Bản án về tội hủy hoại rừng số 10/2023/HS-ST

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN AN LÃO, TỈNH BÌNH ĐỊNH

BẢN ÁN 10/2023/HS-ST NGÀY 02/08/2023 VỀ TỘI HỦY HOẠI RỪNG

Ngày 02 tháng 8 năm 2023, tại Trụ sở Toà án nhân dân huyện An Lão, tỉnh Bình Định xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 05/2023/TLST-HS ngày 06 tháng 4 năm 2023, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 59/2023/QĐXXST-HS ngày 04 tháng 7 năm 2023 và Quyết định hoãn phiên tòa số: 61/2023/HSST-QĐ ngày 19 tháng 7 năm 2023, đối với các bị cáo:

1. Bị cáo ĐINH VĂN D (tên gọi khác: Đinh Văn T), sinh ngày 01/01/1977, tại: Bình Định; nơi cư trú: T 2, xã A, huyện An Lão, tỉnh Bình Định; nghề nghiệp: Nông; trình độ học vấn: 5/12; Quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Bana; tôn giáo: Không; con ông Đinh Văn D (chết) và bà Đinh Thị Nh (chết); vợ Đinh Thị Ph; con có 03 đứa, lớn nhất sinh năm 1996, nhỏ nhất sinh năm 2004; tiền án, tiền sự: Không; bị cáo tại ngoại, bị cáo có mặt.

2. Bị cáo ĐINH VĂN T, sinh ngày 15/9/1993, tại: Bình Định; nơi cư trú: T 2, xã A, huyện An Lão, tỉnh Bình Định; nghề nghiệp: Nông; trình độ học vấn: 9/12; Quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Bana; tôn giáo: Không; con ông Đinh Văn L, sinh năm 1953 và bà Đinh Thị N, sinh năm 1958; vợ Phạm Thị Th; con có 02 đứa, sinh năm 2010 và sinh năm 2016; tiền án, tiền sự: Không; bị cáo tại ngoại, bị cáo có mặt.

- Người bào chữa cho bị cáo Đinh Văn D: Ông Phạm Minh V, sinh năm 1975, là Trợ giúp viên pháp lý thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Bình Định. “Có mặt”.

- Người bào chữa cho bị cáo Đinh Văn T: Ông Hồ Văn H, sinh năm 1986, là Trợ giúp viên pháp lý thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Bình Định.

“Có mặt”.

- Nguyên đơn dân sự: Ban Quản lý rừng đặc dụng An Toàn, huyện An Lão, tỉnh Bình Định. Địa chỉ trụ sở: T 2, xã A, huyện An Lão, tỉnh Bình Định.

Người đại diện hợp pháp: Ông Nguyễn Hùng N. Chức vụ: Giám đốc, là người đại diện theo pháp luật.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Khiếu Đức Th, chức vụ: Phó Giám đốc (Văn bản ủy quyền ngày 30 tháng 5 năm 2022). “Có mặt”.

- Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

+ Chị: Đinh Thị Ph, sinh năm 1979. Địa chỉ: T 2, xã A, huyện An Lão, tỉnh Bình Định. “Có mặt”.

+ Chị: Phạm Thị Th, sinh năm 1995. Địa chỉ: T 2, xã A, huyện An Lão, tỉnh Bình Định. “Có mặt”.

- Những người làm chứng:

+ Anh: Đinh Văn P, sinh năm 1983. Địa chỉ: T 2, xã A, huyện An Lão, tỉnh Bình Định. “Vắng mặt”.

+ Anh: Đinh Văn Đ, sinh năm 1996. Địa chỉ: T 2, xã A, huyện An Lão, tỉnh Bình Định. “Vắng mặt”.

+ Anh: Đinh C, sinh năm 1982. Địa chỉ: T 2, xã A, huyện An Lão, tỉnh Bình Định. “Vắng mặt”.

+ Anh: Đinh Văn Kh, sinh năm 1985. Địa chỉ: T 2, xã A, huyện An Lão, tỉnh Bình Định. “Vắng mặt”.

