị xã B, tỉnh Đắk Lắk (Có mặt).
+ Bà Trần Thị Phương L – Trợ giúp viên pháp lý thuộc trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Đắk Lắk. Địa chỉ: Số 39 đường L, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk (Có mặt).
- Nguyên đơn dân sự: Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk.
Địa chỉ: Số 23, đường Tr, phường L, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk.
Đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Tấn L, chức vụ: Chuyên viên phòng người có công, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk (Có đơn xin vắng mặt).
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ông Trần Đức L, sinh năm 1947. Địa chỉ: Thôn 9, xã E, huyện K, tỉnh Đắk Lắk. Hiện đang chấp hành án tại Trại tạm giam Công an tỉnh Đắk Lắk (Vắng mặt).
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Trần Đức L và Nguyễn Hữu Ch là người cùng quê tại xã N, huyện Đ, tỉnh Nghệ An nên có sự quen biết nhau từ trước và thỉnh thoảng có gặp nhau tại huyện K, tỉnh Đắk Lắk. Năm 2009, Nguyễn Hữu Ch có nói với Trần Đức L là mình có thể làm được Giấy chứng nhận bị thương để làm chế độ thương binh, nếu L cần thì Ch sẽ làm giúp cho L; Nghe vậy L nói Ch làm cho Liệu và được Ch đồng ý. Sau đó Trần Đức L đã cung cấp cho Nguyễn Hữu Ch thông tin về quá trình công tác của bản thân để Ch đi làm Giấy chứng nhận bị thương cho L. Sau khi nhận lời giúp L, Ch đã liên hệ với một người (chưa xác định được danh tính) để mua Giấy chứng nhận bị thương số 2418/GCN đề ngày 16/3/1971, chưa ghi nội dung và có đóng dấu tròn đỏ của Trung đoàn 545, chữ ký, ghi tên Trung tá Trần Văn C với giá 2.000.000 đồng. Sau đó Ch đã tự mình ghi thông tin của L vào các phần còn trống của Giấy chứng nhận bị thương, rồi đưa cho L một bộ hồ sơ gồm Bản khai cá nhân; Biên bản đề nghị xác nhận thương binh; đơn xin giám định thương tật để Trần Đức L lập hồ sơ đề nghị công nhận thương binh. Trần Đức L đã trả cho Ch số tiền 2.000.000 đồng trong việc nhờ làm giúp Giấy chứng nhận bị thương.
Sau khi có Giấy chứng nhận bị thương số 2418/GCN ngày 16/3/1971 và hồ sơ, do Nguyễn Hữu Ch đưa cho, Trần Đức L đã kê khai các thông tin vào Đơn xin giám định thương tật, Bản khai cá nhân mang tên Trần Đức L lập ngày 10/3/2009, có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã E, huyện K; Biên bản đề nghị xác nhận Thương binh đối với Trần Đức L lập ngày 10/4/2009, có xác nhận của Đảng ủy, Ủy ban nhân dân và các đoàn thể xã E và mang đến nộp cho Ban Chính sách Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk để lập hồ sơ hưởng chế độ Thương binh của Nhà nước. Trên cơ sở hồ sơ, giấy tờ trên của Trần Đức L đã hưởng chế độ thương binh và chính sách đãi ngộ của Nhà nước từ tháng 9/2010 đến tháng 11/2015 là 104.580.000 đồng (Một trăm lẻ bốn triệu năm trăm tám mươi nghìn đồng).
- Tại bản Kết luận giám định số 191/PC54 ngày 23/4/2017 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Đắk Lắk thể hiện:
+ Chữ viết trong Giấy chứng nhận bị thương số 2418/GCN đề ngày 16/03/1971 (ký hiệu A1) so với chữ viết đứng tên Trần Đức L trong tài liệu mẫu so sánh Bản tự khai (ký hiệu M1), Đơn xin trình bày sự việc (ký hiệu M2), là không phải do cùng một người viết ra.
+ Chữ ký, chữ viết đứng tên Trần Đức L trong các tài liệu cần giám định Đơn xin giám định thương tật (ký hiệu A2), Bản khai cá nhân (ký hiệu A3) so với chữ ký, chữ viết đứng tên Trần Đức L trong tài liệu mẫu so sánh ký hiệu M1, M2, là do cùng một người viết ra.
+ Chữ viết phần nội dung trong Biên bản đề nghị xác nhận thương binh đề ngày 12/3/2009 (ký hiệu A4) so với chữ viết đứng tên Trần Đức L trong tài liệu mẫu so sánh ký hiệu M1, M2, là do cùng một người viết ra.
