Bản án về tội hủy hoại rừng số 09/2022/HS-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN ĐĂK GLEI, TỈNH KON TUM

BẢN ÁN 09/2022/HS-ST NGÀY 21/09/2022 VỀ TỘI HỦY HOẠI RỪNG

Ngày 21 tháng 9 năm 2022 tại Hội trường Ủy ban nhân dân xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum. Tòa án nhân dân huyện Đăk Glei mở phiên tòa xét xử công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 08/2022/TLST - HS ngày 04/8/2022 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 08/2022/HSST - QĐ ngày 31/8/ 2022 và Quyết định hoãn phiên toà số 01/2022/HSST - QĐ ngày 15/9/2022 đối với các bị cáo:

1. A M1; Sinh ngày 01/01/1962 tại Kon Tum; Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và chỗ ở hiện nay: Thôn Làng Đ, xã M, huyện Đ, tỉnh Kon Tum; Giới tính: Nam; Quốc tịch: Việt nam; Dân tộc: Xơ Đăng; Tôn giáo: Không; Nghề nghiệp: Làm nông; Trình độ học vấn: 3/10; con ông A T và bà Y N (cả hai ông bà đã chết); bị cáo có vợ là Y O, sinh năm 1963; bị cáo có 03 người con, con lớn nhất sinh năm1986, con nhỏ nhất sinh năm 1996.

Tiền án, tiền sự: Không; bị cáo bị áp dụng Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 06/6/2022 cho đến nay, có mặt tại phiên tòa.

2. A T; Sinh ngày 06/7/1986 tại Kon Tum; Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và chỗ ở hiện nay: Thôn Làng Đ, xã M, huyện Đ, tỉnh Kon Tum; Giới tính: Nam; Quốc tịch: Việt nam; Dân tộc: Xơ Đăng; Tôn giáo: Không; Nghề nghiệp: Làm nông; trình độ học vấn: 7/12; Con ông A M1 và bà Y O; bị cáo có vợ là Y H, sinh năm 1986; bị cáo có 02 người con, con lớn nhất sinh năm 2008, con nhỏ nhất sinh năm 2013.

Tiền án, tiền sự: Không; Bị cáo bị áp dụng Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 06/6/2022 cho đến nay, có mặt tại phiên tòa.

3. A M; Sinh ngày 01/01/1996 tại Kon Tum; Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và chỗ ở hiện nay: Thôn Làng Đ, xã M, huyện Đ, tỉnh Kon Tum; Giới tính: Nam; Quốc tịch: Việt nam; Dân tộc: Xơ Đăng; Tôn giáo: Không; Nghề nghiệp: Làm nông; Trình độ học vấn: 4/12; Con ông A M1 và bà Y O; bị cáo có vợ là Y M, sinh năm 1995; Bị cáo có 03 người con, con lớn nhất sinh năm 2014, con nhỏ nhất sinh năm 2022.

Tiền án, tiền sự: Không; Bị cáo bị áp dụng Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 06/6/2022 cho đến nay, có mặt tại phiên tòa.

4. Y H; Sinh ngày 08/8/1986 tại Kon Tum; Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và chỗ ở hiện nay: Thôn Làng Đ, xã M, huyện Đ, tỉnh Kon Tum; Giới tính: Nữ; Quốc tịch: Việt nam; Dân tộc: Xơ Đăng; Tôn giáo: Không; Nghề nghiệp: Làm nông; Trình độ học vấn: 8/12; Con ông A I và bà Y B; bị cáo có chồng là A T, sinh năm 1986; Bị cáo có 02 người con, con lớn nhất sinh năm 2008, con nhỏ nhất sinh năm 2013.

Tiền án, tiền sự: Không; Bị cáo bị áp dụng Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 06/6/2022 cho đến nay, có mặt tại phiên tòa.

5. Y M; Sinh ngày 03/9/1995 tại Kon Tum; Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và chỗ ở hiện nay: Thôn Làng Đ, xã M, huyện Đ, tỉnh Kon Tum; Giới tính: Nữ; Quốc tịch: Việt nam; Dân tộc: Xơ Đăng; Tôn giáo: Không; Nghề nghiệp: Làm nông; Trình độ học vấn: 8/12; Con ông A B và bà Y M; bị cáo có chồng là A M, sinh năm 1996; Bị cáo có 03 người con, con lớn nhất sinh sinh 2014, con nhỏ nhất sinh năm 2022.

