Bản án về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức số 100/2018/HS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI

BẢN ÁN 100/2018/HS-PT NGÀY 06/02/2018 VỀ TỘI LÀM GIẢ CON DẤU, TÀI LIỆU CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC

Ngày 06/02/2018 tại trụ sở Toà án nhân dân thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội mở phiên toà công khai xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 837/2017/TLPT-HS ngày 07/11/2017 do có kháng cáo của bị cáo Trần Thị Minh T đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 45/2017/HS-ST ngày 15/9/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng.

- Bị cáo có kháng cáo:

Trần Thị Minh T, sinh ngày 14-7-1960 tại Bình Lục, Hà Nam; đăng ký hộ khẩu thường trú tại: phường B, quận H, thành phố Hà Nội; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; trình độ văn hóa: Lớp 12/12 phổ thông; nghề nghiệp: Giáo viên nghỉ hưu; con ông Trần Thanh H (đã chết) và bà Nguyễn Thị G; có chồng là Trương Đức T, sinh năm 1957 và 02 con; tiền án, tiền sự: Không; hiện bị cáo tại ngoại; có mặt.

- Các bị cáo không kháng cáo gồm: Nguyễn Huy T1 (có mặt), Triệu Thị H (vắng mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Nắm bắt được nhu cầu một số người ở Cao Bằng mới tốt nghiệp ra trường cần có chứng chỉ tin học, chứng chỉ ngoại ngữ để hoàn thiện hồ sơ thi tuyển viên chức năm 2016, do quen biết nhau từ trước, Nguyễn Huy T1 đã liên hệ với Trần Hải L, sinh năm 1975, cư trú tại: phường T, quận H, Thành phố Hà Nội là nhân viên cũ của Trung tâm Đào tạo tin học, ngoại ngữ và chuyển giao công nghệ Bách Khoa (IFOCE) thuộc Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học ứng dụng UIA đặt vấn đề làm hai loại chứng chỉ này cho những người có nhu cầu và được Long cho biết phải hỏi Giám đốc Trung tâm IFOCE là bà Trần Thị Minh T.

Khi được Trần Thị Minh T đồng ý và yêu cầu nộp các loại giấy tờ liên quan gồm bản pho to giấy chứng minh nhân dân, giấy đăng ký kinh doanh, hợp đồng thuê nhà và phải làm hợp đồng liên kết đào tạo, Toàn đã nhờ Long chuyển các giấy tờ đó cho Trần Thị Minh T. Thu không lên Cao Bằng để thẩm định cơ sở vật chất của Doanh nghiệp máy tính H nhưng vẫn soạn thảo một bản hợp đồng liên kết đào tạo giữa Trung tâm IFOCE và Doanh nghiệp máy tính H có sẵn chữ ký của Trần Thị Minh T và dấu đỏ của Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học ứng dụng UIA rồi đưa cho Long 4 bản hợp đồng cùng 2 đề kiểm tra môn tin học, ngoại ngữ có kèm theo đáp án để nhờ Long gửi cho Nguyễn Huy T1. Khi nhận được hợp đồng, Nguyễn Huy T1 ký, đóng dấu và nhờ Long chuyển cho Trung tâm IFOCE. Trần Thị Minh T không ra quyết định thành lập Hội đồng thi tại Cao Bằng mà chỉ dặn Long bảo Toàn hồ sơ của thí sinh phải có đầy đủ 2 ảnh 3 x 4cm, bản pho to giấy chứng minh nhân dân và phải có bài kiểm tra có chữ ký của thí sinh.

