Bản án về tội giữ người trái pháp luật và cưỡng đoạt tài sản số 78/2019/HSPT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH ĐỊNH

BẢN ÁN 78/2019/HSPT NGÀY 03/04/2019 VỀ TỘI GIỮ NGƯỜI TRÁI PHÁP LUẬT VÀ CƯỠNG ĐOẠT TÀI SẢN

Ngày 03-4-2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định. Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xét xử ẩm công khai vụ thụ lý số 256/2018/HSPT ngày 23-7-2018 đối với bị cáo Nguyễn Thị Kim T và các bị cáo khác, do có kháng cáo của các bị cáo và kháng cáo của người bị hại đối với Bản án sơ thẩm 23/2018/HSST ngày 12-6-2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định. Các bị cáo kháng cáo, bị kháng cáo:

1. Nguyễn Thị Kim T, sinh ngày 05-3-1965 tại Bình Định; nơi đăng ký HKTT: tổ 4, khu vực 9, phường M1, thành phố Q, tỉnh Bình Định; chỗ ở: nhà số 236, đường D2, thành phố Q, tỉnh Bình Định; dân tộc: Kinh; quốc tịch: Việt Nam; tôn giáo: không; trình độ văn hóa: 10/10; nghề nghiệp: không; con ông NT1 và bà NT2; chồng là Trương Đình D1 (bị cáo cùng vụ án) và có 02 con; tiền án, tiền sự: không.

Bị cáo bị bắt tạm giam ngày 03-11-2015; ngày 28-12-2015, được thay đổi bằng biện pháp ngăn chặn: Cấm đi khỏi nơi cư trú, có mặt.

2. Phan Nhật T1 (tên gọi khác: T1 nhiễu), sinh ngày 29-9-1982 tại Bình Định; nơi đăng ký KHKTT và chỗ ở: tổ 9, khu vực 9, phường T2, thành phố Q, tỉnh Bình Định; dân tộc: Kinh; quốc tịch: Việt Nam; tôn giáo: không; trình độ văn hóa: 9/12; nghề nghiệp: thợ sơn; con ông PT1 và bà PT2; vợ là PT3, sinh năm 1983 và có 02 con; tiền án, tiền sự: không.

Bị cáo bị bắt tạm giam ngày 08-10-2015; ngày 04-02-2016, được thay đổi bằng biện pháp ngăn chặn: Cấm đi khỏi nơi cư trú, có mặt.

3. Huỳnh Văn T2 (tên gọi khác: T2 đen), sinh ngày 26-11-1987 tại Bình Định; nơi đăng ký HKTT và chỗ ở: thôn B2, xã P1, huyện TP1, tỉnh Bình Định; dân tộc: Kinh;quốc tịch: Việt Nam; tôn giáo: không; trình độ văn hóa: 7/12; nghề nghiệp: thợ đá; con ông HT1, sinh năm 1953 và bà HT2, sinh năm 1949; vợ là HT3, sinh năm 1990 và có 03 con (lớn nhất sinh năm 2008, nhỏ nhất sinh năm 2017); tiền án, tiền sự: không.

Bị cáo bị bắt tạm giam ngày 08-10-2015; ngày 04-02-2016, được thay đổi bằng biện pháp ngăn chặn: Cấm đi khỏi nơi cư trú. Bắt tạm giam lại ngày 10-01-2019 (theo Quyết định bắt, tạm giam số 15/2018/HSPT-QĐBTG ngày 05-12-2018 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng), hiện đang tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Bình Định, có mặt.

4. Lý Thanh S, sinh ngày 18-01-1991 tại Bình Định; nơi đăng ký HKTT và chỗ ở: tổ 4, khu vực 8, phường T2, thành phố Q, tỉnh Bình Định; dân tộc: Kinh; quốc tịch: Việt Nam; tôn giáo: không; trình độ văn hóa: 9/12; nghề nghiệp: không; con ông LS1 và bà LS2; vợ là LS3, sinh năm 1997 và có 01 con.

Tiền án:

- Ngày 22-9-2010, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định xử phạt 06 năm 06 tháng tù về tội “Cướp tài sản”.

- Ngày 26-9-2017, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định xử phạt 05 năm tù về tội“Cố ý gây thương tích”.

Bị cáo bị bắt tạm giam ngày 06-10-2015; ngày 04-02-2016, được thay đổi bằng biện pháp ngăn chặn: Cấm đi khỏi nơi cư trú. Bắt tạm giam lại ngày 03-01-2019 (theo Quyết định bắt, tạm giam số 16/2018/HSPT-QĐBTG ngày 05-12-2018 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng), hiện đang tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Bình Định, có mặt.

5. Trần Trọng H (tên gọi khác: Lưu manh), sinh ngày 21-7-1991 tại Bình Định; nơi đăng ký HKTT và chỗ ở: tổ 3, khu vực 9, phường T2, thành phố Q, tỉnh Bình Định; dân tộc: Kinh; quốc tịch: Việt Nam; tôn giáo: không; trình độ văn hóa: 7/12; nghề nghiệp: thợ đá; con ông TH1 và bà TH2; vợ là TH3, sinh năm 1993; tiền án, tiền sự: không.

Nhân thân: ngày 29-11-2009, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định xử phạt 04 năm tùvề tội “Cướp giật tài sản”, chấp hành xong hình phạt tù ngày 31-8-2011.

Bị cáo bị bắt tạm giam ngày 06-10-2015; ngày 04-02-2016, được thay đổi bằng biện pháp ngăn chặn: Cấm đi khỏi nơi cư trú. Bắt tạm giam lại ngày 10-01-2019 (theo Quyết định bắt, tạm giam số 18/2018/HSPT-QĐBTG ngày 05-12-2018 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng), hiện đang tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Bình Định, có mặt.

