TOÀ ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI
BẢN ÁN 343/2022/HSPT NGÀY 17/05/2022 VỀ TỘI HOẠT ĐỘNG NHẰM LẬT ĐỔ CHÍNH QUYỀN NHÂN DÂN
Ngày 17 tháng 5 năm 2022, tại Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 888/2020/TLPT-HS ngày 19 tháng 10 năm 2020 đối với bị cáo:
Lý Giảng K(Ly Gi), do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 58/2020/HSST ngày 08/9/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên.
- Bị cáo có kháng cáo:
Lý Giảng K(tên gọi khác: Ly Gi) sinh năm 1973 tại huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên.
Nơi ĐKHKTT và chỗ ở: Bản H, xã Nậm Vì, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên; nghề nghiệp: Làm nương; trình độ văn hóa: Không; dân tộc: Mông; giới tính: Nam; tôn giáo: Tin lành; quốc tịch: Việt Nam; con ông Lý Sáy V sinh năm 1948 và bà Giàng Thị C sinh năm 1948; có vợ là Vàng Thị C sinh năm 1974 và 08 con, con lớn nhất sinh năm 1993, con nhỏ nhất sinh năm 2015; tiền án, tiền sự: Không; bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 03/1/2020, hiện bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Lai Châu. Có mặt.
- Người bào chữa cho bị cáo: Bà Nguyễn Thị Thu H - Trợ giúp viên pháp lý thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Điện Biên. Có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Năm 2010, Lầu A L tham gia tổ chức lập nhà nước mông, tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Tráng A C đứng đầu, bị khởi tố sau đó bỏ trốn. Đến khoảng tháng 8/2018, Sùng A S sinh năm 1982, trú tại bản Huổi Chạ 2, xã Nậm Vì, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên liên lạc với Lầu A L bàn bạc và thống nhất về việc xây dựng lại tổ chức lập nhà nước mông nhằm chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, lật đổ Chính quyền nhân dân, phá bỏ chế độ chính trị được Hiến pháp quy định. Cách thức tiến hành lập nhà nước mông là tiến hành cướp đất, cướp chính quyền của huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, thay thế chính quyền huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên bằng một chính quyền riêng của người Mông, do người Mông làm chủ, có bộ máy tổ chức riêng. Sính, Lềnh đứng ra lôi kéo Vừ A Phử, Thào A Ch, một số đối tượng trong tổ chức của Tráng A C trước đây cùng tham gia vào tổ chức lập nhà nước mông tại huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên do Sùng A S, Lầu A L đứng đầu và chủ trì tổ chức 04 cuộc họp bàn về việc lập nhà nước mông.
Sau khi tổ chức lập nhà nước Mông do Sùng A S, Lầu A L đứng đầu bị Cơ quan điều tra phát hiện truy bắt, Cơ quan An ninh điều tra đã khởi tố bị can, truy nã đối với Hờ A Tàng, Lý Giảng Khua, Thào A Ch, Vừ A Phử. Sau đó các bị cáo Lý Giảng Khua, Thào A Ch, Vừ A Phử, Hờ A Tàng tiếp tục thực hiện hành vi“Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” tại bản Giàng Ly Cha, xã Tà Tổng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu thì bị Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Lai Châu phát hiện, bắt quả tang, khởi tố về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Ngày 15/01/2020 cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Điện Biên đã quyết định phục hồi điều tra vụ án hình sự“Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” xảy ra tại huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên đối với các bị cáo Hờ A Tàng (tên gọi khác: Hờ A Tà), Lý Giảng K(tên gọi khác: Ly Gi), Thào Chinh,Vừ A P(tên gọi khác:Vừ Chứ M).
