TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN Đ,TỈNH LÂM ĐỒNG
BẢN ÁN 32/2021/HS-ST NGÀY 27/08/2021 VỀ TỘI HỦY HOẠI RỪNG
Ngày 27 tháng 8 năm 2021 tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Đ, tỉnh Lâm Đồng xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 05/2018/TLST-HS ngày 13 tháng 02 năm 2018 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 29/2021/QĐXXST – HS ngày 16 tháng 8 năm 2021 đối với:
1. Bị cáo Bùi Đăng H - Sinh ngày 08 tháng 7 năm 1982; tại Hòa Bình.
Nơi ĐKHKTT: Thôn S, xã Đ1, huyện H, tỉnh Quảng Ninh.
Nơi cư trú trước khi bỏ trốn: Thôn T, xã P, huyện Đ, tỉnh Lâm Đồng; Nghề nghiệp: Làm nông; Trình độ học vấn: 12/12; Dân tộc: Mường; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không;
Quốc tịch: Việt Nam; Con ông Bùi Văn S1 - Sinh năm 1953 và bà Quách Thị C1 - sinh năm 1954;Vợ,con: Chưa có;Tiền án, tiền sự: Không; Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 29/6/2021.
Hiện bị cáo đang bị tạm giam tại Nhà tạm giữ Công an huyện Đ, tỉnh Lâm Đồng. “Có mặt”.
* Nguyên đơn dân sự: Công ty TNHH MTV LN Đ – Lâm Đồng.
Địa chỉ: Thôn A1, xã K, huyện Đ, tỉnh Lâm Đồng - Đại diện theo ủy quyền của Nguyên đơn dân sự: ông Trần Trọng Q - Chức vụ:
Đội trưởng Đội bảo vệ rừng chuyên trách. “Có mặt”.
* Ngƣời làm chứng:
1. Ông: Lê Văn A, sinh năm: 1974 Địa chỉ: Thôn A2, xã T1, huyện L1, tỉnh Lâm Đồng. .“Vắng mặt”.
2. Bà: Quách Thị D, sinh năm: 1980 Địa chỉ: Thôn T2, xã P, huyện Đ, tỉnh Lâm Đồng.“Vắng mặt”.
3. Bà: Quách Thị K, sinh năm: 1971 Địa chỉ: Thôn T2, xã P, huyện Đ, tỉnh Lâm Đồng.“Vắng mặt”.
4. Bà: Quách Thị Trà G, sinh năm: 1977 Địa chỉ: Thôn T2, xã P, huyện Đ, tỉnh Lâm Đồng.“Có mặt”.
5. Ông: K’ K R, sinh năm: 1992 Địa chỉ: Tổ dân phố A3, TT. Đ, huyện Đ, tỉnh Lâm Đồng.“Có mặt”.
6. Ông: K’ S, sinh năm: 1994 Địa chỉ: Tổ dân phố A3, TT. Đ, huyện Đ, tỉnh Lâm Đồng.“Có mặt”.
7. Ông: Hoàng Quốc V, sinh năm: 1980 Địa chỉ: Thôn A4, xã M1, huyện L2, tỉnh Lâm Đồng.“Vắng mặt”.
8. Bà: Nguyễn Thị M, sinh năm: 1961 Địa chỉ: Thôn A4, xã M1, huyện L2, tỉnh Lâm Đồng.“Vắng mặt”.
9. Bà: Vũ Thị B, sinh năm: 1984 Địa chỉ: Thôn A4, xã M1, huyện L2, tỉnh Lâm Đồng.“Vắng mặt”.
10. Bà: Nguyễn Thị L, sinh năm: 1987 Địa chỉ: A5, Phường A6, TP. B1, tỉnh Lâm Đồng.“Vắng mặt”.
11. Ông: Tống Văn C, sinh năm: 1975 Địa chỉ: Thôn G, xã P, huyện Đ, tỉnh Lâm Đồng.“Vắng mặt”.
12. Ông Vũ Anh T3, sinh năm: 1969 – Cán bộ Hạt kiểm lâm huyện Đ, Lâm Đồng.
“Có mặt”.
13. Ông: Huỳnh Văn X, sinh năm: 1975 – Nhân viên Công ty CNHH MTV LN huyện Đ, tỉnh Lâm Đồng. “Có mặt”.
