Bản án về tội giữ người trái pháp luật số 27/2023/HS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH HÀ GIANG

BẢN ÁN 27/2023/HS-PT NGÀY 12/12/2023 VỀ TỘI GIỮ NGƯỜI TRÁI PHÁP LUẬT

Ngày 12/12/2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 33/2023/TLPT-HS ngày 06/11/2023 đối với bị cáo Giàng Seo S cùng đồng phạm, do có kháng cáo của các bị cáo Giàng Seo S, Hoàng Văn D, Hoàng Văn S đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 57/2023/HS-ST ngày 19/09/2023 của Tòa án nhân dân huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang.

- Các bị cáo có kháng cáo:

1. Giàng Seo S, sinh năm 1989 tại huyện V, tỉnh Hà Giang; CCCD số: xxxxxxxxxxxx, do Cục Cảnh sát QLHC về TTXH - Bộ Công an cấp ngày cấp 25/6/2021; nơi cư trú: Thôn K, xã B, huyện V, tỉnh Hà Giang; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ học vấn: 4/12; dân tộc: Mông; giới tính: Nam; tôn giáo: Đạo tin lành; quốc tịch: Việt Nam; con ông Giàng Sẻo S1, sinh năm 1967 và bà Ma Thị M, sinh năm 1964; có vợ là Hoàng Thị X, sinh năm 1995; có 03 con, con lớn nhất, sinh năm 2013, con nhỏ nhất, sinh năm 2017; tiền án, tiền sự: Không;

Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn "Cấm đi khỏi nơi cư trú"; có mặt.

2. Hoàng Văn D, sinh năm 1973 tại huyện H, tỉnh Hà Giang; CMND số xxxxxxxxx, do Công an tỉnh Hà Giang cấp ngày 10/8/2012; nơi cư trú: Thôn T, xã Đ, huyện B, tỉnh Hà Giang; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ học vấn:

0/12; dân tộc: Mông; giới tính: Nam; tôn giáo: Đạo tin lành; quốc tịch: Việt Nam; con ông Hoàng Văn T, sinh năm 1950 và bà Lý Thị C, sinh năm 1953; có vợ là Giàng Thị M, sinh năm 1976; có 03 con, con lớn nhất, sinh năm 1993, con nhỏ nhất, sinh năm 1998; tiền án, tiền sự: Không;

Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn "Cấm đi khỏi nơi cư trú"; có mặt.

3. Hoàng Văn S, sinh năm 1998 tại huyện B, tỉnh Hà Giang; CCCD số xxxxxxxxxxxx, do Cục Cảnh sát QLHC về TTXH cấp ngày 03/7/2021; nơi cư trú: Thôn T, xã Đ, huyện B, tỉnh Hà Giang; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ học vấn: 9/12; dân tộc: Mông; giới tính: Nam; tôn giáo: Đạo tin lành; quốc tịch: Việt Nam; con ông Hoàng Văn D, sinh năm 1973 và bà Giàng Thị M, sinh năm 1976; vợ, con: chưa có; tiền án, tiền sự: Không;

Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn "Cấm đi khỏi nơi cư trú"; có mặt.

- Người bào chữa cho bị cáo Giàng Seo S, Hoàng Văn D và Hoàng Văn S: Ông Nguyễn Xuân Q, luật sư Văn phòng Luật sư M thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Hà Giang; địa chỉ: Số xx, đường x, phường N, thành phố H, tỉnh Hà Giang; có mặt.

- Bị hại: Anh Giàng Seo V, sinh năm 1994; địa chỉ: Thôn L, xã N, huyện Q, tỉnh Hà Giang; có mặt.

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại Giàng Seo V: Ông Hoàng Ngọc C, Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Hà Giang; có mặt trong phần xét hỏi, xin vắng mặt trong phần tranh luận và tuyên án.

- Người làm chứng có mặt tại phiên tòa: Ông Nguyễn Trung L; ông Nông Quỳnh S; anh Hoàng Văn T; bà Giàng Thị M; ông Hoàng Văn P; ông Giàng Sẻo S1; bà Ma Thị M; ông Giàng Seo L; anh Giàng Seo C.

- Người làm chứng vắng mặt: chị Hoàng Thị X; ông Hoàng Seo M; ông Giàng Seo D; ông Giàng Seo P; bà Lý Thị M; ông Giàng Seo X; ông Lý Văn P; ông Giàng Seo G.

- Người phiên dịch tiếng Mông: Bà Sùng Thị C, sinh năm 1978; địa chỉ: Tổ xx, phường Q, thành phố H, tỉnh Hà Giang; có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Giàng Seo S và Hoàng Thị X, trú tại thôn T, xã Đ, huyện B, tỉnh Hà Giang kết hôn năm 2011. Đến đầu năm 2021, Hoàng Thị X đi làm thuê tại tỉnh B và quen biết với Giàng Seo V, sau đó nảy sinh tình cảm yêu đương với nhau. Khoảng tháng 04/2021, Giàng Seo S phát hiện Hoàng Thị X có quan hệ yêu đương với Giàng Seo V nên đã gọi điện thoại cho V yêu cầu V không được liên hệ, yêu đương gì với X nữa. Nhưng một thời gian sau, S phát hiện giữa X và V vẫn thường xuyên liên lạc, yêu đương với nhau, đồng thời X yêu cầu ly hôn với S và bỏ về nhà bố mẹ đẻ ở tại thôn T, xã Đ, huyện B, tỉnh Hà Giang. Do vậy, S đã liên lạc với bố vợ là Hoàng Văn D, nhờ D nếu bắt gặp X đi chơi với V thì giữ V lại cho S giải quyết.