Tiền án, tiền sự: Không; Bị cáo bị áp dụng Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 06/6/2022 cho đến nay, có mặt tại phiên tòa.

- Nguyên đơn dân sự: Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh

+ Người đại diện theo pháp luật: Ông Đinh Ngọc T – Chức vụ: Giám đốc.

+ Người đại diện theo ủy quyền: Ông Lê Viết T – Chức vụ: Phó giám đốc (Có mặt)

- Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

+ Đinh Duy H; sinh 1980; nơi cư trú: Thôn Đ, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Kon Tum (Có mặt) + A B; sinh năm 1995; nơi cư trú: Thôn Đ, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Kon Tum (Có mặt).

+ Dương Văn Anh D; sinh sinh 1981; nơi cú trú: Đường Nguyễn Hữu T, Phường N, Thành phố K, tỉnh Kon Tum (Có mặt).

- Người làm chứng:

+ A H; sinh năm 1991; nơi cư trú: Thôn L, xã M, huyện Đ, tỉnh Kon Tum (Có mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Do muốn có thêm đất sản xuất, ngày 19/12/2021 các bị cáo A M1, A T, A M, Y H, Y M mang theo dao rựa đi bộ vào khu vực rừng đặc dụng lâm phần do Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh quản lý. Thuộc địa giới hành chính xã M, huyện Đ, tỉnh Kon Tum để chặt cây rừng với mục đích lấy đất sản xuất. Việc chặt cây được bị cáo thực hiện từ khoảng 7 giờ 30 phút sáng đến 11 giờ và buổi chiều từ 13 giờ đến 16 giờ chiều cùng ngày. Diện tích rừng bị chặt là 3.331,1 m2. Kết quả khám nghiệm hiện trường xác định: Hiện trường khu rừng bị chặt thuộc lô 5, lô 10 khoảnh 1, tiểu khu 85 lâm phần do Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, huyện Đăk Glei quản lý thuộc địa giới hành chính xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum. Hiện trạng rừng bị chặt phá là rừng Thường xanh phục và thường xanh trung bình; loại rừng tự nhiên; chức năng Rừng đặc dụng. Số cây rừng bị chặt hạ bằng dao rựa; số cây vẫn còn nguyên tại hiện trường (đã được giao cho Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh quản lý bảo vệ). Qua kiểm đếm xác định có 55 cây gỗ, chủng loại cây: Dẻ trắng 08 cây; 47 cây chưa xác định được chủng loại và một số cây tạp tổng khối lượng là 1,578 m3. Đa số cây bị chặt hạ có đường kính nhỏ, phẩm chất xấu, dễ bị am mục, mối mọt.

Kết luận định giá tài sản số 05/KL-HĐ ngày 01/7/2022 xác định tổng giá trị thiệt hại là 3.443.700 đồng (Ba triệu bốn trăm bốn mươi ba nghìn bảy trăm đồng).

Cáo trạng số 05/CT - VKS ngày 02/8/2022 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Đăk Glei truy tố các bị cáo A M1, A T, A M, Y H, Y M về tội “Hủy hoại rừng” theo điểm g khoản 2 Điều 243 của Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Tại phiên tòa đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Đăk Glei vẫn giữ nguyên quyết định truy tố và đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng: Điểm g khoản 2 Điều 243; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38; Điều 17 của Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo A M1từ 36 đến 42 tháng tù; áp dụng điểm g khoản 2 Điều 243;

điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38; khoản 1 Điều 54; Điều 17 của Bộ luật hình sự xử phạt các bị cáo A T, A M mỗi bị cáo từ 28 đến 32 tháng tù. Áp dụng điểm g khoản 2 Điều 243, Điều 17; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; khoản 1 Điều 54; Điều 65 của Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo Y H, Y M mỗi bị cáo từ 24 đến 30 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách từ 48 đến 60 tháng, giao các bị cáo Y H, Y M cho UBND xã Mường Hoong huyện Đăk Glei giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.

Về hình phạt bổ sung: Xét thấy các bị cáo làm nông, không có thu nhập ổn định, điều kiện kinh tế khó khăn do vậy đề nghị Hội đồng xét xử miễn hình phạt bổ sung đối với các bị cáo theo quy định tại khoản 4 Điều 243 của Bộ luật hình sự.

Về xử lý vật chứng: Xét thấy 04 (Bốn) dao rựa là công cụ thực hiện hành vi phạm tội, không còn giá trị sử dụng nên đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm a khoản 1 Điều 47 của Bộ luật hình sự; điểm c khoản 2 Điều 106 của Bộ luật tố tụng hình sự tịch thu tiêu hủy.

