Bản án về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ số 234/2019/HS-PT

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

BẢN ÁN 234/2019/HS-PT NGÀY 02/10/2019 VỀ TỘI LỢI DỤNG CHỨC VỤ QUYỀN HẠN TRONG KHI THI HÀNH CÔNG VỤ

Ngày 02 tháng 10 năm 2019, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Thanh Hóa xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 163/2019/TLPT-HS ngày 23 tháng 7 năm 2019 đối với bị cáo Lê Văn N và các bị cáo khác do có kháng cáo của các bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 176/2019/HSST ngày 19 tháng 6 năm 2019 của Tòa án nhân dân thành phố Thanh Hóa.

*Các bị cáo kháng cáo:

1. Lê Văn N - sinh năm: 1963; ĐKNKTT tại: Thôn H, xã L, thành phố Thanh Hóa; chỗ ở hiện nay: Khu phố Thống Nhất, thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa; NghÒ nghiÖp: Nguyên Chủ tịch UBND xã L; là Đảng viên Đảng CSVN (đã đình chỉ sinh hoạt đảng); trình độ văn hóa: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông Lê Văn T (đã chết) và bà Đào Thị T; có vợ là Đặng Thị T và 02 con; tiền án, tiền sự: không; bị bắt tạm giam: 12/11/2018 đến ngày 29/01/2019 thay thế biện pháp ngăn chặn bằng Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú. Bị cáo tại ngoại, có mặt.

2. Lê Đăng D - sinh n¨m: 1978; ĐKNKTT và chỗ ở: Thôn Hồ Thôn, xã L, thành phố Thanh Hóa; Nghề nghiệp: Nguyên Phó Chủ tịch UBND xã L; là Đảng viên Đảng CSVN (đã đình chỉ sinh hoạt đảng); trình độ văn hóa: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; con ông Lê Anh L và bà Trần Thị ; có vợ là Lê Thị Hà và 02 con; tiền án, tiền sự: không; bị bắt tạm giam ngày 12/11/2018 đến ngày 29/01/2019 thay thế biện pháp ngăn chặn bằng Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú. Bị cáo tại ngoại, có mặt.

3. Nguyễn Thị T - sinh năm: 1980; ĐKNKTT tại: Thôn Sơn, xã L, thành phố Thanh Hóa; Chỗ ở: Khu X, thị trấn Quảng Xương, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa; Nghề nghiệp: Nguyên cán bộ Khuyến Nông xã L; là Đảng viên Đảng CSVN (đã đình chỉ sinh hoạt đảng); trình độ văn hóa: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nữ; tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn Khắc H và bà Lê Thị T (đã chết); có chồng là Nguyễn Xuân B và 02 con; tiền án, tiền sự: không; bị bắt tạm giam ngày 19/11/2018 đến ngày 29/01/2019 thay thế biện pháp ngăn chặn bằng Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú. Bị cáo tại ngoại, có mặt.

4. Phạm Thị O - sinh năm: 1987; ĐKNKTT và chỗ ở: Thôn Lợi, xã L, thành phố Thanh Hóa; Nghề nghiệp: Nguyên kế toán UBND xã L; là Đảng viên Đảng CSVN (đã đình chỉ sinh hoạt đảng); trình độ văn hóa: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nữ; tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; con ông Phạm Duy T (đã chết) và bà Nguyễn Thị N; có chồng là Nguyễn Khắc P và 02 con; tiền án, tiền sự: không; bị bắt tạm giữ, tạm giam: không. Bị cáo được áp dụng biện pháp ngăn chặn bằng Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú. Bị cáo tại ngoại, có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo Cáo trạng và bản án sơ thẩm, nội dung vụ án được tóm tắt như sau: Trong quá trình thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng và làm công trình xử lý thực bì, phòng chống cháy rừng. Lê Văn N - Chủ tịch UBND xã L thấy ngân sách UBND thành phố Thanh Hóa có nguồn kinh phí về sự nghiệp kinh tế lâm nghiệp, hỗ trợ cho ngân sách các xã có rừng. Để xin được nguồn kinh phí trên, Lê Văn N đã chỉ đạo làm tờ trình số 239/TTr-UBND ngày 11/12/2013 nêu những khó khăn trong công tác quản lý, tuần tra bảo vệ rừng tại xã L và đề nghị UBND thành phố cho phép UBND xã ký hợp đồng với người lao động để phục vụ công tác quản lý, tuần tra bảo vệ rừng và hỗ trợ cấp kinh phí hoạt động.

