Bản án về tội giết người và cướp tài sản số 621/2022/HS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI

BẢN ÁN 621/2022/HS-PT NGÀY 29/08/2022 VỀ TỘI GIẾT NGƯỜI VÀ CƯỚP TÀI SẢN

Ngày 29/8/2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở phiên toà công khai xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số: 443/2022/TLPT-HS ngày 19/4/2022 do có kháng cáo của đại diện hợp pháp cho bị hại là bà Hà Thị S, đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 18/2022/HS-ST ngày 08/4/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên.

* Bị cáo bị kháng cáo:

Hà Văn C, tên gọi khác: Không; sinh ngày 24 tháng 10 năm 1973; Nơi ĐKHKTT và chỗ ở trước khi phạm tội: Xóm C1, xã C2, huyện C3 (nay là thành phố C3), tỉnh Thái Nguyên; chỗ ở hiện nay: Xóm 1, xã G1, huyện G2, tỉnh Sơn La; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ học vấn: 5/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Hà Văn L (đã chết) và bà Đào Thị B; gia đình có 08 anh, chị, em, bị cáo là con thứ 05;

Vợ thứ nhất (chưa đăng ký kết hôn): Dương Thị P, sinh năm 1974; trú tại xóm C1, xã C2, thị xã C3 (nay là thành phố C3), tỉnh Thái Nguyên; có 02 con chung, con lớn sinh năm 1996, con nhỏ sinh năm 2002;

Vợ thứ hai (Có đăng ký kết hôn): Cà Thị T, sinh năm 1983; trú tại Bản T1, xã T2, huyện G2, tỉnh Sơn La, có 01 con chung sinh năm 2010; tiền án, tiền sự: Không. Bị cáo bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 18/6/2021 đến nay (theo Quyết định truy nã đặc biệt), hiện đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Thái Nguyên; bị cáo có mặt.

Người bào chữa cho bị cáo theo chỉ định của Tòa án: Ông Bùi Văn L1, Luật sư Văn phòng luật sư L2, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Thái Nguyên, có mặt.

* Bị hại: Ông Đỗ Văn K, sinh năm 1970; trú tại xóm C1, xã C2, huyện C3 (nay là thành phố C3), tỉnh Thái Nguyên (đã chết).

* Người đại diện hợp pháp của bị hại có kháng cáo: Bà Hà Thị S, sinh năm 1949 (là mẹ đẻ của bị hại), có mặt;

Trú tại: Xóm C1, xã C2, thị xã C3 (nay là thành phố C3), tỉnh Thái Nguyên.

Người đại diện theo uỷ quyền của bà S: Anh Đỗ Mạnh Q, sinh năm 1984 (là con trai bà S), có mặt;

Trú tại: Xóm C1, xã C2, thị xã C3 (nay là thành phố C3), tỉnh Thái Nguyên.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Hà Thị S: Ông Nguyễn Tiến S1, bà Nguyễn Đào T3 và bà Lê Ngọc Q1, Luật sư Văn phòng luật sư H, thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, đều có mặt.

* Ngoài ra còn có người đại diện hợp pháp cho bị hại và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Chị Đỗ Thị L3, chị Đỗ Ngọc M và chị Cà Thị T không kháng cáo, không liên quan đến nội dung kháng cáo nên Tòa án không triệu tập.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng 19 giờ ngày 12/5/2008, Hà Văn C từ nhà đi bộ đến nhà ông Đỗ Văn K để ăn cơm, uống rượu; trong khi ăn uống có ông K, C và cháu Đỗ Ngọc M, sinh năm 2002 là con ông K. Đến khoảng 20 giờ cùng ngày, ông K rủ C cùng đến nhà ông Trần Văn T4, vợ là Nguyễn Thị N ở cùng xóm C1 để uống rượu tiếp. Tại đây có vợ chồng ông T4, ông Nguyễn Văn H1, ông Dương Văn H2 đều là người cùng xóm. Tại đây C, ông K cùng mọi người ăn uống, ông K nói tí nữa mời mọi người đi uống bia, sau đó tự đi về nhà lấy tiền, khoảng 10 phút sau thì quay lại nhà ông T4 để mời mọi người nhưng không ai đi vì nghĩ ông K đã say rượu, cùng lúc đó ông K rút tiền trong túi quần ra làm rơi xuống nền nhà, bà N nhặt lên đưa cho ông K thấy có số tiền khoảng 4.800.000đ. Do mọi người không đi nên khoảng 21 giờ 30 phút, ông K xin phép về trước và đi đón cháu M từ nhà bà H3 về nhà ngủ. Khoảng 30 phút sau thì C cũng đi về, khi đi qua nhà ông K nhìn thấy điện sáng, cửa nhà mở. C vào nhà nhìn thấy ông K đang ngủ ở trên giường bên phải hướng từ cửa vào, trên người chỉ mặc quần đùi và ở tư thế nằm sấp. C gọi ông K dậy nhưng không thấy ông K có động tĩnh gì, nhìn thấy bộ quần áo dài của ông K vắt trên thành giường bên trái hướng từ cửa nhìn vào, C ngồi xuống ghế tại bàn uống nước đối diện giường ông K đang nằm để lục tìm tiền thì ông K tỉnh dậy nhìn thấy nên vùng dậy cầm chiếc điếu cày dài khoảng 63cm ở bàn uống nước đập một nhát vào mặt làm C bị gãy hai nửa chiếc răng cửa hàm trên và chảy máu, bị đánh C chạy ra ngoài sân thì bị ông K đuổi theo hô “Trộm, trộm…”, C quay lại quật ngã ông K nằm ngửa ra sân, dùng hai tay bóp cổ ông K đồng thời đập đầu ông K nhiều nhát xuống nền bê tông cho đến khi ông K nằm bất động thì mới thôi, nghĩ ông K đã chết, C bế ông K thả xuống giếng nước nhà ông K ở ngay gần sân, sau đó C vào nhà lấy giẻ lau bàn, lau vết máu trên nền nhà, cầm điếu cày và số tiền (theo C khai nhận là 3.000.000đ) và quần, áo của ông K đi ra sân, C vứt điếu cày ra vườn nhà ông K rồi cầm tiền, quần áo, giẻ lau rời khỏi nhà ông K sau đó bỏ trốn khỏi địa phương.