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 58/2020/HSST ngày 08/9/2020, Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên đã quyết định:
Tuyên bố các bị cáo Hờ A Tàng (tên gọi khác: Hờ A Tà), Lý Giảng K(tên gọi khác: Ly Gi), Thào A Ch, Vừ A P(tên gọi khác: Vừ Chứ M) đều phạm tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
Áp dụng khoản 2 Điều 109; điểm s khoản 1, khoản 2, Điều 51; điểm a khoản 1 Điều 52; Điều 17; Điều 58; Điều 38 Bộ luật Hình sự:
Xử phạt bị cáo Lý Giảng K(tên gọi khác: Ly Gi) 9 (Chín) năm tù, thời hạn tù tính từ ngày 03/01/2020.
Áp dụng Điều 122 Bộ luật Hình sự, phạt quản chế 02 (Hai) năm đối với bị cáo Lý Giảng K(tên gọi khác: Ly Gi). Thời hạn phạt quản chế tính từ ngày các bị cáo chấp hành xong hình phạt tù.
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về tội danh và hình phạt đối với các bị cáo Hờ A Tàng (tên gọi khác: Hờ A Tà), Thào A Ch, Vừ A P(tên gọi khác: Vừ Chứ M), quyết định xử lý vật chứng, án phí, thông báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo Lý Giảng Kkháng cáo kêu oan.
Tại phiên tòa, bị cáo thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình nhưng nhận thức của bị cáo thì việc thành lập Nhà nước của người Mông không phải là để lật đổ chính quyền nhân dân.
Luật sư bào chữa cho bị cáo: Nhất trí với tội danh của bị cáo. Đề nghị xem xét nguyên nhân hoàn cảnh phạm tội của bị cá, bị cáo khai báo thành khẩn, nhận thức hạn chế, con còn nhỏ, tham gia có mức độ, không được hứa hẹn về chức vụ trong Nhà nước Mông là các tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự. Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét sửa một phần bản án sơ thẩm, giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội tóm tắt nội dung vụ án, đánh giá phân tích các tình tiết của vụ án. Có đủ cơ sở kết luận bị cáo phạm tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Về mức hình phạt: Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo, xử phạt bị cáo 09 năm tù là tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo. Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng Điều 355, Điều 356 Bộ luật Tố tụng hình sự, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu tại hồ sơ vụ án được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo Lý Giảng K(tên gọi khác: Ly Gi) kháng cáo kêu oan.
Sau khi xem xét, Hội đồng xét xử thấy:
Tại Cơ quan điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Khua cùng với các bị cáo khác trong vụ án là Hờ A Tàng, Thào A Ch, Vừ A Pđã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo Khua kháng cáo kêu oan.
Căn cứ vào tài liệu tại hồ sơ vụ án và lời khai nhận của bị cáo về những hành vi bị cáo đã thực hiện, bị cáo thừa nhận toàn bộ các hành vi của mình nhưng do nhận thức hạn chế, bị cáo cho rằng bị cáo tham gia vào các hành vi để thành lập Nhà nước của người Mông không nhằm mục đích lật đổ chính quyền nhân dân.
Hội đồng xét xử có đủ cơ sở xác định từ khoảng tháng 8/2018 đến tháng 3/2019, Sùng A S và Lầu A L đã bàn bạc và lôi kéo các bị cáo Hờ A Tàng, Lý Giảng Khua, Thào A Ch, Vừ A Pvà một số người khác họp bàn tổ chức thành lập nhà nước Mông tại huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Với mục đích cướp đất, cướp chính quyền nhân dân để thay thế bằng chính quyền riêng của người Mông, do người Mông làm chủ, có bộ máy tổ chức riêng, có chữ viết, con dấu, cờ, đồng tiền, lực lượng công an, quân đội riêng của người Mông, có cương lĩnh chính trị riêng nhằm chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, lật đổ chính quyền nhân dân, phá bỏ chế độ chính trị Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Để thực hiện mục đích này, các bị cáo đã tổ chức nhiều cuộc họp và các hoạt động khác vào thời gian khoảng tháng 8/2018; tháng 12/2018; tháng 01/2019; tháng 3/2019 tại khu vực bản Giàng Ly Cha, xã Tà Tổng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu và bản Huổi Chạ 2, xã Nậm Vì, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên để họp bàn việc tổ chức, thành lập Nhà nước Mông do Sùng A S, Lầu A L đứng đầu đưa ra mục đích, cách thức tiến hành, chuẩn bị cáo điều kiện cần thiết để thành lập Nhà nước Mông.