Khi có người đến nhờ làm chứng chỉ, Toàn đã hướng dẫn nộp ảnh, bản pho to giấy chứng minh nhân dân và phát hai bài kiểm tra tin học, ngoại ngữ kèm theo đáp án cho thí sinh để làm bài thi. Khi nhận được khoảng 60 đến 70 hồ sơ thì Toàn gửi theo xe khách Cao Bằng - Hà Nội cho Long để chuyển đến Trung tâm IFOCE. Trần Hải L đã chuyển giúp Toàn 3 lần, mỗi lần khoảng 60 đến 70 hồ sơ xin cấp chứng chỉ tin học, ngoại ngữ đến Trung Tâm IFOCE. Sau khi nhận được các hồ sơ này, Trần Thị Minh T ký vào phần chữ ký Chủ tịch Hội đồng coi thi và cho nhân viên của mình ký vào phần giám thị coi thi để hoàn thiện thủ tục hồ sơ, làm đơn trình Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học ứng dụng UIA cấp chứng chỉ cho các thí sinh. Trần Thị Minh T thu lệ phí cấp chứng chỉ tin học là 70.000,0đ (bẩy mươi nghìn đồng), chứng chỉ ngoại ngữ là 130.000,0đ (một trăm ba mươi nghìn đồng) nhưng chỉ nộp lệ phí lên UIA 12.000,0đ/1 chứng chỉ tin học, 32.000,0đ/1 chứng chỉ ngoại ngữ. Do Trung tâm IFOCE cho phép nhân viên (kể cả nhân viên hợp đồng theo công việc) thu lệ phí cao hơn trung tâm nên Trần Hải L báo với Nguyễn Huy T1 lệ phí cấp chứng chỉ tin học là 100.000,0đ, chứng chỉ ngoại ngữ là 220.000,0đ. Còn Nguyễn Huy T1 đã thu của thí sinh 300.000,0đ/1 chứng chỉ tin học, 400.000,0đ/1 chứng chỉ ngoại ngữ.

Biết Nguyễn Huy T1 làm chứng chỉ, Triệu Thị H đã nhận hồ sơ của một số sinh viên Trường Cao đẳng sư phạm Cao Bằng làm khoảng 20 chứng chỉ, thu mỗi chứng chỉ 400.000,0đ (bốn trăm nghìn đồng) rồi mang đến Cửa hàng máy tính H để nộp hồ sơ và tiền lệ phí là 700.000,0đ hai chứng chỉ tin học, ngoại ngữ cho Toàn, Huyền hưởng chênh lệch 50.000,0đ/1 chứng chỉ.

Quá trình điều tra, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Cao Bằng đã thu giữ được 86 chứng chỉ tin học, 87 chứng chỉ ngoại ngữ. Qua đó xác định được Nguyễn Huy T1 hưởng lợi từ việc làm 173 chứng chỉ là 32.860.000,0đ (ba mươi hai triệu tám trăm sáu mươi nghìn đồng), Trần Thị Minh T 13.860.000,0đ (mười ba triệu tám trăm sáu mươi nghìn đồng), Trần Hải L 10.410.000,0đ (mười triệu bốn trăm mười nghìn đồng), Triệu Thị H 1.000.000,0đ (một triệu đồng).

Tại các Bản kết luận giám định số: 16-GĐKTHS/PC54 ngày 08-02-2017, số 15/GĐ ngày 16-02-2017, số 17-GĐKTHS/PC54 ngày 20-02-2017, số: 20-GĐ/PC54 ngày 27-02-2017, số: 14-GĐ/PC54 ngày 01-3-2017, số 18-GĐKTHS/PC54 ngày 02-3- 2017 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Cao Bằng kết luận: Con dấu và phôi của hai loại chứng chỉ tin học và ngoại ngữ là mẫu đề nghị giám định đều của Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học ứng dụng UIA phát ra, chữ ký trên hai loại chứng chỉ tin học và ngoại ngữ là mẫu đề nghị giám định là chữ ký của ông Vũ Thế K, Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học ứng dụng UIA.

