Bản án về tội hủy hoại rừng số 44/2023/HS-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN QUỲNH NHAI, TỈNH SƠN LA

BẢN ÁN 44/2023/HS-ST NGÀY 21/09/2023 VỀ TỘI HỦY HOẠI RỪNG

Ngày 21 tháng 9 năm 2023, tại Trụ sở Tòa án nhân dân huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La, xét xử công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 45/2023/TLST - HS ngày 30 tháng 8 năm 2023 theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 42/2023/QĐXXST - HS ngày 08 tháng 9 năm 2023 đối với bị cáo.

Họ và tên: Quàng Văn D, tên gọi khác: Không; sinh ngày 06 tháng11 năm 1996, tại huyện T, tỉnh Điện Biên; Nơi ĐKHKTT và chỗ ở hiện nay: Bản T, xã T, huyện T, tỉnh Điện Biên; Nghề nghiệp: Trồng trọt; Trình độ học vấn: 02/12; Dân tộc: Kháng; giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Đảng phái, đoàn thể: Không; Con ông: Quàng Văn S (đã chết) và bà Lò Thị X, sinh năm 1973; Bị cáo có vợ là Cà Thị P, sinh năm 1995 và có 03 con, con lớn nhất sinh năm 2014, con nhỏ nhất sinh năm 2019.

Tiền án; Tiền sự: không;

Bị cáo bị tạm giữ, tạm giam tại Nhà tạm giữ Công an huyện Q từ ngày 17/6/2023 cho đến ngày 08/8/2023 được thay thế bằng biện pháp bảo lĩnh theo lệnh số 08 ngày 08/8/2023 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Q, tỉnh Sơn La. Bị cáo có mặt tại phiên tòa.

-Nguyên đơn dân sự: Ban quản lý rừng đặc dụng – Phòng hộ Th. Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Văn V – Giám đốc. Người đại diện theo ủy quyền: Ông Lò Văn Ch, sinh năm 1979. Trú tại: Bản M, xã C, Thành phố S, tỉnh Sơn La. Chức vụ: Phó giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng – Phòng hộ Th. Có mặt

Người bào chữa cho bị cáo Quàng Văn D: Ông Đặng Văn Q – Trợ giúp viên pháp lý thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Sơn La. Có mặt Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ông Cà Văn C, sinh năm 1971. Trú tại. Bản N, xã R, huyện T, tỉnh Điện Biên.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Đầu tháng 03/2023, Quàng Văn D, sinh năm 1996, trú tại bản T, xã T, huyện T, tỉnh Điện Biên cùng vợ là Cà Thị P, sinh năm 1995, trú tại bản T, xã T, huyện T, tỉnh Điện Biên đến khu vực rừng phòng hộ thuộc địa phận bản Kh, xã P, huyện Q để chặt phá rừng làm nương rẫy, trước khi đi D chuẩn bị 02 con dao quắm và mượn máy cưa của Cà Văn C, sinh năm 1971, trú tại bản N, xã R, huyện T, tỉnh Điện Biên để làm phương tiện cho việc chặt phá rừng, trước khi đến khu vực này chặt phá rừng D có nhờ vợ chồng Lò Văn S, sinh năm 1974, Hoàng Thị L, sinh năm 1973, vợ chồng Lò Văn L, sinh năm 1980, Lò Thị L, sinh năm 1982, vợ chồng Lò Văn N, sinh năm 1985, Lò Thị Đ, sinh năm 1988, đều trú bản T, xã T, huyện T, tỉnh Điện Biên để đi chặt phá rừng giúp và được ba hộ gia đình đồng ý đi chặt phá rừng giúp, sau đó D cùng P và 03 đôi vợ chồng trên đến khu vực nêu trên để chặt phá rừng trong vòng 03 ngày, trong đó 02 ngày đầu D, P, Lò Văn S, Lò Thị L1, Lò Văn L, Lò Thị L2, Lò Văn N, Lò Thị Đ dùng dao quắm để chặt hạ những cây bé và những cây cỏ còn lại, ngày thứ 3 D dùng máy cưa để chặt hạ những cây có đường kính to. Đến ngày 02/4/2023, Sau khi các cây bị chặt hạ đã khô D chuẩn bị 01 chiếc bật lửa gas rồi cùng vợ đến khu vực rừng đã chặt phá trước đó gom cây khô vào với nhau, dùng bật lửa đốt những cành cây khô đã gom, chiếc bật lửa gas trong quá trình sử dụng đã bị hỏng nên đã tiêu hủy tại hiện trường. Đến ngày 04/5/2023 hành vi chặt phá rừng của Quàng Văn D đã bị phát hiện, điều tra.

