Bản án về tội làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức số 45/2022/HS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẠC LIÊU

BẢN ÁN 45/2022/HS-PT NGÀY 30/05/2022 VỀ TỘI LÀM GIẢ TÀI LIỆU CỦA CƠ QUAN TỔ CHỨC

Ngày 30 tháng 5 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bạc Liêu xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 09/2022/TLPT-HS ngày 25 tháng 01 năm 2022 đối với bị cáo A cùng đồng phạm, do có kháng cáo của các bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 35/2020/HS-ST ngày 25 tháng 9 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện O, tỉnh Bạc Liêu.

- Các bị cáo có kháng cáo:

1. Họ và tên: A, sinh năm 1971 tại huyện O, tỉnh Bạc Liêu. Nơi cư trú: Ấp M, xã N, huyện O, tỉnh Bạc Liêu; giới tính: Nữ; Quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; trình độ học vấn: 5/12; nghề nghiệp: Làm thuê; Con ông A2, sinh năm 1950 và bà A1, sinh năm 1952; có chồng tên A3, sinh năm 1969 (đã ly hôn); có 03 người con lớn nhất sinh năm 1995, nhỏ nhất sinh năm 2005; tiền án, tiền sự: Không; bị khởi tố ngày 22/5/2019 áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú cho đến nay, (có mặt).

2. Họ và tên: B, sinh năm 1970 tại huyện O, tỉnh Bạc Liêu. Nơi cư trú: Ấp M, xã N, huyện O, tỉnh Bạc Liêu; Giới tính: Nam; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không; Trình độ học vấn: 08/12; nghề nghiệp: Làm vuông; Con ông A2, sinh năm 1950 và bà A1, sinh năm 1952; có vợ tên B1, sinh năm 1978 (đã chết); có 04 người con, lớn nhất, sinh năm 1996 và nhỏ nhất, sinh năm 2004; tiền án, tiền sự: Không; bị khởi tố ngày 22/5/2019 áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú cho đến nay, (có mặt).

3. Họ và tên: C, sinh ngày 02/9/1995 tại huyện O, tỉnh Bạc Liêu. Nơi cư trú: Ấp M, xã N, huyện O, tỉnh Bạc Liêu; Giới tính: Nữ; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: không; Trình độ học vấn: 11/12; Nghề nghiệp: Làm thuê; Con ông A3, sinh năm 1969 và bà A, sinh năm 1971; có chồng tên C1, sinh năm 1976; có 01 người con sinh năm 2018; Tiền án, tiền sự: Không; Bị khởi tố ngày 22/02/2019 áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú cho đến nay, (vắng mặt).

4. Họ và tên: D, sinh năm 1981 tại huyện O, tỉnh Bạc Liêu. Nơi cư trú: Ấp 1, xã P, huyện O, tỉnh Bạc Liêu; Giới tính: Nam; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không; Trình độ học vấn: 08/12; nghề nghiệp: Làm vuông; Con ông D1, sinh năm 1950 và bà D2, sinh năm 1952; có vợ Nguyễn Ngọc Nhanh, sinh năm 1980 (đã ly hôn); có 02 người con, lớn nhất, sinh năm 2002 và nhỏ nhất, sinh năm 2012; tiền án, tiền sự: Không; bị khởi tố ngày 03/4/2020 áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú cho đến nay, (có mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

A và ông A3 chung sống với nhau có được 03 người con chung gồm: C, sinh ngày 02/9/1995, em A4, sinh ngày 16/9/2002 và em A5, sinh ngày 21/6/2005. Vào khoảng cuối năm 2016, C kết hôn với một người mang quốc tịch Hàn Quốc tên C2, sau khi kết hôn thì C2 trở về Hàn Quốc và không bảo lãnh C sang Hàn Quốc nên C làm đơn khởi kiện yêu cầu ly hôn nộp tại Tòa án nhân dân tỉnh Bạc Liêu nhưng bị Tòa án trả lại đơn khởi kiện.

