TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI
BẢN ÁN 53/2018/HS-PT NGÀY 26/01/2018 VỀ TỘI GIẾT NGƯỜI
Trong ngày 26 tháng 01 năm 2018 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Yên Bái xét xử công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 712/2017/TLPT-HS ngày 28 tháng 9 năm 2017 đối với bị cáo Lường Thị L do có kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 27/2017/HS-ST ngày 22 tháng 8 năm 2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Yên Bái.
- Bị cáo bị kháng nghị:
Lường Thị L, tên gọi khác: không; Sinh năm 1972, tại thị xã N, tỉnh Yên Bái; Trú tại: Bản P, xã N, thị xã N, tỉnh Yên Bái; Nghề nghiệp: Làm ruộng; Trình độ văn hóa: không biết chữ; Dân tộc: Thái; Giới tính: Nữ; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông Lường Văn A (đã chết) và bà Lường Thị L1, sinh năm 1947; Có chồng là Lường Văn T, sinh năm 1966 và 02 con, con lớn nhất sinh năm 1993, con nhỏ nhất sinh năm 1996; Tiền án, tiền sự: Không; Bị cáo bị bắt tạm giam ngày 21-12-2016, hiện đang bị tạm giam tại Trạm tạm giam Công an tỉnh Yên Bái. Có mặt.
- Người bào chữa cho bị cáo: NBC. Có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Bà Lò Thị S sống chung với gia đình con dâu là Lường Thị L tại bản P, xã N, thị xã N, tỉnh Yên Bái. Cho rằng bà S đi nói chuyện với người khác về việc mình không quan tâm, chăm sóc bà và bà S đã đuổi vợ chồng L ra khỏi nhà nên Lường Thị L nảy sinh ý định giết bà Lò Thị S.
Chiều ngày 21-10-2016, Lường Thị H là con gái bà Lò Thị S có đem thịt gà và xôi đến cho mẹ ăn. Khoảng 17 giờ cùng ngày Lường Thị L mở chạn bát ở trong bếp của gia đình thấy có gói thịt gà và gói xôi, L đã lấy một lọ nhựa đựng thuốc trừ sâu loại BAS SA 666EC để trong túi ni lông treo ở cột nhà sàn của gia đình, mở gói thịt gà, mở nắp lọ thuốc trừ sâu đổ hai lần vào gói thịt gà mỗi lần một ít. Sau đó gói thịt gà lại như cũ đặt lên trên gói xôi như ban đầu, đóng cửa chạn lại rồi cất lọ thuốc sâu lên cột nhà. Đến khoảng 18 giờ cùng ngày thì bà Lò Thị S lấy thịt gà và xôi ăn thấy có mùi hôi, vị đắng và bị tê đầu lưỡi, bà S đã mang gói thịt gà và xôi sang nhà con trai là anh Lường Văn H trú tại bản P, xã N, thị xã N, tỉnh Yên Bái cho anh H xem thì phát hiện trong gói thịt gà và gói xôi có mùi thuốc sâu nên đã trình báo Công an xã N, thị xã N, tỉnh Yên Bái. Bà Lò Thị S bị ngộ độc, được gia đình đưa đi cấp cứu điều trị tại Bệnh viện đa khoa khu vực N đến ngày 29- 10-2016 thì ra viện.
Tại bản kết luận giám định số 4765/C54(P4) ngày 02-12-2016 của Viện khoa học hình sự Bộ công an kết luận:
Có tìm thấy thành phần Chlorpyrifos trong chất lỏng chứa trong lọ nhựa hình vuông có ghi chữ “thuốc trừ sâu Apphe 666EC” và trong mẫu đùi gà gửi giám định, Chlorpyrifos là thuốc trừ sâu nhóm lân hữu cơ, thuộc nhóm độc II, có liều gây chết với chuột qua đường miệng (LD50): 96 - 270mg/kg.
Có tìm thấy thành phần Fenobucarb trong chất lỏng chứa trong lọ nhựa hình trụ tròn có ghi chữ “thuốc trừ sâu Bassa Tigi 50EC” gửi giám định.
Fenobucarb là thuốc trừ sâu thuộc nhóm độc II, có liều gây chết với chuột qua đường miệng (LD50) là 340 - 410mg/kg.
Không tìm thấy các chất độc thường gặp trong mẫu xôi gửi giám định.
Để thử độc tính của các chất người ta chỉ thử nghiệm trên động vật (khỉ, chó, chuột, thỏ...). Liều LD50 là liều gây chết 50% cá thể nghiên cứu, liều LD50 càng nhỏ thì chất độc càng mạnh. Thường các chất độc với động vật thì độc với người, tuy nhiên không thể suy diễn liều độc đối với động vật sang liều độc đối với người. Hiện nay, Viện khoa học hình sự chưa thấy tài liệu nào công bố liều độc của Chlorpyrifos, Fenobucarb và Abamectin đối với người.
Trong quá trinh điều tra người bị hại Lò Thị S từ chối việc giám định sức khỏe.
Bị cáo Lường Thị L khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình, xuất phát từ mâu thuẫn trong gia đình giữa mẹ chồng và bị cáo đã kéo dài từ khi bố chồng chết năm 1998 đến khi phạm tội, bà Lò Thị S thường xuyên đi kể xấu với nhiều người về việc vợ chồng L không quan tâm chăm sóc bà S nên các con bà S đến nói L và nhiều lần bà S đuổi vợ chồng L ra khỏi nhà. Do bực tức và thấy quá khổ khi bị bà S đối xử như vậy nên Lường Thị L đã thực hiện hành vi đổ thuốc trừ sâu vào thịt gà với mong muốn để bà S chết và sẽ tự tử chết theo. Tại phiên tòa bị cáo nhận tội và đề nghị được hưởng mức án thấp nhất.