Ngày 08/12/2021, X gọi điện thoại cho V hẹn V sang nhà bố mẹ đẻ của X chơi. Đến khoảng 17 giờ 30 phút cùng ngày, V một mình điều khiển xe mô tô biển kiểm soát 23B1 - xxx.xx đi từ nhà ở xã N, huyện Q, tỉnh Hà Giang đến xã Đ, huyện B, tỉnh Hà Giang chơi với X. Do không biết đường nên V đi lạc đường cho đến khoảng 00 giờ ngày 09/12/2021 thì V mới gặp được X, V và X đứng tâm sự tại lề đường nhựa hướng đi vào Ủy ban nhân dân xã Đ, huyện B. Đến khoảng 04 giờ sáng X và V chào nhau đi về, X đi bộ theo đường tắt về nhà, V điều khiển xe mô tô đi về nhà theo đường đi ra xã T, huyện B. Trong lúc đó, tại nhà Hoàng Văn D, do thấy cháu gái Giàng Thị L (con của Hoàng Thị X) khóc tìm mẹ, không thấy X ở nhà nên D nghi ngờ X đã đi chơi cùng V. D một mình điều khiển xe mô tô đi theo hướng vào Ủy ban nhân dân xã Đ để tìm X, đi một đoạn không thấy X thì D quay xe lại, D nhìn thấy có ánh đèn xe mô tô liền nghĩ đó là V, người đi chơi với X nên đã đuổi theo đi được hơn 2km thì D điều khiển xe vượt lên chặn đầu xe mô tô ép về phía bên trái đường đi, D dừng xuống đồng thời rút chìa khóa xe của V rồi hỏi “Có phải V không?”, V trả lời “Vâng”. Lúc này, D nhớ đến việc con rể là Giàng Seo S đã nhờ nên D nói tiếp D là bố của X, yêu cầu V phải quay lại nhà D để nói chuyện, V không đồng ý nên D đã dùng điện thoại của D gọi vào số điện thoại xxxx.xxx.xxx của con trai là Hoàng Văn S và nói “Bố bắt được thằng V rồi, con cứ theo đường ra T ở đội x thôn P để hộ bố đưa xe của V về”. Vì không biết D là ai nên V đã gọi điện thoại cho X báo là bị một người đàn ông giữ lại yêu cầu về nhà, người đó giới thiệu là bố X nên X bảo X đi ra xem. Đứng được một lúc thì thấy 01 xe mô tô đi đến từ hướng Đ đi T rồi dừng xe bên phải đường, người điều kiển xe là Hoàng Văn S chở phía sau là Hoàng Văn T, (con trai của D). Thấy S và T đến, D đưa chìa khóa xe của V cho S, D yêu cầu V lên xe của D đi về nhà D nhưng V bảo V tự đi xe của mình, D không đồng ý nên bảo S đi xe của V về. Do lúc đó trời vẫn còn tối, V không biết những người đó là ai, sợ bị đánh đành phải ngồi lên xe mô tô của D, khi D chở V gần về đến nhà thì gặp X điều khiển xe đi ngược chiều, X quay xe đi về. V được đưa về nhà D vào khoảng 5 giờ sáng cùng ngày, trong nhà có vợ D là Giàng Thị M, X, một lúc sau thấy anh T điều khiển xe mô tô của S còn S điều khiển xe mô tô của V về đến nhà dựng ở sân. Khi về đến nhà D, V nói “Cháu sai rồi cháu xin phép về”, D bảo V “ bây giờ mày cứ ở đấy, mày gọi điện thoại về nhà cho bố mẹ mày và gia đình sang đây nói chuyện, giải quyết xong đã thì mới được về” nên V không dám đi về. Do không có tiền trong tài khoản điện thoại, V gọi điện qua messenger cho bạn là Lý Văn P và em trai là Giàng Seo D thì gặp được mẹ V, V báo cho mẹ biết đi chơi bên Đ bị bắt, mọi người cầm tiền sang giải quyết. Lúc đó, D cũng dùng điện thoại di động của mình gọi cho con rể là Giàng Seo S nói “Cả đêm hôm qua cái X đi chơi với thằng V, bây giờ bố giữ được nó ở đây rồi con xuống mà giải quyết, con có xuống được không?”, S trả lời “Con xuống được”. Nhận được điện thoại của D, S gọi điện cho bố đẻ và một số anh em rủ đi cùng xuống nhà Hoàng Văn D giải quyết việc V đi với X đã bắt được. Khi trời sáng, V đang đứng ở sân gần bếp nhà D thì có một số người đến (V không biết là ai) cứ nhìn và chửi V bằng tiếng Mông, V cúi đầu xấu hổ không dám nói gì. Đến khoảng 09 giờ cùng ngày, Giàng Seo S cùng với bố, mẹ là ông Giàng Sẻo S1, bà Ma Thị M và một số anh em người nhà S là chú Giàng Sảo S, Giàng Sảo C, em trai Giàng Seo M vợ là Lù Thị N, Giàng Seo L, Giàng Seo D vợ là Thào Thị L, Giàng Seo C điều khiển xe mô tô đến nhà D. Mọi người đi vào hiên nhà D ngồi uống nước, nói chuyện. Giàng Sẻo S1 (bố của S) hỏi D “Nó đã gọi điện về nhà bảo bố mẹ và người nhà đến để giải quyết chưa?”, D trả lời “Nó gọi cho người nhà rồi”. Sau đó S muốn gặp V, vì chưa biết mặt V, S hỏi S là V đang ở đâu thì S chỉ cho S chỗ V đang đứng. S đi đến chỗ V và hỏi “Sao mày lại làm như thế, mày cố tình phá vỡ hạnh phúc gia đình nhà tao à? mày đẹp trai hơn tao à? ngẩng mặt lên tao xem nào”. Không thấy V trả lời nên S tức quá đã dùng tay trái tát ba phát vào vùng mặt của V. Giàng Seo D (anh của S) cũng đến dùng tay tát vào mặt V một phát, thì được D cùng mọi người can ngăn nên không đánh V nữa. Sau đó, mọi người tiếp tục ngồi chờ gia đình nhà V đến giải quyết, còn V vẫn đứng trong sân, bị mọi người đứng nhìn và chửi. Đến khoảng hơn 10 giờ, bố mẹ của V là Giàng Seo P, Lý Thị M, em trai Giàng Seo C và bạn của V là Lý Văn P đến. D có hỏi người nhà bên đó đã đến đủ chưa thì Lý Thị M mẹ V nói còn các chú nữa nên D bảo chờ thêm một lúc nữa đông đủ thì giải quyết một thể. Đến khoảng hơn 11 giờ cùng ngày, Giàng Seo X (chú V), Giàng Seo G (em V) và Giàng Seo H (anh trai V) đến nhà D và đi vào trong hiên nơi mọi người đang ngồi uống nước. Giàng Seo X chào mọi người rồi hỏi “Cháu V bị làm sao, như thế nào mà bị bắt về đây như thế?”. Giàng Sẻo S nói “Thằng V đi với cái X là vợ thằng S con trai tôi, trước đây thằng S đã gọi điện nhắc và V cũng đã hứa cam kết không có quan hệ gì với X nữa, nhưng V không thực hiện vẫn cố tình đi với X bị ông D bố vợ S bắt được đưa về đây để hai bên giải quyết, như thế là cố tình phá vỡ hạnh phúc gia đình người khác”. D nói“Chuyện là thế này, cái X con gái tôi đã đi lấy chồng ở trên xã B, huyện V có quan hệ trai, gái với thằng V và bỏ về nhà tôi ở, không chịu về nhà, con rể tôi có nhờ tôi theo dõi hộ, hôm qua tôi bắt được hai người đi chơi với nhau nên giữ lại để hôm nay cho hai bên gia đình tự giải quyết với nhau, gia đình tôi không có liên quan gì”. Giàng Seo X hỏi“Thế bây giờ giải quyết như thế nào”. S hỏi X “Bây giờ em tính như thế nào, quay về với chồng con hay đi theo thằng V?”, X trả lời “Bây giờ sự việc như thế này rồi em đi theo anh V thôi vì anh V đã hứa lấy em làm vợ nên em chỉ đi theo anh V; nếu anh V không lấy em thì em cũng không quay về với chồng con nữa đâu”. X hỏi V “Bây giờ cháu xem trả lời như thế nào?”, V trả lời “Em biết em làm như thế là em sai rồi, bây giờ em không lấy X làm vợ đâu, anh xem bắt em bồi thường như thế nào em xin chịu”. D hỏi S“Thế bây giờ con xem yêu cầu gia đình thằng V phải bồi thường danh dự cho con bao nhiêu tiền?”, S nói “Mày làm gia đình tao tan nát thế này, con cái không ai trông, vợ không đồng ý quay về với chồng con nữa, mày phải bồi thường danh dự và tổn thất về kinh tế cho gia đình tao là 36.000.000đ”, Giàng Seo X nói“Bồi thường số tiền như thế thì nhiều quá, nhiều như thế thì gia đình không có đâu”, D có nói “Yêu cầu bồi thường như thế thì cao quá”. Giàng Seo P (bố của V) nói “Bây giờ chưa có đủ tiền, gia đình chỉ vay được và cầm sang đây được 30.000.000đ thôi, giảm xuống cho chúng tôi một ít”, S nói“Nếu không được 36.000.000đ thì cũng phải được 33.000.000đ thì tôi mới đồng ý, nếu không đủ tiền mặt thì chuyển khoản”, Giàng Seo X nói “Để gia đình chúng tôi bàn đã, số tiền lớn như thế bây giờ chưa có ngay được”. Gia đình nhà V xin giảm số tiền xuống từ trưa đến chiều S vẫn không đồng ý. Đến khoảng 16 giờ, do không xin số tiền bồi thường giảm nên gia đình V bàn bạc cho Giàng Seo G và Giàng Seo C giả vờ đi rút tiền nhưng thực chất là đi đến để báo Công an xã Đ, huyện B tố giác sự việc. Nhận được tin báo, Công an xã Đ đến nhà D, yêu cầu V, S, X đi ra xã giải quyết nhưng mọi người không nghe theo, Công an xã đã thuyết phục cũng không có kết quả, các bên gia đình nói không nhờ Công an xã giải quyết, đây là việc của thôn nên để cho hai bên tự giải quyết với nhau. Do có người đe dọa Giàng Seo G nếu không bảo Công an đi về thì tý nữa sẽ tắt điện đi đánh chết; nếu không muốn bị chặn đường đánh thì bảo Công an đi về, thấy vậy G đã ra nói chuyện với Công an xã Đ để các bên tự giải quyết tình cảm nên Công an xã đã đi về. Lúc này, S giảm số tiền bồi thường từ 36.000.000đ xuống còn 33.000.000đ. Do trời đã tối, cả ngày chưa ăn gì nên Giàng Seo X bàn với gia đình “Bây giờ cứ đưa tiền cho họ để bảo toàn tính mạng đi về nhà đã”, gia đình V đồng ý nhưng mẹ V bảo chỉ có 30.000.000đ, nhờ G vay tiền của người quen chuyển qua tài khoản cho trước. Sau khi G vay được tiền, đã hỏi trong nhà có ai có tài khoản thì chuyển khoản nhận tiền mặt, khi đó mọi người bảo S có, S đồng ý nhận chuyển khoản để đưa tiền mặt cho G nên đã cung cấp số tài khoản ngân hàng, nhận được tiền về tài khoản S đã đưa 5.000.000đ tiền mặt cho G. Mẹ V đưa cho G 30.000.000đ, G đếm đủ 33.000.000đ đưa cho V, V nhờ Hoàng Văn P (em trai của D) viết hộ biên bản thỏa thuận với nội dung biên bản thỏa thuận ngoại tình do V và S đọc cho P viết, sau đó S và V cùng ký tên, ký xong thì V đưa cho S số tiền 33.000.000đ tại bàn uống nước bên trong nhà D trước sự chứng kiến của mọi người. S yêu cầu V và X phải viết bản cam kết từ nay trở đi chấm dứt mối quan hệ với X, không được nhắn tin, gọi điện qua lại với X nữa, V viết xong bản cam kết đưa cho S giữ, còn X không viết. Cùng lúc đó, D đứng ở ngoài sân có nói “Bây giờ gia đình V phải nộp thêm 1.000.000đ để mua rau về cho anh em ăn uống một bữa mới về được”. Nghe thấy D nói như vậy, do đã đói và mệt, sợ không được về nhà nên X (chú của V) đã đưa 1.000.000đ cho D và nói “Nếu các ông đòi tiền mua thức ăn thì chúng tôi đành phải đưa thôi, nhưng đưa hết thì không có tiền mua xăng về”. D không nói gì, cầm lấy tiền rồi đưa chìa khóa xe mô tô của V cho X, nhận lại chìa khóa V lấy xe mô tô cùng người nhà đi về luôn, chỉ có gia đình S ở lại ăn cơm cùng gia đình D. Đến ngày 12/12/2021, V gửi đơn tố giác đến Công an xã Đ, huyện B, yêu cầu giải quyết vụ việc.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 57/2023/HS-ST ngày 19/9/2023, Tòa án nhân dân huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang đã quyết định:

Căn cứ khoản 1 Điều 157; khoản 1 Điều 170; Điều 38, Điều 55, Điều 50, Điều 17, Điều 58, điểm b (áp dụng với tội cưỡng đoạt tài sản), i (áp dụng với tội giữ người trái pháp luật), đoạn 1 điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 đối với bị cáo Giàng Seo S;

Căn cứ khoản 1 Điều 157, khoản 1 Điều 170, Điều 38, Điều 55, Điều 50, Điều 17, Điều 58, điểm i (áp dụng với tội giữ người trái pháp luật), đoạn 1 điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 của Bộ luật hình sự, đối với bị cáo Hoàng Văn D và Hoàng Văn S;

Căn cứ Điều 331, Điều 333, Điều 336 và Điều 337 của Bộ luật Tố tụng hình sự;

Căn cứ khoản 2 Điều 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự, khoản 1 Điều 23 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án đối với các bị cáo Hoàng Văn D, Hoàng Văn S; căn cứ điểm đ khoản 1 điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án đối với bị cáo Giàng Seo S.

1. Tuyên bố: Các bị cáo Giàng Seo S, Hoàng Văn D, Hoàng Văn S phạm tội "Giữ người trái pháp luật" và tội "Cưỡng đoạt tài sản".

2. Về hình phạt: Xử phạt bị cáo Giàng Seo S 08 (tám) tháng tù về tội “Giữ người trái pháp luật”; 01 (một) năm 06 (sáu) tháng tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Hình phạt chung cho cả 02 tội buộc bị cáo phải chấp hành là 02 (hai) năm 02 (hai) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bị cáo đi thi hành án phạt tù;

- Xử phạt bị cáo Hoàng Văn D 08 (tám) tháng tù về tội “Giữ người trái pháp luật”; 01 (một) năm 02 (hai) tháng tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Hình phạt chung cho cả 02 tội buộc bị cáo phải chấp hành là 01 (một) năm 10 (mười) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bị cáo đi thi hành án phạt tù;

- Xử phạt bị cáo Hoàng Văn S 06 (sáu) tháng tù về tội “Giữ người trái pháp luật”; 01 (một) năm tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Hình phạt chung cho cả 02 tội buộc bị cáo phải chấp hành là 01 (một) năm 06 (sáu) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bị cáo đi thi hành án phạt tù;

Ngoài ra, Bản án còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo.

Trong thời hạn luật định, ngày 29/9/2023, các bị cáo Giàng Seo S, Hoàng Văn D, Hoàng Văn S kháng cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 57/2023/HS- ST ngày 19/9/2023 của Tòa án nhân dân huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang. Nội dung kháng cáo:

- Bị cáo Giàng Seo S cho rằng bị cáo bị Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo về tội "Giữ người trái pháp luật" theo quy định tại khoản 1 Điều 157 Bộ luật Hình sự là oan sai; đồng thời đề nghị xem xét giảm nhẹ hình phạt và cho bị cáo được hưởng án treo đối với tội "Cưỡng đoạt tài sản".