Quá trình điều tra Cơ quan điều tra đã thu giữ đồ vật, tài sản gồm:

- 01 (Một) con dao quắm, gồm phần lưỡi dao và cán dao có tổng chiều dài 82,3 cm, phần lưỡi dao bằng kim loại dài 31,5 cm, bản rộng nhất 4,5 cm, phần cán dao bằng gỗ hình trụ tròn dài 50,8 cm, đường kính 3,2 cm, dao đã qua sử dụng;

- 01 (Một) con dao quắm, gồm phần lưỡi dao và cán dao có tổng chiều dài 78 cm, phần lưỡi dao bằng kim loại dài 31,2 cm, bản rộng nhất 3,7 cm, phần cán dao bằng gỗ hình trụ tròn dài 46,8 cm, đường kính 3,7 cm, dao đã qua sử dụng.

- 01 (Một) máy cưa xích nhãn hiệu Huspanda CS365 gồm phần thân máy, lam, xích có tổng chiều dài 112cm, phần thân máy màu cam dài 45cm, trên thân máy có dòng in dòng chữ “Huspanda Special CS365 PAT.PEND” màu đen, phần lam bằng kim loại dài 69cm, xích dài 76cm, đã qua sử dụng.

* Kết quả khám nghiệm hiện trường: Hiện trường Quàng Văn D chặt phá rừng phòng hộ tại Tiểu Khu 23; Khoảnh 11; Lô 3, trạng thái TXDK, rừng lá rộng thường xanh nghèo kiệt núi đá (tên lô theo bản đồ giao đất lâm nghiệp cho BQL rừng đặc dụng - phòng hộ Th theo quyết định 683/QĐ-UBND ngày 21/4/2022 của UBND tỉnh Sơn La), có tọa độ X:454463, Y:2407115 thuộc bản Kh, xã P, huyện Q, tỉnh Sơn La, sử dụng máy định vị GPS loại GARMIN GPSMAP78S của Hạt Kiểm lâm huyện Q để tiến hành đo diện tích rừng bị chặt phá, xác định thiệt hại 8.076m2, 239 cây gỗ thông thường các loại có tổng khối lượng 20,881m3. Tại kết luận định giá tài sản của Hội đồng định giá tài sản theo Quyết định số 993/QĐ-UBND ngày 25/5/2023 của Ủy ban nhân dân huyện Q kết luận, tổng trị giá: 20.881.000đ (Hai mươi triệu tám trăm tám mươi mốt nghìn đồng).

Bản cáo trạng số 31/CT- VKS – QN ngày 29 tháng 8 năm 2023 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Q, tỉnh Sơn La truy tố bị cáo Quàng Văn D vể tội Hủy hoại rừng theo điểm e khoản 2 Điều 243 Bộ luật hình sự.

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát huyện Q phát biểu luận tội giữ nguyên quyết định truy tố đối với Quàng Văn D về tội “ Hủy hoại rừng”.

Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm e khoản 2 Điều 243 điểm b, s khoản 1 khoản 2 Điều 51; khoản 1, 2, 5 Điều 65 Bộ luật hình sự; xử phạt Quàng Văn D 03 (Ba) năm tù, nhưng cho hưởng án treo, ấn định thời gian thử thách với bị cáo là 05 (Năm) năm; Giao bị cáo cho chính quyền địa phương nơi bị cáo cư trú giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian bị cáo hưởng án treo (Ngày 21/9/2023).

Về hình phạt bổ sung: Tại biên bản xác minh tài sản của bị cáo, bị cáo không có tài sản gì có giá trị. Đề nghị Hội đồng xét xử không áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo.

