Bản án về tội hủy hoại rừng số 112/2023/HSPT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH HÀ TĨNH

BẢN ÁN 112/2023/HSPT NGÀY 20/07/2023 VỀ TỘI HỦY HOẠI RỪNG

Ngày 20 tháng 7 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số 82/2023/HSPT ngày 04 tháng 6 năm 2023 đối với bị cáo Trần Tiến S do có kháng cáo của bị cáo đối với bản án hình sự sơ thẩm số: 26/2023/HS-ST ngày 28/4/2023 của Tòa án nhân dân Huyện K, tỉnh Hà tĩnh.

- Bị cáo kháng cáo:

Họ và tên: Trần Tiến S; giới tính: Nam; tên gọi khác: Không. Sinh ngày 15 tháng 6 năm 1984, tại xã L, huyện K, tỉnh Hà Tĩnh; nơi đăng ký HKTT và chổ ở: Thôn T, xã L, huyện K, tỉnh Hà Tĩnh; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không; trình độ văn hoá: Lớp 5/12; nghề nghiệp: Lao động tự do; chức vụ, đảng phái: Quần chúng; con ông: Trần Tiến M; Sinh năm 1953; Nghề nghiệp: Lao động tự do; con bà: Hoàng Thị S; Sinh năm: 1955; Nghề nghiệp: Lao động tự do; vợ, con: Chưa có;

Tiền án; tiền sự: Không;

Biện pháp ngăn chặn đã áp dụng: Bị cáo Trần Tiến S bị áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú’’ tại thôn T, xã L, huyện K, tỉnh Hà Tĩnh, từ ngày 11/11/2022 cho đến nay.

Có mặt tại phiên tòa.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và quá trình xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khu rừng tại tiểu khu 364A, tờ bản đồ số 02, địa phận vùng T, thôn T, xã L, huyện K, tỉnh Hà Tĩnh là rừng tự nhiên nghèo kiệt, rừng sản xuất, theo Quyết định phê duyệt quy hoạch 03 loại rừng số 3209/QĐ-UBND, ngày 29/12/2006 của UBND tỉnh Hà Tĩnh. Căn cứ kết quả giao đất, giao rừng theo đề án 3952 thì khu vực rừng thuộc thửa đất 01B, khoảnh 02+03, tiểu khu 364A, tờ bản đồ số 02 xã L, huyện K, tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt ngày 13/02/2015, được giao cho cộng đồng dân cư thôn T, xã L, huyện K, tỉnh Hà Tĩnh làm chủ rừng, theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 962637, ngày 29/11/2016, do Chủ tịch UBND huyện K, tỉnh Hà Tĩnh ký, trạng thái khi giao: rừng tự nhiên nghèo kiệt, rừng sản xuất và được tuyên truyền đến người dân về tác dụng của rừng tự nhiên, mọi người đều phải có trách nhiệm bảo vệ, không được chặt phá cây rừng, khai thác các loại tài nguyên thiên nhiên trong khu vực rừng tự nhiên.

Năm 2013, UBND tỉnh Hà Tĩnh tiến hành điều tra, đo đạc, đánh giá rừng (Kiểm kê rừng) và đã được phê duyệt tại Quyết định số 1280/QĐ-BNN-TCLN, ngày 06/6/2013 của Bộ Nông ngH và phát triển nông thôn. Theo Quyết định số 580/QĐ-UBND ngày 14/3/2022, của UBND tỉnh Hà Tĩnh về công bố hiện trạng rừng năm 2021 của tỉnh Hà Tĩnh và Quyết định số 835/QĐ-UBND ngày 02/02/2023 của UBND huyện K, tỉnh hà Tĩnh, thì khu vực rừng thuộc thửa đất 01B, khoảnh 02+03, tiểu khu 364A, tờ bản đồ số 02 xã L, huyện K, tỉnh Hà Tĩnh là rừng tự nhiên nghèo kiệt, rừng sản xuất không được chặt phá cây rừng, khai thác các loại tài nguyên thiên nhiên trong khu vực rừng tự nhiên.