- Bị cáo Hoàng Văn D cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo về tội "Cưỡng đoạt tài sản" theo quy định tại khoản 1 Điều 170 Bộ luật Hình sự là oan sai; đồng thời đề nghị xem xét giảm nhẹ hình phạt và cho bị cáo được hưởng án treo đối với tội "Giữ người trái pháp luật".

- Bị cáo Hoàng Văn S cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo phạm tội "Giữ người trái pháp luật" "Cưỡng đoạt tài sản" theo quy định tại khoản 1 Điều 157 và khoản 1 Điều 170 Bộ luật Hình sự là oan sai.

Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo đều thay đổi nội dung kháng cáo theo hướng Tòa án cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo về tội "Giữ người trái pháp luật" "Cưỡng đoạt tài sản" là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Trong đó, bị cáo Hoàng Văn D và Hoàng Văn S nộp đơn thay đổi nội dung kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo đối với 02 tội danh; bị cáo Giàng Seo S trình bày trực tiếp tại phiên tòa đề nghị Hội đồng xét xử miễn trách nhiệm hình sự đối với tội "Giữ người trái pháp luật", xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo đối với tội "Cưỡng đoạt tài sản". Ngoài ra, tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo Giàng Seo S trình bày, bị cáo không được nhờ bị cáo D giữ anh V như bị cáo và bị cáo D đã khai trong giai đoạn điều tra. Thực tế, sáng ngày 09/12/2023 khi bị cáo Dế tự ý giữ được anh V, sau đó mới gọi bị cáo sang giải quyết, bị cáo có bằng chứng là đoạn ghi âm dài 16 phút bị cáo và bị cáo D trao đổi bằng tiếng mông, mục đích bị cáo và bị cáo D thống nhất khai bị cáo nhận là người nhờ bị cáo D giữ anh V lại là để nhận tội thay cho bị cáo D, sau khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm bị cáo đã nhận thức lại và trình bày với Hội đồng xét xử phúc thẩm để xem xét cho bị cáo.

Ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Giang: Tòa án cấp sơ thẩm kết tội các bị cáo Giàng Seo S, Hoàng Văn D, Hoàng Văn S về tội "Cưỡng đoạt tài sản" "Giữ người trái pháp luật" là không oan sai. Tại phiên tòa phúc thẩm các bị cáo đã nhận thức được hành vi phạm tội của mình nên thay đổi nội dung kháng cáo kêu oan sang nội dung kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo, riêng bị cáo Giàng Seo S xin miễn trách nhiệm hình sự đối với tội "Cưỡng đoạt tài sản", tuy nhiên các bị cáo không cung cấp được thêm tài liệu, chứng cứ gì mới. Về nội dung kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, thấy rằng Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo nên mức hình phạt đối với từng bị cáo là tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội mà các bị cáo đã gây ra. Về kháng cáo xin được hưởng án treo, các bị cáo phạm 02 tội độc lập, bị cáo Giàng Seo S là người khởi sướng và giữ vai trò chính đối với cả 02 tội danh, bị cáo Hoàng Văn D là người thực hiện hành vi phạm tội với vai trò giúp sức tích cực cho bị cáo Giàng Seo S, trong đó tội "Giữ người trái pháp luật" thuộc loại tội ít nghiêm trọng, còn tội "Cưỡng đoạt tài sản" có khung hình phạt từ 01 năm đến 05 năm tù, do vậy bị cáo Giàng Seo S và bị cáo Hoàng Văn Dế không có đủ điều kiện để được hưởng án treo. Đối với bị cáo Hoàng Văn S, mặc dù hành vi của bị cáo đã cấu thành 2 tội độc lập giống như các đồng phạm, nhưng ở cả 2 tội bị cáo đều tham gia thực hiện hành vi phạm tội với vai trò giúp sức không đáng kể, bị cáo có nơi cư trú rõ ràng, xét thấy chưa cần thiết phải cách ly bị cáo ra khỏi xã hội, chỉ cần cải tạo giáo dục bị cáo ở địa phương cũng đủ sức răn đe giáo dục đối với bị cáo. Căn cứ điểm b khoản 4 Điều 1 Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐTP ngày 15/4/2022 của HĐTP-TANDTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của HĐTP-TANDTC hướng dẫn áp dụng Điều 65 Bộ luật Hình sự về án treo, thì bị cáo có đủ điều kiện để được hưởng án treo, nên xem xét chấp nhận. Từ phân tích nêu trên, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang căn cứ điểm a, b khoản 1 Điều 355; Điều 356; điểm e khoản 1 Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự, không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Giàng Seo S, Hoàng Văn D; chấp nhận một phần nội dung kháng cáo của bị cáo Hoàng Văn S về việc xin được hưởng án treo, sửa 1 phần Bản án hình sự sơ thẩm số 57/2023/HSST ngày 19/9/2023 của Tòa án nhân dân huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang.

Luật sư Nguyễn Xuân Q là người bào chữa cho các bị cáo trình bày: Bản án hình sự sơ thẩm số 57/2023/HS-ST ngày 19/9/2023 của Tòa án nhân dân huyện Bắc Quang xử phạt bị cáo Giàng Seo S 08 tháng tù về tội "Giữ người trái pháp luật", 01 năm 06 tháng tù về tội "Cưỡng đoạt tài sản", tổng hợp hình phạt chung của cả 02 tội là 02 năm 02 tháng tù. Xử phạt bị cáo Hoàng Văn D 08 tháng tù về tội "Giữ người trái pháp luật", 01 năm 02 tháng tù về tội "Cưỡng đoạt tài sản", tổng hợp hình phạt chung của cả 02 tội là 01 năm 10 tháng tù. Xử phạt bị cáo Hoàng Văn S 06 tháng tù về tội "Giữ người trái pháp luật" và 01 năm tù về tội "Cưỡng đoạt tài sản", tổng hợp hình phạt chung của cả hai tội là 01 năm 06 tháng tù. Quan điểm của người bào chữa cho rằng, Tòa án cấp sơ thẩm xử lý đối với bị cáo Hoàng Văn D về tội "Giữ người trái pháp luật", xử lý bị cáo Giàng Seo S về tội "Cưỡng đoạt tài sản" là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, mức hình phạt đối với từng bị cáo là có phần nghiêm khắc nên đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt đối với bị cáo S và bị cáo D, đồng thời cho các bị cáo được hưởng án treo. Đối với hành vi giữ người trái pháp luật của bị cáo Giàng Seo S, hành vi cưỡng đoạt tài sản của bị cáo Hoàng Văn D và cả 02 hành vi giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản của bị cáo Hoàng văn S tuy có dấu hiệu của tội phạm, nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng biện pháp khác theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Bộ luật Hình sự; Điều 8, Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự hoặc do có sự chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa thì cần được xem xét cho miễn trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 29 Bộ luật Hình sự. Vì vậy, người bào chữa đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng Điều 355, Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự, miễn trách nhiệm hình sự về tội "Giữ người trái pháp luật" đối với bị cáo Giàng Seo S; tội "Cưỡng đoạt tài sản" đối với bị cáo Hoàng Văn D; cả hai tội danh "Giữ người trái pháp luật" "Cưỡng đoạt tài sản" đối với bị cáo Hoàng Văng S, giảm mức hình phạt ở mức thấp nhất cho các bị cáo. Áp dụng Điều 65 Bộ luật Hình sự cho bị cáo Giàng Seo S được hưởng án treo về tội "Cưỡng đoạt tài sản"; cho bị cáo Hoàng Văn D được hưởng án treo về tội "Giữ người trái pháp luật".