Về trách nhiệm dân sự: Anh Lò Văn Ch là Phó giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng - Phòng hộ Th, người đại diện theo ủy quyền yêu cầu Quàng Văn D có trách nhiệm trồng lại rừng tại khu vực rừng đã bị chặt phá để tái phục hồi lại rừng, đến nay gia đình Quàng Văn D đã trồng lại rừng cho số diện tích đã chặt phá, không yêu cầu phải bồi thường theo Kết luận định giá tài sản. Tuy nhiên thiệt hại mà Quàng Văn D gây ra cho Nhà nước với số tiền theo kết luận định giá tài sản là 20.881.000đ (Hai mươi triệu tám trăm tám mươi mốt nghìn đồng). Đây là thiệt hại thực tế cho Nhà nước, vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 1 Điều 48 BLHS; Điều 13; 584; 585; khoản 1 Điều 586; khoản 1 Điều 589 Bộ luật Dân sự buộc bị cáo Quàng Văn D phải bồi thường số tiền 20.881.000đ (Hai mươi triệu tám trăm tám mươi mốt nghìn đồng)- Nộp vào Ngân sách Nhà nước.

Đối với 239 cây gỗ thông thường các loại có tổng khối lượng 20,881m3 tiếp tục giao cho Ban quản lý rừng đặc dụng - Phòng hộ Th quản lý, bảo quản để xử lý theo quy định.

Về vật chứng: Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm a, b khoản 1; khoản 2 Điều 47 Bộ luật hình sự; điểm a, b khoản 2 Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự.

Tịch thu tiêu hủy Đối với 01 con dao quắm, gồm phần lưỡi dao và cán dao có tổng chiều dài 82,3 cm, phần lưỡi dao bằng kim loại dài 31,5 cm, bản rộng nhất 4,5 cm, phần cán dao bằng gỗ hình trụ tròn dài 50,8 cm, đường kính 3,2 cm, dao đã qua sử dụng; 01 con dao quắm, gồm phần lưỡi dao và cán dao có tổng chiều dài 78 cm, phần lưỡi dao bằng kim loại dài 31,2 cm, bản rộng nhất 3,7 cm, phần cán dao bằng gỗ hình trụ tròn dài 46,8 cm, đường kính 3,7 cm, dao đã qua sử dụng Về án phí: Đề nghị HĐXX Căn cứ khoản 2 Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự; điểm đ Điều 12 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án, bị cáo là người dân tộc sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế khó khăn– Miễn án phí hình sự sơ thẩm cho bị cáo Quàng Văn D.

Quan điểm bào chữa của trợ giúp viên pháp lý Đặng Văn Q đối với bị cáo Quàng Văn D: Nhất trí với luận tội của Viện kiểm sát về phần tội danh.

Bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải: Ngay sau khi sảy ra sự việc bị cáo đã thành khẩn khai báo toàn bộ nội dung sự việc với cơ quan tiến hành tố tụng tạo điều kiện cho các cơ quan tố tụng sớm kết thúc vụ án. Khi đã nhận ra sai lầm thì mong muốn duy nhất lúc này là chứng tỏ sự thành khẩn của mình với cơ quan điều tra mong nhận được sự khoan hồng của pháp luật. Ngoài ra, tại phiên tòa hôm nay, bị cáo đã thật sự ăn năn hối cải, ý thức được hành vi của mình là sai phạm, thật sự biết lồi của mình gây ra và mong muốn có cơ hội sửa chữa lỗi lầm. Như vậy, bị cáo đáng được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo điểm s Khoản 1 Điều 51 BLHS “s) Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”;

Sau khi nhận thức rõ hành vi vi phạm pháp luật của mình, tuy hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, xong bị cáo đã tự nguyện bỏ tiền và ngày công lao động trồng lại rừng tại khu vực rừng đã bị chặt phá để tái phục hồi lại rừng. Việc làm này đã được ông Lò Văn Ch – Phó giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng – Phòng hộ Th nhất trí và không yêu cầu bị cáo phải bồi thường gì thêm. Như vậy, bị cáo đáng được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo điểm b Khoản 1 Điều 51 BLHS “b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả”;

Bị cáo có ông ngoại là Lò Văn C đã được Chủ tịch nước CHXHCNVN tặng Huân chương kháng chiến Hạng nhì vì đã có công lao trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Như vậy, bị cáo đáng được hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ có ông ngoại là người có công với cách mạng theo Khoản 2 Điều 51 BLHS.