6. Nguyễn Thọ Đại D (tên gọi khác: Tý Nhỏ), sinh ngày 11-11-1993 tại Bình Định; nơi ĐKHKTT: thành phố Q, tỉnh Bình Định; chỗ ở: nhà số 40, đường đường N1, thành phố Q, tỉnh Bình Định; dân tộc: Kinh; quốc tịch: Việt Nam; tôn giáo: không; trình độ văn hóa: 9/12; nghề nghiệp: không; con ông ND1 và bà ND2; tiền án, tiền sự: không.

Nhân thân: ngày 21-11-2012, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định xử phạt 18 tháng tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản”, 03 tháng tù về tội “Đánh bạc”. Ngày 02-9-2013 được đặc xá tha tù.

Bị cáo bị bắt tạm giam ngày 06-10-2015; ngày 04-02-2016, được thay đổi bằng biện pháp ngăn chặn: Cấm đi khỏi nơi cư trú. Bắt tạm giam lại ngày 04-01-2019 (theo Quyết định bắt, tạm giam số 19/2018/HSPT-QĐBTG ngày 05-12-2018 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng), hiện đang tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Bình Định, có mặt.

7. Trương Đình D1, sinh ngày 12-10-1965 tại Bình Định; nơi đăng ký HKTT: tổ4, khu vực 9, phường M1, thành phố Q, tỉnh Bình Định; chỗ ở: nhà số 236, đường D2, thành phố Q, tỉnh Bình Định; dân tộc: Kinh; quốc tịch: Việt Nam; tôn giáo: không; trình độ văn hóa: 10/10; nghề nghiệp: Quản lý khai thác đá; con ông TD1 và bà TD2; vợ là Nguyễn Thị Kim T (bị cáo cùng vụ án) và có 02 con; tiền án, tiền sự: không.

Bị cáo tại ngoại nơi cư trú, có mặt.

Bị cáo bị kháng cáo:

Nguyễn Quang P (tên gọi khác: Ki), sinh ngày: 11-5-1994 tại Phú Yên; nơi đăng ký HKTT và chỗ ở: thôn L, xã X, huyện Đ2, tỉnh Phú Yên; dân tộc: Kinh; quốc tịch: Việt Nam; tôn giáo: không; trình độ văn hóa: 9/12; nghề nghiệp: không; con ông NP1 và bà NP2; tiền án, tiền sự: không.

Nhân thân: ngày 09-12-2011, Tòa án nhân dân huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên xử phạt 02 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích” và “Cố ý làm hư hỏng tài sản”, ngày03-9-2013 chấp hành xong hình phạt tù. Ngày 18-9-2017, Tòa án nhân dân huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên xử phạt 02 năm 06 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”, hiện đang chấp hành hình phạt tù tại Trại giam Xuân Phước, tỉnh Phú Yên, có mặt.

Người tham gia tố tụng kháng cáo hoặc có liên quan đến kháng cáo:

- Người bị hại kháng cáo:

Ông Trần Văn B, sinh năm 1966; địa chỉ cư trú: số 3.03, Lô A1 C/c A3, đường P3, phường Z, quận P2, Thành phố Hồ Chí Minh, có mặt.

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại: Luật sư Đỗ Hải B3 - Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, có mặt.

- Người bào chữa cho Nguyễn Thị Kim T: Luật sư Đặng Trường N2 - Công tyLuật TNHH một thành viên S - Q, có mặt.

- Người bào chữa cho Huỳnh Văn T2, Lý Thanh S và Nguyễn Thọ Đại D: Luật sưTrịnh Bá T3 - thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, có mặt.

- Người làm chứng:

+ Ông N, sinh năm 1967; địa chỉ cư trú: xã H3, huyện H4, tỉnh Bình Định, vắngmặt.

+ Anh Đ1, sinh năm 1992; địa chỉ cư trú: nhà số 236, D2, thành phố Q, tỉnh BìnhĐịnh, vắng mặt.

+ Anh K, sinh năm 1972; địa chỉ cư trú: tổ 2, khu vực 4, phường B1, thành phốQ, tỉnh Bình Định, vắng mặt.

+ Anh Tạ Trịnh H2, sinh năm 1987; địa chỉ cư trú: tổ 7, khu vực.8, phường T2, thành phố Q, tỉnh Bình Định, vắng mặt.

+ Anh Đào Phương Q2, sinh năm 1984; địa chỉ cư trú: tổ 4, khu vực 8, phườngT2, thành phố Q, tỉnh Bình Định, vắng mặt.

+ Ông V, sinh năm 1955; địa chỉ cư trú: nhà số 23, đường V1, phường G, thànhphố Q, tỉnh Bình Định, có mặt.

+ Bà M, sinh năm 1969; địa chỉ cư trú: phòng 312, chung cư A3, đường P3, phường Z, quận P2, Thành phố Hồ Chí Minh, vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Nguyễn Thị Kim T là người chuyên cho vay tiền để đáo hạn Ngân hàng. Ông Trần Văn B là Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đ (có Văn phòng tại số nhà 06, đường N, phường G, thành phố Q, tỉnh Bình Định) đã nhiều lần vay tiền của T, lần vay nhiều nhất là 5.000.000.000 đồng (năm tỷ đồng).

Khoảng đầu tháng 6-2014, thông qua sự bảo đảm của Nguyễn Thị Kim T, bà A cho ông B vay 900.000.000 đồng (chín trăm triệu đồng), với lãi suất 0,3%/ngày (9%/tháng). Đến ngày 10-6-2014, ông B tiếp tục vay thêm của T 100.000.000 đồng (một trăm triệu đồng) và thỏa thuận tiền lãi chưa trả cho khoản vay 900.000.000 đồng trước đây là 80.000.000 đồng rồi viết chung giấy vay tiền của A, với tổng số tiền vay là 1.080.000.000 đồng (một tỷ không trăm tám mươi triệu đồng) và hẹn sau 20 ngày sẽ trả. Sau nhiều lần đòi nợ, tính đến ngày 10-01-2015, ông B đã trả nợ cho T 03 lần, với tổng số tiền 900.000.000 đồng. T trừ tiền gốc và tiền lãi tính đến ngày 10-01-2015, thì ông B còn nợ T 598.600.000 đồng tiền gốc. Đến ngày 30-9-2015, T xác định ông B nợ thêm số tiền lãi là 555.686.000 đồng. Như vậy, Nguyễn Thị Kim T tự tính cả gốc và lãi, thìông B còn nợ tổng số tiền 1.145.000.000 đồng.