Vì muốn C sớm được kết hôn với ông C1, nên A cùng B (cậu ruột của bị cáo C) đã bàn bạc, thống nhất chọn tên một người không có thật là C4, sinh ngày 20/10/1993 rồi để C mang tên này đăng ký thường trú nhập khẩu vào hộ bị cáo A tại ấp M, xã N nhằm làm các thủ tục để C4 (thực tế là C) kết hôn được với ông C1. Do A và C đang làm thuê tại thành phố Hồ Chí Minh nên A đã thống nhất với B là giao cho B trực tiếp thực hiện các thủ tục để nhập khẩu cho C4 và làm các thủ tục, giấy tờ khác mang tên C4. Còn A và C sẽ về địa phương làm các thủ tục cần thiết khi B yêu cầu.

Sau đó, ngày 02/8/2017 B đến Công an xã N làm thủ tục xin nhập khẩu và đem phiếu xác minh hộ khẩu, nhân khẩu (HK03) do Công an xã N cấp đến Công an xã P để liên hệ trả lời xác minh. B đã nhờ ông E là dượng rể của ông F – Chủ tịch xã P dẫn B đến gặp ông Trung để được xác minh. Ông Trung chỉ đạo ông G là Trưởng Công an xã xem xét xác nhận, sau khi ông Luân kiểm tra sổ đăng ký hộ khẩu thường trú (HK11) thì phát hiện vợ chồng ông Trường và A không có người con nào tên C4 nên không đồng ý xác nhận nên B đã báo cho A biết sự việc. Đến ngày 03/8/2017, A đã gọi điện nhờ bạn là D (ngụ ấp 1, xã P) nói rõ việc làm giả và nhờ giúp đỡ thì được D đồng ý giúp đỡ. Dựa vào mối quan hệ với ông H (ngụ cùng ấp, là cán bộ ở xã P) nên D nhờ ông H giới thiệu cho gặp ông K (Phó Công an xã P) để nhờ giúp đỡ. Sáng ngày 04/8/2017, ông K đã kiểm tra sổ đăng ký thường trú và nhận thấy trong sổ đăng ký không có tên C4 nhưng do tin tưởng ông H; đồng thời, ông K nhầm tưởng C4 chính là C nên ông K đã xác nhận vào phiếu xác minh với nội dung đương sự C4 có tạm trú tại địa phương và đưa cho ông L là Công an viên ký cán bộ lập phiếu rồi đưa giấy này cho D mà bỏ qua việc tiến hành các thủ tục xác minh về C4 tại địa phương theo quy định.

Sau khi ông K xác nhận, cùng ngày 04/8/2017 D đưa phiếu xác minh cho B đem về Công an xã N làm thủ tục nhập tên C4 vào hộ khẩu của A. Tại Công an xã N, sau khi xem kết quả trả lời trong phiếu xác minh của Công an xã P, ông I là Phó Công an xã chỉ đạo ông J là Công an viên viết biên bản xác minh, ông Thường đã viết phiếu xác minh do B cung cấp thông tin với nội dung là C4 có sinh sống tại ấp M, xã N mà không trực tiếp xuống địa phương xác minh cụ thể theo đúng quy trình. Cũng trong ngày 04/8/2017, B tự đem biên bản xác minh này cùng với đơn xin xác nhận mối quan hệ gia đình do B tự viết, tự ký giả chữ viết, chữ ký của A về ấp M để nhờ ông Lê Văn So, ông Y là người cùng địa phương và ông X là Trưởng ấp M ký vào biên bản. Do không kiểm tra và tin tưởng B nên ông Hiền và ông So đã ký vào biên bản, còn ông Y không chịu ký nên B đã ký giả chữ ký của ông Y vào biên bản xác minh, ông Hiền còn ký vào đơn xin xác nhận mối quan hệ gia đình do B đưa. Đối với bị cáo C theo yêu cầu của B từ thành phố Hồ Chí Minh về, vào ngày 08/8/2017 đã cùng với B đến Công an xã N để làm việc với tên giả C4; còn B đã nhờ người trong Công an xã (không rõ là ai) viết hộ Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu (HK02) và Bản khai nhân khẩu (HK01) rồi tự ký giả chữ ký C4 vào bản khai này. Từ các thủ tục nêu trên, đến ngày 10/8/2017 C4 đã được giải quyết cho nhập khẩu vào hộ A.