+ Anh: Đinh Văn Ng, sinh năm 1994. Địa chỉ: T 2, xã A, huyện An Lão, tỉnh Bình Định. “Vắng mặt”.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên toà, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Gia đình Đinh Văn D (tên gọi khác là T) có một bãi cỏ chăn thả trâu ở khu vực có tục danh Trại Nai (thuộc khoảnh 6, tiểu khu 51, xã A, huyện An Lão), tại đây D và Đinh Văn T (em rể của D) làm nơi chăn thả trâu chung với nhau. Vì cần mở rộng thêm diện tích bãi đất trống để chăn thả trâu nên vào đầu tháng 4/2022, D nói với T phá thêm diện tích rừng liền kề ở Trại Nai để mở rộng diện tích bãi chăn thả trâu, thì T đồng ý. T và D thống nhất sẽ thuê công đi phát, T nói với D để T đi phát ranh trước, cưa hạ cây lớn để những người làm công phát cây bụi và dây leo thì D đồng ý. Sau đó, T một mình mang theo rựa, máy phát cỏ, máy cưa lốc cầm tay đến khu vực Trại Nai thuộc lô 2.1, 2.2 của lô 2, khoảnh 6, tiểu khu 51 xã A dùng máy phát cỏ để phát ranh, dùng máy cưa lốc cưa hạ hết các cây gỗ lớn có đường kính khoảng 40cm trở lên, T làm trong một ngày rồi về. Đến khoảng giữa tháng 4 năm 2022, D đến thuê Đinh Văn Đ (sn 1996, ở thôn 2, A là con của D đã có vợ, ở nhà riêng), D nói vợ là Đinh Thị Ph đi phát lại rẫy cũ để thả trâu, dặn Ph mang theo gạo, nồi để nấu cơm. T đến thuê anh ruột Đinh Văn P và thuê Đinh Văn Ng, Đinh Văn Kh, Đinh C đều cư trú thôn 2, xã A, T thỏa thuận sẽ trả tiền công 250.000đ/ngày. T nói với vợ Phạm Thị Th đi cùng Tiên phát rẫy để nuôi trâu và mang gạo, nồi để nấu cơm, ngủ lại đêm.

Vào khoảng giữa tháng 4 năm 2022, D, T cùng Ph, Thinh, P, Ng, Kh, C, Đ mang đồ đạc, dụng cụ đi vào khu vực rừng có tục danh Trại Nai thuộc khoảnh 6, tiểu khu 51, xã A dựng lán trại nơi khu vực bãi chăn thả trâu của D, rồi nghỉ trưa. Chiều cùng ngày, T chỉ P, Đ, Kh, Ng cùng với D dùng rựa phát cây bụi, dây leo theo ranh mà T đã phát dọn, ngoài ra T còn dùng máy cưa lốc cưa hạ những cây gỗ mà lần trước T chưa hạ hết. Riêng Ph và Th không tham gia phát rừng cùng với D, T và những người làm công, mà chỉ dùng rựa phát dọn cây bụi, cây nhỏ, dây leo xung quanh lán trại ở khu vực bãi cỏ thả trâu của D và chủ yếu bắt ốc, hái rau rừng, nấu cơm cho mọi người. T, D, P, Kh, Ng, C, Đ làm trong 03 ngày, ở lại 02 đêm và phát trắng rừng tự nhiên với diện tích 11.207 m2 ở lô 2.1, 2.2 thuộc lô 2, khoảnh 6, tiểu khu 51 xã A, chức năng rừng đặc dụng. Sau khi làm xong, cả nhóm đi về tập trung tại nhà của D để tính tiền công. D trả cho Đ 750.000 đồng, T trả cho P, Kh mỗi người 750.000 đồng, T trừ nợ Ng, C mỗi người 01 ngày công, còn lại T trả cho Ng, C mỗi người 500.000 đồng.

