Bản án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản số 10/2023/HS-ST

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH ĐỊNH

BẢN ÁN 10/2023/HS-ST NGÀY 14/03/2023 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Ngày 14 tháng 3 năm 2023 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 04/2023/TLST-HS ngày 17 tháng 01 năm 2023 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 12/2023/QĐXXST-HS ngày 02 tháng 02 năm 2023 đối với bị cáo:

Huỳnh Ngọc T, sinh năm: 1993 tại tỉnh Bình Định; nơi ĐKNKTT: Thôn A, xã B, huyện C, tỉnh Bình Định; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ học vấn (văn hóa): 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông: Huỳnh Bác D, sinh năm: 1948 và bà Lê Thị Trúc E, sinh năm: 1967; vợ, con: Chưa có; tiền án, tiền sự: Không. Bị bắt tạm giữ, tạm giam ngày 27/02/2022. Có mặt.

Người bào chữa cho bị cáo Huỳnh Ngọc T: Bà Lê Tôn Nữ Kim Y – Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Bình Định (Có mặt).

Địa chỉ: 57 Lê Hồng Phong, thị trấn D, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.

- Bị hại:

1. Ông Nguyễn M, sinh năm: 1978 (Có mặt).

Trú tại: Thôn A, xã B, huyện C, tỉnh Bình Định.

2. Bà Vũ Thị Trọng H, sinh năm: 1979 (Vắng mặt).

Trú tại: Thôn Ê, xã E, huyện P, tỉnh Bình Định.

Người đại diện hợp pháp của bị hại bà Vũ Thị Trọng H: Ông Nguyễn M, sinh năm: 1978 là người đại diện theo ủy quyền (Theo văn bản ủy quyền ngày 15/02/2023) (Có mặt).

3. Chị Nguyễn Thị Anh Th, sinh năm: 1992 (Có mặt).

Trú tại: Thôn W, xã R, thị xã Y, tỉnh Bình Định.

4. Anh Võ Văn Z, sinh năm: 1994 (Vắng mặt).

Trú tại: Tổ 13, khu phố 3, phường V, Tp. Q, tỉnh Bình Định.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Anh Lê Nhật G, sinh năm: 1995 (Có đơn xin xét xử vắng mặt).

Trú tại: 545/40/6/11 Nguyễn Xiển, phường L, Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh.

2. Anh Phan Hoàng Ơ, sinh năm: 1989 (Có đơn xin xét xử vắng mặt).

Trú tại: 219/3 khu phố 5, phường T, quận 12, Tp. Hồ Chí Minh.

3. Anh Nguyễn Văn Ư, sinh năm: 1972 (Vắng mặt).

Trú tại: 687/36/2 Kim Dương Vương, phường A, quận Bình Tân, Tp. Hồ Chí Minh.

4. Chị Hà Thị U, sinh năm: 1987 (Vắng mặt).

Trú tại: 360/70/75 Nguyễn Thị Sáng, ấp 6, xã Đ, Hóc Môn, Tp. Hồ Chí Minh.

5. Bà Nguyễn Thị Thanh V, sinh năm: 1974 (Có đơn xin xét xử vắng mặt).

Trú tại: 21/5 Trương Phước Khoan, phường B, quận Bình Tân, Tp. Hồ Chí Minh.

6. Ông Băng Vệ L, sinh năm: 1963 (Có đơn xin xét xử vắng mặt).

Trú tại: 183 Thạch Lan, phường P, quận Tân Phú, Tp. Hồ Chí Minh.

7. Anh Hà Thành X, sinh năm: 1991 (Vắng mặt).

Trú tại: Thôn Ngọc Thạnh 2, xã Phước An, huyện T, tỉnh Bình Định.

8. Anh Nguyễn Như S, sinh năm: 1988 (Có đơn xin xét xử vắng mặt).

Trú tại: Tổ dân phố Bắc Sơn, thị trấn C, huyện Chương Mỹ, Tp. Hà Nội.

- Người làm chứng:

1. Bà Lê Thị Trúc Li, sinh năm: 1967 (Có mặt).

2. Anh Lê Kim K, sinh năm: 1989 (Vắng mặt).

3. Anh Lê P, sinh năm: 1990 (Vắng mặt).

4. Chị Huỳnh Thị Ý Nh, sinh năm: 1987 (Vắng mặt).

Đồng trú tại: Thôn A, xã B, huyện C, tỉnh Bình Định.

