Bản án về tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng số 08/2020/HS-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN LẮK, TỈNH ĐẮK LẮK

BẢN ÁN 08/2020/HS-ST NGÀY 30/06/2020 VỀ TỘI KHÔNG CỨU GIÚP NGƯỜI ĐANG Ở TRONG TÌNH TRẠNG NGUY HIỂM ĐẾN TÍNH MẠNG

Ngày 30 tháng 6 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 11/2020/TLST-HS ngày 21 tháng 5 năm 2020 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 11/2020/QĐXXST-HS ngày 19 tháng 6 năm 2020 đối với bị cáo:

Triệu Thị N (tên gọi khác: không), sinh năm 1972 tại huyện Q, tỉnh Cao Bằng. Nơi cư trú: Buôn R, xã K, huyện L, tỉnh Đắk Lắk; Nghề nghiệp: Làm nông; trình độ học vấn: 01/12; dân tộc: Nùng; giới tính: Nữ; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; Con ông Triệu Văn T và bà Bé Thị D; Bị cáo có chồng và 02 người con, con lớn nhất sinh năm 1997, con nhỏ nhất sinh năm 2009; Tiền án, tiền sự: Không; bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú. (Có mặt).

- Người bào chữa cho bị cáo: Ông Phùng Văn H - Trợ giúp viên pháp lý Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Đắk Lắk.

Địa chỉ: 39 đường L, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk (Có mặt).

- Bị hại: Anh Vi Văn D, sinh năm 1974 (Đã chết). Địa chỉ: Buôn R, xã K, huyện L, tỉnh Đắk Lắk.

- Người đại diện hợp pháp của bị hại: Chị Vi Thị K, sinh năm 1994 (Em gái anh D).

Địa chỉ: Thôn 6C, xã E, huyện K, tỉnh Đắk Lắk. (Có mặt).

- Người làm chứng:

1. Chị H L B’Krông, sinh năm 1982.

Địa chỉ: Buôn R, xã K, huyện L, tỉnh Đắk Lắk. (Vắng mặt).

2. Chị Phi Srỗn Hơ K, sinh năm 1999.

Địa chỉ: Buôn R, xã K, huyện L, tỉnh Đắk Lắk. (Vắng mặt).

3. Anh Phan Thanh H, sinh năm 1992.

Địa chỉ: Buôn R, xã K, huyện L, tỉnh Đắk Lắk. (Vắng mặt).

4. Cháu Vi Thị Hồng N1, sinh năm 2009.

Địa chỉ: Buôn R, xã K, huyện L, tỉnh Đắk Lắk. (Vắng mặt). Người giám hộ: Anh Vi Phi N, sinh năm 1987.