Chúng soạn thảo, thông qua cương lĩnh, đường lối hoạt động, mô hình tổ chức bộ máy Nhà nước, tìm kiếm lôi kéo người tham gia, tìm chữ viết riêng, thiết kế cờ, sao, quân hàm, trang phục cho lực lượng công an, quân đội Mông, thiết kế đồng tiền riêng, tìm mua vũ khí tiến tới cướp chính quyền huyện Mường Nhé, thay thế bằng chính quyền do người Mông quản lý, có pháp luật riêng, mô hình tổ chức riêng, tách ra khỏi Nhà nước Việt Nam, gây sức ép lên Chính phủ Việt Nam, gửi đơn lên Quốc tế đề nghị công nhận Nhà nước của người Mông. Mặt khác, các bị cáo tiến hành đúc sao, khắc dấu, biểu tượng dạng quốc huy… Tất cả những hành vi nêu trên đều nhằm mục đích lật đổ chính quyền nhân dân, phá vỡ sự thống nhất của Nhà nước và lãnh thổ Việt Nam.
Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đe dọa trực tiếp đến sự tồn tại của chính quyền nhân dân, phá vỡ tính thống nhất của Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết các dân tộc trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, gây hoang mang trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số, xâm phạm đến cuộc sống của nhân dân, làm mất sự ổn định chính trị, xã hội, trật tự trị an. Hành vi của các bị cáo cần phải bị xử lý nghiêm khắc mới đủ tác dụng giáo dục riêng và phòng ngừa chung.
Bị cáo Khua và các đồng phạm bị Tòa án cấp sơ thẩm xét xử tội: “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo quy định tại khoản 2 Điều 109 Bộ luật hình sự là đúng người, đúng tội, không oan.
Khi lượng hình, Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với bị cáo Lý Giảng Khua, phạt bị cáo 09 năm tù là tương xứng với tính chất, mức độ, hậu quả hành vi phạm tội của bị cáo. Tại cấp phúc thẩm không có tình tiết mới chứng minh cho nội dung kháng cáo của bị cáo, do đó Hội đồng xét xử không có cơ sở chấp nhận kháng cáo, cần giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Các nhận định, quyết định khác của bản án sơ thẩm là có căn cứ, đúng pháp luật.
Về án phí: Miễn án phí hình sự phúc thẩm cho bị cáo Lý Giảng Kvì là dân tộc ít người, vùng xa, vùng sâu, kinh tế đặc biệt khó khăn.
Vì các lẽ trên, Căn cứ Điều 355; Điều 356 Bộ luật Tố tụng hình sự.
QUYẾT ĐỊNH
1. Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Lý Giảng K(Ly Gi). Giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số 58/2020/HSST ngày 08/9/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên.
Tuyên bố bị cáo Lý Giảng K(Ly Gi) phạm tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
Áp dụng khoản 2 Điều 109; điểm s khoản 1, khoản 2, Điều 51; điểm a khoản 1 Điều 52; Điều 17; Điều 58; Điều 38 Bộ luật Hình sự:
Xử phạt bị cáo Lý Giảng K(Ly Gi) 09 (chín) năm tù, thời hạn tù tính từ ngày 03/01/2020.
Áp dụng Điều 122 Bộ luật Hình sự, phạt quản chế bị cáo Lý Giảng K(Ly Gi) 02 (hai) năm kể từ khi chấp hành xong hình phạt tù.
2. Về án phí: Miễn án phí phúc thẩm cho bị cáo Lý Giảng K(Ly Gi).
3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
4. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân số 343/2022/HSPT
Số hiệu: | 343/2022/HSPT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 17/05/2022 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về