14. Ông: K’ N, sinh năm: 1977 Địa chỉ: Tổ dân phố A3, TT. Đ, huyện Đ, tỉnh Lâm Đồng.“Vắng mặt”.
15. Ông: Quách Văn U, sinh năm: 1973 Địa chỉ: Xóm A7, thôn A8, xã M1, huyện L2, tỉnh Lâm Đồng. .“Vắng mặt”.
16. Ông: Vũ Thành F, sinh năm: 1974 Địa chỉ: Thôn A4, xã M, huyện L2, tỉnh Lâm Đồng. “Vắng mặt”.
17. Ông: Tống Mạnh Z, sinh năm: 1961 Địa chỉ: Thôn A, xã M1, huyện L2, tỉnh Lâm Đồng.“Vắng mặt”.
18. Ông: Đào Văn O, sinh năm: 1980 Địa chỉ: thôn A8, xã M1, huyện L2, tỉnh Lâm Đồng.“Vắng mặt”.
19. Ông: Trần Cao P, sinh năm: 1994 Địa chỉ: thôn A8, xã M1, huyện L2, , tỉnh Lâm Đồng .“Vắng mặt”.
20. Ông: Bùi Văn J, sinh năm: 1977 Địa chỉ: thôn A9 xã T1, huyện L1, tỉnh Lâm Đồng .“Vắng mặt”.
21. Ông: Bùi Văn Văn W, sinh năm: 1974 Địa chỉ: thôn A2, xã T1, huyện L1, tỉnh Lâm Đồng .“Vắng mặt”.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Khoảng tháng 4, tháng 5/2017, Quách Văn U, Vũ Thanh F và Tống Mạnh Z thuê một số người phát dọn, cưa hạ cây rừng tại khoảnh 3, khoảnh 8, tiểu khu 543, thuộc địa hạt xã Q, huyện Đ, tỉnh Lâm Đồng với mục đích lấy đất sản xuất. Việc thuê người phát dọn, cưa hạ cây rừng cụ thể như sau:
Hành vi hủy hoại rừng tại khoảnh 3, tiểu khu 543 (Hiện trường 1):
Khoảng tháng 4 năm 2017, Quách Văn U thuê bảy người gồm: Bùi Văn J, Bùi Văn W, Bùi Đăng H (là cháu U), Trần Cao P (là em rể U), Quách Thị K (là chị ruột U), Quách Thị Trà G (là em ruột U), Quách Thị D (là em ruột U và là vợ P) phát, cưa hạ cây rừng tại khoảnh 3 và khoảnh 8 thuộc tiểu khu 543 xã Q, huyện Đ để lấy đất sản xuất. Khi thuê U nói đã có người lo và đã có người canh đường, vì vậy các đối tượng nói trên đã nhận lời đi phát rừng thuê cho U và thống nhất sau khi phát dọn, cưa hạ cây rừng xong thì trừ chi phí, số tiền còn lại sẽ chia đều. Dụng cụ dao phát các đối tượng tự mang theo, riêng phương tiện máy cưa xăng cầm tay do U chuẩn bị, trong đó J mua giúp U 01 máy cưa xăng cầm tay, khi dao phát hỏng thì U nhờ J mua thêm 02 dao phát mới để tiếp tục phát rừng. Bảy người sử dụng dao phát để phát luỗng, thời gian phát luỗng khoảng 07 ngày (hàng ngày làm từ khoảng 08h sáng đến 16h chiều). Trong quá trình phát luỗng thì Quách Văn U là người cảnh giới và thấy ông Vũ Anh T3 là cán bộ Hạt kiểm lâm Đ đến hiện trường kiểm tra thì nhóm U dừng việc phát rừng và bỏ trốn. Mấy ngày sau thì U tiếp tục gọi những đối tượng nói trên đi phá rừng tiếp, U khẳng định với mọi người là đã lo hết rồi, không có việc gì phải sợ thì mọi người đều đồng ý tiếp tục đi phát rừng cho U.
Sau khi phát luỗng Quách Văn U thuê: Đào Văn O; Lê Văn A và PZ Văn Công cưa cây có đường kính trên 10 cm còn lại, trả tiền công mỗi buổi 1.000.000đ/người. Các đối tượng này sử dụng máy cưa xăng cầm tay do U chuẩn bị để cưa hạ cây rừng, thời gian cưa hạ cây rừng khoảng 05 ngày, hàng ngày làm từ khoảng 16h đến 21h, sử dụng đèn pin đeo trên đầu để cưa gỗ đêm. Riêng Công chỉ tham gia cưa hạ cây rừng được khoảng từ 01 đến 02 tiếng thì bị cây đổ vào đầu nên bỏ về, không tham gia cưa hạ cây rừng nữa. Trong quá trình cưa hạ cây U, J và H là người cảnh giới còn W và P phụ tiếp nước, tiếp xăng nhớt cho thợ cưa.
