TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI
BẢN ÁN 14/2023/HS-ST NGÀY 16/05/2023 VỀ TỘI GIẾT NGƯỜI
Ngày 16 tháng 5 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Yên Bái, Tòa án nhân dân tỉnh Yên Bái xét xử công khai vụ án hình sự sơ thẩmthụ lý số: 09/2023/TLST- HS ngày 15 tháng 3 năm 2023, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 11/2023/QĐXXST-HS ngày 04 tháng 5 năm 2023 đối với bị cáo:
Họ và tên: Đoàn Mạnh C (Tên gọi khác: Không), sinh ngày 17 tháng 10 năm 1996 tại tỉnh Yên Bái; Nơi cư trú: thôn V, xã P, huyện L, tỉnh Yên Bái; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ văn hoá: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Đoàn Văn Đ, sinh năm 1959 và bà Nguyễn Thị A (Đã chết); có vợ: Lưu Thị H và 02 con (con lớn sinh năm 2018, con nhỏ sinh năm 2021); tiền án, tiền sự: không; Bị cáo bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 05-9- 2022, hiện đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Yên Bái. Có mặt tại phiên tòa.
- Người bào chữa cho bị cáo: Ông Trần Hòa B– Luật sư thuộc Văn phòng Luật sư Q, Đoàn Luật sư tỉnh Yên Bái. Có mặt.
- Người bị hại: Bàn Văn T; sinh năm 1985;
Địa chỉ: Thôn V, xã P, huyện L, tỉnh Yên Bái. Có mặt
- Người làm chứng:
Ông Đoàn Văn Đ, sinh năm 1959. Có mặt
Chị Bàn Thị H1, sinh năm 1975. Có mặt
Anh Bàn Văn Y, sinh năm 1991. Có mặt
Anh Hoàng Văn K, sinh năm 1992. Có mặt
Cùng trú tại: Thôn V, xã P, huyện L, tỉnh Yên Bái.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Khoảng 09 giờ ngày 14-02-2022, tại khu đồi thuộc thôn V, xã P, huyện L, tỉnh Yên Bái, ông Đoàn Văn Đ cùng con trai là Đoàn Mạnh C mang theo 01 con dao phát, dây thép gai và 01 thanh đao dài 1,41m (phần lưỡi bằng kim loại màu trắng dài 47cm, phần cán đao bằng kim loại tròn dài 94cm), đi lên đồi quế của gia đình để rào lại ranh giới khu vực giáp ranh với đồi nhà bà Bàn Thị H1 (người cùng thôn), Khi ông Đ và C đang đóng cọc, căng dây thép gai làm hàng rào ranh giới thì bà Bàn Thị H1 cõng theo cháu Trương Anh Q1, sinh năm 2021 đi đến, bà H cho rằng ông Đ và C đã rào lấn sang đất đồi nhà mình nên hai bên đã xảy ra mâu thuẫn cãi chửi nhau. C dùng tay tát bà H thì bà H dùng tay đỡ, sau đó bà H nhặt 01 viên đá lao về phía C, thì C dùng tay đẩy làm bà H ngã ra đất. Lúc này cháu Q1 khóc nên bà H cõng đưa cháu Q1 về và nói: “Hai bố con mày cứ đợi đấy, tao gọi người đến”.
