TÒA ÁN QUÂN SỰ KHU VỰC QUÂN KHU 7
BẢN ÁN 06/2023/HS-ST NGÀY 27/04/2023 VỀ TỘI HÀNH HẠ VỢ
Ngày 27 tháng 4 năm 2023 tại Phòng xử án, Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 7 xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 06/2023/TLST-HS ngày 06 tháng 4 năm 2023, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 07/2023/QĐXXST-HS ngày 17/4/2023 đối với bị cáo:
Vũ Văn T, tên gọi khác: Không có; sinh ngày 23/02/1992 tại Hà Nam; nơi cư trú: Phòng Q, Bộ T, Quân khu X; cấp bậc, chức vụ, đơn vị khi phạm tội: 3/, ĐT, Phòng Q, Bộ T, Quân khu X; trình độ văn hóa: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Vũ Văn L và bà Đinh Thị Th; bị cáo có vợ là Lê Đỗ Phương U và chưa có con; tiền án, tiền sự: Không; nhân thân: chưa bị kết án, chưa bị xử lý hành chính, xử lý kỷ luật lần nào; bị áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 28/9/2022 đến nay; có mặt.
Bị hại: Lê Đỗ Phương U, sinh ngày 12/5/1995; nơi cư trú: 165/49 đường số 28, Phường 6, quận G, Thành phố H; nghề nghiệp: Giáo viên; có mặt.
Người bào chữa cho bị cáo:
- Ông Đỗ Văn L, Luật sư thuộc Công ty Luật TNHH Phát V; địa chỉ: R7 đường Ba V, Phường 15, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh; có mặt.
- Ông Nguyễn Duy A, Luật sư thuộc Công ty Luật TNHH A+; địa chỉ: số 40, Bà Huyện Thanh Quan, phường Võ Thị S, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh; có mặt.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại:
- Bà Ngô Lệ Q, Luật sư thuộc Công ty Luật TNHH Khoa T; địa chỉ: OP2 5.32 Tòa nhà O, số 130-132 Hồng Hà, Phường 9, quận Phú Nh, Thành phố Hồ Chí Minh; có mặt.
- Ông Trần Tr, Luật sư thuộc Công ty Luật TNHH Khoa T; địa chỉ: OP2 5.32 Tòa nhà O, số 130-132 Hồng Hà, Phường 9, quận Phú Nh, Thành phố Hồ Chí Minh; có mặt.
Những người làm chứng:
1. Đỗ Thị Thanh H; vắng mặt.
2. Lê Việt T1; có mặt.
3. Dương Nguyễn Thanh T2; vắng mặt.
4. Lê Thanh L; vắng mặt.
5. Nguyễn Phạm Hải N; vắng mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Vũ Văn T và Lê Đỗ Phương U quen nhau vào tháng 9/2017, sau thời gian tìm hiểu, T và U đăng ký kết hôn ngày 19/6/2018. Trong cuộc sống vợ chồng do bất đồng về quan điểm sống nên từ tháng 9/2018 đến tháng 3/2021, T và U thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, cãi vã. Trong một số lần vợ chồng cãi vã, T đã nhiều lần thực hiện hành vi bạo lực xâm phạm thân thể U, làm cho U thường xuyên bị đau đớn về thể xác và tinh thần. Hành vi cụ thể như sau:
Lần thứ nhất: Khoảng sau 21 giờ 00 phút ngày 04 hoặc 05 tháng 9 năm 2018, tại phòng ngủ hai vợ chồng nhà ba mẹ U, địa chỉ số 90/2 An Nh, Phường 17, quận G, Thành phố H. T dùng tay tát mạnh vào mặt U lúc U đang nằm, sau đó đánh mạnh vào bắp tay trái của U, khi U ngồi dậy T tiếp tục đánh vào bắp tay, vai, lưng, ngực trái của U, nắm tóc ghì mạnh đầu của U xuống giường, ấn vào tường, đồng thời chửi rủa U.
Lần thứ hai: Khoảng giữa năm 2019 tại Căn hộ 5.08 Chung cư F, địa chỉ số 44 Nguyễn Văn Dung, Phường 6, quận G, Thành phố H. T đánh U (nhưng U không nhớ chính xác T đánh như thế nào), ném chén (bát) về phía U nhưng không trúng, sau đó T đập vỡ chén đĩa. Lê Việt T1 – em trai U ở phòng ngủ bên cạnh nghe tiếng động nên đi ra nhìn thấy chén đĩa vỡ, T1 đã dọn dẹp cùng với U. Sau khi dọn dẹp xong, U qua phòng T1 ngủ.
