Bản án về tội hủy hoại rừng số 03/2024/HS-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN LÂM BÌNH, TỈNH TUYÊN QUANG

BẢN ÁN 03/2024/HS-ST NGÀY 12/04/2024 VỀ TỘI HỦY HOẠI RỪNG

Ngày 12 tháng 4 năm 2024, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 06/2024/TLST-HS, ngày 03/4/2024 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 04/2024/QĐXXST-HS ngày 03/4/2024 đối với bị cáo:

Lý Văn N, tên gọi khác: Không; Giới tính: Nam; Sinh ngày 21/11/1971; Nơi thường trú: Thôn T, xã H, huyện L, tỉnh Tuyên Quang; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Dao; Tôn giáo: Không; Trình độ học vấn: Không biết chữ; Nghề nghiệp: Làm ruộng; Đảng, chính quyền, đoàn thể: Không; Họ tên bố: Lý Văn N1 (Đã chết); Họ tên mẹ: Lý Thị B, sinh năm 1943; Anh, chị em ruột: Có 11 người, bị cáo là thứ ba; Vợ: Đặng Thị T, sinh năm 1971; Con: Có 02 con, con lớn sinh năm 1993, con nhỏ sinh năm 1994; Tiền án, tiền sự: Không.

Hiện bị cáo đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú (có mặt tại phiên tòa).

- Người bào chữa cho bị cáo: Bà Hà Minh P - Luật sư thuộc văn phòng luật sư M - Đoàn luật sư tỉnh Tuyên Quang (có mặt tại phiên tòa).

- Nguyên đơn dân sự: Ủy ban nhân dân xã H, huyện L, tỉnh Tuyên Quang; Địa chỉ: Thôn N, xã H, huyện L, tỉnh Tuyên Quang do ông Phù Đức L, chức vụ: Chủ tịch UBND xã H làm đại diện theo pháp luật.

Người đại diện theo ủy quyền ông Ma Đình Q, chức vụ: Phó Chủ tịch UBND xã H (có mặt tại phiên tòa).

- Người làm chứng: Ông Lý Văn T1, sinh năm 1981; Địa chỉ: Thôn T, xã H, huyện L, tỉnh Tuyên Quang (vắng mặt, có đơn xin xét xử vắng mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng cuối tháng 11/2023, Lý Văn N, sinh năm 1971, trú tại thôn T, xã H, huyện L một mình mang theo 01 con dao quắm dài 53cm, phần bản dao rộng nhất 04cm lên khu vực rừng tự nhiên thuộc Lô 5 khoảnh 22B, chức năng rừng sản xuất, trạng thái rừng tự nhiên hỗn giao (HG1) (theo bản đồ phân ba loại rừng ban hành kèm theo Quyết định 1859/QĐ-UBND ngày 31/12/2016 của UBND tỉnh Tuyên Quang) thuộc khu vực K, thôn T, xã H, huyện L để chặt, phát cây bụi và cây thân gỗ thông thường. Khoảng 01 tuần sau, N phát dọn xong đợi khô để dọn và xử lý thực bì rồi trồng cây Giang, nhưng chưa kịp làm thì đến ngày 25/12/2023 tổ công tác Hạt kiểm lâm huyện Lâm Bình phối hợp với Công an xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình tuần tra phát hiện.

Tại biên bản khám nghiệm hiện trường hồi 13 giờ 45 phút ngày 26/12/2023 của Hạt kiểm lâm huyện Lâm Bình xác định diện tích rừng Lý Văn N chặt, phá trái phép là 8.630m2 thuộc lô 5 khoảnh 22B, chức năng rừng sản xuất, trạng thái rừng tự nhiên hỗn giao (HG1), thuộc thôn T, xã H, huyện L, tỉnh Tuyên Quang. Lâm sản bị thiệt hại gồm 1.944 cây nứa, đường kính trung bình là 05cm, chiều dài thân cây là 06m; 106 cây nứa Nhùng, đường kính trung bình 04cm, chiều dài thân cây 06m; 24 cây thân gỗ bị chặt hạ từ nhóm V đến nhóm VIII, khối lượng 2,024m³; 0,360m³ củi.

