Bản án về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản số 18/2023/HS-ST

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN BỐ TRẠCH, TỈNH QUẢNG BÌNH

BẢN ÁN 18/2023/HS-ST NGÀY 03/03/2023 VỀ TỘI LẠM DỤNG CHỨC VỤ, QUYỀN HẠN CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Ngày 03 tháng 3 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình tiến hành xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 75/2022/TLST-HS ngày 11 tháng 11 năm 2022, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 14/2023/QĐXXST-HS ngày 08 tháng 2 năm 2022, đối với bị cáo:

Nguyễn Viết C; giới tính: nam; tên gọi khác: không; sinh ngày 13 tháng 6 năm 1969, tại Quảng Bình; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: không; nghề nghiệp, chức vụ khi phạm tội: Cán bộ quản giáo Trại tạm giam Công an tỉnh Q; trình độ văn hóa: 10/10; nơi ĐKHK thường trú: Tổ dân phố 2, phường B, thành phố Đ, tỉnh Quảng Bình; con ông Nguyễn V (đã mất) và bà Trần Thị H (đã mất); vợ: Nguyễn Thị L, sinh năm 1977; Bị cáo có 03 con, con lớn sinh năm 2000, con nhỏ sinh năm 2013.

Tiền án, tiền sự: không.

Bị cáo bị tạm giam tại Trại tạm giam Quân khu V (Đà Nẵng) từ ngày 14/3/2022 đến ngày 10/01/2023 được thay thế biện pháp ngăn chăn “Bảo lĩnh”, có mặt.

Người bào chữa cho bị cáo: Ông Trương Văn B – Luật sư – Văn phòng Luật sư C – Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Bình. Địa chỉ: 20 Thái Phiên, TDP 6, phường N, Thành phố Đ, tỉnh Quảng Bình, có mặt.

Bị hại: Phạm nhân Nguyễn K, sinh năm 1991. Nơi cư trú: Hiện đang thi hành án tại Trại giam Nghĩa An C10, Bộ Công an. Địa chỉ: xã C, huyện C tỉnh Quảng Trị, có mặt.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Chị Cao Thị Thùy L, sinh năm 1995. Nơi cư trú: Tổ dân phố T, phường Q, thị xã B, tỉnh Quảng Bình, vắng mặt.

2. Bà Ngô Thị B, sinh năm 1964. Nơi cư trú: Số 15 Nguyễn Hàm Ninh, phường Q, thị xã B, tỉnh Quảng Bình, vắng mặt.

3. Anh Phan Thành Đ, sinh năm 1996. Nơi cứ trú: Thôn G, xã Đ, thành phố Đ, tỉnh Quảng Bình, vắng mặt.

4. Chị Nguyễn Thị L, sinh năm 1977. Nơi cứ trú: Ngõ 100, đường H, phường B, thành phố Đ, tỉnh Quảng Bình, vắng mặt có đơn xin phép.

5. Ông Từ Nhật T. Nơi cư trú: Trưởng phòng tham mưu tổng hợp Công an tỉnh Quảng Bình, vắng mặt có đơn xin phép.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Nguyễn Viết C là cán bộ Quản giáo được phân công phụ trách, quản lý bộ phận căng tin của Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Bình từ tháng 10/2019 đến ngày 01/5/2021. Trong thời gian phụ trách căng tin, Nguyễn Viết C quen biết với bà Cao Thị Thùy L (trú tại tổ dân phố T, phường Q, thị trấn B, tỉnh Quảng Bình) là vợ của bị can Nguyễn K đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Bình, về tội“Mua bán trái phép chất ma túy”. Khoảng đầu tháng 8/2020, bà L gọi điện thoại cho C để hỏi về việc chuyển tiền ăn thêm cho bị can K. Nguyễn Viết C biết rõ quy định tại khoản 1 Điều 12 Thông tư số 07/2018/TT-BCA ngày 12/02/2018 của Bộ Công an quy định việc phạm nhân gặp thân nhân; nhận, gửi thư; nhận tiền, đồ vật và liên lạc điện thoại với thân nhân tại các cơ sở giam giữ “chỉ được gửi tiền thông qua hai hình thức là gửi trực tiếp khi thăm nuôi và gửi tiền thông qua đường bưu điện” và theo hướng dẫn tại Điều 6 Nội quy căng tin Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Bình quy định: “Nghiêm cấm cán bộ nhận tiền của thân nhân phạm nhân, trại viên gửi không qua hệ thống lưu ký để mua, bán hàng cho phạm nhân dưới bất kỳ hình thức nào” nhưng C không hướng dẫn cho bà L biết, mà chủ động cho bà L số tài khoản của mình và số tài khoản của bà Nguyễn Thị L1 (vợ C) để bà L chuyển tiền ăn thêm hàng tháng cho bị can K. Khi nhận được tiền do bà L gửi vào các tài khoản, C không chuyển tiền ăn thêm của bị can K vào bộ phận lưu ký căng tin Trại tạm giam mà giữ lại để mua đồ ăn cho bị can K với mục đích chiếm hưởng phần chênh lệch. Do số tiền ăn thêm hàng tháng của bị can K còn dư lại nhiều nên C đã nảy sinh ý định chiếm đoạt. Quá trình điều tra đã xác định được Nguyễn Văn C đã nhiều lần nhận và chiếm đoạt tổng số tiền là 12.348.750 đồng của gia đình bị can Nguyễn K. Hành vi chiếm đoạt được thể hiện cụ thể như sau:

Ngày 04/01/2021, bà Cao Thị Thùy L chuyển 6.000.000 đồng vào tài khoản số 53110000636256 của Nguyễn Viết C tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV). Sau khi nhận được tiền của bà L, C không chuyển vào bộ phận lưu ký căng tin mà tự bán đồ ăn thêm cho bị can K từ ngày 01/01/2021 đến ngày 20/01/2021 (20 ngày). Tại thời điểm này, theo quy định của Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Bình, bình quân 01 ngày ăn của 01 người bị tạm giữ, tạm giam là 24.460 đ/ngày; người bị tạm giữ, tạm giam được đặt đồ ăn thêm không quá 03 lần so với khẩu phần ăn hàng ngày nên số tiền ăn thêm tháng 01/2021 của bị can K là 1.467.600 đồng (24.460 đ/ngày x 03 lần x 20 ngày), còn lại 4.532.400 đồng (bút lục 902 - 903).

Ngày 04/02/2021, bà Cao Thị Thùy L chuyển 5.600.000 đồng vào tài khoản số 0311000681957 của Nguyễn Viết C tại Ngân hàng Vietcombank, trong tháng 02/2021, do bị can Nguyễn K bị kỷ luật nên không được đặt đồ ăn thêm vì vậy tiền ăn thêm của bị can K không phát sinh nhưng C không thông báo cho bà L biết (bút lục 902 -903).

Tháng 03/2021, mặc dù bà Cao Thị Thùy L chưa chuyển tiền nhưng Nguyễn Viết C vẫn cho bị can Nguyễn K ăn thêm đồng thời thông báo cho bà L biết việc đã cho bị can K nợ tiền ăn thêm.

Tháng 04/2021, bị can Nguyễn K được chuyển buồng giam khác do quản giáo Hà Văn L quản lý, qua trao đổi với Nguyễn Viết C, ông L2 đã cho bị can K được đặt đồ ăn thêm hàng tháng. Ngày 01/4/2021, bà Cao Thị Thùy L chuyển 2.000.000 đồng, ngày 29/4/2021 chuyển 1.700.000 đồng vào tài khoản số 0311000681957 của Nguyễn Viết C tại Ngân hàng Vietcombank. Nguyễn Viết C đã trừ tiền ăn thêm tháng 3/2021 của bị can K. Tại thời điểm này, theo quy định của Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Bình bình quân 01 ngày ăn của 01 người bị tạm giữ, tạm giam là 24.460 đ/ngày nên số tiền ăn thêm của bị can K tháng 3/2021 là 2.274.780 đồng (24.460 đ/ngày x 3 lần x 31 ngày), còn lại 1.425.220 đồng.