Kết luận giám định rừng số: 97/KL-TTQH ngày 22/6/2022 của Trung tâm Quy hoạch nông nghiệp nông thôn tỉnh Bình Định kết luận diện tích rừng bị thiệt hại tại lô 2.1 và lô 2.2 thuộc lô 2, khoảnh 6, tiểu khu 51 xã A, huyện An Lão, tỉnh Bình Định là 11.207m2, chức năng rừng đặc dụng, tổng trữ lượng rừng bị thiệt hại là 68,07m3, chủ quản lý rừng là Ban Quản lý rừng đặc dụng An Toàn.

Tại kết luận số: 09/KL-HĐĐGTS ngày 03/8/2022 của Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự huyện An Lão xác định tổng giá trị rừng bị thiệt hại là 298.800.000 đồng (Hai trăm chín mươi tám triệu tám trăm nghìn đồng chẵn).

Vật chứng vụ án: Đã tạm giữ 01 (một) máy cắt cầm tay có tổng chiều dài 177cm, động cơ hiệu TJ27 KAWASAKI màu nâu, đỏ, đen; thân máy hình trụ tròn bằng kim loại có chiều dài 150cm; có 01 dây đeo vai màu đen, kích thước 122cm × 4cm. Trên thân máy tại vị trí cách động cơ 45cm có gắn tay cầm bằng kim loại, tay cầm bên trái gắn một thanh kim loại tròn dài 15cm, đường kính 0,5cm. Trên đầu máy cắt có gắn một lưỡi cắt bằng kim loại hình chữ nhật kích thước 34cm x 8cm; 01 (một) cái rựa tổng chiều dài 36cm, phần cán rựa bị gãy; lưỡi rựa bằng kim loại dài 26cm, bản rộng 4cm; phần chuôi rựa dài 10cm được bọc bởi 01 khuy bằng kim loại dài 8cm; 01 (một) cái rựa bị gãy mũi có tổng chiều dài 66cm; lưỡi rựa bằng kim loại dài 26cm, bản rộng 3,8cm; phần khuy bằng kim loại dài 8cm; cán rựa bằng gỗ dài 32cm;

01 (một) cái rựa có tổng chiều dài 60,5cm; lưỡi rựa bằng kim loại dài 28,5cm, bản rộng 4cm; phần khuy bằng kim loại dài 8cm; cán rựa bằng gỗ dài 24cm; 01 (một) cái rựa có tổng chiều dài 51,8cm; lưỡi rựa bằng kim loại dài 26,5cm, bản rộng 3,8cm; phần khuy bằng kim loại dài 9,3cm; cán rựa bằng gỗ dài 16cm.

Về dân sự: Đại diện Ban Quản lý rừng đặc dụng An Toàn yêu cầu bồi thường rừng bị thiệt hại theo giá trị mà Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng đã định giá.

Tại bản cáo trạng số: 05/CT-VKSAL ngày 02 tháng 4 năm 2023 của Viện kiểm sát nhân dân huyện An Lão, tỉnh Bình Định đã truy tố bị cáo Đinh Văn D và Đinh Văn T về tội: “Hủy hoại rừng” theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 243 Bộ luật hình sự.

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố phát biểu lời luận tội và phân tích tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội mà các bị cáo đã thực hiện; giữ nguyên quyết định truy tố, đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) áp dụng:

+ Về hình phạt: áp dụng điểm d khoản 3 Điều 243 Bộ luật hình sự; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 54 và Điều 38 của Bộ luật hình sự, xử phạt bị cáo Đinh Văn D và Đinh Văn T mỗi bị cáo từ 03 năm đến 03 năm 06 tháng tù.

+ Về trách nhiệm dân sự buộc bị cáo Đinh Văn D và Đinh Văn T liên đới bồi thường cho Nguyên đơn dân sự theo quy định.