- Tại Kết luận giám định số 860/KLGĐ-PC09 ngày 06/01/2021 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Đắk Lắk thể hiện:
Chữ viết trong tài liệu cần giám định Giấy chứng nhận bị thương số 2418/GCN ngày 16/03/1971 của Trung đoàn 545 do Trung tá Trần Văn C ký mang tên Trần Đức L (ký hiệu A1) so với chữ viết của Nguyễn Hữu Ch trong các tài liệu mẫu so sánh ký hiệu từ M1 đến M5, M10 đến M13, do cùng một người viết ra.
- Tại Kết luận giám định số 381/KLGĐ-PC09 ngày 20/4/2021 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Đắk Lắk thể hiện:
+ Hình dấu tròn có nội dung “TRUNG ĐOÀN 545 QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM” trên tài liệu cần giám định ký hiệu A1, được tạo ra bằng phương pháp đóng trực tiếp.
+ Các chữ (trừ phần chữ viết, chữ ký) trên tài liệu cần giám định ký hiệu A1 được tạo ra bằng phương pháp in laser.
- Tại Công văn số 09/ĐTHS ngày 27/4/2021 của Cơ quan Điều tra hình sự/Quân chủng Phòng không-Không quân thể hiện:
+ Trung đoàn 545 là Trung đoàn Pháo phòng không, thành lập sau năm 1973, trực thuộc Bộ Tư lệnh 559.
+ Giấy chứng nhận bị thương số 2418/GCN của Trung đoàn 545, Sư đoàn 377 do Trung tá Trần Văn C ký ngày 16/03/1971, khi Trung đoàn chưa được thành lập là không có cơ sở.
+ Tháng 5/1974 Trung đoàn 545 từ Sư đoàn 471 mới được biên chế về Sư đoàn 377, do đó thời điểm tháng 3/1971 Trung đoàn 545 không thuộc Sư đoàn 377.
+ Danh sách thương binh và các văn bản liên quan đến thương binh lưu trữ tại Phòng Chính sách/Quân chủng PK-KQ không có tên ông Trần Đức L bị thương thuộc Trung đoàn 545, Sư đoàn 377 trong thời gian từ tháng 3/1971 đến tháng 01/1976.
Ngày 29/4/2021, Trần Đức L đã tự nguyện nộp lại số tiền 104.580.000 đồng (Một trăm lẻ bốn triệu năm trăm tám mươi nghìn đồng) cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk để khắc phục hậu quả.
Cáo trạng số 04/CT-VKS-HS ngày 28 tháng 02 năm 2023, Viện kiểm sát nhân dân huyện Cư Kuin truy tố bị cáo Nguyễn Hữu Ch về tội“Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 139 và tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 267 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Quá trình điều tra bị cáo Ch khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội như đại diện viện kiểm sát đã truy tố. Tuy nhiên, tại phiên tòa bị cáo chỉ trả lời duy nhất một câu hỏi của Hội đồng xét xử là bị cáo không phạm tội, sau đó im lặng và không trả lời tiếp các câu hỏi của Hội đồng xét xử cũng như của Kiểm sát viên cho đến khi kết thúc phiên tòa.
Kiểm sát viên thực hành quyền công tố giữ nguyên quan điểm truy tố bị cáo như nội dung Cáo trạng là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Đề nghị HĐXX tuyên bố bị cáo Nguyễn Hữu Ch phạm tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội: “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
- Áp dụng điểm e khoản 2 Điều 139 BLHS năm 1999; Khoản 3 Điều 7, điểm o, q, s, x khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 54 BLHS 2015, Nghị quyết số:
41/2017/QH14 ngày 20/6/2017. Xử phạt bị cáo Nguyễn Hữu Ch mức án từ 09 tháng đến 01 năm 03 tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
- Áp dụng điểm c khoản 2 Điều 267 BLHS năm 1999; Khoản 3 Điều 7, điểm o, q, s, x khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 54 BLHS 2015, Nghị quyết số:
41/2017/QH14 ngày 20/6/2017. Xử phạt bị cáo Nguyễn Hữu Ch mức án từ 09 tháng đến 01 năm 03 tháng tù về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 55 BLHS: Tổng hợp hình phạt của cả hai tội là từ 01 năm 06 tháng đến 02 năm 06 tháng. Đồng thời áp dụng Điều 56 BLHS, tổng hợp với hình phạt 01 năm 06 tháng tù về tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội: “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” tại Bản án hình sự phúc thẩm số 41/2021/HSPT ngày 04/02/2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk. Buộc bị cáo phải chấp hành chung của hai bản án. Thời gian chấp hành hình phạt tù tính từ ngày vào thi hành án.
