TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 186/2023/HS-PT NGÀY 07/04/2023 VỀ TỘI GIẾT NGƯỜI
Trong các ngày 31 tháng 3 và 07 tháng 4 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 628/2020/TLPT-HS, ngày 02 tháng 11 năm 2020 đối với bị cáo Phạm Ngọc Th; Do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 442/2020/HS-ST ngày 29 tháng 9 năm 2020 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
- Bị cáo có kháng cáo: Phạm Ngọc Th; giới tính: nam; sinh năm 1978 tại Thành phố Hồ Chí Minh; cư trú: 207 ĐT, Phường 6, quận TB, Thành phố Hồ Chí Minh; trình độ văn hóa: 9/12; nghề nghiệp: Lao động tự do; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không; Con ông Phạm Văn Qu và bà Võ Thị G (chết); Hoàn cảnh gia đình: Chưa có vợ, con; Tiền án, tiền sự: không có;
Nhân thân:
- Ngày 25/01/2000 bị Tòa án nhân dân quận TB xử phạt 12 tháng tù về tội “Cướp giật tài sản của công dân”. Ngày 17/4/2000 Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm y án sơ thẩm, ngày 23/02/2001 chấp hành xong hình phạt.
- Ngày 28/9/2007 bị Tòa án nhân dân quận TB xử phạt 02 năm tù về tội “Trộm cắp tài sản”, ngày 05/4/2009 chấp hành xong hình phạt.
Bị bắt tạm giam từ ngày 27/01/2020, (có mặt).
- Người bị hại: Ông Lê Phước L, sinh năm 1971 (chết).
Đại diện hợp pháp của người bị hại:
1. Bà ĐDHPBH1, sinh năm 1974, (có mặt).
2. Cháu ĐDHPBH2, sinh năm 1995, (có mặt).
3. Cháu ĐDHPBH3, sinh ngày 10/5/2003 (có mặt).
Là vợ và con của bị hại; Cùng trú tại: 207 ĐT, Phường 6, quận TB, Thành phố Hồ Chí Minh.
Người bào chữa cho bị cáo: Ông Võ Thiện H – Luật sư Công ty Luật TNHH Apolo Lawyers thuộc Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Phạm Ngọc Th sinh sống cùng chị gái ĐDHPBH1, anh rể Lê Phước L và các con của chị ĐDHPBH1 tại nhà bố ruột của Th là ông Phạm Văn Qu; địa chỉ nhà số 207 ĐT, Phường 6, quận TB.
Khoảng 19 giờ 20 phút ngày 27/01/2020, Th ngồi trước bàn thờ mẹ suy nghĩ cho rằng anh Lê Phước L có ý định chiếm căn nhà trên nên đã đi vào bếp lấy 01 con dao loại chặt thịt đi lên lầu 1 vào phòng của vợ chồng anh L. Lúc này, anh L đang ngồi dưới nền nhà xem tivi, Th đi đến đứng trước mặt anh L và dùng dao chém vào cổ anh L, Lộc đưa tay lên đỡ nên dao trúng mu bàn tay trái và trượt xuống trúng đầu gối trái của Th. Th tiếp tục dùng dao chém 01 nhát trúng vào cẳng tay trái, 01 nhát trúng cổ trái làm anh L gục xuống sau đó Th cầm dao đi ra khỏi phòng.
Ông Quế đang nằm trên võng cạnh bàn thờ ở tầng trệt, thấy Th cầm dao đi lên lầu nên kêu chị ĐDHPBH1 đang bán nước trước cửa nhà chạy lên xem Th làm gì. Chị ĐDHPBH1 đi lên thì thấy Th cầm dao đi ra nên tước con dao trong tay Th và đi vào phòng thì thấy anh L nằm gục trên sàn nhà, cổ chảy nhiều máu và đã tử vong nên gọi điện thoại cho Công an trình báo sự việc.
Tại bản kết luận giám định thương tích số 273-20/KLGĐ-PY ngày 07/4/2020 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an Thành phố Hồ Chí Minh kết luận: Lê Phước L chết do sốc mất máu không hồi phục do vết thương đứt động tĩnh mạch cảnh trái, đứt ngang không hoàn toàn đốt sống cổ 4.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số: 442/2020/HS-ST ngày 29 tháng 9 năm 2020 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:
Tuyên bố bị cáo Phạm Ngọc Th phạm tội “Giết người”.
- Áp dụng điểm n khoản 1 Điều 123; điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Xử phạt: Phạm Ngọc Th tử hình. Bị cáo bị bắt, tạm giam từ ngày 27/01/2020, tiếp tục tạm giam bị cáo để đảm bảo thi hành án.