Lần thứ ba: Khoảng tháng 6 hoặc tháng 7 năm 2019, tại Căn hộ 5.08 Chung cư F, địa chỉ số 44 Nguyễn Văn Dung, Phường 6, quận G, Thành phố H. T dùng tay đánh vào người, tay chân U, khi Lê Việt T1 – em trai U đi chơi về khuya ghé nhà T và U để ngủ qua đêm thì T dừng lại, sau đó U qua phòng T1 ngủ.
Lần thứ tư: Khoảng 12 giờ đến 13 giờ ngày 02/02/2020 tại nhà ba mẹ ruột của T thuộc xã Thanh Nghị, huyện T, tỉnh H. Trong phòng ngủ của hai vợ chồng, T đẩy U vào tường đánh liên tục vào bắp tay, bóp, siết cổ, đấm vào ngực, đá vào bụng và ấn U xuống giường. Sau đó, T kéo U qua phòng ngủ của T1. Khi thấy U dùng điện thoại để ghi âm thì T đánh vào đầu U, túm tóc đập đầu U vào thành giường nhiều lần. Sau đó, T dùng tay xoa các chỗ đau cho U và lấy điện thoại xóa đoạn ghi âm.
Lần thứ năm: Khoảng 22 giờ ngày 09/5/2020 tại Căn hộ 5.08 Chung cư F, địa chỉ số 44 Nguyễn Văn Dung, Phường 6, quận G, Thành phố H. Trong lúc U đang nằm trên giường, T dựng U dậy và đánh vào đầu, mặt, cổ, túm tóc đập đầu U vào giường, tường. Khi thấy U muốn bỏ chạy thì T xô ngã U xuống giường, tiếp tục dùng tay đánh vào bụng, ngực, chân và bóp cổ U.
Lần thứ sáu: Khoảng 21 giờ 30 phút ngày 16/3/2021, khi T đang chở U trên đường Phan Văn Trị, quận G, Thành phố H thì U định bước xuống xe, T quay lại phía sau đấm mạnh U một cái vào đầu, làm xe và hai vợ chồng ngã ra đường. Sau khi dựng xe, T bước đến đánh vào đầu U và yêu cầu U cùng đi về nhà ba mẹ U nhưng U không đồng ý. Đến khoảng 22 giờ 00 phút cùng ngày, khi cả hai đi đến hẻm 214 Nguyễn Oanh, Phường 17, quận G, Thành phố H, T dừng xe, chống chân xuống đất và quay lại đánh liên tiếp vào người U. Bị đau U nhảy xuống xe thì T liền đá chân chống xe xuống, túm tóc, kéo lê U đến cuối hẻm. Khi U dùng tay ôm cột điện bên đường để không bị T kéo lê, T dùng tay đánh mạnh vào đầu U rồi tiếp tục kéo lê U về nhà ba mẹ U, vừa kéo T vừa đánh vào ngực, lưng U nhiều cái.
Ngoài 06 lần nêu trên, bị hại U tố cáo bị cáo T còn thực hiện hành vi bạo lực xâm phạm thân thể bị hại 13 lần khác. Tuy nhiên, bị cáo không nhớ do thời gian xảy ra đã lâu và bị hại không cung cấp được tài liệu, chứng cứ; trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra không thu thập được chứng cứ chứng minh việc bị cáo đã thực hiện hành vi nên không có căn cứ xem xét đối với 13 lần này.
Tại phiên tòa, bị cáo không thừa nhận tất cả các hành vi và số lần đánh vợ như cáo trạng đã nêu. Bị cáo chỉ thừa nhận đánh vợ 04 lần như sau:
Lần thứ nhất: Tháng 9/2018, bị cáo có tát vợ là Lê Đỗ Phương U một cái vào mặt tại phòng ngủ nhà vợ của tôi tại quận G, TP. H với lý do là cãi nhau về việc tổ chức và chi phí đám cưới.
Lần thứ hai: Tháng 02/2020, bị cáo có tát vợ một cái tại nhà bố mẹ của bị cáo ở huyện T, tỉnh H với lý do là cãi nhau về việc đi chơi du lịch.