5. Anh Nguyễn Minh J, sinh năm: 1997 (Có đơn xin xét xử vắng mặt).

Trú tại: Thôn 6, xã A, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Khoảng tháng 02/2016, Huỳnh Ngọc T tham gia đầu tư vào sàn góp vốn tiền ảo trên mạng internet và có lợi nhuận. Đến khoảng cuối năm 2017, T đã đầu tư vào sàn góp vốn tiền ảo này rất nhiều tiền nhưng chưa thu được lợi nhuận và cũng không rút lại được số tiền đã đầu tư, nên T nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tiền của người khác để có tiền tiếp tục đầu tư vào sàn góp vốn tiền ảo trên. Từ ngày 04/01/2018 đến ngày 30/6/2018, T đã dùng nhiều thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của Ông Nguyễn M, chị Nguyễn Thị Anh Th và anh Võ Văn Z, cụ thể như sau:

1. Đối với Ông Nguyễn M:

Ông Nguyễn M là thầy dạy học cũ của Huỳnh Ngọc T và sống cùng địa phương nên quen biết nhau. Trong những lần tiếp xúc nói chuyện, T nói cho ông M biết là mình đang làm nghề mua bán chứng khoán, buôn bán rượu ngoại, buôn bán gỗ ở Campuchia và buôn bán bất động sản ở TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, từ ngày 04/01/2018 đến ngày 08/6/2018, T đưa ra nhiều lý do gian dối để vợ chồng Ông Nguyễn M - bà Vũ Thị Trọng H tin tưởng cho T mượn tiền 06 lần với tổng số tiền 202.900.000 đồng, rồi T chiếm đoạt toàn bộ số tiền này. Cụ thể:

- Lần thứ nhất: Ngày 04/01/2018, T uống cà phê cùng Ông Nguyễn M và anh Lê Kim K, T nói dối là có nhập lô rượu ngoại nhưng thiếu tiền đóng thuế cho Hải quan nên hỏi mượn ông M 20.000.000 đồng (Hai mươi triệu đồng), hẹn một tuần sẽ trả lại, tin là thật nên ông M đồng ý. Ngày 06/01/2018, T nhờ anh Lê P đến gặp ông M lấy 20.000.000 đồng và P đã chuyển toàn bộ số tiền trên cho T.

- Lần thứ hai: Ngày 19/5/2018, T nói dối với ông M là có một chiếc nhẫn đính kim cương đang cầm cố tại thành phố Hồ Chí Minh với giá 100.000.000 đồng nên hỏi mượn tiền để chuộc lại và sẽ đem bán chiếc nhẫn đó trả lại tiền cho ông M. Tin là thật nên ông M đồng ý chuyển số tiền 19.000.000 đồng (Mười chín triệu đồng) vào tài khoản số 0431000199785 của T mở tại Ngân hàng Thương mại cổ phần ngoại Thương Việt Nam - Chi nhánh Bình Định (Vietcombank). Sau đó, hai bên thỏa thuận tiền lãi của số tiền ông M cho T mượn trước đó và tiền chi phí đi Gia Lai để mượn tiền - tổng cộng là 31.000.000 đồng. Ngày 07/6/2018, T viết giấy mượn ông M số tiền 50.000.000 đồng.