- Về trách nhiệm dân sự: Truy thu sung công quỹ Nhà nước số tiền 2.000.000 đồng bị cáo hưởng lợi bất chính mà có.
Đối với hành vi phạm tội của ông Trần Đức L đã bị xét xử tại bản án hình sự sơ thẩm số: 33/2021/HS-ST, ngày 28/4/2020 của Tòa án nhân dân huyện Cư Kuin và tại Bản án hình sự phúc thẩm số: 51/2022/HS-PT ngày 28/02/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk là 02 năm tù về tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội: “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” nên không đề cập xử lý là phù hợp.
Người bào chữa cho bị cáo Ch tranh luận: Viện kiểm sát truy tố bị cáo về tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội: “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” là không có căn cứ. Bởi lẽ, bị cáo chỉ thực hiện hành vi làm giả giấy chứng nhận bị thương rồi đưa cho ông L, sau đó ông L đã sử dụng giấy tờ giả này để làm hồ sơ chiếm đoạt tiền của Nhà nước, bản thân bị cáo không biết và không trực tiếp thực hiện hành vi lừa đảo và cũng không được hưởng các số tiền mà ông L chiếm đoạt. Ngoài ra, bị cáo thực hiện một hành vi làm giả tài liệu thì chỉ bị truy tố về một tội nên bị cáo không phạm tội:“Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Đối với tội: “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” thì không có căn cứ nào để xác định bị cáo phạm tội thuộc trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng theo điểm c khoản 2 Điều 267 BLHS năm 1999 nên bị cáo chỉ phạm tội theo khoản 1 Điều 267 BLHS là tội phạm ít nghiêm trọng. Theo quy định tại Điều 23 BLHS năm 1999 thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội ít nghiêm trọng là 05 kể từ ngày thực hiện tội phạm, bị cáo thực hiện hành vi làm giả tài liệu từ năm 2009 đến năm 2014 thì đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo không phạm tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và đình chỉ xét xử đối với bị cáo về tội: “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Đại diện viện kiểm sát tranh luận: Hành vi làm giả tài liệu của bị cáo đã xâm phạm đến hai khách thể được pháp luật Nhà nước bảo vệ, đồng thời bị cáo là người đồng phạm giúp sức tích cực và là nguyên nhân để ông L thực hiện hành vi phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản Nhà nước nên phải bị truy tố về hai tội. Hành vi giúp sức của bị cáo giúp cho ông L chiếm đoạt số tiền 104.580.000 đồng của Nhà nước là gây hậu quả nghiêm trọng nên thuộc điểm c khoản 2 Điều 267 BLHS năm 1999, vì hành vi lừa đảo chiếm đoạt của ông L được thực hiện từ năm 2010 đến tháng 11 năm 2015 mới kết thúc và bị cáo đồng phạm với ông L nên chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 23 BLHS năm 1999 và Điều 27 BLHS năm 2015. Vì vậy, đại diện Viện kiểm sát không đồng ý với ý kiến của người bào chữa cho bị cáo và giữ nguyên quan điểm truy tố là đúng người, đúng tội đề nghị Hội đồng xét xử xem xét.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Tòa án nhận định như sau:
[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự thủ tục theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS). Quá trình điều tra, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác không có ý kiến và khiếu nại về hành vi của những người tiến hành tố tụng, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng nên các hành vi, quyết định đều hợp pháp.
[2] Về thủ tục tố tụng: Tại phiên tòa bị cáo chỉ trả lời duy nhất một câu hỏi của Hội đồng xét xử là bị cáo không phạm tội, sau đó im lặng và không trả lời tiếp các câu hỏi của Hội đồng xét xử cũng như của Kiểm sát viên. Vì vậy, căn cứ vào khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng hình sự Hội đồng xét xử công bố các lời khai của bị cáo và lời khai của ông L đã khai trong quá trình điều tra là phù hợp với quy định của pháp luật.
[3] Về nội dung vụ án: Mặc tại phiên tòa bị cáo không khai nhận hành vi phạm tội của mình nhưng căn cứ lời khai của bị cáo trong quá trình điều tra (từ bút lục số 199 đến 209) là phù hợp với lời khai của người liên quan là ông Trần Đức L và các tài liệu chứng cứ đã được thu thập trong hồ sơ vụ án. Như vậy, đã có đủ căn cứ kết luận: Do ý thức coi thường pháp luật, tham lam tư lợi cá nhân, nên vào năm 2009, Nguyễn Hữu Ch đã lợi dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với người có công với Cách mạng, đã làm giả và sử dụng giấy tờ giả nhằm thiết lập hồ sơ để giúp Trần Đức L được hưởng trợ cấp chế độ thương binh, theo đó trong khoảng thời gian từ tháng 9/2010 đến tháng 11/2015, Trần Đức L đã chiếm đoạt tổng số tiền là 104.580.000 đồng của Nhà nước. Vì vậy, Viện kiểm sát nhân dân huyện Cư Kuin truy tố bị cáo Nguyễn Hữu Ch về các tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm e khoản 2 Điều 139 và tội:“Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo điểm c khoản 2 Điều 267 BLHS năm 1999 là có căn cứ pháp luật.