Các bị cáo không có ý kiến tranh luận gì.

Ông Hoàng Ngọc C là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại có mặt phần xét hỏi, xin vắng mặt phần tranh luận và tuyên án. Tại văn bản bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại ông C trình bày: Tòa án cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo Giàng Seo S, Hoàng Văn D, Hoàng Văn S về tội "Giữ người trái pháp luật" và tội "Cưỡng đoạt tài sản" theo khoản 1 Điều 157 và khoản 1 Điều 170 Bộ luật Hình sự là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Mức hình phạt cấp sơ thẩm đã tuyên là tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội mà các bị cáo đã thực hiện. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm, bị hại Giàng Seo V xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo, do đó người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại tôn trọng ý kiến của bị hại, đề nghị Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm xem xét, quyết định.

Bị hại không có ý kiến tranh luận gì.

Kết thúc phần tranh luận, Kiểm sát viên giữ nguyên quan điểm như đã đề nghị, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét, quyết định.

Khi được nói lời sau cùng, các bị Giàng Seo S, đề nghị miễn trách nhiệm hình sự đối với tội "Giữ người trái pháp luật", xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo đối với tội "Cưỡng đoạt tài sản"; các bị cáo Hoàng Văn D, Hoàng Văn S xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo đối với cả 02 tội danh, tội "Giữ người trái pháp luật" và tội "Cưỡng đoạt tài sản".

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] . Về thủ tục tố tụng: Tòa án cấp sơ thẩm xét xử, tuyên án ngày 19/9/2023, các bị cáo làm đơn kháng cáo ngày 29/9/2023, kháng cáo trong hạn luật định nên được xem xét theo trình tự phúc thẩm.

[2]. Về tội danh: Căn cứ vào lời khai của các bị cáo, lời khai của bị hại, những người làm chứng trong giai đoạn điều tra (bút lục số 232 đến 301); Biên bản kiểm tra điện thoại (bút lục số 306 đến 345); biên bản nhận dạng (bút lục số 359 đến 369); Biên bản và bản ảnh xác định hiện trường (bút lục số 394 đến 410); Biên bản và bản ảnh thực nghiệm điều tra (bút lục số 411 đến 427), cùng các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án và kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa sơ thẩm, phiên tòa phúc thẩm, có đủ cơ sở để kết luận: Rạng sáng ngày 09/12/2021, phát hiện thấy con gái là Hoàng Thị X không ở nhà, cho rằng chị X đi chơi với anh Giàng Seo V, nên bị cáo Hoàng Văn D là bố đẻ của chị X đã điều khiển xe mô tô của gia đình đi tìm chị X, trên đường đi bị cáo D đã gặp anh V nên D đã thực hiện hành vi giữ anh V theo yêu cầu của Giàng Seo S (chồng chị X) nhờ bị cáo trước đó. Cụ thể, sau khi dừng xe, bị cáo D đã rút chìa khóa xe mô tô của anh V, yêu cầu anh V về nhà mình nhưng không đồng ý cho anh V tự đi xe mô tô của anh V. Do đó, D gọi điện cho con trai là Hoàng Văn S đến để giúp đưa xe mô tô của anh V về nhà của D, còn D đã trực tiếp lái xe đưa V về nhà mình. Ngay sau khi đưa được V về nhà, D đã gọi điện thoại cho bị cáo Giàng Seo S là con rể của D báo cho S biết đã giữ được anh V và bảo S xuống giải quyết theo lời dặn của S trước đó, D cũng yêu cầu V gọi điện bảo gia đình anh V phải sang nhà D để giải quyết. Khi bị cáo Giàng Seo S đến nhà D đã chửi mắng, dùng tay tát vào mặt anh V 3 phát, vì S cho rằng anh V đã có quan hệ bất chính với chị X là vợ của S, S đã gọi điện nhắc nhở nhưng anh V không thay đổi, sau đó có người can ngăn nên S không tát anh V nữa và ngồi đợi gia đình anh V đến. Tại nhà D, bị cáo S đã có lời lẽ ép buộc anh V phải "bồi thường" tiền cho S số tiền 36.000.000đ, vì anh V đã có quan hệ bất chính với vợ của S, nhưng anh V chỉ có 30.000.000đ. Sau một thời gian dài "mặc cả" S mới nhất trí giảm số tiền "bồi thường" xuống còn 33.000.000đ, trong đó bị cáo Hoàng Văn S là người đã giúp bị cáo D đi xe máy của anh V về đã đồng ý cho gia đình anh V chuyển 5.000.000đ tiền vay của người khác, để bị cáo S đưa tiền mặt cho gia đình anh V thì anh V mới có đủ số tiền đưa cho bị cáo S. Thời gian anh V bị giữ tại nhà của bị cáo D từ khoảng 05 giờ sáng ngày 09/12/2021 đến khoảng 20 giờ cùng ngày, khi anh V đưa đủ số tiền 33.000.000đ theo yêu cầu của bị cáo S thì bị cáo D mới trả chìa khóa xe máy cho anh V cùng gia đình đi về nhà.

[3]. Về hành vi giữ người trái pháp luật của các bị cáo Giàng Seo S, Hoàng Văn D, Hoàng Văn S: Các bị cáo đều là lao động tự do, không có chức vụ, quyền hạn trong việc bắt, giữ, giam người nhưng đã cùng thực hiện hành vi giữ người trái pháp luật đối với bị hại Giàng Seo V. Trong đó, bị cáo Giàng Seo S được xác định là người khởi xướng, chủ mưu trong vụ án, mặc dù S không có mặt tại thời điểm ban đầu khi Hoàng Văn D và Hoàng Văn S thực hiện hành vi giữ người trái pháp luật đối với bị hại V, nhưng trước đó một thời gian, cho rằng chị Hoàng Thị X và anh Giàng Seo V có quan hệ bất chính, S đã trực tiếp gọi điện yêu cầu anh V chấm dứt mối quan hệ với chị X nhưng sau đó S biết chị X và anh V vẫn lén lút quan hệ yêu đương với nhau, dẫn tới chị X đòi ly hôn và bỏ về nhà bố mẹ đẻ để sinh sống. Từ lý do đó, bị cáo S đã chủ động nhờ bố vợ là bị cáo Hoàng Văn D theo dõi chị X, nếu thấy chị X và anh V đi chơi thì giữ anh V lại để S xuống gặp giải quyết. Khi S có mặt ở nhà D, S đã có lời lẽ chửi bới, tát anh V 03 phát vào mặt càng biểu hiện rõ hơn sự uy hiếp đối với bị hại để tiếp tục tham gia vào việc giữ người trái pháp luật đối với Giàng Seo V, không cho anh V về, ngay cả khi Công an xã đến giải quyết. Bị cáo Hoàng Văn D giữ vai trò là người thực hành tích cực, trực tiếp thực hiện hành vi giữ người trái pháp luật đối với anh V, khi đã điều khiển xe mô tô đuổi theo vượt lên trên chặn đầu xe mô tô của anh V, D rút chìa khóa xe mô tô của anh V để yêu cầu anh V về nhà mình; để hành vi phạm tội của mình được thuận lợi, D nhờ cho con trai là bị cáo Hoàng Văn S đi xe mô tô của anh V về nhà bị cáo, còn bị cáo trực tiếp đèo anh V, sau đó gọi con rể là bị cáo Giàng Seo S đến cùng mình thực hiện hành vi giữ người trái pháp luật. Do anh V tự nguyện đi về với D, quá trình điều tra không chứng minh được D và S có hành vi khống chế, dùng vũ lực (như đánh, trói v.v…) trái pháp luật đối với anh V nên hành vi của D, S không cấu thành tội bắt người trái pháp luật mà chỉ cấu thành tội "Giữ người trái pháp luật" theo khoản 1 Điều 157 Bộ luật Hình sự. Bị cáo Hoàng Văn S là người giúp sức cho bị cáo Hoàng Văn D trong việc giữ người trái pháp luật, khi được bố Hoàng Văn D gọi điện thông báo đã giữ được Giàng Seo V, bị cáo S đã tiếp nhận và thống nhất về mặt ý chí với bị cáo D về việc giữ người trái pháp luật, bị cáo S điều khiển xe mô tô cùng với T (con trai bị cáo D) đến địa điểm được bị cáo D thông báo, giúp D đưa xe mô tô của anh V về nhà mình, giúp sức cho việc giữ người trái pháp luật của bị cáo D.

