TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK NÔNG
BẢN ÁN 86/2020/HS-PT NGÀY 09/09/2020 VỀ TỘI HỦY HOẠI RỪNG
Ngày 09 tháng 9 năm 2020 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đ mở phiên toà xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 85/2020/TLPT-HS ngày 18 tháng 8 năm 2020 đối với bị cáo: Y S và đồng phạm do có kháng cáo của các bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 33/2020/HS-ST ngày 08 tháng 7 năm 2020 của Toà án nhân dân huyện S.
Các bị cáo có kháng cáo:
1. Y S (tên gọi khác: Ma D), sinh năm 1973 tại tỉnh Đ; nơi cư trú: Bon Đ, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Đ; trình độ học vấn: 01/12; nghề nghiệp: Làm nông; dân tộc: M’nông; giới tính: nam; tôn giáo: Thiên chúa giáo; quốc tịch: Việt Nam; con ông Y S1 (đã chết) và bà H M; có vợ là H H (đã chết) và 07 con; bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 26-3-2020 - Có mặt.
2. Y S2 (tên gọi khác: Ma L), sinh năm 1979 tại tỉnh Đ; nơi cư trú: Bon Đ, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Đ; trình độ học vấn: 00/12; nghề nghiệp: Làm nông; dân tộc: M’nông, giới tính: nam; tôn giáo: Tin lành; quốc tịch: Việt Nam; con ông Y B (đã chết) và bà H L; có vợ là H J và 07 con; bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 26-3-2020 - Có mặt.
3. Y S3 (tên gọi khác: Ma H), sinh năm 1988 tại tỉnh Đ; nơi cư trú: Bon Đ, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Đ; trình độ học vấn: 00/12; nghề nghiệp: Làm nông; dân tộc: M’nông, giới tính: nam; tôn giáo: Thiên chúa giáo; quốc tịch: Việt Nam; con ông Y C (đã chết) và bà H P; có vợ là H T và 04 con; bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 29-3-2020 - Có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, vụ án được tóm tắt như sau:
Khoảng tháng 11-2019, Y S, Y S2 và Y S3 cùng nhau bàn bạc thống nhất đi vào khu vực rừng do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đ (gọi tắt là Công ty Đ) quản lý, tọa lạc tại thôn Q, xã Đ, huyện Đ để hủy hoại rừng lấy đất canh tác. Tất cả thống nhất chọn diện tích rừng thuộc lô 15, 16 và 19 khoảnh 9, tiểu khu 1104 thuộc lâm phần quản lý của Công ty Đ quản lý để hủy hoại. Sau đó, Y S, Y S2 và Y S3 mang theo 03 dao phát chặt hạ các cây bụi nhỏ và cây rừng có đường kính dưới 10cm. Cả ba hủy hoại rừng trong vòng 05 ngày, mỗi ngày hủy hoại khoảng 03 giờ vào buổi sáng sớm. Lúc này, trên diện tích rừng còn lại các cây lớn có đường kính khoảng 10 đến 40cm. Khoảng đầu tháng 3 năm 2020, Y S1 mang theo 01 cưa xăng, Y S mang 01 dao rựa cùng Y S3 đến đám rừng đã phát rong tiếp tục hủy hoại. Cả ba thay nhau cầm cưa xăng cưa hạ các cây rừng có diện tích từ khoảng 10 đến 40cm còn lại trên đám rừng này, cả ba dùng dao phát quang quanh gốc để dễ dàng cưa hạ các cây rừng. Trong khoảng 02 ngày, mỗi ngày cưa 02 giờ vào buổi sáng sớm, thì cưa hạ xong đám rừng này.
Vài ngày sau đó, Y S thấy phần diện tích đất rừng đã hủy hoại còn ít nên bàn bạc với Y S2 thuê đổi công Y T, sinh năm 1994, trú tại: Bon A, xã Đ, huyện Đ; Y B1, sinh năm 1980 và Y D, sinh năm 1984, cùng trú tại: Bon Đ, xã Đ, huyện Đ, đi vào đám rừng tiếp giáp với đám rừng mà Y S, Y S2 và Y S3 đã hủy hoại trước đó, để tiếp tục hủy hoại rừng mở rộng diện tích. Khoảng 02 giờ ngày 21-3-2020, Y S, Y S2, Y T, Y B1 và Y D mang theo dao rựa, cưa tay, cưa xăng, đi vào đám rừng nói trên. Tại đây, Y S dùng cưa tay, Y S2 dùng cưa máy, cưa hạ các cây có đường kính từ 10- 40cm, còn Y T, Y B1 và Y D dùng dao rựa chặt hạ các cây rừng có đường kính dưới 10cm. Đến khoảng 04 giờ cùng ngày thì bị lực lượng chức năng phát hiện, truy bắt. Các đối tượng bỏ chạy thoát, Y S bị bắt cùng 01 cưa tay.