Lần thứ ba: Tháng 5/2020, bị cáo có tát vợ một cái và đấm vào chân vợ một cái tại căn hộ chung cư của 02 vợ chồng với lý do là vợ đã chửi và xúc phạm cha mẹ đẻ của tôi.
Lần thứ tư: Tháng 3/2021, bị cáo có tát vợ 02 cái, nắm tóc, kéo tay vợ tại hẻm đường Nguyễn Oanh vô tình làm đứt cúc áo vì lý do cãi nhau, mâu thuẫn trong việc sinh hoạt, đời sống vợ chồng thường ngày.
Bị hại có lời khai tại phiên tòa thể hiện: Trong quá trình sinh sống từ khi kết hôn, bị hại và bị cáo T thường xuyên xảy ra mâu thuẫn trong cuộc sống về các vấn đề phong cách sống giữa hai bên gia đình, đặc biệt là vấn đề tài chính của hai vợ chồng. Bị hại và bị cáo T thường xuyên cãi nhau, mỗi lần cãi nhau thì bị cáo T đều đánh đập bị hại. Mỗi lần bị cáo T đánh đập bị hại dã man, để lại vết bầm tím trên tay, chân, bầm tím mặt và sưng mắt, bong móng chân (vì bị kéo lê trên đường). Mỗi lần bị hại bị đánh đập tinh thần rất không tỉnh táo, phải mất gần 1 tuần bị hại mới cố gắng gượng dậy được để tiếp tục làm việc. Bị hại Lê Đỗ Phương U yêu cầu Vũ Văn T phải bồi thường các khoản sau: Chi phí khám và điều trị bệnh 204.296.525 đồng; tiền thuê nhà để tránh bạo hành 224.500.000 đồng; chi phí hỗ trợ công việc 81.000.000 đồng; bù đắp tổn thất tinh thần 74.500.000 đồng tính đến ngày mở phiên tòa.
Những người làm chứng Dương Nguyễn Thanh T2, Lê Thanh L, Nguyễn Phạm Hải N khai tại cơ quan điều tra: Khoảng 22 giờ ngày 16/3/2021, tại hẻm 214 đường Nguyễn Oanh, quận G, TP. H, tôi thấy U bị một người đàn ông (sau này mới biết là T, chồng của U) đánh, lôi, kéo; người đàn ông một tay nắm va li, một tay nắm tay U kéo, còn U thì có hành động kháng cự lại không đi theo, người đàn ông tiếp tục kéo U (chân bị kéo lê trên đường nhựa) khoảng một đoạn 50m đến cây cột điện. Lúc này U một tay ôm cột điện, người đàn ông bỏ va li ra, một tay nắm tay U, một tay nắm đầu tóc U kéo đầu U vô cột điện. Người đàn ông một tay nắm tay U, một tay nắm cổ áo phía sau cổ U kéo U ra khỏi cột điện lôi kéo U đến đoạn cuối hẻm giáp với đường An Nh. Tôi thấy T đánh U rất dã man, lên gối vào bụng, nắm tóc kéo lê U một đoạn dài.
Người làm chứng Đỗ Thị Thanh H khai tại cơ quan điều tra: Lần đầu tiên tôi phát hiện là khi T chở U đến nhà tôi (tại đường An Nh, quận G, TP.H), tôi thấy mắt U bị bầm, tôi hỏi hai vợ chồng U, T thì hai vợ chồng thừa nhận có cãi nhau và T đánh U, lúc đó tôi thấy mắt U có vết bầm và sưng ở đuôi mắt. Các lần sau, tôi biết việc U bị đánh đập là do U, T1 và T nói lại.
Người làm chứng Lê Việt T1 khai tại phiên tòa: Từ năm 2019 đến năm 2021 đã 05 lần (03 lần tại căn hộ chung cư của vợ chồng T, 01 lần tại nhà ba mẹ ruột của T và 01 lần tại nhà ba mẹ ruột của U) chứng kiến Vũ Văn T đánh Lê Đỗ Phương U.
Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 700/TgT.22 ngày 31/8/2022 của Trung tâm pháp y, Sở Y tế TP.HCM (bút lục 75-76 hồ sơ); Bản ảnh thương tích thể hiện: Tỷ lệ tổn thưởng cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 01%.