Sau khi được nhập vào hộ khẩu do A làm chủ hộ, lúc này C tiếp tục mang tên giả là C4, sinh ngày 20/10/1993, sử dụng hộ khẩu có tên giả C4 và được D chở đến Công an tỉnh Bạc Liêu làm giấy chứng minh nhân dân mang tên giả C4 và được cấp giấy vào ngày 15/8/2017. Tiếp đó, B chở C đến Uỷ ban nhân dân xã N để bị cáo C làm tờ khai đăng ký khai sinh với tên giả C4 làm giấy khai sinh và được cấp giấy vào ngày 17/8/2017. Sau khi có các giấy tờ giả nêu trên C chưa kịp sử dụng cho mục đích ban đầu thì đến ngày 13/9/2017, qua công tác rà soát hồ sơ Đội Cảnh sát quản lý hành chính và trật tự xã hội Công an huyện O phát hiện trường hợp đăng ký hộ khẩu của C4 không đúng và có dấu hiệu tội phạm nên chuyển hồ sơ, tài liệu đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện O điều tra làm rõ.

Ngày 11/9/2018, Công an huyện O đã ban hành Quyết định số 59/QĐ- CAĐH hủy kết quả đăng ký thường trú đối với nhân khẩu C4, sinh ngày 20/10/1993 trong sổ hộ khẩu số: 030088539 do Công an xã N ký giải quyết ngày 10/8/2017.

Ngày 15/11/2018, Uỷ ban nhân dân huyện O đã ban hành Quyết định số 4653/QĐ-UBND thu hồi, hủy bỏ Giấy khai sinh (bản chính) của C4, sinh ngày 20/10/1993 do Uỷ ban nhân dân xã N cấp ngày 17/8/2017.

Tại các bản kết luận giám định số 174/GĐ-2018 ngày 30/7/2018, số 90/GĐ-2018 ngày 10/4/2018, số 93/GĐ-2019 ngày 17/9/2019 và số 141/GĐ- 2020 ngày 12/02/2020 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Bạc Liêu kết luận:

- Về nội dung giám định chữ ký, chữ viết của K, L, dấu tròn đỏ của Công an xã P:

+ Chữ ký mang tên K trên tài liệu cần giám định ký hiệu A so với chữ ký của K trên các tài liệu mẫu so sánh ký hiệu từ M2 đến M6 do cùng một người ký ra.

+ Chữ ký mang tên L trên tài liệu cần giám định ký hiệu A so với chữ ký của L trên các tài liệu mẫu so sánh ký hiệu từ M7 đến M10 do cùng một người ký ra.

+ Chữ viết ở mục: “1. Kết quả xác minh” trên tài liệu cần giám định ký hiệu A so với chữ viết của K trên trên các tài liệu mẫu so sánh ký hiệu M2, M3, M4, M6 do cùng một người viết ra.

+ Chữ viết ở mục: “1. Kết quả xác minh” trên tài liệu cần giám định ký hiệu A so với chữ viết của L trên các tài liệu mẫu so sánh ký hiệu từ M7 đến M10 không cùng một người viết ra.

+ Hình dấu tròn có nội dung “Công an xã P, huyện O, tỉnh Bạc Liêu” đóng dưới mục: “TRƯỞNG CÔNG AN” trên mặt sau “PHIẾU XÁC MINH HỘ KHẨU, NHÂN KHẨU” trên tài liệu cần giám định kí hiệu A so với hình dấu tròn có nội dung “Công an xã P, huyện O, tỉnh Bạc Liêu” trên tài liệu mẫu so sánh ký hiệu M1 là do cùng một con dấu đóng ra.