Khoảng giữa tháng 9-2015, khi đang điều trị tại Bệnh viện phong, da liễu Trung ương Q1, T gặp Phan Nhật T1. T nói cho T1 biết ông B nợ T hơn 1.000.000.000 đồng và bàn với T1 tìm cách đòi nợ. T thỏa thuận sẽ trả 30% trên tổng số tiền đòi được cho T1.

Ngày 26-9-2015, T điện thoại cho T1 hẹn gặp tại quán cà phê Bưu điện (đường D2, thành phố Q). Tại đây, T bàn với T1 cách thức đòi nợ và bảo T1 lấy tên là “Hùng”, đóng vai làm người mua nhà của ông B, vì T biết hiện nay ông B đang treo biển bán nhà (số 06, đường N, thành phố Q). T cung cấp số điện thoại của ông B để T1 điện thoại hỏi mua nhà và thống nhất giá cả để ông B tin tưởng nhằm mục đích gọi ông B từ Thành phố Hồ Chí Minh ra thành phố Q rồi bố trí người giữ lại để buộc ông B trả nợ. Sau khi T1, T thống nhất cách thức lừa ông B, T điện thoại cho Trương Đình D1 (chồng T) chở T1 đến nhà ông B để T1 nắm tình hình trước khi điện thoại cho ông B.

Do có sự sắp xếp từ trước, nên khoảng 08 giờ ngày 30-9-2015, ông B về thành phố Q rồi điện thoại cho T1 để trao đổi việc mua bán nhà, T1 điện thoại thông báo cho T. T hướng dẫn T1 đưa ông B đến nhà hàng KC (phường B1, thành phố Q) và bảo T1gọi thêm đàn em của T1 đến để cùng T, T1 khống chế, canh giữ và đe dọa để buộc ông B phải trả tiền cho T. T1 đồng ý và điện thoại hẹn gặp ông B lúc 10 giờ cùng ngày tại ngã ba Phú Tài. Sau đó, T1 điện thoại trao đổi với Huỳnh Văn T2 về nội dung theo thỏa thuận với T và bảo T2 gọi thêm 03-04 “đàn em” đến quán KC ngồi chờ sẵn. T2 điện thoại rủ Trần Trọng H, Lý Thanh S, Tạ Trịnh H2 (Suzuki), Đào Phương Q2 (Curi) đến quán KC. Tại đây, T2 nói rõ mục đích đi đòi nợ thuê cho H, S cùng biết.

Khoảng 10 giờ ngày 30-9-2015, ông B đi xe máy cùng ông V (là bảo vệ Công ty Đ) đến ngã ba Phú Tài liên lạc với T1. Để tạo sự tin tưởng, T1 thuê taxi đến đón ông B rồi cùng đi đến quán KC và ngồi ở bên cạnh bàn của nhóm T2 đang ăn nhậu. Một lúc sau, T đến gặp ông B hỏi việc sao nợ tiền không trả, ông B nói: “Để hôm nay bán nhà ở đây rồi trả nợ luôn” thì T chỉ vào T1 nói: “Đây là thằng T1 chứ không phải Hùng gì cả, tao bảo nó dụ mày ra để lấy tiền nợ chứ không mua bán nhà gì”.

Lúc này, T1 đi đến bàn đồng bọn đang ngồi để ăn nhậu, còn T2 đi đến bàn ông B đang ngồi và phân công S và H canh giữ ông B. Trong khi T và ông B cãi nhau về số tiền ông B còn nợ, thì T2 đến gần ông B nói: “Anh có nợ tiền không, chừng nào trả” nhưng ông B không trả lời. T2 liền xông đến dùng tay đánh liên tiếp vào bụng ông B 02 cái, sau đó T2 bẻ chiếc đũa gãy làm đôi và chỉ vào mặt ông B đe dọa bảo trả tiền, nếu không thì T2 sẽ đâm. Thấy vậy, T xoa dịu: “Thôi để đó chị tính với ổng” rồi T tính tiền lãi cộng với gốc thành 1.145.000.000 đồng và nói ông B viết giấy nhận nợ 1.145.000.000 đồng, nhưng ông B chưa viết. Lúc này, Trương Đình D1 đến, T bảo D1 ở lại buộc ông B viết giấy nhận nợ, còn T đi về tham gia đấu giá đất. D1 cùng các đối tượng trên tiếp tục ép buộc ông B viết giấy nhận nợ. Do sợ hãi, nên ông B đã viết giấy nhận nợ số tiền 1.080.000.000 đồng (viết theo khoản nợ ban đầu) và hẹn đến ngày 15-10-2015 sẽ trả hết nợ. Đến khoảng 16 giờ 30 phút cùng ngày, T quay trở lại quán KC, cùng đồng bọn tiếp tục giữ ông B và ép buộc, đe dọa bắt ông B phải điện thoại huy động tiền để trả, thì T mới thả cho về.