Ngoài ra án sơ thẩm còn quyết định về trách nhiệm dân sự; về xử lý vật chứng; về án phí sơ thẩm và quyền kháng cáo theo luật định.
Ngày 06 tháng 10 năm 2020, bị cáo Phạm Ngọc Th có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm. Lý do kháng cáo: Bị cáo cho rằng mức hình phạt Tòa sơ thẩm phạt bị cáo tử hình là quá nặng so với hành vi phạm tội của bị cáo. Vì thế, bị cáo kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xét xử giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay:
- Bị cáo Th có kháng cáo, trình bày: Giữ nguyên lý do và yêu cầu kháng cáo nêu trên, bị cáo khẳng định nội dung, diễn biến vụ án như cấp sơ thẩm tóm tắt nêu trên là đúng, Tòa sơ thẩm tuyên bố bị cáo phạm tội “Giết người” là đúng nên bị cáo không kháng cáo kêu oan, chỉ kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, lý do: Giữa bị cáo với bị hại Th trước đó có nhiều mâu thuẫn do bị hại ở chung nhà với bị cáo và cha ruột bị cáo nhưng bị hại thường xuyên chửi bới cho bị cáo là người ăn bám, không lo lắng gì cho gia đình; bị hại thường xuyên chửi mắng vợ và các con (là chị và các cháu của bị cáo) nên bị cáo bức xúc và có mâu thuẫn trước đó với bị hại; ngày bị cáo có hành vi chém bị hại là do bị cáo tinh thần bị ảo giác, buồn bả do mẹ mới chết và lo sợ bị hại ở nhà cha của bị cáo sẽ chiếm nhà nên mới chém bị hại, khi chém bị cáo không nghỉ sẽ dẫn đến làm cho bị hại chết; bị cáo vô cùng hối hận, xin lỗi gia đình bị hại và xin Hội đồng xét xử xem xét chấp nhận kháng cáo của bị cáo.
Đại diện bị hại chị ĐDHPBH1, trình bày: Việc bị cáo trình bày như nêu trên là đúng, trước khi xảy ra sự việc bị cáo dùng dao chém bị hại là chồng chị thì giữa bị cáo và bị hại thường xuyên xảy ra mâu thuẫn do bị hại L thường hay chửi, mắng bị cáo cho bị cáo là người sống ăn bám gia đình, chỉ biết ăn chơi không lo cho gia đình nên giữa bị cáo và bị hại có mâu thuẫn trước đó; và bị hại cũng thường hay chửi mắng chị và các con nên gây búc xúc cho bị cáo dẫn đến bị cáo có hành vi phạm tội như hôm nay. Sau khi sự việc xảy ra bị hại và các con có yêu cầu xin giảm hình phạt cho bị cáo; cha và các chị em của chị có bồi thường cho chị và các con tiền mai táng phí và tổn thất tinh thần số tiền 45.000.000 (bốn mươi lăm triệu) đồng. Nay chị cũng là đại diện cho các con và các chị ruột của bị hại L (ủy quyền cho chị do cha mẹ bị hại L đều đã chết) mong Hội đồng xét xử xem xét giảm hình phạt cho bị cáo có cơ hội được sống, để giảm bớt nổi đau của gia đình do trước đó mẹ và anh trai chị mới chết nay nếu bị cáo chịu án tử hình sẽ làm tăng thêm nỗi đau cho gia đình.
- Cháu ĐDHPBH2 và cháu ĐDHPBH3 cùng thống nhất với trình bày và yêu cầu của mẹ như nêu trên, mong Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của bị cáo và chấp nhận yêu cầu giảm hình phạt cho bị cáo của mẹ và các cô (chị của bị hại L) cùng các cháu (Tuấn, Vy).
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu quan điểm giải quyết vụ án: Tòa sơ thẩm tuyên bố bị cáo Phạm Ngọc Th phạm tội “Giết người” và xử bị cáo theo điểm n khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 là đúng người, đúng tội, không oan sai. Mức hình phạt Tòa sơ thẩm phạt bị cáo Th “tử hình” là tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo. Và khi lượng hình Tòa sơ thẩm đã xem xét cho bị cáo hưởng tình tiết giảm nhẹ: Bị cáo khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải theo điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự là có căn cứ, đúng quy định. Tại cấp phúc thẩm bị cáo có được tình tiết giảm nhẹ mới quy định tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự đó là người đại diện hợp pháp của bị hại bà ĐDHPBH1 và các con của bị hại có yêu cầu xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo; gia đình bị cáo có bồi thường cho đại diện bị hại 45.000.000 đồng; song cũng không đủ căn cứ để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Cho nên, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên án sơ thẩm.