Bản kết luận giám định pháp y tâm thần theo trưng cầu số 4933/KLGĐ ngày 26/10/2022 của Trung tâm pháp y tâm thần khu vực TP. Hồ Chí Minh, Bộ Y tế xác định:
- Về y học: Trong và sau khi xảy ra vụ việc cho đến hiện nay, đương sự bị rối loạn stress sau sang chấn (F43.1-ICD10).
- Về khả năng nhận thức và điều khiển hành vi: Trong và sau khi xảy ra vụ việc cho đến hiện nay, đương sự hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.
- Ý kiến khác: Tình trạng trên của bà Lê Đỗ Phương U có ảnh hưởng đến việc khai báo với Cơ quan điều tra về việc bị hành hạ.
Tỷ lệ tổn thương về tâm thần do bệnh rối loạn stress sau sang chấn là từ 21% đến 25%, trong trường hợp này là 23%.
Do tỷ lệ tổn thương về thương tích của đương sự là 1% nên tỷ lệ tổn thương về tâm thần của đương sự là (100-1) x 23% = 22,77%.
Tổng tỷ lệ tổn thương về thương tích và tâm thần của đương sự là 01% + 22,77% = 23,77%.
Công văn số 366 ngày 21/11/2022 của Trung tâm pháp y tâm thần khu vực TP. Hồ Chí Minh, Bộ Y tế xác định: Đương sự Lê Đỗ Phương U hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi có nghĩa là đương sự vẫn còn khả năng nhận thức và điều khiển hành vi nhưng giảm một phần.
Tại Cáo trạng số 01/CT-VKS-B1 ngày 28/12/2022, Viện kiểm sát quân sự Quân khu 7 đã truy tố Vũ Văn T về tội: “Hành hạ vợ” theo điểm a khoản 1 Điều 185 Bộ luật Hình sự. Tranh luận tại phiên tòa, Kiểm sát viên giữ nguyên nội dung quyết định truy tố đối với Vũ Văn T về tội: “Hành hạ vợ” theo điểm a khoản 1 Điều 185 Bộ luật Hình sự. Về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Bị cáo đã nộp số tiền 20.000.000 đồng để bồi thường cho bị hại, ngoài ra bị cáo là người có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng nên được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b, i khoản 1 Điều 51 BLHS; ngoài ra, trong quá trình học tập, công tác bị cáo được tặng Giấy khen, Chiến sĩ tiên tiến; bị cáo có ông nội là Vũ Văn Ng được tặng Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, có ông ngoại là Đinh Thành Kh được tặng Huân chương kháng chiến hạng Nhì; do đó bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo không thành khẩn khai báo và không thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng đã nêu nên bị cáo Vũ Văn T không được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” theo quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự. Trên cơ sở phân tích, đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội, điều kiện, nguyên nhân phạm tội, nhân thân của bị cáo, Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử:
Về hình sự: Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 185; điểm b, i khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 50; Điều 38 Bộ luật Hình sự xử phạt bị cáo Vũ Văn T từ 09 tháng đến 12 tháng tù.
Về dân sự: Căn cứ khoản 1, khoản 2 Điều 48 BLHS; Khoản 1 Điều 584, khoản 1 Điều 585, khoản 1 Điều 586, khoản 1, khoản 2 Điều 590 Bộ luật dân sự; Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP ngày 06 tháng 9 năm 2022 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, đề nghị buộc bị cáo Vũ Văn T bồi thường cho bị hại Lê Đỗ Phương U các khoản sau: Chi phí khám và điều trị bệnh số tiền 121.544.648 đồng tính đến ngày mở phiên tòa, bồi thường tổn thất về tinh thần là từ 35- 40 tháng lương cơ sở; đối với chi phí thuê nhà ở và chi phí hỗ trợ công việc, xét thấy không phải là chi phí hợp lý theo quy định của pháp luật nên đề nghị không chấp nhận, đối với thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của bị hại, bị hại không cung cấp được các tài liệu chứng minh thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút nên không có căn cứ để Viện kiểm sát đề nghị. Đề nghị Hội đồng xét xử ghi nhận bị cáo Vũ Văn T đã nộp 20.000.000 đồng để bồi thường cho bị hại.
Về án phí: Đề nghị áp dụng khoản 2 các Điều 135, Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự buộc bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm là 200.000 đồng và án phí dân sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.