Theo quy định tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp; Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về điều tra, kiểm kê và theo dõi diễn biến rừng thì khu vực rừng thuộc thửa đất 01B, khoảnh 02+03, tiểu khu 364A, tờ bản đồ số 02 xã L, huyện K, tỉnh Hà Tĩnh chỉ được khai thác khi được sự đồng ý của UBND huyện K, tỉnh Hà Tĩnh.

Năm 2016, Trần Tiến S được Ủy ban nhân dân huyện K, tỉnh Hà Tĩnh cấp giấy chứng nhận quyền xử dụng đất thửa đất số 23A tờ bản đồ số 01 tại khoảnh 03 tiểu khu 364A xã L diện tích 38.394m2 để sử dụng với mục đích sản xuất. Tiếp đó năm 2018, ông Trần Tiến M, sinh năm 1953, bà Hoàng Thị S, sinh năm 1955 (Bố, mẹ của S) nhận chuyển nhượng lại của anh Lê Ngọc A, sinh năm 1981, cùng trú tại T, xã L, huyện K, thửa đất số 23 tờ bản đồ số 02 tại khoảnh 02 tiểu khu 364A xã L với diện tích 38.252m2, giáp ranh với thửa đất số 01B, khoảnh 02+03, tiểu khu 364A, tờ bản đồ số 02 của cộng đồng dân cư thôn T, xã L, huyện K làm chủ rừng. Sau khi ông M, bà S nhận chuyển nhượng từ anh Ánh, do tuổi đã cao nên ông M, bà S để lại thửa đất trên cho con trai Trần Tiến S sử dụng với mục đích trồng cây Keo lá chàm để khai thác bán.

Mặc dù biết rõ là rừng tự nhiên nghèo kiệt, rừng sản xuất đã giao cho cộng đồng dân cư thôn T, xã L, huyện K, tỉnh Hà Tĩnh làm chủ rừng chăm sóc và bảo vệ, nhưng Trần Tiến S, lợi dụng ranh giới đất giáp ranh với nhau nên nẩy sinh ý định chặt phá cây rừng, dọn thực bì để trồng cây Keo lá chàm. Để thưc hiện hành vi chặt phá rừng, Trần Tiến S mượn của chị Nguyễn Thị H, sinh năm 1990, trú tại thôn L, xã K, huyện K, tỉnh Hà Tĩnh một máy cưa xăng. Sáng ngày 18/8/2022, Trần Tiến S mang theo máy cưa xăng và một chiếc rựa, một mình đi lên khu vực rừng thuộc thửa đất số 01B, khoảnh 02+03, tiểu khu 364A, tờ bản đồ số 02, vùng T, thôn T, xã L, huyện K, tỉnh Hà Tĩnh, chặt phá cây rừng, dọn thực bì để trồng cây Keo lá chàm. Trong các ngày 18/8/2022 đến hết ngày 21/8/2022, Trần Tiến S, một mình sử dụng rựa để phát các cây bụi nhỏ, dây leo. Đến ngày 22/8/2022, S sử dụng chiếc cưa xăng cắt gốc các cây gỗ tự nhiên và đến ngày 23/8/2022, Trần Tiến S nhờ thêm anh Trần Văn D, sinh năm 1991, trú tại thôn T, xã L, huyện K, lên phát cây dại, cây leo trên phần đất trồng cây Keo là chàm của gia đình S, còn S tiếp tục dùng cưa xăng cắt các cây gỗ tự nhiên tại khu vực S đã phát các cây nhỏ trước đó. Đến 07 giờ 30 phút, ngày 24/8/2022, trong khi Trần Tiến S đang một mình chặt phá rừng tại thửa đất 01B, khoảnh 02+03, tiểu khu 364A, tờ bản đồ số 02 thuộc xã L, huyện K, tỉnh Hà Tĩnh thi bị, Hạt Kiểm Luyện K kiểm tra, phát hiện đến lập biên bản về việc chặt phá rừng của Trần Tiến S.