Khoản 1, điểm e khoản 2 Điều 139 BLHS năm 1999 quy định:
“1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
… e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;” Khoản 1, điểm c khoản 2 Điều 267 BLHS năm 1999 quy định:
“1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm:
… c) Gây hậu quả nghiêm trọng;” [4] Xét tính chất, mức độ do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra là nguy hiểm cho xã hội, làm ảnh hưởng đến chính sách đúng đắn của Nhà nước trong việc trợ cấp ưu đãi đối với người có công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân, làm giảm uy tín của Đảng, Nhà nước với nhân dân; tuy bị cáo không trực tiếp chiếm đoạt số tiền 104.580.000 đồng của Nhà nước nhưng bị cáo là đồng phạm giúp sức tích cực nên cần áp dụng mức hình phạt tương ứng với tính chất, mức độ do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra, vì vậy cần cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian nhất định nhằm cải tạo giáo dục riêng đồng thời răn đe, phòng ngừa chung trong đời sống xã hội về từng loại tội phạm, sau đó tổng hợp buộc bị cáo chấp hành chung theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 55 BLHS.
[5] Sau khi bị cơ quan chức năng phát hiện tội phạm bị cáo đã khai báo thành khẩn về hành vi phạm tội; theo kết quả giám định xác định trước, trong, sau năm 2009 và hiện tại bị cáo bị hạn chế khả năng nhận thức và hạn chế khả năng điều khiển hành vi; bị cáo đã có thời gian tham gia quân ngũ được Chủ tịch nước tặng thưởng Huy chương kháng chiến hạng nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng bằng khen vì đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian tại ngũ; bị cáo xuất thân trong gia đình có công với cách mạng, bản thân bị nhiễm chất độc màu da cam, có con đẻ bị nhiễm chất độc hóa học, bản thân già yếu, gia đình bị cáo có cung cấp chứng cứ là các sổ khám bệnh, giấy tờ thể hiện bị cáo đang điều trị các bệnh mãn tính do ảnh hưởng của di chứng chiến tranh gây ra, bị cáo là người đủ 70 tuổi. Đây là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại các điểm o, q, s, x khoản 1, khoản 2 Điều 51 BLHS năm 2015.
[6] Bị cáo phạm tội có bốn tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS nên được xem xét áp dụng thêm Điều 54 BLHS để xử phạt bị cáo dưới mức thấp nhất của khung hình phạt thể hiện tính khoan hông của pháp luật Nhà nước ta. Đối với ý kiến của người bào chữa cho bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử đình chỉ xét xử bị cáo về tội:“Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” do đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự và tuyên bị cáo không phạm tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là không có căn cứ chấp nhận, mà nhận thấy tội danh cũng như mức hình phạt mà đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Cư Kuin đề nghị đối với bị cáo là phù hợp với tính chất, mức độ hành vi phạm tội.
[7] Mặc dù bị cáo chiếm đoạt tài sản của Nhà nước nhưng căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 7, Điều 52 BLHS năm 2015, Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 ngày 27/11/2015, điểm a khoản 4 Điều 1 Nghị quyết số: 144/2016/QH13 ngày 29/6/2016, Nghị quyết số: 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội và Công văn số 276/TANDTC-PC ngày 13/9/2016 của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định có lợi cho người phạm tội của BLHS năm 2015 nên bị cáo không bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Xâm phạm tài sản của Nhà nước” quy định tại điểm i khoản 1 Điều 48 BLHS năm 1999.