Bị cáo không đồng ý với quan điểm bị cáo hành hạ vợ, bị cáo thừa nhận có đánh vợ nhưng đó là những mâu thuẫn trong gia đình. Về khoản bồi thường, bị cáo chấp nhận bồi thường tiền khám và điều trị bệnh, còn những chi phí khác đề nghị giải quyết theo pháp luật.
Người bào chữa cho bị cáo Luật sư Nguyễn Duy A tranh luận: Đề nghị áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội vì theo kết luận của Viện kiểm sát chỉ có thể kết luận bị cáo có đánh bị hại chứ không thể hiện là đánh như thế nào. Đối với tội hành hạ vợ phải thường xuyên gây đau đớn về thể xác, tinh thần, vậy phải xác định được đánh như thế nào mới gây đau đớn về thể xác, tinh thần. Viện kiểm sát không thể hiện được việc đánh như thế nào nên không có căn cứ để kết luận mà đây chỉ là suy đoán của Viện kiểm sát. Trong 06 lần mà Viện kiểm sát truy tố thì chỉ 01 lần có người làm chứng biết được việc đánh như thế nào, những lần khác thì hoàn toàn không biết. Hơn nữa, căn cứ vào Điều 98 Bộ luật Tố tụng hình sự cho rằng lời nhận tội của bị cáo chỉ được dùng làm chứng cứ nếu phù hợp với những chứng cứ khác. Ở đây lời khai của bị cáo không phù hợp nên không thể dùng lời khai của bị cáo để làm chứng cứ. Về vấn đề thường xuyên, trong 06 lần đánh chỉ có 01 lần được áp dụng vào điều luật này nên không thể coi là thường xuyên. Đặc biệt trong những lần có người làm chứng Lê Việt T1, anh T1 chỉ nghe có tiếng đánh mà không trực tiếp chứng kiến, hơn nữa, anh Tiến không có ấn tượng tốt về bị cáo nên lời khai không khách quan. Trong 05 lần đánh đầu tiên không có ghi âm, ghi hình để chứng minh cách thức đánh. Bị hại có xác định có đánh lại bị cáo nên bị cáo cũng có thể là người bị hành hạ. Theo Điều 13 BLTTHS, khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội.
Về tổn thất về tinh thần, Kết luận giám định pháp y tâm thần theo trưng cầu số 4933/KLGĐ ngày 26 tháng 10 năm 2022 chưa đầy đủ, phù hợp với sự thật khách quan. Bị hại bị rối loạn stress sau sang chấn do nhiều nguyên nhân khác nhau chứ không phải chỉ do lỗi của bị cáo. Trước khi kết hôn bị hại có quan hệ với người khác và có thai nhưng không biết con của ai nên thấy tội lỗi nên đã đi bỏ thai. Cuối năm 2020, bị cáo phát hiện bị vô sinh mới dẫn đến việc U hận T vì mất đứa con, mất đi cơ hội làm mẹ. Việc phá thai ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người đi phá thai, có thể dẫn đến bệnh trầm cảm. Việc chữa trị vô sinh cho bị cáo tốn rất nhiều thời gian, tiền bạc nên bị hại U mới bị áp lực quá lớn. Ngày 15/4/2021, Bệnh viện tâm thần Thành phố Hồ Chí Minh xác định bị hại U bị trầm cảm nặng, điều này không đồng nghĩa với việc bị chồng đánh mới bị trầm cảm. Sau những lần đánh đều làm hòa và vui vẻ, U gặp nhiều áp lực trong cuộc sống như ông ngoại và cha bị hại mất, do dịch bệnh Covid làm gián đoạn việc học và công việc nên việc cho rằng U bị stress do bị bị cáo T đánh là không có căn cứ.