- Về nội dung giám định dấu vân tay của C: Dấu vân tay in trên giấy chứng minh nhân dân số 385 848 760; Họ tên: C4, sinh ngày 20/10/1993; Nguyên quán: P, O; Bạc Liêu; Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: ấp M, N, O, Bạc Liêu; cấp ngày 15 tháng 8 năm 2017; Nơi cấp: Công an tỉnh Bạc Liêu, (kí hiệu A) với dấu vân tay in trên giấy chứng minh nhân dân số 385 557 881; Họ tên: C, sinh ngày 02/9/1995; Nguyên quán: P, O, Bạc Liêu; Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: M, N, O, Bạc Liêu; cấp ngày 21 tháng 04 năm 2016; Nơi cấp: Công an tỉnh Bạc Liêu, (kí hiệu M) là do cùng một người in ra.

- Về nội dung giám định chữ ký, chữ viết của A, B:

+ Chữ ký mang tên “A” dưới mục “Ý kiến của chủ hộ” trên mặt trước của Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu không phải do bà A ký ra.

+ Chữ ký mang tên “A” dưới mục “Ý kiến của chủ hộ” trên mặt trước của Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu không phải do ông B ký ra.

+ Chữ ký mang tên “C4” dưới mục “Người khai hoặc người viết hộ” là do ông B ký ra.

+ Chữ ký mang tên “Y” dưới mục “Người tham gia” trong biên bản xác minh đương sự C4 là do ông B ký ra.

+ Chữ ký mang tên “A” dưới mục “Người làm đơn” trong đơn xin xác nhận mối quan hệ gia đình là do ông B ký ra.

+ Chữ viết “A” dưới mục “Ý kiến chủ hộ” trên Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu không phải do bà A viết ra.

+ Chữ viết “A” dưới mục “Ý kiến chủ hộ” trên Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu không phải do ông B viết ra.

+ Chữ viết “C4” dưới mục “Người khai hoặc người viết hộ” là do ông B viết ra.

+ Chữ viết “Y” dưới mục “Người tham gia” trong Biên bản xác minh đương sự C4 là do ông B viết ra.

+ Chữ viết mang tên A dưới mục “Người làm đơn” trong đơn xin xác nhận mối quan hệ gia đình là do ông B viết ra.

- Về nội dung giám định chữ viết, chữ ký của C:

+ Chữ viết trên tài liệu cần giám định ký hiệu A1 so với chữ viết trên tài liệu mẫu so sánh ký hiệu M1 là do cùng một người viết ra.

+ Chữ viết tên “C4” dưới mục “Người yêu cầu” và “NGƯỜI KHAI” trên tài liệu cần giám định ký hiệu A1, A2 so với chữ viết tên “C4” dưới các mục “Mẫu 1”, “Mẫu 2”, “Mẫu 3” trên mặt trước tài liệu mẫu so sánh ký hiệu M3 là do cùng một người viết ra;

+ Không đủ cơ sở kết luận giám định chữ ký mang tên “C4” dưới mục “người yêu cầu” trên tài liệu cần giám định ký hiệu A1 so với chữ ký mang tên “C4” dưới các mục “Mẫu 1”, “Mẫu 2”, “Mẫu 3” trên mặt trước tài liệu mẫu so sánh ký hiệu M3 có phải do cùng một người ký ra hay không.

+ Chữ ký mang tên “C4” dưới mục “NGƯỜI KHAI” trên tài liệu cần giám định ký hiệu A2 so với chữ ký mang tên “C4” dưới các mục “Mẫu 1”, “Mẫu 2”, “Mẫu 3” trên mặt trước tài liệu mẫu so sánh ký hiệu M3 là do cùng một người ký ra.

- Về vật chứng của vụ án: Về vật chứng, tài liệu, đồ vật tạm giữ của vụ án bao gồm các tài liệu, giấy tờ của các cơ quan, cá nhân liên quan và các tài liệu, giấy tờ giả mang tên C4 hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện O đã đưa vào hồ sơ vụ án và trả lại cho các cơ quan, cá nhân liên quan theo quy định.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 35/2020/HS-ST ngày 25/9/2020 của Tòa án nhân dân huyện O, tỉnh Bạc Liêu đã tuyên:

1. Tuyên bố các bị cáo A, B, C, D phạm tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

1.1. Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 267; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 20; Điều 33 và Điều 53 Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (nay là điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Các Điều 17, 38 và 58 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017).