Đến 19 giờ ngày 30-9-2015, sau gần 10 giờ đe dọa, ép buộc ông B trả nợ nhưng ông B vẫn chưa có tiền trả, nên T bàn với T1 đưa ông B đến khách sạn hoặc nhà nghỉ nào khác tiếp tục giữ ông B để buộc ông B phải trả nợ. Sau khi bàn bạc, thương lượng (giữa ông B, ông N, T1 và T) thì T đồng ý đưa ông B về nhà của ông B (số 06, đường N, thành phố Q) để tiếp tục canh giữ và đòi nợ. T bảo T1 phân công đồng bọn cùng vợ, chồng T tiếp tục canh giữ cho đến khi ông B trả đủ tiền. T1 phân công S, H đi theo T canh giữ ông B và dặn S gọi thêm người canh giữ. S gọi thêm Nguyễn Thọ Đại D, H gọi thêm Nguyễn Quang P cùng đến nhà ông B tham gia canh giữ ông B.

Sau khi thống nhất, Trương Đình D1 lái xe ô tô chở ông B cùng T, S về nhà ông B. Trên đường đi, D1 dừng xe tại chợ Dinh đón thêm D, H đi xe máy chở P đến sau. Tại nhà của ông B, vợ chồng T, D1 tiếp tục ép buộc ông B nhận nợ thêm 65.000.000 đồng (cho đủ số tiền 1.145.000.000 đồng mà T xác định ông B còn nợ) và viết giấy cam kết ngày 01-10-2015 phải trả trước 300.000.000 đồng (ba trăm triệu đồng). Trước khi ra về, T dặn nhóm S canh giữ không cho ông B ra khỏi nhà, nếu ông B đi đâu thì báo cho T biết và phải được sự đồng ý của T. Tại nhà ông B, Trần Trọng H, Lý Thanh S, Nguyễn Thọ Đại D, Nguyễn Quang P thay phiên nhau canh giữ ông B. Ban ngày luôn có 02 đối tượng canh giữ, ban đêm có từ 03-04 đối tượng thay nhau canh giữ. Trong thời gian canh giữ ông B, T đã đưa cho các đối tượng 2.700.000 đồng để chi phí ăn uống, sinh hoạt.

Trong thời gian giữ ông B, S, H thường xuyên liên lạc với T1, T2, T để trao đổi cách thức đối phó với ông B cũng như Công an phường G, thành phố Q nếu đến nhà kiểm tra hành chính. T1, T2 thay nhau nhắc nhở và đôn đốc việc canh giữ. Còn vợ chồng T, D1 thường xuyên đến kiểm tra, gây sức ép buộc ông B chuyển tiền. Riêng Trương Đình D1 trực tiếp ngủ tại nhà ông B để tham gia canh giữ ông B 02 đêm (01-10-2015 và 03-10-2015).

Ngày 01-10-2015, trước sự đe dọa của T và nhóm của T1, ông B lo sợ, nên điện thoại vay của ông Nguyễn Quang H1 (ở Quảng Trị) 50.000.000 đồng (năm mươi triệu đồng) để chuyển khoản cho T nhằm giảm bớt căng thẳng và áp lực (thông qua tài khoản Ngân hàng của ông V - nhân viên bảo vệ của Công ty ông B đem về giao cho ông N). Sau đó, T bảo con là Đ1 đến nhà ông B nhận 50.000.000 đồng này từ ông N.

Ngày 05-10-2015, bà M (vợ ông B) viết đơn tố cáo các đối tượng có hành vi bắt giữ ông B. Rạng sáng ngày 06-10-2015, Công an phường G, thành phố Q tiến hành kiểm tra hành chính nhà ông B, P hiện Trần Trọng H, Lý Thanh S, Nguyễn Thọ Đại D là những người lạ mặt, không có đăng ký tạm trú, đang canh giữ ông B để đòi tiền nợ cho T, nên đưa về trụ sở giải quyết.

Ngày 24-9-2016, Nguyễn Thị Kim T đã nộp 50.000.000 đồng (năm mươi triệu đồng) là tiền chiếm đoạt tại Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Định để khắc phục hậu quả.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 23/2018/HSST ngày 12-6-2018, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định:

Tuyên bố: các bị cáo Nguyễn Thị Kim T, Phan Nhật T1, Trương Đình D1, Huỳnh Văn T2, Lý Thanh S, Trần Trọng H, Nguyễn Thọ Đại D, Nguyễn Quang P phạm các tội “Giữ người trái pháp luật” và “Cưỡng đoạt tài sản”.

- Áp dụng điểm a khoản 2 Điều 123; điểm d khoản 2 Điều 135; điểm b, p khoản1, khoản 2 Điều 46; Điều 47 và Điều 50 của Bộ luật Hình sự năm 1999.

Xử phạt: Nguyễn Thị Kim T 12 (mười hai) tháng tù về tội “Giữ người trái pháp luật” và 15 (mười lăm) tháng tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản”; tổng hợp hình phạt của hai tội, buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung là 27 (hai mươi bảy) tháng tù; thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án, được trừ thời gian tạm giam trước từ ngày 03-11-2015 đến ngày 28-12-2015.

- Áp dụng điểm a khoản 2 Điều 123; điểm d khoản 2 Điều 135; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47; điểm g khoản 1 Điều 48 và Điều 50 của Bộ luật Hình sự năm 1999.

Xử phạt: Lý Thanh S 09 tháng (chín) tháng tù về tội “Giữ người trái pháp luật” và 12 (mười hai) tháng tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản”; tổng hợp hình phạt của hai tội, buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung là 21 (hai mươi mốt) tháng tù; thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án, được trừ thời gian tạm giam trước từ ngày 06-10-2015 đến ngày 04-02-2016.

- Áp dụng điểm a khoản 2 Điều 123; điểm d khoản 2 Điều 135; điểm b, p khoản1, khoản 2 Điều 46; Điều 47; Điều 50 của Bộ luật Hình sự năm 1999.

Xử phạt: Phan Nhật T1 09 (chín) tháng tù về tội “Giữ người trái pháp luật” và12 (mười hai) tháng tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản”; tổng hợp hình phạt của hai tội, buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung là 21 (hai mươi mốt) tháng tù; thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án, được trừ thời gian tạm giam trước từ ngày 08-10-2015 đến ngày 04-02-2016.