Khi bà H về khoảng 10 phút, C cầm thanh đao đi đến nhà bà H chửi bới và thách thức “Mày chưa đi gọi anh em mày à, có giỏi mày gọi anh em mày đến, đến thằng nào tao chặt chân thằng đấy”. Sau đó C quay lại cùng ông Đ tiếp tục làm hàng rào, còn bà H thì đi gặp em trai là Bàn Văn T, Bàn Văn Y nói nhà ông Đ làm hàng rào lấn đất nhà bà H, bà H bị C đánh. Sau đó Bàn Văn Y đi cùng Hoàng Văn K đi lên đồi tìm C, lúc này Bàn Thị H1 và Bàn Văn T cũng đi đến khu vực tranh chấp gặp ông Đ và C đang làm hàng rào ranh giới. Y hỏi C “Sao mày đánh chị tao” C trả lời “Tao không đánh chị mày, chị mày còn đòi cầm đá đập tao kia kìa”. Y tiến về phía C thì C cầm đao vung lên về phía Y, Y giơ tay lên đỡ vào phần cán đao nên không trúng. T nói “Có tí đất lại chém nhau thế này” rồi lao về phía C thì C quay lại, hai tay cầm thanh đao chém một nhát theo hướng từ trên xuống dưới trúng vào đỉnh đầu của T, T vẫn lao về phía C thì C tiếp tục chém nhát thứ 2 từ trên xuống dưới trúng vào vùng trán bên phải của T. T bỏ chạy khoảng 10 - 15m thì nhặt được 01 viên đá và ném về phía C nhưng C tránh được. T tiếp tục bỏ chạy thì C đuổi theo, dùng 2 tay cầm đao chém nhiều nhát về phía T, trong đó có 01 nhát trúng vào thái dương trái của T. Có nhát chém trượt T, nên thanh đao trúng xuống đá, phần lưỡi đao bị gãy khỏi cán đao và rơi xuống đất thì T quay lại ôm, giữ và vật lộn với C. Y cũng chạy đến dùng cây sắn vụt 2 nhát vào đùi của C, T giật được cán đao từ tay C, vụt nhiều nhát vào vùng đầu, ngực, tay, chân C. Ông Đ cầm con dao phát lao về phía T và Y thì Khỏe và bà H ngăn lại, giằng được con dao phát từ tay của ông Đ. Sau đó cả T và C đều bị thương tích, được đưa đi Bệnh viện cấp cứu.
Tại Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 86/TgT ngày 09-6-2022, của Trung tâm Pháp y tỉnh Yên Bái đối với Bàn Văn T kết luận:
- Dấu hiệu chính qua giám định: Sẹo vùng trán phải, kích thước 03cm x 0,1cm:
03%; Sẹo vùng trán thái dương trái, kích thước 03cm x 0,1cm: 03%; Sẹo vùng đỉnh phải, kích thước 06cm x 0,1cm: 01%; Theo dõi chấn thương sọ não điều trị khỏi: 00%.
- Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là: 07%.
Tại Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 64/TgT ngày 29-4-2022, của Trung tâm Pháp y tỉnh Yên Bái đối với Đoàn Mạnh C kết luận:
- Dấu hiệu chính qua giám định: Gẫy 1/3 xương mác phải: 04%; Sẹo vùng trán đỉnh (vết 2), kích thước: 5,5cm x 0,2cm: 02%; Sẹo nằm ngang vùng trán đỉnh (vết 1), kích thước: 3,5cm x 0,1cm: 01%; Sẹo mu đốt 1 ngón II bàn tay phải, kích thước: 01cm x 0,1cm: 01%; Sẹo mặt dưới trước xương bánh chè phải kích thước 08cm x 0,2cm: 02%; Sẹo 1/3 dưới ngoài cẳng chân phải, kích thước 03cm x 0,3cm:
02%; Chấn động não điều trị khỏi: 00%. Vùng ngực, vùng đùi phải không còn dấu vết T tích: 00%.
- Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là: 11%.
Cáo trạng số: 09/CT-VKS-P2 ngày 14-3-2023 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái đã truy tố bị cáo Đoàn Mạnh C về tội “Giết người” theo điểm n khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự.
Tại phiên tòa đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái giữ nguyên quan điểm truy tố tại bản cáo trạng và đề nghị Hội đồng xét xử:
Tuyên bố bị cáo Đoàn Mạnh C phạm tội “Giết người”. Về hình phạt: Đề nghị áp dụng điểm n khoản 1 Điều 123; khoản 2 Điều 51; Điều 15; khoản 3 Điều 57 Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Đoàn Mạnh C từ 13 năm đến 14 năm tù;
Căn cứ Điều 46 Bộ luật Hình sự và Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự xử lý vật chứng của vụ án: Tịch thu tiêu hủy vật chứng là đồ vật hiện không còn giá trị sử dụng.