+ Về xử lý vật chứng: Áp dụng Điều 47 của Bộ luật hình sự, Điều 106 của Bộ luật Tố tụng hình sự: Tịch thu sung quỹ 01 (một) máy cắt cầm tay có tổng chiều dài 177cm, động cơ hiệu TJ27 KAWASAKI màu nâu, đỏ, đen; thân máy hình trụ tròn bằng kim loại có chiều dài 150cm; có 01 dây đeo vai màu đen, kích thước 122cm × 4cm. Trên thân máy tại vị trí cách động cơ 45cm có gắn tay cầm bằng kim loại, tay cầm bên trái gắn một thanh kim loại tròn dài 15cm, đường kính 0,5cm. Trên đầu máy cắt có gắn một lưỡi cắt bằng kim loại hình chữ nhật kích thước 34cm x 8cm. Tịch thu tiêu hủy gồm: 01 (một) cái rựa tổng chiều dài 36cm, phần cán rựa bị gãy; lưỡi rựa bằng kim loại dài 26cm, bản rộng 4cm; phần chuôi rựa dài 10cm được bọc bởi 01 khuy bằng kim loại dài 8cm; 01 (một) cái rựa bị gãy mũi có tổng chiều dài 66cm;

lưỡi rựa bằng kim loại dài 26cm, bản rộng 3,8cm; phần khuy bằng kim loại dài 8cm;

cán rựa bằng gỗ dài 32cm; 01 (một) cái rựa có tổng chiều dài 60,5cm; lưỡi rựa bằng kim loại dài 28,5cm, bản rộng 4cm; phần khuy bằng kim loại dài 8cm; cán rựa bằng gỗ dài 24cm; 01 (một) cái rựa có tổng chiều dài 51,8cm; lưỡi rựa bằng kim loại dài 26,5cm, bản rộng 3,8cm; phần khuy bằng kim loại dài 9,3cm; cán rựa bằng gỗ dài 16cm.

Tại phiên tòa bị cáo Đinh Văn D và Đinh Văn T khai nhận có hành vi hủy hoại rừng, các bị cáo nhận tội và nhờ người bào chữa bào chữa cho các bị cáo.

Người bào chữa cho bị cáo Đinh Văn D trình bày lời bào chữa: Thống nhất như luận tội của đại diện Viện kiểm sát, mong HĐXX xem xét bị cáo D phạm tội vì gia đình quá khó khăn muốn mở rộng nơi chăn thả trâu để phát triển kinh tế gia đình; bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, mặc dù kinh tế gia đình khó khăn nhưng bị cáo đã nộp một khoản tiền để khắc phục hậu quả cho bị hại; là người dân tộc thiểu số sống ở vùng cao có kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, hiểu biết pháp luật còn hạn chế, là lao động chính trong gia đình, gia đình thuộc diện hộ nghèo, có mẹ là người có công với cách mạng. Đề nghị HĐXX áp dụng điểm d khoản 3 Điều 243; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 54 và Điều 38 của Bộ luật hình sự: Xử phạt bị cáo Đinh Văn D 03 năm tù.

Người bào chữa cho bị cáo Đinh Văn T trình bày lời bào chữa: Thống nhất như luận tội của đại diện Viện kiểm sát, mong HĐXX xem xét bị cáo Tiên phạm tội vì gia đình quá khó khăn muốn mở rộng nơi chăn thả trâu bò để phát triển kinh tế gia đình; bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, bị cáo đã nộp một khoản tiền để khắc phục hậu quả cho bị hại; là người dân tộc thiểu số sống ở vùng cao có kinh tế đặc biệt khó khăn, hiểu biết pháp luật còn hạn chế, là lao động chính trong gia đình, gia đình thuộc diện hộ nghèo. Đề nghị HĐXX áp dụng điểm d khoản 3 Điều 243; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 54 và Điều 38 của Bộ luật hình sự: Xử phạt bị cáo Đinh Văn T 03 năm tù.