Với nội dung trên tại Bản án hình sự sơ thẩm số 45/2017/HSST ngày 15/9/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng đã quyết định: Tuyên bố bị cáo Trần Thị Minh T phạm tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”; áp dụng điểm b khoản 2 Điều 267; điểm b, p khoản 1 Điều 46; Điều 60 Bộ luật hình sự; xử phạt bị cáo Trần Thị Minh T 02 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 04 năm tính từ ngày tuyên án sơ thẩm. Giao bị cáo Trần Thị Minh T cho Ủy ban nhân dân phường B, Quận H, thành phố Hà Nội giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Ngoài ra bản án còn xử phạt các bị cáo Nguyễn Huy T1 15.000.000đ; bị cáo Triệu Thị H 5.000.000đ; bản án còn xử lý vật chứng, buộc nghĩa vụ chịu án phí, tuyên quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 21/9/2017 bị cáo Trần Thị Minh T có đơn kháng cáo cho rằng bản án sơ thẩm có nhiều vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng, dẫn đến kết án oan đối với bị cáo. Tại phiên tòa bị cáo giữ nguyên nội dung kháng cáo và trình bày:

- Việc ký hợp đồng liên kết đào tạo không nhất thiết phải trực tiếp đến thẩm định cơ sơ vật chất của Doanh nghiệp máy tính H; bởi vì việc giao kết hợp đồng có thể bằng nhiều phương pháp. Khi xem xét giấy phép kinh doanh của ông Toàn có đủ tư cách pháp nhân bị cáo mới trình Tổng giám đốc cho phép liên kết đào tạo, bị cáo chỉ là người thừa lệnh Tổng giám đốc để ký hợp đồng.

- Doanh nghiệp máy tính H được cấp giấy phép kinh doanh, trong đó có chức năng đào tạo tin học, bị cáo khi ký hợp đồng dựa trên giấy phép kinh doanh; bị cáo chỉ ký hợp đồng với doanh nghiệp anh Toàn, không ký với Trung tâm nào trên Cao Bằng.

- Về hợp đồng liên kết đào tạo: Đây là hợp đồng dân sự, nếu trong hợp đồng có sai sót cũng không nằm trong sự điều chỉnh của Bộ luật hình sự; việc liên kết đào tạo là lợi ích của cả hai bên; liên kết đào tạo là chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau về đào tạo nghề và cấp chứng chỉ.

- Việc không ra quyết định thành lập Hội đồng thi tại Cao Bằng không phải bắt buộc, nếu có số lượng thí sinh lớn thì mới tổ chức thành Hội đồng vì chỉ là kiểm tra các môn học; UIA dạy theo chương trình và cấp chứng chỉ riêng theo nhu cầu của thí sinh có thể theo nhóm, cá nhân.

- Đáp án đề thi là của UIA bị cáo giao cho ông Long đưa cho ông Toàn chỉ để anh Toàn xem các thí sinh của mình trình độ đến đâu, hơn nữa nếu thí sinh chép bài của nhau cũng chỉ vi phạm quy chế thi cử chưa đến mức phạm tội.

- Việc cho nhân viên ký vào bài thi chỉ là do bị cáo đoán, vì khi Điều tra viên hỏi bị cáo nói ông Toàn ký nhưng Điều tra viên nói ông Toàn không ký thì bị cáo đoán hay là nhân viên của bị cáo thấy trống nên ký vào.

- Về quy trình kiểm tra: Đề kiểm tra là của UIA không phải bị cáo hoặc ông Toàn tự ý làm ra đề thi; ông Toàn phải cho thí sinh làm bài kiểm tra thường xuyên theo cam kết trong hợp đồng; bị cáo chỉ là người nhận bài kiểm tra khi đã có chữ ký đầy đủ của thí sinh. Tuy nhiên, trong quá trình làm bài kiểm tra ông Toàn có thể xảy ra mộ số hiện tượng như thí sinh vi phạm quy chế thi và kiểm tra; đây cũng là lỗi thường xảy ra trong các kỳ thi (kể cả kỳ thi quốc gia). Sau khi nhận được bài kiểm tra từ phía ông Toàn, trên bài kiểm tra đã có đầy đủ chữ ký của thí sinh mới lập tờ trình gửi Phòng giáo vụ của UIA kiểm tra lại để lãnh đạo UIA ký cấp chứng chỉ; các chứng chỉ (173) là 173 hồ sơ có đủ chữ ký của thí sinh. Bị cáo chỉ mắc khuyết điểm là không giám sát chặt chẽ, chưa điều tra và phát hiện nhắc nhở kịp thời tình trạng phạm quy của các thí sinh khi ông Toàn cho làm bài kiểm tra. Bị cáo vẫn nhận thức được hành vi của mình là sai, có lỗi nhưng chưa đến mức phải xử lý trach nhiệm hình sự; nên đề nghị Hội đồng xét xử xem xét.

- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Cấp cao tại Hà Nội phát biểu quan điểm: Căn cứ vào hồ sơ cũng như tại phiên tòa phúc thẩm đã đủ cơ sở để kết luận bị cáo Thu đã cùng với các đối tượng khác làm giả 173 chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, thu lợi bất chính 13.860.000đ. Hành vi đó của bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”; cấp sơ thẩm xử ph ạt đối với bị cáo là có căn cứ, đúng pháp luật. Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự không chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, được thẩm tra tại phiên tòa thấy rằng: Bị cáo Trần Thị Minh T là Giám đốc Trung tâm đào tạo tin học, ngoại ngữ và chuyển giao công nghệ Bách Khoa, được bổ nhiệm theo Quyết định số 2612/QĐ-UIA ngày 11/6/2002 của Tổng Giám đốc Liên hiệp khoa học Công nghệ tin học ứng dụng UIA; trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã không thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của mình trong việc liên kết đào tạo, kiểm tra sát hạch để cấp chứng chỉ tin học, ngoại ngữ; thực hiện việc liên kết đào tạo với Doanh nghiệp máy tính H khi Doanh nghiệp này không có chức năng đào tạo tin học, ngoại ngữ theo quy định. Bởi vì, theo kết quả điều tra thì Hộ kinh doanh máy tính H, thực chất là hộ kinh doanh của Nguyễn Thị Hồng P do Nguyễn Huy T1 làm đại diện hộ gia đình, nhưng tại hợp đồng liên kết đào tạo Trung tâm đào tại tin học, ngoại ngữ và chuyển giao công nghệ Bách Khoa, do Trần Thị Minh T làm đại diện lại ký hợp đồng với doanh nghiệp máy tính H. Hơn nữa, theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 11A8000706 của Ủy ban nhân dân thành phố Cao Bằng cấp lần đầu vào ngày 29/9/2003 (đăng ký thay đổi lần 3 ngày 02/7/2013) thì trong ngành nghề kinh doanh có dạy tin học (không có chức năng đào tạo ngoại ngữ). Tuy nhiên, đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, người kinh doanh có quyền đăng ký, nhưng muốn được hoạt động phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép; trong trường hợp này, theo quy định tại mục a khoản 1 Điều 13 Thông tư số 03/2011/TT-BDGĐT, ngày 28/01/2011 của Bộ giáo dục Đào Tạo ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm ngoại ngữ, tin học thì Doanh nghiệp Nguyễn Thị Hồng P phải được Sở Giáo dục đào tạo tỉnh Cao Bằng cấp giấy phép mới được phép hoạt động lính vực đào tạo tin học . Hơn nữa, với tư cách là Chủ tịch Hội đồng thi nhưng Trần Thị Minh T đã không thực hiện tổ chức thi theo đúng quy định tại quyết định thành lập Hội đồng thi tại Trung tâm đào tạo tin học, ngoại ngữ và chuyển giao công nghệ Bách Khoa và quy chế thi cử của Hội liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA. Theo kết quả điều tra thì những người được cấp chứng chỉ chỉ phải nộp lệ phí, 02 ảnh 3 x 4cm, bản sao chứng minh nhân dân và được phát hai bài kiểm tra có kèm theo đáp án, thậm chí có thí sinh không cần làm trên bài kiểm tra. Tuy nhiên, khi nhận được các hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ, mặc dù không thực hiện đúng quy trình thi kiểm tra nhưng Trần Thị Minh T vẫn hợp thức hóa bằng việc tự ký tên mình vào mục Chủ tịch Hội đồng thi và chỉ đạo nhân viên ký vào phần cán bộ coi thi, sau đó tập hợp, làm tờ trình gửi Liên hiệp UIA để cấp chứng chỉ tin học và ngoại ngữ; do việc tổ chức kiểm tra không thực hiện đúng quy định nên việc cấp chứng chỉ tin học, ngoại ngữ cũng không đúng dẫn đến các chứng chỉ này tuy là phôi thật, dấu thật của Liên hiệp khoa học công nghệ ứng dụng UIA nhưng giả về nội dung, không đúng đối tượng được cấp theo quy định của UIA, không có giá trị pháp lý để công nhận những người được cấp đạt trình độ chuẩn theo chứng chỉ. Vì vậy, hành vi của bị cáo Trần Thị Minh T đã đủ yếu tố cấu thành tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”; cấp sơ thẩm xét xử, kết án bị cáo về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” là có căn cứ, đúng pháp luật, không oan.