- Lần thứ ba: Ngày 03/6/2018, T nói dối với ông M là tài khoản ngân hàng của T bị “đóng băng”, không giao dịch tạm ứng tiền trên sàn góp vốn tiền ảo được nên nhờ ông M mở tài khoản Ngân hàng Vietcombank để T thực hiện lệnh tạm ứng tiền. Khi có tiền T sẽ chuyển trả cho ông M số tiền đã nợ trước đây; tin lời T nên ông M đồng ý. Ngày 04/6/2018, ông M và T đến Ngân hàng Vietcombank - Chi nhánh Bình Định để mở tài khoản với thông tin chủ tài khoản là ông M nhưng số điện thoại sử dụng dịch vụ Internet banking là của T. Trước đó, T nói dối do sàn góp vốn tiền ảo này ở nước ngoài (Úc), muốn chuyển tiền về Việt Nam để chống rửa tiền thì tài khoản của ông M phải có số tiền 52.000.000 đồng. T nói ông M cho mượn 32.000.000 đồng, còn T kiếm thêm 20.000.000 đồng để nạp vào tài khoản của ông M, ông M đồng ý. Ngày 05/6/2018, ông M nhờ người thân của mình chuyển số tiền 32.000.000 đồng vào tài khoản của ông M thì T dùng internet banking chuyển số tiền 31.900.000 đồng từ tài khoản của ông M sang tài khoản của T. Ông M phát hiện tiền không còn trong tài khoản của mình nên đã hỏi T thì T thừa nhận đã chuyển số tiền này vào tài khoản trung gian (T không nói rõ là tài khoản của T) do chưa kiếm được 20.000.000 đồng còn lại, khi nào kiếm được số tiền trên thì T sẽ chuyển trả lại toàn bộ 52.000.000 đồng vào tài khoản của ông M.

- Lần thứ tư: Ngày 06/6/2018, T nói không kiếm được số tiền 20.000.000 đồng nên nói với ông M cho mượn thêm 20.000.000 đồng cho đủ số tiền 52.000.000 đồng để thực hiện lệnh tạm ứng tiền và trả hết số tiền đã mượn cho ông M. T nói bây giờ không cần tài khoản của ông M nữa mà nạp tiền vào tài khoản của T vẫn được. Ông M đồng ý và chuyển vào tài khoản của T 20.000.000 đồng. Sau đó, T nói hội góp vốn đã gửi mã xác nhận vào số điện thoại 0986159999 của T nhưng số điện thoại này T đã cầm cố cho người khác; T đã liên lạc với người đang giữ số điện thoại thì họ yêu cầu đưa 40.000.000 đồng mới đưa mã xác nhận. T nói ông M cho mượn thêm 40.000.000 đồng. Lúc này, ông M không có tiền nên nói T đi cùng đến nhà người thân của ông M ở tỉnh Gia Lai để mượn tiền.

- Lần thứ năm: Ngày 07/6/2018, khi cả hai đang ở tại Gia Lai, T tiếp tục nói dối với ông M là người cầm cố số điện thoại 0986159999 đang ở thành phố Hà Nội (Nguyễn Như S, sinh năm 1988, trú tại Tổ dân phố Bắc Sơn, thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, Tp. Hà Nội) và hiện chị ruột của T là Huỳnh Thị Ý Nh (sinh năm 1987, trú tại Thôn A, xã B, huyện C, tỉnh Bình Định) đang ở thành phố Hà Nội, nên T nói với ông M chuyển tiền vào tài khoản của Nh để Nh gặp Nguyễn Như S đưa tiền lấy mã xác nhận. Ông M đồng ý nên mượn số tiền 40.000.000 đồng chuyển vào tài khoản ngân hàng của Nh và T viết giấy mượn tiền đưa cho ông M giữ. Sau đó, T yêu cầu Nh chuyển lại số tiền 40.000.000 đồng trên vào lại tài khoản Ngân hàng Vietcombank của T. Đồng thời, T tiếp tục nói dối với ông M là đã có mã xác nhận rồi nhưng làm bị chậm nên bị phạt 72.000.000 đồng, nên hỏi mượn ông M 72.000.000 đồng để nộp phạt, nhưng ông M không có tiền nên cả hai quay về lại nhà của ông M ở Tuy Phước.

