TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM
BẢN ÁN 17/2021/HSPT NGÀY 21/09/2021 VỀ TỘI LÀM GIẢ TÀI LIỆU CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC
Trong ngày 21 tháng 09 năm 2021, tại Trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Kon Tum xét xử phúc thẩm công khai vụ án Hình sự thụ lý số: 38/2021/TLPT-HS ngày 17/8/2021 do có kháng cáo của bị cáo Nguyễn Xuân T, đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 07/2021/HS-ST ngày 14/7/2021 của Tòa án nhân dân huyện ĐăkGlei, tỉnh KonTum.
Bị cáo kháng cáo: Nguyễn Xuân T; tên gọi khác; Không; sinh năm 1983 tại tỉnh Nghệ An; Nơi ĐKHKTT: Tổ 10, phường D, TP K. Chỗ ở hiện nay: Thôn 9, xã Đ, thành phố K, tỉnh K; Nghề nghiệp: Lao động tự do; Trình độ học vấn: 12/12; Dân tộc: kinh; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông Nguyễn Xuân Th, sinh năm 1948 và bà Đinh Thị Q, sinh 1950; bị cáo có vợ là Hồ Thị Như H và có 02 con, con lớn nhất sinh năm 2012, con nhỏ nhất sinh năm 2014.
Tiền án, tiền sự: Không. Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 24/11/2020 đến ngày 15/01/2021 được thay thế bằng biện pháp bảo lĩnh, đến ngày 26/02/2021 áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đến nay. (Có mặt tại phiên tòa).
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Vào cuối năm 2015 A Đ, sinh năm 1991; Nơi cư trú: Thôn K, xã Xốp, huyện Đ, tỉnh Kon Tum, là cán bộ văn thư xã X, huyện Đắk G, tỉnh Kon T nhờ bị cáo Nguyễn Xuân T làm giả bằng tốt nghiệp PTTH cho A Đ. Do có quen biết nên T nhận lời, qua mạng xã hội Facebook T biết một tài khoản tên “Trần B” đăng tin quảng cáo chuyên làm bằng cấp giả các loại, số điện thoại 0981755310, đăng ký tài khoản Zalo cùng tên “Trần B”. Bị cáo T dùng số điện thoại 0988666097 liên hệ với Trần B qua Zalo nhờ làm bằng tốt nghiệp PTTH cho A Đ thì Trần Bình đồng ý nhận làm với giá 3.500.000đ/01 bằng và yêu cầu cung cấp học bạ, CMND, sổ hộ khẩu phô tô của người cần làm bằng, sau đó bị cáo báo giá với A Đ là 10.000.000đ(Mười triệu)/01 bằng, nhằm hưởng tiền chênh lệch, bị cáo yêu cầu A Đ phô tô học bạ, CMND, sổ hộ khẩu đưa cho bị cáo. Khoảng 01 tuần sau A Đ đến nhà bị cáo đưa trước cho bị cáo 3.500.000đ, số tiền còn lại sẽ trả sau. Bị cáo đồng ý và nói “Có biết ai thi rớt tốt nghiệp PTTH thì rủ làm chung luôn”. A Đ nói “Có anh A Ch cũng rớt để về hỏi thử”. Ngày 24/01/2016 A Đ chở A Ch bằng xe máy đến nhà bị cáo để giao cho bị cáo T học bạ, CMND, Bìa hộ khẩu phô tô, A Ch đưa cho bị cáo 10.000.000đ và A Đ đưa cho bị cáo số tiền 5.500.000đ và được bị cáo bớt cho A Đ 1.000.000đ. Sau đó bị cáo T cung cấp các giấy tờ phô tô của A Đ và A Ch cho Trần B. Theo thỏa thuận bằng tốt nghiệp THPT giả được gửi theo đường bưu phẩm, khi nhận được bằng thì thanh toán cho Trần B thông qua hình thức thu hộ. Khoảng 01 tháng sau bị cáo nhận được 02 bằng tốt nghiệp PTTH giả, số hiệu B762782 mang tên A Đ, số hiệu B762783 mang tên A Ch. Tuy nhiên, cả hai bằng giả đều ghi sai Dân tộc, nên A Đ gửi trả lại cho bị cáo để sửa lại. Bị cáo liên lạc với Trần B để làm lại bằng giả ghi đúng thông tin Dân tộc cho A Đ và A Ch, chi phí phát sinh mỗi bằng là 500.000đ do A Đ và A Ch chi trả.