Cơ quan CSĐT đã tiến hành khám nghiệm hiện trường xác định:

Hiện trường chung nơi xảy ra vụ án và phát hiện tử thi tại nhà ông Đỗ Văn K, thuộc xóm C1, xã C2, huyện C3 (Nay là thị xã C3), tỉnh Thái Nguyên. Hướng Bắc cách nhà ông K 10m là nhà ở gia đình bà S (mẹ đẻ ông K); hướng Nam cách 100m là nhà ở gia đình ông C4; hướng Đông, cách 30m là đường mòn liên xã, tiếp đến cách 70m là nhà ở gia đình ông Mạc Văn H4.

Hiện trường cụ thể: Nhà ông Đỗ Văn K là nhà 03 gian, tường xây mái lợp ngói móc. Có cửa mở theo hướng Đông Nam, trước cửa là hiên rộng 1,30m. Tiếp hiên là sân xi măng, cách cửa chính 6,40m chếch về hướng Nam, sát mép sân xi măng là giếng nước của gia đình (là nơi phát hiện ông Đỗ Văn K chết dưới giếng). Giếng có thành cao 53cm, đường kính rộng 81cm, thành giếng dày 10cm, đo độ sâu từ thành giếng xuống mặt nước là 5m. Từ mặt nước đến đáy giếng sâu 1,8m, xem xét kỹ trên thành giếng và miệng giếng không phát hiện dấu vết gì.

Khám nghiệm trong nhà ông Đỗ Văn K thấy: Nhà 3 gian có chiều dài 7,20m, rộng 3,80m, có 1 cửa chính mở tại gian giữa theo hướng Đông Nam, hai gian cạnh mở hai cửa sổ. Tại cửa chính ra vào có 2 cánh bằng gỗ kiểu cửa chớp. Mở cửa vào trong nhà thấy nhà 3 gian thông nhau: Tại gian đầu hồi hướng Đông Bắc, sát tường sau có kê một giường đôi bằng gỗ. Giáp tường đầu hồi nhà có kê một bàn trên để ti vi 21 inch vẫn còn nguyên vẹn. Tại gian giữa kê một bộ bàn ghế uống nước, trên bàn có để một bộ ấm chén uống nước, gồm 06 chén, 01 ấm pha trà và 02 cốc thủy tinh. Trong 06 chiếc chén để trên bàn có 03 chiếc để ngửa, trong chén còn 1/3 nước. Tại đầu ngoài của bàn uống nước có dựa 1 chiếc điếu cày bằng tre dài 63cm, đường kính 4cm. Từ đầu dưới đến nõ điếu là 11,5cm, điếu bị dập vỡ thành 4 mảnh, dấu vết vỡ còn mới, phần nõ điếu cúp lệch xuống phía dưới. Tại chân bàn bên trái (phía ngoài nhìn vào) thấy có vết máu bắn dài 15cm, cách mặt đất 30cm, giáp chân bàn trái có 1 số dấu vết nhỏ giọt có diện rộng là 25cm, cách cửa ra vào là 2,30m. Tại gian cạnh tiếp theo hướng Tây Nam sát tường hậu có kê 1 giường đôi bằng gỗ, trên giường để 2 chiếc chăn bông. Tại phía dưới nền nhà giáp thành giường phía ngoài đến vị trí bàn uống nước phát hiện một số dấu vết máu nhỏ giọt. Cách cửa chính ra vào 02m phía trong nhà, tại gian giữa phát hiện 01 chiếc cúc áo nhựa màu trắng, trong lỗ khuy còn dính chỉ. Tại khu vực ngoài sân, cách cửa chính 1,5m phát hiện 01 chiếc cúc áo nhựa cùng màu sắc và kích cỡ.