Kết luận định giá tài sản số: 02/KL-ĐGTS ngày 19/01/2024 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện Lâm Bình kết luận: Tổng trị giá tài sản Lý Văn N hủy hoại rừng là 8.060.860 đồng.

* Về vật chứng: Cơ quan cảnh sát điều tra đã tạm giữ 01 (Một) con dao quắm chuôi gỗ, chất liệu bằng kim loại có tổng chiều dài cả chuôi là 53cm, phần bản dao rộng nhất là 04 cm, chuôi dao dài 25cm. Đối với 2,024m³ gỗ; 0,360m³ củi và 2.050 cây nứa đã tạm giao cho UBND xã H quản lý theo quy định.

* Về dân sự: UBND xã H yêu cầu bị cáo bồi thường trách nhiệm dân sự theo quy định của pháp luật. Quá trình điều tra bị cáo Lý Văn N đã tự nguyện trồng cây trên toàn bộ diện tích rừng chặt phá với tổng số tiền 9.120.000 đồng. Sau khi Lý Văn N tự nguyện khắc phục hậu quả UBND xã H không yêu cầu bồi thường gì thêm.

Cáo trạng số 06/CT-VKSLB ngày 02/4/2024 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang truy tố bị cáo Lý Văn N về tội “Hủy hoại rừng” theo điểm b khoản 1 Điều 243 của Bộ luật Hình sự.

Kết thúc phần xét hỏi, đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang giữ nguyên quyết định truy tố đối với bị cáo N về tội danh, điều luật đã nêu trong Cáo trạng và đề nghị Hội đồng xét xử:

Về tội danh: Đề nghị tuyên bố bị cáo Lý Văn N phạm tội “Hủy hoại rừng”.

Về hình phạt chính: Áp dụng điểm b khoản 1 Điều 243; các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38 của Bộ luật Hình sự, đề nghị xử phạt bị cáo Lý Văn N từ 01 năm đến 01 năm 03 tháng tù, thời hạn tù từ ngày bị cáo chấp hành án.

Về hình phạt bổ sung: Không áp dụng.

Về trách nhiệm dân sự: Tại phiên tòa đại diện của nguyên đơn dân sự không yêu cầu bị cáo phải bồi thường, nên không đề nghị xem xét.

Về xử lý vật chứng: Áp dụng Điều 47, Điều 48 Bộ luật Hình sự; Điều 106 Bộ luật Tố tụng Hình sự. Tịch thu tiêu hủy 01 dao quắm của bị cáo dùng vào việc phạm tội.

(Tình trạng vật chứng như biên bản về việc giao nhận vật chứng, tài sản lập ngày 02/4/2024 giữa Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Lâm Bình và Chi cục Thi hành án dân sự huyện Lâm Bình).

Giao khối lượng 2,024m³ gỗ, 0,360m³ củi và 2.050 cây nứa tại hiện trường cho UBND xã H, huyện L để quản lý, xử lý theo quy định (theo biên bản bàn giao ngày 26/12/2023 lập giữa Hạt kiểm lâm huyện Lâm Bình và UBND xã H).

Ngoài ra đại diện Viện kiểm sát còn đề nghị miễn án phí hình sự sơ thẩm cho bị cáo (với lý do là dân tộc thiểu số cư trú tại vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, có đơn xin miễn án phí) và tuyên quyền kháng cáo bản án của bị cáo, nguyên đơn dân sự theo quy định của pháp luật.

Người bào chữa cho bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử: Áp dụng điểm b khoản 1 Điều 243; các điểm b, s khoản 1, khoản 2 (Bị cáo là dân tộc thiểu số cư trú ở vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, nhận thức và hiểu biết pháp luật còn nhiều hạn chế; bị cáo đã tự nguyện khắc phục hậu quả; đại diện nguyên đơn dân sự xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo và cho bị cáo hưởng án treo) Điều 51; Điều 65 của Bộ luật Hình sự, đề nghị xử phạt bị cáo Lý Văn N mức hình phạt thấp nhất trong khung hình phạt theo đề nghị của đại diện Viện kiểm sát và cho bị cáo được hưởng án treo theo quy định. Về trách nhiệm dân sự, không buộc bị cáo phải bồi thường. Về án phí, đề nghị miễn toàn bộ án phí hình sự sơ thẩm cho bị cáo.