Từ ngày 01/5/2021, do Nguyễn Viết C không được phân công phụ trách căng tin nữa nên ngày 06/5/2021, bà Cao Thị Thùy L tiếp tục chuyển 3.000.000 đồng đến tài khoản số 0311000681957 của C tại Ngân hàng Vietcombank để trả tiền ăn thêm tháng 4/ 2021 cho bị can Nguyễn K. Tại thời điểm này, theo quy định của Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Bình bình quân 01 ngày ăn của 01người bị tạm giữ, tạm giam là 24.543 đ/ngày nên số tiền ăn thêm của bị can K tháng 4/2021 là 2.208.870 đồng, còn lại 791.130 đồng (bút lục: 904 - 905).

Như vậy, từ tháng 01/2021 đến tháng 4/2021, Nguyễn Viết C đã chiếm đoạt số tiền ăn thêm còn lại của bị can Nguyễn K là: 4.532.400 đồng + 5.600.000 đồng + 1.425.220 đồng + 791.130 đồng = 12.348.750 đồng (bút lục 237-323; 407-430).

Sau khi sự việc bị phát hiện vào các ngày 26, 27/11/2021, Nguyễn Viết C đã đến nhà bà Ngô Thị B trú tại số 15 Nguyễn H, phường Q, thị xã B, tỉnh Quảng Bình là mẹ đẻ của bị can Nguyễn K gặp bà Cao Thị Thùy L đề nghị được trả lại số tiền 11.600.000 đồng (số tiền mà bà L đã chuyển vào tài khoản của C trong tháng 01, 02 năm 2021) và yêu cầu bà L, bà B ký xác nhận vào 02 giấy nhận tiền do C chuẩn bị sẵn, gồm: 01 giấy nhận tiền nội dung thể hiện vào lúc 8h00 ngày 26/02/2021 tại cổng Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Bình, bà L đã nhận 11.600.000 đồng và không có ý kiến gì; 01 giấy nhận tiền nội dung tương tự Nguyễn Viết C đã trả lại số tiền là 11.600.000 đồng cho bà Ngô Thị B. Đồng thời, C hướng dẫn bà L cách khai báo với Cơ quan điều tra khi làm việc không có việc Nguyễn Viết C chiếm đoạt tiền của gia đình bị can Nguyễn K, số tiền bà L chuyển vào các tài khoản do C cung cấp đã sử dụng hết trong thời gian bị can K bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Bình nhưng bà L, bà B không đồng ý ký vào giấy nhận tiền mà chủ động trình báo sự việc và cung cấp 02 ảnh chụp giấy nhận tiền và 03 file ghi âm thể hiện nội dung trao đổi giữa bà L với Nguyễn Viết C (bút lục 217- 219; 328 - 390; 403 - 405).

Bản kết luận giám định số 11/KL - KTHS ngày 18/8/2022 của Phân viện KHHS tại thành phố Đà Nẵng kết luận: “Không tìm thấy dấu vết cắt ghép, chỉnh sửa nội dung trong các file âm thanh mẫu cần giám định ký hiệu A1, A2, A3. Tiếng nói cuả người phụ nữ trong các file âm thanh mẫu cần giám định ký hiệu A1, A2, A3 (được ký hiệu là “L” trong bản dịch nội dung ghi âm mẫu cần giám định) và tiếng nói của Cao Thị Thùy L trong mẫu so sánh ký hiệu là của cùng một người. Không xác định được có tiếng nói của ông Nguyễn Viết C có trong mẫu cần giám định do mẫu so sánh không phù hợp với mẫu cần giám định. Nội dung hội thoại trong các file âm thanh mẫu cần giám định ký hiệu A1, A2, A3 đã được chuyển thành văn bản” (bút lục 934-936).