Bị cáo nhất trí với tranh luận của Luật sư bào chữa cho bị cáo, không có ý kiến gì khác.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại Luật sư Trần Tr tranh luận: Qua thẩm tra tại phiên tòa, bị cáo có thái độ quanh co chối tội, không thành khẩn khai báo, bị cáo thừa nhận đánh vợ 4 lần là không đúng. Bị cáo đánh vợ vì những lý do nhỏ nhặt, điều này thể hiện sự côn đồ của bị cáo nên đề nghị áp dụng tình tiết tăng nặng phạm tội có tính chất côn đồ. Hành vi của bị cáo phải bị truy tố về tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” vì đã gây tổn hại sức khỏe của bị hại đến 23,77%. Về ý kiến của Người bào chữa cho bị cáo cho rằng cần áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội, mặc dù không căn cứ vào lời khai của bị cáo nhưng có thể căn cứ vào những tình tiết, chứng cứ chứng minh đã được xác minh trong vụ án có thể xác định được bị cáo có đánh bị hại 06 lần. Đề nghị áp dụng mức hình phạt tối đa của tội hành hạ vợ trong trường hợp không xem xét về tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại Luật sư Ngô Lệ Q tranh luận: Đồng ý với Cáo trạng của Viện kiểm sát. Đối với Kết luận giám định số 4933/KLGĐ đã kết luận rõ ràng bị hại bị stress trường diễn do bị chồng bạo hành. Tổng tỷ lệ tổn thương về thể chất và tinh thần là 23,77% nên không thể cho rằng các kết luận này không phù hợp với sự thật khách quan. Việc đưa ra các hình ảnh đi chơi sau khi đánh vợ không thể chứng minh bị hại đồng ý hay vui vẻ. Bị cáo đã thừa nhận hành vi, các hình ảnh có trong hồ sơ vụ án và các tình tiết khác đã làm rõ trong quá trình điều tra nên người bào chữa cho rằng suy đoán vô tội là không hợp lý. Bị cáo đánh bị hại rất nhiều lần nên bị cáo không nhớ rõ, gây tổn thương cả về thân thể và tinh thần cho bị hại, gãy mu bàn tay và xương cụt nhưng không giám định được. Tôi đề nghị mức phạt tối đa và áp dụng tình tiết tăng nặng theo điểm k khoản 1 Điều 52 BLHS phạm tội đối với người ở trong tình trạng không thể tự vệ được.
Bị hại không đồng ý với mức hình phạt đối với bị cáo vì không đủ răn đe.
Đại diện Viện kiểm sát tranh luận: Luật sư Nguyễn Duy A nói không xác định được đánh như thế nào cần tiến hành thực nghiệm điều tra nhưng trong hồ sơ đã có biên bản đối chất, có giá trị như thực nghiệm điều tra. Việc kết luận đánh như thế nào mặc dù không diễn tả cụ thể đánh vào đâu nhưng trong Cáo trạng cũng như bản luận tội đã nêu dùng tay, chân xâm phạm vào thân thể của bị hại, cụ thể vào các vị trí trên cơ thể như tay, đầu, chân, lưng của bị hại. Luật sư Nguyễn Duy A cho rằng chỉ có thể kết luận đánh 01 lần vào ngày 16/3/2021 vì những lần khác không có tài liệu chứng cứ, tôi cho rằng có rất nhiều lần bị cáo có đánh bị hại nhưng không có tài liệu chứng cứ nên không xem xét, chỉ có 06 lần xác định được. Luật sư cho rằng chỉ có 01 lần bị cáo đánh bị hại nhưng bị cáo đã thừa nhận hành vi của mình, thừa nhận 04 lần đánh bị hại. Theo quy định tại Điều 185 BLHS không quy định đánh bao nhiêu lần mới coi là hành hạ, mà chỉ quy định thường xuyên đau đớn về thể chất và tinh thần, bị hại bị bầm tím cơ thể trong một thời gian mới khỏi, đến nay bị hại vẫn đang phải điều trị tâm lý. Bản kết luận giám định kết luận bị hại bị stress trường diễn do bị chồng bạo hành. Ngày 15/4/2021 bị hại có đi khám tại Bệnh viện tâm thần Thành phố Hồ Chí Minh có kết luận bị trầm cảm nặng ở mức độ F32.2 không có dấu hiệu loạn thần. Tại thời điểm này cha và ông ngoại của bị hại chưa mất nhưng người bào chữa cho bị cáo rằng do các lý do khác như ông và cha bị hại mất là không có cơ sở.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại Luật sư Trần Tr đề nghị áp dụng tình tiết tăng nặng phạm tội có tính chất côn đồ, đây là những mâu thuẫn của vợ chồng, do thiếu kiềm chế bản thân, bị cáo đã đánh bị hại nên Viện kiểm sát giữ nguyên quan điểm truy tố. Việc đề nghị truy tố theo khoản 2 Điều 134 BLHS, bị cáo nhận thức được có gây thương tích cho bị hại, tuy nhiên chỉ có tỷ lệ 1% về thương tích, về tổn thất về tinh thần, bị cáo không nhận thức được việc đánh bị hại sẽ gây tổn hại về tinh thần đến 22,77%, nên không đủ căn cứ truy tố theo khoản 2 Điều 134 BLHS.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại Luật sư Ngô Lệ Q cho rằng phải áp dụng tình tiết phạm tội đối với người ở trong tình trạng không thể tự vệ được. Tôi cho rằng chỉ áp dụng tình tiết này khi phạm tội với những người như khuyết tật, ốm đau, trẻ em,… nên không áp dụng trong vụ án này.