Đại diện nguyên đơn dân sự: Không đề nghị bị cáo bồi thường gì thêm, đồng thời xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo và cho bị cáo được hưởng án treo.

Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình như nội dung cáo trạng đã nêu và phù hợp với các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án không có ý kiến tranh luận với luận tội, đề nghị của đại diện Viện kiểm sát. Lời nói sau cùng, bị cáo nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo và cho bị cáo hưởng án treo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung của vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về tố tụng: Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Lâm Bình, Điều tra viên; Viện kiểm sát nhân dân huyện Lâm Bình, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo, nguyên đơn dân sự, người làm chứng không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện là hợp pháp, phù hợp theo quy định của pháp luật. Tại phiên tòa, người làm chứng vắng mặt có đơn xin xét xử vắng mặt, Hội đồng xét xử căn cứ theo quy định tại Điều 293 Bộ luật tố tụng hình sự, xử theo thủ tục chung.

[2] Về hành vi phạm tội của bị cáo: Xác định vào khoảng cuối tháng 11/2023, tại khu vực rừng tự nhiên thuộc Lô 5 khoảnh 22B, chức năng rừng sản xuất, trạng thái rừng tự nhiên hỗn giao (HG1) (theo bản đồ phân ba loại rừng ban hành kèm theo Quyết định 1859/QĐ-UBND ngày 31/12/2016 của UBND tỉnh Tuyên Quang) thuộc khu vực K, thôn T, xã H, huyện L, Lý Văn N, sinh năm 1971, trú tại thôn T, xã H, huyện L có hành vi chặt, phát trái phép diện tích 8.630m2 rừng tự nhiên là rừng sản xuất do UBND xã H, huyện L quản lý. Lâm sản bị thiệt hại gồm 2,024m3 gỗ và 0,36m3 củi, 1.944 cây nứa, 106 cây nứa nhùng có tổng giá trị 8.060.860 đồng. Như vậy, đủ cơ sở xác định bị cáo Lý Văn N đã phạm tội Hủy hoại rừng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 243 của Bộ luật Hình sự.

[3] Về tính chất, mức độ thực hiện hành vi phạm tội, nhân thân, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo:

Bị cáo có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp. Bị cáo nhận thức được việc chặt phát rừng khi chưa được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền là vi phạm pháp luật nhưng vẫn thực hiện, mục đích chặt phá rừng là nhằm trồng cây khác để phát triển kinh tế gia đình và một phần nguyên nhân là do thiếu hiểu biết về pháp luật.

Về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Không có.

Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Bị cáo được áp dụng tình tiết giảm nhẹ TNHS: Tự nguyện khắc phục hậu quả; Thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; là người dân tộc thiểu số sống ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn, Ủy ban nhân dân xã nơi bị cáo cư trú xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo theo quy định tại điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự.

Hội đồng xét xử xét thấy, hành vi chặt phá rừng của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng của nhà nước, làm ảnh hưởng xấu đến môi trường, cần xử phạt bị cáo mức án nghiêm khắc, tương xứng tính chất, mức độ, hành vi phạm tội của bị cáo mới có tính răn đe và làm gương phòng ngừa chung. Tuy nhiên, bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, có nhân thân tốt, chưa có tiền án tiền sự, có nơi cư trú rõ ràng do đó không cần cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội mà xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo, giao bị cáo cho chính quyền địa phương nơi bị cáo cư trú giám sát giáo dục cũng đủ tác dụng giáo dục bị cáo thành công dân tốt và đảm bảo công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm chung.