Sau khi nhận được bằng giả về A Đ cất ở nhà chưa sử dụng, còn A Ch sử dụng bản sao bằng tốt nghiệp PTTH giả nộp vào Trường Đại học Đ N vào năm 2019 để theo học chuyên ngành luật khóa 26 của Trung tâm đào tạo thường xuyên, trực thuộc Đại học Đ N mở tại K và nộp bổ sung vào hồ sơ cán bộ tại phòng Nội vụ huyện Đ vào tháng 11/2019.
Ngày 10/12/2019 qua công tác xác minh văn bằng, Sở giáo dục và đào tạo tỉnh Kon Tum phát hiện A Ch dùng bằng tốt nghiệp PTTH giả.
Quá trình điều tra đã xác định bị cáo Nguyễn Xuân T đã nhận tiền để làm bằng giả cho A Đ là 9.500.000đ và A Ch là 10.500.000đ. Tổng cộng là 20.000.000đ (Hai mươi triệu đồng), trong đó bị cáo thu lợi bất chính trong việc làm bằng giả là 12.000.000đ. Bị cáo đã nộp lại số tiền 20.000.000đ (Hai mươi triệu đồng) theo biên lai thu số AA/2010/0003430 ngày 03/7/2021 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Đắk Glei.
Ngày 13/08/2020, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đăk Glei ra quyết định trưng cầu giám định số 18, trưng cầu Phòng kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Kon Tum tiến hành giám định Bằng tốt nghiệp THPT, số hiệu B762782 mang tên A Đ và số hiệu B762783 mang tên A Ch, cấp cùng ngày 10/3/2016 có hình dấu tròn Quốc huy nội dung “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Tỉnh Kon Tum – Sở Giáo dục và Đào tạo” và chữ ký đứng tên Nguyễn Phúc Phận.
Kết luận giám định số: 161/KLGĐ-PC09, ngày 21/8/2020 của Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Kon Tum kết luận Bằng tốt nghiệp THPT, số hiệu B762782 mang tên A Đ và số hiệu B762783 mang tên A Ch, cấp cùng ngày 10/3/2016 là giả; hình dấu tròn Quốc huy nội dung “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - tỉnh Kon Tum – Sở Giáo dục và Đào tạo” trên 02 bằng nói trên là giả; chữ ký đứng tên Nguyễn Phúc Phận trên 02 bằng nói trên không phải do ông Nguyễn Phúc Phận ký.
Với nội dung trên, tại bản án hình sự sơ thẩm số 07/2020/HS-ST ngày 14/7/2021 của Tòa án nhân dân huyện ĐăkGlei quyết định như sau:
Tuyên bố: Bị cáo Nguyễn Xuân T phạm Tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Áp dụng: Điểm c, đ khoản 2 Điều 341; Điều 38; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Xuân T 24 (Hai bốn) tháng tù, nhưng được trừ đi thời gian đã bị tạm giữ, tạm giam từ ngày 24/11/2020 đến 15/01/2021. Thời hạn tù được tính kể từ ngày bị cáo bị bắt đi chấp hành án.
Cấp sơ thẩm còn tuyên về xử lý vật chứng, án phí, quyền kháng cáo của bị cáo.
Ngày 18/7/2021, bị cáo Nguyễn Xuân T có đơn kháng cáo nội dung yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm, xét xử giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo được hưởng án treo. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Xuân T giữ nguyên nội dung đơn kháng cáo và trình bày những lý do bị cáo có con nhỏ bị khuyết tật bẩm sinh, vợ đi công tác ở xa, bị cáo phải chăm sóc con nhỏ.