Tiền công U trả cho các đối tượng gồm có: C, H, P, K, G, D, J, W được hưởng sau khi đã trừ chi phí là từ 6.000.000 đến 7.000.000 triệu đồng; O 3.000.000 đồng, trả cho Công 1.000.000 đồng, trả cho A 2.200.000 đồng nuôi cơm.
Hành vi hủy hoại rừng tại khoảnh 8, tiểu khu 543( Hiện trường 2) Khoảng tháng 5 năm 2017, U thuê O trọn gói trong việc phát dọn, cưa hạ cây rừng tại khoảnh 8, tiểu khu 543 với tổng số tiền là 30.000.000 đồng, phương tiện dao phát và 01 máy cưa do O tự túc, 01 máy cưa thì U cho O mượn. Đào Văn O lại thuê K’J1, K’A1, K’N1 (tên thường gọi là Gà), K’S , K’K R phát luỗng trong 3 ngày và cưa ha cây rừng trong 01 ngày. Khi thuê các đối tượng nói trên, lúc đầu do các đối tượng sợ không dám đi phát rừng thì O nói yên tâm đã có người lo và đã có người canh đường hết rồi, vì vậy các đối tượng nói trên nhận lời đi phát rừng thuê cho O. O, K’J1 và K’A1 phát luỗng liên tục trong 03 ngày; K’S và K’K R chỉ tham gia phát luỗng ngày cuối cùng còn K’N1 do bận việc gia đình nên không tham gia phát luỗng. Khi cưa hạ cây gỗ lớn, O và K’J1 trực tiếp cưa hạ cây rừng; K’A1 và K’N1 thay phiên nhau canh chừng và tiếp nước, tiếp xăng nhớt, U tham gia canh đường 01 buổi.
O trả công phát luỗng là 300.000đ/người/ngày, công cưa cây gỗ lớn là 700.000đ/người/buổi, công canh đường, tiếp nước và tiếp xăng nhớt là 350.000đ/người/ngày. Dụng cụ dao phát của ai người đó mang đi theo riêng phương tiện máy cưa xăng cầm tay do Đào Văn O chuẩn bị và O đã trả cho K’J1 khoảng 2.150.000 đồng, K’A1 khoảng 1.450.000 đồng, K’S khoảng 300.000 đồng, K’K R khoảng 300.000 đồng, K’N1 khoảng 700.000 đồng.
Hành vi hủy hoại rừng tại khoảnh 8, tiểu khu 543( hiện trường 3 và 4) Khoảng tháng 4/2017, do có nhu cầu kiếm đất để sản xuất nông nghiệp nên Vũ Thanh F và Tống Mạnh Z (là cậu họ của F) bàn bạc thống nhất và thực hiện việc phát rừng tại tại khoảnh 8, tiểu khu 543, xã Q, huyện Đ. Z và F thỏa thuận sẽ chung nhau tiền để chi phí cho việc phát rừng gồm toàn bộ chi phí mua máy cưa, dao phát, xăng nhớt, ăn uống và chung chi cho Kiểm lâm. Do Z không có tiền nên F đã tạm ứng trước khoảng 35.000.000 đồng để chi phí hai bên thống nhất sau khi phát dọn, cưa hạ cây rừng xong thì sẽ chia đều số tiền chi phí .
Z và F đã nhờ và phân công một số đối tượng tham gia phát dọn, cưa hạ cây rừng cụ thể như sau: Vợ chồng bị can Vũ Thanh F, Vũ Thị B; vợ chồng Tống Mạnh Z, Nguyễn Thị M, Tống Thế B1 và ông Hoàng Quốc V sử dụng dao phát để phát dọn các cây bụi, cây leo, cây gỗ nhỏ có đường kính khoảng dưới 10cm (tức là phát luỗng hoặc phát chân) sau đó dùng máy cưa xăng cầm tay cưa hạ những cây gỗ lớn có đường kính từ 10cm trở lên. Tất cả phát luỗng đến đâu thì cưa hạ ngay cây đến đó, thời gian phát luỗng và cưa hạ cây khoảng 04 đến 05 ngày.