Đối với 55 (Năm mươi lăm) cây gỗ. Chủng loại cây: Dẻ trắng 08 cây; 47 cây chưa xác định được chủng loại và cây tạp. Đa số cây bị chặt hạ có đường kính nhỏ, tổng khối lượng là 1,578 m3. Vì đồi núi hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, không thu gom được số gỗ này. Trong giai đoạn điều tra cơ quan điều tra đã giao cho Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh quản lý bảo vệ. Trong giai đoạn truy tố và xét xử nguyên đơn dân sự Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh kiểm tra lập biên bản xác định số gỗ tang vật này đã bị mối, mọt, mục nát hư hỏng toàn bộ. Do vậy, đề nghị Hội đồng xét xử giao cho Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh quản lý và xử lý số gỗ tang vật này theo quy định của pháp luật.

Về trách nhiệm dân sự: Các bị cáo A M1, A T, A M, Y H, Y M đã tự nguyện nộp số tiền 3.444.000 đồng để bồi thường khắc phục hậu quả. Đề nghị Hội đồng xét xử giao cho Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh quản lý, sử dụng vào việc phục hồi, chăm sóc rừng.

Về án phí hình sự sơ thẩm: Các bị cáo bị kết án phải chịu án phí theo quy định của pháp luật, tuy nhiên các bị cáo là người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và có đơn xin miễn án phí nên đề nghị Hội đồng xét xử miễn toàn bộ án phí hình sự sơ thẩm cho các bị cáo.

Tại phiên toà đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn dân sự: Ông Lê Viết T xuất trình một biên bản xác định thực tế về số gỗ tang vật (trong giai đoạn điều tra đã giao cho Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh quản lý). Biên bản thể hiện số gỗ trên đã bị mối mọt, mục nát hư hỏng toàn bộ và đề nghị Hội đồng xét xử xem xét xử lý.

Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có ý kiến gì.

Tại phiên tòa các bị cáo không có tranh luận gì, xin Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hành vi, Quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Các bị cáo, nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, người làm chứng không có ý kiến gì và cũng không khiếu nại gì về hành vi, Quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, Quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Hành vi của các bị cáo thể hiện: Ngày 19/12/2021 các bị cáo đã dùng dao rựa đi vào khu vực rừng đặc dụng thuộc lô 5, lô 10 và lô 12, khoảnh 1, tiểu khu 85 lâm phần do Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh quản lý. Thuộc địa giới hành chính xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum để chặt cây rừng với diện tích 3.331,1 m2, mục đích lấy đất làm rẫy. Toàn bộ diện tích rừng bị hủy hoại được xác định là rừng đặc dụng theo Quyết định số 01/2008/QĐ-UBND ngày 09/01/2008 của UBND tỉnh Kon Tum.

Kết luận định giá tài sản số 05/KL-HĐ ngày 01/7/2022 xác định tổng giá trị thiệt hại là 3.443.700đ (Ba triệu bốn trăm bốn mươi ba nghìn bảy trăm đồng).

Tại phiên tòa, các bị cáo đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Lời khai nhận tội của các bị cáo phù hợp với các lời khai tại cơ quan điều tra, phù hợp với lời khai của nguyên đơn dân sự, lời khai của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, lời khai của người làm chứng, biên bản khám nghiệm hiện trường và phù hợp với nội dung vụ án mà Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện Đăk Glei đã truy tố.

[3] Việc các bị cáo dùng dao rựa chặt hạ cây rừng tự nhiên, chức năng rừng đặc dụng với diện tích 3.331,1 m2 để lấy đất sản xuất đã phạm vào điểm g khoản 2 Điều 243 của Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện Đăk Glei truy tố các bị cáo về hành vi “Hủy hoại rừng” theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 243 Bộ luật hình sự là có căn cứ, đúng người, đúng tội.

Hành vi hủy hoại rừng của các bị cáo là rất nguy hiểm cho xã hội, vi phạm các quy định của Nhà nước về bảo vệ rừng; gây thiệt hại nghiêm trọng đến sự ổn định bền vững của môi trường sinh thái. Tại thời điểm phạm tội các bị cáo có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự; đã được tuyên truyền nội dung của Luật Bảo vệ và phát triển rừng và các văn bản của Nhà nước có liên quan nhưng vẫn cố tình vi phạm. Vì vậy, cần phải xử lý nghiêm minh.