Về trách nhiệm dân sự: Đề nghị giải quyết chấp nhận một phần yều cầu của bị cáo và người bị hại như sau: Buộc bị cáo phải bồi thường các chi phí và thiệt hại có căn cứ và bồi thường tổn thất về tinh thần tương đương 15 tháng lương cơ bản. Tổng cộng là 28.798.000 đồng; bị hại phải bồi thường cho bị cáo các chi phí, thiệt hại có căn cứ và tổn thất về tinh thần tương đương 10 tháng lương cơ bản. Tổng cộng là 22.335.000 đồng.
Về án phí: Bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm và dân sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật Bị cáo Đoàn Mạnh C trình bày do thời gian đã lâu nên không nhớ rõ là chém Bàn Văn Y trước hay chém Bàn Văn T trước. Tuy nhiên, bị cáo thừa nhận nội dung hành vi phạm tội và tội danh như bản cáo trạng đã truy tố; bị cáo Y cầu bị hại cũng phải bồi thường cho bị cáo theo quy định của pháp luật.
Người bị hại anh Bàn Văn T nhất trí với các nội dung cáo trạng đã nêu, đề nghị Hội đồng xét xử phạt tù đối với bị cáo và Y cầu bị cáo phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Người bào chữa cho bị cáo: Nhất trí với đại diện Viện kiểm sát về tội danh và điều luật áp dụng đối với bị cáo. Tuy nhiên về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, ngoài tình tiết như Kiểm sát viên đã đề nghị, người bào chữa đề nghị xem xét cho bị cáo được hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự. Đề nghị Hội đồng xét xử quyết định xử phạt bị cáo mức hình phạt 12 năm tù. Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, đề nghị giải quyết buộc bị cáo và bị hại phải bồi thường cho nhau tương ứng với thiệt hại.
Bị cáo không tranh luận và nhất trí với bào chữa của luật sư; lời nói sau cùng bị cáo xin Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo được hưởng mức án thấp nhất để sớm được trở về với gia đình và xã hội.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra; của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái và của các Điều tra viên, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên toà bị cáo, người bào chữa, người bị hại không khiếu nại về hành vi, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó các hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều phù hợp với quy định của pháp luật.
[2] Việc bị cáo Đoàn Mạnh C đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội như bản cáo trạng đã truy tố, phù hợp với lời khai của người bị hại, lời khai của những người làm chứng, phù hợp với kết luận giám định, vật chứng được thu giữ và các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án, nên đã có đủ căn cứ để kết luận: Vào khoảng 09 giờ ngày 14-02-2022, tại khu đồi thuộc thôn V, xã P, huyện L, tỉnh Yên Bái, do có mâu thuẫn tranh cãi nhau trong việc xác định ranh giới đất giữa ông Đoàn Văn Đ, Đoàn Mạnh C với bà Bàn Thị H1. Đoàn Mạnh C đã dùng thanh đao dài 1,41m chém nhiều nhát vào vùng đỉnh đầu, vùng trán, thái dương phải của anh Bàn Văn T, gây ra các thương tích với tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể là 07% (Bảy phần trăm).
Bị cáo Đoàn Mạnh C là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, nhận thức được việc sử dụng thanh đao bằng kim loại chém vào vùng đầu của người khác là có thể sẽ dẫn đến chết người, nhưng bị cáo vẫn cố ý thực hiện bất chấp hậu quả xảy ra. Do đó hành vi của bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm “Giết người” quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự. Chỉ vì nguyên cớ nhỏ là do có sự tranh cãi nhau giữa ông Đoàn Văn Đ, bị cáo và bà Bàn Thị H1 về ranh giới đất, bị cáo đã có hành động thách thức và đã dùng thanh đao chém nhiều nhát vào vùng đầu của anh Bàn Văn T đã thể hiện tính chất côn đồ trong hành vi phạm tội của bị cáo. Do đó bản cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái đã truy tố bị cáo về tội danh “Giết người” với tình tiết định khung tại điểm n khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật được Hội đồng xét xử chấp nhận.