- Lần thứ sáu: Ngày 08/6/2018, T nói dối với ông M, bà H (vợ của ông M) cho mượn thêm số tiền 72.000.000 đồng để đóng tiền phạt vào hội góp vốn trên mạng, rồi tạm ứng tiền trả hết cho ông M. Vợ chồng ông M yêu cầu phải có mẹ T đến chứng kiến việc mượn tiền nên T gọi điện thoại cho bà Lê Thị Trúc Li (sinh năm 1967, trú tại Thôn A, xã B, huyện C, tỉnh Bình Định, là mẹ ruột của T) đến nhà ông M. Tại đây, T cam kết với bà H và bà Li nếu vợ chồng ông M cho T mượn số tiền 72.000.000 đồng để đóng tiền phạt làm lệnh tạm ứng thì trong chiều ngày 08/6/2018 sẽ trả lại đủ hết số tiền mà vợ chồng ông M cho T mượn từ trước đến giờ; vợ chồng ông M đồng ý chuyển vào tài khoản của T số tiền 72.000.000 đồng; T viết, ký giấy mượn tiền và bà Li cũng ký vào giấy này rồi đưa cho vợ chồng ông M giữ. Chiều cùng ngày, T tiếp tục nói dối với ông M là đã thực hiện được lệnh tạm ứng tiền, tài khoản của T đã nhận được hơn 5 tỷ đồng. T nói ông M chở T đi đến Ngân hàng Vietcombank ở Tp. Quy Nhơn để rút tiền. Trên đường đi, T viện cớ là giờ cuối giờ chiều thứ sáu ngân hàng nghỉ và rút số tiền lớn không được nên T bảo ông M chở T quay lại nhà chờ đến sáng thứ hai sẽ rút tiền trả cho ông M, nhưng sau đó T không trả mà chiếm đoạt toàn bộ số tiền đã mượn.

2. Đối với chị Nguyễn Thị Anh Th:

Khoảng tháng 10/2017, Huỳnh Ngọc T quen Nguyễn Thị Anh Th qua mạng xã hội Facebook. Sau đó, T có mượn tiền của Th một vài lần rồi trả lại đủ cả gốc lẫn lãi nên Th tin tưởng T. Trong khoảng thời gian từ 16/01/2018 đến ngày 10/02/2018, T đưa ra nhiều lý do gian dối để Th tin tưởng cho T mượn tiền 09 lần với tổng số tiền 544.200.000 đồng, rồi chiếm đoạt toàn bộ số tiền này. Cụ thể:

- Lần thứ nhất: Ngày 16/01/2018, T gọi điện thoại cho Th nói dối là có một lô gỗ đang làm thủ tục xuất khẩu nhưng thiếu tiền nên hỏi mượn Th số tiền 60.000.000 đồng, hẹn ngày hôm sau khách hàng trả tiền sẽ trả lại cho Th, tin là thật nên Th đồng ý rồi chuyển tiền vào tài khoản số 0431000199785 của T mở tại Ngân hàng Vietcombank 02 lần với tổng số tiền 60.000.000 đồng.

- Lần thứ hai: Ngày 30/01/2018, Th gọi điện thoại cho T đòi nợ thì T nói không có tiền do công việc làm ăn không suôn sẻ và đang tham gia vào hội góp vốn tiền ảo ở nước Australia (Úc); đồng thời, T tiếp tục hỏi mượn Th số tiền 120.000.000 đồng để đóng tiền phí, tiền phạt thì T mới rút ra được số tiền 1.000.000.000 đồng để trả cho Th. Nghe vây, Th đồng ý chuyển vào tài khoản Ngân hàng Vietcombank của T số tiền 120.000.000 đồng.

- Lần thứ ba: Ngày 31/01/2018, T nói dối là số dư trong tài khoản của T chưa đủ nên chưa chuyển tiền được và tiếp tục hỏi mượn Th 120.000.000 đồng để nộp vào hội góp vốn, rồi rút tiền trả lại cho Th. Th đồng ý chuyển vào tài khoản Ngân hàng Vietcombank của T số tiền 120.000.000 đồng.

- Lần thứ tư: Ngày 02/02/2018, T nói dối do chuyển tiền qua Úc chậm nên bị phạt và hỏi mượn Th 5.000.000 đồng để đóng tiền phạt. Th đồng ý chuyển vào tài khoản Ngân hàng Vietcombank của T số tiền 5.000.000 đồng.

- Lần thứ năm: Ngày 04/02/2018, T nói dối là hội góp vốn đã xác nhận giải ngân số tiền 1.000.000.000 đồng và muốn rút tiền thì phải có mã xác nhận gửi về số điện thoại 0986159999 của T đã đăng ký, nhưng số điện thoại này T đã bán cho một người ở Hà Nội và phải trả cho họ số tiền 150.000.000 đồng thì mới lấy lại sim để lấy mã xác nhận. Do vậy, T tiếp tục hỏi mượn tiền của Th để lấy mã xác nhận. Vì muốn lấy lại số tiền đã cho T mượn trước đó nên Th đồng ý, tiếp tục chuyển tiền cho T 05 lần vào tài khoản Ngân hàng Vietcombank của T với tổng số tiền 88.200.000 đồng.