[4]. Về hành vi cưỡng đoạt tài sản của các bị cáo Giàng Seo S, Hoàng Văn D, Hoàng Văn S: Từ hành vi giữ người trái pháp luật đối với bị hại Giàng Seo V nhằm uy hiếp tinh thần bị hại, bị cáo S chửi mắng, dùng tay tát anh V 03 phát vào mặt, sau đó yêu cầu anh V phải "bồi thường" cho S số tiền 36.000.000đ, vì đã có quan hệ bất chính với vợ bị cáo. Sau khi thỏa thuận thương lượng, S đồng ý nhận số tiền 33.000.000đ. S là người trực tiếp nhận tiền, không chia cho ai. Do đó, xác định bị cáo Giàng Seo S là người giữ vai trò chính đối với hành vi cưỡng đoạt tài sản của bị hại V. Bị cáo S tuy có hành vi dùng vũ lực tát vào mặt bị hại V, nhưng hành vi này xuất phát từ việc bực tức do anh V và vợ của bị cáo có quan hệ yêu đương và căn cứ vào các tình tiết khách quan của vụ án thể hiện thời điểm này bị cáo S chưa nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản của bị hại. Hơn nữa, mức độ, cường độ hành vi dùng vũ lực ở độ mức thấp, khi được can ngăn S cũng đã dừng lại không tiếp tục đánh anh V nữa, do đó hành vi của S chỉ cấu thành tội "Cưỡng đoạt tài sản" theo quy định tại khoản 1 Điều 170 Bộ luật Hình sự mà không cấu thành tội "Cướp tài sản" theo quy định tại Điều 168 Bộ luật Hình sự. Đối với bị cáo Hoàng Văn D, bị cáo D không phải là người trực tiếp yêu cầu bị hại V đưa số tiền 33.000.000đ cho S, cũng không phải là người trực tiếp nhận tiền, được chia tiền. Tuy nhiên, bị cáo D được xác định là người giúp sức cho bị cáo S thực hiện hành vi cưỡng đoạt tài sản của bị hại Giàng Seo V, bởi lẽ, từ hành vi giữ người trái pháp luật, bị cáo đã tạo điều kiện giúp sức cho bị cáo S thực hiện hành vi cưỡng đoạt tài sản. Mặc dù trong các giai đoạn tố tụng, bị hại đều khẳng định bị cáo D yêu cầu bị hại gọi điện về bảo bố mẹ mang số tiền 30.000.000đ sang để giải quyết, sau đó là người hỏi S muốn yêu cầu bị hại V phải bồi thường số tiền bao nhiêu? Cho dù không đủ căn cứ chứng minh lời khai của bị hại là có căn cứ, song bị cáo S yêu cầu anh V phải "bồi thường" cho bị cáo số tiền 36.000.000đ được diễn ra trong suốt một khoảng thời gian dài, ngay tại chính ngôi nhà của bị cáo D, D biết, chứng kiến nhưng không can ngăn mà còn trực tiếp tham gia vào việc thương lượng để giảm số tiền bồi thường, cụ thể D nói "như thế thì cao quá". Đặc biệt, bị cáo D là người giữ chìa khóa xe máy của bị hại V trong suốt thời gian từ khoảng 05 giờ sáng đến 20 giờ tối cùng ngày, đến khi bị hại V đưa đủ số tiền 33.000.000đ theo yêu cầu của bị cáo S, cũng chính là hành vi giúp sức tích cực để bị cáo S dễ dàng thực hiện hành vi cưỡng đoạt tài sản. Ngoài ra, D còn yêu cầu và cầm số tiền 1.000.000đ của gia đình V để mua thức ăn. Đối với bị cáo Hoàng Văn S, cho dù bị cáo không được hưởng lợi ích vật chất gì, nhưng khi biết bị cáo Giàng Seo S đòi bị hại Giàng Seo V phải bồi thường tiền trái pháp luật, bị cáo đã không can ngăn còn giúp sức cho bị cáo S thực hiện hành vi phạm tội bằng cách cung cấp số tài khoản của mình để người nhà anh V chuyển tiền vào tài khoản của Hoàng Văn S, tạo điều kiện cho bị cáo S thực hiện được hành vi chiếm đoạt tài sản của bị hại Giàng Seo V, nên bị cáo Hoàng Văn S phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi cưỡng đoạt tài sản với vai trò đồng phạm giúp sức.

[5]. Từ những nội dung được phân tích, đánh giá tại các đoạn [2], [3] và [4] trên đây, Hội đồng xét xử nhận thấy: Tòa án cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo Giàng Seo S, Hoàng Văn D và Hoàng Văn S về tội "Giữ người trái pháp luật" "Cưỡng đoạt tài sản" theo quy định tại khoản 1 Điều 157 và khoản 1 Điều 170 Bộ luật Hình sự là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không oan sai.

[6]. Về việc áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Bản án hình sự sơ thẩm số 57/HS-ST ngày 19/9/2023 của Tòa án nhân dân huyện Bắc Quang, Hội đồng xét xử nhận định và cho các bị cáo Giàng Seo S, Hoàng Văn D, Hoàng Văn S được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự "thành khẩn khai báo" quy định tại điểm s điều 51 Bộ luật Hình sự; các bị cáo là người dân tộc thiểu số, bị cáo Hoàng Văn D không biết chữ nên được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự. Bị cáo Giàng Seo S đã bồi thường toàn bộ số tiền chiếm đoạt cho bị hại nên được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm cho các bị cáo Giàng Seo S, Hoàng Văn D, Hoàng Văn S được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự "phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng" quy định tại điểm i khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự là không chính xác. Vì trong vụ án này, các bị cáo phạm 02 tội trong cùng một thời điểm, hành vi giữ người trái pháp luật là nguyên nhân, là tiền đề để các bị cáo thực hiện hành vi cưỡng đoạt tài sản, sau khi cưỡng đoạt được tài sản thì hành vi giữ người trái pháp luật cũng mới chấm dứt, theo đó mặc dù khoản 1 Điều 157 Bộ luật Hình sự thuộc loại tội ít nghiêm trọng nhưng các bị cáo phạm 02 tội nên không thuộc trường hợp phạm tội lần đầu, không thỏa mãn điều kiện cần và đủ của tình tiết giảm nhẹ này. Do vậy, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm không cho các bị cáo được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự "phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng".

