Bản án về tội giết người số 104/2023/HS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 104/2023/HS-PT NGÀY 08/03/2023 VỀ TỘI GIẾT NGƯỜI

Ngày 08 tháng 3 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 880/2022/TLPT – HS ngày 15 tháng 11 năm 2022, đối với bị cáo Phạm Văn S, do có kháng cáo của bị cáo, đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 45/2022/HS-ST ngày 21/9/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 112/2023/QĐPT-HS ngày 22 tháng 02 năm 2023.

Bị cáo có kháng cáo:

Phạm Văn S; Sinh ngày 30 tháng 12 năm 1970; Nơi sinh: thị xã N, tỉnh Sóc Trăng; Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: khóm V, phường 3, thị xã N, tỉnh Sóc Trăng; Giới tính: Nam; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không; Nghề nghiệp: Làm ruộng; Trình độ học vấn: 06/12; Họ và tên cha: Phạm Văn Đ, sinh năm: 1930 (chết); Họ và tên mẹ: Lâm Thị B, sinh năm: 1938 (chết); Anh, chi, em ruột: Có 07 người, lớn nhất sinh năm 1958, nhỏ nhất sinh năm 1973; Họ và tên vợ: Mai Thị Thu L; sinh năm:1974; Con: Có 03 người, lớn nhất sinh năm: 1996, nhỏ nhất sinh năm 2004; Tiền án, tiền sự: Không; Bị cáo bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 29/3/2022 cho đến nay (Bị cáo có mặt).

- Bị hại: Ông Mai Văn M, sinh năm 1995 (đã chết).

- Người đại diện hợp pháp cho bị hại: Ông Mai Thanh H, sinh năm 1974; Địa chỉ: ấp N, xã N, huyện H, tỉnh B. (Có mặt) - Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: Ba Mai Thị Thu L; sinh năm 1974; Địa chỉ: khóm V, phường 3, thị xã N, tỉnh Sóc Trăng. (Có đơn xin xét xử vắng mặt) - Người làm chứng:

1/ Ông Phạm Hoàng K, sinh năm 1996. (Có đơn xin xét xử vắng mặt)

2/ Ông Phạm Văn S, sinh năm 1977. (Vắng mặt)

3/ Ông Nguyễn Văn P, sinh năm 1983. (Có đơn xin vắng mặt)

4/ Ba Lâm Thị P, sinh năm 2003. (Có đơn xin vắng mặt) Cùng địa chỉ: khóm V, phường 3, thị xã N, tỉnh Sóc Trăng.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Phạm Văn S sinh ngày 30/12/1970 và Mai Văn M, sinh năm 1995, cư trú tại ấp N, xã N, huyện H, tỉnh Bạc Liêu có mối quan hệ bà con với nhau, Mực là cháu vợ của S gọi S bằng dượng. Khoảng đầu tháng 9/2020 Mực qua nhà S tại khóm V, phường 3, thị xã N, tỉnh Sóc Trăng sinh sống để đi làm thuê với con trai của S là Phạm Hoàng K, sinh ngày 18/12/1996.

Khoảng đầu tháng 9/2020, bị cáo Phạm Văn S có canh tác ruộng lúa phía sau nhà nhưng do bị chuột cắn phá nên S đến chợ phường 3, thị xã N mua dây chì về đấu nối với nguồn điện sinh hoạt trong gia đình làm rào chắn xung quanh ruộng lúa để bắt chuột. S dùng các cọc bằng tre cắm cách nhau khoảng 1,5m cách bờ ruộng 10cm, rồi dùng dây chì quấn vào cọc tre cách mặt nước khoảng 2cm dọc theo hai bên bờ ruộng đấu nối với nguồn điện từ trong nhà, một đầu dây điện quấn vào chuôi điện của bình đun nước siêu tốc (gọi tắt là chuôi điện), nên khi cắm chuôi điện này vào nguồn điện thì dòng điện sẽ chạy qua dây chì. Hàng ngày S ghim chuôi điện vào nguồn điện xiệc chuột từ 03 giờ đến 05 giờ sáng và 18 giờ đến 21 giờ tối thì nghỉ, khi nghỉ xiệc thì S rút chuôi điện ra. Khi xiệc chuột S không có đặt biển báo chỉ có gắn đèn chớp ở ngoài ruộng để báo hiệu, không bố trí người canh gác, chỉ thỉnh thoảng ra soi đèn pin để kiểm tra.

