Bản án về tội giết người số 357/2023/HS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 357/2023/HS-PT NGÀY 12/06/2023 VỀ TỘI GIẾT NGƯỜI

Ngày 12 tháng 6 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau, Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 935/2022/TLPT-HS ngày 29 tháng 12 năm 2022 đối với bị cáo Ngô Văn D. Do có kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 69/2022/HS-ST ngày 23-11-2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau.

- Bị cáo bị kháng nghị:

Họ và tên: Ngô Văn D, sinh ngày 16 tháng 9 năm 1986 tại tỉnh Cà Mau Nơi cư trú: Ấp Công Đ, xã Phong Đ, huyện Trần Văn T, tỉnh Cà Mau; nghề nghiệp: Làm vuông; trình độ học vấn: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Ngô Văn K và Nguyễn Thị H; Vợ: Phạm Bé N (bị hại) và có 02 người con; tiền án, tiền sự: Không; Bị bắt tạm giam từ ngày 13 tháng 5 năm 2022 đến nay (có mặt).

- Người bào chữa cho bị cáo theo Luật định: Luật sư Ngô Đình C – Luật sư, Văn phòng luật sư Ngô Đình C thuộc Đoàn luật sư tỉnh Cà Mau (có mặt).

- Bị hại: Chị Phạm Bé N, sinh năm 1984; Nơi cư trú: Khóm 6, thị trấn Trần Văn T, huyện Trần Văn T, tỉnh Cà Mau (có mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Bị cáo Ngô Văn D (viết tắt bị cáo) và chị Phạm Bé N (viết tắt bị hại) kết hôn năm 2012, có hai con chung là Ngô Khả A, sinh ngày 24/11/2013 và Ngô Khả A1, sinh ngày 01/12/2016 cùng sinh sống tại Ấp Công Đ, xã Phong Đ, huyện Trần Văn T, tỉnh Cà Mau. Quá trình chung sống, vợ chồng phát sinh mâu thuẫn từ việc bị cáo làm ăn thua lỗ dẫn đến nợ; đồng thời bị cáo nghi ngờ bị hại có quan hệ tình cảm với người khác. Đến khoảng tháng 07/2021, bị hại cùng 02 người con chuyển về sinh sống tại nhà cha mẹ ruột (ông Phạm Thành C và bà Huỳnh Thị H) thuộc Khóm 6, thị trấn Trần Văn T, huyện Trần Văn T, tỉnh Cà Mau.

Ngày 15/01/2022, bị cáo mua 02 gói thuốc diệt chuột hiệu Rasger 20DP 10g, với giá là 10.000 đồng/01 gói tại Cửa hàng vật tư nông nghiệp Thanh Nhàn (Khóm 9, thị trấn Trần Văn T, huyện Trần Văn T, tỉnh Cà Mau) để diệt chuột. Bị cáo sử dụng diệt chuột hết 01 gói, còn lại 01 gói để trong cặp mà bị cáo thường mang theo bên mình đi thu tiền cước phí Wifi.

Khoảng 11 giờ 30 phút, ngày 23/01/2022, bị cáo điều khiển xe mô tô biển kiểm soát 69S1-xxxx đến nhà ông C có mang theo cái cặp mà bị cáo thường sử dụng. Trên đường đi, bị cáo mua 02 ly kem, đến nhà ông C bị cáo đưa 02 ly kem cho Khả A và Khả A1 rồi điều khiển xe đi thu tiền cước Wifi. Sau đó, bị cáo điều khiển xe quay lại nhà ông C. Lúc này, ông C đang ngủ trong phòng, bà H đang vui chơi với Khả A và Khả A1 tại hành lang nhà sau còn bị hại thì đi làm việc chưa về. Vào nhà, bị cáo để chiếc cặp trên giường tại nhà giữa và vui chơi với Khả A và Khả A1; Trong lúc trò chuyện, Khả A1 nói: “Mai mốt cha đừng lên thăm con nữa, mẹ hõng cho”. Nghe vậy, bị cáo tức giận và nhớ lại những mâu thuẫn trước đây nên nảy sinh ý định giết bị hại.

Bị cáo lấy gói thuốc diệt chuột có trong cặp, đi xuống nhà sau lấy dao cắt góc gói thuốc, đi đến khu vực bếp ở nhà sau, đổ gói thuốc diệt chuột vào nồi cơm đã nấu chín và trộn cơm lên rồi vứt vỏ gói thuốc xuống mé ao phía sau nhà; sau đó từ giã ông C và bà H, ra về. Lúc bị cáo đổ gói thuốc diệt chuột vào nồi cơm thì có Khả A1 đứng phía sau cách bị cáo khoảng 02m nhìn thấy.