[3] Do người bị hại chỉ bị thương tích nên hành vi phạm tội của bị cáo thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt. Vì vậy khi quyết định hình phạt cũng cần áp dụng các quy định của Điều 15; khoản 1, khoản 3 Điều 57 Bộ luật Hình sự.
[4] Về nhân thân và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:
Trước khi phạm tội bị cáo Đoàn Mạnh C chưa có tiền án, tiền sự gì nên được xem xét là người có nhân thân tốt. Quá trình điều tra bị cáo đã khai báo đầy đủ về hành vi phạm tội của mình; tại phiên toà, bị cáo đã nhận tội và khai nhận hành vi như cáo trạng đã truy tố nên cũng cần được xem xét cho bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ “Người phạm tội thành khẩn khai báo” quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự. Ngoài ra, bố mẹ đẻ bị cáo là ông Đoàn Văn Đ và bà Nguyễn Thị A là người được tặng thưởng Huy chương vì sự nghiệp nông nghiệp và phát triển nông thôn nên cần xem xét cho bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự.
[5] Xét thấy bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng tuy nhiên tỷ lệ thương tích của người bị hại là không lớn; không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự; có hai tình tiết giảm nhẹ, trong đó có một tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự và 01 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự. Nên Hội đồng xét xử thấy cần xử phạt bị cáo với mức hình phạt tù tương xứng với tội phạm mà bị cáo đã thực hiện, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
[6] Đối với hành vi của anh Bàn Văn T, đã có hành vi dùng cán đao đánh gây thương tích cho Đoàn Mạnh C với tỷ lệ T tổn cơ thể là 11%. Bàn Văn Y có hành vi dùng cây sắn đánh vào đùi Đoàn Mạnh C nhưng không gây tổn hại sức khỏe. Tuy nhiên xét hành vi của Bàn Văn T, Bàn Văn Y thuộc trường hợp Cố ý gây thương tích cho người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó Cơ quan điều tra không khởi tố, xử lý hành vi này của anh T, anh Y và đề nghị xử lý bằng biện pháp xử phạt hành chính là phù hợp.
[7] Về trách nhiệm dân sự:
[7.1] Trong quá trình điều tra người bị hại Bàn Văn T yêu cầu bị cáo bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm với số tiền là: 96.300.000 đồng (Chín mươi sáu triệu, ba trăm nghìn đồng) gồm các khoản sau:
- Tiền điều trị thương tích tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái từ ngày 14-02- 2022 đến 22-02-2022 là: 8.800.000 đồng;
- Tiền mua 01 bịch máu ngoài: 3.000.000 đồng;
- Tiền mua 02 bịch đạm ngoài: 2.300.000 đồng;
- Tiền mua thuốc giảm đau ngoài: 2.300.000 đồng;
- Tiền mua sữa can xi: 700.000 đồng;
- Tiền ăn trong 8 ngày tại bệnh viện: 3.700.000 đồng;
- Tiền xe đi và về: 1.500.000 đồng;
- Tiền 08 ngày công lao động: 2.000.000 đồng;
- Tiền công 08 ngày vợ chăm sóc: 2.000.000 đồng;
- Tiền bồi dưỡng tổn thất về tinh thần: 70.000.000 đồng;
Tại phiên tòa bị hại T đề nghị giải quyết theo quy định của pháp luật.
Xét thấy theo quy định của pháp luật, thì bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm: Chi phi hợp lý cho việc cứu chữa, tiền thu nhập bị mất của người bị hại, của người chăm sóc trong thời gian chữa trị, bồi thường tổn thất về tinh thần.
Căn cứ vào hồ sơ bệnh án, các tài liệu do anh Bàn Văn T cung cấp thấy rằng: Toàn bộ chi phí điều trị tại bệnh viện, trong đó có 5.330.705, đồng đã được Bảo hiểm y tế thanh toán, chỉ còn các khoản test COVID, mua dịch truyền MG TAN, xét nghiệm người bệnh phải chi trả là 1.749.100 đồng; theo y lệnh và phiếu theo dõi truyền dịch thì không có chỉ định và thực hiện việc truyền máu và đạm như anh T đã kê. Đối với khoản tiền ăn uống trong thời gian điều trị của người bệnh và người chăm sóc là không được chấp nhận.