Xét thấy UBND xã L đang quản lý diện tích 127,3ha rừng thông phòng hộ nên UBND thành phố Thanh Hóa đồng ý cho phép UBND xã L ký hợp đồng với 5 lao động có đủ trình độ, năng lực, điều kiện để thực hiện nhiệm vụ quản lý và tuần tra bảo vệ rừng (trong đó 1 hợp đồng lao động làm công tác quản lý lâm nghiệp và 4 hợp đồng lao động làm nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ rừng), kinh phí hoạt động do ngân sách UBND thành phố Thanh Hóa hỗ trợ từ nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế lâm nghiệp.

Tuy nhiên, sau khi xin được nguồn kinh phí quản lý, bảo vệ rừng, khi chọn nhân sự để ký hợp đồng, Lê Văn N và Lê Đăng D đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, chọn ký 1 hợp đồng lao động làm công tác quản lý lâm nghiệp và 4 hợp đồng lao động làm nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ rừng nhưng những người này hiện đang là cán bộ không chuyên trách của UBND xã L để làm kiêm nhiệm (trong đó: 01 người đang làm Cán bộ Khuyến nông xã, 02 người đang làm trong Tổ quy tắc đô thị của xã, 01 người là Phó Trưởng Công an xã, 01 người đang làm Cán bộ Văn hóa xã). Những người này không có đủ khả năng, điều kiện về thời gian để thực hiện công việc quản lý, tuần tra bảo vệ rừng 24/24h theo quy định, ghi trong hợp đồng lao động.

Mục đích của việc lựa chọn những người đang làm cán bộ không (bán) chuyên trách tại UBND xã L để ký hợp đồng thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng nhằm trích lại một phần kinh phí cho hoạt động của UBND xã và tăng thêm thu nhập cho cán bộ được lựa chọn ký hợp đồng làm công tác kiêm nhiệm. Nếu chọn những người không làm cán bộ ở UBND xã thì không trích lại được kinh phí. Vì vậy, trước khi ký hợp đồng, Lê Văn N đã chỉ đạo Lê Đăng D gặp và trao đổi với những người được ký hợp đồng. Lê Đăng D đã gặp những người được lựa chọn ký hợp đồng và trao đổi với nội dung: “UBND xã chỉ chi trả công hợp đồng 1.000.000đ/tháng/người lao động số tiền còn lại phải để chi phí khác”.

Trong 03 năm (2014, 2015 và 2016) UBND xã L, được UBND thành phố Thanh Hóa cấp nguồn kinh phí quản lý, bảo vệ rừng và kinh phí làm công trình xử lý thực bì, phòng chống cháy rừng với tổng số tiền 1.121.860.500đ gồm:

(Kinh phí quản lý, bảo vệ rừng 724.558.500đ; Kinh phí xử lý thực bì, phòng chống cháy rừng 397.302.000đ), thuộc nguồn ngân sách UBND thành phố Thanh Hóa (Kinh phí sự nghiệp kinh tế lâm nghiệp). Đồng thời UBND thành phố Thanh Hóa yêu cầu Chủ tịch UBND xã L tổ chức thực hiện và thanh quyết toán nguồn kinh phí trên theo đúng chế độ quy định của Nhà nước.