Quá trình điều tra, giai đoạn mới khởi tố Nguyễn Viết C chỉ thừa nhận việc cung cấp các số tài khoản ngân hàng cá nhân cho bà Cao Thị Thùy L chuyển tiền là vi phạm hành chính, số tiền bà L chuyển để mua đồ ăn thêm cho bị can Nguyễn K đã sử dụng hết. Đến ngày 20/9/2022, Nguyễn Viết C đã tự nguyện viết đơn xin thay đổi lời khai và thừa nhận đã chiếm đoạt số tiền còn lại sau khi cho bị can Nguyễn K ăn thêm từ tháng 01/2021 đến tháng 4/2021 như đã nêu trên. Để che giấu hành vi phạm tội của mình, Nguyễn Viết C đã tự viết 02 giấy nhận tiền và thuyết phục bà L, bà B ký nhận nhưng do bà L, bà B không đồng ý nên C đã tiêu hủy 02 bản gốc. Nguyễn Viết C cũng thừa nhận đã nhờ quản giáo Phan Thành Đ viết vào 18 tờ giấy tên các mặt hàng thể hiện việc bị can Nguyễn K và các bị can khác đặt đồ ăn thêm hàng tháng, sau đó C tự viết đơn giá và tính tiền vào 18 tờ giấy này rồi cung cấp cho Cơ quan điều tra các bản photo còn các bản gốc đã bị thất lạc. Nguyễn Viết C thừa nhận mặc dù kết luận giám định không xác định được tiếng nói của C nhưng đây là nội dung trao đổi giữa C với bà L về việc ký giấy nhận tiền và hướng dẫn cho bà L cách khai báo khi làm việc với Cơ quan điều tra (bút lục: 220-236; 939-949).

Đối với những người liên quan, kết quả điều tra xác định được:

Đối với ông Phan Thành Đ xác định: Mặc dù biết việc Nguyễn Viết C nhờ viết vào 18 tờ giấy thể hiện nội dung bị can Nguyễn K đặt đồ ăn thêm không đúng thực tế nhưng do nể nang là đồng nghiệp Đ vẫn đồng ý. Sau đó, ông Đ nhận thấy việc làm của mình không đúng nên chủ động viết đơn trình báo với Cơ quan điều tra. Ông Đ không biết việc gia đình bị can Nguyễn K gửi tiền cho C, không được hưởng lợi và không biết việc C đã chiếm đoạt tiền của gia đình bị can K. Cơ quan điều tra không xem xét xử lý trách nhiệm hình sự là phù hợp (bút lục: 443 - 445; 448 - 453; 459 - 460; 461 - 462; 463 - 464).

Đối với bà Nguyễn Thị L1 xác định không có mối quan hệ quen biết với bà Cao Thị Thùy L. Bà L2 không biết công việc cụ thể của Nguyễn Viết C tại Trại tạm giam và không biết việc C đã chiếm đoạt tiền của gia đình bị can Nguyễn K nên Cơ quan điều tra không xem xét xử lý trách nhiệm là phù hợp (bút lục: 407 - 410; 411 - 412).

Đối với ông Từ Nhật T, nguyên Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Bình xác định: đã thường xuyên quán triệt đến cán bộ Trại tạm giam nói chung và bộ phận căng tin nói riêng về việc nghiêm cấm nhận tiền từ người nhà của bị can, phạm nhân mà không thông qua hệ thống lưu ký. Việc Nguyễn Viết C nhận tiền của người nhà bị can thông qua số tài khoản cá nhân, Ban Giám thị Trại tạm giam không biết, tuy nhiên, xét thấy tính chất mức độ vi phạm, Cơ quan điều tra đã ban hành kiến nghị đến Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình để tổ chức kiểm điểm, xử lý nghiêm tập thể Ban giám thị Trại tạm giam, cán bộ có liên quan và rút kinh nghiệm chung là phù hợp (bút lục số: 971 - 972; 996 - 997).

Về trách nhiệm dân sự: Gia đình phạm nhân Nguyễn K (bà Cao Thị Thùy L) đã nhận lại toàn bộ số tiền Nguyễn Viết C chiếm đoạt và xin giảm nhẹ hình phạt cho C nên không đề cập (bút lục: 1015 - 1016).

Tại cáo trạng số 5967/CT-VKSTC-V6 ngày 09/11/2022 của Viện trường Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã truy tố Nguyễn Viết C về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tại sản” theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 355 của Bộ luật hình sự.

Tại phiên tòa, kiểm sát viên phát biểu quan điểm luận tội, giữ nguyên toàn bộ nội dung truy tố đối với bị cáo theo bản Cáo trạng, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm c khoản 2 Điều 355; các điểm b, s, v khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự (Quá trình điều tra Nguyễn Viết C thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; đã khắc phục toàn bộ số tiền chiếm đoạt; trong thời gian công tác Nguyễn Viết C được Nhà nước trao tặng Huân chương chiến sỹ vẻ vang, nhiều năm được công nhận Chiến sỹ thi đua cơ sở, gia đình bị hại có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo); Điều 54 của Bộ luật hình sự để xử phạt bị cáo từ 12 tháng đến 15 tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo đi chấp hành án, được trừ thời gian tạm giữ, tạm giam từ ngày 14/3/2022 đến ngày 10/01/2023, thời hạn tù còn lại buộc bị cáo phải chấp hành.

