TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK
BẢN ÁN 212/2023/HS-PT NGÀY 25/10/2023 VỀ TỘI HUỶ HOẠI RỪNG
Ngày 25 tháng 10 năm 2023, tại Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 236/2023/TLPT-HS ngày 02 tháng 10 năm 2023, do có kháng cáo của các bị cáo Sùng A S và Thào A D đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 13/2023/HS-ST ngày 04 tháng 8 năm 2023 của Tòa án nhân dân huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk.
Bị cáo có kháng cáo:
1. Sùng A S, sinh năm 1994 tại tỉnh Cao Bằng; nơi cư trú: Buôn Đ, xã Đ, huyện L, tỉnh Đắk Lắk; nghề nghiệp: làm nông; trình độ học vấn: 05/12; dân tộc: H Mông; giới tính: nam; tôn giáo: Tin lành; quốc tịch: Việt Nam; con ông Sùng A D1 (đã chết) và bà Vàng Thị P; có vợ là Ma Thị L và 04 con, con lớn nhất sinh năm 2015, con nhỏ nhất sinh năm 2022; Tiền án, tiền sự: Không.
Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú, hiện đang tại ngoại, có mặt tại phiên toà.
- Người bào chữa cho bị cáo Sùng A S: Bà Nguyễn Thị Bích N – Trợ giúp viên thuộc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Đ; địa chỉ: C L, huyện L, tỉnh Đắk Lắk; có mặt.
2. Thào A D, sinh năm: 1979 tại tỉnh Cao Bằng; nơi cư trú: Buôn Đ, xã Đ, huyện L, tỉnh Đắk Lắk; nghề nghiệp: làm nông; trình độ học vấn: 0/12; dân tộc: H Mông; giới tính: nam; tôn giáo: Tin lành; quốc tịch: Việt Nam; con ông Thào A D2 và bà Sùng Thị Đ (đã chết); bị cáo có vợ là Lầu Thị G và 05 con, con lớn nhất sinh năm 1997, con nhỏ nhất sinh năm 2017;
Tiền án, tiền sự: Không.
Bị cáo đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú, hiện đang tại ngoại, có mặt tại phiên toà.
- Người bào chữa cho bị cáo Thào A D: Ông Ngô Đình K - Trợ giúp viên thuộc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Đ; địa chỉ: C L, huyện L, tỉnh Đắk Lắk; có mặt.
- Nguyên đơn dân sự: Công ty TNHH L1; địa chỉ: Tổ dân phố H, thị trấn L, huyện L, tỉnh Đắk Lắk.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Văn H; vắng mặt.
Ngoài ra trong vụ án còn có các bị cáo Thào A S1, Lầu Thị G1, Thào A P1 nhưng không có kháng cáo và không bị kháng cáo, kháng nghị.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Ngày 04/04/2022, Thào A D nói với vợ là Lầu Thị G1, con là Thào A P1, em là Thào A S1, Sùng A S và Thào Thị S2 vào rừng phát, dọn lấy đất làm nương rẫy thì mọi người đồng ý, khi đi mỗi người mang theo dao phát (rựa) đến khu vực rừng sản xuất vị trí (A) lô 16a, khoảnh 7, tiểu khu A (Mảnh 1) thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạL1 (TNHH ) quản lý chặt phát, cây keo, cây lồ ô từ dưới chân đồi lên đỉnh đến 15 giờ 00 phút cùng ngày chặt phát được diện tích khoảng 2.300m2.
Ngày 05/04/2022 Sùng A S cùng Thào A D, Lầu Thị G1, Thào A P1, Thào A S1, Ma A H1, Hoàng Thị P2 và Vàng Thị K1 mỗi người mang theo dao phát (rựa) vào khu vực rừng sản xuất vị trí (B) lô 16a, khoảnh 7, tiểu khu A (Mảnh 2) thuộc Công ty TNHH L1 quản lý dùng dao chặt phát cây keo, cây lồ ô đến khoảng 15 giờ 00 phút cùng ngày được khoảng 4000m2. Ngày 06/04/2022 Thào A D, Lầu Thị G1, Thào A P1, Sùng A S vào dọn để đốt thì bị anh Nguyễn Văn B công nhân trông coi rừng của Công ty TNHH L1 phát hiện không cho phát dọn và trình báo cho Công an xã Đ, huyện L, tỉnh Đắk Lắk.