Tại bản án hình sự sơ thẩm số 27/2017/HSST ngày 22/8/2017, Tòa án nhân dân tỉnh Yên Bái đã quyết định:
Tuyên bố bị cáo Lường Thị L phạm tội giết người (chưa đạt);
Áp dụng khoản 2 Điều 93 điểm b, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46; điểm h khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự; Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội; Điều 15; khoản 1 và khoản 3 Điều 57 Bộ luật hình sự năm 2015;
Xử phạt bị cáo Lường Thị L 07 (bảy) năm tù. Thời gian chấp hành hình phạt tính từ ngày bắt tạm giam bị cáo 21-12-2016.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về phần trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, án phí, thông báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Ngày 01/9/2017, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái kháng nghị phần áp dụng pháp luật và phần hình phạt của bản án sơ thẩm, đề nghị áp dụng các tình tiết “Có tính chất côn đồ” và “Giết mẹ của mình” theo quy định tại các điểm n, đ khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự và tăng hình phạt đối với bị cáo Lường Thị L.
Tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử nhận được Quyết định số 96/QĐ- VKS Ngày 25/01/2018 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái về việc rút phần kháng nghị về áp dụng pháp luật, theo đó không áp dụng điểm n khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự (năm 1999)– “phạm tội có tính chất côn đồ” đối với bị cáo như đã nêu trong kháng nghị, nên Hội đồng xét xử căn cứ khoản 3 Điều 342 Bộ luật tố tụng hình sự quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm phần kháng nghị đã rút của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái. Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội giữ nguyên phần kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái về việc áp dụng điểm đ khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự năm 1999 và đề nghị Hội đồng xét xử tăng hình phạt đối với bị cáo. Bị cáo Lường Thị L xác định không kháng cáo và thừa nhận hành vi phạm tội như nội dung án sơ thẩm đã nêu. NBC cho bị cáo cho rằng: Luật pháp chưa quy định rõ ràng con dâu giết mẹ chồng là tình tiết tăng nặng định khung hình phạt theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự nên đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên hình phạt đối với bị cáo.
Lời nói sau cùng, bị cáo L đề nghị xử phạt mức án thấp, tạo điều kiện cho bị cáo sớm được về làm ăn lương thiện.
Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa; Căn cứ kết quả tranh luận tại phiên tòa và trên cơ sở xem xét đầy đủ toàn diện các chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, trình bày của bị cáo và NBC cho bị cáo.
NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ
[1] Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo Lường Thị L vẫn khai nhận hành vi đổ thuốc sâu vào thịt gà để bà S ăn với mong muốn để bà S chết do bực tức bà S đi kể xấu với nhiều người việc vợ chồng L không quan tâm, chăm sóc bà (mẹ chồng) và có lần bà S đuổi vợ chồng L ra khỏi nhà. Lời khai của bị cáo L về hành vi phạm tội phù hợp với lời khai của các nhân chứng Lường Thị H, Lường Văn L, phù hợp với kết luận giám định của Viện khoa học hình sự Bộ Công an. Do đó cấp sơ thẩm đã truy tố và xét xử L về tội giết người là có căn cứ.
[2] Quá trình điều tra cũng như tại các phiên tòa, bị cáo L xác định khi thực hiện hành vi phạm tội, hôn nhân của vợ chồng bị cáo đang tồn tại và vợ chồng bị cáo đang chung sống với bà S là mẹ chồng nên việc bị cáo dùng thuốc sâu cho vào thịt gà để bà S ăn với mong muốn bà S chết là hành vi giết mẹ chồng nên Viện kiểm sát đã truy tố và đề nghị áp dụng điểm đ khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với bị cáo là chính xác. Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng người bị hại là “mẹ của chồng” của bị cáo nên bị cáo phạm tội không thuộc trường hợp giết “mẹ của mình” theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự là không chính xác và không đánh giá đúng tính chất mức độ hành vi phạm tội của bị cáo. Do đó, có căn cứ chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát về việc áp dụng pháp luật, theo đó phải áp dụng điểm đ khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự năm 1999 và tăng hình phạt đối với bị cáo là có căn cứ, phù hợp quy định của pháp luật.
[3] Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án cho thấy bị cáo phạm tội bắt nguồn từ những mâu thuẫn trong cuộc sống hằng ngày giữa mẹ chồng và nàng dâu. Bị cáo là người dân tộc thiểu số, không biết chữ nên nhận thức và hiểu biết pháp luật hạn chế. Sau khi phạm tội đã khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải và tích cực khắc phục hậu quả. Người bị hại không chết và hiện tại sức khỏe ổn định. Do đó, Hội đồng xét xử thấy chỉ cần xử phạt bị cáo mức án thấp dưới mức khởi điểm của khung hình phạt cũng đủ điều kiện giáo dục và cải tạo bị cáo.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 3 Điều 342; điểm a khoản 2 Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự.
[1] Đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với phần kháng nghị đã rút của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái về việc không áp dụng điểm n - “phạm tội có tính chất côn đồ” khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với bị cáo.
[2] Chấp nhận phần kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái về việc áp dụng điểm đ khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự năm 1999 và tăng hình phạt đối với bị cáo như sau:
Áp dụng điểm đ khoản 1 Điều 93; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; điểm h khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự năm 1999; Điều 15; khoản 1 và khoản 3 Điều 57 Bộ luật hình sự năm 2015. Xử phạt bị cáo Lường Thị L 09 (chín) năm tù về tội “Giết người”. Thời hạn tù tính từ ngày bắt giam 21/12/2016.
[3] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tội giết người số 53/2018/HS-PT
Số hiệu: | 53/2018/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 26/01/2018 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về