Xử phạt bị cáo A 02 (hai) năm 03 (ba) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bị cáo bị bắt đi chấp hành án.

1.2.Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 267; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 20; Điều 33 và Điều 53 Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (nay là điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Các Điều 17, 38 và 58 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017).

Xử phạt bị cáo B 02 (hai) năm 03 (ba) tháng tù.Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo bị bắt đi chấp hành án.

1.3. Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 267; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 20; Điều 33; Điều 53 Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (nay là điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Các Điều 17, 38 và 58 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017).

Xử phạt bị cáo D 02 (hai) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo bị bắt đi chấp hành án.

1.4. Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 267; điểm p, l khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 20; Điều 33; Điều 47; Điều 53 Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (nay là điểm n, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Các Điều 17, 38 và 58 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017).

Xử phạt bị cáo C 09 (chín) tháng tù.Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo bị bắt đi chấp hành án.

Ngoài ra, bản án còn xử lý vật chứng, án phí hình sự sơ thẩm và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 29/9/2020 và 30/9/2020, bị cáo A, B kháng cáo yêu cầu cấp phúc thẩm xem xét cho hưởng mức án thấp nhất theo quy định tại khoản 1 Điều 267 Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009; bị cáo D kháng cáo xin được hưởng án treo; bị cáo C xin được hưởng hình phạt chính là phạt tiền.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

- Các bị cáo A, B vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo và xin giảm nhẹ hình phạt; bị cáo D ngoài việc xin hưởng án treo còn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo C vắng mặt.

- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bạc Liêu phát biểu quan điểm: Chấp nhận đơn kháng cáo của các bị cáo nộp trong hạn luật định là phù hợp nên được xem xét giải quyết theo trình tự phúc thẩm. Về nội dung: các bị cáo đã thực hiện hành vi trái pháp luật là làm giả hộ khẩu, giấy khai sinh, giấy chứng minh nhân dân nhằm mục đích lừa dối các cơ quan quản lý về hộ tịch để bị cáo C được kết hôn với người nước ngoài. Do đó, hành vi của các bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức” theo quy định tại Điều 267 Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009. Các bị cáo kháng cáo nhưng không cung cấp tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mới nên đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự, không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo A, B, D, C giữ y bản án hình sự sơ thẩm số 35/2020/HSST ngày 25/9/2020 của Tòa án nhân dân huyện O, tỉnh Bạc Liêu. Đối với bị cáo A, B và D đã chấp hành một phần bản án Hình sự sơ thẩm nên được đối trừ thời gian chấp hành án; bị cáo C đã chấp hành xong hình phạt chính là phạt tiền nên được nhận lại số tiền đã thi hành theo quy định pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Đơn kháng cáo của các bị cáo đúng về thể thức và thời hạn nên được Hội đồng xét xử xem xét giải quyết theo trình tự phúc thẩm.

[2] Đối với việc vắng mặt của bị cáo C: Căn cứ công văn số 92/PA08 - Đ3 ngày 08/4/2022 của Phòng quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh Bạc Liêu xác định bị cáo C đã xuất cảnh vào ngày 05/6/2021 và đến nay chưa có thông tin nhập cảnh vào Việt Nam. Căn cứ quy định tại điểm b khoản 2 Điều 290 Bộ luật Tố tụng hình sự về các trường hợp xét xử vắng mặt bị cáo có trường hợp “Bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa”, nên Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt đối với bị cáo C.