Vào tối ngày 15/9/2020 S đi qua nhà mẹ ruột ngủ. Khoảng 18 giờ ngày 15/9/2020 Khang thấy S vắng nhà nên tự ý ghim chuôi điện vào nguồn điện để xiệc chuột từ 18 giờ đến 20 giờ cùng ngày thì rút chuôi điện ra. Đến khoảng 10 giờ ngày 16/9/2020 S về nhà ghim chuôi điện vào nguồn điện để nấu nước nóng pha trà uống sau khi nấu xong S không rút chuôi điện ra. Đến khoảng 13 giờ cùng ngày Khang điều khiển xe mô tô đến nhà Mực tại ấp Ngan Kè, xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu để chở Mực lại nhà Khang làm chỉa để tối đi đâm chuột. Sau khi làm xong chỉa cả hai đi ra ruộng, Mực đi ra ruộng theo hướng bên phải, Khang đi ra ruộng theo hướng bên trái, khi Khang đụng vào khúc tre quấn dây chì làm bẫy xiệc chuột thì bị điện giật nên Khang biết là có người ghim điện xiệc chuột nên chạy đi tìm Mực thì phát hiện Mực bị điện giật đang nằm bất động dưới ruộng lúa. Mọi người sơ cứu Mực nhưng Mực đã tử vong, nên S đến Công an Phường 3, thị xã N trình báo sự việc.

Tại bản Cáo trạng số 42/CT-VKS-P2, ngày 15/8/2022 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng truy tố bị cáo Phạm Văn S về tội “Giết người” theo quy định tại khoản 2 Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 45/2022/HS-ST ngày 21/9/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã quyết định:

Căn cứ vào khoản 2 Điều 123; điểm b, điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; khoản 1 Điều 54; Điều 38; Điều 48 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

1. Tuyên bố bị cáo Phạm Văn S phạm tội “Giết người”.

2. Xử phạt bị cáo Phạm Văn S 03 (Ba) năm tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt bị cáo thi hành án.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về phần trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, án phí, quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 02/10/2022, bị cáo Phạm Văn S kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin hưởng án treo.

Ngày 02/10/2022, đại diện hợp pháp của người bị hại là ông Mai Thanh H kháng cáo đề nghị giảm nhẹ hình phạt và cho bị cáo được hưởng án treo.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Phạm Văn S và đại diện hợp pháp của người bị hại trình bày xin xem xét cho bị cáo được hưởng án treo. Sau khi Tòa án cấp sơ thẩm xét xử xong thì bị cáo đã bồi thường thêm số tiền 30 triệu đồng, do đó đề nghị HĐXX xem xét.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên toà phát biểu quan điểm như sau: Bản án sơ thẩm xét xử là có căn cứ và phù hợp. Do đó đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo của bị cáo và đại diện hợp pháp của người bị hại, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Trong lời nói sau cùng, bị cáo Phạm Văn S đề nghị HĐXX xem xét hoàn cảnh của bị cáo, cho bị cáo được hưởng án treo để ở ngoài làm trả nợ.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về tính hợp pháp của đơn kháng cáo: Đơn kháng cáo của bị cáo Phạm Văn S, đại diện hợp pháp của người bị hại là ông Mai Thanh H làm trong hạn luật định nên đủ điều kiện để thụ lý và xét xử theo trình tự phúc thẩm.

[2] Về nội dung kháng cáo:

[2.1] Về tội danh:

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Phạm Văn S đã khai nhận toàn bộ hành vi đã thực hiện như nội dung vụ án đã nêu ở phần trên. Lời thừa nhận của bị cáo tại phiên tòa là phù hợp với lời khai trước đây của bị cáo tại cơ quan điều tra, phù hợp với lời khai của người đại diện hợp pháp của bị hại, lời khai người làm chứng và các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án mà cơ quan điều tra đã thu thập được. Như vậy, đã có đủ căn cứ để xác định: Vào khoảng đầu tháng 9/2020, bị cáo giăng bẫy xiệc chuột bằng điện, khi xiệc thì không có đặt biển báo, không bố trí người canh gác, chỉ thỉnh thoảng ra soi đèn pin để kiểm tra. Hằng ngày bị cáo ghim điện xiệc chuột từ 03 giờ đến 05 giờ sáng và 18 giờ đến 21 giờ. Vào khoảng 10 giờ ngày 16/9/2020 bị cáo ghim chuôi điện vào nguồn điện để nấu nước uống nhưng không tháo phần dây điện nối với đường dây bẫy chuột ra, khi nấu nước xong thì bị cáo cũng không rút chuôi cắm điện ra khỏi ổ điện. Đến khoảng 15 giờ 30 phút cùng ngày bị hại Mai Văn M đi ra ruộng bị điện giật dẫn đến tử vong.