Tại phiên tòa phúc thẩm, Kiểm sát viên thực hành quyền công tố phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án: Qua xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa phúc thẩm thấy rằng: Thời điểm bị cáo thực hiện hành vi phạm tội là năm 2016, là thời điểm Bộ Luật hình sự năm 1999 đang có hiệu lực pháp luật, hành vi của bị cáo vi phạm vào khoản 1 Điều 267 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định. “Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”. Đến năm 2019 hành vi phạm tội của bị cáo mới được phát hiện, tại thời điểm phát hiện tội phạm thì bộ Luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 đang có hiệu lực thi hành. Theo khoản 2 Điều 7 Bộ Luật hình sự năm 2015 và Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội hướng dẫn áp dụng nguyên tắc có lợi cho người phạm tội, Tòa án cấp sơ thẩm không áp dụng cho bị cáo là còn thiếu sót. Đối với hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trật tự quản lý hành chính của Nhà nước, các tình tiết giảm nhẹ mà bị cáo nêu ra đã được cấp sơ thẩm đánh giá và nhận định đầy đủ. Vì áp dụng theo Khoản 1 Điều 267 để xử phạt đối với bị cáo do đó, bị cáo được hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ “ Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” được quy định tại điểm h khoản 1 Điểu 46 BLHS năm 1999.
Căn cứ vào các tài liệu chứng cứ có tại hồ sơ vụ án, đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355, Điểm c khoản 1 Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự, chấp nhận đề nghị xin giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo. Sửa bản án sơ thẩm, về áp dụng điều luật, hình phạt đối với bị cáo: Căn cứ vào Khoản 1 Điều 267, điểm h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 đề nghị xử phạt bị cáo Nguyễn Xuân T mức án từ 15 tháng đến 18 tháng tù.
NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định như sau:
[1] Về tố tụng: Kháng cáo của bị cáo Nguyễn Xuân T đúng thời hạn theo quy định, Hội đồng xét xử sẽ chấp nhận xem xét.
[2] Về hành vi phạm tội: Thấy rằng lời khai nhận tội của bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm, phù hợp với lời khai nhận tội tại phiên tòa sơ thẩm, phù hợp với các tài liệu chứng cứ có tại hồ sơ vụ án. Vì vậy, Hội đồng xét xử có đủ cơ sở nhận định. Vào cuối năm 2015, do không đậu tốt nghiệp THPT nên A Đ đã nhờ Nguyễn Xuân T làm bằng giả tốt nghiệp THPT, do có quen biết từ trước nên T đã nhận lời. Sau đó thông qua mạng xã hội Facebook, T biết một tài khoản tên “ Trần B” chuyên nhận làm bằng giả các loại. T đã liên hệ để nhờ người có tài khoản tên “Trần B” làm giả bằng tốt nghiệp THPT với giá 3.500.000đ/1 bằng. Sau đó T báo giá cho A Đ với giá 10.000.000đ/bằng nhằm hưởng chênh lệch, T còn nói A Đ xem ai có nhu cầu thì rủ làm luôn. A Đ đã rủ A Ch cùng nhờ Tlàm. Sau khi nhận được bằng giả từ T, A Đ đem về và chưa sử dụng, A Ch sử dụng bằng giả nộp vào Đại học Đà Nẵng năm 2019 để đi học lớp Luật hệ từ xa và bổ sung vào hồ sơ cán bộ tại Phòng Nội vụ huyện Đắk Glei vào tháng 11/2019 thì bị phát hiện. Riêng đối với Nguyễn Xuân T, có hành vi làm giả 2 bằng tốt nghiệp PTTH nhằm mục đích thu lợi bất chính với số tiền 12.000.000đ đã cấu thành tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Bản án hình sự sơ thẩm số 07/2021/HS-ST ngày 14/7/2021 của Tòa án nhân dân huyện ĐắkGlei đã nhận định và tuyên bị cáo phạm tội “ Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” là có cơ sở. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng: Điểm c, đ khoản 2 Điều 341; Điều 38; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Xuân T 24 (Hai mươi bốn) tháng tù, nhưng được trừ đi thời gian đã bị tạm giữ, tạm giam từ ngày 24/11/2020 đến 15/01/2021. Thời hạn tù được tính kể từ ngày bị cáo bị bắt đi chấp hành án, là áp dụng không đúng pháp luật.
Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy: Hành vi phạm tội của bị cáo Nguyễn Xuân T thực hiện vào năm 2016 là thời điểm Bộ luật hình sự năm 1999 đang có hiệu lực pháp luật. Đến tháng 11/2019 hành vi phạm tội của bị cáo mới bị phát hiện. Thời điểm này Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 đã có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018. Vì vậy, căn cứ vào Khoản 2 Điều 7; Điểm c Điều 2 Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội quy định về việc áp dụng pháp luật, đảm bảo nguyên tắc có lợi cho bị cáo đối với hành vi phạm tội trước ngày Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017 có hiệu lực.
Đối chiếu với hành vi phạm tội trên của bị cáo Nguyễn Xuân T thực hiện vào năm 2016, đã phạm vào tội “ Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức” quy định tại khoản 1 Điều 267 Bộ luật hình sự năm 1999 có khung hình phạt quy định phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”. Cấp sơ thẩm đã áp dụng Điểm c, đ khoản 2 Điều 341 Bộ luật hình sự đối với hành vi trên của bị cáo là bất lợi cho bị cáo. Do đó, cần phải sửa án sơ thẩm về phần áp dụng Điều luật, hình phạt cho bị cáo theo đúng quy định của pháp luật. Ngoài các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo đã được cấp sơ thẩm áp dụng theo điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự 2015 (tương ứng với điểm p, khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999). Cấp phúc thẩm thấy, cần áp dụng cho bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ được quy định tại điểm h khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999.
[3] Xét nội dung kháng cáo của bị cáo Nguyễn Xuân T:
Về kháng cáo của bị cáo Nguyễn Xuân T, xin Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt và cho bị cáo được hưởng án treo. Thấy rằng cấp sơ thẩm đã đánh giá đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ để áp dụng cho bị cáo, tại cấp phúc thẩm bị cáo không đưa ra được tình tiết gì mới, bị cáo còn là người khởi xướng, nói A Đrủ thêm người có nhu cầu để bị cáo làm giả bằng tốt nghiệp PTTH. Do đó, xét tính chất mức độ hành vi phạm tội của bị cáo, Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo 24 tháng tù mà không xét cho bị cáo hưởng án treo là có cơ sở. Nhưng cấp phúc thẩm áp dụng lại điều luật đối với bị cáo, nên bị cáo được hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ “Phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” và để cho bị cáo thấy được sự khoan hồng của pháp luật nên Hội đồng xét xử xem xét chấp nhận, giảm nhẹ thêm một phần hình phạt cho bị cáo là có cơ sở và để bị cáo sớm có điều kiện cải tạo, trở thành người công dân tốt sống có ích cho gia đình và xã hội. Chấp nhận một phần yêu cầu của bị cáo giảm mức hình phạt tù nhưng không cho bị cáo được hưởng án treo.
[3] Về án phí: Do kháng cáo được chấp nhận, nên bị cáo Nguyễn Xuân T không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm theo quy định pháp luật.
[4] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị, đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Áp dụng: Điểm b khoản 1 Điều 355; Điểm c khoản 1 Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự; Điểm d khoản 2 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Toà án:
1. Chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Xuân T, sửa Bản án sơ thẩm số 07/2021/HS-ST ngày 14/7/2021 của Tòa án nhân dân huyện ĐăkGlei cụ thể như sau:
Căn cứ: Khoản 1 Điều 267; Điều 33; Điểm h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999; Điểm c khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội .
Tuyên bố: Bị cáo Nguyễn Xuân T phạm tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
2. Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Xuân T 16 (Mười sáu) tháng tù, nhưng được trừ đi thời gian đã bị tạm giữ, tạm giam (Từ ngày 24/11/2020 đến 15/01/2021). Thời hạn tù được tính kể từ ngày bị cáo bị bắt đi chấp hành án.
3. Về án phí hình sự phúc thẩm: Bị cáo Nguyễn Xuân T không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
4. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (21/9/2021).
Bản án về tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức số 17/2021/HSPT
Số hiệu: | 17/2021/HSPT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Kon Tum |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 21/09/2021 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về