Do anh T và vợ (người chăm sóc) qua xác minh là người lao động phổ tự do, không có nghề nghiệp thu nhập ổn định nên được tính theo mức thu nhập bình quân lao động cùng loại là 200.000đồng/ngày (BL 259) nên khoản tiền thu nhập bị mất trong thời gian điều trị 8 ngày là 1.600.000đ/người.
Với thương tích tổn hại sức khỏe của anh T ở mức độ thấp (7%) nên cần xem xét mức bồi thường tổn thất về tinh thần phù hợp, tương xứng với thiệt hại về sức khỏe theo quy định của pháp luật.
Như vậy, cần chấp nhận Y cầu bồi thường thiệt hại về sức khỏe của anh Bàn Văn T về các khoản sau: Chi phí điều trị phải chi trả là 1.749.100 đồng; tiền xe:
1.500.000,đồng; tiền thu nhập bị mất trong thời gian điều trị của anh T là 1.600.000 đồng; tiền thu nhập bị mất trong thời gian điều trị của người chăm sóc là 1.600.000 đồng; tiền bù đắp tổn thất về tinh thần là 16.000.000 đồng. Tổng cộng là 22.449.100 đồng (làm tròn là 22.449.000.đồng).
[7.2] Bị cáo Đoàn Mạnh C cũng bị thương tích do anh Bàn Văn T đánh lại và phải điều trị tại Bệnh viện hữu nghị 103. Trong quá trình điều tra Y cầu anh Bàn Văn T phải bồi thường số tiền: 118.000.000 đồng, gồm các khoản:
- Tiền viện phí điều trị là: 7.000.000 đồng;
- Tiền xe 2 lượt đi và về: 2.000.000 đồng;
- Tiền mua thuốc: 1.000.000 dồng;
- Tiền 30 ngày công lao động không đi làm được : 6.000.000 đồng;
- Tiền công 10 ngày người chăm sóc: 2.000.000 đồng;
- Tiền bồi dưỡng tổn thất về tinh thần: 100.000.000 đồng;
Tại phiên tòa hôm nay bị cáo đề nghị giải quyết theo quy định của pháp luật. Căn cứ hồ sơ bệnh án thì Đoàn Mạnh C điều trị tại bệnh viện từ ngày 14-02- 2022 đến 18-02-2022 ra viện là 05 ngày; tiền viện phí và chi phí điều trị đã được Bảo hiểm y tế thanh toán 2.115.176 đồng; bệnh nhân phải trả 3.135.956 đồng; tiền xe theo giấy xác nhận của anh Trần Mạnh D thanh toán 1 lượt là 600.000 đồng;
Như đã phân tích ở phần [7.1] về quy định các khoản bồi thường thiệt hại về sức khỏe thì các khoản được xem xét bồi thường là: Chi phí điều trị phải chi trả là 3.135.956 đồng; tiền xe: 1.200.000,đồng; tiền thu nhập bị mất trong thời gian điều trị của Đoàn Mạnh C là 1.000.000 đồng; tiền thu nhập bị mất trong thời gian điều trị của người chăm sóc là 1.000.000 đồng; tiền bù đắp tổn thất về tinh thần là 16.000.000 đồng. Tổng cộng là 22.335.956 đồng (làm tròn là 22.336.000 đồng).
Trong vụ án này, anh Bàn Văn T gây thương tích cho bị cáo Đoàn Mạnh C trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật đặc biệt nghiêm trọng của bị cáo nên xem xét bị cáo là người có lỗi nhiều hơn do đó anh Bàn Văn T chỉ phải bồi thường cho bị cáo tương ứng với mức độ lỗi của anh T là 30%. Cụ thể là 22.336.000 x 30% = 6.700.800 đồng (làm tròn 6.700.000 đồng) [7.3] Do anh Bàn Văn T cũng phải bồi thường cho bị cáo nên bù trừ nghĩa vụ bị cáo còn phải bồi thường cho anh T số tiền là: 15.749.000 đồng.