Miễn hình phạt bổ sung là phạt tiền đối với bị cáo.

Về trách nhiệm dân sự và xử lý vật chứng: Đã xử lý xong, đúng pháp luật nên không xem xét;

Buộc bị cáo phải nộp án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật;

Tuyên quyền kháng cáo cho bị cáo, bị hại và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quy định của pháp luật.

Luật sư bào chữa cho bị cáo phát biểu quan điểm bào chữa:

Nhất trí với tội danh và điều khoản của Bộ luật hình sự mà Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã truy tố đối với bị cáo, tuy nhiên đề nghị Hội đồng xét xử xem xét:

Quá trình điều tra Nguyễn Viết C thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; đã khắc phục toàn bộ số tiền chiếm đoạt được gia đình bị hại làm đơn bãi nại và xin cho bị cáo được hưởng mức án nhẹ, tại phiên tòa người bị hại đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo được hưởng mức án nhẹ nhất có thể; trong thời gian công tác Nguyễn Viết C được Nhà nước trao tặng Huân chương chiến sỹ vẻ vang, nhiều năm được công nhận Chiến sỹ thi đua cơ sở, bị cáo phạm tội nhưng gây thiệt hại không lớn (điểm h khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự), từ trước đến trước thời điểm phạm tội bị cáo có nhân thân tốt, bản thân bị cáo là lao động chính. Do đó đề nghị Hội đồng xét xử cân nhắc để xử phạt bị cáo mức án nhẹ nhất tạo điều kiện cho bị cáo cải tạo tốt, trở thành công dân tốt của xã hội.

Lời nói sau cùng của bị cáo tại phiên tòa thể hiện, bị cáo rất ân hận về hành vi phạm tội của mình, đồng thời người bị hại thiết tha đề nghị cho bị cáo được hưởng mức án nhẹ nhất có thể, mong Hội đồng xét xử xem xét để cho bị cáo được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật, cho bị cáo mức án nhẹ nhất để có cơ hội cải tạo sớm làm lại cuộc đời.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Điều tra viên,Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo và những người tham gia tố tụng khác, không người nào có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Về hành vi phạm tội và tội danh của bị cáo, Hội đồng xét xử xét thấy:

Xét lời khai nhận của bị cáo tại phiên tòa phù hợp với lời khai của bị cáo có trong quá trình điều tra, phù hợp với lời khai của bị hại, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và các tài liệu, chứng cứ đã được thu thập hợp pháp có tại hồ sơ vụ án, Hội đồng xét xử có đủ cơ sở kết luận:

Nguyễn Viết C là cán bộ quản giáo được phân công phụ trách bộ phận căng tin của Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Bình từ tháng 10/2019 đến ngày 01/5/2021. Với nhiệm vụ được giao là bán hàng căng tin cho bị can, phạm nhân thông qua tiền gửi lưu ký, C biết rõ việc nhận tiền của thân nhân bị can, phạm nhân khi chuyển vào Trại tạm giam phải đưa vào sổ lưu ký, quy trình bán hàng ăn thêm nhưng khi bà Cao Thị Thùy L hỏi về việc gửi tiền ăn thêm cho bị can Nguyễn K, C không hướng dẫn bà L gửi tiền theo quy định mà chủ động cho các số tài khoản của cá nhân mình để nhận tiền. Khi nhận được tiền do bà L chuyển vì động cơ vụ lợi cá nhân, Nguyễn Viết C đã không chuyển tiền vào bộ phận lưu ký của căng tin mà để ngoài sổ sách và chiếm đoạt phần tiền còn lại sau khi đã bán đồ ăn thêm cho bị can K. Trong khoảng thời gian từ tháng 01/2021 đến tháng 4/2021, Nguyễn Viết C đã lợi nhiệm vụ được giao nhiều lần chiếm đoạt tổng số tiền 12.348.750 đồng của gia đình bị can Nguyễn K thông qua việc bán đồ ăn thêm. Hành vi của Nguyễn Văn C là trái pháp luật, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước, của Trại tạm giam, đã phạm vào tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 355 Bộ luật hình sự. Đúng như Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã truy tố và kết luận của Kiểm sát viên phát biểu tại phiên tòa.