UBND xã L đã chi sử dụng và thanh quyết toán với UBND thành phố Thanh Hóa hết số tiền 1.121.860.500đ vào mục đích quản lý, bảo vệ rừng và làm công trình xử lý thực bì, phòng chống cháy rừng. Tuy nhiên khi làm hồ sơ thanh quyết toán kinh phí với UBND TP Thanh Hóa, Lê Văn N và Lê Đăng D đã chỉ đạo Nguyễn Thị T và Phạm Thị O thực hiện lập chứng từ chi không đúng thực tế, và khi biết hạng mục được thanh toán đã được thanh toán bằng nguồn kinh phí khác nhưng khi có nguồn kinh phí bổ sung về biết không thể thanh toán đúng hạng mục được cấp đã dựng chứng từ bằng hình thức khác, không đúng với chi và sử dụng thực tế để rút tiền ngân sách do UBND TP hỗ trợ kinh phí quản lý, bảo vệ rừng và kinh phí làm công trình xử lý thực bì, phòng chống cháy rừng sử dụng chi sai mục đích, sai chế độ (như chi liên hoan, tất niên; chi quà tết cho cán bộ xã; chi giao dịch, tiếp khách, chi hạ ứng trước đó …).

Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa đã trưng cầu giám định Sở Tài chính Thanh Hóa xác định thiệt hại.

Ngày 21/9/2018, Giám định viên Sở Tài chính Thanh Hóa có Kết luận giám định cá nhân số 20/KLGĐTP - TCKT, kết luận:

Căn cứ hồ sơ Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Thanh Hóa cung cấp. Kết luận giám như sau:

8.1. Trong số tiền 724.558.500 đồng UBND xã L chỉ chi cho công tác bảo vệ rừng 390.023.500 đồng, còn lại rút ra 334.535.000 đồng, UBND xã L để ngoài sổ sách kế toán chi cho các hoạt động khác ngoài nhiệm vụ chi ngân sách xã như: Chi phí giao dịch, tiếp khách, chi tiền chúc tết, liên hoan, hỗ trợ...nhưng dựng hồ sơ, chứng từ chi số tiền 334.535.000 đồng cho công tác quản lý bảo vệ rừng để thanh quyết toán và được UBND thành phố Thanh Hóa quyết toán có vi phạm quy định pháp luật về quản lý ngân sách xã và các hoạt động tài chính khác của xã, phường, thị trấn được quy định tại Thông tư số 60/2003/TTBTC ngày 23 tháng 6 năm 2003 của Bộ Tài chính quy định về quản lý ngân sách xã và các hoạt động tài chính khác ở xã, phường, thị trấn và Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 8/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng.

Việc làm trên của UBND xã L có gây thiệt hại. Ngân sách nhà nước cấp thành phố thiệt hại số tiền là:

Năm 2014:

- Lập hợp đồng, nghiệm thu khống chi các biện pháp thủ công phòng dịch sâu róm:  22.859.000 đồng.

- Hợp đồng bảo vệ rừng: 120.000.000 đồng - 127,6 ha x 100.000 đồng/ha = 107.240.000 đồng.

- Hợp đồng thuê 1 người làm công tác quản lý lâm nghiệp: 22.292.000 đồng

- Lập chứng từ chi hoạt động Ban chỉ đạo xã: 10.400.000 đồng Số tiền thiệt hại là: 162.791.000 đồng.

Năm 2015:

- Hợp đồng bảo vệ rừng: 120.000.000 đồng - 127,6 ha x 100.000 đồng/ha = 107.240.000 đồng.

- Hợp đồng thuê 1 người làm công tác quản lý lâm nghiệp: 20.292.000 đồng - Lập chứng từ chi hoạt động Ban chỉ đạo xã: 10.400.000 đồng. Số tiền thiệt hại là: 137.932.000 đồng.

Năm 2016:

- Hợp đồng bảo vệ rừng: 120.000.000 đồng – 127,6 ha x 100.000 đồng/ha = 107.240.000 đồng.

- Hợp đồng thuê 1 người làm công tác quản lý lâm nghiệp: 20.292.000 đồng Số tiền thiệt hại là: 127.532.000 đồng.

Tổng số tiền thiệt hại là: 428.255.000 đồng.