Lời nói sau cùng bị cáo thừa nhận có đánh vợ, nhưng hành vi đánh vợ của bị cáo không phạm tội hành hạ vợ.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện kiểm sát, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố, đã thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo, người tham gia tố tụng khác không có ý kiến hay khiếu nại gì. Như vậy, có cơ sở để khẳng định các hành vi, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.
[2] Tại phiên tòa hôm nay, mặc dù bị cáo không thừa nhận tất cả các hành vi và số lần đánh vợ như cáo trạng đã nêu. Tuy nhiên, căn cứ vào lời khai của bị hại, người làm chứng và các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án và đã được thẩm tra tại phiên tòa. Hội đồng xét xử có đủ cơ sở kết luận: Từ tháng 9/2018 đến tháng 3/2021 do bất đồng về quan điểm sống, mâu thuẫn trong cuộc sống vợ chồng nên Vũ Văn T đã nhiều lần dùng tay, chân thực hiện hành vi bạo lực xâm phạm thân thể của vợ là Lê Đỗ Phương U, làm cho Lê Đỗ Phương U thường xuyên đau đớn về thể xác và tinh thần. Hậu quả là bị hại Lê Đỗ Phương U bị tổn thương về thương tích và tâm thần với tỷ lệ là 23,77%. Do vậy, có đủ cơ sở kết luận hành vi của bị cáo Vũ Văn T phạm tội “Hành hạ vợ” theo điểm a khoản 1 Điều 185 Bộ luật Hình sự. Ý kiến đề nghị của Đại diện Viện kiểm sát là có căn cứ. Ý kiến của Người bào chữa cho bị cáo Luật sư Nguyễn Duy A cho rằng bị cáo vô tội, ý kiến của Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại Luật sư Trần Tr cho rằng bị cáo phạm tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” là không có căn cứ.
[3] Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo: Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo đã không thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải nên không được hưởng tình tiết giảm nhẹ TNHS quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS; bị cáo đã nộp số tiền 20.000.000 đồng để bồi thường cho bị hại; bị cáo là người có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; trong quá trình học tập, công tác bị cáo được tặng Giấy khen, Chiến sĩ tiên tiến; ngoài ra, bị cáo có ông nội là Vũ Văn Ng được tặng Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, có ông ngoại là Đinh Thành Kh được tặng Huân chương kháng chiến hạng Nhì; do đó bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b, i khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự. Hội đồng xét xử xét thấy, đề nghị của Đại diện Viện kiểm sát là có căn cứ, phù hợp với quy định của pháp luật nên Hội đồng xét xử chấp nhận. Ý kiến của Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại Luật sư Ngô Lệ Q cho rằng cần áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo điểm k khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự “phạm tội đối với người ở trong tình trạng không thể tự vệ được” là không có căn cứ.
[4] Tính chất của vụ án tuy là ít nghiêm trọng, nhưng hành vi phạm tội của bị cáo đã xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân, sự bình yên và hạnh phúc của gia đình được pháp luật bảo hộ, xâm phạm trật tự an toàn xã hội; làm cho bị hại Lê Đỗ Phương U bị tổn thương về thương tích và tâm thần là 23,77%. Bị cáo là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, vì vậy phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội của mình. Mặc dù, bị cáo có nhân thân tốt, không có tiền án, tiền sự, phạm tội lần đầu. Tuy nhiên, xét thấy cần có một hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ và hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo đã gây ra nên cần thiết phải cách ly bị cáo với xã hội một thời gian nhất định để có điều kiện giáo dục, cải tạo bị cáo thành người có ích cho xã hội, đồng thời răn đe, giáo dục người khác có ý thức tuân theo pháp luật.