Mở rộng hiện trường, theo như bà S mẹ đẻ ông K trình bày: Tại vị trí hiên nhà, đầu hướng Đông Bắc phát hiện 01 chiếc búa đinh cán gỗ dài cả chuôi là 31,5cm, chuôi dài 29cm, đường kính chuôi 3,2cm. Búa bằng sắt, đầu vuông kích thước (2,5 x 2,5)cm, dài 11,2cm đầu dẹt dày 0,2cm. Tại bàn uống nước bằng gỗ có mặt kính giáp tường đầu hồi hướng Tây Nam, giáp thành giường ngủ phía ngoài có 01 bàn gỗ, trên bàn có 01 vỏ hộp cát tông đựng tivi loại 21 inch, tại mặt ngoài phía dưới hộp cát tông có 01 vết màu nâu đen nghi máu.

Kết quả khám nghiệm tử thi Đỗ Văn K:

- Khám bên ngoài: Mặt sưng nề biến dạng, tay phải để trên bụng, tay trái hơi co, hai chân duỗi thẳng. Tử thi dài 1,51m, thể tạng bình thường. Tử thi cởi trần, không mặc áo, mặc quần cộc màu đen, không mặc quần dài.

- Các dấu vết tổn thương trên cơ thể: Mặt phù nề, răng cắn vào đầu lưỡi. Vùng đỉnh chẩm phải có vết bầm tím kích thước (12 x 6)cm.

- Mổ tử thi: Đỉnh chẩm phải tụ máu dưới da, kích thước (10 x 5)cm. Hộp xương sọ không bị vỡ, chảy máu dưới màng cứng vùng đỉnh chẩm phải. Chảy tụ máu dưới màng nhiện đỉnh chẩm phải. Hai phổi căng trong nhu mô phổi có dịch màu đỏ, trong khí quản không có dị vật. Tim nhẽo, trong buồng tim có máu cục. Trong dạ dày có cơm, rau đang tiêu hóa.

Bản kết luận giám định pháp y tử thi số 100/GĐPY, ngày 22/5/2008 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Thái Nguyên, kết luận: Đỗ Văn K, sinh năm 1970 trú tại xóm C1, xã C2, huyện C3, tỉnh Thái Nguyên bị ngoại lực tác động vào vùng đỉnh chẩm phải gây chấn thương sọ não kín, chảy tụ máu dưới màng cứng và chảy tụ máu dưới màng nhện vùng đỉnh chẩm phải, bị ngạt nước gây suy hô hấp cấp dẫn đến chết.

Trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã tiến hành thu thập mẫu vật để trưng cầu giám định, kết quả:

Tại Bản kết luận giám định số: 1153/C21(P7), ngày 25/6/2008 của Viện khoa học hình sự, Tổng Cục Cảnh sát - Bộ Công an kết luận:

1. Không phát hiện thấy dấu vết máu tại các mẫu ký hiệu M1, M2, M3.

2. Mẫu ký hiệu M4, M5 là máu người.

3. Phân tích gen (ADN) theo hệ Profiler Plus từ các dấu vết máu M4, M5 và từ mẫu máu ghi thu của nạn nhân Đỗ Văn K cho thấy:

- Mẫu M4, M5 có kiểu gen của một người đàn ông.

- Không phân tích được kiểu gen (ADN) của mẫu máu ghi thu của nạn nhân Đỗ Văn K do chất lượng dấu vết kém.

Tại Bản kết luận giám định số: 1531/C21(P7), ngày 11/7/2008 của Viện khoa học hình sự, Tổng Cục Cảnh sát - Bộ Công an kết luận: Phân tích kiểu gen (ADN) từ các mẫu tóc và các tế bào niêm mạc ghi thu của bà (Hà Thị S, sinh năm 1949 là mẹ của ông Đỗ Văn K) và (Đào Thị B, sinh năm 1941 là mẹ của bị cáo Hà Văn C) so sánh với kiểu gen của người đàn ông để lại dấu vết máu ở hiện trường, kết quả xác định: Bà Đào Thị B là mẹ đẻ của người đàn ông để lại dấu vết máu ở hiện trường với xác suất 99,68%. Bà Hà Thị S không phải là mẹ đẻ của người đàn ông kể trên.

Tại Bản kết luận giám định số: 2244/C21(P7), ngày 20/10/2008 của Viện khoa học hình sự, Tổng Cục Cảnh sát – Bộ Công an kết luận: Phân tích kiểu gen (ADN) từ các mẫu tóc ghi thu của các anh Hà Văn T5, Hà Văn C5, Hà Văn L4, Hà Văn B1, so sánh với kiểu gen của người đàn ông đã để lại dấu vết máu M4, M5 ghi thu tại hiện trường đã được trả lời ở kết luận giám định số 1153 ngày 25/6/2008 của Viện khoa học hình sự, thấy: Các anh Hà Văn T5, Hà Văn C5, Hà Văn L4, Hà Văn B1 đều không phải là người đã để lại dấu vết máu M4, M5 ghi thu tại hiện trường.