Khoảng 12 giờ 15 phút cùng ngày, bà H lấy cơm cho Khả A và Khả A1 để ăn thì phát hiện chất bột màu trắng trong nồi cơm; đồng thời nhìn thấy có một ít chất bột màu trắng rơi trên miệng lò và trên nền đất. Nghi là thuốc diệt chuột nên bà H gọi điện thoại cho bị hại biết; Đến 14 giờ 25 phút cùng ngày, bị hại đến Công an thị trấn Trần Văn T, huyện Trần Văn T trình báo vụ việc.

* Bản giám định pháp y về hóa pháp số 94/98/99-103/22/ĐC ngày 15/02/2022 của Phân viện Pháp y Quốc gia tại TP Hồ Chí Minh kết luận: Trong mẫu tang vật nghi đầu độc tại nhà chị Phạm Bé N có tìm thấy Warfarin trong các mẫu tang vật gửi giám định. Không tìm thấy các độc chất thường gặp.

* Công văn giải thích kết luận giám định số 30/PVPYQG-ĐC ngày 4/5/2022 của Phân viện Pháp y Quốc gia tại TP Hồ Chí Minh thì chất Warfarin là chất chống đông máu kháng Vitamin K được sử dụng trong y học. Mặt khác, Warfarin còn được sử dụng trong nông nghiệp để diệt chuột.

Warfarin có độc tính cao đối với động vật có vú. Triệu chứng ngộ độc Warfarin bao gồm chảy máu mũi, chảy máu chân răng, chảy máu dưới kết mạc mắt, chảy máu não, tụ máu trong cơ, có thể dẫn đến tiêu cơ vân, suy hô hấp, co giật và tử vong. Liều gây độc LD50 của Warfarin trên chuột thí nghiệm là 10mg/kg. Liều uống có thể gây chết người từ 50 đến 500mg/kg.

Cáo trạng số 56/CT – VKS – P1 ngày 06 tháng 9 năm 2022 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau truy tố bị cáo Ngô Văn D về tội “Giết người” theo điểm l khoản 1 Điều 123 của Bộ luật Hình sự.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 69/2022/HS-ST ngày 23-11-2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau quyết định:

Về trách nhiệm hình sự:

Áp dụng điểm l khoản 1 Điều 123; Điều 15; điểm b, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51; khoản 3 Điều 57; khoản 1 Điều 54 của Bộ luật Hình sự;

Tuyên bố: Bị cáo Ngô Văn D phạm tội “Giết người”.

Tuyên phạt: Bị cáo Ngô Văn D 10 (Mười) năm tù; Thời hạn tù tính từ ngày 13 tháng 5 năm 2022.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 21/12/2022, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh có Quyết định số 02/QĐ-VC3-V1 kháng nghị bản án sơ thẩm đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại do cấp sơ thầm bỏ lọt tình tiết định khung tăng nặng hình phạt đối với bị cáo.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Bị cáo Ngô Văn D thừa nhận hành vi phạm tội, thống nhất với tội danh và hình phạt mà bản án của Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử nên yêu cầu Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Người bào chữa cho bị cáo theo Luật định là Luật sư Ngô Đình C phát biểu ý kiến: nguyên nhân phạm tội do bị cáo chỉ mâu thuẫn với bị hại N, bản thân bị cáo rất thương con, trước đó còn mua kem cho con ăn, cho thấy ý thức của bị cáo chỉ muốn giết một mình chị N. Khi bị cáo bỏ thuốc diệt chuột vào nồi cơm, con gái lớn của bị cáo nhìn thấy, bị cáo không giấu giếm. Theo kết quả giám định thì liều uống thuốc chuột có thể gây chết người từ 50 đến 500mg/kg trong khi gói thuốc chỉ có 10g và bị cáo đổ thuốc vào nồi cơm thì không đổ hết toàn bộ mà chỉ đổ khoản 2/3 gói nên không thể có việc xảy ra chết nhiều người. Hơn nữa nồi cơm còn đầy, khi đổ thuốc vào sẽ bị phân tán nên ít nguy hiểm hơn. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh và giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Bị hại Phạm Bé N yêu cầu Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh và giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu quan điểm: qua các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ đã được thẩm tra công khai tại phiên tòa, có cơ sở xác định bị cáo Ngô Văn D phạm tội “Giết người” với các tình tiết định khung tăng nặng là “Giết từ 02 người trở lên”, “Giết người dưới 16 tuổi”, “Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người” và “Có tính chất côn đồ” quy định tại các điểm a, b, l, n khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự. Cấp sơ thẩm chỉ truy tố, xét xử bị cáo theo điểm l khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự là bỏ lọt các tình tiết định khung tăng nặng khác, dẫn đến xử phạt bị cáo mức án 10 năm tù là có thiếu sót, chưa đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra, cấp sơ thẩm cũng không đưa những người trong gia đình chị N vào tham gia tố tụng với tư cách là bị hại là không đúng, ảnh hưởng quyền lợi của họ. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Cà Mau, Điều tra viên; Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, những người tham gia tố tụng không có khiếu nại về hành vi, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Ngô Văn D đã thừa nhận hành vi phạm tội của bị cáo như bản án sơ thẩm đã nêu. Lời khai của bị cáo tại phiên tòa phù hợp với với lời khai của chính bị cáo trong quá trình điều tra, với lời khai của bị hại, người làm chứng và các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án, qua đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm có đủ cơ sở để xác định như sau:

[2.1] Bị cáo Ngô Văn D kết hôn với chị Phạm Bé N và chung sống tại Ấp Công Đ, xã Phong Đ, huyện Trần Văn T. Do mâu thuẫn trong quan hệ vợ chồng nên chị N cùng hai con về sống với cha mẹ ruột tại Khóm 6, thị trấn Trần Văn T, huyện Trần Văn T. Ngày 23/01/2022, bị cáo Dừa đến thăm con và nghe con nói: Cha đừng đến thăm con, mẹ hõng cho. Nghe vậy và nhớ lại những mâu thuẫn với chị N nên bị cáo có ý định thực hiện hành vi giết chết chị N. Lúc này khoảng 12 giờ, do biết chị N đi làm sắp về và sẽ ăn cơm nên bị cáo lấy gói thuốc diệt chuột (10g) để trong cặp của bị cáo đổ vào nồi cơm đã nấu chín và trộn cơm lên nhằm mục đích để khi chị N ăn cơm sẽ bị ngộ độc chết. Tuy nhiên, khi bà Huỳnh Thị H (mẹ chị N) lấy cơm cho con của bị cáo ăn thì phát hiện chất bột màu trắng trong nồi cơm; đồng thời nhìn thấy có một ít chất bột màu trắng rơi trên miệng lò và trên nền đất. Nghi là thuốc diệt chuột nên bà H gọi điện thoại cho bị hại biết; Đến 14 giờ 25 phút cùng ngày, bị hại đến Công an thị trấn Trần Văn T, huyện Trần Văn T trình báo vụ việc.

[2.2] Tại Bản Giám định pháp y về hóa pháp số 94/98/99-103/22/ĐC ngày 15/02/2022 của Phân viện Pháp y Quốc gia tại TP Hồ Chí Minh kết luận: Trong mẫu tang vật nghi đầu độc tại nhà chị Phạm Bé N có tìm thấy Warfarin. Không tìm thấy các độc chất thường gặp.

Theo Công văn giải thích kết luận giám định số 30/PVPYQG-ĐC ngày 4/5/2022 của Phân viện Pháp y Quốc gia tại TP Hồ Chí Minh thì liều gây độc LD50 của Warfarin trên chuột thí nghiệm là 10mg/kg. Liều uống có thể gây chết người từ 50 đến 500mg/kg.

[2.3] Như vậy, ý thức chủ quan của bị cáo là dùng thuốc diệt chuột để giết chết chị N và thực tế bị cáo đã đổ thuốc diệt chuột vào nồi cơm đã nấu chín để chị N ăn bị ngộ độc chết nên có cơ sở xác định bị cáo đã thực hiện hết các hành vi mà bị cáo cho là cần thiết để gây ra hậu quả nhưng hậu quả chết người chưa xảy ra là ngoài ý chí, mong muốn của bị cáo, do bà H nghi ngờ và gọi điện thoại báo chị N nên tội phạm chưa hoàn thành.