Người đại diện theo ủy quyền của Nguyên đơn dân sự, ông Khiếu Đức Th trình bày: Các bị cáo là người hủy hoại diện tích rừng đặc dụng 11.207 m2 do Ban quản lý rừng đặc dụng An Toàn, huyện An Lão quản lý, Ban quản lý rừng đặc dụng An Toàn đề nghị HĐXX buộc các bị cáo phải bồi thường thiệt hại rừng trị giá theo giá của Hội đồng định giá tài sản là 298.800.000 đồng. Về phần hình phạt đề nghị HĐXX, xét xử theo pháp luật.

Lời nói sau cùng của bị cáo D: Bị cáo rất hối hận về hành vi của mình và hứa sẽ cải tạo tốt để trở thành công dân có ích cho xã hội, xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Lời nói sau cùng của bị cáo T: Bị cáo rất hối hận về hành vi của mình và hứa sẽ cải tạo tốt để trở thành công dân có ích cho xã hội, xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan cảnh sát Điều tra, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện An Lão, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra, truy tố và xét xử, các bị cáo không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Điều tra viên, Kiểm sát viên. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đều hợp pháp.

[2] Lời khai nhận tội của các bị cáo tại phiên tòa phù hợp với lời khai của các bị cáo tại Cơ quan điều tra, phù hợp với lời khai của người đại diện hợp pháp của Nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng, phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án. Do đó, Hội đồng xét xử có đủ cơ sở để khẳng định: Vào tháng 4 năm 2022, Đinh Văn D, Đinh Văn T đã thực hiện hành vi phá rừng đặc dụng trái phép để làm bãi chăn thả trâu, ở khu vực rừng tự nhiên có tục danh Trại Nai thuộc lô 2, khoảnh 6, tiểu khu 51, xã A, huyện An Lão, gây thiệt hại với diện tích 11.207 m2, trữ lượng rừng bị thiệt hại là 68,07 m3, tổng giá trị rừng bị thiệt hại là 298.800.000 đồng (Hai trăm chín mươi tám triệu tám trăm nghìn đồng). Như vậy, HĐXX có đủ cơ sở để khẳng định bị cáo Đinh Văn D và Đinh Văn T đã phạm vào tội “Hủy hoại rừng”, tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm d khoản 3 Điều 243 của Bộ luật hình sự.

[3] Hành vi phạm tội của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, vi phạm các quy định của Luật bảo vệ và phát triển rừng, đã xâm phạm đến sự bền vững của môi trường, đến tài nguyên quốc gia, xâm phạm nghiêm trọng đến diện tích rừng đặc dụng, rừng tự nhiên, dẫn đến mất cân bằng sinh thái của môi trường, làm giảm tác dụng bảo vệ của rừng đối với cộng đồng dân cư khi có thiên tai, mà còn gây tâm trạng bất bình lo lắng cho cơ quan quản lý Nhà nước về rừng và trong quần chúng nhân dân về tình trạng phá rừng hiện nay trên địa bàn huyện An Lão nói riêng và trên phạm vi cả nước nói chung. Đảng và Nhà nước đã chỉ đạo và thực hiện nghiêm công tác quản lý, bảo vệ rừng trong toàn dân và trong các cơ quan Nhà nước nhưng các bị cáo là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, mặc dù ý thức các bị cáo phá rừng để có nơi chăn thả trâu nhằm phát triển kinh tế gia đình, nhưng buộc các bị cáo phải nhận thức được hành vi trực tiếp cưa lốc, máy cắt cầm tay, dùng rựa phát trắng và chặt hạ diện tích rừng đặc dụng là nơi để bảo tồn thiên nhiên, mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng của quốc gia, nguồn gen thực vật động vật rừng. nghiên cứu khoa học, kết hợp phòng hộ, bảo vệ môi trường là trái quy định của pháp luật. Do đó, hành vi của các bị cáo cần phải nghiêm trị bằng pháp luật và hình phạt thật nghiêm nhằm để răn đe giáo dục bị cáo và phòng ngừa chung cho xã hội.