Bản kết luận giám định tư pháp số 01 ngày 02-4-2020 của Hạt Kiểm lâm huyện Đ, kết luận:
- Diện tích rừng do Y S, Y S2, Y T, Y B1 và Y D hủy hoại là 1.152m2, thuộc các lô 15 và 16 khoảnh 9, tiểu khu 1104; trạng thái rừng là rừng gỗ tự nhiên lá rộng thường xanh trung bình và rừng gỗ tự nhiên lá rộng thường xanh giàu; thiệt hại 100%, đối tượng là rừng sản xuất. Giá trị thiệt hại tính thành tiền là: 27.121.210 đồng.
- Diện tích rừng do Y S, Y S2 và Y S3 hủy hoại là 8.249m2 thuộc các lô 15, 16 và 19 khoảnh 9 tiểu khu 1104; trạng thái rừng là rừng gỗ tự nhiên lá rộng thường xanh trung bình và rừng gỗ tự nhiên lá rộng thường xanh giàu, rừng gỗ tự nhiên lá rộng thường xanh nghèo; thiệt hại 100%, đối tượng là rừng sản xuất. Giá trị thiệt hại tính thành tiền là: 122.462.603 đồng.
Bản án hình sự sơ thẩm số: 33/2020/HS-ST ngày 08 tháng 7 năm 2020 của Toà án nhân dân huyện S đã quyết định: Tuyên bố các bị cáo Y S, Y S2 và Y S3 phạm tội “Hủy hoại rừng”. Áp dụng điểm b khoản 1 Điều 243; các điểm b, s khoản 1 khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự, xử phạt các bị cáo Y S và Y S2 mỗi bị cáo 02 năm 09 tháng tù; Y S3 02 năm 06 tháng tù. Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định xử lý vật chứng, trách nhiệm dân sự, án phí và thông báo quyền kháng cáo.
Ngày 17-7-2020, các bị cáo Y S, Y S2 và Y S3 kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt hoặc cho các bị cáo được hưởng án treo.
Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo Y S, Y S2 và Y S3 thừa nhận Tòa án nhân dân huyện S xử phạt các bị cáo về tội “Hủy hoại rừng” theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 243 của Bộ luật Hình sự là đúng, không oan và giữ nguyên kháng cáo.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đ, sau khi phân tích các tình tiết của vụ án, đề nghị Hội đồng xét xử: Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355; Điều 356 của Bộ luật Tố tụng hình sự: Không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Y S, Y S2 và Y S3, giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm về hình phạt.
Các bị cáo không có ý kiến bào chữa, tranh luận, chỉ đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt hoặc cho các bị cáo được hưởng án treo.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1]. Bản án hình sự sơ thẩm số: 33/2020/HS-ST ngày 08 tháng 7 năm 2020 của Toà án nhân dân huyện S đã kết án các bị cáo Y S, Y S2 và Y S3 về tội “Hủy hoại rừng” theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 243 của Bộ luật Hình sự là có căn cứ và đúng pháp luật.
[2]. Xét kháng cáo của các bị cáo, Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy: Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt mức hình phạt đối với các bị cáo là tương xứng với tính chất, mức độ, hậu quả do hành vi phạm tội của các bị cáo gây ra và nhân thân của từng bị cáo. Mặt khác, tại giai đoạn xét xử phúc thẩm các bị cáo không cung cấp thêm được tình tiết giảm nhẹ nào khác. Do đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của các bị cáo; có căn cứ chấp nhận quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đ về việc không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm về hình phạt.
[3]. Do kháng cáo của các bị cáo Y S, Y S2 và Y S3 không được chấp nhận nên các bị cáo phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
[4]. Đối với các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
1. Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355; Điều 356 của Bộ luật Tố tụng hình sự: Không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Y S, Y S2 và Y S3, giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số: 33/2020/HS-ST ngày 08 tháng 7 năm 2020 của Toà án nhân dân huyện S. Áp dụng điểm b khoản 1 Điều 243; các điểm b, s khoản 1 khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự:
1.1. Xử phạt các bị cáo Y S và Y S2 mỗi bị cáo 02 (Hai) năm 09 (Chín) tháng tù về tội “Hủy hoại rừng”, tính từ ngày bị bắt tạm giữ, tạm giam là ngày 26-3-2020.
1.2. Xử phạt bị cáo Y S3 02 (Hai) năm 06 (Sáu) tháng tù về tội “Hủy hoại rừng”, tính từ ngày bị bắt tạm giữ, tạm giam là ngày 29-3-2020.
2. Về án phí: Căn cứ khoản 2 Điều 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự; áp dụng điểm b khoản 2 Điều 23 của Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án: Buộc các bị cáo Y S, Y S2 và Y S3 mỗi bị cáo phải chịu 200.000đ (Hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự phúc thẩm.
3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
4. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tội hủy hoại rừng số 86/2020/HS-PT
Số hiệu: | 86/2020/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Đăk Nông |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 09/09/2020 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về