[3] Xét tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội mà bị cáo đã gây ra thấy rằng:

Bị cáo là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, là đảng viên, từng được đào tạo trong môi trường Công an nhân dân, nên hoàn toàn nhận thức được hành vi lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác là vi phạm pháp luật nhưng do động cơ hám lợi nên vẫn cố ý thực hiện nhằm thỏa mãn nhu cầu cá nhân. Điều này thể hiện bị cáo là người coi thường pháp luật, thiếu ý thức tu dưỡng, rèn luyện bản thân. Hành vi phạm tội của bị cáo là rất nghiêm trọng, nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Bình, làm mất uy tín, mất lòng tin của nhân dân vào Bộ máy Công an nhân dân, đồng thời xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác được pháp luật bảo vệ, gây bức xúc trong nhân dân nên cần có mức hình phạt tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo đã gây ra nhằm giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung về loại tội phạm này.

[4] Xét các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự và nhân thân của bị cáo thấy rằng:

Quá trình điều tra giai đoạn mới khởi tố Nguyễn Viết C chỉ thừa nhận việc cung cấp các số tài khoản ngân hàng cá nhân cho bà Cao Thị Thùy L chuyển tiền là vi phạm hành chính, số tiền bà L chuyển để mua đồ ăn thêm cho bị can Nguyễn K đã sử dụng hết, tuy nhiên sau đó đã nhận thức được hành vi của mình thực hiện là vi phạm pháp luật nên đã thành khẩn nhận tội và tại phiên tòa bị cáo Nguyễn Viết C thành khẩn khai báo về hành vi phạm tội, lời khai nhận của bị cáo phù hợp với các tài liệu, chứng cứ đã thu thập được, bản thân tích cực tác động đến gia đình để bồi thường, khắc phục toàn bộ khoản tiền chiếm đoạt cho bị hại và được gia đình bị hại có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, tại phiên tòa người bị hại đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo được hưởng mức án nhẹ nhất có thể, trong thời gian công tác Nguyễn Viết C được Nhà nước trao tặng Huân chương chiến sỹ vẻ vang, nhiều năm được công nhận Chiến sỹ thi đua cơ sở, từ trước đến trước thời điểm phạm tội bị cáo có nhân thân tốt.

Đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b, s và v khoản 1 và khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự được áp dụng cho bị cáo.

Về tình tiết tăng nặng: Bị cáo không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Về nhân thân: Bị cáo chưa có tiền án, tiền sự.

[5] Về hình phạt chính: Trên cơ sở những tình tiết của vụ án, Hội đồng xét xử cân nhắc, đánh giá tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội mà bị cáo đã thực hiện, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nguyên nhân khách quan, yếu tố chủ quan, tính nhân đạo của pháp luật, để khi quyết định hình phạt đảm bảo tính giáo dục và trừng trị mang tính thuyết phục đối với bị cáo. Theo đó bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nhân thân tốt và hiện nay có nơi cư trú rỏ ràng, trong thời gian bị tạm giam để phục vụ công tác điều tra, truy tố, bị cáo đã được giáo dục và nhận thức được sai phạm, đồng thời hứa khắc phục, sửa chữa bản thân, hiện nay bị cáo có bệnh viêm đại tràng, dạ dày, huyết áp cao.... Hội đồng xét xử thấy cần cân nhắc xem xét xử phạt bị cáo mức án dưới mức thấp nhất của khung hình phạt bị truy tố và hình phạt đối với bị cáo bằng với mức án thấp mà đại diện Viện kiểm sát đề xuất tại phiên tòa là phù hợp.

[6] Về hình phạt bổ sung: Xét bị cáo đang hưởng chế độ hưu trí nên không áp dụng hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ theo quy định tại khoản 5 Điều 355 của Bộ luật hình sự. Đồng thời chế độ hưu trí của bị cáo được hưởng cũng chỉ đủ chi phí cho cuộc sống thường ngày nên cần miễn hình phạt bổ sung là hình phạt phạt tiền đối với bị cáo là phù hợp.