[4]. Đây là vụ án đồng phạm nhưng mang tính chất giản đơn, tuy các bị cáo có sự thống nhất ý chí từ trước, có sự chuẩn bị công cụ, phương tiện phạm tội nhưng không có sự bàn bạc, phân công trách nhiệm từng đồng phạm.

Đối với bị cáo A M1 là người chủ mưu, khởi xướng và là người thực hành tích cực, do vậy phải chịu mức hình phạt cao hơn các bị cáo khác. Hội đồng xét xử xét thấy cần buộc bị cáo phải cách ly ra khỏi đời sống xã hội một thời gian mới đủ điều kiện để cải tạo, giáo dục đối với bị cáo và phòng ngừa chung.

Đối với bị cáo A T và bị cáo A M là người thực hành tích cực, khi nghe A M1 khởi xướng là thống nhất và cũng chuẩn bị công cụ là dao rựa để tham gia chặt phá rừng. Do vậy hai bị cáo phải chịu mức hình phạt ngang nhau và buộc các bị cáo A T và A M phải cách ly ra khỏi đời sống xã hội một thời gian để cải tạo, giáo dục và phòng ngừa chung.

Đối với bị cáo Y H và Y M là người thực hành, nhưng tính chất mức độ hành vi phạm tội thấp hơn các bị cáo A M1, A T, A M. Do vậy các bị cáo phải chịu mức hình phạt ngang nhau và nhẹ hơn các bị cáo A M1, A T, A M. Hơn nữa các bị cáo còn nuôi con nhỏ (bị cáo Y H, con nhỏ nhất sinh 2013; bị cáo Y M, con nhỏ nhất sinh năm 2022). Hội đồng xét xử nhận thấy không cần thiết phải cách ly bị cáo Y H và bị cáo Y M ra khỏi đời sống xã hội mà vẫn đảm bảo răn đe giáo dục các bị cáo và phòng ngừa chung. Vì vậy, cần áp dụng Điều 65 của Bộ luật hình sự cho các bị cáo Y H, Y M được hưởng án treo để có thời gian chăm sóc con nhỏ.

[5] Về các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Các bị cáo không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa các bị cáo đã thành khẩn khai nhận tội và tỏ ra ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình; trong giai đoạn chuẩn bị xét xử đã tự nguyện nộp 3.444.000 đồng để khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của các bị cáo đã gây ra; các bị cáo đều có nhân thân tốt là người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nhận thức còn nhiều hạn chế. Đây là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 của Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Đối với các bị cáo A T, A M, Y H, Y M có 2 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự và tình tiết giảm nhẹ được quy định ở khoản 2 Điều 51 của Bộ luật hình sự. Do vậy, Hội đồng xét xử xét thấy cần áp dụng khoản 1 Điều 54 của Bộ luật hình sự để giảm nhẹ một phần hình phạt cho các bị cáo để các bị cáo thấy được sự khoan hồng của pháp luật mà tích cực cải tạo.

Đối với bị cáo A M1, cũng có 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự và tình tiết giảm nhẹ được quy định ở khoản 2 Điều 51 của Bộ luật hình sự, nhưng tích chất mức độ hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm hơn. Do vậY H đồng xét xử nhận thấy không áp dụng khoản 1 Điều 54 của Bộ luật hình sự đối với bị cáo A M1 mới đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và phòng ngừa chung.

Việc các bị cáo xin được hưởng án treo, Hội đồng xét xử thấy rằng: Trong những năm gần đây hiện tượng chặt phá, đốt rừng làm nương rẫy ngày càng nhiều; các vụ án vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng ngày càng gia tăng về số lượng; diện tích rừng bị hủy hoại ngày càng lớn; tính chất, mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng. Tại thời điểm phạm tội các bị cáo đều nhận thức được hành vi chặt phá rừng để lấy đất làm rẫy là vi phạm pháp luật, nhưng vẫn cố tình thực hiện. Hành vi hủy hoại rừng của bị cáo là nghiêm trọng. Vì vậy, cần phải xử phạt nghiêm minh, áp dụng hình phạt tù đối với bị cáo A M1, A T, A M mới có tác dụng răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.

[6]. Về hình phạt bổ sung: Hội đồng xét xử xét thấy các bị cáo không có nghề nghiệp và thu nhập ổn định, thu nhập chủ yếu là làm nông, điều kiện kinh tế khó khăn do vậY H đồng xét xử xét thấy miễn hình phạt bổ sung đối với các bị cáo là phù hợp với quy định của pháp luật.