[3] Về nội dung vụ án: Lời khai của các bị cáo A, B, D tại phiên tòa phù hợp với lời khai của các bị cáo trong quá trình điều tra, phù hợp lời khai của bị cáo C trong giai đoạn điều tra và những lần xét xử sơ thẩm, phúc thẩm trước đây, phù hợp với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án bao gồm các tài liệu, giấy tờ của các cơ quan, cá nhân liên quan và các tài liệu, giấy tờ giả mang tên C4, các bản kết luận giám định nên Hội đồng xét xử có đủ cơ sở để kết luận: Với mong muốn bị cáo C được kết hôn với một người Hàn Quốc mang tên C1 nên các bị cáo A, B đã thống nhất đặt ra một tên khống là C4. Để làm giả được các giấy tờ mang tên khống C4, bị cáo A, B đã nhờ sự quen biết, giới thiệu của bị cáo D với những cán bộ có chức vụ quyền hạn trong quản lý nhân khẩu để giúp đỡ. Bên cạnh đó, cũng do sự cẩu thả, thiếu trách nhiệm trong công tác xác minh, quản lý nhân khẩu của các cán bộ Công an xã P và xã N trong việc xác minh C4 thành một con người có thật đã từng sinh sống tại ấp 1, xã P và đang sinh sống tại ấp M, xã N và từ đó đã nhập khẩu được C4 vào hộ khẩu do bị cáo A làm chủ hộ. Sau khi có hộ khẩu, để thực hiện được việc đăng ký kết hôn với người nước ngoài thì bị cáo C sử dụng tên giả là C4 để lừa dối cơ quan nhà nước nhằm làm chứng minh nhân dân (đi cùng với bị cáo D) và giấy khai sinh (đi cùng với bị cáo B). Sự việc bị phát hiện khi các bị cáo chưa kịp thực hiện được việc bị cáo C kết hôn với người Hàn Quốc tên C1.

[3] Như vậy, bằng thủ đoạn lợi dụng sự tin tưởng của những người có thẩm quyền trong việc quản lý hộ tịch, các bị cáo đã cung cấp thông tin không có thật để làm giả hộ khẩu mang tên C4 là người không có thật, sau đó dùng hộ khẩu mang tên C4 để lừa dối cơ quan nhà nước thực hiện tiếp việc đăng ký và đã được cấp chứng minh nhân dân và giấy khai sinh mang tên C4. Do đó, hành vi của các bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội trước 0 giờ ngày 01/01/2018 nên hành vi phạm tội của các bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo quy định tại Điều 267 Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009.

[4] Các bị cáo đã nhiều lần thực hiện hành vi lừa dối cơ quan quản lý nhà nước để làm giả sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân và giấy khai sinh mang tên C4, việc lừa dối đó nhằm mục đích đăng ký kết hôn với người nước ngoài. Tuy việc kết hôn giữa bị cáo C với C1 chưa được thực hiện thì đã bị các cơ quan quản lý nhà nước phát hiện và xử lý nên mục đích cuối cùng của các bị cáo chưa đạt nhưng hành vi của các bị cáo làm giả 03 loại giấy tờ đã hoàn thành, đủ yếu tố cấu thành tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo quy định tại khoản 2 Điều 267 Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009.

[5] Hành vi phạm tội của các bị cáo không những trực tiếp xâm phạm trật tự quản lý hành chính, xâm phạm hoạt động bình thường và uy tín của cơ quan Nhà nước, mà còn gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự trị an tại địa phương. Các bị cáo là người trưởng thành, có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, biết rõ hành vi của mình là trái pháp luật, là gây nguy hiểm cho xã hội nhưng với mong muốn cho bị cáo C sớm được kết hôn với người nước ngoài, mà các bị cáo bất chấp pháp luật, thực hiện hành phạm tội với lỗi cố ý. Do vậy, cần phải có mức hình phạt phù hợp với tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội đối với hành vi phạm tội của các bị cáo, để nhằm giáo dục và phòng ngừa chung đối với loại tội phạm này.

[6] Xét kháng cáo của bị cáo A và bị cáo B yêu cầu cấp phúc thẩm xét xử hành vi phạm tội của các bị cáo theo khoản 1 Điều 267 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009, xem xét cho các bị cáo hưởng mức án thấp nhất: Như đã phân tích trên, các bị cáo đã có hành vi làm giả 03 loại giấy tờ gồm hộ khẩu mang tên C4 là người không có thật, đăng ký và đã được cấp chứng minh nhân dân và giấy khai sinh mang tên C4 nên thỏa mãn tình tiết định khung tăng nặng “phạm tội nhiều lần”, cấp sơ thẩm tuyên bố các bị cáo phạm tội với tình tiết định khung tăng nặng “phạm tội nhiều lần” theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 267 Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 là đánh giá đúng sự thật khách quan của vụ án, đúng người, đúng tội, đúng quy định pháp luật nên cấp phúc thẩm không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của các bị cáo A và B về việc xét xử hành vi phạm tội của các bị cáo theo khoản 1 Điều 267 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009.