Sau khi việc chặt phá rừng bị phát hiện, Hạt kiểm Luyện K đã báo cáo và phối hợp với Cơ quan điều tra Công an huyện K và các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra, giám sát hiện trường. Sau đó Cơ quan điều tra Công an huyện K đã thành lập Hội đồng khám nghiệm hiện trường (có mời các cơ quan chuyên môn về quản lý và bảo vệ rừng), tiến hành đo đạc, tính toán về diện tích rừng, loại cây thân gỗ, chiều cao vút ngọn, độ tàn che và trữ lượng gỗ bị Trần Tiến S chặt phá, tại thửa đất số 01B, khoảnh 02+03, tiểu khu 364A, tờ bản đồ số 02, ở vùng T, thôn T, xã L, huyện K, tỉnh Hà Tĩnh. Kết quả khám nghiệm xác định: Diện tích bị Trần Tiến S chặt phá hoàn toàn là một hệ sinh thái, trong đó thành phần chính là cây lâu năm thân gỗ như: Dẻ, Đẻn, Vải, Nang, Ngát, Trám, v.v…, với diện tích là 9.552,5m2; số cây gỗ bị chặt phá 334 cây, đường kính gốc chặt bình quân 17,06cm, đường kính ngang ngực bình quân 13,76cm, mật độ bình quân là 349 cây/ha, chiều cao vút ngọn bình quân 6,7m, chiều cao gốc chặt bình quân 18,64cm, đường kính tán bình quân 2,45m, độ tàn che 0,19, trữ lượng gỗ khu vực bị chặt phá 19,48m3 tương đương 20,39m3/ha.

Cơ quan điều tra Công an huyện K, tỉnh Hà Tĩnh đã trưng cầu định giá tài sản thiệt hại do Trần Tiến S chặt phá rừng. Theo kết luận định giá tài sản số 81/HĐĐG ngày 10/12/2022 của Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự huyện K, tỉnh Hà Tĩnh kết luận: giá trị của 19,48m3 gỗ bị Trần Tiến S chặt, phá là 38.960.000 đồng (Ba mươi tám triệu chín trăm sáu mươi nghìn đồng), riêng thiệt hại về môi trường đối với diện tích rừng trên bị hủy hoại không xác định được.

Với hành vi phạm tội nêu trên, tại bản án số: 26/2023/HS-ST ngày 28/4/2023 của Tòa án nhân dân Huyện K, tỉnh Hà tĩnh đã Quyết định:

Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 243, điểm s khoản 1 Điều 51; Điều 38 Bộ luật hình sự; điểm a khoản 1, khoản 2 Điều 47 Bộ luật Hình sự; khoản 1, điểm a khoản 2 Điều 106; khoản 2 Điều 136; Điều 331; Điều 333 Bộ luật tố tụng hình sự; Điều 6; khoản 1, khoản 3 Điều 21; điểm a, điểm c khoản 1 Điều 23 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30 -12- 2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Danh mục án phí, lệ phí Toà án kèm theo.

Điều 48 Bộ luật Hình sự và các Điều 584, 585, 586, 589 Bộ luật Dân sự.

Tuyên bố bị cáo: Trần Tiến S phạm tội “Huỷ hoại rừng” Xử phạt Trần Tiến S 15 (Mười lăm) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày thi hành án.

- Về trách nhiệm dân sự: Buộc Trần Tiến S phải bồi thường thiệt hại số tiền là 38.960.000 đồng (Ba mươi tám triệu chín trăm sáu mươi nghìn), để nộp vào ngân sách Nhà nước.

Kể từ ngày Bản án có hiệu lực pháp luật, bên được thi hành án có quyền yêu cầu thi hành án. Trường hợp Trần Tiến S chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán thì phải chịu lãi đối với phần nghĩa vụ chậm thực hiện theo lãi suất 10%/năm theo quy định tại Điều 357; Điều 468 Bộ luật Dân sự.

Ngoài ra án sơ thẩm còn tuyên về xử lý vật chứng, án phí hình sự, án phí dân sự sơ thẩm và tuyên quyền kháng cáo của bị cáo, Nguyên đơn dân sự, Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan theo quy định của pháp luật.

Trong hạn luật định, ngày 11/5/2023 bị cáo Trần Tiến S có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo.

Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo, bị cáo trình bày ý kiến và đề nghị HĐXX phúc thẩm xem xét hoàn cảnh và các tình tiết giảm nhẹ khác cho bị cáo được hưởng án treo.

Kiểm sát viên thực hành quyền công tố xét xử phúc thẩm vụ án đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm: Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355, điểm e khoản 1 Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự chấp nhận một phần nội dung đơn kháng cáo của bị cáo Trần Tiến S, giữ nguyên mức hình phạt tù và cho bị cáo hưởng án treo.

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy như sau:

[1] Theo lời khai nhận tội của bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm phù hợp với các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án. Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy hành vi phạm tội của bị cáo Trần Tiến S có đủ yếu tố cấu thành tội “Hủy hoại rừng” được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 243 của Bộ luật hình sự, theo đó bản án hình sự sơ thẩm số 26/2023/HS-ST ngày 28/4/2023 của Tòa án nhân dân Huyện K, tỉnh Hà tĩnh đã xử phạt đối với bị cáo là đúng người, đúng tội, có căn cứ, đúng pháp luật.

[2] Xét tính chất, hành vi phạm tội và nội dung kháng cáo của bị cáo, Hội đồng xét xử nhận thấy:

[2.1] Hành vi phạm tội của bị cáo S đã trực tiếp xâm phạm đến các quy định của Nhà Nước về quản lý rừng, bảo vệ rừng và làm mất cân bằng sinh thái, không chỉ gây thiệt hại lớn đối với tài nguyên rừng, mà còn gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Vì vậy cần phải xử lý nghiêm đối với hành vi phạm tội của bị cáo.

[2.2] Xét về nội dung kháng cáo của bị cáo Đối với nội dung kháng cáo của bị cáo. Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận thấy tòa cấp sơ thẩm đã đánh giá đúng tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo. Trong quá trình giải quyết phúc thẩm bị cáo cung cấp các tình tiết mới: Đơn trình bày hoàn cảnh khó khăn, ông bà ngoại của bị cáo là những người có công với nhà nước có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã Lơp, huyện K, tỉnh Hà Tĩnh; Bị cáo đã nộp toàn bộ số tiền bồi thường khắc phục hậu quả. Đây là các tình tiết giảm nhẹ mới mà cấp sơ thẩm chưa xem xét.

Xét thấy bị cáo có nhân thân tốt, có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và có nơi cư trú rõ ràng. Dó đó xét thấy không cần thiết phải cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội mà áp dụng Điều 65 Bộ luật hình sự cho bị cáo được hưởng án treo nhằm thể hiện sự khoan hồng của pháp luật cũng đủ để răn đe và phòng ngừa chung.

[3] Kháng cáo của bị cáo được chấp nhận nên bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm theo quy định.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

[1] Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355, điểm e khoản 1 Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự: Chấp nhận nội dung đơn kháng cáo của bị cáo Trần Tiến S, sửa nội dung bản án sơ thẩm số 26/2023/HS-ST ngày 28/4/2023 của Tòa án nhân dân huyện K về phần hình phạt đối với bị cáo.

[2] Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 243; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 65 Bộ luật hình sự:

- Tuyên bố bị cáo Trần Tiến S phạm tội: “Hủy hoại rừng

- Xử phạt bị cáo Trần Tiến S 15 (Mười lăm) tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 30 tháng tính từ ngày tuyên án phúc thẩm.

Giao bị cáo Trần Tiến S cho UBND xã L, huyện K, tỉnh Hà Tĩnh giám sát giáo dục trong thời gian thử thách. Nếu trong thời gian thử thách bị cáo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo khoản 1 Điều 92 Luật Thi hành án hình sự.

Trong thời gian thử thách nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của luật Thi Hành án hình sự hai lần trở lên, thì tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi pham tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước đó và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của BLHS.

[3] Về án phí: Căn cứ điều 135, 136 Bộ luật tố tụng hình sự; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 bị cáo Trần Tiến S không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị, có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm. Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

348
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội hủy hoại rừng số 112/2023/HSPT

Số hiệu:112/2023/HSPT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hà Tĩnh
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:20/07/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về