[7] Về trách nhiệm dân sự: Diện tích rừng các bị cáo hủy hoại đã được nhà nước giao cho Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh quản lý, chăm sóc, bảo vệ; có nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Do vậy, Hội đồng xét xử xét thấy cần giao số tiền 3.444.000 đồng (Ba triệu bốn trăm bốn mươi bốn nghìn đồng) theo biên lai thu số AA/2021/0001306 ngày 16/8/2022 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum mà các bị cáo nộp khắc phục thiệt hại cho Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh quản lý, sử dụng chăm sóc phục hồi rừng.

[8]. Về xử lý vật chứng:

Đối với 55 (Năm mươi lăm) cây gỗ. Chủng loại cây: Dẻ trắng 08 cây và 47 cây chưa xác định được chủng loại. Đa số cây bị chặt hạ có đường kính nhỏ, tổng khối lượng là 1,578 m3. Số gỗ trên tại hiện trường (lô 5, lô 10, khoảnh 1, tiểu khu 85 lâm phần do Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh quản lý), trong quá trình điều tra, cơ quan cảnh sát điều tra đã giao cho Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh quản lý, bảo vệ. Theo biên bản kiểm tra hiện trạng số gỗ tang vật tại hiện trường ngày 20/9/2022 giữa nguyên đơn dân sự Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh và Uỷ ban nhân dân xã Mường Hoong xác nhận số gỗ tang vật trên đã bị mối, mọt, mại, mục hư hỏng toàn bộ. Do vậy Hội đồng xét xử xét thấy cần giao số gỗ tang vật này cho Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh quản lý và xử lý theo quy định của pháp luật.

Đối với 04 dao rựa là công cụ thực hiện hành vi phạm tội, không còn giá trị sử dụng nên cần áp dụng điểm a khoản 1 Điều 47 của Bộ luật hình sự; điểm c khoản 2 Điều 106 của Bộ luật tố tụng hình sự tịch thu tiêu hủy.

[9]. Trong vụ án này còn có những người liên quan:

- Đối với A Hiền: Trong quá trình điều tra xác định, trong 02 ngày từ 18 đến 19/12/2021 A Hiền đã thực hiện hành vi chặt phá rừng tại lô 10 khoảnh 1 tiểu khu 85 với diện tích là 571 m2. Tuy nhiên, hậu quả của hành vi chưa đủ định lượng để xử lý về hình sự, do vậy Hạt kiểm lâm huyện Đăk Glei đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với A Hiền về hành vi phá rừng trái phép với số tiền 87.500.000 đồng là đúng quy định của pháp luật, vì vậy Hội đồng xét xử không xem xét.

- Đối với A B và Đinh Duy H: A B là nhân viên Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, trực tiếp được giao quản lý bảo vệ rừng tại lô 5, 10, khoảnh 1 tiểu khu 85, ngoài ra A B còn được phân công quản lý, bảo vệ các khoảnh 1, 2, 3, 4, 5 Tiểu khu 78, khoảnh 2, 3 Tiểu khu 85; khoảnh 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 Tiểu khu 81. Trong 02 ngày 18 và 19/12/2021 A B tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng tại tiểu khu 81, 82. Ngày 20/12/2021 A B và A T (Nhân viên BQL khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh) tuần tra tại tiểu khu 85 thì phát hiện sự việc vi phạm và đã báo cho Đinh Duy H là phụ trách Trạm quản lý bảo vệ rừng xã Mường Hoong. Đinh Duy H cùng A B, A T đến hiện trường kiểm tra, xác minh, đo đếm, truy tìm đối tượng đã xác định được A M1, A H là hai đối tượng thực hiện hành vi chặt phá rừng.

Để xảy ra sự việc chặt phá rừng, trước hết trách nhiệm thuộc về A B (Người được giao quản lý, bảo vệ rừng tại tiểu khu 85). Đinh Duy H là phụ trách Trạm cũng phải chịu một phần trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc nhân viên. Tuy nhiên, hành vi của Đinh Duy H, A B không đủ yếu tố cấu thành tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 360 của Bộ luật Hình sự. Do vậy, Hội đồng xét xử không xem xét.