[8] Xét hành vi của ông Trần Đức L đã được điều tra, truy tố, xét xử tại Bản án hình sự sơ thẩm số: 33/2021/HS-ST, ngày 28/4/2020 của Tòa án nhân dân huyện Cư Kuin và tại Bản án hình sự phúc thẩm số: 51/2022/HS-PT ngày 28/02/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã có hiệu lực pháp luật nên không đề cập xử lý là phù hợp. Quá trình điều tra, bị cáo Nguyễn Hữu Ch khai, đã mua của ông Nguyễn Thanh H và Nguyễn Mạnh H Giấy Chứng nhận bị thương số 2418/GCN đề ngày 16/3/1971 của Trung đoàn 545 mang tên Trần Đức L do Trung tá Trần Văn C ký. Tuy nhiên, qua xác minh ông H trình bày không quen biết Nguyễn Hữu Ch và Trần Đức L, không thừa nhận việc bán Giấy Chứng nhận bị thương do Trung đoàn 545 cấp mang tên Trần Đức L như nội dung Nguyễn Hữu Ch khai; ông H có anh ruột là Nguyễn Quốc H, sinh năm 1949; trú tại Thôn 8, xã E, huyện K, tỉnh Đắk Lắk. Các Biên bản xác minh ngày 16/5/2017 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Cư Kuin tại Công an xã và Ủy ban nhân dân xã E, huyện K, xác định: Ông Nguyễn Quốc H, sinh năm 1949; Quê quán: xã H, huyện N, tỉnh Nghệ An; hộ khẩu thường trú: Thôn 8, xã E; ông Nguyễn Quốc H đã chết năm 2015, vì vậy Cơ quan Cảnh sát điều tra không xử lý đối với ông Nguyễn Thanh H là phù hợp.
[9] Về vật chứng vụ án: Áp dụng Điều 86, 89, 90 BLTTHS, các giấy tờ giả mà Cơ quan điều tra đã thu giữ lưu trong vụ án Trần Đức L là chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo nên cần tiếp tục lưu giữ.
[10] Về trách nhiệm dân sự: Toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt của Nhà nước là 104.580.000 đồng ông Trần Đức L đã nộp cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk nên không đề cập giải quyết. Quá trình điều tra bị cáo khai đã nhận số tiền 2.000.000 đồng từ ông L, đây là số tiền thu lợi bất chính nên cần truy thu sung công quỹ Nhà nước là phù hợp.
[11] Về án phí: Bị cáo Nguyễn Hữu Ch là người cao tuổi nên được miễn toàn bộ án phí hình sự sơ thẩm theo quy định pháp luật.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
1. Về tôi danh: Tuyên bố bị cáo Nguyễn Hữu Ch phạm tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội“ Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
2. Về điều luật áp dụng và hình phat:
- Áp dụng điểm e khoản 2 Điều 139 BLHS năm 1999; khoản 3 Điều 7, điểm o, q, s, x khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 54 Bộ luật hình sự năm 2015, Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017. Xử phạt bị cáo Nguyễn Hữu Ch 09 (chín) tháng tù về tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
- Áp dụng điểm c khoản 2 Điều 267 BLHS năm 1999; khoản 3 Điều 7, điểm o, q, s, x khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 54 BLHS năm 2015, Nghị quyết số:
41/2017/QH14 ngày 20/6/2017. Xử phạt bị cáo Nguyễn Hữu Ch 09 (chín) tháng tù về tội: “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
- Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 55 BLHS. Tổng hợp hình phạt của cả hai tội là 01 (một) năm 06 (sáu) tháng tù.
- Áp dụng Điều 56 BLHS, tổng hợp với hình phạt 01 (một) năm 06 (sáu) tháng tù về tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội: “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” tại Bản án hình sự phúc thẩm số: 41/2021/HSPT ngày 04/02/2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk. Buộc bị cáo phải chấp hành chung của hai bản án là 03 (ba) năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày vào thi hành án.
3. Về vật chứng vụ án: Áp dụng Điều 86, 89, 90 BLTTHS, các giấy tờ giả mà Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Cư Kuin đã thu giữ hiện đang lưu trong hồ sơ vụ án đối với Trần Đức L là chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo nên cần tiếp tục lưu giữ.
4. Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 47 BLHS năm 2015.
Toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt của Nhà nước là 104.580.000 đồng, ông Trần Đức L đã nộp cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk nên không đề cập giải quyết.
Truy thu sung công quỹ Nhà nước số tiền 2.000.000 đồng (Hai triệu đồng) bị cáo hưởng lợi bất chính mà có.
5. Về án phí: Căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án. Bị cáo Nguyễn Hữu Ch là người cao tuổi nên được miễn toàn bộ án phí hình sự sơ thẩm theo quy định pháp luật.
Bị cáo, người đại diện và người bào chữa của bị cáo có mặt tại phiên tòa được quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.
Nguyên đơn dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt được quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận hoặc bản án được niêm yết hợp lệ.
Bản án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản số 11/2023/HS-ST
Số hiệu: | 11/2023/HS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Cư Kuin - Đăk Lăk |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 08/05/2023 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về