Áp dụng điểm a khoản 2 Điều 123; điểm d khoản 2 Điều 135; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47 và điểm a khoản 1 Điều 50 của Bộ luật Hình sự năm 1999.

Xử phạt: Huỳnh Văn T2 09 (chín) tháng tù về tội “Giữ người trái pháp luật” và12 (mười hai) tháng tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản”; tổng hợp hình phạt của hai tội, buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung là 21 (hai mươi mốt) tháng tù; thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án, được trừ thời gian tạm giam trước từ ngày 08-10-2015 đến ngày 04-02-2016.

Xử phạt: Trần Trọng H 06 (sáu) tháng tù về tội “Giữ người trái pháp luật” và 12 (mười hai) tháng tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản”; tổng hợp hình phạt của hai tội, buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung là 18 (mười tám) tháng tù; thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án, được trừ thời gian tạm giam trước từ ngày 06-10-2015 đến ngày 04-02-2016.

Xử phạt: Nguyễn Thọ Đại D 06 (sáu) tháng tù về tội “Giữ người trái pháp luật” và 12 (mười hai) tháng tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản”; tổng hợp hình phạt của hai tội, buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung là 18 (mười tám) tháng tù; thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án, được trừ thời gian tạm giam trước từ ngày 06-10-2015 đến ngày 04-02-2016.

Xử phạt: Nguyễn Quang P 06 (sáu) tháng tù về tội “Giữ người trái pháp luật” và12 (mười hai) tháng tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản”; tổng hợp hình phạt của hai tội,buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung là 18 (mười tám) tháng tù; thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án.

- Áp dụng điểm a khoản 2 Điều 123; điểm d khoản 2 Điều 135; điểm b, p khoản1, khoản 2 Điều 46; Điều 47 và Điều 50 của Bộ luật Hình sự năm 1999 và khoản 2Điều 54 của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Xử phạt: Trương Đình D1 06 (sáu) tháng tù về tội “Giữ người trái pháp luật” và 09 tháng tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản”; tổng hợp hình phạt của hai tội, buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung là 15 (mười lăm) tháng tù; thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, xử lý vật chứng, án phí hình sự, án phí dân sự và thông báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

- Ngày 19-6-2018, Huỳnh Văn T2, Nguyễn Thọ Đại D, Lý Thanh S kháng cáo, cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm kết án bị cáo về tội “Cưỡng đoạt tài sản” là không đủ căn cứ và đề nghị được hưởng án treo về tội “Giữ người trái pháp luật”.

- Ngày 21-6-2018, người bị hại (ông Trần Văn B) kháng cáo, đề nghị áp dụng khoản 4 Điều 135 của Bộ luật Hình sự đối với tất cả các bị cáo về tội “Cưỡng đoạt tài sản” và tăng hình phạt đối với các bị cáo về tội “Giữ người trái pháp luật”.

- Ngày 22-6-2018, Nguyễn Thị Kim T, Trương Đình D1, Phan Nhật T1, Trần Trọng H kháng cáo cho rằng: Tòa án cấp sơ thẩm kết án các bị cáo về tội “Giữ người trái pháp luật” và “Cưỡng đoạt tài sản” là không đủ căn cứ.

Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng Điều 348; điểm a khoản 1 Điều 355 và Điều 358 của Bộ luật Tố tụng hình sự:

- Đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án đối với kháng cáo của người bị hại.

- Không chấp nhận kháng cáo của Nguyễn Thị Kim T, Phan Nhật T1, Lý Thanh S, Trần Trọng H, Huỳnh Văn T2, Trương Đình D1 và Nguyễn Thọ Đại D; giữ nguyên quyết định về trách nhiệm hình sự của bản án sơ thẩm đối với các bị cáo.

- Kiến nghị cấp giám đốc thẩm xem xét hành vi của các bị cáo về việc buộc người bị hại viết giấy nhận nợ 1.145.000.000 đồng để nhằm chiếm đoạt số tiền này.

Người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Kim T và các bị cáo: T, D1, T1 và H đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lại cả hai tội danh.

Người bào chữa cho các bị cáo Huỳnh Văn T2, Nguyễn Thọ Đại D, Lý Thanh S và các bị cáo T2, D và S đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lại tội “Cưỡng đoạt tài sản” và đề nghị được hưởng án treo về tội “Giữ người trái pháp luật”.

Người bị hại đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã đượctranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1]. Cho rằng ông Trần Văn B cố tình không trả nợ, nên Nguyễn Thị Kim T đã bàn bạc và thống nhất với Phan Nhật T1 tìm cách đòi nợ ông B. Theo sự chỉ đạo của T, T1 đóng vai là người mua nhà của ông B rồi lừa ông B đến nhà hàng KC, thuộc phường B1, thành phố Q. Tại đây, T và T1 phân công Huỳnh Văn T2, Lý Thanh S, Trần Trọng H, Nguyễn Thọ Đại D, Nguyễn Quang P và Trương Đình D1 thay nhau đe dọa và đánh ông B để buộc ông B trả nợ cho T. Tiếp đó, các bị cáo đưa ông B về nhà ông B, phân công nhau canh giữ ông B từ ngày 30-9-2015 đến ngày 06-10-2015 và trong thời gian này, các bị cáo tiếp tục khống chế, đe dọa ông B, nhằm buộc ông B trả nợ và phải viết giấy nhận nợ cho T. Do bị khống chế và hoảng sợ trước sự đe dọa của các bị cáo, ông B đã viết giấy nhận nợ T số tiền 1.145.000.000 đồng. Sau đó, ông B nhờ bạn (ông Nguyễn Quang H1) chuyển qua tài khoản của ông V để trả cho T 50.000.000 đồng. Mặc dù, ông B đã trả tiền nhưng T vẫn tiếp tục giữ ông B cho đến khi Công an đến kiểm tra hành chính, ông B mới được trả tự do.