- Đối với Dương Văn Anh D, là Kiểm lâm địa bàn xã Mường Hoong, có nhiệm vụ tham mưu, giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch, phương án về quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp; phối hợp với các cơ quan, tổ chức, lực lượng khác trên địa bàn bảo vệ rừng thuộc sở hữu toàn dân nơi Nhà nước chưa giao, chưa cho thuê…Hơn nữa, diện tích rừng bị khai thác trái pháp luật xảy ra tại Tiểu khu 85 đã được giao cho Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh huyện Đăk Glei trực tiếp quản lý nên không thuộc trách nhiệm của Kiểm lâm địa bàn (Về trách nhiệm trực tiếp theo quy định về phân cấp, phân quyền và quyền, nghĩa vụ được pháp luật quy định đối với chủ rừng và các cá nhân, tổ chức quản lý rừng theo quy định tại Điều 74 và 103 Luật lâm nghiệp năm 2017). Do đó, hành vi không kịp thời phát hiện và báo cáo vụ việc của Dương Văn Anh D không đủ yếu tố cấu thành tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 360 của Bộ luật Hình sự. Do đó Hội đồng xét xử không xem xét trách nhiệm hình sự đối với Dương Văn Anh D.

[10] Về án phí: Các bị cáo bị kết án nên phải chịu án phí hình sự thẩm sơ theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, các bị cáo là người dân tộc thiểu số, hiện đang sinh sống tại vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và có đơn xin miễn án phí, nên Hội đồng xét xử miễn toàn bộ tiền án phí hình sự sơ thẩm cho các bị cáo.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Tuyên bố: Các bị cáo A M1, A T, A M, Y H, Y M phạm tội “Hủy hoại rừng”. Căn cứ điểm g khoản 2 Điều 243; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 17; Điều 38 của Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Xử phạt: Bị cáo A M136 (Ba mươi sáu) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án.

Căn cứ điểm g khoản 2 Điều 243; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; khoản 1 Điều 54; Điều 17; Điều 38 của Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Xử phạt bị cáo A T 30 (Ba mươi) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án.

Xử phạt bị cáo A M 30 (Ba mươi) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án.

Căn cứ điểm g khoản 2 Điều 243; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; khoản 1 Điều 54; Điều 17; Điều 65 của Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Xử phạt bị cáo Y H 24 (Hai mươi bốn) tháng tù, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 48 tháng, tính từ ngày tuyên án sơ thẩm ngày 21/9/2022.

Xử phạt bị cáo Y M 24 (Hai mươi bốn) tháng tù, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 48 tháng, tính từ ngày tuyên án sơ thẩm ngày 21/9/2022.

Giao các bị cáo Y H, Y M cho UBND xã Mường Hoong huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.

Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật hình sự.

Về trách nhiệm dân sự: Giao số tiền 3.444.000 đồng (Ba triệu bốn trăm bốn mươi bốn nghìn) mà các bị cáo nộp khắc phục thiệt hại cho Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh quản lý, sử dụng chăm sóc phục hồi rừng.

(Theo biên lai thu số AA/2021/0001306 ngày 16/8/2022 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum).

Về xử lý vật chứng của vụ án: Áp dụng điểm c khoản 2 Điều 106 của Bộ luật tố tụng hình sự; điểm a khoản 1 Điều 47 của Bộ luật hình sự;

Tịch thu tiêu hủy 04 (Bốn) dao rựa là công cụ thực hiện hành vi phạm tội, không còn giá trị sử dụng.

(Vật chứng có đặc điểm nhận dạng như tại biên bản giao nhận vật chứng giữa Cơ quan điều tra công an huyện Đăk Glei và Chi cục thi hành án dân sự huyện Đăk Glei ngày 09/8/2022).

Giao 55 (Năm mươi lăm) cây gỗ, chủng loại cây: Dẻ trắng 08 cây và 47 cây chưa xác định được chủng loại. Đã bị mối, mọt, mại, mục hư hỏng. Tổng khối lượng là 1,578m3. Số gỗ trên tại hiện trường (lô 5, lô 10, khoảnh 1, tiểu khu 85 khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh) cho nguyên đơn dân sự là Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh quản lý và xử lý theo quy định của pháp luật.

Về án phí: Áp dụng khoản 2 Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, khoản 1, khoản 3 điều 21; điểm a, c khoản 1 Điều 23; điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Miễn toàn bộ tiền án phí hình sự sơ thẩm cho các bị cáo.

Căn cứ Điều 331, Điều 333 Bộ luật tố tụng hình sự; các bị cáo; nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm (21/9/2022).

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

104
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội hủy hoại rừng số 09/2022/HS-ST

Số hiệu:09/2022/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Đắk Glei - Kon Tum
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 21/09/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về