[5] Về dân sự: Căn cứ khoản 1, khoản 2 Điều 48 Bộ luật Hình sự; khoản 1 Điều 584, khoản 1 Điều 585, Điều 590 Bộ luật Dân sự, Nghị quyết 02/2022/NQ- HĐTP ngày 06/9/2022 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và đề nghị của Đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa là có căn cứ nên Hội đồng xét xử chấp nhận các khoản sau: Chi phí khám và điều trị bệnh 121.544.648 đồng tính đến ngày mở phiên tòa; bồi thường tổn thất tinh thần 40 tháng lương cơ sở: 40 x 1.490.000 đồng = 59.600.000 đồng; tổng số tiền bồi thường thiệt hại và bù đắp tổn thất tinh thần mà bị cáo Vũ Văn T phải bồi thường cho bị hại Lê Đỗ Phương U là: 121.544.648 đồng + 59.600.000 đồng = 181.144.648 đồng; bị cáo đã bồi thường 20.000.000 đồng, còn phải bồi thường 161.144.648 đồng. Đối với chi phí thuê nhà ở 224.500.000 đồng và chi phí hỗ trợ công việc 81.000.000 đồng, đây không phải là chi phí hợp lý theo quy định của pháp luật nên Hội đồng xét xử không chấp nhận.
[6] Về án phí: Căn cứ khoản 2 các Điều 135, Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật phí và Lệ phí số 97/2015/QH13 của Quốc hội; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, bị cáo Vũ Văn T phải chịu án phí hình sự sơ thẩm là 200.000 đồng và án phí dân sự sơ thẩm là: 5% x 161.144.648 đồng = 8.057.232 đồng.
Vì các lẽ trên, căn cứ vào điểm g khoản 2 Điều 260 Bộ luật Tố tụng hình sự;
QUYẾT ĐỊNH
1. Về hình sự:
Tuyên bố bị cáo Vũ Văn T phạm tội “Hành hạ vợ”.
Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 185; Điều 38; điểm b, i khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự xử phạt bị cáo Vũ Văn T 10 (mười) tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo đi thi hành án.
2. Về dân sự:
Áp dụng khoản 1, khoản 2 Điều 48 Bộ luật Hình sự; khoản 1 Điều 584, khoản 1 Điều 585, Điều 590 Bộ luật Dân sự, buộc bị cáo Vũ Văn T phải bồi thường cho bị hại Lê Đỗ Phương U số tiền là 181.144.648 (một trăm tám mươi mốt triệu một trăm bốn mươi bốn nghìn sáu trăm bốn mươi tám) đồng; đã bồi thường 20.000.000 (hai mươi triệu) đồng, còn phải bồi thường 161.144.648 (một trăm sáu mươi mốt triệu một trăm bốn mươi bốn nghìn sáu trăm bốn mươi tám) đồng tính đến ngày mở phiên tòa.
Bị hại Lê Đỗ Phương U vẫn đang chữa trị để phục hồi sức khỏe, các bên không thỏa thuận được với nhau về việc bồi thường thiệt hại vì chưa phát sinh chi phí thực tế do đó Hội đồng xét xử không có căn cứ để giải quyết phần bồi thường tổn thất trên, nên sau khi bị hại U thực hiện các bước chữa trị để hồi phục sức khỏe theo chỉ định của bác sỹ thì có thể khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu bồi thường về phần thiệt hại thực tế đã phát sinh.
Áp dụng Điều 357 Bộ luật Dân sự, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật và có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án, nếu bên có nghĩa vụ thi hành án chậm trả tiền thì họ còn phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án Dân sự thì người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án Dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án Dân sự.
3. Về án phí:
Áp dụng khoản 2 các Điều 135, Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự, bị cáo Vũ Văn T phải chịu 200.000 (hai trăm nghìn) đồng án phí hình sự sơ thẩm và 8.057.232 (tám triệu không trăm năm mươi bảy nghìn hai trăm ba mươi hai) đồng án phí dân sự sơ thẩm.
Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày tuyên án (27/4/2023), bị cáo, bị hại có quyền kháng cáo đối với bản án sơ thẩm theo thủ tục phúc thẩm lên Tòa án quân sự Quân khu 7.
Bản án về tội hành hạ vợ số 06/2023/HS-ST
Số hiệu: | 06/2023/HS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án quân sự |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 27/04/2023 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về