Với hành vi phạm tội như đã nêu trên, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định kết án Nguyễn Thị Kim T, Phan Nhật T1, Huỳnh Văn T2, Lý Thanh S, Trần Trọng H, Nguyễn Thọ Đại D, Nguyễn Quang P và Trương Đình D1 về tội “Giữ người trái pháp luật” và “Cưỡng đoạt tài sản”.

[2]. Xét kháng cáo của các bị cáo và kháng cáo của người bị hại:

 [2.1]. Đối với kháng cáo của các bị cáo:

- Về tội danh:

Do cần tiền để hoạt động kinh doanh, ông Trần Văn B nhiều lần vay tiền của Nguyễn Thị Kim T. Trước và trong ngày 10-6-2014, ông B vay của T tổng số tiền là 1.080.000.000 đồng. Sau 03 lần trả nợ, tính đến ngày 10-01-2015, ông B đã trả cho T 900.000.000 đồng. T trừ tiền lãi vay và gốc, thì ông B còn nợ T 598.600.000 đồng tiền gốc. Đến ngày 30-9-2015, T xác định ông B nợ thêm số tiền lãi là 555.686.000 đồng. Như vậy, Nguyễn Thị Kim T tự tính cả gốc và lãi, thì ông B còn nợ T tổng số tiền1.145.000.000 đồng. Sau đó, T bàn bạc với Phan Nhật T1 tìm cách đòi nợ ông B.

Ngày 26-9-2015, theo sự chỉ đạo của T, T1 phân công Huỳnh Văn T2, Lý Thanh S, Trần Trọng H, Nguyễn Thọ Đại D, Nguyễn Quang P đến quán KC (phường B1, thành phố Q) chờ sẵn rồi T1 dụ ông B đến. Trong khi T và ông B cãi nhau về số tiền ông B còn nợ, thì Huỳnh Văn T2 đe dọa và dùng tay đánh liên tiếp vào bụng ông B 02 cái. Tiếp đó, T2 bẻ gãy chiếc đũa, chỉ vào mặt ông B đe dọa, còn T yêu cầu ông B viết giấy nhận nợ nhưng ông B không viết. Lúc này, Trương Đình D1 (là chồng của T) đến, thì T bảo D1 ở lại buộc ông B viết giấy nhận nợ, còn T đi về tham gia đấu giá đất. D1 cùng đồng phạm tiếp tục ép buộc ông B viết giấy nhận nợ. Do sợ hãi, ông B đã viết giấy nhận nợ T 1.080.000.000 đồng (viết theo khoản nợ ban đầu) và hẹn đến ngày 15-10-2015 sẽ trả hết nợ. Đến khoảng 16 giờ 30 phút cùng ngày, T quay trở lại quán, cùng đồng phạm tiếp tục ép buộc, đe dọa bắt ông B phải điện thoại huy động tiền để trả, thì T mới thả cho về.

Đến 19 giờ ngày 30-9-2015 (sau gần 10 giờ đe dọa, ép buộc), ông B chưa có tiền trả, thì các bị cáo đưa ông B về nhà ông B tiếp tục canh giữ và đòi nợ. Tại đây, T và D1 tiếp tục ép buộc ông B phải nhận nợ thêm 65.000.000 đồng (cho đủ số tiền 1.145.000.000 đồng, do T tự tính) và viết giấy cam kết ngày 01-10-2015 phải trả trước 300.000.000 đồng rồi phân công Trần Trọng H, Lý Thanh S, Nguyễn Thọ Đại D, Nguyễn Quang P thay phiên nhau canh giữ, khống chế, đe dọa buộc ông B chuyển tiền. Trước sức ép của T cùng đồng phạm, ông B lo sợ, nên điện thoại vay của ông Nguyễn Quang H1 50.000.000 đồng để chuyển khoản cho T. Rạng sáng ngày 06-10-2015, Công anphường G, thành phố Q kiểm tra hành chính, thì ông B mới được trả tự do.

Hành vi của các bị cáo: Nguyễn Thị Kim T, Phan Nhật T1, Huỳnh Văn T2, Lý Thanh S, Trần Trọng H, Nguyễn Thọ Đại D, Nguyễn Quang P và Trương Đình D1 là giữ người trái pháp luật rồi khống chế, đe dọa để buộc người bị hại phải trả tiền trái ý muốn của họ. Hành vi giữ người trong thời gian 07 ngày của các bị cáo đủ yếu tố cấu thành tội “Giữ người trái pháp luật”; hành vi đe dọa, khống chế, ép buộc người bị hại trả tiền (50.000.000 đồng) và viết giấy nhận nợ (1.145.000.000 đồng) đủ yếu tố cấu thành tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Do đó, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định kết án các bị cáo về hai tội danh nêu trên là có căn cứ, đúng pháp luật.

Như vậy, kháng cáo đề nghị xem xét lại về hai tội danh của các bị cáo: Nguyễn Thị Kim T, Trương Đình D1, Phan Nhật T1, Trần Trọng H, Huỳnh Văn T2, Nguyễn Thọ Đại D và Lý Thanh S; kháng cáo đề nghị xem xét lại tội “Cưỡng đoạt tài sản” của các bị cáo Huỳnh Văn T2, Lý Thanh S và Nguyễn Thọ Đại D đã được Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét, nhưng không có cơ sở để chấp nhận.

- Về hình phạt:

+ Đối với Huỳnh Văn T2: mặc dù, T2 không biết gì về quan hệ vay mượn tiền giữa T và người bị hại, nhưng vì hám lợi nên khi được Phan Nhật T1 rủ rê, bị cáo đã lôi kéo và phân công Lý Thanh S, Trần Trọng H canh giữ không cho người bị hại bỏ chạy để cho T đòi nợ. Tại nhà hàng KC, bị cáo trực tiếp đánh đập và có những lời nói, hành động đe dọa, khống chế để ép người bị hại phải trả nợ cho T; đồng thời, tại nhà người bị hại, bị cáo phân công các bị cáo khác canh giữ người bị hại; trực tiếp kiểm tra và điện thoại nhắc nhở các bị cáo khác trong việc canh giữ người bị hại. Do đó, bị cáo tham gia trong vụ án với vai trò là người thực hành tích cực.