[4] Xét tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Các bị cáo không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

[5] Xét tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Trong suốt quá trình điều tra, truy tố và tại phiên tòa bị cáo Đinh Văn D và Đinh Văn T thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Mặc dù kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn nhưng mỗi bị cáo đã nộp số tiền 2.000.000 đồng để khắc phục một phần hậu quả; các bị cáo là người dân tộc thiểu số, sinh ra và lớn lên ở nơi có điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội đặc biệt khó khăn nên hạn chế về nhận thức, điều kiện gia đình thuộc hộ nghèo; đối với bị cáo Đinh Văn D có mẹ là người có công với cách mạng. Đây là những tình tiết giảm nhẹ của hai bị cáo được quy định tại các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 của Bộ luật hình sự mà các bị cáo được hưởng, nên HĐXX xem xét áp dụng Điều 54 của Bộ luật hình sự, quyết định dưới mức thấp nhất của khung hình phạt đối với các bị cáo.

Xét tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo thực hiện là nguy hiểm cho xã hội, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội, các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mà các bị cáo được hưởng. HĐXX thấy để tương xứng với hành vi mà các bị cáo thực hiện và đáp ứng yêu cầu đấu tranh và phòng chống tội phạm trên địa bàn huyện An Lão nên cần thiết phải cách ly các bị cáo ra ngoài đời sống xã hội một thời gian nhất định để giáo dục, cải tạo các bị cáo trở thành công dân có ích và phòng ngừa chung cho xã hội.

[6] Về phân hóa tội phạm: Đây là vụ án đồng phạm giản đơn, không có sự bàn bạc, phân công nhiệm vụ cụ thể mà chỉ thông báo của bị cáo Đinh Văn D với vai trò là người anh rể thông báo với bị cáo Đinh Văn T cần mở rộng nơi chăn thả trâu chung nên bị cáo Đinh Văn T đồng ý, bị cáo T một mình đi phát hạ cây lớn trước. Sau đó các bị cáo thuê nhân công đi phát dọn cây bụi, cây nhỏ và cùng trả tiền cho người làm công. Do đó, bị cáo Đinh Văn D là người khởi xướng và là người thực hành; đối với bị cáo Đinh Văn T là người thực hành tích cực nhất, hai bị cáo chia trả tiền công, tiền xăng và không có sự phân chia diện tích sau khi đã phá rừng mà là làm nơi chăn thả trâu chung, nên phân hóa hình phạt thì cả hai bị cáo có mức hình phạt là ngang bằng nhau.

[7] Theo quy định tại khoản 4 Điều 243 của Bộ luật hình sự năm 2015, các bị cáo còn có thể áp dụng tình tiết phạt bổ sung là từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Song xét điều kiện hoàn cảnh của các bị cáo khó khăn, gia đình các bị cáo là hộ nghèo, các bị cáo không có khả năng thi hành án hình phạt bổ sung, nên Hội đồng xét xử không áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo Đinh Văn D và Đinh Văn T.

[8] Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại: Tại phiên tòa, Nguyên đơn dân sự vẫn yêu cầu các bị cáo bồi thường bồi thường thiệt hại theo giá của Hội đồng định giá với số tiền là 298.800.000 đồng là phù hợp với quy định của pháp luật nên được chấp nhận.

[9] Xét vai trò trách nhiệm của hai bị cáo như nhau do vậy khi phân hóa trách nhiệm bồi thường dân sự đối với hai bị cáo là như nhau để việc thi hành án đảm bảo, cụ thể hai bị cáo hải bồi thường cho Nguyên đơn dân sự (Ban Quản lý rừng đặc dụng An Toàn) số tiền như sau: Bị cáo Đinh Văn D phải bồi thường là 149.400.000 đồng, trừ 2.000.000 đồng đã bồi thường trước, bị cáo còn phải bồi thường 147.400.000 đồng; Bị cáo Đinh Văn T phải bồi thường là 149.400.000 đồng, trừ 2.000.000 đồng đã bồi thường trước, bị cáo còn phải bồi thường 147.400.000 đồng.