Quá trình phát luỗng B chỉ tham gia phát 01 buổi (từ khoảng 10h00 đến khoảng 15h00 thì nghỉ); bà M có ngày làm, ngày nghỉ do còn phải lo nấu cơm cho những đối tượng phá rừng; Bảo đi tiếp nước, xăng nhớt 02 buổi, V tham gia cưa hạ được khoảng 10 cây rừng nhỏ thì máy cưa bị hư, không tham gia nữa; F tham gia phát luỗng 01 buổi, sau đó chuyển sang cưa hạ cây rừng; riêng ông Z phát luỗng từ đầu đến khi kết thúc việc phát rừng trái pháp luật trên toàn bộ diện tích.
Sau khi phát dọn tại hiện trường 4 xong và bị Kiểm lâm truy đuổi, thời gian khoảng 02 đến 03 tuần sau, F, Z, M và Tống Thế B1 tiếp tục vào tại khu vực hiện trường 3 giáp ranh với hiện trường 4 để sử dụng dao phát phát luỗng và dùng máy cưa xăng cầm tay cưa hạ những cây gỗ lớn có đường kính từ 10cm trở lên. Phát luỗng đến đâu thì cưa hạ cây đến đó, thời gian phát luỗng và cưa hạ cây khoảng 08 đến 09 ngày.
Ngày 05/6/2017, Cơ quan CSĐT(PC46) Công an tỉnh Lâm Đồng tiến hành khám nghiệm hiện trường vụ phá rừng trái pháp luật tại một phần khoảnh 3, khoảnh 8, tiểu khu 543, xã Q, huyện Đ, tỉnh Lâm Đồng do Công ty TNHH MTV LN Đ là chủ rừng, xác định: Tổng diện tích rừng sản xuất bị tác động phá trắng là: 69.720m2; có 1.293 gốc cây và có 1.390 lóng gỗ, thân gỗ bị cưa hạ với tổng khối lượng lâm sản bị thiệt hại là: 430,153m3 (gỗ từ nhóm 2 đến nhóm 8).
Trong đó:
Hiện trường 1 (khoảnh 3, tiểu khu 543): Diện tích bị thiệt hại là 45.910m2; có 788 gốc cây và có 860 lóng gỗ, thân gỗ bị cưa hạ với lâm sản thiệt hại: 298,206m3 .
Hiện trường 2 (khoảnh 8, tiểu khu 543): Diện tích bị thiệt hạ là 11.410m2; có 282 gốc cây và có 288 lóng gỗ, thân gỗ bị cưa hạ với lâm sản thiệt hại: 82,930m3.
Hiện trường 3 (khoảnh 8, tiểu khu 543): Diện tích bị thiệt hại là 12.400m2; có 223 gốc cây và có 242 lóng gỗ, thân gỗ bị cưa hạ với tổng khối lượng lâm sản bị thiệt hại: 49,017m3.
Kết quả khám nghiệm hiện trường ngày 11/4/2017 ( hiện trường 4) như sau:Tổng diện tích rừng sản xuất bị tác động phá trắng là: 0,612 ha (6.120m2); có 64 gốc cây và có 64 lóng gỗ, thân gỗ bị cưa hạ với tổng khối lượng lâm sản bị thiệt hại là: 19,123m3 (gỗ từ nhóm 3 đến nhóm 7).
Ngày 31/7/2017, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lâm Đồng có công văn số 1450/SNN-KL xác định: Diện tích rừng thuộc tiểu khu 543, xã Q, huyện Đ được xem xét áp dụng đối tượng rừng xuất, mục đích sử dụng rừng là rừng tự nhiên sản xuất. Như vậy, 04 hiện trường vi phạm nói trên thuộc đối tượng rừng sản xuất.
Ngày 09/11/2017, Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự tỉnh Lâm Đồng có văn bản số 1199/TB-HĐĐG thông báo kết luận của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự, xác định: Tổng khối lượng gỗ thiệt hại là: 430,153m3, tổng giá trị thiệt hại tài nguyên rừng là: 1.155.309.688 đồng ( trong đó giá trị thiệt hại lâm sản là: 288.827.422 đồng; giá trị thiệt hại môi trường là: 866.482.266 đồng).