Ngoài ra, Bị cáo sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn của tỉnh Sơn La: Bị cáo xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, sinh ra và lớn lên tại bản T, xã T, huyện T (Là một trong những xã nghèo của huyện T, tỉnh Điện Biên theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. Kính mong HĐXX áp dụng tình tiết bị cáo là người DTTS sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, trình độ nhận thức pháp luật hạn chế để xem xét áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 51 BLHS.

Hơn nữa, bị cáo đang là lao động chính trong gia đình, còn đang phải nuôi bố mẹ già và 03 con nhỏ. Gia đình bị cáo mong muốn bị cáo được hưởng khoan hồng của nhà nước để tiếp tục nuôi dưỡng con nhỏ, để bị cáo có cơ hội sửa chữa lỗi lầm và trở thành người có ích cho xã hội.

Bản thân bị cáo là người có nhân thân tốt, ngoài lần phạm tội này, bị cáo luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân ở nơi cư trú; bị cáo có 02 tình tiết giảm nhẹ TNHS được quy định tại khoản 1, Điều 51 BLHS và các tình tiết giảm nhẹ khác tại khoản 2 Điều 51 BLHS; bị cáo không có tình tiết tăng nặng TNHS nào quy định tại Điều 52 BLHS; bị cáo có nơi cư trú rõ ràng và có khả năng tự cải tạo; việc cho bị cáo được hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội, không gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Như vậy, bị cáo có đủ điều kiện để được xem xét cho hưởng án treo theo quy định tại Điều 2, Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của HĐTP TANDTC hướng dẫn áp dụng Điều 65 BLHS về án treo; Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐTP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng Điều 65 của BLHS về án treo để lượng hình chính xác và cho bị cáo được hưởng án treo (có áp dụng thời gian thử thách kể từ ngày tuyên án).

Từ những phân tích, nhận định nêu trên, tôi đề nghị HĐXX áp dụng điểm e khoản 2, Điều 243; điểm b, s khoản 1, khoản 2, Điều 51, Khoản 1 Điều 54 BLHS, Điều 65 BLHS; Điều 2, 4, 5, 6 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của HĐTP TANDTC xử phạt khoan hồng đối với bị cáo và cho bị cáo được hưởng án treo (có áp dụng thời gian thử thách kể từ ngày tuyên án); giao bị cáo về cho UBND xã T, huyện T, tỉnh Điện Biên giám sát, giáo dục bị cáo.

Về hình phạt bổ sung Bản thân bị cáo thuộc hộ nghèo, gia đình và bản thân bị cáo không có đủ điều kiện và khả năng thi hành hình phạt bổ sung, xem xét hoàn cảnh gia đình của bị cáo tài sản trong gia đình không có gì đáng giá. Đề nghị HĐXX không áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo theo khoản 4 Điều 243 BLHS và miễn nộp án phí hình sự sơ thẩm theo quy định tại Điều 12 của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội do bị cáo Quàng Văn D thuộc diện hộ nghèo và lại sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Nguyên đơn dân sự: Anh Lò Văn Ch là Phó giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng - Phòng hộ Th, người đại diện theo ủy quyền trình bày và đề nghị. Việc diện tích rừng bị Quàng Văn D chặt phá để làm nương, Ban quản lý đặc dụng yêu cầu D phải có trách nhiệm trồng lại rừng. Đến nay gia đình D đã trồng lại cây vào diện tích đã chặt phá rồi, về phần bồi thường theo kết luận định giá tài sản thì Ban quản lý rừng đặc dụng – Phòng hộ T, Sơn La không yêu cầu Quàng Văn D và gia đình phải bồi thường.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Anh Cà Văn C trình bày và đề nghị: Và tháng 3/2023 Quàng Văn D có mượn của anh 01 máy cưa xích nhãn hiệu Huspanda CS365 gồm phần thân máy, lam, xích có tổng chiều dài 112cm, phần thân máy màu cam dài 45cm, trên thân máy có dòng in dòng chữ “Huspanda Special CS365 PAT.PEND” màu đen, phần lam bằng kim loại dài 69cm, xích dài 76cm. Khi mượn D cũng không nói rõ là mượn mang đi đâu, sử dụng vào việc gì. Đến tháng 5/2023 thì thấy cơ quan Công an thu giữ tài sản của tôi. Do nhu cầu của công việc hàng ngày nên anh có đơn xin lại tài sản, ngày 28/8/2023 Viện kiểm sát nhân dân huyện Q đã ra quyết định xử lý vật chứng bằng cách trao trả lại cho anh để quản lý, sử dụng rồi. Nay trước phiên tòa, anh không có yêu cầu gì về phần tài sản của mỉnh..