[2.4] Mặc dù, mục đích và động cơ phạm tội của bị cáo là giết chết chị N chứ không có ý thức giết chết những người khác. Tuy nhiên, bị cáo biết nồi cơm của gia đình chị N không phải duy nhất chỉ có một mình chị N ăn mà có thể có nhiều người trong gia đình chị N ăn nên có khả năng hậu quả nhiều người bị ngộ độc từ việc ăn cơm có thuốc diệt chuột nhưng bị cáo vẫn thực hiện hành vi và có ý thức bỏ mặc hậu quả xảy ra. Do đó, hành vi của bị cáo là hành vi giết người bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người.

[2.5] Với hành vi nêu trên, bản án của Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo Ngô Văn D phạm tội “Giết người” theo quy định tại điểm l khoản 1 Điều 123 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không oan.

[3] Xét kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh.

[3.1] Hồ sơ vụ án thể hiện, cấp sơ thẩm đã thu thập đầy đủ các chứng cứ để làm rõ mục đích thực hiện hành vi phạm tội của bị cáo. Lời khai của bị cáo phù hợp với lời khai của bị hại Niềm và người làm chứng là ông C bà H về thói quen sinh hoạt thường ngày của gia đình chị N, qua đó có cơ sở xác định mục bị cáo thực hiện hành vi bỏ thuốc diệt chuột vào nồi cơm của gia đình chị N là để giết chết chị N. Khi thực hiện hành vi này, bị cáo mong muốn hậu quả chị N chết xảy ra, là lỗi cố ý trực tiếp. Mặt khác, lời khai của ông Phạm Thành C và bà Huỳnh Thị H là cha mẹ vợ của bị cáo (BL 277, 283, 289) đều thể hiện ông C bà H không có mâu thuẫn gì với bị cáo nên bị cáo không có động cơ để giết ông C, bà H; hơn nữa, vào ngày xảy ra vụ án, ông C bà H ăn sáng trễ nên không ăn trưa, còn 02 con của bị cáo chưa ăn cơm nên hậu quả cũng chưa xảy ra. Ngoài ra, không có cơ sở xác định ý thức của bị cáo mong muốn các thành viên khác trong gia đình chị N chết nên cần áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị cáo, xác định đây là lỗi cố ý gián tiếp. Do hậu quả chưa xảy ra nên không có căn cứ kết luận hành vi của bị cáo thuộc trường hợp “Giết từ 02 người trở lên” và “Giết người dưới 16 tuổi”.

[3.2] Về nguyên nhân phạm tội, chỉ vì nguyên nhân nhỏ nhặt do con bị cáo nói việc chị N không cho bị cáo gặp con nữa và do nhớ lại những mâu thuẫn trong cuộc sống vợ chồng trước đây mà bị cáo đã thực hiện hành vi nhằm tướt đoạt mạng sống của chị N, thể hiện thái độ coi thường tính mạng con người, bất chấp pháp luật, mang tính chất côn đồ. Do hậu quả chết người không xảy ra nên đây chỉ là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm d khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự.

[3.3] Như vậy, hành vi của bị cáo là rất nguy hiểm cho xã hội. Bị cáo phạm tội với tình tiết tăng nặng nêu tại mục [3.2] nhưng bản án của Tòa án cấp sơ thẩm không áp dụng tình tiết này khi lượng hình đối với bị cáo, dẫn đến xử phạt bị cáo mức án 10 năm tù là nhẹ. Tuy nhiên, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh không kháng nghị; và bị hại cũng không có kháng cáo tăng nặng hình phạt đối với với bị cáo nên trong phạm vi xét xử phúc thẩm, Hội đồng xét xử không xem xét đối với hình phạt của bị cáo.

[4] Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm, không chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, và giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm. Lập luận này cũng là căn cứ để không chấp nhận đề nghị hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại của vị đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên tòa.

[5] Các quyết định khác của bản án hình sự sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị phát sinh hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

Không chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh. Giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số 69/2022/HS-ST ngày 23-11-2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau.

Tuyên xử:

[1] Áp dụng điểm l khoản 1 Điều 123; Điều 15; điểm b, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51; khoản 3 Điều 57; khoản 1 Điều 54 của Bộ luật Hình sự;

Tuyên bố: Bị cáo Ngô Văn D phạm tội “Giết người”.

Tuyên phạt: Bị cáo Ngô Văn D 10 (Mười) năm tù; Thời hạn tù tính từ ngày 13 tháng 5 năm 2022.

Tiếp tục giam bị cáo Ngô Văn D để đảm bảo thi hành án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

84
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội giết người số 357/2023/HS-PT

Số hiệu:357/2023/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 12/06/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về