Tại Bản kết luận giám định số: 5603/C09-TT3, ngày 26/7/2021 của Viện khoa học hình sự - Bộ Công an kết luận: Hà Văn C có kiểu gen trùng hoàn toàn với kiểu gen thu được từ dấu vết máu người ký hiệu M4, M5 gửi giám định theo Quyết định trưng cầu giám định số 136, ngày 20/5/2008 của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Nguyên (có kiểu gen lưu tại Viện khoa học hình sự - Bộ Công an theo Kết luận giám định số 1153/C21(P7), ngày 25/6/2008).

Tại Bản kết luận giám định số: 1137/KL-KTHS, ngày 16/7/2021 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Thái Nguyên kết luận: Dấu vân in trên danh chỉ bản mẫu cần giám định (ký hiệu D) so với dấu vân tay in trên chỉ bản mẫu so sánh (ký hiệu N) do cùng một người in ra.

Kết quả xem xét dấu vết trên thân thể của bị can Hà Văn C (Hàm răng của C) đã phát hiện và ghi nhận: Có 02 chiếc răng cửa hàm trên bị gãy, cụ thể: Răng hàm trên bên trái (R21) bị gãy ½ răng phía dưới, vết gãy không bằng phẳng; Răng hàm trên bên phải (R11) gẫy khoảng ½ răng, vết gẫy vát hướng từ trên xuống dưới.

Quá trình bỏ trốn, C đã đến một số địa phương như tỉnh Lạng Sơn, thành phố Hà Nội, đến khoảng tháng 3/2009 C đến huyện G2, tỉnh Sơn La sinh sống tại đó. Để tránh sự phát hiện truy bắt của Cơ quan Công an, do sẵn có Chứng minh nhân dân của người có họ tên là Vũ Đức P1, sinh năm 1971 (đã chết năm 2007), địa chỉ thường trú tại tổ dân phố K1, phường K2, thị xã K3, tỉnh Thái Nguyên là người quen của C đã cầm cố cho C trước khi gây án nên C đã thay ảnh của mình vào Giấy chứng minh nhân dân của ông P1 để sử dụng. Khoảng tháng 5/2009, C có quan hệ và chung sống với chị Cà Thị T, sinh năm 1983, trú tại Bản T1, xã M1 (nay là xã T2), huyện G2, tỉnh Sơn La và có 1 con chung là Cà Văn A, sinh năm 2010. Khoảng tháng 5/2010, C lấy tên là Vũ Đức P1 đăng ký kết hôn với chị T tại UBND xã M1, huyện G2, tỉnh Sơn La. Ngày 20/6/2016, C làm thủ tục và được Công an xã T2 nhập khẩu cùng hộ với chị T. Khoảng tháng 10/2016, C làm lại chứng minh nhân dân tại Công an huyện G2 và được Công an tỉnh Sơn La cấp chứng minh nhân dân mới mang tên Vũ Đức P1, địa chỉ thường trú tại xã T2, huyện G2, tỉnh Sơn La. Đến ngày 18/6/2021 Hà Văn C bị Cơ quan Công an bắt giữ theo quyết định truy nã đặc biệt tại xóm 1, xã G1, huyện G2, tỉnh Sơn La.

Với nội dung trên, tại Bản án hình sự số 18/2022/HS-ST ngày 08/4/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã quyết định: Tuyên bố bị cáo Hà Văn C phạm hai tội “Giết người” và “Cướp tài sản”. Áp dụng điểm g khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự năm 1999 (tương ứng điểm g khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015); khoản 1 Điều 168; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38; Điều 55 Bộ luật hình sự năm 2015; xử phạt bị cáo Hà Văn C 20 năm tù về tội “Giết người”; 03 năm tù về tội “Cướp tài sản”. Tổng hợp hình phạt, buộc bị cáo C phải chấp hành hình phạt chung cho cả hai tội là 23 năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt tạm giữ, tạm giam 18/6/2021.

Về trách nhiệm dân sự: Căn cứ Điều 48 Bộ luật hình sự năm 2015; Điều 584; 585; 586; 589 Điều 591 Bộ luật dân sự năm 2015; Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng;

Buộc Hà Văn C có nghĩa vụ bồi thường cho bà Hà Thị S tổng số tiền là 91.267.000đ (gồm 40.000.000đ tiền mai táng phí, 1.600.000đ tiền bồi thường tài sản bị chiếm đoạt và 49.667.000đ tiền tổn thất tinh thần). Buộc bị cáo Hà Văn C phải có nghĩa vụ cấp dưỡng một phần nuôi bà Hà Thị S số tiền 300.000 đồng/tháng, thời điểm cấp dưỡng được tính từ ngày bị hại Đỗ Văn K mất là ngày 12/5/2008 cho đến khi bà S qua đời.

Ngoài ra bản án còn buộc bị cáo C bồi thường cho chị M số tiền 492.667.000đ và chị L3 tổng số tiền là 51.267.000đ; bản án còn tuyên lãi suất chậm thi hành án, quyết định xử lý vật chứng, buộc nghĩa vụ chịu án phí và tuyên quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 20/4/2022 bà Hà Thị S là người đại diện hợp pháp cho bị hại có đơn kháng cáo với nội dung đề nghị tăng hình phạt đối với bị cáo Hà Văn C, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm và tăng mức bồi thường trách nhiệm dân sự đối với tiền mai táng phí, tiền tổn thất tinh thần và tiền cấp dưỡng hàng tháng cho bà S.

Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện theo ủy quyền cho bà S giữ nguyên nội dung kháng cáo và trình bày: Động cơ của bị cáo là man rợ, sau khi bóp cổ đập đầu ông K làm ông K ngất, bị cáo đã ném ông K xuống giếng nhằm mục đích phi tang, che giấu hành vi phạm tội của mình; sau khi giết ông K bị cáo đã lấy quần áo của ông K đem về nhà đốt và một thời gian sau bị cáo mới nhờ người chở đi bắt xe để bỏ trốn, nên vợ của bị cáo C phải biết được, nhưng không tố giác nên có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, đó là hành vi che giấu tội phạm của vợ bị cáo C. Đối với mức bồi thường đề nghị tăng tiền mai táng phí lên mức 70.000.000đ, mức cấp dưỡng đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

Bị cáo Hà Văn C trình bày: Bị cáo thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình như bản án sơ thẩm đã mô tả và quy kết; khi bị cáo từ nhà ông T4 về có đi qua nhà ông K phát hiện nhà ông K điện sáng, không đóng cửa nghĩ ông K say rượu nên bị cáo vào kiểm tra xem sao, khi vào bị cáo thấy ông K nằm sấp nên bị cáo đã lay gọi ông K thì ông K ú ớ, nên bị cáo đã đi lại bàn ngồi uống nước và nhặt quần áo của ông K lên thì ông K tỉnh dậy lấy điếu cày đánh trúng mặt bị cáo làm bị cáo gãy 02 răng cửa và bị cáo bỏ chạy thì ông K hô lên, sợ bị phát hiện nên bị cáo quay lại quật ngã ông K, đồng thời dùng hai tay bóp cổ, đập đầu ông K xuống sàn bê tông đến khi thấy ông K nằm bất tỉnh, nghĩ ông K đã chết do lo sợ nên bị cáo đã bế ông K ném xuống giếng, sau đó nhặt giẻ lau vết máu, quần áo của ông K mang về nhà phát hiện có khoảng 3.000.000đ, bị cáo đã lấy và đốt toàn bộ quần áo, giẻ lau sau đó bỏ trốn đi nhiều nơi, sau đó lên huyện G2, tỉnh Sơn La lẩn trốn, lấy tên người khác và sinh sống cho đến thời điểm bị bắt.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp tại Hà Nội phát biểu quan điểm: Sau khi phân tích, đánh giá hành vi phạm tội của bị cáo cho rằng: Cấp sơ thẩm quy kết bị cáo Hà Văn C về tội “Giết người” và “Cướp tài sản” là có căn cứ, đúng pháp luật. Khi xét xử, Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét đầy đủ các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nhưng chưa đánh giá đúng tính chất, hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng của bị cáo, nên đã xử phạt bị cáo mức án như bản án sơ thẩm là thiếu căn cứ, chưa tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo, nên có căn cứ chấp nhận kháng cáo tăng hình phạt của đại diện hợp pháp cho bị hại.

Đối với kháng cáo của bà S cho rằng có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, nhưng căn cứ vào kết quả điều tra, các chứng cứ thu thập được phù hợp với các kết luận giám định, không có căn cứ có thêm đồng phạm khác.

Đối với kháng cáo của bà S liên quan đến trách nhiệm dân sự thì cấp sơ thẩm đã xem xét đầy đủ các khoản chi phí theo quy định của pháp luật, nên đã buộc bị cáo phải bồi thường, cũng như cấp dưỡng cho bà S là có căn cứ, đúng pháp luật. Tuy nhiên, đối với cấp dưỡng cho chị Đỗ Ngọc M cấp sơ thẩm tính 147 tháng là chưa đúng, mà từ ngày 12/5/2008 đến ngày chị M tròn 18 tuổi là 148 tháng, nên cần sửa nội dung này của bản án sơ thẩm.

Từ các phân tích nêu trên đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm b khoản 1 Điều 355; Điều 356 Bộ luật Tố tụng hình sự, chấp nhận kháng cáo của bà Hà Thị S về tăng hình phạt đối với bị cáo Hà Văn C, tăng mức bồi thường cho chị Đỗ Ngọc M lên 148 tháng, giữ nguyên các nội dung khác của bản án sơ thẩm.