- Lần thứ sáu: Ngày 05/02/2018, T nói dối đã lấy được mã xác nhận nhưng giờ bên Úc đã hết giờ làm việc nên cần đóng tiền phí gia hạn là 75.000.000 đồng và T hỏi mượn Th số tiền này. Để lấy lại số tiền đã cho T mượn nên Th đồng ý tiếp tục chuyển 04 lần vào tài khoản Ngân hàng Vietcombank của T với tổng số tiền là 71.000.000 đồng.

- Lần thứ bảy: Ngày 06/02/2018, T nói dối cần có mã xác nhận gửi về số điện thoại 0986152222 mới thực hiện được việc rút tiền, nhưng số điện thoại này T đã bán cho một người ở Hà Nội và phải trả cho họ số tiền 10.000.000 đồng mới lấy được sim điện thoại để lấy mã xác nhận. Để lấy lại số tiền đã cho T mượn nên Th đồng ý chuyển 02 lần vào tài khoản Ngân hàng Vietcombank của T với tổng số tiền là 10.000.000 đồng.

- Lần thứ tám: Ngày 07/02/2018, T nói dối cần thêm 20.000.000 đồng mới lấy được sim điện thoại số 0986152222 nên tiếp tục hỏi mượn tiền của Th. Để lấy lại số tiền đã cho T mượn nên Th đồng ý chuyển vào tài khoản Vietcombank của T số tiền là 20.000.000 đồng.

- Lần thứ chín: Ngày 10/02/2018, T nói dối đã lấy được mã xác nhận của hai số điện thoại nhưng số dư tối thiếu trong tài khoản ngân hàng của T phải có 50.000.000 đồng thì mới thực hiện được giao dịch chuyển tiền từ hội góp vốn ở Úc về Việt Nam. Để lấy lại số tiền đã cho T mượn nên Th đồng ý chuyển vào tài khoản Ngân hàng Vietcombank của T số tiền 50.000.000 đồng. Sau đó, T không trả tiền cho Th mà chiếm đoạt toàn bộ số tiền đã mượn.

3. Đối với Võ Văn Z:

Khoảng tháng 06/2018, T quen biết với Nguyễn Minh J (sinh năm 1997, trú tại thôn 6, xã An Trung, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai). Sau đó, T nhờ J mở tài khoản tại Ngân hàng Vietcombank với thông tin chủ tài khoản là của J nhưng số điện thoại sử dụng dịch vụ internet banking là của T, J đồng ý. Cuối tháng 6/2018, T nhờ J giới thiệu người cho vay số tiền 80.000.000 đồng để T nộp vào tài khoản ngân hàng trên rồi in sao kê ra xong sẽ trả lại ngay cùng với tiền lãi cho J. J giới thiệu T với anh Võ Văn Z thì anh Z yêu cầu J đưa T đến gặp mặt rồi mới cho vay.

Khoảng 08 giờ ngày 29/6/2018, J dẫn T đến gặp Z, T nói với Z cần 500.000.000 đồng trong tài khoản để in sao kê làm công việc của T, hiện T đã mượn được 420.000.000 đồng còn thiếu 80.000.000 đồng nữa nên muốn mượn Z số tiền 80.000.000 đồng, sau khi sao kê xong sẽ rút tiền ra trả cho Z và hứa sẽ cho Z 10.000.000 đồng; Z đồng ý và mang 80.000.000 đồng đến trước Ngân hàng Vietcombank - Chi nhánh Bình Định (địa chỉ: 66 Lê Duẩn, Tp. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) đưa cho T mượn. Lúc này, T nộp số tiền trên vào tài khoản Vietcombank do J đứng tên, rồi sử dụng dịch vụ internet banking chuyển số tiền 80.000.000 đồng từ tài khoản ngân hàng của J sang tài khoản Vietcombank của T.