Tại Bản Kết luận giám định pháp y tử thi số: 153/PY.PC09 ngày 24/9/2020, của Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh Sóc Trăng kết luận nguyên nhân tử vong của bị hại Mai Văn M như sau:

1. Dấu hiệu chính qua giám định: Toàn thân không phát hiện dấu vết tổn thương do ngoại lực tác động. Hệ thống xương khớp không dập, gãy. Trong lòng khí quản chứa đầy dịch bọt màu hồng và dị vật màu xám.

2. Nguyên nhân chết: ngạt nước.

Bị cáo là người có đầy đủ năng lực hành vi, năng lực chịu trách nhiệm hình sự, biết rõ việc giăng bẫy xiệc chuột bằng điện mà không có đặt biển báo, không bố trí người canh gác là rất nguy hiểm. Thực tế hành vi của bị cáo đã gây ra hậu quả bị hại Mai Văn M bị điện giật té xuống ruộng tử vong do ngạt nước. Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo về tội “Giết người” theo khoản 2 Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) là có căn cứ, đúng người đúng tội, không oan sai.

[2.2] Về hình phạt:

Hành vi phạm tội của bị cáo đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, không những đã xâm phạm đến tính mạng của bị hại Mực một cách trái pháp luật mà bị cáo còn xâm phạm đến trật tự an toàn xã hội, gây xôn xao dư luận tại địa phương.

Do đó, đối với bị cáo cần phải xử lý nghiêm khắc, cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian nhất định, có như thế mới đủ điều kiện và thời gian cải tạo, răn đe và giáo dục bị cáo trở thành người công dân có ích cho xã hội sau này và có tác dụng phòng ngừa tội phạm chung cho toàn xã hội.

Trong vụ án này, bị cáo Phạm Văn S không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ như có nhân thân tốt chưa có tiền án, tiền sự; trình độ học vấn thấp; Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa hôm nay thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; trong quá trình điều tra bị cáo bồi thường cho người đại diện hợp pháp của bị hại số tiền 140.000.000 đồng; Người đại diện hợp pháp của bị hại bãi nại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo; Gia đình bị cáo có công với nước (cha bị cáo được tặng thưởng huy chương kháng chiến hạng nhì, mẹ bị cáo được tặng huy chương kháng chiến hạng nhất, cha vợ là thương binh, ông nội vợ là liệt sỹ). Do đó Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng các điểm b, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51, khoản 1 Điều 54 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) để xét xử bị cáo dưới khung hình phạt mà lẽ ra bị cáo phải chịu là có căn cứ, đúng quy định pháp luật.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Phạm Văn S, đại diện hợp pháp của người bị hại là ông Mai Thanh H kháng cáo đề nghị giảm nhẹ hình phạt và cho bị cáo được hưởng án treo. bị cáo Phạm Văn S và ông Hùng trình bày sau khi xét xử sơ thẩm xong thì bị cáo có bồi thường thêm số tiền 30 triệu đồng. Tổng cộng số tiền bị cáo đã bồi thường là 170 triệu đồng, ngoài ra thì không còn tình tiết giảm nhẹ nào khác. HĐXX xét thấy việc bị cáo bồi thường thêm số tiền 30 triệu đồng không làm thay đổi bản chất của vụ án. Do đó kháng cáo của bị cáo và đại diện hợp pháp của người bị hại là không có căn cứ để chấp nhận, cần giữ nguyên bản án sơ thẩm.

[3] Các phân tích, nhận định nêu trên cũng là căn cứ để HĐXX chấp nhận đề nghị của vị đại diện Viện Kiểm sát tham gia phiên toà.

[4] Về án phí hình sự phúc thẩm: Bị cáo phải nộp 200.000 đồng.

[5] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 355 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017,

Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Phạm Văn S, đại diện hợp pháp của người bị hại là ông Mai Thanh H.

Giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số 45/2022/HS-ST ngày 21/9/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng.

Căn cứ vào khoản 2 Điều 123; điểm b, điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; khoản 1 Điều 54; Điều 38; Điều 48 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

[1]. Tuyên bố bị cáo Phạm Văn S phạm tội “Giết người”.

[2]. Xử phạt bị cáo Phạm Văn S 03 (Ba) năm tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt bị cáo thi hành án.

[3]. Về án phí hình sự phúc thẩm: Bị cáo Phạm Văn S phải nộp 200.000 đồng án phí hình sự phúc thẩm.

[4]. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

[5]. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

222
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội giết người số 104/2023/HS-PT

Số hiệu:104/2023/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 08/03/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về