Luật sư bào chữa cho bị cáo phát biểu: Nhất trí về tội danh và điều luật áp dụng mà Kiểm sát viên đã nêu. Tuy nhiên, bị cáo không có chủ ý giết ông K từ trước, nên được coi là “Ngộ sát”; bị cáo chưa có tiền án, tiền sự, có nhân thân tốt, đã có thời gian phục vụ trong quân đội. Bị cáo không phải chịu tình tiết tăng nặng nào, có nhiều tình tiết giảm nhẹ được quy định tại điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 nên với mức hình phạt 20 năm tù về tội “Giết người” và 3 năm tù về tội “Cướp tài sản” là có phần nghiêm khắc, nên không có căn cứ tăng hình phạt đối với bị cáo. Về trách nhiệm dân sự, cấp sơ thẩm đã buộc bị cáo bồi thường cho đại diện hợp pháp cho bị hại là quá mức theo quy định. Do đó, đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

Luật sư Nguyễn Tiến S1 bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Hà Thị S nêu quan điểm:

Đồng ý với quan điểm đánh giá của Viện kiểm sát nhưng không đồng ý với ý kiến của luật sư bào chữa cho bị cáo. Lời khai của bị cáo không đúng, không thành khẩn; căn cứ vào vết thương trên đỉnh đầu của bị hại thì có căn cứ khẳng định, chính bị cáo C là người đã dùng điếu cày đánh ông K trước; bị cáo cho rằng bị cáo bỏ chạy và ông K cầm điếu cày đuổi bị cáo là không phù hợp. Bởi vì, khi ông K đã cầm được điếu cày thì bị cáo không thể dùng tay không quật ngã được ông K để vật lộn với ông K; hành vi của bị cáo là cố ý thực hiện tội phạm đến cùng, nên mức hình phạt như bản án sơ thẩm đối với bị cáo là chưa tương xứng; Luật sư đồng tình với quan điểm của đại diện Viện kiểm sát, của đại diện hợp pháp cho bị hại, đề nghị tăng hình phạt đối với bị cáo.

Luật sư Nguyễn Đào T3 bổ sung: Nhất trí với lời trình bày của Luật sư S1; tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo khai báo quanh co, không thành khẩn, cố tình thực hiện tội phạm đến cùng; hành vi của bị cáo sau khi giết chết ông K đã bỏ trốn thời gian dài, gây tổn thất nghiêm trọng đến tinh thần của gia đình bị hại vì chưa tìm được thủ phạm giết chết ông K; gia đình bị cáo cũng không đến động viên, an ủi gia đình bị hại. Do đó, đồng tình với việc tăng hình phạt đối với bị cáo nhưng phải loại bỏ vĩnh viễn khỏi đời sống xã hội mới tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo. Đối với mức cấp dưỡng cho bà S 300.000đ/tháng là quá thấp, chưa tương xứng với mức lương cơ sở, đề nghị Hội đồng xét xử tăng lên để tương xứng với mức lương cơ sở.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Hà Văn C khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình như bản án sơ thẩm đã quy kết; lời khai của bị cáo tại phiên tòa phù hợp lời khai tại cơ quan điều tra, tại phiên tòa sơ thẩm; phù hợp với lời khai người làm chứng, các chứng cứ khác đã được thu thậm có trong hồ sơ vụ án, như: Vật chứng, Biên bản hiện trường, Biên bản khám nghiệm tử thi. Đặc biệt là các kết luận giám định. Do đó, Hội đồng xét xử đã có đủ cơ sơ để kết luận: Vào khoảng 22 giờ ngày 12/5/2008, sau khi cùng nhau uống rượu Hà Văn C biết ông Đỗ Văn K có tiền nên đã lợi dụng việc K uống rượu say đang nằm ngủ trên giường, C lục soát quần áo của ông K vắt trên thành giường bên trái nhằm mục đích trộm cắp tiền, khi bị cáo đang lục tìm tiền thì bị ông K phát hiện và đã vùng dậy cầm chiếc điếu cày đập một nhát vào mặt làm bị cáo C bị gãy hai nửa chiếc răng cửa hàm trên và chảy máu, C bỏ chạy ra ngoài sân thì bị K đuổi theo hô “Trộm, trộm…”, lo sợ bị người khác phát hiện, C quay lại quật ngã ông K nằm ngửa ra sân, dùng hai tay bóp cổ đồng thời đập đầu ông K nhiều nhát xuống nền bê tông cho đến khi ông K nằm bất tỉnh. Tưởng ông K đã chết nên C bế ông K thả xuống giếng nước ở ngay gần sân nhà ông K và lấy số tiền khoảng 4.800.000đ để trong túi quần của ông K rồi bỏ trốn khỏi địa phương. Hậu quả ông Đỗ Văn K bị chấn thương sọ não kín, chảy tụ máu dưới màng cứng và chảy tụ máu dưới màng nhiện vùng đỉnh chẩm phải, bị ngạt nước gây suy hô hấp cấp dẫn đến chết. Hành vi của bị đủ yếu tố cấu thành tội phạm tội “Giết người” và “Cướp tài sản”. Do hành vi của bị cáo thực hiện tại thời điểm Bộ luật hình sự năm 1999 đang có hiệu lực, theo quy định tại Điều 93 Bộ luật hình sự năm 1999 về tội “Giết người” và quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015 đều có khung hình phạt tương đương nhau; đối với tội “Cướp tài sản” theo quy định tại Điều 133 Bộ luật hình sự năm 1999 có khung hình phạt cao hơn tội “Cướp tài sản” được quy định tại Điều 168 Bộ luật hình sự năm 2015, nên cấp sơ thẩm quy kết, xử phạt bị cáo điểm g khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự năm 1999 (tương ứng điểm g khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015) và tội “Cướp tài sản” quy định tại khoản 1 Điều 168 Bộ luật hình sự năm 2015 là có căn cứ, đúng với quy định tại khoản 1 Điều 7 Bộ luật hình sự năm 2015 và Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội.