Đến khoảng 12 giờ cùng ngày, T gọi điện cho Z gặp nhau để nói chuyện. Khi gặp nhau, T nói với Z chưa giao dịch được vì thiếu tiền nên mượn Z thêm 55.000.000 đồng nữa và chiều cùng ngày thực hiện giao dịch rồi trả tiền cho Z luôn, Z đồng ý. Khoảng 15 giờ cùng ngày, Z mang số tiền 55.000.000 đồng đến trước Ngân hàng Vietcombank - Chi nhánh Bình Định đưa cho T, T nộp tiền vào tài khoản Ngân hàng Vietcombank của J rồi dùng dịch vụ internet banking chuyển số tiền 55.000.000 đồng từ tài khoản Ngân hàng Vietcombank của J sang tài khoản Ngân hàng Vietcombank của T. Đến khoảng 17 giờ cùng ngày, Z điện thoại yêu cầu T trả tiền thì T nói hết giờ hành chính giao dịch chưa được phải đợi đến sáng mai.

Đến khoảng 22 giờ cùng ngày, T gọi điện hẹn gặp Z, T nói thiếu tiền nên chưa giao dịch được và hỏi mượn thêm của Z 70.000.000 đồng. Do muốn lấy lại được số tiền đã cho T mượn trước đó nên Z đồng ý và hẹn T sáng ngày 30/6/2018 mới có tiền vì Z phải đi mượn tiền người khác. Khoảng 11 giờ ngày 30/6/2018, Z đưa số tiền 70.000.000 đồng cho T tại Cửa hàng Viettel (trên đường Nguyễn Thái Học, Tp. Quy Nhơn). T mang số tiền này nộp vào tài khoản Ngân hàng Vietcombank của J và nói với Z là chiều cùng ngày sẽ có tiền trả lại. Sau đó, T dùng dịch vụ internet banking chuyển số tiền 70.000.000 đồng từ tài khoản Ngân hàng Vietcombank của J sang tài khoản Ngân hàng Vietcombank của T. Đến khoảng 17 giờ cùng ngày, Z gọi điện yêu cầu T trả tiền thì T nói hết giờ ngân hàng nghỉ nên hẹn sáng thứ hai ngân hàng làm việc sẽ rút tiền trả cho Z. Sau đó, T không trả tiền cho Z như thỏa thuận nên Z đến nhà T gặp T, J đòi tiền. Tại đây, J viết giấy mượn tiền của Z và T viết giấy mượn tiền của J với số tiền 205.000.00 đồng.

Toàn bộ số tiền chiếm đoạt được của 03 người trên (952.100.000 đồng), T đều sử dụng nộp vào trang góp vốn tiền ảo trên mạng internet. Đến tháng 7/2018, thì trang này bị sập không thể truy cập vào được nữa, nhưng do thời gian đã lâu nên T không nhớ được tên miền, link đăng nhập của trang Web này là gì. Sau khi các bị hại có đơn tố cáo, T bỏ trốn khỏi địa phương.

* Về dân sự: Bị cáo và gia đình đã trả cho các bị hại tổng số tiền 159.000.000 đồng để khắc phục một phần hậu quả (Trả cho Ông Nguyễn M 48.000.000 đồng; bà Nguyễn Thị Anh Th 28.000.000 đồng và ông Võ Văn Zsố tiền 83.000.000 đồng).

Tại bản cáo trạng số 11/CT-VKSBĐ-P2 ngày 16/01/2023 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định đã truy tố bị cáo Huỳnh Ngọc T về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm a khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự.

Tại phiên tòa bị cáo Huỳnh Ngọc T khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội và không có ý kiến tranh luận.

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định luận tội giữ nguyên quyết định truy tố bị cáo Huỳnh Ngọc T về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm a khoản 4 Điều 174, điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 54 của Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Huỳnh Ngọc T từ 08 đến 09 năm tù.

Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng các Điều 585, 586, 594 của Bộ luật Dân sự. Buộc bị cáo phải bồi Thờng cho những người bị hại tổng số tiền chiếm đoạt 784.100.000 đồng.