Luật sư Võ Thiện H bào chữa cho bị cáo, trình bày: Việc áp dụng hình phạt tử hình đối với bị cáo là quá nghiêm khắc, bởi; Tòa sơ thẩm và đại diện Viện kiểm sát xác định hành vi phạm tội của bị cáo có tính chất côn đồ là chưa thỏa đáng theo tinh thần của Công văn số 38/NCPL ngày 06/01/1976 và Án lệ số 17/2018/AL của Tòa án nhân dân tối cao, vì theo lời khai của những người liên quan, giữa bị cáo Phạm Ngọc Th và bị hại Lê Phước L trước đó có xảy ra mâu thuẫn, cãi nhau và đánh nhau. Nhưng sau đó cả hai chung sống bình thường trong cùng một nhà. Bị cáo Th không đe dọa giết, hay gây thương tích cho anh L; bà Lê Thị Ánh T và bà Lê Thị Ngọc Ng là chị bị hại L khai (BL121, 122): “Từ trước đến ngày xảy ra vụ án, cách đây khoảng 01 năm tôi nghe mọi người nói lại là Lộc đi uống rượu say về có cãi nhau và đánh nhau với Th nhưng không để lại thương tích…sau đó tôi thấy Th và L vẫn sống cùng một nhà bình thường với nhau”; Lời khai cháu ĐDHPBH2 (con bị hại L) khai (BL 123): “Trong quá trình sống chung nhà với cậu Th từ trước đến ngày xảy ra vụ án tôi thấy ba tôi với cậu Th có mâu thuẫn gì với nhau cả, thỉnh thoảng ba tôi đi uống rượu say về có to tiếng, cãi nhau với cậu Th chứ không có đánh nhau gì cả”. Những người thân trong gia đình đều thừa nhận giữa bị cáo và bị hại trước đó có mâu thuẫn với nhau. Tại phiên tòa hôm nay bị cáo khai nhận là bị hại có những lời lẽ xúc phạm bị cáo, nói rằng bị cáo là người sống bám cha, mẹ, không tự thân làm ăn. Bị cáo nghi ngờ bị hại về ở nhà cha, mẹ vợ (cha, mẹ của bị cáo) để có ý định chiếm đoạt ngôi nhà này. Các đại diện của bị hại tại phiên tòa cũng xác nhận lời trình bày của bị cáo là hoàn toàn chính xác là giữa bị cáo và bị hại có mâu thuẫn từ trước. Để được xem là có tính chất côn đồ thì ngay từ thời điểm phát sinh mâu thuẫn, bị cáo đã phải ra tay thực hiện hành vi giết người. Nhưng bị cáo và bị hại sau khi xảy ra cãi nhau, đánh nhau thì đã chung sống bình thường trở lại. Nên không đủ căn cứ để xác định hành vi của bị cáo là có tính chất côn đồ theo điểm n khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự như Tòa cấp sơ thẩm nhận định.
Về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Tòa sơ thẩm đã xem xét cho bị cáo hưởng tình tiết giảm nhẹ thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; Bên cạnh đó sau khi xét xử sơ thẩm bị cáo (thông qua gia đình) đã tự nguyện bồi thường cho đại diện bị hại 15.000.000 đồng và lo toàn bộ mai táng phí, tổng cộng các khoản là 45.000.000 đồng. Việc này được đại diện bị hại thừa nhận tại tòa phúc thẩm và tại văn bản ngày 18/12/2020; ngoài ra đại diện bị hại cũng có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Nên bị cáo có các tình tiết giảm nhẹ mới theo điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự. Vì thế, luật sư kính đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo xin giảm hình phạt của bị cáo, sửa án sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Th được hưởng mức án tù chung thân.
Lời nói sau cùng bị cáo xin lỗi gia đình bị hại và xin Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Trong quá trình điều tra, truy tố Điều tra viên, Kiểm sát viên đã thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra bị cáo, người đại diện hợp pháp của bị hại không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng nên các quyết định, hành vi của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng là hợp pháp.
Bị cáo Phạm Ngọc Th kháng cáo trong hạn luật định nên vụ án được xem xét lại theo trình tự phúc thẩm.