[7] Về trách nhiệm dân sự: Xét bị hại đã nhận lại toàn bộ số tiền do bị cáo chiếm đoạt và không có yêu cầu gì nên Hội đồng xét xử không xem xét.

[8] Xét hành vi của những cá nhân và tổ chức liên quan thấy rằng:

Đối với ông Phan Thành Đ xác định: Mặc dù biết việc Nguyễn Viết C nhờ viết vào 18 tờ giấy thể hiện nội dung bị can Nguyễn K đặt đồ ăn thêm không đúng thực tế nhưng do nể nang là đồng nghiệp Đ vẫn đồng ý làm. Sau đó, ông Đ nhận thấy việc làm của mình không đúng nên chủ động viết đơn trình báo với Cơ quan điều tra. Ông Đ không biết việc gia đình bị can Nguyễn K gửi tiền cho C, không được hưởng lợi và không biết việc C đã chiếm đoạt tiền của gia đình bị can K. Cơ quan điều tra không xem xét xử lý trách nhiệm hình sự là phù hợp (bút lục: 443 - 445; 448 - 453;

459 - 460; 461 - 462; 463 - 464).

Đối với bà Nguyễn Thị L2 xác định không có mối quan hệ quen biết với bà Cao Thị Thùy L. Bà L2 không biết công việc cụ thể của Nguyễn Viết C tại Trại tạm giam và không biết việc C đã chiếm đoạt tiền của gia đình bị can Nguyễn K nên Cơ quan điều tra không xem xét xử lý trách nhiệm là phù hợp (bút lục: 407 - 410; 411 - 412).

Đối với ông Từ Nhật T, nguyên Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Bình xác định: Đã thường xuyên quán triệt đến cán bộ Trại tạm giam nói chung và bộ phận căng tin nói riêng về việc nghiêm cấm nhận tiền từ người nhà của bị can, phạm nhân mà không thông qua hệ thống lưu ký. Việc Nguyễn Viết C nhận tiền của người nhà bị can thông qua số tài khoản cá nhân, Ban Giám thị Trại tạm giam không biết, tuy nhiên, xét thấy tính chất mức độ vi phạm, Cơ quan điều tra đã ban hành kiến nghị đến Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình để tổ chức kiểm điểm, xử lý nghiêm tập thể Ban giám thị Trại tạm giam, cán bộ có liên quan và rút kinh nghiệm chung là phù hợp (bút lục số: 971 - 972; 996 - 997).

[10] Về án phí và quyền kháng cáo: Bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm. Bị cáo, bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo bản án theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ c khoản 2 Điều 355; các điểm b, s, v khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự; Điều 38 và Điều 54 của Bộ luật hình sự ;

Căn cứ Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự và điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc Hội 14 quy định về án phí, lệ phí tòa án đối với bị cáo.

1. Về tội danh: Tuyên bố bị cáo Nguyễn Viết C phạm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.

2. Về hình phạt: Xử phạt bị cáo Nguyễn Viết C 12 (mười hai) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bị cáo chấp hành án nhưng được trừ đi thời gian bị cáo đã bị tạm giam trước từ ngày 14/3/2022 đến ngày 10/01/2023. Thời hạn tù còn lại buộc bị cáo phải chấp hành.

3. Về hình phạt bổ sung: Miễn các hình phạt bổ sung đối với bị cáo Nguyễn Viết C.

4. Về vật chứng và trách nhiệm dân sự: Không xem xét.

5. Về án phí: Bị cáo Nguyễn Viết C phải chịu 200.000 đồng (Hai trăm nghìn đồng) tiền án phí hình sự sơ thẩm để nộp vào Ngân sách Nhà nước.

6. Về quyền kháng cáo: Bị cáo và bị hại có mặt tại phiên tòa được quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án (03/3/2023). Riêng những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày bản án được tống Đ hợp lệ./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

26
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản số 18/2023/HS-ST

Số hiệu:18/2023/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Bố Trạch - Quảng Bình
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:03/03/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về