[7] Do trong vụ án có nhiều bị cáo cùng thực hiện hành vi phạm tội nên khi lượng hình cần đánh giá tính chất mức độ hành vi phạm tội của từng bị cáo. Cấp sơ thẩm nhận định bị cáo A là người trực tiếp bàn bạc với bị cáo B thực hiện hành vi giả mạo nhân thân của C thành C4. Khi bị cáo B không thực hiện được thì bị cáo A tiếp tục nhờ bị cáo D thực hiện nên vai trò của bị cáo A cao hơn các bị cáo khác. Bị cáo B và D thực hiện hành vi phạm tội với vai trò giúp sức cho bị cáo A nên hành vi của các bị cáo B và bị cáo D là như nhau và tuyên mức án bằng nhau là có căn cứ. Đối với bị cáo C tuy không tham gia bàn bạc, nhưng vì muốn kết hôn với người nước ngoài nên đã mặc nhiên đồng ý theo sự sắp xếp của bị cáo A và B để làm các giấy tờ giả nên bị cáo C phải chịu trách nhiệm với vai trò đồng phạm và vai trò thấp hơn các bị cáo khác.

[8] Xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo: Tuy đủ căn cứ chứng minh các bị cáo phạm tội theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 267 Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 nhưng sự việc phạm tội đã bị phát hiện khi các bị cáo chưa kịp sử dụng các loại giấy tờ giả để bị cáo C đăng ký kết hôn với người nước ngoài thì đã bị cơ quan chức năng phát hiện và hủy bỏ các giấy tờ giả, các bị cáo chưa đạt được mục đích cuối cùng nên cần áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho các bị cáo theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 (điểm h khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015). Ngoài ra, các bị cáo đều thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; gia đình các bị cáo đều có công với cách mạng nên được áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 (điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015). Riêng bị cáo bị cáo C khi phạm tội là phụ nữ đang mang thai, đồng thời, bị cáo cũng có thành tích trong việc đấu tranh phát hiện những người trong vùng dịch Covid 19 đến tạm trú ở địa phương (văn bản số 28/BXNTT-CAH ngày 20/8/2020 của Công an huyện O, tỉnh Bạc Liêu), đây là những tình tiết giảm nhẹ được quy định tại điểm l khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự 1999 (điểm n khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015). Do các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 (khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015) nên áp dụng khoản 1 Điều 47 Bộ luật hình sự 1999 (khoản 1 Điều 54 Bộ luật hình sự năm 2015) quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt đối với các bị cáo là phù hợp, đảm bảo tính răn đe, giáo dục đối với các bị cáo. Do đó, có căn cứ chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo.

[9] Xét kháng cáo của bị cáo D yêu cầu cấp phúc thẩm cho bị cáo được hưởng án treo: Hành vi của bị cáo D tích cực giúp sức cho bị cáo A, bị cáo B liên hệ với người có chức vụ quyền hạn để xác nhận giấy tờ, giúp các bị cáo khác thực hiện được hành vi phạm tội, tại cấp phúc thẩm bị cáo D không cung cấp thêm tình tiết mới nên cần cách ly bị cáo ra khỏi đời sống chung của xã hội một thời gian nhất định để răn đe, giáo dục các bị cáo trở thành công dân tốt, sống có ích và biết tuân thủ pháp luật, không có căn cứ chấp nhận kháng cáo xin được hưởng án treo của bị cáo D.

[10] Xét kháng cáo của bị cáo C xin được áp dụng hình phạt tiền: Trong vụ án này, bị cáo C thực hiện hành vi phạm tội với tính chất, mức độ phạm tội thấp hơn các bị cáo khác nên có mức hình phạt nhẹ hơn là có căn cứ, không có căn cứ áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính đối với bị cáo C. Do đó, không chấp nhận kháng cáo của bị cáo C cho bị cáo được áp dụng hình phạt chính là phạt tiền.