Chia ra theo từng hiện trường như sau:
Hiện trường 1 (khoảnh 3, tiểu khu 543): Lâm sản thiệt hại: 298,206m3 , giá trị thiệt hại tài nguyên rừng là: 825.398.308 đồng ( trong đó giá trị thiệt hại lâm sản là: 206.349.577 đồng, giá trị thiệt hại môi trường là: 619.048.731 đồng).
Hiện trường 2 (khoảnh 8, tiểu khu 543): Lâm sản thiệt hại: 82,930m3 , giá trị thiệt hại tài nguyên rừng là: 175.328.582 đồng (trong đó giá trị thiệt hại lâm sản là: 43.832.146 đồng; giá trị thiệt hại môi trường là: 131.496.437 đồng).
Hiện trường 3 (khoảnh 8, tiểu khu 543): Lâm sản bị thiệt hại: 49,017m3 , giá trị thiệt hại tài nguyên rừng là: 154.582.798 đồng ( trong đó giá trị thiệt hại lâm sản là: 38.645.699 đồng; giá trị thiệt hại môi trường là: 115.937.098 đồng).
Ngày 18/12/2017, Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự tỉnh Lâm Đồng (Sở Tài chính) có văn bản số 1320/TB-HĐĐG thông báo kết luận của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự, xác định: Tổng khối lượng gỗ thiệt hại (tại hiện trường 4) là:
19,123m3, tổng giá trị thiệt hại tài nguyên rừng là: 65.563.000 đồng (trong đó giá trị thiệt hại lâm sản là: 16.390.800 đồng; giá trị thiệt hại môi trường là: 49.172.400 đồng).
Tại bản Cáo trạng số 01/CT- VKSLĐ – P3 ngày 09 tháng 02 năm 2018 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng truy tố bị cáo Quách Văn U về tội “ Hủy hoại rừng ” theo khoản 3 Điều 243 Bộ luật hình sự 2015; các bị cáo Đào Văn O, Trần Cao P, Vũ Thanh F, Tống Mạnh Z, Bùi Đăng H, Bùi Văn W, Bùi Văn J, K’J1 và bị cáo K’A1 về tội “ Hủy hoại rừng ” theo quy định tại khoản 2 Điều 243 Bộ luật hình sự 2015.
Tuy nhiên trong quá trình được tại ngoại điều tra và chờ đưa vụ án ra xét xử, bị cáo Bùi Đăng H được áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú là thôn T, xã P, huyện Đ, tỉnh Lâm Đồng, nhưng bị cáo đã không chấp hành mà tự ý đi khỏi đị phương. Ngày 24/7/2018 tại bản án số 10/2018/HS-ST Toà án nhân dân huyện Đ đã đưa vụ án ra xét xử và ra quyết định tạm đình chỉ xét xử đối với bị cáo Bùi Đăng H và đề nghị cơ quan công an ra quyết định truy nã đối với bị cáo H. Đến ngày 29/6/2021 bị cáo Bùi Đăng H đã ra đầu thú và bị bắt tạm giam từ đó cho đến nay.
Tại phiên tòa:
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Đ giữ quyền công tố luận tội và tranh luận: Bị cáo đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội, Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên quyết định truy tố như cáo trạng; Đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo Bùi Đăng H phạm tội “ Hủy hoại rừng ”. Đề nghị:
- Áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 243, điểm s, t khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 17, Điều 58; Điều 54 và Điều 38 của Bộ luật hình sự năm 2015. Xử phạt các bị cáo Bùi Đăng H từ 15 (Mười lăm) tháng đến 18 (Mười tám) tháng tù.
Về trách nhiệm dân sự, về xử lý vật chứng đã giải quyết xong tại bản án số 10/2018/HS-ST ngày 24/7/2018 nên không đề cập đến + Bị cáo Bùi Đăng H khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội đúng như Cáo trạng của Viện kiểm sát đã truy tố.
+ Bị cáo nói lời sau cùng: Nhận thức được hành vi phạm tội là sai, bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy như sau:
1. Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng; Cơ quan điều tra Công an huyện Đ; Điều tra viên; Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng; Viện kiểm sát nhân dân huyện Đ; Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, các bị cáo không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.