Sau khi đại diện Viện kiểm sát phát biểu quan điểm xử lý các vấn đề của vụ án. Lời nói sau cùng, bị cáo thừa nhận bản cáo trạng truy tố bị cáo là đúng người, đúng tội và đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về tố tụng: Hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an huyện Q, Viện kiểm sát nhân dân huyện Q, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Bị cáo không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Về tội danh: Ti phiên tòa bị cáo khai nhận hành vi phạm tội do mình thực hiện như nội dung bản cáo trạng đã nêu, lời khai nhận tội này phù hợp với lời khai của bị cáo tại Cơ quan điều tra và phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án.Thể hiện: Khong tháng 3/2023 Quàng Văn D có hành vi chặt phá rừng phòng hộ tại Tiểu Khu 23; Khoảnh 11; Lô 3, trạng thái TXDK, thuộc bản Kh, xã P, huyện , tỉnh Sơn La với diện tích 8.076m2, gây thiệt hại tài sản 20.881.000 đồng nhằm mục đích lấy đất sản xuất. Hành vi của Quàng Văn D đã phạm vào tội Hủy hoại rừng, quy định tại điểm e khoản 2 Điều 243 Bộ luật Hình sự 2015, như cáo trạng của Viện kiểm sát là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Điều 243 Bộ luật Hình sự quy định: Hủy hoại rừng “1. Người nào đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

...

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

...

e) Rừng phòng hộ có diện tích từ 7.000 mét vuông (m2) đến dưới 10.000 mét vuông (m2);

...

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

[3] Về tính chất, mức độ của hành vi phạm tội: Hành vi phạm tội mà bị cáo thực hiện xâm phạm trực tiếp đến chính sách quản lý, bảo vệ rừng của Nhà nước, diện tích rừng bị cáo hủy hoại có chức năng là rừng phòng hộ. Do vậy, hành vi phạm tội của bị cáo còn ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường, là nguyên nhân có thể dẫn đến thiên tai, gây hậu quả xấu, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống và có thể gây thiệt hại cả về kinh tế cho xã hội. Căn cứ vào tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo, thiệt hại thực tế xảy ra và những thiệt hại có thể xẩy ra do hậu quả của hành vi hủy hoại rừng để lại. Xét thấy cần áp dụng mức hình phạt tương xứng với hành vi mà bị cáo đã gây ra mới đủ tác dụng giáo dục bị cáo và răn đe, phòng ngừa tội phạm chung; mang tính chất tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ rừng trong quần chúng nhân dân.

[4] Về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Bị cáo Quàng Văn D không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

[5] Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Trong giai đoạn điều tra và tại phiên tòa ngày hôm nay bị cáo thành khẩn khai báo; bị cáo tỏ ra ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình đã thực hiện, bị cáo cùng gia đình đã trồng lại cây cho diện tích rừng đã bị chặt phá theo yêu cầu của Ban quản lý rừng đặc dụng – Phòng hộ Th (Có kết quả ghi nhận bằng bản ảnh việc cây trồng trên diện tích rừng bị chặt phá đã lên xanh, tốt) và qua xác nhận của BQL rừng đặc dụng – Phòng hộ Th tại phiên tòa, bị cáo là người dân tộc thiểu số, sống tại vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, trình độ học vấn thấp nên nhận thức và hiểu biết về pháp luật có phần hạn chế. Gia đình bị cáo có ông ngoại Lò Văn C là người có công với cách mạng được Nhà nước tặng thưởng huân chương kháng chiến hạng hai, tại phiên tòa nguyên đơn dân sự đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Đây là các tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b, s khoản 1 Điều 51 và khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự.