+ Đối với Lý Thanh S, Nguyễn Thọ Đại D: khi được rủ rê, lôi kéo, các bị cáo đã tích cực tham gia. Lý Thanh S là người trực tiếp canh giữ người bị hại tại nhà Hàng KC. Sau đó, cùng Nguyễn Thọ Đại D tiếp tục canh giữ người bị hại tại nhà số 06, đường N, thành phố Q từ ngày 30-9-2015 đến sáng ngày 06-10-2015, nhằm ép buộc người bị hại trả nợ. Do đó, các bị cáo phạm tội với vai trò là người giúp sức tích cực.

Với hành vi và vai trò phạm tội như đã nêu trên, nhưng Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định chỉ xử phạt Huỳnh Văn T2 Lý Thanh S mỗi bị cáo 09 (chín) tháng tù, xử phạt Nguyễn Thọ Đại D 06 (sáu) tháng tù, cùng về tội “Giữ người trái pháp luật” là nhẹ, chưa đánh giá đúng tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội của các bị cáo; chưa đủ tác dụng giáo dục, cải tạo đối với các bị cáo nói riêng, cũng như ngăn chặn và phòng ngừa chung đối với loại tội phạm này. Các bị cáo Huỳnh Văn T2, Lý Thanh S và Nguyễn Thọ Đại D kháng cáo xin hưởng án treo về tội “Giữ người trái pháp luật” nhưng tại phiên tòa các bị cáo không cung cấp được chứng cứ để chứng minh có thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mới; đồng thời, nhân thân các bị cáo Trần Trọng H, Nguyễn Thọ Đại D rất xấu, bị cáo Lý Thanh S có tiền án chưa được xóa án tích, do đó kháng cáo của các bị cáo không có cơ sở, nên không được Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận.

[2.2]. Đối với kháng cáo của người bị hại:

Người bị hại kháng cáo cho rằng trong thời bị giữ tại nhà mình, Nguyễn Thị Kim T cùng đồng phạm liên tục đe dọa, khống chế, ép buộc ông phải viết giấy nhận nợ 1.145.000.000 đồng trái ý muốn của mình; đồng thời, trước sức ép của các bị cáo, ông phải vay tiền của bạn để chuyển khoản trả cho T 50.000.000 đồng. Do đó, hành vi củacác bị cáo phải bị truy tố, xét xử theo điểm a khoản 4 Điều 135 của Bộ luật Hình sự năm 1999, nhưng tại phiên tòa phúc thẩm, người bị hại rút toàn bộ nội dung kháng cáo. Xét thấy, việc rút kháng cáo là tự nguyện, nên Hội đồng xét xử đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo của người bị hại.

Tuy nhiên, theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và qua tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử thấy rằng:

Tại Bản án hình sự phúc thẩm số 321/2017/HSPT ngày 22-9-2017, Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng hủy bản án sơ thẩm (lần thứ nhất) để điều tra lại theo hướng: xem xét trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo về số tiền nhằm chiếm đoạt của người bị hại, nhưng sau khi điều tra lại, cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bình Định chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự các bị cáo đối với số tiền 50.000.000 đồng (là số tiền thực tế đã chiếm đoạt) và tại Bản án hình sự sơ thẩm số 23/2018/HSST ngày 12-6-2018 (lần thứ hai), Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định xác định: “… tuy các bị cáo ép buộc ông Trần Văn B viết giấy còn nợ tổng cộng 1.145.000.000 đồng, nhưng thực ra giấy nhận nợ này là chứng cứ để xác định ông B còn nợ bị cáo T số tiền này, vì trước đó T không được ông B xác nhận nợ. Sau khi viết giấy nhận nợ, ông B đã giao cho T 50.000.000 đồng ngoài ý chí của ông B, nên các bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự đối với số tiền này” là chưa chính xác, bởi lẽ: Cưỡng đoạt tài sản là “… đe dọa dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản…”.

Trong vụ án này, Nguyễn Thị Kim T tự tính và buộc ông Trần Văn B phải viết giấy nhận nợ T 1.145.000.000 đồng (tính cả gốc và lãi) trái ý muốn của ông B. Như vậy, để giải quyết vụ án đúng quy định của pháp luật, Hội đồng xét xử phúc thẩm sẽ kiến nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Nguyễn Thị Kim T cùng đồng phạm về hành vi đe dọa dùng vũ lực để uy hiếp tinh thần nhằm chiếm đoạt của ông Trần Văn B 1.145.000.000 đồng.

[3]. Về áp dụng pháp luật:

Nguyễn Thị Kim T cùng đồng phạm bị Tòa án cấp sơ thẩm kết án về tội “Giữ người trái pháp luật” theo điểm a khoản 2 Điều 123 của Bộ luật Hình sự năm 1999 và tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo điểm d khoản 2 Điều 135 của Bộ luật hình sự năm 1999. Tại thời điểm xét xử phúc thẩm, thì Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có hiệu lực thi hành, nhưng mức hình phạt thấp nhất được quy định tại khoản 2 Điều 123 của Bộ luật Hình sự năm 1999 thấp hơn mức hình phạt thấp nhất được quy định tại khoản 2 Điều 157 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (tội “Giữ người trái pháp luật”) và mức hình phạt thấp nhất được quy định tại khoản 2 Điều 135 của Bộ luật Hình sự năm 1999 bằng mức hình phạt thấp nhất được quy định tại khoản 2 Điều 171 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (tội “Cưỡng đoạt tài sản”). Vì vậy, để thực hiện nguyên tắc có lợi cho người phạm tội, Hội đồng xét xử phúc thẩm tiếp tục áp dụng điều luật của Bộ luật Hình sự năm 1999 khi quyết định hình phạt đối với bị cáo.