Địa chỉ: Buôn R, xã K, huyện L, tỉnh Đắk Lắk. (Vắng mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào khoảng 22 giờ 00 phút ngày 13/9/2019, thấy anh Vi Văn D đi uống rượu cùng bạn về nhà, Triệu Thị N (là vợ của anh D) và cháu Vi Thị Hồng N1 (con gái anh D), cùng nhau đi ra nhà gỗ liền kề phía trước để ngủ, còn anh D ngủ lại trong căn nhà xây liền kề phía sau. Đến khoảng 01 giờ 00 phút ngày 14/9/2019, đang ngủ thì N nghe tiếng anh D nôn ói và ngửi thấy mùi hôi của thuốc trừ sâu nên N mở cửa đi lên căn nhà xây liền kề phía sau thì phát hiện anh D đang nằm nôn ói trên giường. N đi lại quan sát thấy người anh D đã tím tái, miệng không nói được, chất anh D nôn ói ra giường toàn mùi thuốc trừ sâu, trong góc phòng có 01 lọ thuốc trừ sâu màu đen bốc mùi thuốc trừ sâu nồng nặc. N biết là anh D đã uống thuốc trừ sâu và anh D đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng N suy nghĩ giờ đang là thời điểm giữa đêm, hàng xóm xung quanh nhà toàn là người dân tộc M’ Nông, không có người thân thích và cũng không thân thiết với hàng xóm, hiện tại trong nhà không còn tiền mặt nên N không có lời nói hay hành động gọi nhờ hàng xóm giúp đỡ để đưa anh D đi cấp cứu điều trị. N chỉ dọn dẹp các chất anh D đã nôn ói, lấy khăn và nước lau mặt, người cho anh D, pha nước chanh đường đút cho anh D uống, rồi ngồi bên cạnh anh D. Đến khoảng 03 giờ 30 phút cùng ngày, N có gọi điện thoại cho chị Vi Thị K (em gái anh D) để thông báo việc anh D đã uống thuốc trừ sâu, tình trạng anh D đã nặng, gia đình thu xếp sang để lo hậu sự. Đến khoảng 05 giờ 30 phút cùng ngày, khi cháu N1 thức dậy thì N bảo cháu N1 đi sang nhà hàng xóm, xem có ai mở cửa thì nhờ qua xem giúp đỡ. Thời điểm này trời đã sáng, N nhận thức tình trạng của anh D người tím tái, co cứng, tuy vẫn còn thở thoi thóp nhưng đã rất nặng, khó qua khỏi và gia đình hiện cũng không còn tiền nên N cũng không có bất kỳ lời nói, hành động kêu gọi mọi người xung quanh giúp đỡ đưa anh D đi cấp cứu. Đến 06 giờ 00 phút cùng ngày, N nấu cháo và nói cháu N1 ngồi đút cháo cho anh D. Còn N điều khiển xe mô tô của gia đình đi vào trong rẫy cà phê của gia đình cách nhà khoảng 05 – 07 km để cột bò và lấy một số dụng cụ để mang về nhà cất giữ. Đến khoảng 06 giờ 45 phút cùng ngày, N quay về lại nhà, thời điểm này N nhận thức tình trạng anh D tuy còn thở thoi thóp nhưng đã nặng và nguy hiểm đến tính mạng. Đồng thời các gia đình hàng xóm xung quanh đã thức dậy, các gia đình này có đủ điều kiện về phương tiện, tiền bạc, gia đình anh D có sổ hộ nghèo được cấp Thẻ bảo hiểm khám chữa bệnh miễn phí và khoảng cách từ nhà của anh D đến Trạm y tế xã K, huyện L khoảng từ 03 - 04 km, giao thông thuận tiện nhưng N vẫn không có lời nói, hành động nhờ mọi người cứu giúp đưa anh D đi cấp cứu điều trị. N ngồi trên giường bên cạnh anh D và bỏ mặc anh D đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng mà không có lời nói hay hành động để cứu giúp tính mạng của anh D. Đến khoảng 11 giờ 00 phút cùng ngày thì anh D đã tử vong.

Tại bản kết luận giám định pháp y về tử thi số 368/TTH – TTPY ngày 11/11/2019 của Trung tâm pháp y tỉnh Đắk Lắk kết luận: Nguyên nhân tử vong của Vi Văn D là ngưng hô hấp, tuần hoàn do ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật có chứa hoạt chất Chlorpyrifos bằng đường uống.

Tại bản kết luận giám định pháp y về hóa pháp số 341/343/430/2019/HP ngày 29/10/2019 của Phân viện pháp y quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh kết luận: Trong mẫu phủ tạng, máu và nước tiểu của Vi Văn D có tìm thấy Ethanol với hàm lượng 21,06mg trong 100ml máu và Chlorpyrifos.

Tại công văn số 434 ngày 23/12/2019 của Trung tâm pháp y tỉnh Đắk Lắk trả lời: Hoạt chất Chlorpyrifos thuộc nhóm độc II, là chất độc hại đối với con người, ngộ độc Chlorpyrifos sẽ ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh trung ương, nói líu lưỡi, mất phản xạ, suy nhược, mệt mỏi, co thắt cơ không tự chủ, co giật và cuối cùng tê liệt tứ chi và các cơ hô hấp; trong trường hợp nghiêm trọng có thể đại tiện không tự chủ, rối loạn tâm thần, nhịp tim đập bất thường, co giật, hôn mê và chết do suy hô hấp hoặc tim ngừng đập. Khi uống vào cơ thể người không thể nào đánh giá được thời gian bao lâu thì tử vong, cũng như thời gian có thể cứu chữa được vì còn phụ thuộc vào thời gian nạn nhân uống, số lượng thuốc bệnh nhân uống, thể trạng và cơ địa nạn nhân.