[4] Về hình phạt bổ sung: Do bị cáo không có tài có giá trị, không có nghề nghiệp và thu nhập ổn định nên không áp dụng phạt tiền đối với bị cáo.

[5] Về trách nhiệm dân sự: Bị cáo gây thiệt hại về tài sản cho Nhà nước với tổng giá trị 8.060.860 đồng, đã tự nguyện trồng cây trên toàn bộ diện tích rừng chặt phá với tổng số tiền 9.120.000 đồng, do đó ghi nhận việc bị cáo đã bồi thường xong. Tại phiên toà đại diện hợp pháp của Nguyên đơn dân sự không yêu cầu bị cáo phải bồi thường thêm nên Hội đồng xét xử không xem xét. Đối với số tiền 1.059.140 đồng bị cáo bồi thường thừa (vượt quá thiệt hại thực tế), bị cáo tự nguyện bồi thường thêm, không đề nghị lấy lại nên HĐXX không xem xét.

[6] Về vật chứng vụ án: Hội đồng xét xử xét cần căn cứ Điều 47, Điều 48 Bộ luật Hình sự; Điều 106 Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Tịch thu tiêu hủy 01 dao quắm của bị cáo sử dụng vào việc phạm tội có tổng chiều dài cả chuôi 53cm, phần bản dao rộng nhất là 04 cm, chuôi dao dài 25cm, loại dao cũ đã qua sử dụng. Giao khối lượng 2,024m³ gỗ, 0,360m³ củi và 2.050 cây nứa tại hiện trường cho UBND xã H, huyện L để quản lý, xử lý theo quy định.

[7] Các vấn đề khác: Không.

[8] Về án phí, quyền kháng cáo: Bị cáo là dân tộc thiểu số, cư trú tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, có đơn xin miễn án phí, do đó miễn toàn bộ án phí hình sự sơ thẩm cho bị cáo.

Bị cáo, nguyên đơn dân sự có quyền kháng cáo bản án theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

- Căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 243; các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 65; Điều 47, 48 của Bộ luật Hình sự.

- Căn cứ các Điều 106, 293, 331, 333 Bộ luật Tố tụng hình sự;

- Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

Tuyên bố bị cáo Lý Văn N phạm tội "Hủy hoại rừng".

Xử phạt bị cáo Lý Văn N 01 (một) năm 03 (ba) tháng tù, cho hưởng án treo, thời gian thử thách 02 (hai) năm 06 (sáu) tháng. Thời hạn thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm (12/4/2024).

Giao bị cáo cho Uỷ ban nhân dân xã H, huyện L, tỉnh Tuyên Quang nơi bị cáo cư trú để giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Trường hợp vắng mặt tại nơi cư trú, thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo Điều 68, khoản 2 Điều 92 của Luật thi hành án hình sự. Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

Về xử lý vật chứng: Tịch thu tiêu hủy 01 dao quắm của bị cáo Lý Văn N sử dụng vào việc phạm tội có tổng chiều dài cả chuôi 53cm, phần bản dao rộng nhất là 04 cm, chuôi dao dài 25cm, loại dao cũ đã qua sử dụng.

(Tình trạng vật chứng như biên bản về việc giao nhận vật chứng, tài sản lập ngày 02/4/2024 giữa Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Lâm Bình và Chi cục Thi hành án dân sự huyện Lâm Bình).

Giao khối lượng 2,024m3 gỗ, 0,360m3 củi và 2.050 cây nứa tại hiện trường cho UBND xã H, huyện L, tỉnh Tuyên Quang để quản lý, xử lý theo quy định (theo biên bản bàn giao ngày 26/12/2023 lập giữa Hạt kiểm lâm huyện Lâm Bình và UBND xã H).

Về án phí: Bị cáo Lý Văn N được miễn toàn bộ án phí hình sự sơ thẩm.

Về quyền kháng cáo: Bị cáo, Nguyên đơn dân sự có mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm, (ngày 12/4/2024). 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

53
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội hủy hoại rừng số 03/2024/HS-ST

Số hiệu:03/2024/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Lâm Bình - Tuyên Quang
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:12/04/2024
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về