[10] Về xử lý vật chứng:

[10.1] Tịch thu sung công quỹ Nhà nước 01 (một) máy cắt cầm tay có tổng chiều dài 177cm, động cơ hiệu TJ27 KAWASAKI màu nâu, đỏ, đen; thân máy hình trụ tròn bằng kim loại có chiều dài 150cm; có 01 dây đeo vai màu đen, kích thước 122cm × 4cm. Trên thân máy tại vị trí cách động cơ 45cm có gắn tay cầm bằng kim loại, tay cầm bên trái gắn một thanh kim loại tròn dài 15cm, đường kính 0,5cm. Trên đầu máy cắt có gắn một lưỡi cắt bằng kim loại hình chữ nhật kích thước 34cm x 8cm.

[10.2] Tịch thu tiêu hủy gồm: 01 (một) cái rựa tổng chiều dài 36cm, phần cán rựa bị gãy; lưỡi rựa bằng kim loại dài 26cm, bản rộng 4cm; phần chuôi rựa dài 10cm được bọc bởi 01 khuy bằng kim loại dài 8cm; 01 (một) cái rựa bị gãy mũi có tổng chiều dài 66cm; lưỡi rựa bằng kim loại dài 26cm, bản rộng 3,8cm; phần khuy bằng kim loại dài 8cm; cán rựa bằng gỗ dài 32cm; 01 (một) cái rựa có tổng chiều dài 60,5cm; lưỡi rựa bằng kim loại dài 28,5cm, bản rộng 4cm; phần khuy bằng kim loại dài 8cm; cán rựa bằng gỗ dài 24cm; 01 (một) cái rựa có tổng chiều dài 51,8cm; lưỡi rựa bằng kim loại dài 26,5cm, bản rộng 3,8cm; phần khuy bằng kim loại dài 9,3cm; cán rựa bằng gỗ dài 16cm.

[11] Trong vụ án này, khi bị cáo Đinh Văn D, bị cáo Đinh Văn T cùng những người làm công thực hiện hành vi phá rừng, thì có Đinh Thị Ph (vợ D) và Phạm Thị Th (vợ T), có đi đến khu phá rừng. Nhưng sự tham gia của bà Ph và bà Th là không nhiều, là vợ của các bị cáo trong vụ án, chỉ tham gia nấu ăn phục vụ cho những người phát rừng, không trực tiếp chặt phá cây rừng nên cơ quan Điều tra không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Ph, Th trong vụ án mà chỉ giáo dục, nắc nhở về hành vi vi phạm là có căn cứ.

[12] Kiểm sát viên tại phiên tòa đề nghị áp dụng điểm, khoản, Điều luật, hình phạt tù đối với bị cáo Đinh Văn D và Đinh Văn T là phù hợp với quy định của pháp luật và nhận định của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận.

[13] Người bào chữa cho bị cáo Đinh Văn D và Đinh Văn T đều đề nghị áp dụng điểm, khoản, Điều luật, hình phạt tù đối với bị cáo Đinh Văn D và Đinh Văn T là phù hợp với quy định của pháp luật và nhận định của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận.

[14] Về án phí HSST, DSST: Các bị cáo là cá nhân thuộc hộ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và xin miễn nộp tiền án phí nên được miễn nộp theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào điểm d khoản 3 Điều 243; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 54, Điều 17 và Điều 38; điểm a khoản 1 Điều 46; Điều 47 của Bộ luật hình sự;

Căn cứ vào Điều 106; Điều 135, 136 của Bộ luật tố tụng hình sự; Căn cứ vào các Điều 584, 585, 586 và Điều 589 của Bộ luật dân sự;

Căn cứ vào điểm đ khoản 1 Điều 12 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa 14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1. Về tội danh: Tuyên bố bị cáo Đinh Văn D và Đinh Văn T phạm tội “Hủy hoại rừng”.