8.2. Trong 2 năm (2015 và 2016) UBND xã L được UBND TP quyết toán 397.302.000 đồng làm công trình giảm vật liệu cháy, đường băng cản lửa, kết hợp đường tuần tra, kiểm tra rừng. Thực tế UBND xã L chỉ làm hết 201.606.000 đồng xã L chỉ làm hết 201.606.000đ. Còn lại rút ra 195.696.000 đồng để ngoài sổ sách kế toán chi phí các hoạt động ngoài nhiệm vụ chi của ngân sách của xã, như chi phí giao dịch, tiếp khách, chi tiền chúc tết, liên hoan, hỗ trợ...nhưng vẫn dựng hồ sơ, chứng từ chi số tiền 195.696.000 đồng nêu trên cho công trình giảm vật liệu cháy, đường băng cản lửa, kết hợp đường tuần tra, kiểm tra rừng. Việc làm nêu trên của UBND xã L có vi phạm quy định pháp luật. Vi phạm quy định tại khoản 3 điều 66 Nghị định 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu thì đàm phán thực hiện ký hợp đồng và chỉ quyết toán theo số tiền đã đàm phán và hợp đồng đã ký và Thông tư số 60/2003/TTBTC ngày 23 tháng 6 năm 2003 của Bộ Tài chính quy định về quản lý ngân sách xã và các hoạt động tài chính khác ở xã, phường, thị trấn.

Việc làm trên của UBND xã L có gây thiệt hại đến Ngân sách nhà nước với số tiền là: 195.696.000 đồng.

Sau khi nhận kết luận của Giám định viên Sở Tài chính Thanh Hóa, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa có Công văn số 183/PC03, ngày 22/10/2018 gửi Sở Tài chính Thanh Hóa, đề nghị Giám định viên giải thích, làm rõ việc xác định thiệt hại tại Kết luận giám định số 20/KLGĐTP - TGKT ngày 21/9/2018. Với yêu cầu:

“Việc UBND TP Thanh Hóa áp dụng các quy định pháp luật nêu trên để hỗ trợ cho UBND xã L năm 2014, 2015, 2016 có đúng quy định của pháp luật không ?. Xác định lại thiệt hại do hành vi sử dụng kinh phí quản lý, bảo vệ rừng của UBND xã L trong năm 2014, 2015, 2016”.

Tại bản Kết luận giám định bổ sung số 22/KL - GĐTP, ngày 25/10/2018, của Giám định viên Sở tài chính tỉnh Thanh Hóa kết luận:

8.1. Việc UBND thành phố Thanh Hóa áp các quy định pháp luật như: Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 08/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ (Hỗ trợ kinh phí cho việc tổ chức thực hiện các hoạt động chống chặt phá rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng); Thông tư số 80/2013/TTLT-BTC-BNN ngày 14/6/2016 của Liên Bộ Tài chính – Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về việc hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện bảo vệ và phát triển rừng; Nghị định số 182/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở dO nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động và Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 06/7/2010 của Bộ Tài chính về việc quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các hội nghị đối với cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập để cấp kinh phí hỗ trợ cho UBND xã L năm 2014, 2015 và 2016 là đúng quy định của pháp luật.

8.2. Bãi bỏ phần 8.1. và 8.2. nêu tại Kết luận Giám định số 20/KLGĐTP- TCKT ngày 1/9/2018 Về việc xác định thiệt hại ngân sách Nhà nước tại xã L, Thành phố Thanh Hóa.

Căn cứ các quy định nêu trên nay xác định: Trong 03 năm (2014, 2015 và 2016) UBND xã L được UBND thành phố Thanh Hóa cấp 724.558.500đ tiền quản lý, bảo vệ rừng (từ kinh phí sự nghiệp lâm nghiệp thuộc nguồn ngân sách UBND TP). UBND xã đã lập chứng từ chi và được quyết toán kinh phí quản lý, bảo vệ rừng 724.558.500đ. Xác minh thực tế UBND xã L chỉ chi cho công tác quản lý, bảo vệ rừng số tiền 390.023.500đ, còn lại rút ra số tiền 334.535.000đ để ngoài sổ sách kế toán, chi cho các hoạt động khác ngoài nhiệm vụ chi ngân sách của xã, như: Chi phí giao dịch, tiếp khách, chi tiền chúc tết, liên hoan, hỗ trợ… nhưng vẫn dựng hồ sơ, chứng từ chi số tiền 334.535.000đ nêu trên cho công tác quản lý bảo vệ rừng để thanh, quyết toán và đã được UBND TP Thanh Hóa quyết toán.