[2] Hành vi của bị cáo là nghiêm trọng, xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính, xâm phạm đến sự hoạt động bình thường và uy tín của cơ quan Nhà Nước; hành vi của bị cáo đã tạo điều kiện cho nhiều người lợi dụng không thông qua việc đào tạo, nhưng có được các chứng chỉ theo yêu cầu để bổ sung vào thành phần hồ sơ, hợp thức hóa hồ sơ để thi tuyển công chức, viên chức đi ngược lại với chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Do bị cáo đã nhiều lần hợp thức hóa hồ sơ, thủ tục để trình Liên hiệp khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA cấp nhiều chứng chỉ tin học, ngoại ngữ (173 chứng chỉ các loại) nên cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo theo điểm b khoản 2 Điều 267 Bộ luật hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật.

[3] Khi xét xử cấp sơ thẩm đã đánh giá đúng tính chất, hành vi phạm tội của bị cáo, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nên đã xử phạt bị cáo mức án 02 năm tù cho hưởng án treo là đúng quy định; tại cấp phúc thẩm bị cáo không xin giảm nhẹ hình phạt cũng không có thêm tình tiết gì mới để Hội đồng xem xét, nên không có căn cứ giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Do vậy, kháng cáo của bị cáo không được chấp nhận. Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Cấp cao tại phiên tòa đề nghị không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm là có căn cứ, đúng pháp luật cần được chấp nhận.

[4] Do kháng cáo của bị cáo không được chấp nhận nên bị cáo phải nộp án phí hình sự phúc thẩm theo quy định của pháp luật.

[5] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị nên đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 355 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Trần Thị Minh T; giữ nguyên Bản án sơ thẩm số: 45/2017/HSST ngày 15/9/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng:

Áp dụng điểm b khoản 2 Điều 267; điểm b, p khoản 1 Điều 46; Điều 60 của Bộ luật hình sự; phạt bị cáo Trần Thị Minh T 02 (hai) năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 04 (bốn) năm tính từ ngày tuyên án sơ thẩm là ngày 15-9-2017. Giao bị cáo Trần Thị Minh T cho Ủy ban nhân dân phường B, quận H, Thành phố Hà Nội giám sát và giáo dục trong thời gian thử thách.

Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 Luật Thi hành án hình sự.

Về án phí: Bị cáo phải nộp 200.000 đ án phí hình sự phúc thẩm .

Các quyết định khác của Bản án số 45/2017/HSST ngày 15/9/2017 của Toà án nhân dân tỉnh Cao Bằng không có kháng cáo không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

4437
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức số 100/2018/HS-PT

Số hiệu:100/2018/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 06/02/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về