2. Về hình phạt:

2.1. Xử phạt bị cáo Đinh Văn D 03 (Ba) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt đi thi hành án.

2.2. Xử phạt bị cáo Đinh Văn T 03 (Ba) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt đi thi hành án.

3. Về trách nhiệm dân sự: Buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường cho Nguyên đơn dân sự (Ban quản lý rừng đặc dụng An Toàn, huyện An Lão, tỉnh Bình Định), mỗi bị cáo phải bồi thường số tiền là:

3.1. Bị cáo Đinh Văn D bồi thường là 149.400.000 đồng, trừ 2.000.000 đồng đã bồi thường trước, bị cáo còn phải bồi thường 147.400.000 đồng.

3.2. Bị cáo Đinh Văn T bồi thường là 149.400.000 đồng, trừ 2.000.000 đồng đã bồi thường trước, bị cáo còn phải bồi thường 147.400.000 đồng.

3.3. Tiếp tục tạm giữ số tiền 4.000.000 đồng (Bốn triệu đồng), mà bị cáo Đinh Văn D và Đinh Văn T đã nộp để đảm bảo việc thi hành án, theo giấy nộp tiền vào tài khoản lập ngày 05/01/2023, nộp vào tài khoản số: 3949.0.9042379.00000 tại Kho bạc Nhà nước An Lão.

4. Giao Ban quản lý rừng đặc dụng An Toàn, huyện An Lão, tỉnh Bình Định tiếp tục bảo vệ và quản lý diện tích 11.207 m2 tại lô số 2, khoảnh 6, tiểu khu 51 do Đinh Văn D và Đinh Văn T hủy hoại.

5. Về xử lý vật chứng:

5.1. Tịch thu sung công quỹ Nhà nước 01 (một) máy cắt cầm tay có tổng chiều dài 177cm, động cơ hiệu TJ27 KAWASAKI màu nâu, đỏ, đen; thân máy hình trụ tròn bằng kim loại có chiều dài 150cm; có 01 dây đeo vai màu đen, kích thước 122cm × 4cm. Trên thân máy tại vị trí cách động cơ 45cm có gắn tay cầm bằng kim loại, tay cầm bên trái gắn một thanh kim loại tròn dài 15cm, đường kính 0,5cm. Trên đầu máy cắt có gắn một lưỡi cắt bằng kim loại hình chữ nhật kích thước 34cm x 8cm.

5.2. Tịch thu tiêu hủy gồm: 01 (một) cái rựa tổng chiều dài 36cm, phần cán rựa bị gãy; lưỡi rựa bằng kim loại dài 26cm, bản rộng 4cm; phần chuôi rựa dài 10cm được bọc bởi 01 khuy bằng kim loại dài 8cm; 01 (một) cái rựa bị gãy mũi có tổng chiều dài 66cm; lưỡi rựa bằng kim loại dài 26cm, bản rộng 3,8cm; phần khuy bằng kim loại dài 8cm; cán rựa bằng gỗ dài 32cm; 01 (một) cái rựa có tổng chiều dài 60,5cm; lưỡi rựa bằng kim loại dài 28,5cm, bản rộng 4cm; phần khuy bằng kim loại dài 8cm; cán rựa bằng gỗ dài 24cm; 01 (một) cái rựa có tổng chiều dài 51,8cm; lưỡi rựa bằng kim loại dài 26,5cm, bản rộng 3,8cm; phần khuy bằng kim loại dài 9,3cm; cán rựa bằng gỗ dài 16cm.

(Theo biên bản giao, nhận đồ vật, tài liệu, vật chứng ngày 03/4/2023, giữa Công an huyện An Lão và Chi cục Thi hành án dân sự huyện An Lão).

6. Về án phí HSST, DSST: Các bị cáo là cá nhân thuộc diện hộ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nên được miễn án phí theo quy định của pháp luật.

7. Về quyền kháng cáo: Bị cáo và những người tham gia tố tụng tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

8. Về quyền, nghĩa vụ thi hành án:

8.1. Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.

8.2. Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án Dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án Dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án Dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

151
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội hủy hoại rừng số 10/2023/HS-ST

Số hiệu:10/2023/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện An Lão - Bình Định
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:02/08/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về