Xét thấy bị cáo có nhân thân tốt, ngoài lần phạm tội này ra, chưa vi phạm pháp luật lần nào, gia đình bị cáo có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, bị cáo có 03 người con còn nhỏ, sống phụ thuộc vào bố mẹ. Bị cáo có nơi cư trú rõ ràng, được chính quyền địa phương xác nhận. Xét thấy không cần thiết phải cách ly bị cáo ra khỏi xã hội cũng đảm bảo tính chất răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung. Cần áp dụng biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, cần vận dụng Điều 65 Bộ luật hình sự lên mức án cho bị cáo. Hội đồng xét xử xét thấy cần áp dụng hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo như đề nghị của Kiểm sát viên là hoàn toàn phù hợp với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo.

[4] Về hình phạt bổ sung: Khoản 4 Điều 243 BLHS quy định: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.Tuy nhiên, theo các tài liệu, chứng cứ và lời khai của bị cáo tại phiên tòa cho thấy bản thân bị cáo thuộc hộ nghèo, gia đình và bản thân bị cáo không có đủ điều kiện và khả năng thi hành hình phạt bổ sung, xem xét hoàn cảnh gia đình của bị cáo tài sản trong gia đình không có gì đáng giá, do đó HĐXX không áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo.

[5] Về trách nhiệm dân sự: Tại phiên tòa ngày hôm nay đại diện Nguyên đơn dân sự (BQL rừng đặc dụng – Phòng hộ Th) xác nhận bị cáo và gia đình bị cáo đã trồng lại rừng mới theo yêu cầu của bên Nguyên đơn dân sự, các khoản bồi thường khác không có yêu cầu, cần chấp nhận. Tuy nhiên Hội đồng xét xử xét thấy bị cáo đã gây thiệt hại về lâm sản trị giá 20.881.000 đồng. việc D và gia đình D trồng lại cây trên diện tích rừng bị hủy hoại là khắc phục hậu quả, diện tích rừng bị phá hủy thuộc sở hữu Nhà nước, do đó cần buộc bị cáo phải bồi thường toàn bộ thiệt hại nêu trên cho Nhà nước để nộp vào Ngân sách Nhà nước.

[5] Về các vấn đề khác: Đối với Cà Thị P; Lò Văn S; Lò Thị L1; Lò Văn L; Lò Thị L2; Lò Văn và Lò Thị Đ, đều trú bản T, xã T, huyện T, tỉnh Điện Biên. Quá trình điều tra Quàng Văn D và các đối tượng trên đều khai nhận không được bàn bạc, thống nhất về việc đi phá rừng cùng với D, không biết khu vực phá rừng là rừng phòng hộ mà do Quàng Văn D nói khu đất rừng trên là đất của ông bà nội để lại, đồng thời, tham gia phát nương giúp đổi công mà không có mục đích khác. Trong quá trình điều tra, truy tố không xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự nên Hội đồng xét xử không xem xét.

Đối với 01 máy cưa xích nhãn hiệu Huspanda CS365 gồm phần thân máy, lam, xích có tổng chiều dài 112cm, phần thân máy màu cam dài 45cm, trên thân máy có dòng in dòng chữ “Huspanda Special CS365 PAT.PEND” màu đen, phần lam bằng kim loại dài 69cm, xích dài 76cm, đã qua sử dụng. Quá trình điều tra xác định chiếc máy cưa trên thuộc sở hữu hợp pháp của ông Cà Văn C, sinh năm 1971, trú tại bản N, xã R, huyện T, tỉnh Điện Biên cho Quàng Văn D mượn, việc dùng máy cưa làm công cụ phạm tội thì ông không biết, đồng thời có đơn xin lại tài sản nên ngày 28/8/2023 Viện kiểm sát nhân dân huyện Q đã ra quyết định xử lý vật chứng bằng cách trao trả lại cho chủ sở hữu để quản lý, sử dụng. Hội đồng xét xử xét thấy cần chấp nhận.

[6] Về vật chứng: 01 con dao quắm, gồm phần lưỡi dao và cán dao có tổng chiều dài 82,3cm, phần lưỡi dao bằng kim loại dài 31,5cm, bản rộng nhất 4,5cm, phần cán dao bằng gỗ hình trụ tròn dài 50,8cm, đường kính 3,2cm, dao đã qua sử dụng;

01 con dao quắm, gồm phần lưỡi dao và cán dao có tổng chiều dài 78 cm, phần lưỡi dao bằng kim loại dài 31,2cm, bản rộng nhất 3,7cm, phần cán dao bằng gỗ hình trụ tròn dài 46,8 cm, đường kính 3,7cm, dao đã qua sử dụng;

Số vật chứng nêu trên, Hội đồng xét xử xét thấy đây là công cụ, phương tiện dùng vào việc thực hiện hành vi phạm tội. Cần căn cứ điểm a khoản 1 Điều 47 Bộ luật hình sự ; khoản 2 Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự tịch thu và tiêu hủy.