Tại biên bản khám nghiệm hiện trường ngày 05/05/2022, ngày 08/06/2022 và ngày 10/06/2022 của Liên ngành Công an huyện, Viện kiểm sát huyện, Hạt kiểm lâm huyện L xác định:
- Mảnh 1 thuộc lô 16a khoảnh 7, tiểu khu A: Diện tích rừng bị chặt phá là 4000m2, số cây keo bị chặt phá là 880 cây.
+ Cây lớn nhất đường kính gốc 16,8cm, chiều dài thân cây đến ngọn 5,45m.
+ Cây trung bình đường kính gốc 14,6cm, chiều dài thân cây đến ngọn 5,2m.
+ Cây nhỏ nhất đường kính gốc 11,4cm, chiều dài thân cây đến ngọn dài 3,3m.
- Mảnh 2 thuộc lô 16a khoảnh 7, tiểu khu A: Diện tích rừng bị chặt phá là 2.300m2, số cây keo bị chặt phá là 491 cây.
+ Cây lớn nhất đường kính gốc 17cm, chiều dài thân cây đến ngọn 7,3m.
+ Cây trung bình đường kính gốc 10,8cm, chiều dài thân cây đến ngọn 6m.
+ Cây nhỏ nhất đường kính gốc 8,2cm, chiều dài thân cây đến ngọn dài 6,5m.
- Mảnh 3, 5, 6 ,7 lô 16a khoảnh 7, tiểu khu A có tổng diện tích bị chặt phá là 25.227m2.
- Mảnh 4 diện tích san san lấp là 1.300m2, con đường bị san ủi là 852m2, tổng diện tích bị hủy hoại là 2.152m2.
Ngày 26/07/2022 Chi Cục kiểm lâm tỉnh Đ có kết luận giám định, cụ thể như sau:
- Mảnh 1 (Vị trí A):
+ Diện tích bị hủy hoại 4000m2.
+ Vị trí lô: Lô 16a khoảnh 7 tiểu khu A, xã Đ, huyện L, tỉnh Đắk Lắk.
+ Loại rừng: Rừng sản xuất.
+ Trạng thái rừng: Rừng gỗ trồng núi đất.
+ Thiệt hại về rừng: 100%.
- Mảnh 2 (Vị trí B):
+ Diện tích bị hủy hoại 2.300m2.
+ Vị trí lô: Lô 16a khoảnh 7 tiểu khu A, xã Đ, huyện L, tỉnh Đắk Lắk.
+ Loại rừng: Rừng sản xuất.
+ Trạng thái rừng: Rừng gỗ trồng núi đất.
+ Thiệt hại về rừng: 100% - Mảnh 3, 5, 6, 7 tại các lô 16, 16a, 22a khoảnh 7 tiểu khu A, xã Đ, huyện L, Đắk Lắk. Đều là rừng sản xuất, thiệt hại về rừng 100%.
- Mảnh 4 (Vị trí D) gồm:
+ Diện tích bị san lấp 1.300m2 .
+ Vị trí lô: vị trí lô 22a khoảnh 7 tiểu khu A, xã Đ, huyện L, tỉnh Đắk Lắk.
+ Trạng thái đất chưa có rừng: Đất trống núi đất - Con đường bị san ủi là 852m2 vị trí lô 16a khoảnh 7 tiểu khu A, xã Đ, huyện L, tỉnh Đắk Lắk.
+ Loại rừng: Rừng sản xuất.
+ Trạng thái rừng: Rừng gỗ trồng núi đất.
+ Thiệt hại về rừng: 100%.
Tại bản kết luận định giá số 11/KL-HĐĐGTS ngày 19/08/2022 của Hội đồng định giá tài sản huyện L kết luận tổng giá trị thiệt hại của 4.465 cây keo, trồng năm 2016 là 91.350.000 đồng, trong đó thiệt hại tại mảnh 1, mảnh 2 là 1.371 cây keo có giá trị là 22.050.000 đồng, cụ thể:
+ Mảnh 1: 880 cây keo thiệt hại trị giá 14.000.000 đồng.