Người bào chữa cho bị cáo Huỳnh Ngọc T trình bày: Tại phiên tòa bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, đã bồi Thờng khắc phục hậu một phần quả cho bị hại. Bị cáo có hoàn cảnh gia đình khó khăn, mẹ bị bệnh ung Th. Gia đình bị cáo thuộc diện hộ nghèo nên Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ vào điểm a khoản 4 Điều 174; các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 54 của Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo 07 (bảy) năm tù, cũng đủ tác dụng giáo dục bị cáo và phòng ngừa chung tội phạm.

Lời nói sau cùng của bị cáo: Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Định, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên toà, bị cáo và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Lời khai của bị cáo tại phiên tòa phù hợp với lời khai của bị cáo tại Cơ quan điều tra, phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án. Do đó, Hội đồng xét xử có đủ cơ sở để xác định: Để có tiền đầu tư vào trang tiền ảo trên mạng internet và tiêu xài cá nhân nên Huỳnh Ngọc T đã nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 03 bị hại bằng cách đưa ra các thông tin gian dối như cần tiền để đóng thuế hải quan cho lô rượu ngoại nhập khẩu, cần tiền để làm thủ tục xuất khẩu lô gỗ, cần tiền để chuộc nhẫn kim cương đang cầm cố, cần đủ tiền trong tài khoản ngân hàng của T để thực hiện lệnh tạm ứng tiền trong hội vốn góp trên mạng, cần tiền để chuộc sim điện thoại để lấy mã xác thực tạm ứng tiền của hội góp vốn ... để các bị hại tin tưởng cho bị cáo mượn tiền rồi chiếm đoạt. Trong khoảng thời gian từ ngày 04/01/2018 đến ngày 30/06/2018 Huỳnh Ngọc T đã chiếm đoạt của Ông Nguyễn M, bà Vũ Thị Trọng H, chị Nguyễn Thị Anh Th và anh Võ Văn Z với tổng số tiền 952.100.000 đồng. Như vậy, hành vi nêu trên của bị cáo Huỳnh Ngọc T đã phạm vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại điểm a khoản 4 Điều 174 của Bộ luật hình sự, như Bản cáo trạng số 11/CT-VKSBĐ-P2 ngày 16/01/2023 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định truy tố là có căn cứ.

[3] Bị cáo Huỳnh Ngọc T là công dân có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự để nhận thức rằng mọi hành vi xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của cá nhân, tổ chức xã hội đều bị xử lý bằng pháp luật hình sự. Tuy nhiên, vì cần tiền để đầu tư vào trang tiền ảo trên mạng internet và tiêu xài cá nhân nên bị cáo đã dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của nhiều người. Hành vi của bị cáo gây ra là đặc biệt nghiêm T, không những xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản người khác mà còn gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự trị an tại địa phương. Do đó, cần phải xử phạt bị cáo bằng pháp luật hình sự để răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung tội phạm.

[4] Về các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự:

[4.1] Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Bị cáo Huỳnh Ngọc T thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; đã tự nguyện để bồi Thờng khắc phục một phần hậu quả và được bị hại bãi nại, bị cáo có hoàn cảnh gia đình khó khăn thuộc diện hộ nghèo nên được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự.

[4.2] Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Bị cáo phạm tội 02 lần trở lên nên bị áp dụng điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.

[4.3] Bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự, nên Hội đồng xét xử áp dụng thêm khoản 1 Điều 54 của Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo dưới khung hình phạt, trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn điều luật cũng đủ tác dụng giáo dục bị cáo thành người lương thiện.

[5] Về trách nhiệm dân sự: Bị cáo chiếm đoạt của Ông Nguyễn M 130.900.000 đồng và bà Vũ Thị Trọng H 72.000.000 đồng, bị cáo đã trả cho ông M 51.000.000 đồng. Bị cáo chiếm đoạt của chị Nguyễn Thị Anh Th 544.200.000 đồng, bị cáo đã trả cho chị Th 34.000.000 đồng. Bị cáo chiếm đoạt của anh Võ Văn Z 205.000.000 đồng, bị cáo đã trả cho anh Z 83.000.000 đồng. Do đó, buộc bị cáo phải trả cho ông M 79.900.000 đồng; trả cho bà Vũ Thị Trọng H 72.000.000 đồng; trả cho chị Th 510.200.000 đồng; trả cho anh Z 122.000.000 đồng theo quy định tại các Điều 584, 585, 586 của Bộ luật Dân sự.