Đối với 239 cây gỗ thông thường các loại có tổng khối lượng 20,881m3 tiếp tục giao cho Ban quản lý rừng đặc dụng - Phòng hộ Th quản lý, bảo quản để xử lý theo quy định.

[6] Án phí: Căn cứ khoản 2 Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự; điểm đ Điều 12 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án, bị cáo thuộc dân tộc thiểu số, sinh sống tại vùng kinh tế khó khăn – Miễn án phí hình sự sơ thẩm và sơ thẩm dân sự cho bị cáo Quàng Văn D.

Vì các lẽ trên:

QUYẾT ĐỊNH

Tuyên bố bị cáo Quàng Văn D phạm tội: Hủy hoại rừng

1. Về hình phat: Căn cứ điểm e khoản 2 Điều 243; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; khoản 1,2, 5 Điều 65 Bộ luật hình sự:

Xử phạt: Quàng Văn D 36 (Ba mươi sáu) tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 60 tháng. Thời hạn tính từ ngày tuyên án (Ngày 21/9/2023).

Giao bị cáo Quàng Văn D cho Ủy ban nhân dân xã T, huyện T, tỉnh Điện Biên giám sát và giáo dục trong thời gian thử thách. Gia đình bị cáo có trách nhiệm hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục bị cáo “Trong trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 92 của Luật thi hành án hình sự”.

Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật.

Không áp dụng hình phạt bổ sung (Phạt tiền) đối với bị cáo.

2. Về dân sự: Căn cứ điểm khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự và các 584; 585; khoản 1 Điều 586; khoản 1 Điều 589 Bộ luật Dân sự buộc bị cáo Quàng Văn D phải bồi thường số tiền 20.881.000đ (Hai mươi triệu tám trăm tám mươi mốt nghìn đồng)- Nộp vào Ngân sách Nhà nước.

2. Về xử lý vật chứng vụ án: Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 47 Bộ luật hình sự; khoản 2 Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự. Tịch thu tiêu hủy: 01 con dao quắm, gồm phần lưỡi dao và cán dao có tổng chiều dài 82,3cm, phần lưỡi dao bằng kim loại dài 31,5cm, bản rộng nhất 4,5cm, phần cán dao bằng gỗ hình trụ tròn dài 50,8cm, đường kính 3,2cm, dao đã qua sử dụng; 01 con dao quắm, gồm phần lưỡi dao và cán dao có tổng chiều dài 78 cm, phần lưỡi dao bằng kim loại dài 31,2cm, bản rộng nhất 3,7cm, phần cán dao bằng gỗ hình trụ tròn dài 46,8 cm, đường kính 3,7cm, dao đã qua sử dụng; (Theo biên bản giao nhận vật chứng số 43/2023 ngày 38/8 /2023 giữa cơ quan Công an và Chi cục Thi hành án dân sự huyện Q, tỉnh Sơn La) Đối với 239 cây gỗ thông thường các loại có tổng khối lượng 20,881m3 tiếp tục giao cho Ban quản lý rừng đặc dụng - Phòng hộ Th quản lý, bảo quản để xử lý theo quy định.

3. Về án phí: Căn cứ khoản 2 Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự; điểm đ Điều 12 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án – Miễn án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm cho bị cáo Quàng Văn D.

4. Về quyền kháng cáo: Căn cứ Điều 331, Điều 333 Bộ luật Tố tụng hình sự; Bị cáo Quàng Văn D được quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm;

Nguyên đơn dân sự được quyền kháng cáo bản án về phần bồi thường thiệt hại trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm;

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án có quyền kháng cáo bản án về những vấn đề trực tiếp liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của mình trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

459
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội hủy hoại rừng số 44/2023/HS-ST

Số hiệu:44/2023/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Quỳnh Nhai - Sơn La
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:21/09/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về