[2] Xét tính chất vụ án: Hành vi phạm tội của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, nguy hiểm cho xã hội; hành vi đó của bị cáo không những đã trực tiếp xâm phạm đến tính mạng và tài sản của người khác được pháp luật bảo vệ, gây ra sự mất mát, đau thương cho gia đình nạn nhân, còn làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương, gây hoang mang lo lắng trong quần chúng nhân dân và dư luận xấu trong xã hội. Do vậy, cần phải có biện pháp xử lý nghiêm, tương xứng với hành vi mà bị cáo đã gây ra.

[3] Xét kháng cáo của bà Hà Thị S là người đại diện hợp pháp cho bị hại, thấy:

[3.1] Đối với kháng cáo tăng hình phạt đối với bị cáo, thấy: Khi xét xử Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo, như: Trong quá trình điều tra, truy tố và tại phiên tòa, bị cáo thành khẩn khai báo và tỏ thái độ ăn năn về hành vi phạm tội của mình, sau khi bị bắt, bị cáo cũng đã tác động tới gia đình để bồi thường một phần cho gia đình bị hại; bị cáo có nhân thân tốt, lần đầu bị đưa ra xét xử, có thời gian tham gia quân đội; bố đẻ của bị cáo (ông Hà Văn L) là người có công với Cách mạng được nhà nước tặng thưởng huy chương kháng chiến chống Pháp hạng nhì; tại phiên toà sơ thẩm người đại diện hợp pháp của bị hại là chị Đỗ Ngọc M đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Đây là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm b, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm chưa đánh giá đúng tính chất đặc biệt nghiêm trọng mà bị cáo gây ra. Bởi vì, khi vào nhà ông K phát hiện ông K đang ngủ bị cáo đã lục soát để tìm tiền, khi bị ông K phát hiện đánh bị cáo thì bị cáo đã chống trả lại quyết liệt bằng việc dùng tay bóp cổ, đồng thời đập đầu ông K nhiều nhát xuống sàn bê tông đến khi ông K bất tỉnh, bị cáo không dừng lại ở đó mà bế ông K ném xuống giếng nước, dẫn đến ông K ngạt nước chết thể hiện bị cáo thực hiện tội phạm đến cùng, cấp sơ thẩm không áp dụng tình tiết tăng nặng theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự đối với bị cáo là thiếu sót. Sau khi ném ông K xuống giếng, bị cáo đã lấy số tiền trong túi ông K để tẩu thoát nhằm che đậy hành vi của mình; sau đó bị cáo bỏ trốn, thay tên, đổi họ và lấy vợ sinh con tại địa phương khác, nhằm trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật; gây khó khăn cho công tác điều tra. Do đó, với các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mà cấp sơ thẩm đã áp dụng cho bị cáo không tương xứng với mức hình phạt 20 năm tù về tội “Giết người” mà bản án sơ thẩm đã xử phạt đối với bị cáo, mà cần áp dụng hình phạt tù không xác định thời hạn đối với bị cáo mới tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo gây ra. Tuy tại phiên tòa phúc thẩm, gia đình bị cáo C đã xuất trình biên lai thu tiền thể hiện gia đình nộp thay bị cáo nộp số tiền 20.000.000đ tại Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thái Nguyên, để bồi thường cho bà S, nhưng với tình tiết này không đáng kể so với hành vi phạm tội của bị cáo nên có căn cứ chấp nhận kháng cáo của đại diện hợp pháp cho bị hại về tăng hình phạt đối với bị cáo; tại phiên tòa phúc thẩm đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội đề nghị chấp nhận kháng cáo, tăng hình phạt đối với bị cáo là có căn cứ.

[3.2] Đối với kháng cáo của bà S cho rằng có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, thấy: Như đã phân tích ở trên thì bị cáo là người thực hiện hành vi phạm tội đối với ông K, lời khai của bị cáo phù hợp với kết quả điều tra, đặc biệt là các kết luận giám định; đại diện hợp pháp cho bị hại cho rằng có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm nhưng không đưa ra được chứng cứ gì mới nên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo.