[11] Đối với các bị cáo A, D và B đã chấp hành xong bản án phúc thẩm số 99/PTHS ngày 29/12/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Bạc Liêu nên được khấu trừ thời hạn chấp hành án theo quy định pháp luật. Bị cáo C đã chấp hành xong hình phạt chính là phạt tiền với số tiền phạt 30.000.000 đồng nên bị cáo được nhận lại số tiền đã thi hành án 30.000.000 đồng tại Chi cục thi hành án huyện O.

[12] Đối với hành vi của K, I, L và ông J thiếu kiểm tra trong việc xác minh nhân khẩu, hộ khẩu; tuy nhiên qua xem xét điều tra nhận thấy hành vi của K, I, L và ông J không có mục đích vụ lợi và đã bị xử lý về mặt chính quyền nên không khởi tố, truy tố, cấp sơ thẩm không xử lý trách nhiệm hình sự là có căn cứ.

[13] Như đã phân tích, lời đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bạc Liêu tại phiên tòa hôm nay về tội danh, về điều luật áp dụng là phù hợp nên được chấp nhận, riêng mức hình phạt là nghiêm khắc nên Hội đồng xét xử cân nhắc, xem xét để có mức hình phạt tương xứng.

[14] Về án phí hình sự phúc thẩm: do nội dung kháng cáo của các bị cáo được chấp nhận nên các bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm theo quy định.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355; điểm c khoản 1 Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự, chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo A, B, D và C. Sửa bản án hình sự sơ thẩm số 35/2020/HS-ST ngày 25/9/2020 của Tòa án nhân dân huyện O, tỉnh Bạc Liêu về hình phạt.

1. Tuyên bố các bị cáo A, B, D và C phạm tội “Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức”.

2. Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 267, điểm g, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47; Điều 20; Điều 33 và Điều 53 Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (nay là điểm h, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; khoản 1 Điều 54; các Điều 17, 38 và 58 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017).

Xử bị cáo A 01 (một) năm 06 (sáu) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bị cáo bị bắt đi chấp hành án, được khấu trừ thời gian bị cáo đã chấp hành án 09 tháng tù.

3. Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 267, điểm g, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47; Điều 20; Điều 33 và Điều 53 Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (nay là điểm h, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; khoản 1 Điều 54; các Điều 17, 38 và 58 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017).

Xử bị cáo B 01 (một) năm tù, thời hạn tù tính từ ngày bị cáo bị bắt đi chấp hành án, được khấu trừ thời gian bị cáo đã chấp hành án 06 tháng tù.

4. Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 267, điểm g, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47; Điều 20; Điều 33 và Điều 53 Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (nay là điểm h, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; khoản 1 Điều 54; các Điều 17, 38 và 58 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017).

Xử bị cáo D 01 (một) năm tù, thời hạn tù tính từ ngày bị cáo bị bắt đi chấp hành án, được khấu trừ thời gian bị cáo đã chấp hành án 06 tháng tù.

5. Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 267, điểm g, p, l khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47; Điều 20; Điều 33; Điều 47; Điều 53 Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (nay là điểm h, n, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; khoản 1 Điều 54; các Điều 17, 38 và 58 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017).

Xử bị cáo C 06 (sáu) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bị cáo bị bắt đi chấp hành án.

Bị cáo C được nhận lại số tiền phạt 30.000.000 đồng (hình phạt chính đã thi hành theo Bản án Hình sự phúc thẩm số 99/PTHS ngày 29/12/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Bạc Liêu) tại Chi cục Thi hành án huyện O, tỉnh Bạc Liêu.

6. Về án phí hình sự phúc thẩm:

Căn cứ điểm h khoản 2 Điều 23 Nghị Quyết 326/2016/UBTVQH ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội: các bị cáo A, B, D và C không phải nộp án phí hình sự phúc thẩm.

7. Các phần quyết định khác của bản án hình sự sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án hình sự phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

195
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức số 45/2022/HS-PT

Số hiệu:45/2022/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bạc Liêu
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 30/05/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về