[6] Về án phí: Theo quy định tại các Điều 135, 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự, điểm đ khoản 1 Điều 12 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khóa 14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí lệ phí Tòa án, bị cáo Huỳnh Ngọc T thuộc hộ nghèo nên được miễn án phí hình sự sơ thẩm, án phí dân sự sơ thẩm.

[7] Về các vấn đề khác: Đối với các đối tượng Lê P, Lê Kim K, Huỳnh Thị Ý Nh, Lê Thị Trúc Li và Nguyễn Minh J: P có nhận giúp T số tiền 20.000.000 đồng từ Ông Nguyễn M; K có mặt và chứng kiến việc T mượn tiền ông M vào ngày 04/01/2018 tại một quá cà phê ở thị xã An Nhơn; Nh có nhận giúp T số tiền 40.000.000 đồng từ Ông Nguyễn M; Li có ký vào tờ giấy mượn tiền do T viết để vợ chồng ông M cho T mượn số tiền 72.000.000 đồng và J là người giới thiệu anh Võ Văn Z cho T để mượn tiền. Tuy nhiên, các đối tượng trên không biết T đưa ra thông tin không có thật để cho các bị hại tin mà giao tiền, và các đối tượng trên cũng không hưởng lợi gì; hơn nữa, Cơ quan điều tra cũng không xác định được các đối tượng K, Nh hiện đang ở đâu, nên không có căn cứ để truy tìm các đối tượng nêu trên có đồng phạm với Huỳnh Ngọc T, về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự. Nên cần phải tách ra chờ khi nào xác minh được sẽ điều tra xử lý sau.

[8] Xét đề nghị của Viện kiểm sát, là không phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên không được chấp nhận.

[9] Người bào chữa đưa ra luận cứ bào chữa cho bị cáo, đề nghị Hội đồng xét xử, xử phạt bị cáo Huỳnh Ngọc T 07 năm tù là không phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử. Bởi lẽ, bị cáo chiếm đoạt của các bị hại với tổng số tiền 952.100.000 đồng, bị cáo mới trả cho các bị hại 168.000.000 đồng, còn lại 784.100.000 đồng bị cáo chiếm đoạt chưa trả. Do đó, hình phạt áp dụng đối với bị cáo 07 năm tù là chưa đánh giá đúng tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội, mức độ và hậu quả của vụ án. Vì vậy, Hội đồng xét xử không chấp nhận đề nghị của người bào chữa.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào điểm a khoản 4 Điều 174; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; Khoản 1 Điều 54 của Bộ luật Hình sự;

Căn cứ vào điểm đ khoản 1 Điều 12 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khóa 14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1. Về tội danh: Tuyên bố bị cáo Huỳnh Ngọc T phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

2. Về hình phạt: Xử phạt: Bị cáo Huỳnh Ngọc T 10 (mười) năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, thời hạn tù tính từ ngày bắt tạm giữ, tạm giam ngày 27/02/2022.

3. Về trách nhiệm dân sự: Buộc bị cáo Huỳnh Ngọc T phải trả cho các bị hại số tiền chiếm đoạt cụ thể:

- Ông Nguyễn M: 79.900.000 đồng.

- Bà Vũ Thị Trọng H: 72.000.000 đồng.

- Chị Nguyễn Thị Anh Th: 510.200.000 đồng.

- Anh Võ Văn Z 122.000.000 đồng.

Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) nếu người phải thi hành án không thi hành hoặc thi hành không đầy đủ thì hàng tháng còn phải chịu khoản tiền lãi theo mức lãi suất quy định tại Khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự (2015) tương ứng với số tiền và thời gian chưa thi hành án.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

4. Về án phí HSST, DSST: Bị cáo Huỳnh Ngọc T không phải chịu án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm.

5. Quyền kháng cáo đối với bản án: Bị cáo và những người tham gia tố tụng có mặt có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm, những người tham gia tố tụng vắng mặt có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

126
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản số 10/2023/HS-ST

Số hiệu:10/2023/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bình Định
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 14/03/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về