[7]. Xét kháng cáo của bị cáo Giàng Seo S về việc xin miễn trách nhiệm hình sự đối với tội "Giữ người trái pháp luật", Hội đồng xét xử xét thấy: Như đã nhận định tại đoạn [2], đoạn [3], mặc dù bị cáo S không được tham gia giữ bị hại V ngay từ đầu, nhưng trong suốt quá trình điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm bị cáo S và bị cáo D đều khai báo rất rõ ràng, cụ thể việc bị cáo bực tức với bị hại Giàng Seo V đã có quan hệ yêu đương với vợ bị cáo, bị cáo từng gọi điện cho anh V để yêu cầu chấm dứt quan hệ với chị X, nhưng sau đó bị cáo biết anh V và chị X vẫn lén lút quan hệ yêu đương nhau dẫn tới chị X đòi ly hôn bị cáo và đưa con về gia đình bên ngoại tại xã Đ, huyện B để sinh sống. Vì vậy, bị cáo đã gọi điện nhờ bố vợ là bị cáo Hoàng Văn D nếu bắt gặp anh V và chị X qua lại với nhau thì giữ anh V lại chờ bị cáo sang giải quyết. Lời khai nhận tội cũng như vai trò khởi sướng của bị cáo đối với tội "Giữ người trái pháp luật" phù hợp với các tình tiết khách quan và diễn biến của vụ án, đồng thời kết quả đấu tranh, khai thác tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo D vẫn xác nhận bị cáo Giàng Seo S có được kể cho D nghe việc chị X có quan hệ bất chính với anh V, anh V có lời lẽ thách thức bị cáo nên "có việc gì" liên quan đến chị X và anh V thì nhờ bố vợ là bị cáo D báo cho S biết. Do đó, nội dung cuộc nói chuyện giữa bị cáo S và bị cáo D thống nhất lời khai trong giai đoạn điều tra như bị cáo S đã trình bày không có căn cứ pháp lý để xem xét. Hành vi phạm tội của bị cáo Giàng Seo S đã cấu thành 02 tội độc lập nhưng có liên quan đến nhau và không thuộc trường hợp để được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 29 Bộ luật Hình sự.

[8]. Xét nội dung kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo của bị cáo Giàng Seo S, Hội đồng xét xử xét thấy: Tòa án cấp sơ thẩm khi quyết định hình phạt đã xem xét toàn diện tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, cân nhắc đến nhân thân, điều kiện hoàn cảnh gia đình người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo. Trong các giai đoạn tố tụng bị cáo thành khẩn khai báo, đã bồi thường toàn bộ cho người bị hại, bị cáo là người dân tộc thiểu số, nên được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự. Như vậy, mức hình phạt 01 năm 06 tháng tù Tòa án cấp sơ thẩm đã xử phạt đối với bị cáo là tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội mà bị cáo đã gây ra. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo tỏ rõ sự ăn năn hối cải; bị hại Giàng Seo V xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo và đồng phạm, là những tình tiết mới phát sinh tại phiên tòa, vì vậy Hội đồng xét xử có căn cứ xem xét giảm nhẹ phần nào hình phạt đối với tội "Cưỡng đoạt tài sản" cho bị cáo Giàng Seo S. Về nội dung kháng cáo xin được hưởng án treo, do bị cáo phạm 02 tội và là người giữ vai trò khởi sướng đối với tội "Giữ người trái pháp luật", giữ vai trò chính đối với tội "Cưỡng đoạt tài sản", trong đó tội "Cưỡng đoạt tài sản" có khung hình phạt từ 01 năm đến 05 năm tù, thuộc loại tội phạm nghiêm trọng, nên bị cáo không có đủ điều kiện để được hưởng án treo theo quy định tại Điều 3 Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐTP ngày 15/4/2022 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 Bộ luật Hình sự.

[9]. Xét nội dung kháng cáo của bị cáo Hoàng Văn D xin được giảm nhẹ hình phạt đối với cả 02 tội danh, Hội đồng xét xử thấy: Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo D 08 tháng tù về tội "Giữ người trái pháp luật" 01 năm 02 tháng tù đối với tội "Cưỡng đoạt tài sản" là tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội bị cáo đã gây ra. Tại phiên tòa phúc thẩm, việc bị cáo làm đơn thay đổi nội dung kháng cáo kêu oan sang nội dung kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt đã tỏ rõ sự ăn năn hối cải, nhận thức được hành vi sai phạm của mình, đồng thời bị cáo D tự nguyện trả lại cho bị hại số tiền 1.000.000đ; bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo, là những tình tiết mới phát sinh tại phiên tòa. Vì vậy, Hội đồng xét xử có căn cứ giảm nhẹ hình phạt đối với tội "Cưỡng đoạt tài sản" cho bị cáo Hoàng Văn D. Đối với tội "Giữ người trái pháp luật" Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo Hoàng Văn D 08 tháng tù đã bảo đảm tính nhân văn và nguyên tắc cá thể hóa hình phạt nên không có căn cứ giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo D trong tội phạm này.

[10]. Về nội dung kháng cáo xin được hưởng án treo của bị cáo Hoàng văn D, Hội đồng xét xử xét thấy: Bị cáo Hoàng Văn D, là người thực hiện hành vi giúp sức tích cực cho bị cáo Giàng Seo S đối với cả 02 tội danh, như đã phân tích tại đoạn [3], đoạn [4]. Căn cứ Điều 3 Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐTP ngày 15/4/2022 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 Bộ luật Hình sự, không có căn cứ để cho bị cáo được hưởng án treo.

[11]. Xét nội dung kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo của bị cáo Hoàng Văn S, Hội đồng xét xử xét thấy: Quá trình điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm bị cáo thành khẩn khai báo nhưng chưa nhận thức được hành vi phạm tội của mình nên bị cáo cho rằng không phạm cả hai tội. Trong giai đoạn xét xử phúc thẩm, bị cáo đã nhận thức đầy đủ hơn và thừa nhận hành vi của bị cáo là vai trò giúp sức cho các đồng phạm thực hiện được hành vi phạm tội một cách dễ dàng hơn nên bị cáo tỏ rõ sự ăn năn hối cải, người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, được xem là những tình tiết mới phát sinh tại phiên tòa phúc thẩm. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo 06 tháng tù về tội "Giữ người trái pháp luật" và 01 năm tù về tội "Cưỡng đoạt tài sản" là mức án nhẹ nhất của khung hình phạt quy định tại khoản 1 Điều 157 và khoản 1 Điều 170 Bộ luật Hình sự đối với cả 02 tội danh, tương xứng với tính chất mức độ hành vi phạm tội bị cáo đã thực hiện nên không có căn cứ để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

[12]. Xét nội dung kháng cáo xin được hưởng án treo của bị cáo Hoàng Văn S, Hội đồng xét xử thấy rằng: Bị cáo Hoàng Văn S nhất thời phạm tội, không có dự mưu, không được bàn bạc với các đồng phạm từ trước, tham gia thực hiện hành vi phạm tội với vai trò giúp sức không đáng kể, do nhận thức pháp luật còn hạn chế, không được hưởng bất cứ lợi ích vật chất nào khi tham gia giúp sức cho bị cáo S. Xét thấy, bị cáo có nơi cư trú ổn định, rõ ràng, căn cứ theo quy định tại Điều 65 Bộ luật Hình sự; Điều 3 Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐTP ngày 15/4/2022 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 Bộ luật Hình sự, bị cáo Hoàng Văn S có đủ điều kiện để được hưởng án treo. Do vậy, Hội đồng xét xử chấp nhận nội dung kháng cáo xin được hưởng án treo của bị cáo, cho bị cáo được cải tạo tại địa phương cũng đủ để giáo dục bị cáo trở thành người công dân sống có ích cho gia đình và xã hội, đồng thời bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa chung.