Việc lập các chứng từ khống và thỏa thuận với các lao động để thực hiện công việc quản lý, bảo vệ rừng là sai phạm với Quyết định số 94/2005/QĐ-BTC ngày 12/12/2005 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành “Chế độ kế toán ngân sách và tài chính xã”; Thông tư số 60/2003/TT-BTC ngày 23/6/2003 của Bộ Tài chính về quy định về quản lý ngân sách xã và các hoạt động tài chính khác của xã, phường, thị trấn và các quy định khác có liên quan.

Ngân sách nhà nước cấp thành phố bị thiệt hại do hành vi sử dụng kinh phí quản lý, bảo vệ rừng của UBND xã L năm 2014, 2015 và 2016 là: 334.535.000 đồng”.

Bản án số 176/2019/HSST ngày 19 tháng 6 năm 2019 của Tòa án nhân dân thành phố Thanh Hóa đã quyết định:

Căn cứ: Điểm b, c khoản 2 và khoản 4 Điều 356; điểm b,s,v khoản 1 Điều 51; Điều 54; Điều 17; Điều 58; Điều 38 của BLHS (đối với Lê Văn N; Lê Đăng D và Nguyễn Thị T). Điểm b, c khoản 2 và khoản 4 Điều 356; điểm b,s khoản 1 và khoản 2 Điều 51; Điều 54; Điều 17; Điều 58; Điều 38 của BLHS (đối với O).

Điểm b khoản 1 Điều 47 của BLHS; khoản 1, điểm b khoản 2 Điều 106; Điều 136 của Bộ luật Tố tụng Hình sự; điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án.

Tuyên bố: Các bị cáo Lê Văn N, Lê Đăng D, Nguyễn Thị T và Phạm Thị O phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Xử phạt:

1. Bị cáo Lê Văn N 42 tháng tù nhưng được trừ đi 02(hai) tháng 17 ngày (từ ngày 12/11/2018 đến ngày 29/01/2019), bị cáo còn phải chấp hành 39(ba chín) tháng 13(mười ba) ngày tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án.

2. Bị cáo Lê Văn D từ 36 (ba sáu) tháng tù nhưng được trừ đi 02 tháng 17 ngày (từ ngày 12/11/2018 đến ngày 29/01/2019), bị cáo còn phải chấp hành 33(ba ba) tháng 13 (mười ba) ngày tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án.

3. Bị cáo Nguyễn Thị T từ 36(ba sáu) tháng tù nhưng được trừ đi 02 tháng 10 ngày (từ ngày 19/11/2018 đến ngày 29/01/2019), bị cáo còn phải chấp hành 33 (ba ba) tháng 20 (hai mươi) ngày tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án.

4. Bị cáo Phạm Thị O từ 36 (ba sáu) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án.

Cấm đảm nhiệm các chức vụ có liên quan đối với các bị cáo trong thời hạn 03 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt.

Ngoài ra, Bản án sơ thẩm còn tuyên xử lý vật chứng, án phí, nghĩa vụ thi hành án và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Trong các ngày 24, 26, 28/6/2019 và ngày 01/7/2019, các bị cáo Lê Văn N, Lê Đăng D, Nguyễn Thị T và Phạm Thị O kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và được hưởng án treo.

Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo giữ nguyên nội dung kháng cáo. Ý kiến của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hóa:

Căn cứ Điểm c khoản 1 Điều 357 BLTTHS chấp nhận một phần kháng cáo của các bị cáo Lê Văn N, Lê Đăng D, Nguyễn Thị T và Phạm Thị O về xin giảm nhẹ hình phạt, theo đó giảm hình phạt cho mỗi bị cáo từ 03 tháng đến 06 tháng tù; không chấp nhận cho các bị cáo được hưởng án treo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, lời khai nhận tội của bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử có căn cứ kết luận:

Cuối năm 2013, Lê Văn N - Nguyên chủ tịch UBND xã L đã chỉ đạo làm tờ trình nêu những khó khăn trong công tác quản lý, tuần tra bảo vệ rừng trên địa bàn để UBND thành phố Thanh Hóa đồng ý cho UBND xã ký hợp đồng với người lao động. Sau khi được UBND thành phố Thanh Hóa đồng ý, Lê Văn N và Lê Đăng D đã lựa chọn những người đang là cán bộ không chuyên trách của UBND xã L để thực hiện. Những người này không có đủ điều kiện về thời gian 24/24h để thực hiện công việc quản lý, tuần tra bảo vệ rừng theo quy định ghi trong hợp đồng. Mục đích của việc lựa chọn nhân sự này nhằm chích lại một phần kinh phí mà UBND thành phố Thanh Hóa cấp về thanh toán cho người lao động để chi cho các hoạt động khác. Khi làm hồ sơ thanh quyết toán kinh phí Lê Văn N và Lê Đăng D đã chỉ đạo Nguyễn Thị T, Phạm Thị O thực hiện lập nâng khống mức chi phí không đúng thực tế đã chi và không đúng với công việc thực tế đã làm để rút tiền của Nhà nước. Hành vi của Lê Văn N, Lê Đăng D, Nguyễn Thị T và Phạm Thị O đã gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước với tổng số tiền 334.535.000đ.

Với hành vi trên, Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bố các bị cáo phạm tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại điểm b, c khoản 2 Điều 356 BLHS năm 2015 là đúng người, đúng tội.

Tại phiên tòa phúc thẩm các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội của các bị cáo, đồng ý với tội danh mà bản án sơ thẩm đã tuyên và xin Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt và cho hưởng án treo.

[2] Xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo của các bị cáo:

Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn trong quản lý nhà nước, gây dư luận xấu cho nhân dân đối với cơ quan nhà nước đã gây thiệt hại về tài sản của nhà nước, gây mất trật tự trị an chung. Khi quyết định hình phạt án sơ thẩm đã xem xét đến các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đó là: Cả 04 bị cáo đều có chung tình tiết giảm nhẹ TNHS là thành khẩn khai báo, tự nguyện khắc phục hậu quả nộp toàn bộ số tiền 334.535.000đ; bị cáo N, D, T được tặng thưởng nhiều bằng khen giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác; Bị cáo Phạm Thị O có bố đẻ được Chủ tịch Nước CHXHCN Việt Nam tặng Huân chương chiến sỹ vẻ vang hạng Nhất, hạng Nhì và Huân chương Quân kỳ quyết thắng. Cấp sơ thẩm đã áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b, s, v khoản 1 và khoản 2 Điều 51 của BLHS (Đối với N, D, T); điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 BLHS đối với O. Cấp sơ thẩm sau khi xem xét các tình tiết giảm nhẹ, các bị cáo đủ điều kiện nên đã áp dụng điều 54 BLHS để tuyên mức hình phạt dưới khung liền kề.