[3.3] Đối với kháng cáo của bà S về trách nhiệm dân sự, thấy: Bị hại Đỗ Văn K có mẹ là bà Hà Thị S; các con là Đỗ Ngọc M và Đỗ Thị L3. Đây là những người đại diện hợp pháp cho bị hại, nên có quyền yêu cầu được bồi thường về trách nhiệm dân sự theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, cần phải xác định mức bồi thường trên cơ sở quy định của pháp luật gồm những khoản chi phí thực tế, hợp lý, hợp lệ; tiền tổn thất về tinh thần; tiền cấp dưỡng cho những người mà bị hại có nghĩa vụ cấp dưỡng. Đối với chi phí hợp lý cho việc mai táng mặc dù các đương sự không xuất trình được căn cứ chứng minh, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm đã lấy mức bình quân cho việc chi phí mai táng tại địa phương vào thời điểm năm 2008 là 40.000.000đ là phù hợp. Đối với khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cấp sơ thẩm đã buộc bị cáo phải bồi thường tương đương 100 tháng lương cơ sở là mức cao nhất mà pháp luật quy định. Đối với khoản cấp dưỡng nuôi bà S do gia đình bà S có 07 người con, nên các con của bà S phải có trách nhiệm cấp dưỡng cho mẹ mình như nhau, ông Đỗ Văn K là một trong 07 người con của bà S nên ông K có một phần nghĩa vụ cấp dưỡng đối với bà S. Do vậy, Tòa án cấp sơ thẩm đã buộc Hà Văn C phải bồi thường tiền cấp dưỡng cho bà S với mức cấp dưỡng là 300.000 đồng/tháng là phù hợp với thu nhập thực tế tại địa phương. Thời điểm cấp dưỡng được tính từ ngày ông Đỗ Văn K chết (ngày 12/5/2008) đến khi bà Hà Thị S qua đời là có căn cứ pháp luật. Ngoài ra, bà S còn yêu cầu bị cáo C phải trả khoản tiền chi phí cho việc bà mời luật sư bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho bà là 90.000.000đ thấy rằng: Theo quy định của pháp luật, việc mời người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp là quyền của đương sự. Tuy nhiên, chi phí cho việc mời người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp là do đương sự tự bỏ ra, pháp luật không có quy định bị cáo phải chịu đối với khoản chi phí này; nếu bà S thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý miễn phí thì Trung tâm Trợ giúp pháp lý sẽ cử người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp miễn phí cho bà, nên không có căn cứ chấp nhận yêu cầu này. Tại cấp phúc thẩm người kháng cáo cũng không xuất trình thêm được tình tiết gì mới để chứng minh cho yêu cầu của mình nên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bà S về trách nhiệm dân sự.

Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội đề nghị không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm về trách nhiệm dân sự đối với bà S là có căn cứ. Tuy nhiên, đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội đề nghị tăng mức cấp dưỡng cho chị M từ 147 tháng lên mức 148 tháng; Hội đồng xét xử thấy nội dung này không có kháng cáo, không bị kháng nghị nên phần này đã có hiệu lực pháp luật, nên Hội đồng xét xử phúc thẩm không xem xét.

[4] Do gia đình bị cáo đã nộp 20.000.000đ tại Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thái Nguyên để bồi thường cho bà S, nên cần ghi nhận cho bị cáo.

[5] Bà Hà Thị S không phải chịu án phí theo quy định của pháp luật.

[6] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không cáo kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355, Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự; chấp nhận một phần kháng cáo của bà Hà Thị S; sửa Bản án hình sự sơ thẩm số 18/2022/HS-ST ngày 08/4/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên; áp dụng điểm g khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự năm 1999 (tương ứng điểm g khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015); khoản 1 Điều 168; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm e khoản 1 Điều 52; Điều 38; Điều 55 Bộ luật hình sự năm 2015, xử phạt bị cáo Hà Văn C tù chung thân về tội “Giết người”; 03 (Ba) năm tù về tội “Cướp tài sản”. Tổng hợp hình phạt, buộc bị cáo C phải chấp hành hình phạt chung cho cả hai tội là tù chung thân. Thời hạn tù tính từ ngày bắt tạm giữ, tạm giam 18/6/2021.

Về trách nhiệm dân sự: Căn cứ Điều 48 Bộ luật hình sự năm 2015; Điều 584; 585; 586; 589 Điều 591 Bộ luật dân sự năm 2015:

- Buộc Hà Văn C có nghĩa vụ bồi thường cho bà Hà Thị S tổng số tiền là 91.267.000đ (Chín mươi mốt triệu hai trăm sáu mươi bảy nghìn đồng) gồm 40.000.000đ tiền mai táng phí, 1.600.000đ tiền bồi thường tài sản bị chiếm đoạt và 49.667.000đ tiền tổn thất tinh thần. Buộc bị cáo Hà Văn C phải có nghĩa vụ cấp dưỡng một phần nuôi bà Hà Thị S số tiền 300.000 đồng/tháng, thời điểm cấp dưỡng được tính từ ngày bị hại Đỗ Văn K mất là ngày 12/5/2008 cho đến khi bà S qua đời. Ghi nhận bị cáo Hà Văn C đã nộp được 20.000.000đ tại Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thái Nguyên theo biên lai số 0000355, ngày 10/8/2022 để bồi thường cho bà Hà Thị S.

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật và người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, nếu bị cáo chưa thi hành xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bị cáo còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất được quy định tại khoản 2 Điều 357 Bộ luật dân sự năm 2015 tương ứng với thời gian chưa thi hành án.

Về án phí: Bà Hà Thị S không phải chịu án phí phúc thẩm.

Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm số 18/2022/HS-ST ngày 08/4/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án phúc thẩm./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

325
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội giết người và cướp tài sản số 621/2022/HS-PT

Số hiệu:621/2022/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 29/08/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về