Về vật chứng của vụ án: Cơ quan điều tra đã thu giữ 01 chai thuốc trừ sâu nhãn hiệu BINTANG, kích thước cao 18cm, đường kính thân chai 8cm, nắp chai thuốc màu xanh, bên trong chai có chứa thuốc trừ sâu. Quá trình điều tra, gia đình anh Vi Văn D có yêu cầu nhận lại chai thuốc trừ sâu để phục vụ việc chăm sóc cây cà phê nên Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Lắk đã ra quyết định xử lý vật chứng bằng hình thức trao trả lại cho gia đình anh Vi Văn D.

Về phần trách nhiệm dân sự: Quá trình điều tra, người đại diện hợp pháp của bị hại là chị Vi Thị K không yêu cầu bồi thường về phần trách nhiệm dân sự nên không đề cập giải quyết.

Bản cáo trạng số 10/KSĐT-HS ngày 20/5/2020 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Lắk truy tố bị cáo Triệu Thị N về tội “Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” theo khoản 1 Điều 132 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi bổ sung năm 2017.

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Lắk giữ nguyên quan điểm như bản cáo trạng đã truy tố bị cáo, đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội do hành vi của bị cáo gây ra, phân tích các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự áp dụng đối với bị cáo. Đề nghị Hội đồng xét xử:

- Áp dụng: Khoản 1 Điều 132; điểm i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; khoản 1, Điều 36 của Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017; xử phạt bị cáo Triệu Thị N từ 06 đến 09 tháng cải tạo không giam giữ.

- Về trách nhiệm dân sự: Không đề cập giải quyết.

- Về xử lý vật chứng, áp dụng điểm b khoản 3 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015: Chấp nhận việc Cơ quan điều tra Công an huyện Lắk đã trao trả 01 chai thuốc trừ sâu nhãn hiệu BINTANG, kích thước cao 18cm, đường kính thân chai 8cm, nắp chai thuốc màu xanh, bên trong chai có chứa thuốc trừ sâu cho gia đình bị cáo là chủ sỡ hữu hợp pháp.

Tại phiên tòa bị cáo Triệu Thị N thừa nhận hành vi phạm tội của mình như bản cáo trạng và đồng ý với quan điểm truy tố của Viện kiểm sát nhân dân huyện Lắk là đúng người, đúng tội, không oan sai. Bị cáo không có ý kiến tranh luận gì với Viện kiểm sát nhân dân huyện Lắk mà chỉ xin Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Người bào chữa của bị cáo Triệu Thị N trình bày ý kiến tại phiên toà: Đồng ý với tội danh mà Viện kiểm sát nhân dân huyện Lắk đã truy tố bị cáo. Tuy nhiên, đề nghị Hội đồng xét xử cân nhắc xem xét đến nguyên nhân, điều kiện phạm tội, nhân thân cũng như các tình tiết giảm nhẹ mà bị cáo được hưởng như: Bị cáo gần như là người mù chữ, không biết đọc mà chỉ biết viết tên mình, là người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, nhận thức pháp luật còn hạn chế; bị cáo thành khẩn khai báo, tỏ ra ăn năn, hối hận về việc mình đã không cứu giúp bị hại. Gia đình bị cáo thuộc diện hộ nghèo. Do vậy, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng các điểm i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm c khoản 1 Điều 32, khoản 1 Điều 36 Bộ luật hình sự năm 2015 xử phạt bị cáo Triệu Thị N về hình phạt cải tạo không giam giữ ở mức thấp nhất và miễn khấu trừ thu nhập cho bị cáo. Đồng thời xem xét miễn toàn bộ tiền án phí sơ thẩm cho bị cáo theo quy định pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an huyện Lắk, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện Lắk, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo, đại diện người bị hại không ai có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Lời khai nhận tội của bị cáo Triệu Thị N tại phiên tòa phù hợp với lời khai của người đại diện hợp pháp của bị hại, người làm chứng, phù hợp với các tài liệu chứng cứ khác do Cơ quan điều tra đã thu thập trong hồ sơ vụ án. Qua đó có đủ căn cứ xác định: Trong thời gian từ 01 giờ 00 phút đến khoảng 11 giờ 00 phút ngày 14/9/2019, Triệu Thị N phát hiện việc anh Vi Văn D đã uống thuốc trừ sâu và nhận thức được anh D đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có các điều kiện về phương tiện, vật chất hoặc kêu gọi mọi người giúp đỡ đưa anh D đi cấp cứu nhưng N đã không có lời nói, hành động để cứu giúp hoặc nhờ người khác cứu giúp tính mạng của anh D mà bỏ mặc anh D nằm trên giường khi đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Hậu quả, đến khoảng 11h 00’ ngày 14/09/2019, anh D đã bị tử vong. Do đó hành vi của bị cáo N đã phạm vào tội “ Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” theo quy định tại Khoản 1 Điều 132 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Điều 132 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định:

“1. Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt từ từ 03 tháng đến 02 năm” [3] Bị cáo không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

[4] Bị cáo phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, sau khi phạm tội đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, được người đại diện hợp pháp của bị hại xin giảm nhẹ hình phạt, bị cáo lại là người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nên được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm i, s Khoản 1, Khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015.

[5] Hành vi phạm tội của bị cáo Triệu Thị N là nguy hiểm cho xã hội. Bị cáo là người có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự, có đủ khả năng để nhận thức được hành vi không cứu giúp anh D khi đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng là hành vi vi phạm pháp luật nhưng vẫn vi phạm. Do vậy, cần phải xử phạt thỏa đáng để giáo dục, cải tạo bị cáo, đồng thời cũng để răn đe, phòng ngừa đối với người khác.

[6] Bị cáo Triệu Thị N là người có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự, bị cáo không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, lại được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, có nơi cư trú ổn định, rõ ràng nên xét thấy chỉ cần xử phạt bị cáo bằng hình phạt cải tạo không giam giữ là đủ để cải tạo bị cáo thành công dân lương thiện, có ích cho xã hội.

[7] Bị cáo là người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, lại thuộc diện hộ nghèo nên miễn khấu trừ thu nhập đối với bị cáo.

[8] Mức hình phạt Viện kiểm sát nhân dân huyện Lắk đề nghị áp dụng đối với bị cáo Triệu Thị N là phù hợp nên được chấp nhận.

[9] Người bào chữa đề nghị xử phạt bị cáo bằng hình phạt cải tạo không giam giữ và xử phạt ở mức thấp nhất là có cơ sở nên được chấp nhận.

[10] Về phần trách nhiệm dân sự: Người đại diện hợp pháp của bị hại không yêu cầu nên không đề cập giải quyết.

[11] Về vật chứng của vụ án: Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Lắk đã trao trả 01 chai thuốc trừ sâu nhãn hiệu BINTANG, kích thước cao 18cm, đường kính thân chai 8cm, nắp chai thuốc màu xanh, bên trong chai có chứa thuốc trừ sâu cho gia đình bị cáo là chủ sỡ hữu hợp pháp là đúng quy định pháp luật nên được chấp nhận.

[12] Về án phí: Bị cáo Triệu Thị N là người đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống ở thôn buôn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định tại Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Chính phủ nên được miễn án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm theo điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Tuyên bố bị cáo Triệu Thị N phạm tội “ Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng”.

Căn cứ: Khoản 1 Điều 132; điểm i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; khoản 1, Điều 36 của Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Xử phạt: Bị cáo Triệu Thị N 06 (Sáu) tháng cải tạo không giam giữ, thời hạn cải tạo không giam giữ tính từ ngày cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục người bị kết án nhận được quyết định thi hành án và bản sao bản án.

Giao Triệu Thị N cho Uỷ ban nhân dân xã K, huyện L, tỉnh Đắk Lắk giám sát và giáo dục trong thời gian thi hành án cải tạo không giam giữ.

Miễn khấu trừ thu nhập đối với bị cáo Triệu Thị N.

Về trách nhiệm dân sự: Người đại diện hợp pháp của bị hại không yêu cầu nên không đề cập giải quyết.

Về xử lý vật chứng: Áp dụng điểm b khoản 3 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015:

Chấp nhận việc Cơ quan điều tra công an huyện Lắk đã trao trả 01 chai thuốc trừ sâu nhãn hiệu BINTANG, kích thước cao 18cm, đường kính thân chai 8cm, nắp chai thuốc màu xanh, bên trong chai có chứa thuốc trừ sâu cho gia đình bị cáo.

Về án phí: Áp dụng điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/ UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án miễn án phí hình sự sơ thẩm cho bị cáo Triệu Thị N.

Bị cáo, người đại diện hợp pháp của người bị hại có mặt tại phiên tòa được quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

311
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng số 08/2020/HS-ST

Số hiệu:08/2020/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Lắk - Đăk Lăk
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:30/06/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về