+ Mảnh 2: 491 cây keo thiệt hại trị giá 8.050.0000 đồng.
+ Mảnh 3, 5: cây keo bị thiệt hại trị giá 69.300.000 đồng.
+ Mảnh 4, 6, 7: không xác định được số cây keo bị thiệt hại.
Đối với Hoàng Thị P2, Ma A H1, Vàng Thị K1 tham gia chặt phá, hủy hoại rừng nhưng hành vi chưa đủ yếu tố cấu thành tội “Hủy hoại rừng” theo Điều 243 Bộ luật Hình sự nên Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện L đã đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về hành vi hủy hoại rừng trái phép quy định tại điểm b, khoản 9, Điều 20 Nghị định 35/2019/NĐ-CP ngày 25/04/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp.
Đối với Thào Thị S2 sinh năm 2004 chưa đủ 18 tuổi, hành vi chưa đủ yếu tố cấu thành tội “Hủy hoại rừng” theo Điều 243 Bộ luật Hình sự nên Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện L đã đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về hành vi hủy hoại rừng trái phép quy định tại điểm b, khoản 5, Điều 20 Nghị định 35/2019/NĐ-CP ngày 25/04/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số: 13/2023/HS-ST ngày 04 tháng 8 năm 2023 của Tòa án nhân dân huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk, đã quyết định:
Tuyên bố các bị cáo: Sùng A S, Thào A D, Lầu Thị G1, Thào A S1 và Thào A P1 phạm tội “Hủy hoại rừng” .
- Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 243 ; điểm b, m, s khoản 1, 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Xử phạt bị cáo Sùng A S 01 (Một) năm 03 (Ba) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù của bị cáo tính từ ngày bắt thi hành án.
Xử phạt bị cáo Thào A D 01 (Một) năm 03 (Ba) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù của bị cáo tính từ ngày bắt thi hành án.
Ngoài ra Bản án sơ thẩm còn tuyên về hình phạt đối với các bị cáo Thào A S1, Lầu Thị G1, Thào A P1, tuyên về xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo cho bị cáo và các đương sự theo quy định của pháp luật.
Ngày 11/8/2023, các bị cáo Sùng A S và Thào A D có đơn kháng cáo với nội dung xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo.
Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo giữ nguyên nội dung đơn kháng cáo và khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình đúng như nội dung Bản án sơ thẩm.
Tại phiên tòa đại diện Viện kiểm sát đã phân tích, đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo và cho rằng: Toà án cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo về tội “Huỷ hoại rừng” theo điểm b khoản 1 Điều 243 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Xét mức hình phạt 01 năm 03 tháng tù mà Toà án cấp sơ thẩm đã xử phạt đối với các bị cáo là thoả đáng, tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm a khoản 1 Điều 355; Điều 356 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, không chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên Bản án sơ thẩm.
Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị tiếp tục có hiệu lực pháp luật từ ngày hết thời hạn kháng cáo kháng nghị.
Tại phiên toà, các Trợ giúp viên pháp lý bào chữa các cho bị cáo cho rằng: Toà án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo về tội Huỷ hoại rừng theo điểm b, khoản 1 Điều 243 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Tuy nhiên mức hình phạt 01 năm 03 tháng tù mà Toà án cấp sơ thẩm đã xử phạt đối với bị cáo là có phần nghiêm khắc, bởi lẽ các bị cáo là người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, bị cáo S có trình độ học vấn thấp, bị cáo D không biết chữ nên nhận thức pháp luật rất hạn chế. Việc các bị cáo phạm tội xuất phát từ thói quen du canh, phát rừng làm nương rẫy của người đồng bào dân tộc thiểu số và do hoàn cảnh khó khăn. Sau khi biết mình phạm tội, mặc dù các bị cáo thuộc diện hộ nghèo nhưng các bị cáo cũng đã bồi thường khắc phục hậu quả cho Công ty TNHH L1. Các bị cáo đều có nhân thân tốt, có nơi cư trú ổn định, rõ ràng và đều là lao động chính trong gia đình. Do đó đề nghị HĐXX chấp nhận kháng cáo, giảm nhẹ hình phạt và cho các bị cáo được hưởng án treo để các bị cáo được cải tạo ngoài xã hội thì cũng đảm bảo việc răn đe, giáo dục các bị cáo.