[8] Về vật chứng của vụ án: Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã thu giữ 01 lưỡi đao bằng kim loại dài 47cm (Một đầu nhọn, một cạnh được mài sắc, bản rộng nhất 07cm) trên mặt lưỡi đao có nhiều vết dịch màu nâu đỏ; 01 ống kim loại dài 94 cm, trên thân ống có nhiều vết dịch màu nâu đỏ; 01 đoạn cây sắn dài 01m; 01 đoạn cây sắn dài 36cm trên thân có một số vết dịch màu nâu đỏ; 01 áo hoa màu nâu đen trên thân áo có nhiều vết dịch màu nâu đỏ. Xác định đây là vật chứng của vụ án, xét thấy không còn giá trị sử dụng. Nên cần tịch thu tiêu huỷ theo quy định của Điều 47 Bộ luật Hình sự, điểm c khoản 2 điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự.
[9] Về án phí: Bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.
[10] Bị cáo, người bị hại có quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
1. Về tội danh: Tuyên bố bị cáo Đoàn Mạnh C (Tên gọi khác: Không) phạm tội “Giết người” (Chưa đạt) 2. Về hình phạt: Áp dụng điểm n khoản 1 Điều 123; điểm s khoản 1 và khoản 2 Điều 51; Điều 15; khoản 1, 3 Điều 57 Bộ luật Hình sự: Xử phạt bị cáo Đoàn Mạnh C 14 (Mười bốn) năm tù. Thời gian chấp hành hình phạt tính từ ngày bắt, tạm giữ tạm giam bị cáo (ngày 05-9-2022).
3. Về trách nhiệm dân sự: Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 46; Điều 48 Bộ luật Hình sự; khoản 1 Điều 584; Điều 585; Điều 590 Bộ luật Dân sự.
Buộc bị cáo Đoàn Mạnh C phải bồi thường cho người bị hại Bàn Văn T số tiền là: 15.749.000 đồng (Bằng chữ: Mười lăm triệu bảy trăm, bốn mươi chín nghìn đồng).
Kể từ ngày anh Bàn Văn T có đơn yêu cầu thi hành án, đối với khoản tiền bị cáo phải bồi thường, hàng tháng bị cáo Đoàn Mạnh C còn phải chịu thêm khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự tương ứng với thời gian chậm thi hành án.
4. Về xử lý vật chứng và tài sản thu giữ:
Căn cứ Điều 47 Bộ luật Hình sự; điểm c khoản 2 Điều 106 của Bộ luật Tố tụng hình sự. Tịch thu tiêu hủy số vật chứng là đồ vật hiện không còn giá trị sử dụng gồm:
- 01 (Một) lưỡi đao bằng kim loại dài 47cm (Một đầu nhọn, một cạnh được mài sắc, bản rộng nhất 07cm) trên mặt lưỡi đao có nhiều vết dịch màu nâu đỏ;
- 01 (Một) ống kim loại dài 94 cm, trên thân ống có nhiều vết dịch màu nâu đỏ;
- 01 (Một) đoạn cây sắn dài 01m; 01 (Một) đoạn cây sắn dài 36cm trên thân có một số vết dịch màu nâu đỏ;
- 01 (Một) áo hoa màu nâu đen trên thân áo có nhiều vết dịch màu nâu đỏ.
(Toàn bộ số vật chứng nêu trên có đặc điểm được mô tả tại biên bản giao, nhận vật chứng ngày 28-3-2023 giữa Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Yên Bái và Cục Thi hành án dân sự tỉnh Yên Bái).
5. Về án phí: Căn cứ khoản 2 Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, điểm a, c khoản 1 Điều 23, Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.
Bị cáo Đoàn Mạnh C phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm và 787.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm.
6. Quyền kháng cáo:
Bị cáo, người bị hại có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành án theo quy định tại điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền Y cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7a và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo điều 30 Luật thi hành án dân sự./.
Bản án về tội giết người số 14/2023/HS-ST
Số hiệu: | 14/2023/HS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Yên Bái |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 16/05/2023 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về