2. Về hành vi của các bị cáo Quách Văn U, Đào Văn O, Vũ Thanh F, Tống Mạnh Z, Trần Cao P, Bùi Đăng H, Bùi Văn W, Bùi Văn J, K’J1 và bị cáo K’Tài đã được thể hiện tại bản án số10/2018/HS-ST ngày 24/7/2018 của TAND huyện Đ. Còn đối với hành vi của bị cáo Bùi Đăng H được xét xử tại phiên toà hôm nay cụ thể như sau:
Khoảng tháng 4 năm 2017 Quách Văn U đã thuê bị cáo Bùi Đăng H và các đối tượng Trần Cao P, Bùi Văn J, Bùi Văn W và một số đối tượng khác đã chặt phá rừng sản xuất trái phép tại khoảnh 3 thuộc tiểu khu 543 xã Q, huyện Đ, tỉnh lâm Đồng, với diện tích chặt phá là 45.910m2; lâm sản thiệt hại: 298,206m3, giá trị lâm sản thiệt hại là 206.349.577 đồng (hiện trường 1).
Do đó, hành vi của bị cáo Bùi Đăng H đã đủ yếu tố cấu thành tội “Hủy hoại rừng”, tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 243 Bộ luật hình sự năm 2015. Vì vậy, Cáo trạng mà Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã truy tố đối với bị cáo là hoàn toàn có căn cứ và đúng pháp luật.
Hành vi phạm tội nêu trên của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, thể hiện sự coi thường pháp luật, bị cáo nhận thức được rằng Rừng là tài nguyên quốc gia, Nhà nước nghiêm cấm mọi hành vi khai thác trái phép, nhưng vì mục đích tư lợi cá nhân, bất chấp các quy định của pháp luật, bị cáo vẫn cố ý hủy hoại rừng trái phép.
Đây là vụ án có đồng phạm nhưng chỉ ở mức độ giản đơn, xét vai trò và trách nhiệm của bị cáo trong vụ án thấy rằng: bị cáo Bùi Đăng H giữ vai trò đồng phạm thực hành nên phải chịu trách nhiệm tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo gây ra.
Hơn nữa, bị cáo H là đảng viên, đã từng tham gia công tác xã hội, lẽ ra bị cáo sẽ là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân trong việc tuyên truyền chính sách pháp luật, làm gương cho gia đình và nhân dân trong việc chấp hành pháp luật, nhưng bị cáo đã không làm vậy. Chỉ vì muốn có việc làm, muốn có thu nhập mà bị cáo đã nhận lời cùng các đối tượng khác phá rừng trái phép, bất chấp các quy định của pháp luật. Sau khi xảy ra sự việc lại bỏ trốn khỏi địa phương, vi phạm cam kết không đi khỏi nơi cư trú, vi phạm lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú để phục vụ điều tra xét xử. Do đó cần phải áp dụng dụng một hình phạt nghiêm khắc là cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian mới đảm bảo.Tuy nhiên tại phiên tòa hôm nay, bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, trong quá trình điều tra đã tích cực hợp tác với cơ quan chuyên môn để làm rõ nội dung vụ án, bị cáo ra đầu thú. Đó là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm s, t khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015. Bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nên cần áp dụng cho bị cáo Điều 54 áp dụng hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhằm thể hiện tính khoan hồng của pháp luật.
3. Về trách nhiệm dân sự và xử lý vật chứng của vụ án đã được giải quyết xong tại bản án số 10/2018/HS-ST ngày 24/7/2018 của TAND huyện Đ nên không đề cập đến.
4.Về án phí: Buộc bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
1. Tuyên bố các bị cáo Bùi Đăng H phạm tội “Hủy hoại rừng”;
- Áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 243, điểm s, t khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 17, Điều 58; Điều 54 và Điều 38 của Bộ luật hình sự năm 2015 + Xử phạt bị cáo Bùi Đăng H 15 (Mười lăm) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt giam 29/6/2021.
2. Về án phí: Áp dụng khoản 2 Điều 136 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 và Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án. Buộc bị cáo Bùi Đăng H phải nộp 200.000 đồng (hai trăm ngàn đồng) án phí hình sự sơ thẩm.
3. Về quyền kháng cáo: Áp dụng Điều 331, Điều 338 của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án, bị cáo, nguyên đơn dân sự có quyền kháng cáo nội dung bản án này lên Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng xét xử theo thủ tục phúc thẩm.
Bản án về tội hủy hoại rừng số 32/2021/HS-ST
Số hiệu: | 32/2021/HS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Đức Trọng - Lâm Đồng |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 27/08/2021 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về