Tại giai đoạn phúc thẩm bị cáo N có đơn đề nghị, được UBND xã L xác nhận: sức khỏe không tốt, đang nuôi mẹ già trên 90 tuổi, đang cưu mang em trai bị tai nạn từ nhỏ; có bố vợ là Đặng Văn Tỏi, bố đẻ là ông Lê Văn Thưởng được nhà nước tặng thưởng huân, huy chương kháng chiến, được UBND xã L công nhận là gia đình văn hóa, có vợ là Đặng Thị Thuận được Bộ giáo dục, UBND tỉnh Thanh Hóa, UBND huyện Đông Sơn tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Bị cáo D có đơn, được UBND xã L xác nhận là lao động chính, vợ công tác xa, con còn nhỏ, bố, mẹ già yếu; có bố là Lê Anh Lâm là thanh niên xung phong được nhà nước tặng thưởng huân chương kháng chiến, mẹ được tặng thưởng huy hiệu 50 năm tuổi đảng; gia đình thờ cúng liệt sỹ Lê Lương Tĩnh; vợ được Công đoàn giáo dục huyện Nông Cống tặng bằng khen. Bị cáo T có đơn được UBND Thị trấn Quảng Xương xác nhận là lao động chính, con còn nhỏ, bố mẹ già yếu, đang nuôi em trai bị bệnh tâm thần (kèm theo bệnh án, giấy xác nhận khuyết tật); có bố đẻ là Nguyễn Khắc Hà được nhà nước tặng thưởng huy chương kháng chiến, huân chương chiến sỹ vẻ vang. Bị cáo O có đơn, được UBND xã L xác nhận bị cáo là lao động chính, con nhỏ, bố chồng bị mù, mẹ đẻ bệnh tật, em gái bị bệnh tâm thần (có hồ sơ bệnh án); chồng sức khỏe yếu, không có công ăn việc làm; gia đình có công với cách mạng (Liệt sỹ Phạm Trọng Kế). Đây là tình tiết giảm nhẹ TNHS mới ở giai đoạn phúc thẩm cho các bị cáo theo quy định tại khoản 2 Điều 51 BLHS; nên thống nhất với quan điểm và đề nghị của đại diện Viện kiểm sát tỉnh Thanh Hóa, chấp nhận một phần kháng cáo giảm nhẹ hình phạt cho mỗi bị cáo 06 tháng tù để các bị cáo yên tâm cải tạo; không cho các bị cáo được hưởng án treo.

[3] Các quyết định khác của án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết kháng cáo, kháng nghị.

[4] Về án phí: Kháng cáo của các bị cáo được chấp nhận nên không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm. Căn cứ điểm d khoản 2 Điều 23 NQ 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

1. Căn cứ vào: Điểm b khoản 1 Điều 355; điểm c khoản 1 Điều 357 của BLTTHS. Điểm d khoản 2 Điều 23 NQ 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội.

Căn cứ vào: Điểm b, c khoản 2 và khoản 4 Điều 356; điểm b, s, v khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 54; Điều 17; Điều 58; Điều 38 của Bộ luật hình sự (đối với Lê Văn N; Lê Đăng D và Nguyễn Thị T). Điểm b, c khoản 2 và khoản 4 Điều 356; điểm b, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51; Điều 54; Điều 17; Điều 58; Điều 38 của BLHS (đối với O).

2. Chấp nhận một phần kháng cáo của các bị cáo Lê Văn N, Lê Đăng D, Nguyễn Thị T và Phạm Thị O về giảm hình phạt, không chấp nhận cho hưởng án treo. Sửa án sơ thẩm số 176/2019/HS-ST ngày 19/6/2019 của Tòa án nhân dân thành phố Thanh Hóa.

Xử phạt:

- Bị cáo Lê Văn N 36 (ba mươi sáu) tháng tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án, nhưng được trừ thời gian tạm giam trước từ ngày 12/11/2018 đến ngày 29/01/2019.

- Bị cáo Lê Văn D từ 30 (ba mươi) tháng tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án, nhưng được trừ thời gian tạm giam trước từ ngày 12/11/2018 đến ngày 29/01/2019.

- Bị cáo Nguyễn Thị T từ 30 (ba mươi) tháng tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án, nhưng được trừ thời gian tạm giam trước từ ngày 19/11/2018 đến ngày 29/01/2019.

- Bị cáo Phạm Thị O từ 30 (ba mươi) tháng tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án.

Cấm đảm nhiệm các chức vụ có liên quan đối với các bị cáo trong thời hạn 03 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt.

3. Các quyết định khác của án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết kháng cáo, kháng nghị.

4. Về án phí hình sự phúc thẩm: Các bị cáo Lê Văn N, Lê Đăng D, Nguyễn Thị T và Phạm Thị O không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

5. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

4485
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ số 234/2019/HS-PT

Số hiệu:234/2019/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thanh Hoá
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:02/10/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về