[13]. Đối với quan điểm đề nghị của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa về việc không chấp nhận nội dung kháng cáo xin miễn trách nhiệm hình sự đối với tội "Giữ người trái pháp luật" của bị cáo Giàng Seo S; xin được hưởng án treo của bị cáo Giàng Seo S, Hoàng Văn D; chấp nhận nội dung kháng cáo xin được hưởng án treo của bị cáo Hoàng Văn S là có căn cứ, nên Hội đồng xét xử chấp nhận.

[14]. Đối với quan điểm của người bào chữa cho các bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử miễn trách nhiệm hình sự về tội "Giữ người trái pháp luật" cho bị cáo Giàng Seo S; miễn trách nhiệm hình sự về tội "Cưỡng đoạt tài sản" cho bị cáo Hoàng Văn D; miễn trách nhiệm hình sự đối với bị cáo Hoàng Văn S cả 02 tội danh "Giữ người trái pháp luật" "Cưỡng đoạt tài sản"; đề nghị cho bị cáo Giàng Seo S, Hoàng Văn D được hưởng án treo là không có căn cứ nên không được chấp nhận. Chấp nhận đề nghị của người bào chữa về việc xin giảm nhẹ một phần hình phạt đối với tội "Cưỡng đoạt tài sản" cho bị cáo Giàng Seo S.

[15]. Từ những phân tích, đánh giá trên đây, Hội đồng xét xử chấp nhận nội dung kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo Giàng Seo S, Hoàng Văn D; chấp nhận kháng cáo xin được hưởng án treo của bị cáo Hoàng Văn S. Không chấp nhận nội dung kháng cáo xin miễn trách nhiệm hình sự đối với tội "Giữ người trái pháp luật" và xin được hưởng án treo của bị cáo Giàng Seo S; không chấp nhận kháng cáo xin được hưởng án treo của bị cáo Hoàng Văn D; không chấp nhận nội dung kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Hoàng Văn S. Căn cứ Điều 355; khoản 1 Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự, sửa một phần Bản án hình sự sơ thẩm số 57/HS-ST ngày 19/9/2023 của Tòa án nhân dân huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang.

[16]. Về án phí hình sự phúc thẩm: Kháng cáo của các bị cáo được chấp nhận một phần, nên các bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ Điều 355, Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự;

Chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt; không chấp nhận kháng cáo xin được miễn trách nhiệm hình sự đối với tội "Giữ người trái pháp luật" và xin được hưởng án treo của bị cáo Giàng Seo S.

Chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt; không chấp nhận kháng cáo xin được hưởng án treo của bị cáo Hoàng Văn D.

Chấp nhận kháng cáo xin được hưởng án treo; không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Hoàng Văn S.

Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355; khoản 1 Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự, sửa một phần Bản án hình sự sơ thẩm số 57/2023/HS-ST ngày 19/9/2023 của Tòa án nhân dân huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang theo hướng chấp nhận một phần nội dung kháng cáo của các bị cáo Giàng Seo S, Hoàng Văn D, Hoàng Văn S.

1. Về tội danh: Tuyên bố các bị cáo Giàng Seo S, Hoàng Văn D, Hoàng Văn S phạm tội "Giữ người trái pháp luật" và tội "Cưỡng đoạt tài sản".

2. Về hình phạt:

2.1. Áp dụng khoản 1 Điều 157, Điều 38, Điều 17, Điều 58, điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự đối với bị cáo Giàng Seo S, xử phạt bị cáo Giàng Seo S 08 (tám) tháng tù về tội "Giữ người trái pháp luật";

Áp dụng khoản 1 Điều 170, Điều 38, Điều 17, Điều 58, điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự đối với bị cáo Giàng Seo S, xử phạt bị cáo Giàng Seo S 13 (mười ba) tháng tù về tội "Cưỡng đoạt tài sản";

Áp dụng Điều 55 Bộ luật Hình sự, tổng hợp hình phạt, buộc bị cáo Giàng Seo S phải chấp hành hình phạt chung của cả 02 tội là 21 (hai mươi mốt) tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo đi thi hành án.

2.2. Áp dụng khoản 1 Điều 157, Điều 38, Điều 17, Điều 58, điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự đối với bị cáo Hoàng Văn D, xử phạt bị cáo Hoàng Văn D 08 (tám) tháng tù về tội "Giữ người trái pháp luật";

Áp dụng khoản 1 Điều 170, Điều 38, Điều 17, Điều 58, điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự đối với bị cáo Hoàng Văn D, xử phạt bị cáo Hoàng Văn D 12 (mười hai) tháng tù về tội "Cưỡng đoạt tài sản";

Áp dụng Điều 55 Bộ luật Hình sự, tổng hợp hình phạt, buộc bị cáo Hoàng Văn D phải chấp hành hình phạt chung của cả 02 tội là 20 (hai mươi) tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo đi thi hành án.

2.3. Áp dụng khoản 1 Điều 157, Điều 17, Điều 58, điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 65 Bộ luật Hình sự đối với bị cáo Hoàng Văn S, xử phạt bị cáo Hoàng Văn S 06 (sáu) tháng tù về tội "Giữ người trái pháp luật" nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 12 (mười hai) tháng;

Áp dụng khoản 1 Điều 170, Điều 17, Điều 58, điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 65 Bộ luật Hình sự đối với bị cáo Hoàng Văn S, xử phạt bị cáo Hoàng Văn S 12 (mười hai) tháng tù về tội "Cưỡng đoạt tài sản" nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 24 (hai mươi tư) tháng;

Áp dụng Điều 55 Bộ luật Hình sự, tổng hợp hình phạt, buộc bị cáo Hoàng Văn S phải chấp hành hình phạt chung của cả 02 tội là 18 (mười tám) tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 36 (ba mươi sáu) tháng, tính từ ngày tuyên án phúc thẩm.

Giao bị cáo Hoàng Văn S cho Ủy ban nhân dân xã Đ, nơi bị cáo cư trú để giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự.

Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự từ 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật Hình sự.

3. Về án phí: Căn cứ khoản 2 Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự, Điều 23 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, các bị cáo Giàng Seo S, Hoàng Văn D, Hoàng Văn S, không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

4. Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

61
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội giữ người trái pháp luật số 27/2023/HS-PT

Số hiệu:27/2023/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hà Giang
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 12/12/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về