[4]. Về án phí hình sự: do kháng cáo không được chấp nhận, nên các bị cáo kháng cáo phải chịu án phí hình sự phúc thẩm theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

1. Căn cứ Điều 348; điểm a, đ khoản 1 Điều 355 và Điều 356 của Bộ luật Tố tụng hình sự.

- Đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo của người bị hại.

- Không chấp nhận kháng cáo của Nguyễn Thị Kim T, Phan Nhật T1, Lý ThanhS, Huỳnh Văn T2, Trần Trọng H, Nguyễn Thọ Đại D và Trương Đình D1.

- Giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số 23/2018/HS-ST ngày 12-6-2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định về trách nhiệm hình sự đối với: Nguyễn Thị Kim T, Phan Nhật T1, Lý Thanh S, Huỳnh Văn T2, Trần Trọng H, Nguyễn Thọ Đại D và Trương Đình D1.

2. Về hình phạt:

Áp dụng điểm a khoản 2 Điều 123; điểm d khoản 2 Điều 135; điểm b, p khoản 1,khoản 2 Điều 46; Điều 47 và điểm a khoản 1 Điều 50 của Bộ luật Hình sự năm 1999.

- Xử phạt: Nguyễn Thị Kim T 12 (mười hai) tháng tù về tội “Giữ người trái pháp luật” và 15 (mười lăm) tháng tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản”; tổng hợp hình phạt của hai tội, buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung là 27 (hai mươi bảy) tháng tù; thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án (được trừ thời gian tạm giam, từ ngày 03-11-2015 đến ngày 28-12-2015).

Áp dụng điểm a khoản 2 Điều 123; điểm d khoản 2 Điều 135; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47 và điểm a khoản 1 Điều 50 của Bộ luật Hình sự năm 1999.

- Xử phạt: Phan Nhật T1 09 (chín) tháng tù về tội “Giữ người trái pháp luật” và 12 (mười hai) tháng tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản”; tổng hợp hình phạt của hai tội, buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung là 21 (hai mươi mốt) tháng tù; thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án (được trừ thời gian tạm giam, từ ngày 08-10-2015 đến ngày 04-02-2016).

Áp dụng điểm a khoản 2 Điều 123; điểm d khoản 2 Điều 135; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47; điểm g khoản 1 Điều 48 và điểm a khoản 1 Điều 50 của Bộ luật Hình sự năm 1999.

- Xử phạt: Lý Thanh S 09 tháng (chín) tháng tù về tội “Giữ người trái pháp luật” và 12 (mười hai) tháng tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản”; tổng hợp hình phạt của hai tội, buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung là 21 (hai mươi mốt) tháng tù; thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt tạm giam lại, ngày 03-01-2019 (được trừ thời gian tạm giam trước, từ ngày 06-10-2015 đến ngày 04-02-2016).

Áp dụng điểm a khoản 2 Điều 123; điểm d khoản 2 Điều 135; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47 và điểm a khoản 1 Điều 50 của Bộ luật Hình sự năm 1999.

- Xử phạt: Huỳnh Văn T2 09 (chín) tháng tù về tội “Giữ người trái pháp luật” và12 (mười hai) tháng tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản”; tổng hợp hình phạt của hai tội, buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung là 21 (hai mươi mốt) tháng tù; thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt tạm giam lại, ngày 10-01-2019 (được trừ thời gian tạm giam trước, từ ngày 08-10-2015 đến ngày 04-02-2016).

- Xử phạt: Trần Trọng H 06 (sáu) tháng tù về tội “Giữ người trái pháp luật” và 12 (mười hai) tháng tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản”; tổng hợp hình phạt của hai tội,buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung là 18 (mười tám) tháng tù; thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt tạm giam lại, ngày 10-01-2019 (được trừ thời gian tạm giam trước, từ ngày 06-10-2015 đến ngày 04-02-2016).

- Xử phạt: Nguyễn Thọ Đại D 06 (sáu) tháng tù về tội “Giữ người trái pháp luật” và 12 (mười hai) tháng tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản”; tổng hợp hình phạt của hai tội, buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung là 18 (mười tám) tháng tù; thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt tạm giam lại, ngày 04-01-2019 (được trừ thời gian tạm giam trước, từ ngày 06-10-2015 đến ngày 04-02-2016).

Áp dụng điểm a khoản 2 Điều 123; điểm d khoản 2 Điều 135; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47 và điểm a khoản 1 Điều 50 của Bộ luật Hình sự năm 1999 và khoản 2 Điều 54 của Bộ luật Hình sự năm 2015.

- Xử phạt: Trương Đình D1 06 (sáu) tháng tù về tội “Giữ người trái pháp luật” và 09 tháng tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản”; tổng hợp hình phạt của hai tội, buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung là 15 (mười lăm) tháng tù; thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án.

3. Trách nhiệm hình sự đối với Nguyễn Quang P được thực hiện theo quyết định của Bản án hình sự sơ thẩm số 23/2018/HS-ST ngày 12-6-2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định.

4. Các quyết định khác về trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

5. Về án phí:

Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 23 Nghị quyết 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

- Nguyễn Thị Kim T, Phan Nhật T1, Trần Trọng H, Trương Đình D1, Huỳnh Văn T2, Nguyễn Thọ Đại D và Lý Thanh S mỗi bị cáo phải chịu 200.000 đồng (hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự phúc thẩm.

5. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1966
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội giữ người trái pháp luật và cưỡng đoạt tài sản số 78/2019/HSPT

Số hiệu:78/2019/HSPT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bình Định
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 03/04/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về