[2] Đối với kháng cáo của bị cáo, xét: Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay bị cáo Th thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình như nội dung vụ án đã nêu trên. Lời khai nhận tội của bị cáo tại phiên tòa được xác định phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác như biên bản khám nghiệm hiện trường, biên bản thu giữ vật chứng, biên bản ghi lời khai người làm chứng và các biên bản hoạt động điều tra khác có đủ cơ sở xác định: Do tưởng tượng việc anh rể là Lê Phước L sẽ chiếm nhà cha mẹ của bị cáo và trước đó giữa bị cáo với bị hại cũng có mâu thuẫn nên khoảng 19 giờ 20 phút ngày 27/01/2020 bị cáo xuống bếp chọn 01 con dao loại chặt thịt lưỡi bằng kim loại dài khoảng 30cm, bản lưỡi rộng khoảng 10cm nhằm chém anh L. Bị cáo lên phòng anh L, đứng trước mặt nhắm vào khu vực cổ của bị hại, bất ngờ chém 03 nhát. Hậu quả anh L bị đứt cổ không hoàn toàn dẫn đến tử vong.
Với các tình tiết của vụ án đã được chứng minh tại phiên tòa, có đủ cơ sở để kết luận bị cáo Phạm Ngọc Th đã phạm tội “Giết người” theo điểm n khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự.
Hành vi phạm tội của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, chỉ vì mâu thuẫn nhỏ và suy nghĩ vô căn cứ là bị hại sẽ chiếm nhà bị cáo mà bị cáo đã có hành vi tước đoạt sinh mạng của bị hại, gây đau thương tang tóc cho gia đình bị hại. Muốn khắc phục phải có thời gian dài mới có thể quên đi.
Khi quyết định hình phạt Tòa án cấp sơ thẩm đã cho bị cáo hưởng tình tiết giảm nhẹ thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải theo điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự là đúng quy định; song bị hại L có cha và mẹ đều đã chết trước bị hại, các chị của bị cáo hiện còn sống là bà Lê Thị Ánh Tuyết, bà Lê Thị Ngọc Nga và bà Lê Thị Ngọc Nhung đều ủy quyền cho chị ĐDHPBH1 làm đại diện và quá trình điều tra bà Nga, bà Tuyết đã có yêu cầu xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Sau khi xét xử sơ thẩm bà Lê Thị Ngọc Nh có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo và tại phiên tòa phúc thẩm chị ĐDHPBH1 (cũng là người đại diện của các chị ruột của bị hại L là bà Ng, bà T, bà Nh) và các con (ĐDHPBH1, ĐDHPBH2) tiếp tục xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo và xác nhận gia đình bị cáo có tự nguyện bồi thường các khoản thiệt hại cho đại diện bị hại là 45.000.000đ (bốn mươi lăm triệu đồng) và đại diện bị hại không yêu cầu thêm về trách nhiệm dân sự. Nên Hội đồng xét xử cho bị cáo hưởng thêm các tình tiết giảm nhẹ mới theo quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự. Do bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ mới, giữa bị cáo và đại diện hợp pháp của bị hại là chị ĐDHPBH1 và các cháu Tuấn, Vy cùng là quan hệ gia đình ruột thịt, mẹ mới mất nếu cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội vĩnh viễn sẽ làm tăng thêm nỗi đau cho gia định bị hại, vì thế Hội đồng xét xử chấp nhận một phần đề nghị của đại diện Viện kiểm sát, chấp nhận đề nghị của Luật sư, chấp nhận kháng cáo cúa bị cáo; sửa án sơ thẩm, giảm hình phạt cho bị cáo để bị cáo có cơ hội sống và ăn năn, hối hận về hành vi phạm tội của mình, làm giảm nỗi đau của gia đình bị hại, đồng thời cũng đủ để răn đe giáo dục riêng và phòng ngừa chung.
[3] Về án phí hình sự phúc thẩm: Do kháng cáo được chấp nhận nên bị cáo không phải nộp án phí hình sự phúc thẩm theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.
[4] Quyết định khác của bản án sơ thẩm về trách nhiệm dân sự; về xử lý vật chứng, án phí; không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực thi hành kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
1. Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355, điểm c khoản 1 Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.
Chấp nhận kháng cáo của bị cáo Phạm Ngọc Th; Sửa bản án hình sự sơ thẩm số 442/2020/HS-ST ngày 29 tháng 9 năm 2020 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Tuyên bố bị cáo Phạm Ngọc Th phạm tội “Giết người”.
- Áp dụng điểm n khoản 1 Điều 123; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 39 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
- Xử phạt: Phạm Ngọc Th tù chung thân. Bị cáo bị bắt, tạm giam từ ngày 27/01/2020, tiếp tục tạm giam bị cáo để đảm bảo thi hành án.
3. Về án phí hình sự phúc thẩm: Bị cáo Phạm Ngọc Th không phải chịu.
4. Quyết định khác của bản án sơ thẩm về trách nhiệm dân sự; về xử lý vật chứng; về án phí không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
5. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tội giết người số 186/2023/HS-PT
Số hiệu: | 186/2023/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 07/04/2023 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về