Các bị cáo đồng ý với ý kiến của Trợ giúp viên pháp lý và không tranh luận bào chữa gì thêm, chỉ xin Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo và các cho bị cáo được hưởng treo.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1]. Xét lời khai nhận tội của bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm là phù hợp với lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra, tại phiên tòa sơ thẩm; phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác đã được thu thập có trong hồ sơ vụ án. Như vậy, đã có đủ cơ sở kết luận:
Vào các ngày 04 và 05/4/2022, Sùng A S, Thào A D, Thào A S1, Lầu Thị G1, Thào A P1 đã sử dụng dao phát (rựa) chặt phá rừng keo của Công ty TNHH L1 tại mảnh 1, 2 lô 16a, khoảnh 7, tiểu khu A thuộc địa phận buôn P, xã Đ, huyện L để lấy đất làm rẫy với tổng diện tích rừng bị chặt phá là 6.300m2. Tại kết luận giám định xác định diện tích rừng nói trên là rừng sản xuất. Do đó, việc Toà án nhân dân huyện Lắk xét xử các bị cáo về tội Huỷ hoại rừng theo điểm b khoản 1 Điều 243 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
[2]. Xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin hưởng án treo của bị cáo, thấy rằng: Mức hình phạt 01 năm 03 tháng tù mà Toà án cấp sơ thẩm đã xử phạt đối với các bị cáo là thoả đáng, tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo. Tuy nhiên, đối với vụ án này các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội là đồng phạm giản đơn, đều là người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn, cùng có quan hệ trong gia đình với nhau, mục đích các bị cáo vào rừng chặt cây là để lấy đất trồng cây lương thực ngắn ngày phục vụ cho nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống, ngoài ra không có vụ lợi nào khác. Hội đồng xét xử xét thấy các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, trong đó có tình tiết “Phạm tội do lạc hậu” , đồng thời các bị cáo là lao động chính trong gia đình, có nơi cư trú ổn định, rõ ràng nên không cần thiết phải cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội mà có thể cho các bị cáo tự cải tạo dưới sự giám sát của chính quyền địa phương và gia đình thì cũng đủ tác dụng để răn đe, giáo dục các bị cáo trở thành công dân tốt, đồng thời cũng thể hiện được sự khoan hồng của pháp luật. Vì vậy, cần chấp nhận một phần kháng cáo của các bị cáo, sửa Bản án sơ thẩm về phần hình phạt là phù hợp.
[3]. Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
[4]. Về án phí phúc thẩm: Các bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
[1]. Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355, điểm e khoản 1 Điều 357 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015;
Chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Sùng A S và Thào A D.
Sửa Bản án hình sự sơ thẩm số 13/2023/HS-ST ngày 04/8/2023 của Toà án nhân dân huyện Lắk về biện pháp chấp hành hình phạt đối với các bị cáo.
[2]. Về điều luật và hình phạt:
Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 243; điểm b, m, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 65 Bộ luật Hình sự.
- Xử phạt bị cáo Sùng A S 01 (một) năm 03 (ba) tháng tù về tội Huỷ hoại rừng nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 02 (hai) năm 06 (tháng) tháng tính từ ngày xét xử phúc thẩm.
- Xử phạt bị cáo Thào A D 01 (một) năm 03 (ba) tháng tù về tội Huỷ hoại rừng nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 02 (hai) năm 06 (sáu) tháng tính từ ngày xét xử phúc thẩm.
Giao các bị cáo Sùng A S và Thào A D cho Ủy ban nhân dân xã Đ, huyện L, tỉnh Đắk Lắk là nơi bị cáo cư trú để giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách; gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục bị cáo.
Trường hợp các bị cáo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 92 của Luật thi hành án hình sự năm 2019.
Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ hai lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của Bản án đã cho hưởng án treo.
[3]. Về án phí hình sự phúc thẩm: Các bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
[4]. Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tội huỷ hoại rừng số 212/2023/HS-PT
Số hiệu: | 212/2023/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Đăk Lăk |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 25/10/2023 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về